Thánh Thể là tuyệt đỉnh lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và của Giáo Hội
Việc tham dự bí tích Thánh Thể, là điều không thể thiếu đối với cuộc sống Kitô, phải luôn luôn là điểm cao nhất trong toàn lời cầu nguyện của chúng ta.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 5.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ Tư 11-1-2012.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã nói về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, trong bối cảnh thời gian và tâm tình từ biệt các môn đệ bạn hữu của Chúa trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Phúc âm thánh Máccô kể lại rằng ngay từ lúc khởi đầu chuyến đi về Giêrusalem, tại các làng vùng Cesarea Philiphê Chúa Giêsu đã “bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại” (Mc 8,31). Khung cảnh của cuộc giã biệt đó là gần lễ Vượt Qua, kỷ niệm biến cố dân Israel được giải phóng khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập. Sự giải phóng ấy được kinh nghiệm trong quá khứ, được chờ đợi trong hiện tại và cho tương lai, trở lại sống động trong việc cử hành lễ Vượt Qua trong các gia đình Do Thái. Đức Thánh Cha giải thích sự mới mẻ việc Chúa Giêsu cử hành lễ Vượt Qua với các môn đệ như sau:
Bữa Tiệc Chiều cuối cùng được lồng vào bối cảnh này, nhưng với một sự mới mẻ trong khung cảnh. Chúa Giêsu nhìn về cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Sống Lại của Người, với tất cả ý thức tràn đầy. Người muốn sống Bữa Tiệc Chiều này với các môn đệ, với một tính cách hoàn toàn đặc biệt và khác với các bữa tiệc khác. Đó là Tiệc Chiều của Người, trong đó Người trao ban Cái Gì Đó hoàn toàn mới mẻ là Chính Người. Trong cách thức này, Chúa Giêsu cử hành lễ Vượt Qua của Người, và sống trước Thập Giá và sự Phục Sinh của Người.
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Sự mới mẻ đó được minh nhiên trong trình thuật Bữa Tiệc Chiều của Phúc Âm thánh Gioan. Chúa Giêsu cố ý khai mào một điều gì mới mẻ, cử hành lễ Vượt Qua của Người, gắn liến với các biến cố của cuộc Xuất Hành. Và đối với thánh Gioan, Chúa Giêsu chết trên thập giá đúng lúc trong đền thờ Giêrusalem các chiên con vượt qua được sát tế.
Nòng cốt Bữa Tiệc Chiều ấy là các cử chỉ bẻ bánh phân phát cho các môn đệ và chia sẻ chén rượu với các lời đi kèm, và trong bối cảnh lời cầu nguyện của việc thành lập bí tích Thánh Thể, là lời cầu nguyện cao cả của Chúa Giêsu và của Giáo Hội. Trước hết khi ám chỉ lời cầu nguyện dẫn nhập vào các cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu trên bánh và rượu, các truyền thống Tân ước về việc thành lập bí tích Thánh Thể (x. 1Cr 11,23-25; Lc 22,14-20; Mc 14,22-25; Mt 26,26-29) dùng hai động từ song song bổ túc cho nhau.
Thánh Phaolô và thánh Luca nói về việc tạ ơn - eucaristia. Thánh Luca viết: “Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông” (Lc 22,19). Trái lại hai thánh sử Máccô và Mátthêu nhấn mạnh khía cạnh chúc tụng - eulogia: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, đâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông” (Mc 14,22). Cả hai từ hy lạp “eucaristein” và “eulogein” đều quy chiếu về lời tạ ơn “berakha” Do Thái, nghĩa là lời cầu cảm tạ và chúc tụng lớn của truyền thống Israel mở đầu các bữa tiệc trọng đại. Hai từ Hy Lạp ám chỉ hai chiều hướng nội tại và bổ túc của lời cầu này. Thật thế lời cầu “berakha” trước hết là việc cảm tạ và chúc tụng dâng lên Thiên Chúa vì ơn đã nhận lãnh: trong Bữa Tiệc Chiều cuối cùng của Chúa Giêsu đó là bánh được tạo thành bởi bột mì mà Thiên Chúa cho nẩy mầm mọc lên từ đất và rượu được làm bởi nho chín. Lời cầu chúc tụng và cảm tạ này dâng lên Thiên Chúa trở lại như phước lành từ Thiên Chúa xuống trên của lễ và làm cho nó nên phong phú. Tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa, như thế, trở thành phước lành và của lễ dâng cho Thiên Chúa, trở lại với con người, được Đấng Toàn Năng chúc lành. Các lời thành lập Bí tích Thánh Thể nằm trong bối cảnh này của lời cầu nguyện; trong đó sự ngợi khen và chúc tụng berakha trở thành phước lành và biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: đi trước các lời thành lập bí tích Thánh Thể là các cử chỉ bẻ bành và trao chén rượu. Trước hết, chính chủ gia đình, người tiếp đón các thành phần khác vào bàn tiệc, là người bẻ bánh và trao rượu. Đây cũng là các cử chỉ của sự hiếu khách và tiếp nhận người xa lạ không phải là thành phần gia đình, vào sự hiệp thông bữa tiệc. Chính các cử chỉ ấy chiếm hữu được một sự sâu thẳm hoàn toàn mới mẻ trong Bữa Tiệc Chiều, qua đó Chúa Giêsu từ biệt các môn đệ: Người cho một dấu chỉ hữu hình của sự tiếp đón vào bàn ăn, trong đó Thiên Chúa tự ban chính mình, Chúa Giêsu trong bánh và trong rượu cống hiến và thông truyền chính Người.
Chúa Giêsu biết rằng sự sống của Người sắp bị lấy đi qua khổ hình thập giá là cực hình dành cho hạng nô lệ. Với bánh và rượu, mà Người cống hiến trong Bữa Tiệc Chiều cuối cùng, Chúa Giêsu thực hiện trước cái chết và sự sống lại của Người bằng cách thực hiện điều Người đã nói trong diễn văn về Vị Mục Tử Nhân Lành: “Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của Tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha Tôi mà Tôi đã nhận đươc” (Ga 10,17-19). Như thế, Người dâng hiến trước mạng sống của Người sẽ bị lấy đi, và trong cách thức đó Người biến đổi cái chết bạo lực của mình trở thành một cử chỉ tự do dâng hiến chính mình vì tha nhân và cho tha nhân. Bạo lực phải chịu biến thành một của lễ hiến tế tích cực, tự do và cứu rỗi. Đức Thánh Cha giải thích sự độc đáo việc tự hiến của Chúa Giêsu như sau:
Cái độc đáo sâu xa của việc hiến dâng chính mình cho các môn đệ, qua việc tưởng niệm Thánh Thể, là tột đỉnh lời cầu nguyện ghi dấu Bữa Tiệc Chiều từ biệt của Người với các môn đệ. Khi chiêm ngưỡng các cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu trong đêm đó, chúng ta thấy rõ ràng rằng tương quan mật thiết và liên lỉ với Thiên Chúa Cha là nơi trong đó Chúa Giêsu thực hiện cử chỉ để lại cho các môn đệ và từng người trong chúng ta, Bí tích của tình yêu.
Trong nhà Tiệc Ly vang lên hai lần các lời: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,24-25). Với việc trao ban chính mình, Chúa Giêsu cử hành lễ Vượt Qua của Người, bằng cách trở thành Chiên Con đích thật, và Người thành toàn tất cả phụng tự cũ. Chính vì thế thánh Phaolô mới khẳng định với các kitô hữu rằng: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta... Vì thế chúng ta hãy cử hành lễ... với bánh không men là lòng tinh tuyền và chân thật” (1 Cr 5,7-8).
Thánh sử Luca còn duy trì một yếu tố quý báu khác của Bữa Tiệc Chiều cuối cùng, cho phép chúng ta nhận ra sự sâu thẳm cảm động của lời cầu của Chúa Giêsu đối với từng môn đệ trong đêm từ biệt ấy. Vào cuồi bữa tiệc Chúa Giêsu hướng tới Phêrô và nói: “Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin sàng các con như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con để con khỏi mất lòng tin. Phần con, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của con nên vững mạnh” (Lc 22,31-32). Khi đến gần cơn thử thách của các môn đệ, lời cầu của Chúa Giêsu nâng đỡ sự yếu đuối của họ, sự vất vả của họ hiểu rằng con đường của Thiên Chúa đi qua mầu nhiệm Vượt Qua của cái Chết và sự Phục Sinh, đã được thực hiện trước việc dâng bánh và rượu. Thánh Thể là lương thực cho các người hành hương, và cũng trở thành sức mạnh cho người mệt nhọc, kiệt sức và mất hướng...
Khi tham dự bí tích Thánh Thể, chúng ta sống một cách ngoại thường lời cầu nguyện, mà Chúa Giêsu đã làm và tiếp tục làm cho từng người, để sự dữ mà tất cả chúng ta gặp trong cuộc sống không chiến thắng chúng ta và để cho sức mạnh biến đổi của cái Chết và sự Phục Sinh của Người hoạt động trong chúng ta. Trong bí tích Thánh Thể, Giáo Hội đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; x. 1 Cr 11,24-26); Giáo Hội lập lại lời cầu tạ ơn và chúc tụng, và với lời cầu ấy các lời truyền phép biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa... Ngay từ đầu, Giáo Hội đã hiểu các lời thánh hiến này như là phần của lời cầu nguyện được làm cùng với Chúa Giêsu; như là phần trung tâm của lời chúc tụng tràn đầy lòng biết ơn, qua đó hoa trái của đất và công việc làm của con người được Thiên Chúa ban trở lại cho chúng ta như là Mình và Máu Chúa Giêsu, như là sự tự hiến của chính Thiên Chúa trong tình yêu tiếp đón của Con Ngài.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Ngài chúc họ có những ngày hành hương sốt sắng và bổ ích, rồi cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô