Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua (2)

Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua (2)

3. Sau năm 1954:
Với biến cố đất nước bị chia đôi năm 1954, sinh hoạt Thánh Nhạc cũng có sự khác biệt giữa hai miền Bắc – Nam:
a/ Tại miền Bắc: theo những chứng nhân kể lại, giai đoạn đầu chỉ sử dụng những bài Thánh Ca đã được phổ biến từ trước, về sau, nhất là sau Công Đồng Vatican II. Một số vị như: Cha Hùng Sĩ ở Phát Diệm, Cha Dung, cha Thẩm ở Bùi Chu đã cố gắng phổ nhạc và phổ biến chuyền tay những Ca Nhập Lễ, Ca Hiệp Lễ, Thánh Vịnh Đáp Ca để đáp ứng nhu cầu Phụng Vụ. Đặc biệt nhất là tại Hà Nội, Đức Hồng Y TRỊNH VĂN CĂN đã qui tụ một số người để cùng với ngài hoàn thành 3 tập THÁNH CA (Tập IV in năm 1986) để phổ biến lại cho đúng một số bài đã có trước, giới thiệu các Bộ lễ, các Ca Nhập lễ, Thánh vịnh Đáp ca và Ca Hiệp lễ của một số lễ Trọng, lễ Kính, lễ tùy trường hợp… Sưu tầm một số cung kinh, cung sách, các điệu Dâng Hoa… Đây thật là một công trình đáng tôn trọng, giúp ích rất nhiều cho cả miền Bắc trong nhiều năm cử hành Phụng Vụ sốt sáng.
b/ Tại miền Nam: sau một thời gian ngắn ổn định, các nhạc đoàn qui tụ lại và tiếp tục hoạt động. Nhạc Đoàn LÊ BẢO TỊNH cho xuất bản Cung Thánh 13, 14 rồi 15… 16 với nhiều đoàn viên mới, Cung Thánh Hợp Tuyển, Cung Thánh Tổng Hợp rồi Tổng Hợp Tân Biên; Nhạc Đoàn Sao Mai với Ca Vịnh Giáng Sinh rồi CA VỊNH HỢP TUYỂN, Nhạc Đoàn Tiếng Chuông Nam với Hương Nhạc tập IV rồi tập V….đồng thời thấy xuất hiện:
– Nhạc Đoàn THÁNH GIA với nhạc trưởng là Cha Huyền Linh cho xuất bản 2 tập Thánh Nhạc, tập I, tháng 4 năm 1957 và tập II, tháng 11 cùng năm. Ngoài một số vị đã từng cộng tác với cha Huyền Linh trong nhóm Minh Nhạc trước đây, ta thấy xuất hiện những tên tuổi mới như Phạm đình Nhu, Triệu Hà, Thu Sơn, Anh Linh…
– Nhạc Đoàn Á Thánh Philipphê PHAN VĂN MINH, với đoàn trưởng là Cha NGUYỄN VĂN THẢNH giới thiệu 2 tập PHỤNG CA. Sau đó là 3 tập GIÁO NHẠC được xuất bản. Tập I ra mắt tháng 8  năm 1957 với 26 bài, gồm những bài về Thánh lễ, Thánh Thể, Đức Mẹ và một số bài khác. Trong Thay Lời Tựa, nhạc đoàn Phan Văn Minh thân thưa: “Sau rất nhiều cố gắng, nhạc đoàn Phan Văn Minh được công khai góp tiếng với “rừng nhạc” đang sẵn có để ca khen Thiên Chúa,…một ít hoa quả đầu mùa của vườn Giáo nhạc Đồng Nai, với những sắc hương riêng của nó.” Tháng 11 năm 1957, Giáo Nhạc tập II ra đời (tập thánh ca đặc biệt về Mùa Vọng và Sinh Nhật) với phần phụ lục Ca-nhạc-kịch: Đêm Sinh Nhật. Giáo Nhạc tập III xuất bản năm 1961 gồm 52 kinh hát đủ loại.
Rất nhiều nhạc sĩ mới trình làng trong thời gian này, trước hết phải kể tới: APNC Trần Văn Nhơn, Cha Trọng Nghĩa, cha Thanh Nguyên, cha Minh Hùng, Cha Hương Tiến, Sơn Ngọc Túy, cha Thanh Ngã, Vũ Hòa Đức, Ánh Hùng, Ngoại Châu và cha Nguyễn Văn Thảnh.
Cha HOÀNG DIỆP, CSSR. Nhắc đến tên gọi của linh mục nhạc sĩ Hoàng Diệp thì rất ít người biết đến, nhưng nhắc đến tác giả của bài thánh ca bất hủ “Kìa Bà Nào Đang Tiến Lên…” thì ai cũng biết, vì đã quá thuộc lòng bài hát đẹp này. Cha Hoàng Diệp đã để lại cho nền thánh nhạc Việt Nam nhiều tác phẩm thánh ca đã được tuyển chọn và phổ biến. Có thể kể đến các tập thánh ca của ngài như: Thánh Ca tuyển tập 1, Thánh Ca tuyển tập 2, Dao Ca tuyển tập, Trường Ca thánh khúc, và 2 tập thơ đạo.
Cha VINH HẠNH. Ngài sáng tác thật sớm khi mới 17-18 tuổi với bài “Tận Hiến” (Giờ đây êm ái nhất cả đời con…). Sự nghiệp sáng tác thánh ca của ngài được khoảng 100 bài, và in trong cuốn Hương Thánh Kinh I và II, năm 1963.
Có lẽ ngài là một trong những nhạc sĩ tiên phong viết lời ca dựa theo ý lấy từ trong Kinh Thánh, Phụng Vụ và Truyền Thống. Và lời ca như vậy sẽ có tính giáo lý và thần học chắc chắn như nhận xét của Ủy ban Kiểm duyệt Ca Nhạc Công Giáo Tòa Giám Mục Sàigòn, ngày 23-10-1960, đã viết: “Xét đại cương, tác giả thường dựa theo ý thánh vịnh hoặc những bài ca phụng vụ truyền thống trong Giáo Hội, nên ý tứ dồi dào chắc chắn.” Linh mục nhạc sĩ Vinh Hạnh cũng đề xướng những hình thể khác nhau trong thánh ca từ hơn 30 năm nay, cần được nghiên cứu và làm cho hoàn chỉnh hơn ở những lớp nhạc sĩ kế thừa.
Những tác phẩm thánh nhạc tiêu biểu của ngài gồm có: Ngày Ấy, Hãy Vùng Đứng, Đâu Có Tình Yêu Thương, Xin Chúa Thánh Thần Ngự Đến, Ôi Thần Linh Chúa, Giờ Đây Êm Ái, Tấu Lạy Bà, Kìa Ai, Lạy Chúa xin Cho Lời Con (bài hát này là một trong những bài kinh điển mà các lớp ca trưởng thánh nhạc sử dụng để học về đánh nhịp), Chúa Khoan Nhân, Hát Lên Một Bài Ca Mới.
Nói chung, ngài đã thổi một luồng gió mới vào Thánh ca Việt Nam khi cho xuất bản HƯƠNG THÁNH KINH, tập I rồi tập II, bởi trước đây, các bài Thánh ca thường được diễn ý theo kinh nguyện và qua những cảm tình cá nhân bộc phát, Hương Thánh Kinh đã giúp giáo dân hát và cầu nguyện với những bản văn Thánh Kinh như Thánh Vịnh, Thánh ca Tân Cựu Ước…giai điệu của ngài mang một sắc thái mới, đậm nét bình ca và không bị ràng buộc của luật cân phương...
Nhóm SUỐI NHẠC. Do cha TIẾN DŨNG  chủ trương, lần lượt cho in tại Rôma rồi gửi về Việt Nam phổ biến, những tập: HÁT LÊN BÀI CA MỚI, TRĂM TRIỆU LỜI CA, BÀI CA SUY TÔN và BÀI CA VÔ TẬN (in tại VN) với kỹ thuật hoàn chỉnh nhưng ngắn gọn, lời ca trau chuốt…những tên tuổi mới như THIỆN CẨM, NGUYỄN VĂN HOÀ, PHƯƠNG QUANG… rồi GIOAN MINH, PHẠM MINH CÔNG cũng được đón nhận nồng nhiệt. Sau này, khi về nước Cha Tiến Dũng còn nhận trách vụ là Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Nhạc, làm Giám đốc trường Suối Nhạc đào tạo nhiều thế hệ nhạc sinh cho Giáo Hội.
Trước đây, năm 1957, mấy nhạc sĩ như Tiến Dũng, Phương Quang đã cho in từ Rôma và gửi về Việt Nam phổ biến tập NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH.
Nhóm TÂN CA với 3 tên tuổi chính là cha ĐINH QUANG TỊNH, CHÍNH TRUNG (Đinh Văn Trung) và HÙNG MINH… giới thiệu 3 tập TÂN CA với nhiều bài được phổ biến.
CHÚC TỤNG CHÚA (2 tập) do Đại chủng viện Sàigòn thâu góp những sáng tác của các sinh viên và cựu sinh viên. Ta ghi nhận một vài tên tuổi mà sau này hay được nhắc tới: DAO KIM, VĂN CHI, OANH SÔNG LAM, DUY THIÊN…
Nhiều tác giả độc lập cũng được biết tới trong thời kỳ này, như:
+ Linh mục nhạc sư KIM LONG. Tên tuổi của ngài luôn được gắn liền với những tập CA LÊN ĐI (25 tập) được phổ biến khắp nơi.
Sinh tại Bắc Việt ngày 1 tháng 9 năm 1941, đến năm 16 tuổi (1957) ngài đã viết bài thánh ca đầu tiên CON HÂN HOAN. Hai năm sau (1959) xuất bản tập nhạc SUỐI THIÊNG. Và đến khi KINH HÒA BÌNH (lời ca: Thánh Phanxicô Assidi) được vang lên khắp nơi, danh tiếng Ngài luôn được nhắc đến.
Từ năm 1961, những tập CA LÊN ĐI (từ tập 1 đến 25) được lần lượt xuất bản đã thu hút các ca trưởng và các ca đoàn. Bởi vì, các sáng tác trong các tập này vừa giàu cảm xúc về lời ca (có khi là những thánh vịnh, có khi là những lời nguyện truyền thống, có khi từ những ý tưởng thần học và giáo lý,v..v..) , vừa đẹp về giai điệu dễ đi vào lòng người và khơi dậy tâm tình cầu nguyện của cộng đoàn phụng vụ.
Trong lĩnh vực sáng tác, ngoài 25 tập Ca Lên Đi, ngài còn đóng góp nhiều nhạc phẩm khác nữa. Trong số đó cần phải kể đến: 2 tuyển tập Hợp ca Ca Lên Đi (1979-1980), 10 tập Bài Ca Suy Niệm, Thánh Vịnh Đáp Ca, v..v..
Trong lĩnh vực giáo dục âm nhạc, linh mục nhạc sư Kim Long, đã biên soạn những giáo trình giảng dạy về: Nhạc lý căn bản, Luyện tiếng, Hòa âm 1, 2, 3, Đối âm 1, 2, Hướng dẫn đánh nhịp, Một vài kinh nghiệm để viết thánh ca…
Trong lĩnh vực đào tạo: sau khi tốt nghiệp Thánh nhạc tại Rôma, linh mục Kim Long về nước vừa giảng dạy, vừa đào tạo nhân sự thánh nhạc cho Giáo hội Việt Nam ở nhiều nơi.
Linh mục Kim Long cũng là người đầu tiên có sáng kiến thành lập một Thư viện Thánh Nhạc cho toàn quốc. Không chỉ có sáng kiến, ngài còn dành tất cả những gì có (từ tài chánh đến tư liệu thánh nhạc) xây dựng được Thư Viện Thánh Nhạc đầu tiên tại Việt Nam. Thư viện tọa lạc tại quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh.
Nói về linh mục nhạc sư Kim Long, trong lời giới thiệu Tuyển tập CA LÊN ĐI (1000 ca khúc phổ thông) xuất bản năm 2001, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, giám mục giáo phận Phú Cường, chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã viết: “Nói tới những bài hát của Kim Long, có lẽ tất cả những ai đã từng ca hát trong nhà thờ, trong những buổi kinh lễ, đều đã hát qua…Phải nói đây là một thiên tài Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam. Cha không chỉ có hồn nhạc, mà còn được học đến nơi đến chốn về thánh nhạc, nên những bài hát của cha vừa giúp ta sốt sắng cầu nguyện, vừa giúp cho việc cử hành các nghi thức phụng vụ cách tích cực và hữu hiệu nữa….Cho tới nay con số các bài hát đã lên trên 2000, trong đó gồm đủ loại về thánh ca, từ những ca khúc đơn sơ ngắn gọn, cho những bài hợp ca nhiều bè; từ những ca nguyện thích hợp để hát trong những buổi đọc kinh cầu nguyện thông thường cho tới những bộ lễ, những thánh vịnh đáp ca, những tiền xướng được sử dụng trong những cử hành phụng vụ chính thức của Giáo Hội, vừa theo Mùa, vừa theo các ngày lễ trong lịch phụng vụ…
+ PHẠM LIÊN HÙNG với những tập BÀI CA MỚI.
Linh mục nhạc sĩ Phạm Liên Hùng cùng lớp chủng viện với linh mục nhạc sĩ Kim Long. Nhạc sĩ Phạm Liên Hùng đã cho ra đời 3 tuyển tập thánh ca có tên là “Bài Ca Mới” và tuyển tập các bài thánh ca được viết thêm phần đệm đàn trong phụng vụ. Ấn bản đầu tiên “Bài Ca Mới” xuất hiện năm 1974. Cho đến nay ngài đã thực hiện 3 tuyển tập mang tên Bài Ca Mới.
Trong ấn bản đầu tiên, người ta ghi nhận sự cộng tác của các nhạc sĩ: Hy Bắc, Trọng Tín, Vũ Hùng Tôn và Đàm Ninh Hoa.
Nội dung: 1- Thánh Lễ: 47 bài; 2- Thánh Thể: 22 bài; 3- Ca Nguyện: 24 bài; 4- Đức Mẹ: 10 bài; 5- Các Thánh: 6 bài; 6- Linh mục-Tận Hiến: 11 bài; 7- Phụng Niên: 16 bài và phụ chương: Bộ Lễ, Thánh Lễ Hôn Nhân và Cầu Hồn.
Cũng còn phải kể đến trước hết là 2 tập ĐOẢN KHÚC (Bản đàn Phụng vụ) gồm những nhạc phẩm không lời, vắn gọn, bình dân để dạo đàn trước Ca nhập lễ, trong Hiệp lễ, khi Kết lễ, trước và trong phép lành Thánh Thể. Sau là tậpTrường Ca GIÁNG SINH,  và Thánh Ca HỢP XƯỚNG.
Ngài là một trong các linh mục nhạc sĩ có công lớn với nền thánh nhạc giáo phận Xuân Lộc.
HUYỀN LINH với tập Hát lễ TẤT CẢ NHỜ MẸ
HOÀNG KIM với tập HỌP MỪNG VƯỢT QUA, rồi sau này 2 tập Thánh Vịnh Huyền Ca với nhiều nét đặc trưng đáng ghi nhớ.
Trong phần “Lời Nói Đầu” của tuyển tập THÁNH VỊNH HUYỀN CA linh mục An-rê Đỗ Xuân Quế viết: “Ngay từ hồi còn học Phụng Vụ và Thánh Nhạc, cha đã sáng tác một số thánh ca, đáp ứng một nhu cầu ngày càng bức thiết, đặc biệt từ Công Đồng Va-ti-ca-nô 2, từ khi được sử dụng tiếng bản xứ để cử hành phụng vụ. Các bản thánh ca của cha, xuất phát từ những bản văn Kinh Thánh và Phụng Vụ, được lồng vào những cung điệu có màu sắc dân tộc khiến người hát hay người nghe cảm thấy gần gũi. Nét độc đáo của cha là ở đó. Vào đầu thập niên 70, khi tập “Họp Mừng Vượt Qua” ra đời, cha Hoàng Kim đã trở thành một nhạc sĩ quen thuộc trong giới Công Giáo Việt Nam.”
Ngoài ra, Linh mục nhạc sĩ Hoàng Kim còn sử dụng tài tình giai điệu của một số bản thánh ca ngoại quốc để phổ lời Việt, như bài “Chúa Hiển Trị” (nhạc Pháp).
Ngài đã đóng góp vào trong kho tàng thánh nhạc Việt Nam những tác phẩm nổi tiếng: “Một Bài Ca Mới”, “Chúa Đã Làm Cho Tôi”, “Thiếu Nữ Sion”, “Vang Lên Muôn Lời Ca”, “Lạy Chúa Xin Sai Thánh Linh”, “Con Hãy Nhớ Rằng”, nhất là tập nhạc Tuần thánh và Phục sinh “Họp Mừng Vượt Qua”.
THÀNH TÂM. Một xu hướng mới xuất hiện từ ca đoàn ALLELUIA của Học Viện dòng Chúa Cứu Thế - Đàlạt, chịu ảnh hưởng từ nhạc sinh hoạt công giáo phát xuất từ Pháp mà người khởi xướng là cha Duval. Những bài hát được mệnh danh là NHẠC ĐẠO VÀO ĐỜI của Thành Tâm, Sĩ Tín, Hoàng Đức….tạo bầu khí vui tươi, phấn khởi cho giới trẻ… và được nhiều người tiếp tay. Nhưng khi đưa vào sử dụng trong Phụng Vụ, không được gạn lọc cẩn thận (nhiều điệu mang nặng tính kích động), nhất là khi trình tấu rất dễ mang tính biểu diễn, khiến nhiều người am tường thánh nhạc lo âu.
Tưởng cũng nên nhắc lại: Trong thời kỳ này, khoảng đầu thập niên 60, vì thấy những bài Thánh Ca có nhiều sai sót đối với những qui định của Hội Thánh, nên Đức Cha Simon Hoà-Hiền đã ra thông cáo buộc các bài Thánh ca phải xinImprimatur mới, nếu muốn được tiếp tục sử dụng.
Cũng phải nhắc tới sự đóng góp của các nhạc sĩ cung ứng theo nhu cầu Phụng Vụ khi Công Đồng Vatican II cho sử dụng thường ngữ, những bộ lễ như SÉRAPHIM của Gm. Nguyễn văn Hoà, CA LÊN ĐI, 2-3 của Lm Kim Long…. Các bài hát mới dùng tạm thay thế Ca Nhập Lễ, Hiệp Lễ… của các nhạc sĩ như Xuân Thảo, Nguyên Hữu.
4. Sau năm 1975
Khi đất nước được thống nhất, sinh hoạt thánh ca của hai miền lại hội chung, tưởng cần ghi nhận mấy điểm sau đây:
a/ Vấn đề bị bỏ ngỏ: Trước tình hình mới, hầu hết các Toà Giám Mục không dám cho IMPRIMATUR các sách đạo, nên các nhạc sĩ tự do sáng tác và tự do in ấn (Ronéo) để phổ biến… Do đó, có thể nói, đã xảy ra một cảnh không mấy tốt đẹp trong sinh hoạt Thánh Ca, mà sau này, khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được sinh hoạt chính thức, đã đặt vấn đề và yêu cầu Ủy Ban Thánh Nhạc phải ổn định.
b/ Những đóng góp đáng ghi nhận: Trong cảnh không mấy trật tự đó, cũng cần ghi nhận một số nhạc sĩ vẫn nhiệt tâm thiện chí đóng góp công sức để phổ biến những ca khúc theo đúng qui định của Hội Thánh, như: Văn Chi với những tập TRẦM KHÚC HOAN CA (mới đây đã in thành Tuyển Tập phổ biến ở Mỹ và Úc), Dao Kim với KINH NGỌC, Viết Chung với những tập như: CHÚA XUÂN, CHÚT TÌNH CỎ HOA, CA MỪNG ƠN CỨU ĐÔ, Nguyễn Duy với những tập NHẠC KHÚC THIÊN ĐƯỜNG (mới đây đã gom lại trong 2 Tuyển tập), Ngọc Linh với 2 tuyển tập “HỢP XƯỚNG THÁNH CA” và “CA KHÚC THÁNH CA”, Phanxicô với “CÁT BIỂN SAO TRỜI”, Anh Tuấn với “CẢM MẾN TÌNH NGÀI”, (trước đây các nhạc sĩ này đã góp sức trong những tập NGUYỆN CA), Trầm Hương với tập CHÚA ĐÃ YÊU CON…
c/ Chung Lời Ngợi Ca:
Vào khoảng năm 1985, trước nhu cầu ca hát của cộng đoàn phụng vụ muốn có những bài thánh ca mới phù hợp với đường hướng thánh nhạc của Giáo hội: có tính cộng đồng, lời ca bắt nguồn từ Thánh Kinh và Phụng Vụ, linh mục nhạc sư Kim Long đã đề xướng cùng nhau thực hiện tuyển tập những sáng tác thánh ca mới. Các nhạc sĩ thân hữu và các học trò của ngài đã đồng thanh hưởng ứng. Ý tưởng này đã được linh mục Kim Long trình bày ở lời ngỏ trong tuyển tậpChung Lời Ngợi Ca đầu tiên như sau: “Đã từ lâu, tôi muốn những người thân quen Chung Lời trong những bài Ngợi Ca Thiên Chúa…nhưng tôi vẫn ngại, chưa một lần ngỏ ý. Nay tôi không ngờ, khi vừa lên tiếng là tất cả đều đồng tình… do đó tập nhạc được gửi tới quý vị để xin cùng chúng tôi CHUNG LỜI cho bài NGỢI CA được vang vọng khắp nơi…
Qua ý tưởng khởi đầu đó, các tên tuổi sáng tác quen thuộc trong làng thánh nhạc đã được quy tụ, họ là những người bạn, và nhất là những học trò của ngài, ở khắp mọi miền đất nước, đông nhất vẫn là ở giáo phận Tp. Hồ Chí Minh. Việc hưởng ứng này cứ mỗi ngày mỗi gia tăng từ tuyển tập 1 cho đến tuyển tập 5, cả về người tham gia viết, cũng như số lượng bài mới. Việc làm này trong mục đích gần: có những bài thánh ca được xem xét cẩn thận về nhạc và về lời ca để phục vụ cộng đoàn; trong mục đích xa: dấy lên phong trào kêu gọi những người có khả năng chuyên môn nỗ lực và tích cực đóng góp những bài hát mới vừa đúng, vừa hay, ngõ hầu làm cho kho tàng thánh nhạc Việt Nam thêm phong phú.
Tất cả những cố gắng đơn thành của Nhóm Chung Lời Ngợi Ca (Xin tạm gọi như thế) là mong được cộng tác và làm việc chung với nhau. Từ đó gây ý thức nơi các nhạc sĩ và các nhà hoạt động thánh nhạc tính tập thể và tính cộng đoàn trong bổn phận cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu.
Từ Chung Lời Ngợi Ca 1, khoảng 10 nhạc sĩ với 50 bài thánh ca, cho đến Chung Lời Ngợi Ca 2, 3, 4, 5, con số nhạc sĩ tham gia là 65 người, với tổng số trên dưới 400 bài thánh ca mới.
Thành phần có mặt trong những Tuyển tập Chung Lời Ngợi Ca rất đa dạng: có các linh mục nhạc sĩ bậc thầy như: Tiến Dũng, Đinh Quang Tịnh, Kim Long; có những nhạc sĩ lão thành như cha Đỗ Xuân Quế, Phạm Liên Hùng, Duy Ân Mai; có những nhạc sĩ linh mục thế hệ đàn em như: Huy Hoàng, Mai Thiện, Ân Đức, Hoài Bắc, Nguyễn Duy,v.v...; có các nữ tu, như: Thiên Thanh, Thiên Hương, Thu Hương…; có những tên tuổi khá trẻ trung, như: Phanxicô, Hải Triều, Cát Minh, Anh Tuấn, Ngọc Linh; và các thầy đại chủng viện đang chuẩn bị lãnh chức linh mục…
Những sáng tác này bao hàm nhiều chủ đề trong Phụng vụ: Năm và Mùa Phụng vụ, cử hành các bí tích, các lễ kính Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, các Lễ Truyền thống Dân tộc, các Thánh vịnh, Thánh ca Tân ước, Cựu ước, có cả những bài thơ của linh mục thi sĩ Xuân Ly Băng được phổ nhạc.
Theo đánh giá của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục đặc trách thánh nhạc thuộc HĐGMVN, cũng như của nhiều bậc chuyên môn, những tuyển tập Chung Lời Ngợi Ca, xứng đáng có một chỗ đứng trong nền Thánh nhạc Việt Nam, vì những bài ca trong các tuyển tập này được nhiều cộng đoàn sử dụng.
d/ Nhạc Taizé:
Từ năm 2000, tại ĐCV thánh Giuse, Tp. HCM người tín hữu công giáo được mời gọi đến tham dự giờ cầu nguyện được tổ chức mỗi tối thứ Ba hằng tuần. Giờ cầu nguyện này được đặt tên là Giờ Cầu Nguyện Theo Cộng Đoàn Taizé.Cầu nguyện Taizé là hình thức cầu nguyện Đại Kết Taizé phổ biến. Đây là một Cộng Đoàn chiêm niệm do thầy Roger Schutz (thuộc giáo hội Tin Lành) sáng lập năm 1940, tại ngôi làng nhỏ Taizé, kế bên sườn đồi Bourgogne (miền Trung nước Pháp), cách Cluny khoảng 10 kilômét.
Hằng năm, nhất là những tháng hè, mỗi tuần có khoảng từ 3.000 đến 6.000 bạn trẻ từ 80 quốc gia khác nhau đến Taizé cầu nguyện. Để cho các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới với những ngôn ngữ khác nhau có thể tham dự vào giờ cầu nguyện, các thầy Taizé đã nghĩ ra một phương cách: những lời cầu nguyện là những câu Lời Chúa dưới dạng một câu hát ngắn (âm nhạc giúp giới trẻ cầu nguyện dễ hơn), được lập đi lập lại nhiều lần. Vì thế làm nổi bật đặc tính suy niệm của loại nhạc này. Đã có những chuyên viên ngoại quốc viết loại nhạc cầu nguyện này và đã tuyển chọn được 5 tập nhạc Taizé.
Mặc dầu ngôn ngữ Việt Nam có sáu dấu giọng, nên việc đặt lời Việt vào giai điệu Taizé gặp nhiều khó khăn khi phải trung thành với bản văn Kinh thánh, nhưng cho đến nay, nhiều bài hát Taizé đã trở nên quen thuộc, như Jesus, Remember me! (Lạy Ngài dủ thương đoàn con…!; Kyrie Eleison (Vạn lạy Chúa, xin thương xót); Alleluia; Mến Yêu…và một số nhạc sĩ thánh nhạc Việt Nam cũng đang thích ứng với phong cách cầu nguyện Taizé trong khi sáng tác các bài hát mới, ngắn gọn, và đơn giản.
Không thể không nói tới một số Ban Thánh Nhạc GP hoạt động rất tích cực trong giai đoạn này:
– Ban Thánh Nhạc giáo phận NHA TRANG. Sinh hoạt thường xuyên, khích lệ sáng tác, giới thiệu các Tuyển Tập để dùng theo đúng Phụng Vụ. Đặc biệt là những tập BÀI CA Ý LỰC do linh mục nhạc sĩ Phương Anh chủ biên theo yêu cầu của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa. BÀI CA Ý LỰC gồm những bài ca ngắn, đơn giản giúp cộng đoàn hát và ghi nhớ ý chính của Phụng Vụ Lời Chúa các Chúa Nhật và Lễ Trọng. Bên cạnh đó cha Mi Trầm và Ban Thánh nhạc thu tập 2 bộ THÁNH CA theo mùa phụng vụ (năm A,B và C), được sắp xếp dựa theo nội dung các bài đọc ngày Chúa nhật, và các chủ đề khác như Tận hiến, Linh Mục, Hôn Phối, Cầu Hồn, Xuân,v.v… Đặc biệt năm 2009 đã ra mắt tuyển tập “Trăm Triệu Lời Ca” của đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà và Tập sách “Bài Ca Lời Chúa ABC”.
– Ban Thánh Nhạc giáo phận TP. HỒ CHÍ MINH. Đứng trước tình hình sáng tác và sử dụng Thánh nhạc trong giáo phận (từ năm 1975 trở về sau) có những điểm đáng mừng nhưng lại cũng có nhiều điểm đáng ngại, nên vào khoảng năm 1985-1986, Đức cố Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã chỉ định cha Anrê Đỗ Xuân Quế tái lập Ban thánh nhạc giáo phận để duyệt xét lại các bài ca đang lưu hành, phân loại, chọn lựa và giới thiệu những bài thánh ca đích thực; đồng thời phổ biến giáo huấn của Giáo hội về Thánh nhạc. Ban Thánh nhạc cũng đã thực hiện tuyển tập các văn kiện liên quan đến thánh nhạc; các bài viết bàn về thánh nhạc. Ngoài việc cổ võ sinh hoạt và phổ biến những qui định của Hội Thánh về Thánh nhạc, quí Ban còn cho xuất bản đều đặn hằng tháng nội san HÁT LÊN MỪNG CHÚA,
Nội san HÁT LÊN MỪNG CHÚA với số đầu tiên ra mắt vào tháng 10 năm 1995, và đã ra được tất cả 95 số báo. Đây là một bộ tài liệu tương đối đầy đủ gồm nhiều trang mục chính thống và thiết thực (có tính mục vụ cao), với những bài vở của những nhà chuyên môn về Kinh thánh, Phụng vụ và Thánh nhạc. Mỗi tháng, nội san giới thiệu nhiều chuyên mục thường xuyên cho các ca trưởng, các ca đoàn và những nhà hoạt động thánh nhạc. Chẳng hạn: vấn đề thánh nhạc:giới thiệu, tìm hiểu, giải thích và áp dụng các thông điệp, huấn thị và thông cáo liên quan đến thánh nhạc và phụng vụ; thân thế và sự nghiệp các nhạc sĩ; thánh ca phụng vụ; những sáng tác mới; mục vụ Chúa nhật và Đại lễ.
Ngoài ra, Ban thánh nhạc đã bàn bạc và xin phép ấn hành 2 tuyển tập các bài thánh ca cũ và mới (xuất bản năm 1990), nhằm mục đích tiện dùng cho các giáo dân trong các thánh lễ và các buổi cầu nguyện.
– Ban Thánh nhạc giáo phận Xuân Lộc. Từ ngày thành lập Giáo phận, Ban thánh nhạc giáo phận Xuân Lộc luôn có một linh mục phụ trách thánh nhạc để giúp giám mục trong lĩnh vực này. Đầu tiên là cha Gioan Baotixita Mai Văn Điệu, rồi đến cha Gioan Phạm Đình Nhu và năm 1972, cha Vicentê Phạm Liên Hùng.
Năm 1990, Ban thánh nhạc được hình thành và mở rộng. Tiếng kèn, tiếng hát đã vang lên, đặc biệt trong các đại lễ cấp giáo phận. Được như thế là nhờ nỗ lực và đóng góp tích cực của các tiểu ban: tiểu ban sáng tác và phổ biến (Cha Vương Diệu), tiểu ban huấn luyện (Cha Bênêđitô Nguyễn Hưng), tiểu ban sinh hoạt: thuyết trình - học hỏi - liên hoan(Cha Giuse Vũ Anh Thu), tiểu ban nhạc kèn (Cha Giuse Bùi Văn Viễn), tiểu ban Thánh nhạc Tuần Tĩnh Tâm (Cha Giacôbê Lâm Văn Thế.
Nhằm nâng cao trình độ và giúp các ca đoàn có điều kiện phục vụ hữu hiệu hơn, từ năm 1992 đã mở các lớp nhạc ngắn và dài hạn tại các giáo xứ. Đầy thiện chí và lòng ưu ái dành cho các giáo xứ, Ban Thánh nhạc giáo phận không ngừng khích lệ và hỗ trợ trong tinh thần “lo lắng duy trì và cổ võ kho tàng thánh nhạc” (Hiến chế Phụng vụ, 114). Cụ thể là 5 cuốn Tôn Vinh Chúa kèm theo băng nhạc và 4 tập chủ đề Năm Thánh 2000 kèm theo băng nhạc.
Để có điều kiện giao lưu, học hỏi và tạo bầu khí phấn khởi, Ban Thánh Nhạc đã tổ chức những buổi gặp gỡ các ca đoàn, nhạc đoàn tại hạt, các khu vực hoặc trên cấp giáo phận.
Ban thánh nhạc Xuân Lộc là một trong những Ban thánh nhạc giáo phận đi đầu trong việc phối khí các bài thánh ca và giới thiệu các bài soạn cho ban kèn được chính thức trình tấu trong phụng vụ. Tiếng kèn trổi lên, liên hoan hợp xướng thánh ca đã khiến cho “điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể” (Hiến chế Phụng vụ, 114) – (Xem: Kỷ Yếu Giáo Phận Xuân Lộc 1965 – 2003, xuất bản tháng 11 – 2003, trang 85).

5. ỦY BAN THÁNH NHẠC TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
Từ khi được thành lập, qua bốn đời Đức Cha đặc trách, với sự cộng tác của các Phó Ban và các Tổng thư ký, các ủy viên, Ban Thánh nhạc các Giáo phận đã góp phần tích cực cổ võ, chấn chỉnh và hướng dẫn sinh hoạt Thánh nhạc qua trên 24 cuộc Đại Hội và Hội Thảo (Thành phần tham dự: Ban thường vụ Ủy ban Thánh nhạc toàn quốc; Các Trưởng Ban Thánh nhạc của 26 Giáo phận; Các giáo sư đặc trách Thánh nhạc của 7 Chủng viện; Trưởng Ban Thánh nhạc các Hội dòng chính (thông qua Đức Giám mục đặc trách các Hội dòng); Các thành viên của Câu lạc bộ những người viết Thánh ca; Ban giảng viên các lớp đào tạo Thánh nhạc tại Trung tâm Mục vụ; Các nhạc sĩ Thánh nhạc đã từng cộng tác với Ban Thánh Nhạc từ trước đến nay; Các linh mục, tu sĩ và các nhạc sĩ đã cộng tác với các kỳ Đại Hội Thánh Nhạc, phổ biến nội san HƯƠNG TRẦM, thành lập CÂU LẠC BỘ NHỮNG NGƯỜI VIẾT THÁNH CA, phổ biến những tập nhạc đáp ứng nhu cầu Phụng Vụ….. và đang chuẩn bị những TUYỂN TẬP THÁNH CA VIỆT NAM, để giới thiệu những bài Thánh ca giá trị và đáng được sử dụng chính thức. Các hoạt động của Ủy Ban Thánh Nhạc toàn quốc trong những chục năm qua đã được ghi lại trong nội san HƯƠNG TRẦM.
a/ Nội san HƯƠNG TRẦM
Đây là nội san thánh nhạc chính thức của Ủy ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được phổ biến không định kỳ. Trong “Lời Giới Thiệu” trên trang đầu của Nội san số 1, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Đặc trách Thánh nhạc (nay gọi là Chủ tich UBTN. HĐGM.VN), đã viết: “Nội san HƯƠNG TRẦM do Ban Thánh nhạc Việt Nam chủ trương nhằm phổ biến các hướng dẫn về thánh nhạc, hầu cung cấp tài liệu cho các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, nhạc sĩ, ca trưởng, ca viên, mọi thành phần Dân Chúa và tất cả những ai quan tâm tới Thánh Nhạc. Nội dung gồm:
– Các bài thuyết trình về thánh nhạc
– Phần thảo luận tiếp theo các bài thuyết trình
– Các văn kiện và văn thư Tòa Thánh liên quan tới Thánh Nhạc
– Diễn đàn bốn phương (thơ, nhạc, họa, bình luận, nghiên cứu…)
Ước mong nội san mang lại những kiến thức cần thiết về Thánh Nhạc đồng thời cũng là nơi quy tụ mọi nỗ lực trong lãnh vực này để đạt tới mục đích thật của Thánh Nhạc là “tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu (Huấn thị về âm nhạc trong phụng vụ, số 4).”
Như vậy mục đích của HƯƠNG TRẦM là mở rộng cho mọi người hiểu biết về những vấn đề liên quan đến thánh nhạc và mời gọi mọi người cùng cộng tác để góp phần xây dựng nền thánh nhạc ngày thêm phong phú trong Giáo Hội và dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.
Từ số đầu tiên ra ngày 29-6-1996 đến nay là 9 số, ta có thấy được từng bước đi vững chắc theo đúng đường hướng và mục đích mà Hương Trầm đã đề ra. Một số đề tài đã được thuyết trình và được ghi lại. Những đề tài này đã được các hội thảo viên thảo luận, đóng góp và trao đổi với các thuyết trình viên. Do đó đem lại nhiều hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển thánh nhạc tại Việt Nam. Sau đây là một số đề tài đã được thuyết trình:
(1) Bản văn các Bài Ca trong Thánh Lễ (Hương Trầm [HT], số 1)
(2) Hình thể Đối ca với Thánh vịnh (antiphona cum psalmo suo – HT.1)
(3) Hình thể Thánh vịnh Đáp ca (Psalmus responsorius – HT.2)
(4) Các Ca đoàn Phụng vụ sau Công đồng Vaticanô II (HT.5)
(5) Đi tìm một bản văn “Vãn Dâng Hoa” (HT.3)
(6) Đôi điều gợi ý để sáng tác thánh ca tiếng Việt (HT.4)
(7) Vai trò và nhiệm vụ của người ca trưởng (HT.4)
(8) Ca sinh hoạt tôn giáo (HT.4)
(9) Ca Kinh sách (HT.5)
(10) Những hình thức âm nhạc thường được sử dụng trong Phụng vụ (HT.6)
(11) Đệm đàn trong Phụng vụ (HT.6)
Ngoài những nội dung trên đây có tính hướng dẫn việc sáng tác và sử dụng thánh nhạc trong phụng vụ, còn có nhiều đề tài hữu ích liên quan đến thánh nhạc được đăng tải trong các số nội san này.
b/ Những cuộc vận động sáng tác
Theo yêu cầu của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Thánh nhạc đã mở những cuộc vận động sáng tác thánh ca theo các chủ đề. Các nhạc sĩ công giáo từ nhiều giáo phận đã tích cực hưởng ứng viết và gửi bài về. Ủy ban Thánh nhạc đã dành nhiều thời giờ để lựa chọn, nhuận sắc, và sau khi trình duyệt, những sáng tác mới này đã được Đức cha đặc trách chuẩn nhận cho dùng trong Phụng vụ, và phổ biến từng tập theo chủ đề.
(1) Hướng về Năm Thánh 2000: gồm 28 bài về Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, và về Năm Thánh.
(2) Chúa Thánh Thần, Đấng Ban Sự Sống: gồm 60 bài.
(3) Thiên Chúa Cha Giàu Lòng Thương Xót: 66 bài.
(4) Đức Mẹ La-Vang: 44 bài
(5) Vui Lên – Hát Mừng Đại Năm Thánh 2000: gồm 63 bài, chia ra:
- 11 bài Hành Hương - Sám hối
- 18 bài Thánh Thể
- 34 bài Ca Mừng Năm Thánh.
Có được những thành quả này là nhờ nhu cầu của cộng đoàn Dân Chúa thúc bách, sự nhiệt tình cộng tác của đội ngũ nhạc sĩ, của Ban Biên tập, đứng đầu là linh mục nhạc sư Kim Long đã dày công lựa chọn và nhuận sắc, nhưng trên hết là nhờ sự khôn ngoan và sự quan tâm sâu sát của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc HĐGM.VN.
* Về việc phổ nhạc Kinh Kyrie và Thánh vịnh Đáp ca trong thánh lễ: Ngày 10-11-2009, Đức cha chủ tịch UBTN đã gửi thư cho Đức giám mục thư ký Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích để xin những chỉ dẫn cần thiết về việc soạn nhạc cho những phần này trong thánh lễ sao cho đúng hướng dẫn của Giáo Hội và thích nghi hài hòa với ngôn ngữ Việt Nam.           
c/ Câu lạc bộ những người sáng tác thánh ca:
– Do Linh mục Mai Tính phụ trách
– Sinh hoạt định kỳ vào chiều mỗi khi đại hội hay hội thảo Thánh nhạc toàn quốc
– Đã phát hành các tuyển tập sáng tác mới sau khi được chuẩn nhận.  
d/ Tuyển tập Thánh ca:
Bước đầu, đã thực hiện được một Tuyển tập Thánh ca chung cho cả nước gồm các bài có từ thời kỳ đầu của nền thánh nhạc Việt Nam cho đến năm 1975. Tuyển tập này gần 500 bài Thánh ca được tuyển chọn từ hơn 4000 bài Thánh ca của nhiều tác giả.
– Ban Tuyển chọn gồm có Đức cha chủ tịch và các thành viên được Đức cha chủ tịch chỉ định hoặc được mời cộng tác.
– Nội dung tuyển chọn:
Tuyển chọn các bài Thánh ca (đã được phép sử dụng) từ ngày đầu tiên khai sinh nền thánh nhạc VN cho đến khoảng năm 1973 - 1975.
Gồm các sáng tác của các nhạc đoàn và các nhạc sĩ:
- Lê Bảo Tịnh (Hà Nội) gồm Hợp tuyển, Tuyển tập, Tuyển tập Tân biên
- Sao Mai (Bùi Chu) trong đó có Nhạc sĩ Hải Linh
- Tiếng chuông Nam (Thanh Hoá)
- Nhóm Ca Thánh (Phát Diệm)
- Nhóm Thiên Cung (Hải Phòng)
- Nhóm Minh Nhạc (Bắc Ninh)
- Cha Thích (Huế) – Cha Phaolô Qui, Phaolồ Đạt (Sàigòn)
- Thánh Gia, Philipphê Minh (Vĩnh Long)
- Suối Nhạc (Cha Tiến Dũng) và các linh mục nhạc sĩ: Đinh Quang Tịnh, Chính Trung, Hoàng Diệp, Thiện Cẩm,v..v..
- Vinh Hạnh, Kim Long, Phạm Liên Hùng, Hương Phong, Văn Chi, Dao Kim và các nhạc sĩ trong tuyển tập Chúc Tụng Chúa 1 và 2  của ĐCV Sàigòn.
– Tiêu chuẩn tuyển chọn:
*  Các bài xuất hiện nhiều trong các tuyển tập thánh ca của các giáo phận, các cộng đoàn dòng tu và giáo xứ, v..v..
*  Các bài Đúng và Hay (Đúng trước Hay sau: xét về Lời và Nhạc, Lời: ưu tiên)
 Đa phần là những bài có tính cộng đồng (ít bè).
– Các bước tuyển chọn:
*  Thu tập các tài liệu gốc
* Nhóm tuyển chọn sẽ copy (photo) các bài có trong tay (đã được sơ tuyển) và gửi đến các thành viên cùng với Các trưởng ban Thánh Nhạc của 26 Giáo phận và 7 Đại Chủng Viện trong cả nước để xem xét, và xin ghi chú những gì cần xem lại trong từng bài hát để ban tuyển chọn dễ dàng lưu tâm (và sửa chữa nếu được).
*  Các thành viên có thể đề nghị những bài Thánh ca mà mình có trong bộ sưu tập của mình.
* Kêu gọi sự hỗ trợ của những vị hoạt động Thánh nhạc từ trứơc đến nay cung cấp thêm tài liệu cho ban sơ tuyển.
* Ban sơ tuyển sẽ lần lượt gửi từng phần (chủ đề: ca nguyện, thánh lễ, Mùa phụng vụ, Đức Mẹ, các Thánh, v..v..) để cho các vị hữu trách và các ban Thánh nhạc kịp xem và hoàn tất rồi sẽ gửi lại cho Ban Sơ Tuyển.

(còn tiếp)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top