Thần học về thân xác và hoạt động tính dục (3)
THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC
VÀ HOẠT ĐỘNG TÍNH DỤC
(tiếp theo)
III. Hoạt động tính dục dưới ánh sáng của Thần học về thân xác
Trước hết, chúng ta lướt nhanh qua bối cảnh văn hóa và lịch sử của hôn nhân thời Chúa Giêsu. Thực ra, li dị khi ấy không phải là hiện tượng hiếm hoi và tỉ lệ kết hôn cũng không phải là cao. Như thế thời Chúa Giêsu cũng không khác gì thời đại chúng ta ngày nay. Nhưng điều quan trọng là mặc dầu hôn nhân khi ấy không được hết sức quí trọng, nhưng Đức Kitô vẫn loan báo và giảng dạy chân lí về nó. Hội thánh được mời gọi thực thi giống như vậy ngày hôm nay. Một đàng, xã hội Do thái thời của Đức Giêsu cho phép người ta li dị. Vì thế mà những người Pharisêu mới đặt câu hỏi với Đức Giêsu. Môsê đã từng cho phép li dị. Đức Giêsu tuyên bố sỡ dĩ Môsê cho phép là vì lòng dạ người ta ra chai đá. Và Người mời gọi mọi người trở về với “thuở ban đầu” khi ấy không hề có giải pháp li dị, để hiểu sâu hơn bản chất của hôn nhân. Đàng khác, đất nước Do thái khi ấy bị một thế lực hùng mạnh chiếm đóng thống trị: đế quốc Rôma. Một trong những nét của nền văn hóa Rôma là có tỉ lệ kết hôn thấp. Hoàn cảnh ấy nghiêm trọng đến nỗi nhiều lúc các hoàng để phải ra sắc lệnh bắt buộc người ta kết hôn. Xem ra người ta ít kết hôn vì người ta muốn ở vậy để được thong dong tự do khỏi mọi lo âu bận rộn. Dẫu có luật như vậy, nhưng thực tế con số hôn nhân vẫn tiếp tục giảm.
Chính trong bối cảnh đó mà Đức Giêsu dẫn đưa các thính giả về với “thuở ban đầu”. Người tái khẳng định chân lí về hôn nhân. Theo gương Đức Kitô, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trở về với “thuở ban đầu” khi thảo ra thần học về thân xác của ngài. Khởi đi từ đó, ngài rút ra và kết nối ba kinh nghiệm nguyên thủy trước tội nguyên tổ. Những kinh nghiệm đó giúp ta nhận ra các phẩm chất cơ bản của thân xác con người. Từ đó, ta hiểu được tại sao hôn nhân là một giao ước.
1. Hôn nhân như là một giao ước và sự li dị
Giao ước là một hợp đồng hay một sự cùng cam kết trong tự do của hai bên. Toàn bộ Cựu ước xoay quanh trục Giao ước của Thiên Chúa với Dân của Ngài. Noe là người đầu tiên đón nhận quà tặng giao ước, rồi đến Abraham một Giao ước kì diệu, rồi đến Môsê. Người ta có thể đọc tường thuật các sự kiện này trong các sách Sáng Thế và Xuất Hành. Giao ước mới Thiên Chúa thiết lập với nhân loại cách vĩnh viễn nhờ sự chết của Chúa Kitô trên thập giá.
Giao ước mới và vĩnh cửu này được kí kết không phải bằng mực mà bằng máu. Các bên trao đổi với nhau không bằng những hiện vật nhưng bằng những nhân vị. Thiên Chúa trao ban cho chúng ta chính sự sống của Ngài và đáp lại Ngài yêu cầu chúng ta trao hiến sự sống của chúng ta cho Ngài.
Nhớ lại những lời trong sách Sáng Thế. Ađam, tức con người, khi thấy người đàn bà, thay đổi triệt để cuộc sống mình. Con người gắn bó với vợ mình. Cả hai kết hợp với nhau và nên một xương một thịt. Nói cách khác, họ thiết lập một giao ước. Họ đón nhận nhau và trao hiến bản thân cho nhau. Họ không trao đổi «một cái gì đó» mà trao ban cho nhau tất cả. Tặng phẩm trao hiến là chính bản thân họ, toàn thể ngã vị.
Chính từ đó, người chồng và người vợ thiết lập giữa họ với nhau một sợi dây liên kết không thể phân li. Hôn nhân không như một viên thuốc aspirine hòa tan, nhưng đúng hơn như một tảng đá chống chọi được trước mọi bão táp cuộc đời. Đó là một giao ước.
Giao ước mà Thiên Chúa kí kết với Dân Người gồm hai mặt chính yếu. Một mặt, dân tham dự vào giao ước. Trong Cựu ước, việc ấy làm bằng nhiều cách khác nhau, như: một hiến lễ dâng kính, một người đàn ông được cắt bì, một người nam và một người nữ kết ước hôn nhân, .... Trong Tân ước, Giao ước mới được thiết lập theo một thể thức dứt khoát. Đó là điều mà chúng ta gọi là Thánh Thể. Chúng ta hoàn toàn tham dự thực sự và tích cực vào Giao ước ấy. Đức Kitô ban cho chúng ta Mình và Máu Người dưới hình thức bánh và rượu, để chúng ta dự phần vào đó trong một hành động của đức tin. Mặt khác, dân Chúa, bằng chính cách sống của mình, làm hiện diện hay hiện tại hóa Giao ước đó. Khi Môsê đón nhận từ Thiên Chúa Mười Điều Răn trên núi Sinai, ông công bố lời Chúa nói rằng, nếu dân trung thành giữ Luật Mười Điều Răn, họ sẽ trở thành dân tự do. Nói cách khác, họ sẽ giống như Thiên Chúa. Như thế, bởi tự do của mình dân Israel sẽ là một dấu chỉ sống động của chính Thiên Chúa cho các dân tộc khác. Họ sẽ là một chứng từ của sự hiện diện của Thiên Chúa trên trái đất nhờ cách sống của họ.
Cũng như thế, hôn nhân tham dự vào Giao ước mới do Đức Kitô thiết lập, và hiện tại hóa Giao ước mới này. Khi một người nam và một người nữ kết hôn với nhau, họ đón nhận các phúc lành bí tích của Giao ước mới. Thiên Chúa cho họ tham dự vào chính sự trung tín của Ngài. Họ vốn đã tham dự vào Giao ước mới khi chịu Bí tích Rửa tội xét như một cá nhân tham dự vào Thân Mình Đức Kitô, là Hội Thánh. Nay, họ tham dự vào Giao ước mới trong tư cách mới như một đôi vợ chồng, một cộng đoàn Hội thánh tại gia trong cộng đoàn Hội Thánh toàn thể.
Chúng ta nhớ lại rằng trong vườn Êđen, Ađam không tìm được cho mình một người “trợ tá tương xứng” nào, Thiên Chúa đã làm cho ông đi vào một “giấc ngủ mê” (x. St 2,21). “Giấc ngủ mê” trong tiếng Hípri có ý nói Thiên Chúa tiến hành một hành động rất nhiệm mầu và ý nghĩa. Khi Ađam thức dậy, ông thấy đã xảy ra một điều rất kì diệu. Thiên Chúa dẫn đến trước mặt ông người phụ nữ, “trợ tá tương xứng” của ông, đã được tạo dựng cách huyền nhiệm, và ông ngây ngất la lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (x. St 2,23). Đây là sáng kiến của chính Thiên Chúa. Khi ấy, và chỉ khi ấy Ađam mới hành động. Đó là lúc Thiên Chúa sáng tạo nên hôn nhân, và thiết lập nó như một giao ước. Theo một nghĩa nào đó, hôn nhân giống như một đứa con mới sinh, được tạo dựng từ hư không và không bao giờ có thể bị tiêu diệt. Hôn nhân là một tạo thành của Thiên Chúa và là một tặng phẩm bởi Ngài.
Hơn nữa, tình yêu chung thủy của vợ chồng giống như một chiếc gương soi. Khi nhìn vào chiếc gương soi hôn phối này, nghĩa là chính khi ta sống hay nhìn vào cuộc sống hôn nhân thủy chung của các đôi vợ chồng quanh ta, ta nhận ra Tình yêu trung thành của Thiên Chúa. Hôn nhân làm hiện diện trong thế giới Tình yêu trung thành của Thiên Chúa, Giao ước của Thiên Chúa.
Mỗi nhân vị, dù nam hay nữ, đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa. Trong tư cách đó, người ấy có thể tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa và làm cho Thiên Chúa hiện diện giữa trần gian. Nhưng Thiên Chúa còn muốn hơn thế nữa. Ngài còn muốn người đàn ông và người đàn bà nên một trong hôn ước, để làm một hình ảnh phản chiếu Ngài còn rõ ràng và mãnh liệt hơn.
Chính Chúa nói con người ở một mình không tốt. Ngài muốn con người sống thành cộng đoàn hiệp nhất huynh đệ, chứ không như những cá nhân sống biệt lập, như những “ốc đảo” cô lập. Vì chính Thiên Chúa là mầu nhiệm Hiệp Thông của Ba Ngôi, Tình Yêu sâu thẳm giữa Cha, Con, và Thánh Thần. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, được gọi sống như Ngài.
Như thế, khi một người nam và một người nữ kết hợp với nhau trong hôn nhân, họ trở thành một hình ảnh của Thiên Chúa rõ rệt hơn, mạnh mẽ hơn. Khi ấy đôi bạn làm cho Thiên Chúa hiện diện theo một cách thức độc đáo, cách mà khi ở một mình họ không thể làm được. Như Đức Gioan-Phaolô II dạy rằng «con người trở nên hình ảnh của Thiên Chúa không chủ yếu tại yếu tố đơn độc cho bằng là ở tại sự hiệp thông»[1].
Như vậy, hôn nhân là một giao ước, vừa tham dự vào chính đời sống của Thiên Chúa vừa làm cho Chúa hiện diện trên trần gian. Một hôn nhân, cách chính xác, được tạo nên theo cách thức mô tả trong sách Sáng thế, cần đến hai hành động. Thứ nhất, hai người nam và nữ cam kết sống trung thành với nhau đến trọn đời, đến khi một trong hai người qua đời. Kế đến, qua quan hệ tính dục của vợ chồng hôn nhân ấy trở thành hoàn hợp (consummatum). Qua hai hành động khác biệt nhưng không tách biệt này sự kết hợp thành vợ chồng (“nên một xương một thịt”) bất khả phân li được hoàn tất. Giao ước hôn phối thành một thực tại.
2. Gian dâm (quan hệ tính dục trước hôn nhân) và sự sống chung không hôn nhân
Như chúng ta đã thấy, giao ước hôn phối trực tiếp xuất phát từ những kinh nghiệm nhân bản nguyên thủy và những phẩm chất của thân xác con người. Các nhân vị thì duy nhất. Họ đơn độc trước mặt Thiên Chúa. Họ có thân xác vốn có tính «biểu tượng» (dấu chỉ bề ngoài của một thực tại bên trong). Hơn nữa, kinh nghiệm đơn độc dẫn đến kinh nghiệm hợp nhất. Con người được tạo dựng cho tình yêu. Thân xác họ là dành cho «sự hợp hôn», và đó là lí do tại sao một người đàn ông và một người đàn bà có thể trở thành «một xương một thịt».
Tính dục nhân bản không chỉ thuộc thế giới vật lí, nó còn hơn nữa thuộc về thế giới biểu tượng và thế giới của tình yêu. Tính dục không phải là một trò chơi hay một môn thể thao trong nhà không có ý nghĩa liên hệ gì. Người ta cũng không thể giản lược tính dục chỉ còn như là một hoạt động thử nghiệm. Người ta không thể «thử lửa» tình dục như thử nghiệm một chiếc xe hơi. Không thể lao mình vào thực nghiệm một mối quan hệ để xem thử nó «chạy» tốt hay không. Tính dục còn hơn thế nhiều. Nó «hoàn hợp» một mối quan hệ. Nó nâng cao một quan hệ giữa một người nam và một người nữ lên một cấp độ hoàn hảo hơn. Nó thiết lập tình yêu giữa người đàn ông và người phụ nữ trên mảnh đất thiêng thánh. Tính dục là một mầu nhiệm chính vì nó mang tính «biểu tượng» và tính hôn phối. Vì thế, nó cần phải được gìn giữ và trân trọng. Nó cần những lời lẽ cam kết được công bố ra ngày thành hôn.
Như vậy, tính dục đóng ấn cho một mối quan hệ thành toàn, chứ không phải để ghi dấu sự bắt đầu của nó. Khi hai người, đàn ông và đàn bà, quan hệ tình dục trước hôn nhân, họ có thể dễ dàng lẫn lộn thú vui tình dục với tình yêu. Họ có thể lầm lẫn tình yêu với dục vọng ích kỉ chỉ biết tìm lạc thú do người kia mang lại cho tôi. Thế cho nên, người ta hiểu được lí do tại sao có tới 60 đến 70 % các cuộc hôn nhân vốn bắt đầu bằng sự sống chung không cưới xin kết thúc bằng li dị.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy tầm quan trọng cực kì của sự giao hợp tình dục đối với người phụ nữ. Cơ thể người phụ nữ sản xuất ra các hoóc-môn kết hợp («bonding hormones») ở ba loại thời kì trong cuộc sống: trong khi giao hợp tình dục, thời kì sinh con, và trong thời kì cho con bú. Từ «hoóc-môn kết hợp» này cũng khá thú vị. «Hoóc-môn» là thuật ngữ thuộc lãnh vự sinh lí học, và «kết hợp» lại tham chiếu đến phạm vi tinh thần. Đấy là một từ ngữ mang tính biểu tượng lại được dùng trong y khoa. Rõ ràng là quan hệ tình dục đòi hỏi phải được kèm theo một dấn thân sâu sắc và trung thành với nhau và cho nhau. Dấn thân ấy chính là cuộc hôn nhân.
Do đó, giao hợp tình dục trong hôn nhân dẫn đến một kinh nghiệm sâu xa của hợp nhất.
Ngược lại, khi ta quan hệ tình dục với nhiều người trước hôn nhân, mỗi lần quan hệ ta để rơi lại đó một mảnh của bản thân ta. Một phần cua ta cho người này, một mảnh của ta cho người nọ, và vân vân. Ta bị phân chia trong nội tâm, và cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn. Đức khiết tịnh giúp bảo vệ ta khỏi mối nguy hiểm này.
Dĩ nhiên, giao hợp tính dục không chỉ là hành động của tình yêu. Nó còn là một hành động của sự sống. Hành vi tính dục có ý nghĩa vừa để kết hợp tình yêu vừa mở ngỏ cho sự sống từ đó có thể hình thành. Có người đưa ra lời khuyên sau đây. Khi bạn thường xuyên gặp gỡ hẹn hò với một người bạn khác phái, hãy tự hỏi: «Có thực sự tôi muốn có con với người đàn ông (phụ nữ) này hay không? Tôi có muốn làm mẹ (cha) của đứa con của người này hay không?». Câu hỏi này rất ý nghĩa. Nó giúp ta loại trừ nhiều người mà ta cảm nhận hấp dẫn về giới tính nhưng ta lại không muốn kết hôn với người ấy.
3. Ngừa thai
Ngừa thai hay chống thụ thai ngày nay có nhiều kiểu thức khác nhau. Ví dụ như, đàn ông cho xuất tinh ngoài âm đạo người phụ nữ khi giao hợp. Hoặc có thể mang bao cao su phủ dương vật để cản tinh trùng đi vào trong cơ thể người phụ nữ. Đàn ông cũng có thể nhờ một phẫu thuật y khoa để triệt sản, gọi là cắt ống dẫn tinh. Đàn bà thì dùng thuốc uống tránh thụ thai, hay chọn trong số những dụng cụ khác nhau đặt vào trong âm đạo, hoặc cũng có thể nhờ phẫu thuật y khoa để triệt sản, gọi là buộc ống dẫn trứng. Và còn có nhiều hình thức khác nữa.
Ngừa thai là một hành vi can thiệp có thể trước, hoặc trong khi, hoặc sau khi giao hợp với ý định ngăn cản thụ thai một sự sống mới[2]. Giáo hội luôn dạy rằng ngừa thai là trái phép, nhưng lí do được viện dẫn khác nhau tùy theo thời đại. Ở đây chúng tôi xin trình bày hai lí lẽ dựa trên Thần học về Thân xác.
Thứ nhất, quan hệ tình dục là hành động có thể dẫn đến một hậu quả là sự thụ thai một mầm sống con người mới. Sự kiện đó nếu có nhất thiết phải là việc Thiên Chúa tạo dựng từ hư không một linh hồn cho sinh linh mới này vốn là một nhân vị. Nói cách khác, kết hợp tính dục là không gian thiêng thánh của Thiên Chúa. Đó là nơi mà Thiên Chúa muốn tiếp tục gia ân tạo dựng. Trong kết hợp tính dục, vốn là hành vi của tình yêu, người cha người mẹ góp phần trứng và tinh trùng của họ, Thiên Chúa thì tạo dựng linh hồn. Do đó, mỗi nhân vị là tuyệt đối duy nhất và độc đáo, không chỉ về mặt di truyền, nhưng còn về phương diện thiêng liêng nữa. Tất cả mọi sự đó xảy ra trong hành động kết hợp vợ chồng. Bởi vì Thiên Chúa thực hiện một công trình sáng tạo trong khung cảnh tình yêu con người, cho nên đôi vợ chồng không thể chủ tâm loại trừ Thiên Chúa ra khỏi sự kết hợp của họ được. Do đó, họ không thể làm bất cứ hành động nào có ý hướng chống thụ thai, nhưng phải mở ngỏ sẵn sàng đón nhận một sự sống mới có thể được ban cho.
Có phải như vậy là chúng ta không được phép phát triển và sử dụng các thành quả của kĩ thuật mới hay chăng? Tại sao chúng ta không thể sử dụng các phương tiện ngừa thai để điều hòa sinh sản? Ta có thể dùng viên thuốc aspirine để chữa cơn nhức đầu. Nhưng nhức đầu là một điều xấu (thể lí), trong khi khả năng sinh sản hay phong nhiêu lại là một phúc lành. Các phương tiện ngừa thai hoàn toàn không so sánh được với thuốc thang. Thuốc thang để chữa bệnh, còn các phương tiện ngừa thai thì ngăn chặn phúc lành, là sự sống một con người đang được hạ sinh.
Hơn nữa, thân xác con người mang tính «biểu tượng», kết hợp mật thiết với thế giới tâm linh. Vì là những tạo vật mang tính biểu tượng, chúng ta không thể tách biệt thế giới vật lí khỏi thế giới tâm linh. Nếu làm thế, chúng ta đánh mất ý nghĩa cuộc sống con người. Cội nguồn của thế giới vật lí cũng như tâm linh là chính Thiên Chúa. Chúng ta có thể sử dụng kĩ thuật để củng cố thêm cho thế giới biểu tượng này, chứ không bao giờ để mà ngăn chặn hay phá hủy, điều mà các phương tiện ngừa thai đang làm.
Con người khác hẳn con vật. Tính dục con người cốt yếu ở tính biểu tượng, và chúng ta không thể tùy tiện loại bỏ đi ý nghĩa tự thân của nó. Con vật thì sản sinh ra con vật, con người thì sáng tạo thay cho Chúa một con người. Điểm dị biệt ấy rất quan trọng. Qua sự kết hợp vợ chồng, đôi bạn mở ngỏ không để sản xuất mà là để sáng-tạo-thay-thế (pro-creation). Nói cách khác, họ mở ngỏ đồng thời đón mừng một con người trưởng thành khác, vốn là một «nhân vị có thân xác», và cũng mở ngỏ với chính Thiên Chúa: Tình yêu diễn tả nơi hành vi tính dục vợ chồng của họ có thể đạt tới hiệu quả là sáng tạo nên một nhân vị mới hoàn toàn độc đáo.
Lí do thứ hai cũng liên quan đến ý nghĩa hôn phối của thân xác. Như đã nói, ý nghĩa ấy hệ tại ở chỗ thân xác con người được tạo dựng cho tình yêu. Người đàn ông, khi khám phá ra ý trung nhân, quyết định trở nên «một xương một thịt» với vợ mình. Người ấy đón nhận vợ mình và tự hiến cho nàng, và người phụ nữ cũng làm như thế đối với người đàn ông. Đó là một hành vi tương hỗ, và tự do.
Để yêu thương thật sự, người đàn ông phải đón nhận vợ mình với tất cả sự thật của bản thân nàng. Người ấy phải yêu thương nàng cách vô điều kiện. Yêu cầu nàng uống viên thuốc tránh thai, hay đặt vòng, hoặc buộc ống dẫn trứng, có nghĩa là từ chối đón nhận đầy đủ con người của cô ấy. Và như thế cũng là coi thường chiều kích «biểu tượng» của thân xác và kết hợp tính dục. Thực hiện hành vi kết hợp vợ chồng, đồng thời sử dụng các phương tiện với chủ tâm chống thụ thai, thì mâu thuẫn với ý nghĩa hôn phối của thân xác con người chúng ta. Làm như thế có nghĩa là họ «dùng» nhau như những đồ vật, chứ không phải là yêu nhau.
[1] Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung ngày 14/11/1979.
[2] Chúng ta phải lưu ý ở đây rằng có một số cách thức được gọi không chính xác là ngừa thai, trong khi thực ra đó có thể là hành vi phá thai, vì chúng can thiệp sau khi diễn ra sự thụ tinh và như thế giết chết mầm sống mới hình thành trong cơ thể người phụ nữ. Đó là trường hợp của vòng tránh thai (IUD: Intra-Uterine Device), và trường hợp của «viên thuốc ngày hôm sau». Cho dù không có hiệu quả phá thai thực sự từng lần, thì người ta cũng đã có ý và chấp nhận hủy bỏ một sự sống nếu nó có được tạo ra.
bài liên quan mới nhất
- Đối thoại cứu độ - Cái khung của nền luân lý tình huynh đệ
-
Đào tạo lương tâm và sự phân định trong Amoris Laetitia: Hướng tới một chuyển đổi hệ hình trong chăm sóc mục vụ gia đình -
Cha Alain Thomasset: “Phẩm giá không gắn liền với vẻ bề ngoài nhưng được ban tặng cùng với sự sống” -
Kénose là gì? -
Căn cước đàn ông, căn cước đàn bà -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần bốn - Đời sống độc thân trinh khiết Kitô giáo -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần ba - Xác thể phục sinh -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần một - Con tim được cứu rỗi (Giáo lí về Bài Giảng Trên Núi) -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác – Phần Giới thiệu -
Người Công Giáo có buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không?
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Có phải tiền là tất cả ? -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Ảnh hưởng của vật chất đối với Thanh thiếu niên thời nay -
Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ? -
Bác thằng bần -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo