Thần Học bối cảnh và Giáo huấn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
WGPSG -- Ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội 8-12-1960, Tòa Thánh công bố tông hiến Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba Giáo Tỉnh: Hà Nội - Huế - Sàigòn và các lãnh thổ truyền giáo được nâng lên hàng Giáo Phận theo đúng quy luật Giáo Hội hoàn vũ. Tông hiến này được Đức Gioan XXIII ban hành ngày 24/11/1960. Qua Tông hiến này Giáo Hội Việt Nam viết lên trang sử mới về lịch sử của mình, lịch sử của một Giáo Hội thực sự bước vào tuổi trương thành, để tự mình có thể đảm nhận và chu tất sứ vụ Chúa Kitô trao cho Giáo Hội. Vâng, sau 300 năm (1659 -1960), Giáo Hội Việt Nam được hình thành và được chăm lo từ bàn tay của các nhà Thừa sai, và được gọi là “Giáo Hội truyền giáo”, nay được gọi là “Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam”, và thường được gọi tắt là “Giáo Hội Công Giáo Việt Nam”.
Ý thức chỗ đứng mới trong dòng lịch sử của Giáo Hội, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam nỗ lực hoàn thiện hóa Giáo Hội trong các nhiệm vụ quản trị, thánh hóa và giảng dạy, và các mối tương quan giữa các giáo phận với những đặc thù riêng biệt của ba miền Nam, Trung, Bắc. Công việc càng khó khăn hơn đói với hàng Giáo phẩm khi mà đất nước còn trong cảnh phân ly Nam – Bắc. Và vấn đề được đặt ra trong lúc này là Giáo Hội Việt Nam phải làm gì để đưa ra những giáo huấn phù hợp với bối cảnh truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung và cảnh sống phân ly của hai miền Nam – Bắc nói riêng, hầu có thể chu tất sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm cho ánh sáng Đức tin được thực sự hội nhập vào nền văn hóa dân tộc như Công Đồng Vaticanô II mong mỏi?
1. Những nỗ lực hội nhập văn hóa và xã hội của Hàng Giáo Phẩm Việt Nam
a- Đối thoại với dân tộc
Ý thức được những khó khăn trong lịch sử hình thành của mình, dưới ánh sáng của Công đồng Vat. II, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam đã kêu gọi một sự đối thoại bình đẳng giữa mọi thành phần sắc tộc cũng như giữa các tôn giáo, kiến tạo một sự hòa hợp dân tộc, để qua đo đó mọi người cùng nhau xây dựng một nền hòa bình thịnh vượng trên quê hương Viẹt Nam. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhấn mạnh:
“Dân tộc ta do nhiều nguồn gốc, văn hóa, thành phần cấu tạo nên. Nhưng không vì đó gây thành nguyên nhân chia rẽ, trái lại phải là yếu tố bổ sung cho nguồn sinh lực thêm phong phú hơn. Người Việt gốc Miên, gốc Chàm, gốc Hoa, Kinh hay Thượng đều là công dân Việt Nam. Người Phật giáo, Cao đài, Hòa hảo, Tin lành, Công giáo... là công dân Việt Nam. Mỗi công dân đều phải được hưởng quyền lợi và thi hành nghĩa vụ như nhau theo hiến pháp và luật pháp ấn định. Mặc dầu khác nhau về tín ngưỡng, sắc tộc, nhưng cùng là công dân trong một nước, có những mối tương quan thiêng liêng ràng buộc với nhau, tất cả có phận sự cố gắng xây dựng tổ quốc, kiến thiết nước nhà trong tình đoàn kết và hòa hợp. Đất nước này không phải là của riêng thành phần nào; song là của chung dân tộc. Trên bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, hãy đối thoại với nhau theo cương vị công dân, như vậy chúng ta sẽ dễ thông cảm với nhau hơn”[1].
Qua lời kêu gọi này, chúng ta thấy Hàng Giáo Phẩm Việt Nam đã có cái nhìn tích cực về sự hiện diện của Giáo Hội giữa trần thế này. Trước đây, Giáo Hội được nhìn như một “societas perfecta”, một xã hội toàn hảo, nhưng xem ra xã hội này đang bước đi đơn độc giữa lòng dân tộc; thư luân lưu đã chỉ cho thấy Giáo hội Việt Nam được qui tụ từ những sắc tộc khác nhau, với truyền thống văn hóa khác nhau và hiện diện giữa dân tộc này cùng với các tôn giáo khác, vì thế Giáo Hội không còn biểu tỏ thái độ độc tôn tôn giáo (exclusive), nhưng ý thức mình được thành lập không như là một cộng đoàn với định chế mang nặng đặc tính thế trần, nhưng là con đường của niềm hy vọng dẫn tới Vương quốc Thiên Chúa, vì thế , không phải tất cả mọi con đường mà Thiên Chúa đến với con người đều dứt khoát phải đổ tuôn vào trong Giáo hội, nhưng là trong Vương quốc Thiên Chúa, ở đó ý muốn của Thiên Chúa về hòa bình, công lý và sự sống được thực hiện một cách tốt đẹp dành cho người nghèo khó cách phổ quát[2]. Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, dưới ánh sáng của Công đồng Vat. II, đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn hầu tìm kiếm căn tính đích thật của mình, tước tiên là đổi mới cách nhìn về chính mình khi định nghĩa về mình qua mối tương quan (inclusiv) và qua sự phân định ranh giới (LG 13 – 16 và hiến chế Gaudium et Spes). Có nghĩa là Giáo hội như là “Dân Thiên Chúa” trong chiều kích của mối tương quan khác nhau khởi đầu từ “trong” rối đến “ngoài”, qua mối tương quan nầy Giáo hội được cấu thành như một chủ thể mang xã hội tính của Đức tin.
Trong mối tương quan này, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam đã mạnh dạn khởi xướng: “hãy đối thoại với nhau theo cương vị công dân”[3]. Cho dầu việc đối thoại này khởi đầu chỉ là để hiểu nhau trên bình diện có chung một căn cước: công dân Việt Nam để cùng nhau xây dựng một xã hội an bình thịnh vượng, nhưng đó cũng là một tín hiệu tích cực, như là khởi điểm để từ đó, Giáo Hội Việt Nam sẽ bước vào con đường đối thoại với các tôn giáo bạn cùng nhau khám phá chân lý cứu đô. Hàng Giáo Phẩmn Việt Nam đã minh định: “Giáo Hội không thể tham dự vào các nghi lễ của các tôn giáo khác, hoặc coi tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào, và lãnh đạm để mặc ai muốn hay không muốn tìm xem Thiên Chúa có mạc khải một Đạo không sai lầm, trong đó Thiên Chúa được nhận biết, kính mến và phụng thờ. Tuy nhiên, Giáo Hội không từ chối công nhận một cách kính cẩn những giá trị tinh thần và luân lý của các tôn giáo khác. Giáo Hội không phủ nhận điều gì vốn là chân lý và thánh thiện của bất cứ tôn giáo nào”[4]
b- Đối thoại với truyền thống văn hóa của dân tộc
Khi hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên mảnh đất Việt Nam, các nhà thừa sai hy vọng sẽ gặt được một mùa lúa bội thu, vì đặc tính hiếu khách của người Việt. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau đó là những chỉ dụ bắt đạo được ban hành, mà một trong những lý do là các nhà thừa sai bắt phải dẹp bỏ bàn thờ ông bà tổ tiên, không cúng vái, không nhang khói, vì đó được coi như hành vi tôn thờ ngẫu tượng, và dị đoan, một việc làm bị cấm tuyệt đối trong đạo Công giáo. Và từ đó xuất hiện một thái độ nghi kỵ của người Việt ngoài công giáo dành cho các Kitô hữu, và coi đạo Công giáo là đạo bất hiếu. Thái độ nghi kỵ này kéo dài mãi cho tới ngày hôm nay, một sự hiểu lầm thật đáng tiếc!
Để Tin Mừng Đức Kitô thực sự được loan báo cách xác tín, cần phải loại bỏ sự nghi kỵ này, vì thế Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thỉnh nguyện Tòa Thánh xin được áp dung huấn thụ Plane compertum est[5] về việc tôn kính tổ tiên cho giáo dân Việt Nam và ngày 20-10-1964, Tòa Thánh, qua Bộ Truyền giáo đã chấp thuận đề nghị này.
Hội Đồng Giám Mục đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể như sau:
1) Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo Hội Công Giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp.
Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ...) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.
2) Trái lại, vì có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Công Giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.
Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công Giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự... thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động như đã ấn định trong giáo luật, khoản 1258 (GL 1917).
3) Đối với những việc mà không rõ là thế tục hay tôn giáo, thì phải dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó, theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo (ngoài Kitô giáo), mà chỉ biểu lộ một tâm tình tự nhiên, thì được coi như không trái với đức tin Công Giáo, nên được thi hành và tham dự. Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ấy: nếu cần, thì phải giải thích chủ ý của mình một cách khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ động.
Đó là những nguyên tắc chung, giáo hữu cần phải dựa vào mà xét đoán theo lương tâm và hoàn cảnh. Trong trường hợp hồ nghi, mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đoán theo chỉ thị của Tòa Thánh và bàn hỏi với các giáo sĩ thành thạo. Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những trong các nhà thờ mà cả mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cả cho người ngoài Công Giáo. Các vị phụ trách Công Giáo Tiến Hành cũng phải lấy thông cáo này làm đề tài học tập cho các hội đoàn trong các buổi họp và các khóa huấn luyện.[6]
Co thể nói, với thông báo này, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam đã có một bước tiến đáng kể trong viêc nỗ lực làm cho Đức tin Kitô giáo không trở nên xa lạ với truyền thống của dân tộc. Và việc trưng bày hình tượng ông bà cha mẹ đã mất trong các gia đình Công giáo Việt Nam đã mang lại những hiệu quả tích cực, nhất là đối với bản thân người kitô hữu, họ không còn mang mặc cảm là bất hiếu khi mang lấy danh thánh Chúa Kitô nơi mình. Dĩ nhiên, khi xin phép cho người Kitô hữu Việt Nam được thể hiện việc tôn kính tổ tiên ông bà theo tập tục, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam không nhằm tới việc giải tỏa tâm lý, nhưng chắc chắn là hướng tới một ý nghĩa thần học, “một nền thần học bản vị hóa”, nói như linh mục Vũ Kim Chính SJ: “Bản vị hóa không có nghĩa là chỉ hội nhập và chấp nhận những gì có sẵn trong nền văn hóa đó, nhưng đồng thời cũng thăng hóa những giá trị đó. Vậy theo đó ý nghĩa của lễ nghi đối với ông bà tổ tiên là gì? Nếu chỉ coi lễ nghi đối với tổ tiên là cách bày tỏ lòng hiếu đễ, tức là thực thi một bổn phận luân lý, thì chưa chứng minh lý do tại sao con người đòi buộc phải thực hành luân lý như vậy. … Thực ra khi những nhà truyền giáo dòng Tên chủ trương coi lễ nghi tôn kính ông bà thuộc phạm vi luân lý, họ tin rằng một khi đã tìm ra ý nghĩa nguyên ủy và chính yếu của lễ nghi này, họ có thể giáo dục quần chúng gọi bỏ những mê tín mọc rườm rà bên ngoài và cuối cùng có thể biến hóa những bổn phận luân lý đó cho họp với niềm tin Kitô giáo. Như vậy, mặc dù học nhấn mạnh ‘lễ nghi’ này thuộc phạm vi luân lý, nhưng ngầm xác định căn bản của luân lý không thể tách rời khỏi niềm tin tôn giáo được.”[7] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã khẳng định: “Giáo Hội không bao giờ miệt thị, khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật hoặc văn hóa của người không Công giáo. Trái lại, Giáo Hội đã từng góp phần thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến chỗ hoàn hảo. Trải qua các thế kỷ, Giáo Hội đã thánh hóa những phong tục cũng như những truyền thống chân chính của các dân tộc. Giáo Hội cũng đã nhiều lần đem nghi lễ của miền này xứ nọ sát nhập vào nền phụng vụ của mình, sau khi đã tu chỉnh cả tinh thần và hình thức, để ghi nhớ mầu nhiệm hoặc để tôn kính các bậc thánh nhân hay các vị tử đạo” [8]
Thật vậy, việc cho phép tôn kính tổ tiên ông bà theo truyền thống dân tộc không là bước đi của sự thỏa hiệp, nhân nhượng, nhưng là nhấn mạnh đến chiều kích công giáo tính của Giáo Hội Chúa Kitô, có nghĩa là: ý định của Thiên Chúa từ đầu đến cuối lịch sử luôn là ban ơn cứu độ cho toàn thể thụ tạo, Ngài muốn thụ tạo bước vào vương quốc hoà bình, công lý và sự sống của Ngài; do đó Dân Thiên Chúa phải là dân hiện diện trong mọi dân tộc và mọi nền văn hóa (x. LG 13) “Giáo hội, tức Dân Thiên Chúa, không loaị bỏ di sản trần thế của bất cứ dân tộc nào; trái lại, Giáo hội cổ võ và thu dụng tất cả những gì tốt lành nơi tài sản, nguồn lực và phong phú hoá của các dân tộc, và khi thu dụng chúng, Giáo hội tinh luyện, kiện toàn và thăng hoá chúng” (LG 13).
c- Đồng hành với Dân tộc
Sau biến cố 1975, Việt Nam chấm dứt sự phân ly Nam – Bắc, điều này cũng mang một ý nghĩa lớn lao cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Vì từ khi thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960), các vị mục tử vẫn hàng khao khát có một ngày anh em xum họp, nhưng mãi cho đến ngày 24 tháng 4 năm 1980 nỗi khao khát này mới hiện thực. Biến cố nầy quả thật là một niềm vui lớn lao cho Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Các Đức Giám Mục Việt Nam đã hoan hỉ: “Kể từ lúc thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960, và nhất là từ ngày Nước Nhà được thống nhất, chúng ta đều ước mong có cuộc họp này. ... Chúng tôi vui mừng được gặp nhau”[9].
Chính trong thời điểm nầy, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đưa ra đường hướng mục vụ cho toàn thể Giáo Hội Việt Nam với tiêu đề: “Chúng ta phải là Hội thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam”. Hội Đồng Giám Mục minh định:
“Là Hội Thánh trong lòng Dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng Quê hương, noi theo truyền thống Dân tộc hòa mình vào cuộc sống hiện tại của Đất nước, Công đồng dạy rằng ‘Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới’ (MV. 40, 2). Vậy chúng ta phải đồng hành với Dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì Quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, Đất nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa. Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa”.[10]
Đường hướng mục vụ được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề xướng trong một bối cảnh chính trị mới, đất nước được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã mang lại một cảm xúc vừa âu lo vừa vui mừng cho người tín hữu Việt Nam. Âu lo bởi không biết đồng hành với Dân tộc của mình là đồng hành như thế nào để vẫn giữa được căn tính Kitô của mình, vui mừng vì Hàng Giáo Phẩm đã khôn ngoan chỉ ra con đường hội nhập đức tin vào trong lòng Dân tộc, để người tín hữu Việt Nam không là những công dân dửng dưng và thờ ơ với vận mạng của Dân tộc, và qua đó xóa bỏ được hiểu lầm đã từ lâu ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người: theo đạo công giáo là phản bội Dân tộc, vì đó là đạo Tây. Đức tin Công giáo không thay đổi cội nguồn của người tín hữu. Dẫu rằng nhờ Đức tin, người tín hữu được tháp nhập vào một Dân mới, Dân Thiên Chúa, nhưng “dân” này không tách khỏi dân tộc mà từ đó mình có mặt trên thế trần. “Dân Thiên Chúa” hiện hữu ngay chính trong lòng dân tộc mà người tín hữu thuộc về, vì thế Đức tin không xóa bỏ truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ và dân tộc tính của chính người tín hữu.
Khi minh định lại lập trường của Công Đồng Vat. II: “Giáo Hội đồng hành với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ số phận trần thế với thế giới” (GS số 40), qua lời mời gọi: “đồng hành với Dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình”, thư chung 1980 đã nhấn mạnh về nhiệm vụ của người tín hữu: “tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, chúng tôi muốn khẳng định rằng: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm, như Công đồng nhắc nhở: ‘Các người Kitô giáo từ mọi dân tộc tụ họp trong Hội thánh, không phân cách với những người khác về chế độ, về ngôn ngữ, cũng như về tổ chức xã hội trần gian, nên họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô trong nếp sống lành mạnh của dân tộc mình; là công dân tốt, họ phải thực sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước’” (AG, số 15)[11].
Câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào để việc vun trồng lòng yêu nước của người Kitô hữu không đơn thuần là phương tiện để phục vụ cho lợi ích thế trần, nhưng còn phải là hướng tới việc làm cho men Tin Mừng được thấm nhập vào môi trường mình phục vụ? Một điều mà người Kitô hữu cần khẳng định rõ ràng: Việc đồng hành với Dân tộc không đồng nghĩa là làm mất căn tinh Kitô của mình, đồng hành để xẻ chia vận mệnh với Dân tộc, chứ không là thỏa hiệp để củng cố vị thế, để tìm “một chỗ đứng” và nhất là để bảo vệ cơ chế của mình. Công Đồng Vat. II đã đưa ra chỉ dẫn: “Tất cả mọi Kitô hữu phải ý thức về ơn gọi đặc biệt của mình trong cộng đồng chính trị. Họ phải nêu gương sáng bằng cách làm tăng triển nơi chính mình ý thức trách nhiệm và thái độ tận tâm phục vụ công ích” (GS số 75).
Như một Đức Kitô, Đấng đã nhập thế và nhập thể, nhập thế trong một không gian rõ ràng: Đất nước Israel thời bị Đế Quốc Roma xâm chiếm, nhập thể trong một con người do bởi Đức Maria sinh ra, thuộc dòng tộc David và được gọi là Nazarêo, có nghĩa là người Nazareth. Đức Kitô đã đồng hành với Dân tộc Do Thái, đã trở thành người Do Thái và cùng xẻ chia nỗi ưu tư của người Do Thái. Người đã hành động biến ước mơ giải phóng khỏi ách người Roma, đến khát vọng giải phóng khỏi cái gốc làm cho con người nô lệ, đó là tội, phát sinh bởi lòng tham lam, sự gian ác, lòng đó kỵ, sự kiêu ngạo, thái độ giả hình, trái tim vô cảm, lối sóng ích kỷ, định kiến cá nhân... Tóm lại, Người đã hành động để kiến tạo một xã hội biết quan tâm đến nhau, biết quảng đại tha thứ, một cộng đoàn xã hội biêt tôn trọng nhân phẩm, tôn trọng tự do, và biết mến yêu chân lý, hơn là hô hào việc giải phóng khỏi ách đô hộ của đế quốc Roma để rồi sau đó xã hội vẫn ngổn ngang bao nỗi bất công, ức hiếp, vẫn còn hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, và kẻ cô thân cô thế vẫn bị loại trừ. Đồng hành với Dân tộc như Đức Kitô là mặc lấy thân phận của Dân tộc là làm cho thân phận đó được thăng hoa đạt tới sự viễn mãn của sự hạnh phúc thật. Vì thế Đức Kitô chẳng thỏa hiệp với Hêrôđê hay Philatô, với người biệt phái hay giới luật sĩ, Người chỉ hành động đúng với sứ vụ được trao ban: Loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Thư chung 1980 được ban hành, nhưng để hiểu và thực hành thư chung đúng nghĩa trong cái nhìn thần học, thì quả thật còn quá nhiêu khê. Nhiêu khê đến nỗi sau hơn 20 năm ban hành, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam vẫn chưa thể định hình một nền huấn giáo về thần học trong bối cảnh hiện nay của đất nước, và việc dạy Giáo lý vẫn là các tín điều được đóng khung trong các những công thức in trong sách vở.
2. Một bước đi mang tính đột phá: Đại Hội Dân Chúa 2010
Nhân kỷ niệm 50 thành lập Hàng Giáo Phẩm, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã khai mở Đại hội Dân Chúa, để “các vị đại diện của mọi thành phần Dân Chúa sẽ cùng với Hội Đồng Giám Mục cầu nguyện, suy nghĩ và trao đổi nhằm nhận diện những thuận lợi và thách đố cho Giáo Hội Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại, đề ra những hướng đi mục vụ thích hợp trong giai đoạn tới, mong xây dựng Giáo Hội như lòng Chúa mong muốn là Giáo Hội của Chúa Kitô ở giữa dân tộc của mình”[12].
Qua Đại Hội, Hội Đồng Giám Mục đã định hướng đường lối mục vụ trong bối cảnh hiện tại và hướng tới tương lai là tiếp tục và hoàn thiện công việc đối thoại:
- Đối với Chính quyền: Giáo Hội khẳng định: “Vì là một thực tại tôn giáo chứ không phải thực tại chính trị hay kinh tế, nên Giáo Hội không bao giờ tìm cách thay thế chính quyền, nhưng chỉ mong muốn sử dụng tất cả khả năng để phục vụ Thiên Chúa và con người”[13]. Là công dân trong một đất nước, Hội Đồng Giám nói đến bổn phận yêu mến và xây dựng quê hương và thi hành bổn phận này với tinh thần Phúc Âm, “quan tâm phát triển nhân bản và văn hóa, xây dựng công bằng, tình liên đới, sự bình đẳng và tự do tôn giáo qua nẻo đường hiền lành và khiêm nhường, bao dung và tha thứ[14].
- Đối với truyền thống văn hóa: Hôi Đồng Giám Mục xác định rằng hội nhập văn hóa và tính bản địa là đòi hỏi nội tại của đức tin Kitô giáo. Vì vậy, Giáo Hội có trách nhiệm làm cho Tin Mừng thấm nhuần các giá trị văn hóa trong dân tộc mình. Tiến trình này không xóa bỏ nhưng thanh lọc và làm cho bản sắc dân tộc thêm phong phú nhờ các giá trị Tin Mừng. Vì thế, Giáo Hội phải nghiên cứu tường tận bản sắc văn hóa dân tộc, hầu có thể phân định những gì là tốt đẹp, để diễn tả đức tin bằng những nét văn hóa ấy đồng thời đem tinh thần Phúc Âm thấm vào các sinh hoạt văn hóa, cụ thể như các dịp lễ tết và ma chay cưới hỏi[15]
- Đối với các tôn giáo: Hội Đồng Giám Mục nhắc lại con đường đối thoại, và chỉ có đối thoại mới giúp Giáo Hội tại Việt Nam xác tín hơn nữa vào tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đang dẫn dắt mọi người tới Chân Lý toàn vẹn. Thư chung nhận định: qua đối thoại sẽ giúp Giáo Hội rộng mở hợp tác với các tôn giáo trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người. Hơn thế nữa, đây còn là cơ hội để Giáo Hội canh tân lòng tin của mình vào Đức Kitô là Khởi Nguyên và Cùng Đích của toàn thể lịch sử nhân loại[16].
- Đối với người nghèo: Hôi Đồng Giám Mục minh định rất rõ ràng về nhiệm vụ của Gíao Hôi là quảng đại phục vụ con người, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. “Việc đối thoại với người nghèo giúp cho Giáo Hội học được cách nhìn của Đức Kitô, khám phá nơi con người nhu cầu cần được yêu thương và tôn trọng chứ không chỉ là được ban phát của cải vật chất”[17]
- Đối với anh em không tôn giáo: Thẳng thắn đối thoại với sự hiền hòa và lòng kính trọng, người Công Giáo “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình” (1 Pr 3,15), thẳng thắn trình bày quan điểm của Giáo Hội trước các vấn đề nhân sinh; nếu cần, sẵn sàng chấp nhận đau khổ để làm chứng cho chân lý Tin Mừng.[18]
Qua thư chung này, chúng ta thấy Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thực hiện một bước tiến dài trong nỗ lực trình bày cho người Việt Nam nhận ra Giáo hội Việt Nam là một thành phần thuộc con Dân Việt, không còn được nhìn như là một tôn giáo xa lạ với văn hóa, và nếp sông của người Việt. Khẳng định mình là một phần của dân tộc, nên Hôi Đồng Giám Mục kêu gọi mọi tín hữu cùng chung lưng với mọi thành phần khác trong xã hội Việt Nam để dấn thân xây dựng quê hương đất nước ngày hưng thịnh hơn. Dĩ nhiên việc dấn thân này vẫn luôn được kêu mời phải là dấn thân trong ánh sáng của Tin Mừng, dấn thân với lương tâm ngay thẳng để đạt tới việc phục vụ cho công ích và vì công ích.
Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 đã mang đến một niềm hy vọng lớn lao, vì đường hướng mục vụ không chỉ dừng lại ở việc kiến tạo mơi tương giao đối thoại với các thành phần được trình bày ở trên, nhưng còn lan tỏa đến các vấn nạn mà xã hội đang quan tâm tới như phụ nữ, giới trẻ, di dân, gia đình, môi trường, giáo dục, truyền thông…Có nghĩa là Giáo Hội Việt Nam cố gắng mở rộng con đường phục vụ của mình ra bên ngoài, hướng tới các mối tương quan với xã hội, với mong ước Giáo Hội trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng. Tuy nhiên, canh tân làm cho Giáo Hội tại Việt Nam thực sự trở thành tiếng nói của thời đại còn là một trăn trở không nhỏ, vì Thư Chung vẫn chưa chỉ rõ viễn tượng cánh chung của Vương quốc mà Giáo hôi là dấu chỉ của Vương quốc đó. Bởi trong Giáo Hôi Việt Nam, hình như giữa các thành phần Dân Chúa vẫn chưa cảm nhận được tư tưởng của Công Đồng Vat. II: “Theo thánh ý của Thiên Chúa, có những người được chọn làm tiến sĩ, có người làm người phân phát các mầu nhiệm hay chủ chăn để lo cho kẻ khác, tuy nhiên giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự (vera aequalitas), bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu nhằm xây dựng thân thể Chúa Kitô” (LG 32).
Thế nhưng trong thực tế, mối tương quan giữa linh mục và người giáo dân như vẫn còn bức màn ngăn cách, và khái niệm “giáo sĩ trị” như vẫn còn chi phối đâu đó trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam, quyền bính vẫn là một ưu thế trong việc quản trị Hôi Thánh. Nếu qủa thực Chúa Giêsu được trình bày trong Giáo hội như là Đầu của Giáo hội cấu trúc bí tích, thì việc trình bày nầy nhằm hiện tại hóa sự phục vụ sự hiến dâng của Chúa Giêsu cho Giáo hội (Lg 32; x. Eph 5, 25 – 27). Khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Người, Người tỏ ra như “Chúa và Thầy” của các ông (Ga 13, 13 – 15), không gì khác hơn. Người cấm các môn đệ Người đừng bắt chước thái độ của vua chúa trần gian khi thi hành nhiệm vụ (Mc 10, 41 – 45) và Giáo hội của Người và những người lãnh nhận nhiệm vụ của Giáo hội phân định với quyền bính của thế quyền cách rõ ràng, vì quyền bính của thế quyền không đồng hành với Chúa Giêsu qua dấu chỉ về tình bằng hữu: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15, 13 tt)[19].
Trọng tâm của sứ vụ Giáo hội không phải là hoàn thiện cơ cấu, củng cố quyền bính, nhưng là mang ơn cứu độ được Chúa Cha trao ban đến cho hết mọi dân tộc để tất cả mọi người được nên một với nhau, ơn cứu độ chính là “vương quốc Thiên Chúa” trong viễn tượng cách chung. Để là dấu chỉ của niềm hy vọng, lời loan báo của Giáo Hội phải mang đặc tính bí tích[20]. Như bí tích không chỉ là được trình bày như thế nào, nhưng bí tích còn chứa đựng thực tại mà bí tích hướng tới, cũng vậy, lời loan báo tương thích và có trọn vẹn ý nghĩa với cấu trúc “xác thể - linh hồn”, vì lời được loan báo không là lời thông tin, chỉ dẫn đơn thuần, nhưng lời chứa đựng một cuộc gặp gỡ ân sủng.[21] Đặc biệt cũng giống như hiệu qủa do sự (ex opere operato) của bí tích, việc loan truyền đức tin cũng nằm trong chiều kích đó. Vì việc tỏ bày đức tin tự thân chứa đựng thực tại mà đức tin nói tới, nó biểu lộ chân lý bởi chính mình (ex sese)[22]. Việc tỏ bày đức tin trình bày thực tại hướng tới, chính là biến cố hiệp thông với Thiên Chúa, ở nơi chính biến cố nầy chúng ta được Thiên Chúa mời đón. Qủa thật, Tin Mừng đến với thế gian bởi chính Thiên Chúa, và chính Ngài mang lại niềm vui cứu độ cho thế giới. Do đó, Phúc âm của Chúa Giêsu là Tin mừng vĩ đại, chính trong Tin Mừng nầy Chúa của Vũ trụ, Đấng Tạo hóa đã tự cúi mình xuống với nhân loại và nói chuyện với con người. Điều lớn lao mà Thiên Chúa, Đấng tạo hóa, dành cho con người không phải là việc chính người hạ mình xuống để đến với chúng ta, nhưng chính là Người nhận biết chúng ta, và sẵn sàng đón nhận chúng ta, đó là Tin Mừng cứu độ, Người hủy bỏ sự cô lập, phá tan mây mù của những vấn nạn về thân phận con người, tiêu diệt bóng đêm cô đơn, và chiếu dọi ánh sáng tình yêu vào trong thế giới.[23] Người ta vẫn chưa cảm nhận được nơi Thư Chung nầy một sự giải phóng Giáo hội Việt Nam khỏi những bận rộn, những lo toan không sinh hiệu qủa ở những vấn đề loanh quanh trong nội bộ Giáo hội, và dẫn Giáo hội vào một vùng trời rộng lớn hơn có nhiều năng lực giúp nhận ra dấu chỉ Nước Thiên Chúa ở giữa những người nghèo trong thế giới của chúng ta và biến Giáo hội thành dấu chỉ đó. Hãy để trong Giáo hội trổ ra một niềm hy vọng mới!
Sự dấn thân phục vụ của Giáo Hội không chỉ nhắm tới việc biến đổi lịch sử của thế giới chúng ta trong tương lai. Qua việc hiện diện đích thật của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh trong Thần khí, Đấng thổi đâu là do ý Người muốn, Vương quốc Thiên Chúa thực sự đã hiện diện trong lịch sử. Và như vậy Vương quốc đó không chỉ biểu lộ trước trong đức tin, đức cậy, đức mến, có nghĩa là biểu lộ trong Giáo hội mang tính cơ cấu xã hội và trong những thực hành căn bản của Giáo hội, nhưng ở tất cả mọi nơi, ở đâu mà con người được Thần khí của Đấng phục sinh tác động, nhằm khơi lên tiền dấu chỉ của “tình huynh đệ đại đồng” được trông đợi, và làm cho đời sống gia đình nhân loại “trở nên nhân đạo hơn và qui phục trái đất về cùng một mục đích ấy” (GS 38). Vì trong chính Thần khí nầy mà “con đường tình yêu được mở rộng cho tất cả mọi người” (GS 38), con đường mà Chúa Giêsu đã loan báo cách rõ ràng, con đường đó như là sự hoàn tất của toàn thể lề luật (Mt 22, 35 tt; Lc 10, 30 tt) và như tiêu chuẩn quyết định cho việc được tiếp nhận vào vương quốc Thiên Chúa (Mt 25, 31 tt), vì thế những hình ảnh có thể cảm nghiệm được của Vương quốc Thiên Chúa đang đâm chồi nẩy lộc trong những thời gian và không gian khác nhau của lịch sử, những hình ảnh đó trình bày trước hình dáng trọn hảo của vương quốc: “Tất cả các thành qủa tốt đẹp do bản tính và nỗ lực của chúng ta, chính là các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, phải được lan rộng trên trái đất trong Chúa Thánh thần và phù hợp với giới lệnh của Chúa; rồi chúng ta sẽ tìm gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng ta được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được tỏa sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô hoàn giao lại Chúa Cha ‘vương quốc vĩnh cửu và đại đồng: vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân phúc, vương quốc công bình, yêu thương và hoà bình’. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian nầy và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến” (GS 39).
KẾT
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam có thể tự hào về những gì mình đã gặt hái được trong thời gian ngắn ngủi: 50 năm. Tự hào trong tâm tình cảm mến tri ân về tình yêu Thiên Chúa dành cho Giáo Hội tại Việt Nam. Vâng, Giáo Hội tại Việt Nam đã nhận ra rằng “quê hương là chiếc nôi trong đó ơn gọi Kitô hữu tăng trưởng,[24] và người tín hữu sống đức tin trong tinh thần đồng hành với mọi người anh chị em trong cộng đồng dân tộc: ‘Tinh thần đồng hành của chúng ta là tinh thần nhập thể của Chúa Giêsu Kitô. Đồng hành như những thành viên thật sự của cộng đồng dân tộc, chứ không phải như những kẻ xa lạ. Đồng hành không phải để tranh giành quyền lực, nhưng để cùng với Chúa Kitô và như Chúa Kitô, trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa và của nhân loại’”.[25] Trong nỗ lực đồng hành cùng Dân tộc, đối thoại với các tôn giáo bạn, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam đang dần đẩy lui những định kiến không tốt về đạo Công giáo, và đang dần làm cho người ta khám phá ra vẻ đẹp khuôn mặt của Đức Kitô qua sự dấn thân phục vụ của Giáo Hôi Viẹt Nam trong lòng Dân tộc.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, thì hầu như người ta vẫn mới chỉ nhận ra Giáo Hội ở dáng vẻ bên ngoài của một tổ chức trần thế với cơ cấu phẩm trật, những “lễ lạy” nhộn nhịp càng ngày càng hoành tráng, và việc cử hành các Thánh lễ trong những dịp như phong chức, khánh thành Nhà thờ, đón rước… càng ngày càng lộng lẫy. Việc khám phá ra khuôn mặt đích thức của Chúa Kitô qua Giáo Hôi tại Việt Nam còn là một trăn trở lớn. Trước mắt, là một thách đố lớn lao mà Hàng Giáo Phẩm Việt Nam đang đối diện, thách đố về một hành động để làm sao nói cho mọi người nhận ra rằng, Giáo Hôi này đây do chính Chúa Giêsu thiết lập trong mối tương quan với Nước Thiên Chúa, chứ không nằm trong phạm trù của một vương quốc trần thế. Giáo hội là cộng đoàn thuộc về Nước Thiên Chúa. trọng tâm của Giáo hội chính là mang ơn cứu độ được Chúa Cha trao ban đến cho hết mọi dân tộc để tất cả mọi người được nên một với nhau, ơn cứu độ chính là “vương quốc Thiên Chúa” trong viễn tượng cách chung. Giáo hội trình bày trước Vương quốc Thiên Chúa trong toàn thể nội dung ý nghĩa của nó qua Đức Kitô về một thế giới hoà bình, công chính, sự sống theo ý muốn của Thiên Chúa. Trong khi thi hành nhiệm vụ của người môn đệ Chúa Giêsu, Giáo hội phải là dấu chỉ của Vương quốc Thiên Chúa trong chiều kích cách chung này; ngoài ra, cùng với tất cả những con người đang nỗ lực đi tìm một nền hoà bình, công lý và sự sống cho toàn thể thụ tạo, Giáo hội phải làm sao trở thành “một con đường chung của niềm hy vọng. Vâng, để tìm một hướng đi cụ thể cho suy tư này, có lẽ trươc mắt vẫn còn là một thách đố!
Mùa chay 2014
[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Luân Lưu “Xây dựng hòa bình” , ban hành tại Saigon, ngày 5-1-69
[2] M. Kehl, Eschatologie, Wuerzburg, 1988, 135 tt.
[3] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Luân Lưu “Xây dựng hòa bình” , ban hành tại Saigon, ngày 5-1-69
[4] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thông báo về việc tôn kính tổ tiên, ban hành tại Đà Lạt, ngày 14 tháng 6 năm 1965, x. Sacerdos-Linh Mục Nguyệt San, số 43, tháng 7-1965, trang 489-492.
[5] Ngày 8-12-1939, Bộ Truyền giáo đã công bố Huấn thị Plane compertum est sau cuộc triều yết ĐTC Piô XII ngày 7-12- 1939:
“Rõ ràng là tại Cực Đông xưa kia có một số nghi lễ (ceremonies) gắn liền với nghi điển (rites) ngoại giáo, nay vì những biến đổi theo thời gian về các phong tục và ý tưởng, nên nó chỉ còn mang ý nghĩa dân sự, để tỏ lòng tôn kính tổ tiên, yêu mến tổ quốc và vì lịch sự trong các tương quan xã hội.
“Năm 1935 và 1936, với sự chấp thuận của ĐTC Piô XI[4], Thánh Bộ Truyền giáo, dựa theo điều khoản 22 giáo luật[5], đã ban cho các đấng Bản quyền Mãn Châu và đế quốc Nhật (empire japonais) những nguyên tắc mới trong việc hướng dẫn cho thích hợp hơn với những điều kiện hiện tại.
“Vừa rồi đây, các Đức Hồng y T. Bộ Truyền giáo trong phiên họp toàn thể ngày 4-12-1939, đã xem xét vấn đề: nên chăng dùng phương pháp tương tự cho các xứ khác mà thời gian đã mang lại sự thay đổi y hệt.
“Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng những lý lẽ nghịch, thuận, và hỏi ý kiến các nhân vật thông thạo, các Đức Hồng y đã quyết định đưa ra những tuyên bố sau đây:
“1. Xét rằng, nhiều lần chính phủ Trung Hoa đã tuyên bố cách minh nhiên là để mỗi người được tự do lựa chọn tôn giáo, và chính phủ cũng chẳng cần đặt ra những đạo luật và chỉ dụ về vấn đề tôn giáo, và bởi thế các nghi lễ do nhà cầm quyền thi hành để kính Đức Khổng Tử, không có mục đích tế tự tôn giáo (culte religieux), nhưng chỉ là để tôn kính một nhân vật cao quý theo cách tôn trọng phải làm như tập tục tiền nhân, nên người Công giáo được phép (il est licite) tham dự các nghi lễ kính Đức Khổng, trước hình ảnh hoặc bài vị mang tên Ngài trong các văn miếu hay trường học.
“2. Vậy không còn là trái phép (illicite), nhất là khi nhà chức trách truyền lệnh trưng bày hoặc cúi đầu chào hình ảnh hay bài vị mang tên Đức Khổng trong các trường học Công giáo, nếu sợ gây ra gương mù, thì người Công giáo nên cẩn thận tuyên bố về lòng ngay thẳng của mình khi làm cử chỉ đó.
“3. Nhân viên và học sinh các trường Công giáo, nếu có lệnh ban cho họ, thì đừng từ khước dự (assister) các nghi lễ công cộng, mặc dù bên ngoài có thể coi là nhuốm màu dị đoan, miễn là – theo đúng giáo luật điều khoản 1258[6] – họ thi hành cách thụ động với ý tưởng duy nhất là để tôn kính theo nghi lễ hoàn toàn dân sự. Để tránh mọi hiểu lầm về cử chỉ của họ, họ sẽ tuuyên bố về ý hướng của họ mỗi khi xét là cần.
“4. Phải coi là được phép (licites) và xứng hợp (convenables) tất cả những [cử chỉ] cúi đầu và những biểu lộ khác có tính cách tôn trọng dân sự trước những người quá cố hay hình ảnh và bài vị mang tên họ.
“Đàng khác, các Đức Hồng y nhận thấy lời thề về nghi điển Trung Hoa do ĐTC Bênêđitô XIV truyền dạy trong hiến chế Ex quo singulari ngày 11-7-1742 cho tất cả các linh mục trong đế quốc Trung Hoa và các tỉnh lân cận hoặc tiếp giáp (et les provinces proches et limitrophes) không còn hợp với các nguyên tắc hướng dẫn mà Bộ Truyền giáo mới công bố. Vả lại, ngày nay lời tuyên thệ đó như phương thế kỷ luật, trở nên tuyệt đối dư thừa, bởi vì thực tế các cuộc tranh luận xưa về nghi điển Trung Hoa đã chấm dứt như mọi người biết, và các thừa sai cũng như các linh mục khác chẳng còn bị bó buộc phải tuyên thệ để vâng phục mau mắn với tình con thảo đối với Toà thánh. [Vậy, các Đức Hồng y] quyết định bãi bỏ lời thề đó ở tất cả nơi nào còn thi hành, hoặc ở Trung Hoa, hoặc các nơi khác. Dĩ nhiên, tất cả các chỉ dạy khác của ĐTC Bênêđitô XIV vẫn còn giá trị, nếu chưa được thay đổi do các huấn thị mới đây, và đặc biệt là còn cấm tranh tụng về các vấn đề nghi điển Trung Hoa.Nguồn: http://dongten.net/noidung/8161
[6] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thông báo về việc tôn kính tổ tiên, ban hành tại Đà Lạt, ngày 14 tháng 6 năm 1965, x. Sacerdos-Linh Mục Nguyệt San, số 43, tháng 7-1965, trang 489-492.
[7] Lm Vũ Kim Chính SJ Ông Bà Tổ Tiên Giá trị văn hóa, phong tục tập quán của người Việt liên hệ với việc truyền giáo, nguồn: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/TRIETHOC/ONGBA.htm
[8]Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thông báo về việc tôn kính tổ tiên, ban hành tại Đà Lạt, ngày 14 tháng 6 năm 1965, x. Sacerdos-Linh Mục Nguyệt San, số 43, tháng 7-1965, trang 489-492.
[9] Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung gửi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước, ngày 01-05-1980.
[10] Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung gửi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước, ngày 01-05-1980.
[11] Nt.
[12] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung gởi Cộng đồng Dân Chúa, ban hành tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, ngày 9 tháng 4 năm 2010.
[13] Nt, số 14.
[14] Nt, số 33.
[15] NT số, 15
[16] Nt số 40.
[17] Nt số 41.
[18] NT số 42.
[19] X. H. Legrand, Die Gestalt der Kirche, trong: P. Eicher (xuất bản), Neue Summe Theologie 3: Der Dienst der Gemeinde, Freiburg 1989, 87 – 181.
[20] X.P. Knauer, Der Glaube kommt vom Hưren, Styria 1978, 164.
[21] X. nt, 165.
[22] Karl Rahner, Wort und Eucharistie, trong: Schriften zur Theologie, cuốn IV, Einsiedeln – Zrich –Kưln 1960, 329.
[23] X.Joseph Kardinal Ratzinger, Kirche besteht als Liturgie und in Liturgie, trong:Gott in uns nah,Sankt Ulrich 2001, 131 - 132
[24] x. HĐGMVN, Thư chung 1980; Thư chung 1989.
[25] Tài liêu làm việc (laboris instrument) Đại Hội Dân Chúa 2010, số 9.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi