TGP. Hà Nội: Cử hành đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

TGP. Hà Nội: Cử hành đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

"Giờ phút này đây, chúng ta hãy hân hoan vui mừng vì đang cùng nhau tham dự một biến cố trọng đại của Hội Thánh. Ngày lễ hôm nay có thể coi là ngày sinh nhật của Giáo Hội, không phải với hơn một tỉ tín hữu thôi mà còn nhiều trăm triệu anh em Tin Lành, Anh Giáo và Chính Thống Giáo. Vì chúng ta được xuất phát từ một Hội Thánh và sinh ra từ một Chúa Thánh Thần," Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, đã vui mừng nói với cộng đoàn phụng vụ trong ngày đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, vào hồi 09 giờ ngày 12 tháng 06. Cùng hiệp dâng Thánh lễ với ngài có Đức cha phụ tá Lô-ren-xô Chu Văn Minh, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và rất đông bà con giáo hữu.

Nói về ý nghĩa của ngày lễ, Đức Tổng Giám Mục nói: Từ biến cố Đức Giê-su Phục Sinh rồi về cùng Chúa Cha; trong vinh quang của Đức Chúa Cha và từ Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần xuống để quy tụ chúng ta làm thành Hội Thánh của Ngài; sau đó Ngài sai chúng ta đi để làm chứng cho tình yêu cứu độ của Chúa. Vì thế, chúng ta hãy tin tưởng và xin ơn Chúa Thánh Thần đổ xuống trên Hội Thánh của Chúa, trên quê hương chúng ta, Tổng Giáo phận chúng ta, Giáo xứ chúng ta, gia đình và nơi mỗi người chúng ta để biết yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân, đem Tin Mừng cứu độ của Chúa đến cho mọi người.

Trong phần giảng lễ, Đức Tổng Giám Mục lần lượt giải nghĩa hai tường thuật về Chúa Thánh Thần, một bài trích từ Tin Mừng theo Thánh Gio-an và tường thuật thứ hai được trích từ Sách Tông đồ Công vụ. Cả hai tường thuật trên đều nói về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nhưng về thời điểm thì có sự khác biệt. Tường thuật theo Thánh sử Gio-an cho rằng ngay ngày đầu tiên Chúa Giê-su sống lại thì chiều hôm đó Ngài đã hiện ra và ban cho các Tông đồ Chúa Thánh Thần, rồi sai các ông đi với quyền được tha thứ tội lỗi. Nhưng tường thuật trích từ Sách Tông đồ Công vụ thì viết sau 50 ngày Chúa Giê-su sống lại mới có biến cố ban Thánh Thần cho các Tông đồ và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng.

Vậy Chúa Thánh Thần xuống trên các Tông đồ và Giáo Hội sơ khởi vào lúc nào?

Trước hết, cả hai bài tường thuật đều là Thánh Kinh nên cả hai bài đều là sự thật, chỉ có điều là mỗi tác giả khi viết về một biến cố liên hệ đến sứ vụ của Đức Ki-tô thì tùy theo tác giả viết cho ai? viết để làm gì?...

Đặt ra những vấn nạn trên, Đức Tổng Giám Mục Phê-rô đã cắt nghĩa chi tiết để làm rõ về ý nghĩa của ngày lễ hôm nay. Từ việc ban Chúa Thánh Thần cách âm thầm theo Tin Mừng của Thánh sử Gio-an đến nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Ngũ tuần của người Do-thái được nhắc đến trong Sách Tông đồ Công vụ, từ việc lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội cho đến Bí Tích Thêm Sức với ơn tròn đầy của Ngài.

Hơn nữa, khi nói về điểm nhấn của Thánh Lu-ca trong Sách Tông đồ Công vụ, Đức Tổng nhấn mạnh đến việc Chúa Giê-su lập một Giao ước mới, giao ước vĩnh cửu để một lần cho mãi mãi. Từ thời Cựu Ước, thời kì mà người ta giữ luật vì sợ hãi, sợ hình phạt; người ta giữ luật vì nghi thức và bề ngoài. Đến lúc không còn chuyện đó nữa thì Thần Khí của Chúa đã đến vào ngãy lễ Ngũ tuần, Thần Khí ấy là Thần Khí của sự thật, Thần Khí của sự sống và tình yêu nên đã chọn ngày hôm đó để sinh nhật ra Hội Thánh. Từ nay Hội Thánh bước từ Cựu Ước sang Tân Ước, bước từ lề luật cũ sang lề luật mới, bước từ tinh thần nô lệ sang tinh thần của người con, tất cả đều nhờ ơn Chúa Thánh Thần.

Khi chia sẻ với cộng đoàn về sứ vụ của Hội Thánh, Đức Tổng nhắc lại Lời của Chúa Giê-su: "Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em;" ở đây muốn nói đến sứ mạng cứu độ, sứ mạng loan báo Tin Mừng, sứ mạng làm chứng cho sự thật, sứ mạng đó chính Chúa Cha đã trao cho Chúa Con và Chúa Con đã thiết lập Hội Thánh để trao cho Hội Thánh. Vì thế, sứ mạng của Hội Thánh luôn phải là sứ mạng mà Chúa Cha trao cho Chúa Con và Chúa Con trao cho chúng ta. Vậy, Chúa Giê-su đón nhận lệnh truyền của Chúa Cha cách nào, thi hành cách nào thì Hội Thánh cũng đón nhận và thi hành như cách của Chúa Giê-su đã làm. Hai cách nổi bật mà Chúa Giê-su đã làm là Ngài vâng lời Chúa Cha cho đến chết và Ngài vâng lời trong tình yêu. Vâng lời ở đây không phải vâng lời vì sợ hãi, vâng lời vì áp lực mà vâng lời của một người con yêu mến cha mình; cha với con là một, tất cả những gì nơi cha là của con, tất cả là một nên tất cả những gì cha ban cho con thì con ban cho họ.

Cuối bài giảng, Đức Tổng nói về tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Đó là tiếng nói của tình yêu. Ngài nói, đã hơn 100 năm nay, con người cố tìm một ngôn ngữ nào đó dễ cho tất cả mọi người, và người ta không thành công. Nhưng trong Giáo Hội của chúng ta có một thứ ngôn ngữ mà mọi người đều hiểu hết, không ai là không hiểu. Ngôn ngữ đó chính là tiếng nói của tình yêu. Tiếng nói của tình yêu ai cũng có thể hiểu được, ngay cả người kẻ trộm bị án tử hình một cách độc ác mà đứng trước tình yêu của Chúa Giê-su cũng phải mềm lòng. Như vậy, không có ngôn ngữ nào khác ngoài ngôn ngữ của tình yêu để giúp mọi người hiểu được nhau. Nhưng để thực hiện cái ngôn ngữ đó thì chúng ta phải có tác giả của tình yêu là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là tác giả của tình yêu. Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết Cha với Con. Vậy muốn sống trong tình yêu thì phải đón nhận Chúa Thánh Thần.

Kết thúc bài giảng lễ, Đức Tổng mượn lời nguyện của Đức cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô Đệ nhị đã dùng nhiều lần khi ngài có những chuyến công du ở trên thế giới: "Chúa Thánh Thần hãy làm lại một lễ hiện xuống mới". Chúng ta hãy tin tưởng Chúa Thánh Thần biến đổi cộng đoàn chúng ta ngày hôm nay để chúng ta được hưởng một lễ hiện xuống mới qua việc đổi thay tâm hồn, lòng trí giúp chúng ta trở nên những nhân chứng của Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

Cuối Thánh lễ, như thường lệ là phép lành của vị chủ chăn giáo phận đến toàn thể cộng đoàn phụng vụ.

 

3
 
5
 
6
 
7
 
8
 
10

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top