Tại sao ĐTC quyết tâm thực hiện chuyến tông du Iraq đầy hiểm nguy?
TGPSG / Inside the Vatican -- Không ai ở Vatican muốn Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq trong thời gian này. Vậy tại sao ĐTC vẫn quyết tâm thực hiện chuyến tông du?
Đức Thánh Cha Phanxicô sắp bắt đầu một chuyến tông du lịch sử tới Iraq vào ngày mai, thứ Sáu, ngày 5-3-2021. Khi đặt chân đến Baghdad, ĐTC sẽ gặp Tổng thống Iraq Barham Salih, sau đó đi khắp đất nước với tốc độ chóng mặt, đến thăm các nhà lãnh đạo tôn giáo và các thành phố vẫn đang trong quá trình phục hồi sau khi bị Nhà nước Hồi giáo (IS) tàn phá.
Chuyến đi này vô cùng mạo hiểm. Đất nước Iraq đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm Covid-19 khi các chủng virus mới được phát hiện. Bạo lực cũng gia tăng khi 32 người đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết ở Iraq vào tháng Giêng và chỉ hai tuần trước, đã có một cuộc tấn công bằng đạn thật vào một căn cứ quân sự bên trong sân bay Erbil, thành phố nơi ĐTC chuẩn bị gặp các đại diện của người Kurdistan ở Iraq. Mới hôm nay, mười quả rocket đã bắn trúng một căn cứ quân sự ở miền tây Iraq.
Gerard O’Connell, thông tín viên của Hoa Kỳ tại Vatican và là người dẫn chương trình podcast “Inside the Vatican”, sẽ đồng hành với Đức Thánh Cha trong chuyến đi này. Ông O’Connell đã chia sẻ trong tập podcast đặc biệt của tuần này: “Nếu bạn lắng nghe những nhân viên ở Vatican, những viên chức cao cấp hàng đầu, thì sẽ thấy không ai khuyến khích ĐTC đi cả. Họ nói, hãy chờ đợi, hãy chờ đợi, và hoãn lại!”
Nhưng Đức Thánh Cha vẫn quyết tâm tiếp tục chuyến viếng thăm, bất chấp những rủi ro đối với bản thân, đối với những người đi cùng Ngài và những người Iraq sẽ tụ tập để gặp ĐTC. Vì vậy, câu hỏi lớn là, tại sao? Điều gì đang thúc đẩy ĐTC Phanxicô bước vào vùng chiến sự, trong lúc đại dịch toàn cầu đang diễn ra phức tạp?
Tập chuyên đề đặc biệt của “Inside the Vatican” này đào sâu vào hai mục tiêu chính của chuyến tông du: nâng đỡ số ít Kitô hữu còn ở lại Iraq dưới sự chiếm đóng của IS và giúp hàn gắn một số mối quan hệ rạn nứt nhất của Iraq bằng cách xây dựng đối thoại với người Hồi Giáo Shia.
Một lịch sử phong phú, một tương lai không chắc chắn
Những người theo Thiên Chúa Giáo ở Iraq có nguồn gốc từ Thánh Tôma – vị tông đồ đã rửa tội cho nhiều người và thiết lập các cộng đoàn Thánh Thể khắp vùng. Nhưng Tiến sĩ Amir Harrak, giáo sư nghiên cứu tiếng Aramaic và Syriac tại Đại học Toronto, giải thích rằng ISIS đã phá hủy các nhà thờ, tu viện, bản thảo và tác phẩm nghệ thuật quan trọng thời Trung cổ nhằm xóa bỏ bất cứ thứ gì không phù hợp với tầm nhìn Hồi giáo cực đoan.
Tiến sĩ Harrak nói: “ISIS đã xóa bỏ mọi thứ nghệ thuật của thời kỳ đó, điều đó tất nhiên có nghĩa là những người Kitô hữu đã mất một kho báu, nhưng Hồi giáo cũng đánh mất kho báu đó”. Là một học giả về lịch sử văn hóa Syriac, Tiến sĩ Harrak cảm thấy mình cũng mất cả một kho báu lịch sử.
Trong khi Tiến sĩ Harrak tìm cách rời Iraq vào những năm 1970 để theo đuổi con đường học vấn của mình, những người khác lại không may mắn như vậy. Rashel Groo, một sinh viên đại học Công giáo ở Erbil, đã sống qua thời kỳ ISIS tiếp quản thành phố quê hương của cô, Qaraqosh, vào năm 2014. Trên podcast, cô mô tả đêm mà gia đình cô bỏ trốn: “Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra vào đêm đó. Chúng tôi thậm chí không mang theo bất cứ thứ gì bên mình. Trong vài giờ, chúng tôi rời khỏi nhà của mình và không quay lại đây trong ba năm. Không ai tưởng tượng được điều đó sẽ xảy ra.”
Cùng với một số Kitô hữu khác, gia đình bà Groo đã bắt đầu tái định cư ở Qaraqosh, nhưng việc này không hề dễ dàng cho họ. Họ chỉ có điện và nước sinh hoạt trong vài giờ mỗi ngày, điều này khiến cô Groo, một sinh viên khoa học máy tính, rất khó hình dung về một tương lai cho chính mình ở đó. Gần 40% người Iraq dưới 15 tuổi và đã sống cả cuộc đời bị bao vây bởi xung đột. Do đó, Iraq sẽ phải đối mặt với cuộc xuất cư ồ ạt của những người trẻ tuổi.
Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đến Iraq để chứng tỏ cho những người trẻ này, đặc biệt là những người Kitô hữu như cô Groo, rằng họ đã quyết định đúng đắn khi ở lại và rằng họ có thể giúp hàn gắn đất nước của họ.
Gặp gỡ ôm nhau thắm thiết để hàn gắn sự chia rẽ
Việc chữa lành vết thương của Iraq sẽ cần đến sự hòa giải. Mặc dù người Hồi giáo và Kitô giáo đã sống cạnh nhau ở Iraq trong sự hòa hợp tương đối trong nhiều thế kỷ, và mặc dù ISIS nhắm mục tiêu vào người Hồi giáo cũng như Kitô giáo, căng thẳng giữa các nhóm vẫn gia tăng khi lòng tin bị xói mòn.
Jordan Denari Duffner, một học giả về mối quan hệ Hồi giáo-Công giáo, cho biết: “Những gì mà những người theo Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo đang cố gắng làm ở Iraq là nỗ lực hồi phục những gì đã có."
ĐTC Phanxicô muốn cộng tác vào quá trình đó. Vào thứ Bảy, ĐTC sẽ gặp một trong những nhà lãnh đạo được tôn kính nhất của Hồi Giáo Shia, vị lãnh tụ Hồi giáo Ali Al-Sistani. Vị lãnh tụ này (Đức Ayatollah Ali Al-Sistani) đã tập trung vào công cuộc xây dựng hòa bình và công lý, khuyến khích người Hồi giáo của Iraq tham gia cuộc chiến chống ISIS và bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số như Kitô giáo và Yazidis - những người phải đối mặt với điều mà cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi là tội ác diệt chủng.
Mặc dù những gì sẽ được thảo luận trong cuộc gặp này chưa được công bố, nhưng “chính cuộc gặp đã là thông điệp rồi,” bà Denari Duffner nói.
Hiện nay, những tác phẩm nghệ thuật đường phố về Đức Giáo hoàng và Đức Ayatollah đã được dựng lên khắp Najaf - thành phố linh thiêng nhất của Iraq, nơi hai vị sẽ gặp nhau. Bà Duffner nói: người ta gọi đây là cuộc gặp gỡ của những tiếng chuông nhà thờ và các tháp giáo đường, những ngọn tháp mà từ đó người Hồi giáo được kêu gọi đến cầu nguyện. Dựa trên sự tương đồng giữa các từ “papa (cha)” và “pope (giáo hoàng)” trong nhiều ngôn ngữ, một nhà thơ Shia nói rằng "baba" của Kitô giáo và "baba" của Hồi giáo sẽ ôm lấy nhau.
Nhưng chuyến tông du được cả người Kitô giáo và người Hồi giáo rất mong đợi này sẽ đi kèm với rủi ro lớn trong thời kỳ đại dịch hiện nay. Mười nghìn người dự kiến sẽ tụ tập để tham dự Thánh lễ của Đức Thánh Cha chủ tế trong một sân vận động ở Erbil có sức chứa 30.000 người, làm tăng nguy cơ lây nhiễm coronavirus và là mục tiêu cho các cuộc tấn công khủng bố.
Trong một cuộc họp báo vào ngày 2-3-2021, khi nhiều phóng viên hỏi: làm thế nào Đức Giáo hoàng có thể biện minh cho việc khiến nhiều người gặp nguy hiểm như vậy, ông Matteo Bruni - phát ngôn viên của Vatican - nhấn mạnh rằng: phần lớn dân số Iraq là người trẻ và do đó ít có nguy cơ mắc các trường hợp nhiễm Covid nghiêm trọng, và Vatican tin tưởng chuyến đi có thể được thực hiện một cách an toàn. Họ giải thích rằng nhiều khả năng ĐTC sẽ đi trong một chiếc xe bọc thép chứ không phải là một chiếc xe mở, như chiếc popemobile, điều này có thể cắt giảm sự tụ tập của đám đông. Họ cũng mong đợi rằng mọi người sẽ tôn trọng các hướng dẫn giãn cách xã hội an toàn.
Ông Bruni nói: Bất chấp những rủi ro, Đức Giáo hoàng coi chuyến đi này là “một hành động của tình yêu đối với vùng đất này, dân tộc này và các Kitô hữu nơi đây. Mọi hành động yêu thương đều cần những cố gắng vượt bậc… Điều này không có nghĩa là không để ý đến hậu quả do hành động của một người, nhưng về sự kiện này chúng ta có thể nhận thấy nhu cầu của những người đang cần nhận được tình yêu, chăm sóc và quan tâm.”
Ông Gerard O'Connell - thông tín viên Hoa Kỳ ở Vatican - sẽ là một trong những nhà báo đi cùng Đức Giáo hoàng. Ông O’Connell nói: “Không ai mù quáng đến nỗi không thấy thực tại này. Chúng tôi đều đã được tiêm phòng, nhưng chúng tôi cũng nhận ra rằng đó là một quốc gia không hề hòa bình. Và rằng nhiều điều có thể xảy ra.”
“Bạn đang làm công việc của mình và bạn cố gắng làm tốt, và sau đó bạn hy vọng rằng điều tốt nhất sẽ đến từ đó. Vì vậy chúng tôi cầu nguyện. Tôi hy vọng thính giả của chúng tôi cũng sẽ cầu nguyện cho chúng tôi trong chuyến đi này. Và tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm sẽ là một động lực lớn cho người dân ở đó, một động lực lớn cho hòa bình và nó sẽ tác động không chỉ đến thế giới Hồi giáo mà còn tác động trên cả thế giới Công Giáo nữa."
Tú Bùi (TGPSG) chuyển ngữ từ Inside the Vatican.
bài liên quan mới nhất
- Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu
-
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô