Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2012 (Ngày thứ ba)

Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2012 (Ngày thứ ba)

Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi
nhờ cuộc chiến thắng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta
(1 Cr 15, 51-58)
Do Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu
và Ủy Ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội
đồng soạn thảo và phát hành
SUY NIỆM KINH THÁNH VÀ LỜI NGUYỆN TRONG TÁM NGÀY
Ngày Thứ Ba
Chủ đềĐược biến đổi nhờ Người Tôi Trung chịu khổ đau
Lời Chúa: Đức Kitô đã chịu đau khổ vì chúng ta (1 P 2,21-25)
Các bài đọc
Is 53,3-11: Người Tôi Trung bị đau khổ và luôn bị ngược đãi.
Tv 22, 12-24: Chúa đã không bỏ rơi và không phán xét người đau khổ trong cơn khốn cùng.
1 P 2,21-25: Chúa Kitô chịu đau khổ vì chúng ta.
Lc 2425-27: Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?
Suy niệm
Có một nghịch lý thần linh đó là Thiên Chúa có thể biến những đau khổ và những tai họa thành những chiến thắng vẻ vang. Ngài biến đổi tất cả những đau khổ và khốn khó của chúng ta, thậm chí những đau khổ kinh hoàng trong lịch sử, thành sự phục sinh vinh quang cho toàn thể thế giới. Ngay cả khi xem ra Ngài thất bại, nhưng thực sự Ngài vẫn chiến thắng, một chiến thắng mà không gì và không ai có thể có được.
Lời tiên tri đầy xúc động của Isaia về Người Tôi Trung đau khổ của Thiên Chúa đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi Đức Kitô. Sau khi đã trải qua cơn hấp hối khủng khiếp, Con Người Đau khổ sẽ thấy một dòng dõi của Người. Chính chúng ta, chúng ta là dòng dõi được sinh ra từ những đau khổ của Đấng Cứu Độ. Và do đó, chúng ta với Ngài làm thành gia đình duy nhất.
Chúng ta có thể nói rằng Thánh vịnh 22 không chỉ đơn giản nói về Chúa Giêsu mà còn nói cho Chúa Giêsu. Trên Thập giá, chính Đấng Cứu Thế đã cầu nguyện với thánh vịnh này khi Ngài đã lặp lại những lời thảm não: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nhân sao Chúa bỏ con?”. Tuy nhiên những lời than vãn, van xin đầy đau khổ, sang phần hai, lại được biến đổi thành lời ca tụng Thiên Chúa vì những việc Ngài làm.
Thánh Phêrô Tông đồ là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô (1P 5,1) và đã nên gương mẫu cho tất cả chúng ta: chúng ta cũng được mời gọi đón nhận những đau khổ của Đức Kitô vì tình yêu. Đức Giêsu không nguyền rủa Thiên Chúa nhưng phó thác cho Đấng Xét Xử công bình. Những vết thương của Ngài đã chữa lành chúng ta và dẫn chúng ta tới Vị Mục Tử duy nhất.
Phải nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa và Lời của Ngài, chúng ta mới có thể nhận ra bản tính Thiên Chúa nơi những đau khổ của Đấng Messia. Cũng giống như hai môn đệ trên đường Emmaus, Đức Giêsu vẫn luôn đồng hành với chúng ta trên con đường sỏi đá cuộc đời, Ngài vẫn làm cho tâm hồn chúng ta bừng cháy và mở mắt cho chúng ta thấy chương trình cứu độ kỳ diệu của Ngài.
Người Kitô hữu nhận thức rằng đau khổ là do sự mỏng manh của thân phận con người; chúng ta có thể thấy sự đau khổ này trong những bất công xã hội và trong những hoàn cảnh bị bách hại. Sức mạnh Thập giá hướng chúng ta về sự hiệp nhất. Nơi đó, đau khổ của Đức Kitô xuất hiện như nguồn tình thương và tình liên đới cho toàn thể gia đình nhân loại. Một thần học gia đương thời đã từng nói: càng tiến lại gần Thập giá Đức Kitô, chúng ta càng tiến lại gần nhau hơn. Chứng tá mà tất cả các Kitô hữu đã chứng tỏ trong những hoàn cảnh đau khổ là rất đáng tin tưởng. Trong tình liên đới với những người khổ đau, chúng ta học nơi Người Tôi Trung đau khổ và chịu đóng đinh hóa mình ra không, từ bỏ chính mình và dâng hiến chính mình làm của lễ hy sinh. Đó là những đặc ân mà chúng ta phải lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần trên con đường hường tới hiệp nhất nơi Ngài.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa ủi an, Chúa đã biến đổi sự ô nhục của Thập giá thành dấu chỉ của chiến thắng vinh quang. Xin hãy giúp cho chúng con biết qui tụ quanh cây Thập giá của Con Chúa và cùng nhau cử hành lòng thương xót mà Ngài đã trao tặng cho chúng con nhờ những đau khổ của Ngài. Xin Thánh Thần mở con mắt và tâm hồn chúng con để chúng con biết giúp đỡ những người đau khổ cảm nghiệm được Chúa luôn gần bên. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
Gợi ý suy tư
1. Đức tin có thể giúp chúng ta có được một câu trả lời cho những đau khổ kéo dài?
2. Đâu là những khía cạnh đau khổ của nhân loại mà hiện nay người ta lãng quên hay giảm nhẹ?
3. Người Kitô hữu có thể cùng nhau làm chứng cho sức mạnh của Thập giá thế nào?
NHỮNG GỢI Ý PHỤ THÊM CHO PHẦN CỬ HÀNH NGHI THỨC
Ngày Thứ Ba
Được biến đổi nhờ Người Tôi Trung chịu khổ đau
Cs: Thánh Giá Chúa là dấu chỉ của sự chiến thắng. Vì vậy, Lạy Chúa, chúng con xin thưa: chúng con thờ lạy Chúa!
Cđ: Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa!
Cs: Vì Cây Thánh giá, cung thánh của sự thật và là tòa án của lòng thương xót Chúa.
Cđ: Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa!
Cs: Vì Cây Thánh giá, cây sự sống và là ngai tòa của ân sủng.
Cđ: Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa!
Cs: Vì Cây Thánh giá, dấu chỉ lòng thương xót và hy vọng.
Cđ: Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa!
Cs: Lạy Chúa, Chúa đã chết trên cây Thánh giá để qui tụ các con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Xin giúp chúng con biết chiêm ngưỡng Cây Thánh giá Chúa để nhờ đó quan niệm của chúng con về sự đau khổ được biến đổi, Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Cđ: Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top