Synod 2023: Một nỗ lực được canh tân để đi tìm Nền tảng và Tầm quan trọng của Sự tham gia Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội

Synod 2023: Một nỗ lực được canh tân để đi tìm Nền tảng và Tầm quan trọng của Sự tham gia Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội

Synod 2023: Một nỗ lực được canh tân để đi tìm Nền tảng và Tầm quan trọng của Sự tham gia Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội

Dẫn nhập

Một bức tranh nhỏ của Giáo hội sơ khai

Màu đen trong bức tranh rực sáng của Giáo hội

Synod 2023: Đi tìm nền tảng để tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội

Đạt đến ý nghĩa của cộng đoàn Dân Chúa

Kết luận

 

Dẫn nhập

Toàn Giáo hội vừa cử hành Thượng Hội đồng Giám mục 2023 xong. Đây mới là chặng khởi đầu; theo lịch trình, tháng 10 năm 2024, Synod về tính hiệp hành (từ đây để gọn ghẽ, tôi dùng Synod 2023) trong Giáo hội mới kết thúc. Dẫu vậy, ta vẫn có lý do để tri ân Thiên Chúa.

Một nỗi buồn nào đó len lén vào tâm tư tôi. Tôi không có được vinh dự tham dự Thượng Hội đồng Giám mục. Dẫu trong giai đoạn chuẩn bị Synod lần này, theo ý của Đức Phanxicô, các thành phần trong Giáo hội tại địa phương cũng được tham gia nói lên nghĩ suy của mình một cách nào đó. Nhờ đó tôi cũng thấy mình có chút tham gia nào đó vào biến cố Synod này.

Dù không được tham dự Synod 2023, tôi cũng muốn tìm hiểu đôi chút về biến cố vừa qua. Hẳn nhiên, thực tại luôn lớn hơn ý tưởng;[1] sống thực biến cố ấy luôn lớn hơn những dòng chữ viết về biến cố ấy. Tuy nhiên, theo tôi, suy nghĩ chín chắn dựa vào những tài liệu được sống và suy niệm và đúc kết cũng có thể mang tới một bài học nào đó cho cuộc đời. Với ý hướng này, tôi muốn tìm hiểu nền tảng và tầm quan trọng của sự tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội, vốn là đích tới của Thượng Hội đồng Giám mục 2023 vậy.[2]

Để hiểu được những hướng đi dựa trên nền tảng và tầm quan trọng của sự tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, bài tìm hiểu của tôi sẽ mở ra với một giai thoại của Giáo hội sơ khai; từ đó, tôi tìm hiểu Giáo hội của Synod 2023 đang đối diện với những thách đố nào. Nếu thế, Giáo hội mà Synod 2023 trình bày có diện mạo nào. Từ đó, tôi nêu lên những thúc bách của toàn dân Thiên Chúa trước hồng ân và trách nhiệm.

Một bức tranh nhỏ của Giáo hội sơ khai

Bằng một lối văn miêu tả hơn là định nghĩa,[3] thánh Luca đặt trước chúng ta bức tranh sau:

“Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói : “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.” Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông. (Cv 6,1-6)

Đoạn văn trên vẽ ra trước mắt chúng ta một cộng đoàn sơ khai với những vấn đề. Cho dù tình yêu ban đầu vẫn nóng cháy (x. Kh 2,4), những vấn đề vẫn nảy sinh. Các tín hữu sơ khai một lòng một chí tôn thờ Thiên Chúa và lắng nghe các tông đồ giáo huấn (x. Cv 2,42; 4,42tt). Tuy nhiên, yêu mến Chúa thiết tha không miễn chước cho họ phải đối diện những vấn đề nghiêm trọng. Điều đáng nói ở đây không phải là KHÔNG CÓ VẤN ĐỀ. Đúng hơn, giữa thực trạng đó, tình yêu cho họ lối đường quan trọng: họ đã gặp nhau. Vì có vấn đề và vì chưa hiệp nhất, nên họ họp lại với nhau.

Bản văn trên không phải là độc nhất. Còn nhiều bản văn khác mà ta có thể nói là phản ánh những vấn đề quan yếu hơn nhiều, những vấn đề sinh tử. Ta chỉ gợi lại cuộc Giáo hội với những nhãn quan khác nhau họp lại cùng nhau, điều có thể được gọi là Công đồng Giêrusalem đầu tiên. Trước khi họp, Công vụ không giấu diếm sự kiện là có những quan điểm mâu thuẫn và xung đột trong Giáo hội. Vì thế, họ quy tụ lại với nhau. Trong cầu nguyện, đối thoại, trao đổi, lắng nghe và tạ ơn, họ tìm ra phương cách để “lời Chúa lan tràn mỗi ngày một hơn” (x. Cv 6,7; Cv 15,30-31), để Nước Thiên Chúa được hiển trị ngày một hơn. Giáo hội sơ khai tỏ lộ qua lối văn miêu tả một Giáo hội cùng nhau tiến bước trong và thực thi sứ mệnh. Từng bước, Giáo hội sơ khai xây dựng điều vững chắc này: Cộng đoàn tụ họp nhân danh Chúa thì Chúa ở giữa họ và nhận lời cầu nguyện của họ. Lối đường thật hiện sinh song lại rất tin mừng.

Màu đen trong bức tranh rực sáng của Giáo hội

Theo ánh sáng đó, cuộc họp Synod 2023 không nói lên một Giáo hội miễn nhiễm với những khó khăn và vấn đề. Được quy tụ trong Thần khí thanh tẩy, Synod 2023 nói lên một Giáo hội khiêm nhường nhìn nhận những giới hạn của mình như cha Timothy Radcliffe minh định ngay trong những giây phút ban đầu của Synod 2023: “có chia rẽ, và chúng ta có mặt ở đây.” Giáo hội liên lỷ canh tân (semper reformanda) hàm ý Giáo hội chưa hoàn toàn hiệp nhất.

Đặt mình vào chính lúc khai mạc Synod 2023, Radcliffe còn khiến ta chú ý hơn khi nêu lên cộng đoàn môn đệ quanh Đức Giêsu nhiều lần ở trong xung đột, mâu thuẫn ở trong điều cốt yếu nữa. Họ chẳng thể đồng ý với mầu nhiệm thập giá mà Đức Giêsu tiên báo và dẫn mọi người đi vào. Họ như chống cưỡng lại chính lối đi của vị Thầy khôn ngoan. Các môn đệ thân tín của ngài cũng không muốn đi vào con đường đó. Điểm thú vị là đây: rất mực kiên nhẫn trong thuyết phục, Đức Giêsu không để cộng đoàn môn đệ của ngài đi một mình. Ngài luôn đi với cộng đoàn. Cộng đoàn môn đệ, mà Radcliffe gọi là “Synod” đầu tiên trong đời sống của Giáo hội khi tiến về Giêrusalem, học để nhận và sống mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu và cũng là của chính Giáo hội phải đi qua.[4]

Nếu vậy, đời sống đức tin trong Giáo hội luôn tiến bước trên con đường gồ ghề, khúc khuỷu. Công đồng Vatican II đã từng kinh nghiệm tính chất không suôn sẻ và rất gồ ghề của những viễn cảnh và khoé nhìn khác nhau trong Giáo hội. Tuần lễ đen của Vatican II minh chứng một Giáo hội, cộng đoàn môn đệ của Đức Kitô, không có ngay lập tức câu trả lời cho mọi vấn đề, dù rằng Chúa Giêsu trao cho Giáo hội kho tàng chân lý. Vì vậy, đừng sợ sự thật: Chẳng thể có một Giáo hội lữ hành trên trần mà không vấn đề.[5] Tuy nhiên, được lời Đức Kitô đảm bảo (x. Mt 16,18tt), Giáo hội cũng chẳng thể nào để cho thực tại ấy nuốt chửng mình. Giáo hội vẫn mãi còn cả một chương rất dài để viết thành câu chuyện tình đầy sóng gió giữa Thiên Chúa và nhân loại luôn bị xâu xé vì mọi thứ chia rẽ. Nếu đúng là thế, thì ta buộc phải kiếm tìm một thực tại vững bền và không bao giờ mất đi. Chính thực tại ấy làm nền tảng cho thực tại chia rẽ này ta đang đối diện. Jaime Spengler nêu rõ thực tại này: “Chúng ta ở đây vì chúng ta được chọn!”[6] Đúng. Chúng ta được chọn. CHÂN LÝ NỀN TẢNG. Được chọn là ân sủng có sức biến đổi toàn vẹn con người chúng ta làm cho chúng ta bỏ lại những yên ổn của một đời nô lệ như Israen để cùng nhau lên đường với Thiên Chúa. Phải, chính ơn gọi LÀ GIÁO HỘI quy tụ với nhau nhân danh Chúa.[7]

Thế nhưng Radcliffe lại nhận định điều trái nghịch với chân lý vừa nói: CHÚNG TA ĐƯỢC CHỌN.

“Đối với những người khác, Giáo hội hiện tại dường như không phải là một mái ấm/ngôi nhà an toàn. Giáo hội được kinh nghiệm như cái độc hữu, loại nhiều người, những người đàn bà, những kẻ ly dị và những kẻ tái hôn, ra bên rìa. Đối với một số người, Giáo hội lại quá tây phương, quá quy âu châu. Tài liệu làm việc cũng nhắc đến những người đồng tính và những người đa thê. Họ mong chờ một Giáo hội được canh tân trong đó họ sẽ cảm nhận hoàn toàn ‘thoải mái như ở nhà mình’, được tiếp nhận, được xác định và an toàn.”[8]

Chỗ khác, Radcliffe nói đến một sự vô gia cư thiêng liêng của những người đang sống trong nhà Giáo hội. Có một thứ sóng thần của sự cô đơn trong gia đình nhân loại. Có một thứ lãnh cảm trong căn nhà Giáo hội đến độ như thể không nhìn thấy người đang ở cạnh bên. “Được coi là một kẻ thù còn thấy tốt hơn là không được nhìn xem gì cả”.[9]

Những điều ấy có thể và vẫn đang xảy ra ngay trong Giáo hội, nhưng liệu chúng có quan trọng hơn một thực tại cơ bản hơn nhiều: tất cả đều được chọn? Không. Chính Đức Giêsu đòi buộc ta phải đi xa hơn những sa ngã trên.

Rất có thể một lối nhìn khác làm cho bức tranh Giáo hội ta đang sống như bị xé nát. Radcliffe ghi nhận rằng Giáo hội hôm nay đang gặp những xung đột chia rẽ trước những điều mà trước kia xem như không thể “chạm” tới: quyền bính, đẳng cấp giáo sĩ, bạo lực, sự cô đơn thiêng liêng, lạm dụng tình dục, tính loại trừ… Có những thực hành luân lý đạo đức mà trước kia là không thể chạm đến nay lại đang nổi cộm trước một Thiên Chúa luôn chân thật và đầy nhân hậu, luôn đầy tràn sự công chính của một người cha nhân lành. Không thể chối cãi: những “chia rẽ” trước Synod 2023 khiến nhiều người nói tới một “mùa đông đại kết”. Mùa đông ấy rét căm bằng những phân cực muôn vẻ: cấp tiến, bảo thủ, truyền thống, cực đoan… Thế nhưng, mùa đông không phải là đích tới. Đấng Phục sinh đã khai mào mùa xuân bất tận, hoa sự sống, bình an và hy vọng đã ngự trị và cùng với nó, chắc chắn “mùa xuân đại kết” ta mong chờ phải đến.[10] Song đến theo cách nào, điều ấy không do ta quyết định, vì lối đường Thiên Chúa vẫn như thể nghịch lại với mọi niềm hy vọng.[11]

Cảnh sắc Giáo hội trong thế giới đi đôi với một thế giới đang gia tăng mâu thuẫn hơn là giải hoà. Đúng vậy, thế giới hôm nay đang chứng kiến chủ nghĩa dân tuý (populism) dâng cao. Nơi đây dân chúng được trói buộc với nhau bằng những thuật trình quá giản lược, những khẩu hiệu hời hợt, đám đông mù quáng. Một chủ nghĩa cá nhân sắc lẹm cắt lấy một chiếc áo chỉ mặc vừa cho chính mình mà thôi.[12] Chủ nghĩa đó chẳng thể nhìn ra được vẻ đẹp và thiện hảo của dân chúng, không đạt tới cõi lòng sâu xa của họ; nó không màng đến tính nhân vị của những người xung quanh trong ánh mắt của Thiên Chúa.[13]

Phải chăng bức tranh ấy được nêu lên như thể đòi hỏi ta đi tìm một giải đáp ngay? Như Vatican II, Synod 2023 biết chắc giới hạn: “trẻ em biết mình không có mọi câu trả lời.”[14] Tuy nhiên, tôi lại để ý đến một góc cạnh khác. Bức tranh được vẽ lên đi kèm với các tham dự viên của Synod 2023 vào trong những ngày sa mạc. Bức tranh nhiều mầu tối đó như yết thị trước mắt toàn Giáo hội trong thời gian tĩnh lặng sa mạc. Nơi đây, có lẽ điều đầu tiên hết là lời cầu nguyện chất vấn Thiên Chúa: “Đến bao giờ… đến bao giờ lạy Chúa.” (x. Tv 13) “đến bao giờ ác nhân cứ mãi hỷ hoan” (x. Tv 94) hay “tại sao, lạy Chúa, tại sao?” (x. Tv 21) hay “nếu có thể xin tha cho con khỏi giờ này…” (x. Mt 26,39; Mc 14,36; Lc 22,41) Một cầu nguyện chất vấn Thiên Chúa trong khi lữ hành như Gióp không chỉ là có thể hiểu được mà còn là thiết yếu để có thể hiểu được lối đường của Thiên Chúa. Cầu nguyện như một chất vấn trong những ngày sa mạc của Giáo hội biểu lộ một Giáo hội đi tìm Thiên Chúa trong mọi thời khắc. Trong cầu nguyện thinh lặng, Giáo hội lắng nghe Thiên Chúa; rồi được kiện cường trong Chúa, chúng ta lắng nghe nhau để tìm ra được cùng một Thần khí sinh động Giáo hội xuyên qua những đặc sủng và ân điển khác nhau. Nền tảng và tầm quan trọng của sự tham gia đời sống và sứ vụ của Giáo hội không tìm được theo phương cách của một tổ chức NGO hay của một đảng phái dân chủ hay cộng hoà. Không. Nó tìm được và chỉ tìm được nơi cầu nguyện chiêm niệm Lời sống động của Thiên Chúa trong Thánh Thần quyền năng. Giáo hội chỉ tìm được câu trả lời thích đáng khi xem Đức Giêsu đáp lại những người nghèo khổ như thế nào. Nơi đây ta tìm gặp lại sự tương tác bất khả phân của vẻ đẹp, chân lý và sự thiện.

“Vì vậy trên núi biến hình, chúng ta thấy những hình thức quyền bính khác nhau được kêu cầu để dẫn các môn đệ vượt qua khủng hoảng quyền bính lớn lao ở Cesare Philip…. Không chân lý, vẻ đẹp có thể là rỗng. Một ai đó nói ‘vẻ đẹp là cho chân lý, như vị ngon miệng là cho đồ ăn.’ Không có sự tốt lành, vẻ đẹp có thể lừa dối. Sự tốt lành không chân lý sụp xuống thành tình cảm. Chân lý không thiện hảo dẫn tới toà điều tra. Thánh H. Newman nói đến nhiều hình thức quyền bính, cai quản, lý trí và kinh nghiệm. Tất cả chúng ta đều có quyền bính, nhưng khác nhau. Newman viết rằng nếu quyền bính của cai quản trở thành tuyệt đối, nó sẽ là bạo chúa. Nếu lý trí trở nên quyền bính độc nhất, chúng ta rơi vào duy lý khô khẳng; nếu kinh nghiệm tôn giáo là quyền bính duy nhất, mê tín sẽ chiến thắng.”[15]

Điều đã được Giáo hội sơ khai thực hành cách này cách khác cũng được sống trong cả các Giáo hội địa phương. Xin cho phép tôi chỉ nói tới Giáo hội tại Việt Nam, bởi lẽ tôi đã được sinh ra, nuôi dưỡng, lớn lên và trưởng thành cũng như muốn mãi hiến thân trong đó. Một số độc giả hẳn còn nhớ đến và ngay cả bản thân kinh nghiệm biến cố Đại hội Dân chúa mà Giáo hội tại Việt Nam cử hành năm 2010 tại Trung tâm mục vụ, Thành phố Hồ Chí Minh. Được kiện cường từ kinh nghiệm tiếp thu Vatican II khi đất nước trải qua biến cố 1975, đặt mình trước những thách đố của thời đại mới là một Việt Nam thời mở cửa, Giáo hội tại Việt Nam như thấy mình mắc những căn bệnh thật trầm kha. Đúng vậy. Nhiều người nghĩ nó là kinh niên. Dẫu sao, tất cả, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, nam nữ, trẻ già, ngồi lại cùng nhau để bắt mạch căn bệnh của mình. Đó hẳn nhiên là một kinh nghiệm quý báu của sự “hiệp thông thần khí, hiệp thông sự thánh, hiệp thông các thánh” nhằm loan báo Tin mừng cách mới mẻ như một gia đình. Chính tựa đề của văn kiện cho thấy định hướng này. Ít nhất một lần trong dòng lịch sử của Giáo hội tại Việt Nam, Thánh Thần làm mọi tín hữu trải nghiệm Giáo hội như gia đình của Chúa cùng nhau tiến bước. Thái độ ấy khác hẳn với một số lần trong quá khứ xuất phát từ định hướng muốn trình bày mình như pháo đài. Dưới ánh sáng của chiếc la bàn Vatican II, Giáo hội tại Việt Nam muốn trình bày một Giáo hội cùng nhau tham gia vào sứ mệnh và đời sống của Giáo hội. Nếu Hội nghị Diên Hồng cho thấy dân tộc Việt Nam cùng chung tay bảo vệ và xây dựng quê hương thì Giáo hội tại Việt Nam còn phải thể hiện sự chung tay dựng xây Vương quốc Thiên Chúa hơn nhiều, vì lẽ Giáo hội là Thân mình Đức Kitô và là Dân lữ hành của Thiên Chúa. Nơi đây, các Kitô hữu tại Việt Nam nhận ra được rằng “điều can đảm nhất ta phải làm ... là phải chân thật về những nghi ngờ và vấn đề với nhau, những câu hỏi mà chúng ta không có câu trả lời rõ ràng. Rồi chúng ta sẽ được lôi kéo gần lại như những người bạn tìm kiếm, những người ăn xin tìm tòi chân lý.”[16]

Synod 2023: Đi tìm nền tảng để tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội

Hơn 50 năm trước, đã có một ghi nhận rằng một Vatican II theo giới truyền thông khác nhiều với một Vatican II chân thật của những người con cái Giáo hội; ngày nay với cách mạng kỹ nghệ thông tin, điều này khiến ta phải để ý hơn nữa. Rõ ràng có một bộ mặt Synod 2023 do truyền thông vẽ nên.[17] Thế nhưng ta cần đến một diện mạo Synod 2023 như Đức Giêsu mong muốn xuyên qua tính tập đoàn chân chính của Giám mục đoàn hiệp nhất và hiệp thông với Giám mục Roma. Chân thật mà nói, hình ảnh về những giám mục liên hợp với giám mục Roma ngồi chung bàn với những tín hữu thuộc mọi thành phần để cùng chia sẻ những thao thức và vấn đề nhằm loan báo Tin mừng hữu hiệu hơn lại không phải là một hình ảnh đẹp mà Chúa Giêsu muốn hay sao? Điều đó không cho ta tiên liệu Giáo hội như hình ảnh và phương thế của Nước Thiên Chúa hay sao? Đó không phải là cộng đoàn môn đệ cùng đang thao thức đi tìm ý định của vị Thày nhân hậu hay sao? Tất cả cùng đang học và phân định Ý Chúa, y như đã xảy ra trong Vatican II.[18] Đấy không phải là một dấu chứng hùng hồn về một Giáo hội tìm cách liên kết lại ecclesia discens và ecclesia docens hay sao? Giáo hội chỉ có thể lên tiếng như một bậc thầy khi đã hết sức học tập dưới chân Chúa (như Maria). Hẳn nhiên, Synod 2023 vẫn còn đó những khuyết điểm, thiếu sót, vì đây là công trình của những con người. Nhưng ta cũng không thể phủ nhận vẻ đẹp của một Synod 2023 muốn trình bày một giáo hội gia đình cùng đang học hỏi ý Thiên Chúa như những trẻ thơ, vốn là cốt yếu của căn tính Giáo hội. Hình ảnh Thánh Nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu khá sống động trong thời gian Synod 2023 tô đậm cho Giáo hội đang muốn tái khám phá sự vững chắc và hợp thời của nền linh đạo trẻ thơ mà tận căn Giáo hội, tức là, mọi tín hữu, phải sống, nếu muốn vào Nước Thiên Chúa (x. Mc 10,15; Mt 19,14).

Theo góc độ này, Synod 2023 xem ra mãnh liệt tỏ lộ một Giáo hội trẻ thơ, nhưng không phải là một Giáo hội ấu trĩ. Thật vậy, Công đồng Vatican II xác quyết các Kitô hữu như linh hồn của thế giới; Christifideles Laici trình bày mọi tín hữu, bất luận tuổi tác, nghề nghiệp, phái tính… đều có chỗ trong vườn nho của Thiên Chúa. Vậy, nền tảng để ta tham dự vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội mang đầy vẻ đẹp của trách nhiệm, chứ không phải của người nô lệ. Theo nghĩa này, dụ ngôn về hai người con đáp lại khác nhau trước lời mời của cha đi làm vườn nho bộc lộ ý nghĩa sâu xa của nó. Chúa ngỏ lời với những người con để đi vào làm trong vườn nho của Ngài. Những người con, chứ không phải những người nô lệ, có thể đáp lại hoặc từ chối lời mời đó. Và ta có thể nhận ra ấu trĩ và trẻ thơ khác nhau theo dụ ngôn đó. Nơi lối thiêng trẻ thơ đó, điều thiết yếu quan trọng không phải là niềm tự kiêu rằng mình có câu trả lời cho mọi vấn đề. Không. Hay nếu có câu trả lời dứt khoát đúng cho mọi thời của Giáo hội trẻ thơ, thì đấy chính là “này con đến để làm theo ý Cha” (x. Hr 10,9-10) Đúng vậy, câu trả lời duy nhất trẻ thơ xác tín nằm trong tay người cha của mình. Chính vì thế, lời Đức Giêsu nói vào cuối dụ ngôn đó đáng chúng ta suy nghĩ. “Những cô gái điếm và những người thu thuế đi trước” chúng ta,[19] họ mở đường cho chúng ta; họ nói cho những người biệt phái và kinh sư cũng như cho chúng ta rằng có một thứ quyền bính của sự hiền lành.

“Con đường chính trực luôn khác với những đường lối của chúng ta (Is 55,8-9). Con đường của nó thì rộng mở để giao nộp cho tình yêu nhưng không, cho quyền bính của sự nhân lành. Vì vậy con đường của Synod này cũng đòi phải hoán cải. Nó đòi phải nộp mình cho tình yêu nhưng không, cho uy quyền của sự hiền lành. Nó đòi sự chín muồi của một sự sẵn sàng mới để phục vụ trong vườn nho dấu yêu, theo chân Chúa hiền lành… cần phải tái khám phá phúc lành của hiện hữu, một cách nào đó, được đi trước bởi chúng trong tiến trình của Synod, với những kỳ vọng và vấn nạn, những âu lo và than phiền, con đường thì rộng mở.”[20]

Bước theo linh đạo trẻ thơ, Giáo hội không sợ khó khăn:

“Một người có đức tin trẻ thơ không sợ tỏ bày tính dễ bị thương tổn. Đức tin trẻ thơ giữ cho người tín hữu luôn khiêm nhường và tự do. […] Người tín hữu trẻ thơ là người biết làm sao để ly thoát khỏi ý riêng mình khi họ thấy rằng chúng không được hình thành bởi chân lý của Tin mừng; khi dưới ánh sáng Tin mừng, họ ý thức rằng những ý kiến, ý thức hệ, và các triết lý cùng với những chiến lược và kế hoạch chỉ là những cấu trúc quản trị và chính trị thiếu hẳn tinh thần của Tin mừng.”

Quả thế, lối suy nghĩ và luận lý của một Giáo hội trẻ thơ không phải là “đồng thuận bằng mọi giá”, nhưng là chân lý. Giáo hội đi theo “Đường, Sự Thật và sự Sống” (Ga 14,6). Giáo hội không sáng tác ra chân lý, nhưng để chân lý chiếm trọn mình. Giáo hội phục vụ chân lý mà thôi. Quả thế, Đức Giêsu nói rõ sự thật mới giải phóng khỏi mọi thứ nô lệ và trói buộc. Vì thế, chân lý mà Giáo hội tìm kiếm và quyết tâm theo đuổi mới dẫn tới sự hiệp nhất. Thánh Augustinô đã từng nói, và được Đức Gioan XXIII lặp lại với Vatican II: “trong chân lý: hiệp nhất”. Vì vậy, “Người tín hữu quá tự tin, quản trị, siêu gian trá (hay trần tục) không rộng mở cho sự hoán cải liên tục về Đức Kitô, thì không chân chính cũng chẳng ngay thật.”[21] Giáo hội trẻ thơ được đầy Thánh Thần hướng dẫn mới chu toàn sứ mệnh chăm lo cho những người của Đức Giêsu được.[22]

Như thế, nền tảng để tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội đòi hỏi một nhãn quan khác trước quyền bính. Cần có con mắt trẻ thơ nhìn vào quyền bính. Cần có khoé nhìn của thánh nữ Têrêsa Hài đồng nhìn vào quyền bính: “Trong Giáo hội tôi sẽ là tình yêu.” Đang khi vua chúa trần gian dùng quyền bính bắt người khác làm nô lệ cho mình, đang khi Biệt phái dùng quyền bính để tôn mình làm thầy thiên hạ, Giáo hội như trẻ thơ lại nêu cao thứ quyền bính của sự hiền lành. Phải. Sự hiền lành có một uy quyền vượt trội. Synod 2023 suy niệm thái độ khác nhau của hai người con trả lời trước lời mời gọi của Cha đi làm cho vườn nho của cha mình. Người con đã từng “nói không” cục cằn trước lời mời gọi ấy đã quay trở lại và hối hận thưa vâng. Chính thái độ sám hối của người con trước ơn gọi đầy vinh dự của Cha dành cho mình mở đường cho Giáo hội của Synod 2023. Thật vậy, như Maria Grazia Angelini nói:

“Đây là vấn đề thay đổi lối / cách cảm nhận, thay đổi định hướng của tình cảm sâu xa, của những quan tâm sống động, của những khát vọng có sức thúc đẩy. Thực thế, hơn cả một sự thay đổi tư tưởng / tư duy nữa, sự hối hận này là một nỗi buồn; nó cho phép mình được sự ân cần hiền phụ được làm thành của mình tác động – nghĩa là bởi niềm đam mê vốn thúc đẩy Cha tới việc long trọng sai con mình vào vườn nho. Cuối cùng, sự tinh tế hiền lành và nguôi giận của người cha yêu thương lay động người con lừng khừng và hoán cải anh. Đây là uy quyền của sự hiền lành.”[23]

Chỗ khác,

“Tin mừng này là một đèn hiệu mạnh mẽ cho các phiên họp của Synod. Nó nói đến một phương pháp, một sự hoán cải không ngừng phải làm, một cách thức bước trên lối đường của Tin mừng, theo chân Đức Giêsu. Nó nói lên phong thái của Thượng Hội đồng, tư cách môn đệ, khi đối mặt với những biến cố không thông thường và những khác biệt quỷ quyệt, những xung đột – liên vị hay lương tâm.”[24]

Những trích dẫn trên đều đồng quy vào con đường hoán cải “quay về Giêrusalem”, nguyên mẫu của lối đường của Synod 2023 để tìm được khởi hành mới. “Một khuôn mặt đanh lại [do quyết tâm thực thi ý Cha] không được lẫn lộn với sự quyết tâm phải tiến hành dự phóng của chính mình bằng mọi giá,”[25]

Linh đạo trẻ thơ khiến Giáo hội nhìn một cách mới biến cố biến hình của Đức Giêsu vốn được Synod 2023 chiêm niệm. Một thực tại Giáo hội của mọi thời đại phải học là cộng đoàn Giáo hội như synodos đầu tiên mà Đức Giêsu khởi đầu với các môn đệ: họ cùng đi với nhau và với Đức Giêsu lãnh đạo. Ta hẳn nhớ LG 9 đã trình bày những nét riêng của Dân Thiên Chúa: Chúa Kitô là lãnh đạo, Thánh Thần là linh hồn, Nước Thiên Chúa là đích tới, yêu thương là lề luật. Những yếu tố này hiện rõ lên trong trình thuật hiển dung. Đức Giêsu dẫn đầu synodos đầu tiên đó với sự cương quyết và bạo dạn đi tới Giêrusalem vì những con người xa lạc.[26] Nơi trình thuật này, ta nhận ra rằng một Giáo hội trẻ thơ mới hiểu được một niềm hy vọng là gì khi mọi sự xem như nghịch lại với mọi hy vọng, khi nhìn thấy Đức Giêsu đanh mặt lại nhất quyết lên Giêrusalem để hoàn thành Nước Thiên Chúa. Có quá nhiều loại hy vọng trong nhân loại, và chúng có thể được nhận biết ngay nơi Giáo hội: tiền bạc, quyền bính, bạo lực… Như chỉ có một niềm hy vọng mang tính tạ ơn/thánh thể mới “vượt qua mọi chia rẽ”[27]: Hy vọng “là sự tin tưởng rằng mọi sự mà chúng ta sống, mọi sự lộn xộn và đau khổ một cách nào đó sẽ được coi là có ý nghĩa.”[28] Nó là ánh sáng soi chiếu tăm tối mà tăm tối không bao giờ triệt được nó.

“Nếu ta lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau, khi tìm cách hiểu ý ngài cho Giáo hội và thế giới, chúng ta sẽ được hiệp nhất trong niềm hy vọng vốn vượt quá những bất đồng của chúng ta, và được chạm đến bởi đấng mà Augustinô gọi là “vẻ đẹp rất cổ xưa song lại rất mới… con nếm Ngài và nay lại đói khát Ngài; Ngài chạm đến con và con nóng cháy vì sự bình an của Ngài.”[29]

Trình thuật hiển dung được sáng tỏ thêm nhờ kinh nghiệm của chính Augustinô.

Hình ảnh Giáo hội trẻ thơ đi liền với Giáo hội gia đình/mái ấm. Các đóng góp từ các Giáo hội địa phương được đúc kết trong tài liệu làm việc của Synod 2023 phản ánh hiện tình của một thế giới như vô gia cư. Thế giới nhân loại hôm nay đang ở trong cơn “sóng thần của sự cô đơn” trong đó sự cô đơn thiêng liêng như thể lên ngôi.[30] Con người hôm nay cần một mái ấm. Thiên Chúa đáp lại khát vọng đó nơi Giáo hội gia đình. Mái ấm mà Thiên Chúa mang đến gồm yếu tố tuyển chọn, dân vui hưởng an bình bên Thiên Chúa, và đồng thời cũng nói đến tính phổ quát.[31] Giáo hội-gia đình/mái ấm nhận diện chỗ đứng cứu độ của sự đơn giản nơi Nadaret. Đức Phaolô VI đã muốn dừng lại ở Nadaret để chiêm ngắm và học cho được sự đơn giản và nghèo khó đầy hạnh phúc của Nadaret. Charles Foucault đã khơi nguồn cảm hứng này trong Giáo hội, ta có thể nói như thế. Nơi đây, chúng ta thấy “trước hết Thiên Chúa làm nên mái ấm của Ngài với chúng ta…. Lời trở thành nhục thể nơi mỗi nền văn hoá chúng ta.”[32] Hay “tất cả các mái ấm của chúng ta là Nadaret Thiên Chúa cư ngụ ở đó… Hãy để Nadaret là khuôn mẫu của bạn.” … “Thiên Chúa nay làm cho mái ấm của Ngài trong những nơi chốn mà thế gian khinh thị.” Nó thể hiện điều mà Chúa sẽ đúc kết sau này: “cáo có hang, chim trời có tổ, con người không có chỗ gối đầu.” (Mt 8,20) Đức Giêsu theo một nghĩa trở thành vô gia cư ngay trong thành đô đã từng được gọi là nhà của Ngài. Ở đó, Ngài không có chỗ để chết. Ngài phải chết ở bên ngoài thành vì tất cả những người ở ngoài đó. Quả thế, bác thợ mộc làng Nadaret đã rong ruổi khắp nơi, “đi ra ngoài thể chế, ra ngoài những niềm tin và tri nhận bị điều kiện hoá bởi văn hoá, bởi vì “chính ở ngoài trại” (Hr 13,12; cũng x. Hr 7,15tt; 9,1-14) mà chúng ta gặp một Thiên Chúa không thể bị kiềm toả. Chính ở ngoài trại mà chúng ta gặp đấng Khác vốn khác biệt và khám phá chúng ta là ai và phải làm gì.”[33] Giáo hội trẻ thơ đi liền với Giáo hội-mái ấm trong đó không còn nô lệ hay tự do, nam hay nữ, nhưng tất cả là một trong Đức Kitô Giêsu.

Giáo hội-gia đình hiểu rõ chỉ mình Thiên Chúa là CHỦ của gia đình này. Đức Kitô là THÀY dạy, còn mọi người là anh chị em. Chỉ mình Thánh Thần mới là linh hồn của gia đình này. Nói cụ thể hơn, trong gia đình này, kinh nghiệm loại quyền bính của tình bạn ngự trị. Tình bạn chỉ có thể giữa những người ngang nhau. Chính vì thế, ân sủng thần hoá chúng ta. Nhờ đó, Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta như bạn hữu, ôm ấp chúng ta trong tình bạn của Ngài. Thực tại ấy chi phối phong thái sống của Giáo hội. Loan báo Tin mừng không còn phải là thông tin, nhưng là một hành vi của tình bạn. Truyền giáo được hiểu như sự nhập thể của tình bạn thần linh với nhân loại, vốn vượt xa mọi biên giới. Chính đây là nỗi khát khao của người trẻ: tin mừng của Thiên Chúa được ngỏ như bạn hữu. Dante nói rằng địa ngục được dành cho kẻ phản bội tình bạn. Trong ánh sáng này, dụ ngôn người Samari nhân hậu lộ rõ sự hấp dẫn. Thiên Chúa làm bạn với kẻ bị thương không thể chữa lấy chính mình mà ngài bất chợt bắt gặp, để rồi làm họ thành người bạn và cùng nhìn về một hướng. Bạn hữu chia sẻ với nhau vì nhiều khi chưa có được một giải đáp vững chắc. Không chia sẻ mối quan tâm đến chân lý, không thể có tình bạn được. “tình bạn triển nở khi chúng ta dám chia sẻ những nỗi nghi ngờ của mình và cùng nhau tìm chân lý.”[34] Theo nghĩa này Giáo hội của Synod 2023 dám chia sẻ, nói lên những nghi ngờ và khác biệt từ vị thế của mình trong Giáo hội không mang ý nghĩa tiêu cực cho bằng là cơ hội quan phòng của Chúa để mầu nhiệm vương quốc Thiên Chúa được toả sáng thêm một ít nữa trong thế giới hôm nay.

Đạt đến ý nghĩa của cộng đoàn Dân Chúa

Ngay từ đầu, bản văn Công vụ đã được đặt trước chúng ta, soi dẫn cho ta hiểu những gì trong Synod 2023. Và diện mạo mà Giáo hội muốn tỏ lộ ra ở đấy chẳng phải là cái gì hoàn toàn mới. Ta phải nhận rằng những gì xảy ra trong Synod 2023 thật ra chỉ hoạ lại một cách tân thời điều đã khởi sự từ Đại hội Dân Chúa tại Sinai cho đến Sinai mới, không phải với lửa hồng và diêm sinh vật chất, nhưng là chính LỬA THÁNH THẦN. Ở Sinai cũ xưa, lửa nóng và diêm sinh khiến dân chúng sợ hãi và nài xin Thiên Chúa đừng phán với họ song hãy để Môsê truyền đạt cho họ, kẻo họ chết mất.

Nhưng Thiên Chúa đi xa hơn nhiều lời khẩn xin đó. Ngài không bằng lòng nói qua Môsê, người tôi tớ trong gia đình Ngài. Nơi Sinai mới là Golgotha, Ngài nói qua chính Người Con duy nhất của mình. Đích thân Ngài nói với chúng ta qua Đấng hoàn hảo phản ánh Vinh Quang Ngài. Lời Ngài từ nay và mãi mãi mang tên Giêsu Kitô. Cùng với Lời ấy, Lửa mới là Thánh Thần cũng lan nhanh khởi từ Ngọn núi Sinai mới đó. Lửa ấy thanh luyện và thiêu đốt mọi tín hữu, chứ không chỉ các Tông đồ, để chung tay làm cho Danh Đức Giêsu Kitô được biết đến. Mà khi Danh Ngài được biết đến và tôn thờ thì Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu, được tôn vinh. Trên ngọn núi Sinai mới đó lộ rõ những yếu tố thiết yếu để LÀ Giáo hội: Chúa Cha chủ xướng quy tụ và tình hiệp thông Ba Ngôi làm nền cho đời sống sứ vụ: hiệp thông – tham gia.[35] Nơi đây, Đức Giêsu đồng nhất mình với những phạm nhân, những kẻ tội lỗi, những kẻ bị loại ra ngoài cũng như với những người môn đệ trung kiên. Gia đình của Thiên Chúa là như thế: trong nhà Cha Thầy có rất nhiều chỗ ở. Thiên Chúa không muốn mái ấm của Ngài vắng tanh, song được dựng nên cho mọi người. Thiên Chúa không muốn bữa tiệc cưới Chiên con còn một chỗ nào trống, nếu đó không phải là chính tôi không muốn tới hay không muốn mặc áo cưới (x. Lc 14:16-24; Mt 22:1-14).

Thực tại này in khắc vào Giáo hội, nhưng không có nghĩa là các tín hữu hiểu và làm cho hiện thực ngay lập tức thực tại ấy. Ngay đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa hiện thực hết điều mà Thánh Phaolô đã từng nói: trong Đức Kitô không còn Do thái hay Hy lạp, nam hay nữ… nhưng Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự. Dưới một khía cạnh nào đó, toàn lịch sử Giáo hội được coi như một nỗ lực trường kỳ và liên lỷ để hiện thực điều ấy. Quả vậy, theo Irenê,

“người con được sinh ra đó lại là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người Con ấy xuống tận lòng đất thẳm sâu tìm con chiên lạc là nhân loại do chính tay Người nhào nặn, rồi lên cõi trời hiến dâng và trao lại cho Chúa Cha nhân loại Người đã tìm thấy. Thế là chính Người nên hoa quả đầu mùa của một nhân loại phục sinh, để, như đầu đã trỗi dậy từ cõi chết thế nào, thì cũng thế, thân mình sẽ trỗi dậy sau khi được phục hồi nhờ gân khớp nối kết các phần lại với nhau và được Thiên Chúa ban thêm sinh lực. Thân mình nói đây chính là mọi người đang sống, nhưng phải qua thời gian thọ án vì tội bất công trước đã. Trong thân mình ấy, mỗi chi thể sẽ vẫn giữ nguyên vị thế thích hợp của mình. Trong nhà Chúa Cha có nhiều chỗ ở, vì trong thân thể có nhiều bộ phận”[36]

Giáo hội thời sơ khai kinh ngạc trước ý nghĩa thâm sâu của một Giáo hội được sai đi như chúng ta được gọi để sống và tham gia.

Đang khi đó, đối với Gioan Kim Khẩu, mầu nhiệm Thánh Thể nổi bật lên như sự hiệp thông và tham gia. Khi chú giải 1 Cr 10,16tt, ngài viết: “ngài [Phaolô] muốn diễn đạt một điều gì hơn nữa, cho thấy sự kết hiệp mật thiết biết bao: chúng ta thông hiệp không chỉ bằng cách tham dự và tham gia, nhưng còn bằng cách được kết hiệp… chúng ta được cùng nối kết với nhau và với Đức Kitô. Không phải có một thân mình cho bạn và cho tôi một thân mình khác, nhưng cùng một thân mình cho tất cả.”[37]

Rõ ràng, tâm thức của Giáo hội luôn là sự thống nhất lời và hành động theo mẫu gương của một Thiên Chúa phán và mọi sự liền xảy ra như vậy. Sự hoán cải mà Giáo hội hôm nay cần đến như Vatican II nêu lên là sự thống nhất giữa đức tin và đời sống.[38] Hẳn nhiên, định hướng hoán cải này không phải là chuyện một lần là đủ. Nó là vấn đề liên lỷ. Nhưng chỉ trong định hướng này mà khẩu hiệu “Giáo hội nghèo của những người nghèo và với những người nghèo và cho những người nghèo” được nhiều người sử dụng mới không thể được hiểu theo nghĩa vật chất. Phải hơn nó nhấn mạnh đến một Giáo hội học để liên lỷ thay đổi nếp nghĩ của thế gian hầu chỉ có một tâm tình của Đức Giêsu Kitô: đón tiếp mọi người và dành chỗ cho họ trong nhà của Cha.

Kết luận

Đã đến lúc ta phải đi tới kết luận. Hẳn rằng kết luận này không thể là một chấm kết. Nó mở ra trách nhiệm trước hồng ân ta nhận được. Hồng ân và trách nhiệm luôn đi kèm với nhau. Nếu Giáo hội tiên vàn không phải là thực tại do ta tạo nên, song là hồng ân thì trách nhiệm sống căn tính Giáo hội là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, ta cũng rõ: trách nhiệm của các tín hữu đối với Giáo hội luôn phải đối diện với sự nghịch lý: ân sủng và tội lỗi. Điều ấy được Radcliffe nêu lên khi trích dẫn Carlo Carretto, một tiểu đệ của Charles Foucauld như sau:

“Hỡi Giáo hội của ta, ta phải phê phán ngươi biết bao, nhưng ta lại yêu mến ngươi dường nào! Ngươi đã làm ta đau khổ hơn bất kỳ ai, song ta lại mắc nợ ngươi nhiều hơn bất kỳ ai. Ta thích thấy người bị huỷ diệt, song ta lại cần ngươi hiện diện. Ngươi mang cho ta nhiều vấp phạm song chỉ mình ngươi đã làm ta hiểu ngươi thật thánh thiện … Biết bao lần, ta cảm nhận như đóng sầm cánh cửa hồn ta trước mặt ngươi – song mỗi đêm, ta lại nguyện cầu mình có thể chết trong vòng tay vững vàng của ngươi! Không, ta không thể thoát khỏi ngươi, vì ta là một với ngươi, mặc dù không hoàn toàn là ngươi. Rồi, ta sẽ đi đâu? Xây dựng một Giáo hội khác? Nhưng ta không thể xây dựng một Giáo hội mà không có cùng những khuyết điểm, vì chúng là những khuyết điểm của ta.”[39]

Đối diện với định hướng này, Giáo hội vừa thấy mình thấp hèn song lại quý giá, tội lỗi song lại được yêu thương và thánh hoá liên lỷ. Nếu có lúc nào đó một ai muốn dứt ra khỏi người mẹ và mái ấm yêu thương này, họ hãy chiêm niệm sự nghịch lý của một Thiên Chúa mạnh mẽ trong sự yếu đuối để tỏ lòng thương xót con người yếu hèn.

Là Dân Thiên Chúa, chúng ta không thể khoán trắng gia đình chúng ta cho một thành phần nào đó, dẫu là ưu tuyển đi nữa như linh mục, tu sĩ, thần học gia, chuyên viên giáo luật… Không phải thế. Dân Thiên Chúa được hiểu là hết thảy “các Kitô cùng nhau bước đi với Đức Kitô hướng về Vương quốc, với toàn nhân loại. Dân Thiên Chúa hẳn nhiên có định hướng truyền giáo tự bản chất, can dự đến việc quy tụ lại với nhau ở những bình diện khác nhau của đời sống Giáo hội, lắng nghe nhau, đối thoại, cộng đoàn phân định, xây dựng đồng thuận như một diễn đạt việc Đức Kitô làm cho chính mình hiện diện sống động trong Thần khí, và làm quyết định trong sự đồng trách nhiệm khác nhau.” Như vậy, mầu nhiệm dân Thiên Chúa như cùng đi với nhau không thể bị giản lược vào tính hiệu quả hay chủ nghĩa thủ tục (proceduralism). Đúng hơn, vấn đề quan trọng là “hiểu, nắm bắt điều gì xuất hiện như một hạt mầm bé nhỏ, song lại mang lấy cả tương lai và tưởng nghĩ làm thế nào để vùi nó vào trong đất mùn tốt tươi vốn sẽ làm nó triển nở và trưởng thành vì phúc lợi của nhiều người.”[40] Trách nhiệm của ta là ở lại trong bóng bao phủ của Thần khí, như Đức Maria vậy.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 140 (Tháng 03 & 04 năm 2024)

________

[1] x. Francis, EG 231-233, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656

[2] Tài liệu chuẩn bị Synod 2023; Đức Phanxicô, bài giảng tối 30/9/2023, đêm canh thức đại kết cầu nguyện cho Synod 2023, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/canh-thuc-dai-ket-cau-nguyen-cho-thuong-hoi-dong-ve-hiep-hanh-52724

[3] X. F. Matera, “Những nền thần học về Giáo hội trong Tân ước” trong The Gift of the Chuch, A Textbook on Ecclesiology, ed. Peter Phan, (Liturgical Press, 2000).

[4] x. Radcliffe, “Hoping Against Hope”. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-i-niem-hy-vong-chong-lai-hy-vong--52740

[5] x. LG 8.

[6] S.E. Mons. Jaime Spengler, Metropolitan Archbishop of Porto Alegre, President, C.E.L.A.M, bài giảng trong thánh lễ ngày 3/10/2023 trong ba ngày tĩnh tâm cho Synod 2023; cũng x. Instrumentum Laboris của Synod 2023, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-lam-viec-instrumentum-laboris-cho-khoa-hop-thu-nhat-cua-dai-hoi-thuong-hoi-dong-giam-muc-thang-10-2023--51224

[7] x. LG 1.

[8] Radcliffe, “At Home in God and God At Home in Us”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-ii-o-nha-trong-thien-chua-va-thien-chua-o-nha-trong-chung-ta-52749

[9] Radcliffe, “Friendship”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-iii-tinh-bang-huu-52768

[10] Radcliffe, “Hoping Against Hope”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-i-niem-hy-vong-chong-lai-hy-vong--52740 , cũng x. Đức Phanxicô, bài giảng tối 30/9/2023, đêm canh thức đại kết cầu nguyện cho Synod 2023, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/canh-thuc-dai-ket-cau-nguyen-cho-thuong-hoi-dong-ve-hiep-hanh-52724

[11] x. Radcliffe, “Hoping Against Hope”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-i-niem-hy-vong-chong-lai-hy-vong--52740

[12] x. Radcliffe, “Friendship”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-iii-tinh-bang-huu-52768

[13] Radcliffe, “Friendship”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-iii-tinh-bang-huu-52768 , cũng x. GS 16.

[14] Anthony Randazzo, Bishop of Broken Bay, “The Guadian Angels”, Celebration of the Eucharist, 2 October 2023.

[15] Radcliffe, “Authority”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-v-quyen-binh-52777

[16] Radcliffe, “Friendship”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-iii-tinh-bang-huu-52768; cũng x. Xavier Rynne II, “Letters from the Synod – 2023: #1”.

[17] xem P. Imbelli, “Phản ứng tiêu cực đối với Thượng Hội Đồng về Tính Hiệp Hành, dựa vào Henri de Lubac và Yves Congar”, https://www.firstthings.com/web-exclusives/2023/07/what-henri-de-lubac-would-think-of-the-synod-on-synodality và http://magister.blogautore.espresso.repubblica.it/2023/07/11/church-up-in-smoke-a-theological-critique-of-the-guidelines-of-the-synod-on-synodality; John L. Allen, “Đức Phanxicô thích thì thầm hơn loa phóng thanh tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính hiệp hành”

[18] Xem LG 1.

[19] Maria Grazia Angelini O.S.B. “Vespertine Eucharist” (Mt 21,28-32).

[20] Maria Grazia Angelini O.S.B., như trên.

[21] H.E. Mons. Anthony Randazzo. “bài giảng lễ các Thiên Thần bản mệnh” trong ba ngày tĩnh tâm cho Synod 2023.

[22] x. H.E. Mons. Anthony Randazzo, như trên.

[23] Maria Grazia Angelini O.S.B., “…et tu, puer…”. The Church Jesus Dreamed of, Vespertine Eucharist ngày 2/10/2023.

[24] Maria Grazia Angelini O.S.B, như trên.

[25] Maria Grazia Angelini O.S.B, như trên.

[26] xem Radcliffe, “Hoping Against Hope”, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-i-niem-hy-vong-chong-lai-hy-vong--52740

[27] Radcliffe, “Hoping Against Hope”, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-i-niem-hy-vong-chong-lai-hy-vong--52740

[28] Radcliffe, “Hoping Against Hope”, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-i-niem-hy-vong-chong-lai-hy-vong--52740

[29] Radcliffe, “Hoping Against Hope”, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-i-niem-hy-vong-chong-lai-hy-vong--52740

[30]Radcliffe, “At Home in God and God At Home in Us”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-ii-o-nha-trong-thien-chua-va-thien-chua-o-nha-trong-chung-ta-52749

[31] Radcliffe, “At Home in God and God At Home in Us”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-ii-o-nha-trong-thien-chua-va-thien-chua-o-nha-trong-chung-ta-52749

[32] Radcliffe, “At Home in God and God At Home in Us”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-ii-o-nha-trong-thien-chua-va-thien-chua-o-nha-trong-chung-ta-52749

[33] Radcliffe, “At Home in God and God At Home in Us”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-ii-o-nha-trong-thien-chua-va-thien-chua-o-nha-trong-chung-ta-52749

[34] Radcliffe, “Friendship”, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-iii-tinh-bang-huu-52768

[35] X. LG 4.

[36] Irênê, Adv. Haer., cuốn 3, chương 19. Tôi lấy từ https://www.newadvent.org/

[37] Gioan Kim Khẩu, Homilies on First Corinthians, homily 24. Tôi lấy từ https://www.newadvent.org/

[38] x. GS 41.

[39] Được Radcliffe trích lại trong “At Home in God and God at Home in Us”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-ii-o-nha-trong-thien-chua-va-thien-chua-o-nha-trong-chung-ta-52749. Cũng xem https://www.simchafisher.com/2018/07/31/jesus-knew-about-uncle-ted/; một Kitô hữu suy tư độc đáo và sâu xa trước cớ vấp phạm của Hồng y T. Carrick.

[40] Synod 2023, Final Report, conclusion, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bao-cao-tong-hop-dai-hoi-thuong-hoi-dong-giam-muc-khoa-i-2023-mot-hoi-thanh-hiep-hanh-trong-su-vu-54200

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top