Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XX Mùa Thường Niên

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XX Mùa Thường Niên

TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Ga 6,51-58

"Ðây là bánh từ trời xuống,
không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn,
và họ đã chết.

Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời".
(Ga 6,58)

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối tư tưởng các bài Tin Mừng của ba Chúa nhật trước đây. Trong những bài Tin Mừng trước chúng ta thấy Chúa đã tuyên bố những lời làm cho người nghe phải khó chịu. Hôm nay những lời tuyên bố của Chúa lại càng làm cho người ta thắc mắc và khó chịu hơn nữa.

1- Ta là bánh (Ga 6,15)

Đây không phải là lần duy nhất Chúa dùng thuật ngữ này. Kiểu nói "Ta là" là kiểu nói Chúa dùng nhiều lần để định nghĩa về mình. Chẳng hạn Chúa nói: "Ta là cái cửa"(Ga10,7), "Ta là mục tử" (Ga 10,11),"Ta là ánh sáng" (Ga 8,12), "Ta là con đường"(14,6),"Ta là cây nho" (Ga,15,1). Và hôm nay Chúa tự định nghĩa: "Ta là bánh"(Ga 6,15).

Định nghĩa nào trên đây cũng nói về mối tương quan giữa Chúa và thế giới con người nơi Chúa được sai đến. Cửa là để chiên ra vào. Mục tử là để lo cho chiên được sống và sống sung mãn. Ánh sáng là để cho người ta thấy đường mà đi. Con đường là để cho người ta đến được với Thiên Chúa. Cây nho là để cho ngành nho được sinh nhiều hoa trái. Ngay cả khi Chúa định nghĩa mình là "sự thật" (Ga 14,6) là sự sống và là sự sống lại (Ga 11,25) thì đó cũng là những gì cụ thể nhằm việc phục vụ con người.

"Ta là bánh". Bánh là lương thực không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày của người Do Thái. Bánh của người Do thái là cơm gạo của chúng ta. Đức Kitô nhận mình là bánh, một thức ăn thông thường, nhưng rất cần thiết. Bánh không phải để ngắm nhưng để ăn. Bánh là thứ ăn được, tiêu hóa được. Bánh đem lại sự sống cho người ăn nó. Như thế sự hiện hữu của bánh là vì người khác. Chấp nhận làm bánh có nghĩa là chấp nhận mình bị tan biến, bị mất đi. Và chỉ khi mất mình đi như thế bánh mới thật là bánh. Khi bánh được ăn, bánh trở nên xương thịt của người ăn. Bánh tiếp tục hiện diện trong người ăn một cách sâu thẳm, khó lòng mà tìm lại được bánh, khó lòng mà bảo bánh đang ở chỗ nào nơi người ăn vì bánh đã nên một với người ăn.

"Ta là bánh và là bánh trường sinh" (Ga 6,35,48). Bánh trường sinh là bánh ban sự sống, không phải là sự sống của thân xác, bánh ở đời này - mà là sự sống muôn đời. Sự sống ấy bắt đầu ở đời này và tiếp tục mãi mai sau bất kể việc thân xác có bị kết thúc ở đời này bằng cái chết hay không. Đức Giêsu là bánh ban sự sống muôn đời vì Ngài là bánh hằng sống (Ga 6,51) - bánh có sự sống. Sự sống ở nơi Đức Giêsu sự sống đã đạt tới mức độ viên mãn khi Ngài được phục sinh. Ngài được Cha ban cho sự sống dư tràn để rồi Ngài trở thành "Thần khí ban sự sống" cho chúng ta. (1Cr15,45).

"Ta là bánh". Đây không phải là một ẩn dụ mà là một giấc mơ của Đức Giêsu. Ngài muốn trở nên của ăn của uống để nuôi chúng ta, để ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Ngài không muốn nuôi chúng ta bằng cái gì ở ngoài Ngài như là Manna hay là những tấm bánh do Ngài hóa ra nhiều năm xưa. Ngài muốn nuôi chúng ta bằng chính con người của Ngài, bằng thịt và máu của Ngài.

2. Nhưng làm sao một giấc mơ như thế có thể thực hiện được? Làm sao Ngài có thể trở thành lương thực cho mọi thời đại? Người Do thái thuở xưa cũng hỏi những câu hỏi tương tự như thế: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn?" (Ga 6,52).

* Đối với người Do thái ngày xưa thì quả thực chưa có câu trả lời. Nhưng với chúng ta hôm nay thì câu trả lời đã rõ. Chính qua Bí tích Thánh thể mà Chúa có thể thực hiện được những gì mà loài người không thể nghĩ ra. Bí tích Thánh thể là sáng kiến bất ngờ và cũng là sáng kiến ngoạn mục tuyệt vời của Chúa. Ngài trở thành thức ăn cho loài người khi biến tấm bánh trong bàn tiệc thành thịt của Ngài và Ngài trở thành của uống cho con người khi Ngài biến rượu thành máu của Ngài: "Này là mình Thầy, chúng con hãy cầm lấy mà ăn. Này là máu Thầy các con hãy cầm lấy mà uống". Ăn bánh và uống rượu đã được truyền phép là ăn uống chính thịt và máu của Đức Kitô phục sinh. Ngài thành tấm bánh cho ta khi Ngài biến tấm bánh ta dâng cho Ngài nhờ Bí tích Thánh thể.

Vâng Chúa muốn cho chúng ta được sống. Ngài muốn trở thành của nuôi chúng ta mãi mãi, không bao giờ ngưng nghỉ. Và như Ngài đã hứa, ngài muốn cho chúng ta có được sự sống dồi dào, sự sống của chính Ngài.

Trong các câu truyện có liên quan đến Bí Tích Thánh Thể người ta thường nhắc và truyền tụng cho nhau về câu truyện có liên hệ đến một em bé có tên là Macxellinô. Câu truyện có nguồn gốc từ Tây Ban Nha. Khi vừa được sinh ra, Macxellino đã bị mẹ đem bỏ đi. Mẹ em đã bỏ em trước cổng một Tu viện. Tình cờ một tu sĩ đi ngang qua, nghe thấy có tiếng “oe oe” của một đứa trẻ, ông cúi xuống thấy em. Ông bồng em, đem vào tu viện. Em được các tu sĩ Đan viện chăm sóc và nuôi nấng và dần dần em được lớn lên trong tu viện.

Vốn tính tình nghịch ngợm, nên thầy đầu bếp cấm không cho em được leo lên gác. Nhưng rồi vì tính tò mò, một ngày kia Macxellino lẻn leo lên. Đến nơi em vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một người khổng lồ bị treo trên Thập giá. Bao nhiêu ngày như vậy mà chẳng thấy ai cho ăn. Bản tính tự nhiên em nghĩ rằng chắc là người bị treo trên đó đói lắm, nên một đêm kia Macxellino vào bếp ăn cắp bánh mang lên cho ông. Người khổng lồ đưa tay đón nhận bánh của cậu bé và cười với cậu.

Từ đó trở đi, ngày nào cậu cũng mang bánh lên cho người khổng lồ. Một hôm tay người khổng lồ tự rời bỏ thánh giá, cúi xuống, vòng hai tay ôm choàng lấy cậu. Ông hỏi:

- Điều gì làm cho con thấy thích nhất ở trần gian này?

Cậu nói:

- Con muốn được thấy mẹ con.

Người khổng lồ liền nói với cậu bé:

- Con sẽ được thấy nếu con chấp nhận chết.

Cậu bé bằng lòng và cậu đã an giấc trong tay người khổng lồ.

Hôm sau các thầy không thấy em trong nhà, đi tìm lục lọi khắp nơi nhưng cũng không thấy đâu. Cuối cùng các thầy lên gác và vô cùng xúc động khi thấy em đang nằm gọn trong vòng tay của Chúa.

Câu chuyện của Macxellino là một trong những câu truyện rất đẹp, đầy ý nghĩa về Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã lập và để lại cho Giáo hội như một giao ước muôn đời.

Chúa Giêsu không ngừng mời gọi con người mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài như Ngài nói với cậu bé Macxellinô trong truyện trên. Bánh và rượu là ngôn ngữ cậu bé dùng để nói lên với Chúa Giêsu, cậu bé cũng muốn săn sóc Chúa. Bánh và Rượu Ngài ban trong Thánh Thể cũng là cách Ngài tỏ tình yêu, Ngài muốn nói với chúng ta 'Ta yêu thương các con, Ta săn sóc các con". Ngài chính là Bánh và Rượu nuôi sống chúng ta. Ngài muốn chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài. Khi chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, thì lúc đó chúng ta mới có thể mở rộng trái tim và bàn tay để đón nhận người khác.

Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời được ban xuống để lôi kéo chúng ta lên với Chúa Cha. Người tín hữu Kitô tiếp nhận Thánh Thể là để được lãnh nhận tình yêu của Chúa và từ đó mới có thể trào sang cho người khác để đưa mọi người về với Thiên Chúa. Có chia sẻ bàn tiệc với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, chúng ta mới có thể chia sẻ cơm bánh cho những người khác chung quanh chúng ta.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể cho chúng con cảm nếm được sự sống trường sinh và niềm hạnh phúc khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng để chúng ta cũng có thể trao ban và chia sẻ tình yêu của Chúa cho mọi người.


THỨ HAI TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN
Mt 19,16-22

Đức Giêsu đáp: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện,
thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo,

anh sẽ được một kho tàng trên trời." (Mt 19,21)

1. Người thanh niên này đã khá tốt lành. Mặc dù anh là một người tốt, nhưng xét cho cùng anh vẫn còn ích kỷ. Anh chỉ nghĩ đến thu vào. Anh đã có nhiều thứ và anh chỉ muốn có thêm chứ không muốn mất đi. Khi đến hỏi Chúa Giêsu, anh muốn được thêm sự sống đời đời nghĩa là anh muốn được cả đời này lẫn đời sau. Khi Chúa Giêsu đề nghị anh từ bỏ tài sản thì anh từ chối.

Khi bảo người thanh niên hãy bán hết những gì anh có đi, Chúa Giêsu không có ý khinh thường của cải trần gian, mà Ngài chỉ cảnh giác rằng, của cải, sự giàu sang, có thể là một chướng ngại đáng kể cho ơn cứu độ.

Của cải tự nó không xấu, nhưng nó sẽ trở thành xấu khi nó nhốt con tim và tâm trí của chúng ta vào ngục tù của ích kỷ, của hưởng thụ. Nó sẽ trở thành xấu khi nó ngăn cản không cho chúng ta sống yêu thương quảng đại đối với người khác. Nó sẽ trở thành xấu khi nó không cho phép chúng ta sống một cuộc sống tự do.

Thực vậy, khi của cải không được dùng để phục vụ thì nó sẽ trở thành một yếu tố gia tăng cuộc sống ích kỷ của những người có nó. Lúc đó, nó sẽ trở thành nguồn gốc của bất công, của phô trương, của hưởng thụ.

Ngược lại, nếu của cải được sử dụng đúng với mục đích của nó thì nó sẽ đem lại rất nhiều sự tốt lành.

2. "Tôi phải làm việc lành gì để được hưởng sự sống đời đời?" (Mt 19,16)

Người thanh niên này nghĩ sự sống đời đời là tiền công cho những việc lành của anh ta. Chúa Giêsu sửa lại cách suy nghĩ đó: "Sao anh hỏi tôi về việc lành? Chỉ có một Thiên Chúa là Đấng tốt lành"(Mt 19,17). Theo Chúa Giêsu, điều ta phải nhắm là Thiên Chúa tốt lành chứ không phải những việc lành. Làm việc lành mà nghĩ đến mình, mong cho mình được thưởng là nghĩ lệch hướng. Nhắm đúng hướng là làm mọi việc chỉ vì lòng yêu mến Chúa. Kitô giáo không phải là đạo nhắm đến những công việc, mà nhắm đến một Thiên Chúa.

Sapaco Hara là một cô gái Công giáo người Nhật. Gia đình cô rất giàu có. Một ngày nọ, tình cờ cô đến thăm một làng ở ngoại ô thành phố Tokyo. Làng này đuợc gọi là LÀNG KIẾN. Sở dĩ có tên này là vì dân làng này là dân lao động nghèo, sống chen chúc nhau như bầy kiến. Trẻ em trong làng thì bẩn thỉu, lem luốc, ăn mặc rách rưới. Chúng lê la suốt ngày ở đầu làng cuối xóm mà không được ai săn sóc dạy dỗ cả.

Trước cảnh sống bần cùng của dân LÀNG KIẾN. Sapaco Hara nhận ra một tiếng gọi vang vọng tận đáy lòng cô. Mặc dù cha mẹ và bà con họ hàng hết sức khuyên nhủ, cản ngăn, nhưng Sapaco Hara cứ nhất định dọn đến sống chung trong một xóm của LÀNG KIẾN, để phục vụ dân làng trong công tác bác ái.

Sau 8 năm sống đời phục vụ và hy sinh tận tình, chịu đựng mọi đau khổ vì bị hiểu lầm, Sapaco mắc bệnh lao phổi và qua đời năm mới 28 tuổi.

Người ta cứ tưởng cuộc đời phục vụ ngắn ngủi của Sapaco là uổng công vô ích, thế nhưng không, sau cái chết của Sapaco, toàn thể dân LÀNG KIẾN đã xin theo đạo.

Ông "xếp" của LÀNG KIẾN, người đã chống đối và gây nhiều khó khăn, làm cho Sapaco đau khổ nhất, sau đã sáng tác thơ và viết sách kể lại cuộc đời Sapaco. Một nhà đạo diễn Nhật, đã dựa vào những tài liệu này để dựng thành một cuốn phim về Sapaco. Phim có tựa đề là "Maria của LÀNG KIẾN".

Thái độ sống của Sapaco Hara mà chúng ta vừa nói đến trên đây trái ngược hẳn lại với thái độ sống của người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay. Một bên đã tìm thấy được ý nghĩa cho cuộc đời của mình còn một bên thì không!

Trong một bài huấn dụ các chị em trong dòng, Mẹ Têrêsa đã nói như thế này: "Như người nghèo cứ tiếp tục nghèo hơn, chúng ta hãy vui mừng hơn nữa về sự nghèo nàn của cộng đoàn chúng ta. Người nghèo bị thiếu thốn quá nhiều những nhu cầu cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy lưu ý hơn về cách dùng của cải để có thể chia sẻ những khốn quẫn của họ trong phần lương thực, áo quần, nước, xà bông và điện sinh hoạt."

Thế giới của chúng ta chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn nếu mọi người biết để ý đến nhau. Cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn khi chúng ta dám thoát ra khỏi cái vòng kiềm tỏa của ích kỷ để biết sống chia sẻ với mọi người.

Mẹ Têrêsa nói: "Chúng ta có quyền được hạnh phúc và bình an. Chúng ta được dựng nên vì điều này, được sinh ra để hạnh phúc và chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc thật và bình an thật khi gắn bó cuộc đời mình với Thiên Chúa".

Nếu Thiên Chúa cho bạn sự giàu sang, thì hãy dùng nó mà giúp đỡ người khác.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu được điều đó để chúng con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.


THỨ BA TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN
Mt 19,23-30

"Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ,
con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy,

thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp."
(Mt 19,29)

1. Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng có liên quan đến vấn đề của cải vật chất. Của cải vật chất tự nó không xấu. Nó chỉ trở thành xấu khi người ta không biết sử dụng nó hay khi vì ham thích nó quá mà người ta đã tán tận lương tâm, đôi khi có người dám hy sinh cả Đức Tin để chiếm hữu cho được nó. Chúng ta thấy chẳng thiếu gì những người chỉ vì một chút của cải vật chất mà đánh mất cả tình nghĩa, cả lương tâm của mình.

Người kia mua của người láng giềng một mảnh đất. Khi đào đất để đổ nền nhà, người đó tìm được một hũ vàng. Vốn là người lương thiện và thành thật, anh mang hũ vàng qua nhà người láng giềng và nói:

- Đây là hũ vàng tôi tìm thấy trong mảnh đất ông đã bán cho tôi. Tôi mua đất chứ không mua hũ vàng. Vậy tôi xin trả lại hũ vàng cho ông.      

Người láng giềng cũng là người lương thiện không kém nên ông không nhận hũ vàng với những lời giải thích như sau:

- Khi bán miếng đất cho anh, tôi đã có ý định bán tất cả những gì chứa trong đó. Vậy hũ vàng là của anh.

Hai bên cứ nhường nhau mãi cho đến tối mà vẫn chưa có ai chịu nhận hũ vàng. Rốt cuộc cả hai đồng ý tạm ngưng tranh luận, hẹn hôm sau bàn tiếp.

Nhưng qua một đêm trằn trọc suy nghĩ, họ đã bị con quỷ tham lam nhập vào lúc nào không hay. Sáng hôm sau hai người gặp lại. Người mua đất liền nói:

- Tôi đã suy nghĩ kỹ lại thì thấy lời ông nói hôm qua quả là chí lý: Tôi đã mua đất của ông, tất nhiên mọi sự trong mảnh đất ấy đều thuộc về tôi.     

Người láng giềng cãi:

- Không phải thế. Hôm nay tôi đã xét kỹ thì thấy lời hôm qua anh nói với tôi rất xác đáng: anh không thể nào mua món đồ nào mà chính anh không có ý định mua. Anh chỉ mua đất chứ không mua vàng, anh hãy trả lại hũ vàng cho tôi.

Hai người cãi nhau dữ dội. Từ đó họ không còn là láng giềng tốt của nhau mà trở thành thù địch của nhau.

Một nhà triết học người Đức có lần đã nói với các đồ đệ của mình như thế này: "Nếu các bạn xem đồng tiền là thượng đế thì có ngày nó sẽ trở thành con quỷ dày vò các bạn".

2. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã nói một cách hết sức cường điệu nhưng cũng không kém vẻ nghiêm trọng như sau: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào được Nước Trời". (Mt 19,24)

Một em bé thọc tay vào trong một chiếc bình cổ quí giá rồi không rút tay ra được. Thế là em khóc. Cha mẹ của em chạy tới làm hết cách để kéo tay em ra, nhưng đều vô ích. Cuối cùng, họ đành quyết định đập bể chiếc bình cổ quí kia để cứu con.

Nhưng có lẽ vì còn tiếc chiếc bình cổ, nên trước khi đập bể chiếc bình, người cha bảo con:

- Con hãy cố gắng lần cuối cùng nữa xem sao. Bây giờ con hãy làm theo ba chỉ nhá. Con hãy duỗi thẳng những ngón tay của con ra, con chụm chúng lại, rồi con thử rút ra xem có được không.

Người cha đứa bé vừa nói, vừa làm mẫu để cho con bắt chước.

Nhưng đứa bé vừa nghe thấy ba nó nói thế liền phản đối:

- Thưa ba, làm như thế thì rơi mất đồng tiền con cầm ở trong tay còn gì?

Bấy giờ cả nhà mới vỡ lẽ ra là, sở dĩ em bé đã không rút tay ra khỏi chiếc bình chỉ vì em vẫn nắm chặt đồng tiền trong tay em. Thì ra chỉ vì đồng tiền mà em bé kia đã bị kẹt tay trong chiếc bình cổ.

Vâng, nếu chúng ta không coi chừng thì chúng ta cũng bị lòng ham mê tiền bạc của cải ràng buộc chúng ta vào những cạm bẫy vô cùng nguy hiểm tương tự như thế.

Người giàu có khó vào Nước Trời không phải vì những của cải người đó có mà thường là vì những người giàu có ít biết chia sẻ, ít biết nghĩ đến người khác nhất là những người nghèo khổ quanh mình.

Nhưng cũng phải coi chừng đừng tưởng cứ nghèo khó là đương nhiên được vào Nước Trời!

Nghèo mà lại để cho cái nghèo bóp nghẹt tiếng lương tâm, để rồi sau đó mắc vào đủ mọi thứ tệ nạn như giành giật, chà đạp, đàn áp lẫn nhau thì cái nghèo đó chẳng phải là cái nghèo được Chúa chúc phúc.

Trái lại nghèo mà lòng vẫn trong sạch, tâm trí luôn hướng đến những giá trị của Tin Mừng thì mới thực là người được Chúa chúc phúc.

Xin Chúa giúp cho chúng ta biết sử dụng của cải Chúa ban cho một cách hữu ích để chúng ta xứng đáng được gọi là "những người nghèo của Thiên Chúa".

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Xin Cha cho chúng con biết chia sẻ những gì Chúa ban cho nhau. Amen.


THỨ TƯ TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN
Mt 20, 1-16a

"Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt
về những gì là của tôi sao?

Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?"
(Mt 20,15)

1. Dụ ngôn những người thợ làm vườn nho.

Điểm nhấn mạnh của dụ ngôn này là 2 lối suy nghĩ khác nhau về cách trả lương của ông chủ:

Lối suy nghĩ của một số người thợ làm việc nhiều giờ: làm nhiều thì phải được trả công nhiều.

Lối suy nghĩ của ông chủ: Ông trả công vì thương (nhưng không lỗi đức công bình), cho nên kẻ làm ít giờ cũng được trả nhiều bằng kẻ làm suốt ngày.

Hai cách suy nghĩ trên phản ánh hai quan niệm khác nhau của người Do Thái và của Chúa Giêsu:

Người Do Thái làm việc đạo đức để tính công với Chúa. Họ nghĩ, họ làm nhiều thì Chúa phải ban ơn cho họ nhiều.

Đối với Chúa Giêsu: Thiên Chúa ban ơn cho ta không phải vì công lao của ta mà vì tình thương của Ngài.

2. "Mấy người sau chót làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ làm ngang hàng với chúng tôi, là những người đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt". (Mt 20,12).

Đó là lý lẽ của sự công bằng. Còn lý lẽ của tình thương thì khác. Lý lẽ của tình thương thường vượt xa lý lẽ của công bằng. Trong gia đình, cha mẹ lo cho con cái không phải vì lý lẽ công bằng, theo đúng công lao của chúng, nhưng theo lý lẽ tình thương. Có thể một đứa con bệnh tật yếu đuối chẳng làm gì được cho gia đình nhưng lại được chăm sóc nhiều hơn. Nếu cha mẹ trong gia đình lại cư xử với con cái theo lý lẽ công bằng thì không biết con cái sẽ ra sao?

Chúa cũng cư xử với chúng ta như thế. Nếu Chúa xử theo công bằng thì không biết chúng ta sẽ ra sao?

Nếu chúng ta là người thợ làm từ giờ thứ nhất, thì chúng ta không nên ganh tỵ với người làm từ giờ thứ 11 (thí dụ như những người bên lương trở lại, những người hấp hối mới ăn năn tội). Trái lại, chúng ta phải nghĩ rằng, mình hạnh phúc hơn họ vì đã được biết Chúa, ở với Chúa và làm việc cho Chúa lâu hơn họ.

Mỗi khi chúng ta bị cám dỗ viện lẽ công bình để ganh tỵ với người khác, thì chúng ta hãy nghĩ đến câu thánh vịnh:"Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được!" (Tv 130,3). Nhờ Chúa cư xử bằng tình thương chứ không theo công bằng mà chúng ta mới có thể đứng vững. Chúng ta phải xin Chúa giúp chúng ta đừng cư xử với mọi người theo lẽ công bình, nhưng biết vươn tới tình thương.

Có một câu chuyện dụ ngôn như sau:

Ngày nọ, Thiên Chúa ngạc nhiên khám phá ra rằng, tất cả mọi người đều được vào Thiên Đàng mà không ai phải sa hỏa ngục. Ngài suy nghĩ phải chăng Ngài không là Đấng công bằng sao.

Ngài cho gọi sứ thần Gabriel lại và ra lệnh: "Ngươi hãy tập trung tất cả mọi người lại trước mặt Ta và đọc cho họ nghe mười giới răn của Ta".

Tất cả mọi người đều đến trình diện trước tòa Chúa. Sứ thần Gabriel đọc giới răn thứ nhất và Chúa lên tiếng phán bảo: "Tất cả những ai đã phạm giới răn thứ nhất hãy xéo ra khỏi mặt Ta và đi vào hỏa ngục ngay".

Một số người từ từ tách ra khỏi đám đông và buồn bã đi vào hỏa ngục.

Sứ thần Gabriel tiếp tục đọc các giới răn khác. Cứ sau mỗi giới răn thì lại có một số người rời bỏ đám đông để đi vào hỏa ngục. Sau khi sứ thần Gabriel đọc giới răn thứ sáu, thì tất cả đám đông buồn bã ra đi….xuống hỏa ngục, chỉ trừ một vị ẩn sĩ già.

Thiên Chúa đưa mắt nhìn sứ thần Gabriel rồi hỏi: "Phải chăng chỉ có người này được vào Thiên Đàng? Nếu vậy thì ông ta sẽ cô độc lẻ loi lắm".

Nói xong, Ngài truyền lệnh cho sứ thần Gabriel gọi đám đông lại và cho họ trở vào Thiên Đàng.

Nhìn thấy đám đông tội lỗi xấu xa bỗng dưng được tha thứ và được trở lại Thiên Đàng, vị ẩn sĩ nổi giận và hằn học nói với Chúa: "Chúa không phải là Đấng công bằng. Tại sao Chúa không cho con biết trước điều đó?".

Vâng, cách tính toán của vị ẩn sĩ trong câu chuyện chúng ta vừa nghe chẳng khác gì cách tính toán của những người thợ trong Tin Mừng hôm nay. Ông ta tưởng rằng, ông đã giữ đủ mọi thứ thì chỉ có ông mới xứng đáng với những phần thưởng của Chúa, còn những người khác thì không. Đó là cách nghĩ của con người. Nếu không coi chừng thì có thể chúng ta cũng nghĩ như thế.

Giữa một thế giới
đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh. Amen.


THỨ NĂM TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN
Mt 22,1-14

"Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."
(Mt 22,14)

Khi nghe dụ ngôn này, người Do Thái cũng như chúng ta hôm nay đều hiểu rằng: Tiệc cưới là Nước Trời, đức vua là Thiên Chúa và hoàng tử chính là Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để ám chỉ về những người Do Thái không chấp nhận Ngài, hay không biết tôn trọng Ngài cho phải phép (không mặc áo cưới). Đây cũng là một lời cảnh cáo đối với cả chúng ta hôm nay.

1. Trước hết, đối với người Do Thái.

Đáng lý ra thì những người Do Thái phải là những người đầu tiên đón nhận Nước Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng muốn như thế:

"Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tyrô và Siđôn, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đavid, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!"(Mt 15,22). Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: "Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!"(Mt 15,23). Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi."(Mt 15,24) nhưnghình như là Chúa đã phải "chào thua" trước thái độ cứng lòng tin của họ.

Người ta kể rằng: Tại một thành phố nọ, đời sống dân chúng ngày càng thêm gian ác. Từ trời cao Thiên Chúa động lòng thương gửi sứ giả đến cảnh cáo, để họ cải tà qui chính. Vừa nghe tiếng sứ giả, họ bắt đầu bịt tai la ó và ngoảnh mặt ra đi; một số người còn lấy đá ném sứ giả và đuổi ra khỏi thành. Hồi tỉnh lại, họ cảm thấy ân hận và rất lo sợ Trời sẽ báo thù. Để làm nguôi cơn giận của Chúa, họ bàn định với nhau dựng lên một cột cao giữa quảng trường thành phố để tưởng nhớ sứ giả của Ngài.

Thiên Chúa động lòng thương không nghiêm phạt họ và sai sứ giả thứ hai đến với họ. Lời cảnh cáo của sứ giả thứ hai cũng không kém phần cương quyết, nhưng họ từ chối không muốn nhận sự thật, nên dùng gậy đánh đuổi sứ giả đi. Rồi một lần nữa, họ cũng rất lo sợ Trời báo thù, nên dựng tiếp một cột thứ hai bên cạnh cột thứ nhất, và thêm mái ngói như cái miếu để tôn thờ Chúa.

Thế nhưng, Chúa cũng không nghiêm phạt và đã gửi đến sứ giả thứ ba. Lần này không những dùng lời cảnh cáo, sứ giả còn dùng việc làm để kêu gọi cải tà qui chính. Dù vậy, họ vẫn không muốn từ bỏ con đường cũ, lại còn cứng lòng cố chấp sát hại sứ giả và quăng xác ngài ra ngoài thành.

Sau cái chết thảm thương của vị sứ giả thứ ba họ lại càng hoảng sợ, và để đền bù tội ác đó, họ dựng thêm một cái miếu nơi mặt tiền, bên trong, họ trưng bày ảnh tượng hoa nến và đặt tên là Nhà Trời. Thấy Trời cũng không báo thù, dần dần họ biến cái nhà thành một bảo vật và quảng cáo cho du khách đến viếng thăm để thâu tiền. Khi sứ giả thứ tư tới, thử hỏi còn có ai nghe biết ngài nữa chăng, hay ngài cũng phải đứng ngoài vì không có tiền mua vé vào cửa?".

Chúa Giêsu đã phải "chào thua" nhưng Chúa đâu có để cho chương trình của Chúa phải thất bại. "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông."(Mt 21,3)

2. Thứ đến là chuyện chiếc áo cưới.

Khi đức vua đưa ra đòi hỏi này, ông muốn cho người ta hiểu rằng, mặc dù được mời vào dự tiệc cưới nhưng người được mời cũng phải hiểu rằng, đây là tiệc cưới của hoàng tử cho nên cũng phải làm sao cho xứng đáng chứ không được phép coi thường. Phải làm sao cho xứng đáng với ân huệ được thụ hưởng.

Năm 1912, chiếc tàu sang trọng Titanic chìm xuống biển sâu vào Chúa Nhật Quasimodo (Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Phục Sinh, theo lịch cũ). Sau đó, trong các buổi thẩm tra, những lời khai của các nhân chứng cho thấy nhiều chi tiết hay ho được các báo chí Mỹ đăng tải. Song báo chí Pháp lại im hơi lặng tiếng! Người ta nhận thấy chiếc tàu mang dưới đường ngấn nước một dòng chữ ghê gớm được viết thật lớn như sau: "No God, no Pope" (Không Thiên Chúa không Giáo Hoàng). Phía bên kia hông tàu người ta còn có thể đọc hàng chữ: "Cả trời lẫn đất đều không thể nuốt vùi chúng ta".

Tuy nhiên, tảng băng đã cắt ngang dòng chữ "No God, no Pope" đến nỗi những bức ngăn kín các phòng ở dưới tàu bị sụp đổ và trở nên vô dụng. Viên chỉ huy con tàu là một kẻ vô đạo. Trong bữa ăn cuối cùng chiêu đãi hành khách, ông ta đã lập lại những lời kiêu ngạo và phạm thượng và trong cơn điên loạn mù quáng, mặc cho sương mù và đá băng ngầm, ông ra lệnh:

- Tiến tới! hết tốc lực!

Tiếc thay! Không bao lâu sau đó, những ngọn sóng vô tình đã chôn vùi con tàu khổng lồ dưới đáy biển!

Chiếc tàu Titanic lúc đó chở 1.800 hành khách. Khoảng 1.100 người chết. Chỉ có 700 người - đa số là đàn bà và trẻ em - được cứu sống...

Vâng! Chớ có khinh thường Thiên Chúa.


THỨ SÁU TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN
Mt 22,34-40

Đức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa,
Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi

và "Ngươi yêu người thân cận như chính mình."
(Mt 22,37.39)

1. Trả lời cho một số luật sĩ hỏi "Giới răn nào là trọng nhất?", Chúa Giêsu đưa ra hai giới răn mến Chúa và yêu người.

Đặc biệt, Ngài nói "Giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất", và "Toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó".(Mt 22,39)

Những luật sĩ Do Thái rất thuộc luật và giữ luật rất kỹ, nhưng họ không biết đến cốt lõi của những khoản luật đã được ban bố: Đó là tình yêu.

Có người nói yêu người khó hơn mến Chúa. Dĩ nhiên, vì con người không dễ thương bằng Chúa. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã coi giới răn thứ hai cũng ngang hàng với giới răn thứ nhất.

Thánh Gioan quả quyết: "Nếu ai nói tôi yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn chúng ta đã nhận được từ Ngài: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình" (1Ga 4,20-21) .

Mùa đông vừa qua đi, tuyết tan làm cho con sông Inn ở Thụy Sĩ dâng cao, mực nước tràn sang hai bờ, gây ra nạn lụt tàn phá dữ dội các ngôi làng quanh đó. Các tổ chức từ thiện ngay sau đó đã đứng ra lạc quyên cứu trợ. Có một nhóm lạc quyên khi đi ngang qua nhà một gia đình bà góa nọ, đứng lại ngoài cửa rồi ngần ngại bảo nhau:

- Thôi, chúng ta sang quyên góp nhà khác, gia đình này vốn đã quá nghèo rồi.

Thế nhưng, bà góa ở trong nhà thoáng nghe biết, đã vội chạy ra, giữ đoàn quyên góp lại, lần mãi trong chiếc ví cũ rách để đưa cho họ một đồng 20 xu. Bà nói một cách chân thành:

- Xin quí vị cho tôi được đóng góp chút ít, vì dẫu sao tôi cũng còn có được một mái nhà tranh, còn có giường gỗ cho các con tôi nằm trong khi những người bị nạn lụt thì chẳng còn gì cả.

Nhóm đi lạc quyên xúc động, nhận đồng 20 xu, trân trọng bỏ vào thùng, và không quên cám ơn bà. Họ vừa định quay gót thì một bé gái trong nhà vội chạy theo và nói:

- Các bác ơi, chị em chúng cháu vừa tìm ra thêm một đồng 10 xu để dành đã lâu, các bác cho chúng cháu gởi tặng những bạn nhỏ xấu số của chúng cháu nhé.

Mọi người không cầm được nước mắt trước tấm lòng giàu tình nhân ái của cả một gia đình nghèo

2. "Còn một điều răn thứ hai cũng giống như điều răn ấy là: phải yêu thương người lân cận như chính mình" (Mt 22,39).

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu được mẹ bề trên giao cho một chị nữ tu lớn tuổi để chị trông coi chăm sóc. Chị này nổi tiếng là khó tính trong nhà dòng. Đến giờ ăn, Têrêsa phải dìu chị xuống nhà ăn. Một thiếu sót nhỏ cũng đủ để cho Têrêsa bị trách móc. Chị ấy bực bội, không bằng lòng, nhưng Têrêsa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả vì lòng yêu mến Chúa; và vì tình yêu Chúa, thánh nữ yêu mến nữ tu đáng thương này.

Tình yêu đối với Thiên Chúa phải được tỏ hiện ra bên ngoài đó là tình yêu đối với tha nhân. Và chúng ta chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không phải chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng hành động, bằng sự nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông nữa.

Để kết thúc tôi xin đọc lại lá thư của Đức Giáo Hòang Gioan XXIII hồi Ngài còn là một thầy Đại chủng sinh gửi về cho gia đình:

Đại chủng viện Rôma, ngày 16 tháng giêng năm 1901.

"Trọng kính thăm ba má, bác hai, cậu và anh chị. Khi thư này đến nhà, chắc cả nhà đang sốt sắng dự tuần đại phúc mở tại họ đạo; và con mong rằng tất cả đã sốt sắng lo việc phần hồn, xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu.

Con không cầu cho gia đình được giàu sang, chỉ xin cho mọi người trở nên Kitô hữu tốt, sống nghèo khó, bằng an, phó thác trong tay Chúa quan phòng.

Con lấy làm vinh dự được sống trong cảnh nghèo của gia đình mình, không bánh mì, chỉ ăn cháo, không bao giờ biết đến thịt, có chăng là đôi ba dịp trong năm. Lễ giáng sinh thì được một thẻo bánh, má tự làm. Tuy nhiên, dù có đến gần 20 đứa lớn bé đang chờ chực dĩa cháo, nhưng nếu có người đến ăn xin, má vẫn mời họ ngồi vào bàn chia bữa ăn với chúng con...

Xin ba má tha cho những kẻ đã và đang làm hại gia đình mình. Biết đâu trước mặt Chúa, họ tốt hơn mình...

Chúa muốn con làm linh mục không vì giàu sang. Nếu thế thì thật là khốn nạn. Con sẽ làm linh mục để phục vụ người nghèo.

Con: Angelo.

Đó là bức thư thầy Angelo Roncalli sau này là Giáo Hoàng Gioan XXIII gửi thăm ba má.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
chúng con đều là con cái Chúa
đừng để con quên Lời Chúa:
"Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
là chúng con làm cho chính Ta."


THỨ BẢY TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN
Mt 23,1-12

"Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên."
(Mt 23,12)

1. Có lẽ hầu hết những Lời Chúa Giêsu kết án các Pharisêu và luật sĩ ngày xưa cũng đều có thể đúng cho cả chúng ta hôm nay:

* Chúng ta thường nói rất nhiều mà làm không được bao nhiêu. Nói rất hay nhưng làm chẳng có gì. Thích "chỉ tay năm ngón", bảo người khác làm còn chính mình thì không!

* Còn rất nhiều người trong chúng ta bên ngoài thì xem rất đẹp, nhưng cái đẹp đó không biết có phù hợp với cuộc sống thực sự đạo đức có chiều sâu bên trong hay không. Điều đó đối với người ta thì khó mà thấy nhưng đối với Chúa thì làm sao chúng ta có thể che giấu được Người. 

* Chúng ta cũng rất thích danh vọng và địa vị.

Ngày xưa, vua Ali nhận thấy tình trạng tham nhũng càng ngày càng gia tăng trong vương quốc của mình. Vua tìm đến một nhà đạo sĩ nổi tiếng là khôn ngoan nhất để tham khảo ý kiến và có lời yêu cầu như sau:

- Xin đạo sĩ giúp tôi một phương thế để biết rõ ai là kẻ tham nhũng, hối lộ nhất để tôi có thể canh tân việc trị nước.

Đạo sĩ liền trao cho vua Ali một bình rượu thần với lời dặn như sau:

- Xin ngài hãy hoà chút rượu này vào trong thức ăn hay nước uống của những ai mà ngài muốn biết về tình trạng tham nhũng hối lộ hay không của họ. Khi dùng rượu này thì người nào tham nhũng hay hối lộ thì tự nhiên sẽ có hai cái sừng mọc ra ở trên trán. Tội càng nặng thì 2 cái sừng mọc càng dài.

Vừa về đến hoàng cung nhà vua đã tức tốc ra lệnh cho mời các quan văn võ trong triều đình đến để dự tiệc, và trước đó nhà vua đã cho người thân tín pha rượu của nhà đạo sĩ vào các đồ ăn thức uống đã được dọn sẵn.

Sau khi đã dùng, thì quả đúng như lời nhà đạo sĩ nói: trên trán mỗi vị quan văn quan võ trong triều đình đều có hai cái sừng mọc ra, kẻ dài người ngắn khác nhau tuỳ theo tội của họ…..làm cho mọi người hết sức kinh ngạc. Nhà vua thấy vậy thì nổi giận đứng lên tuyên bố:

- Hôm nay ta mới biết lòng dạ của mỗi người. Hai cái sừng mọc ra trên trán đó là dấu chỉ hiển nhiên của hành động tham nhũng hối lộ các ngươi đã phạm. Vị đạo sĩ trên núi đã trao cho ta một bình rượu thần. Kẻ nào hối lộ tham nhũng mà uống vào thì sẽ có hai cái sừng mọc ra ở trên trán như các người đã thấy, dài hay vắn là tuỳ tội nặng hay nhẹ.

Nói đến đây, nhà vua hãnh diện chờ xem phản ứng của các quan như thế nào và ngay sau đó thì chính nhà vua cũng bưng ly rượu lên uống. Trớ trêu thay, đây cũng là ly rượu có pha rượu thần mà người làm bếp đã lén pha vào, và mọi người đều được một phen cười đến bể bụng, phá tan hết sự im lặng nặng nề trong hoàng cung lúc đó khi họ thấy trên trán của nhà vua cũng vừa có hai cái sừng mọc ra và hơn nữa còn là hai cái sừng dài nhất.

Ca dao Việt Nam của chúng ta có nhiều câu rất hay:

Cười người chớ có cười lâu

Cười người hôm trước hôm sau người cười.

2. Chúa Giêsu thì dạy chúng ta: "Trong chúng con, ai là người quyền thế hơn, sẽ là người phục vụ "(Mt 23,11).

Milton là một lực sĩ nổi danh thế kỷ thứ 6 trước công nguyên đã từng đoạt được nhiều chiến thắng oanh liệt tại các cuộc tranh tài Thế Vận Hội ở Hy Lạp. Vì anh sinh trưởng ở vùng Crotone nên người ta quen gọi anh là Milton thành Crotone.

Anh có một thân hình rắn chắc và một sức mạnh khủng khiếp. Một lần kia, anh đã nhấc bổng cả một con bò mộng lên cao khỏi đầu, mang đi một đoạn đường độ 120 bước, sau đó bỏ xuống đấm chết nó bằng một quả thôi sơn.

Thế rồi một hôm, khi ngang qua một khu rừng, anh bắt gặp một thân cây đã nứt dọc thành một đường chẻ dài từ chỗ chạc xuống đến gần gốc. Vì thấy lúc ấy đang có mặt một số bạn bè từng hâm mộ sức khỏe của mình, Milton bèn muốn khoe khoang trổ thần lực để tách đôi thân cây ấy bằng chính bàn tay cứng như sắt của mình.

Anh ta xuống tấn, lấy thế, rồi bất ngờ chém mạnh cạnh bàn tay của mình vào chỗ chạc ba. Tức thì thân cây bị tẽ ra làm hai phần y như bị một nhát rìu chẻ dọc. Thế nhưng, ngay sau đó, hai phần thân ấy lại khép cứng lại ở phần sát gốc, đâm ra Milton bị kẹp luôn cánh tay ở giữa, không tài nào rút ra được.

Cánh bạn bè mới đây còn hoan hô hò reo vang trời, bây giờ thấy sự thế bất ngờ như thế, hốt hoảng cho là có thần linh nào đó ở thân cây cổ thụ này đã trừng phạt Milton, họ vội vàng bỏ chạy hết.

Thế là chàng lực sĩ Milton khốn khổ đã trở thành nạn nhân cho chính cái tội phô trương hiếu danh của mình. Anh đã bị bỏ rơi lại một mình giữa rừng, cho đến khi trời đêm buông xuống, đành chịu làm mồi ngon cho thú dữ.

Top