Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XII mùa Thường Niên
TUẦN XII MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN
NĂM C
Lc 9,18-24
Phêrô thưa rằng:
“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
(Lc 9,20)
1. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật lại việc Chúa Giêsu gặp gỡ riêng các môn đệ, sau một thời gian hoạt động công khai, để hỏi các ông xem dân chúng đã có được những ý nghĩ gì về Ngài. Các ông đã thành thực kể lại với Chúa về những ý nghĩ của dân chúng. Và sau đó Chúa hướng về các môn đệ là những người đã được sống gần gũi thân tình với Chúa xem các ông nghĩ về Chúa như thế nào: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”
Đây là một câu hỏi không dễ trả lời.
Vâng! Ngay từ những ngày đầu của cuộc đời công khai của Chúa, người ta đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về Chúa.
Từ trong ngục tối Gioan Tẩy Giả đã sai các môn đệ của mình đến hỏi Đức Giêsu: “Ngài có thật là Đấng phải đến không hay chúng tôi còn phải chờ một vị khác?”
Những khách dự tiệc ở nhà ông Simon, Biệt phái đã xầm xì: “Ông này là ai mà lại tha tội được?”
Khi được chứng kiến việc Chúa dẹp yên sóng gió bão tố:các môn đệ hỏi nhau: “Người này là ai mà cả sóng gió bão tố phải tuân lệnh?”
Chính vua Hêrôđê, người đã chém đầu Gioan Tẩy giả, cũng thắc mắc: “Người này là ai mà trẫm nghe nói nhiều về ông như thế”.
Những người chứng kiến cảnh con trai bà góa thành Naim được sống lại đã đồng thanh tung hô: “Một ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta”.
Khi được Chúa hỏi, các môn đệ đã thưa lại với Chúa về những điều họ đã nghe dân chúng nói: “Một ít người cho là: “Đó là ông Gioan Tẩy giã từ cõi chết sống lại”. Một số người khác lại nói: “Ông Elia đã xuất hiện” hay “đó là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”.
Như vậy, cuộc thăm dò dư luận này đã cho thấy mặc dù chưa có lời giải đáp chính xác về căn tính đích thực của Chúa Giêsu, nhưng các đám đông đều đánh giá Đức Giêsu là một con người tôn giáo rất vĩ đại, một ngôn sứ, một “người phát ngôn” của Thiên Chúa.
2. Sau khi đã biết các ý nghĩ của dân chúng, Đức Giêsu mới quay sang các môn đệ và hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”
Ở đây ta thấy Đức Giêsu là một nhà sư phạm tài tình. Người đã nâng cấp cho các câu hỏi.
Trước hết, Người đặt câu hỏi không đưa họ vào chiều sâu để họ dễ trả lời:
- Người ta bảo Con Người là ai?
Các ông thưa:
- Kẻ thì bảo là Gioan tẩy giả.
Lặp lại các ý kiến của người khác thì quá dễ, chắc hẳn chẳng cần phải suy nghĩ gì, vì những quan niệm đó không liên quan gì đến mình. Nhưng khi Chúa Giêsu hỏi:
- Còn các con, các con bảo Thầy là ai? thì đây là một câu hỏi không dễ gì trả lời ngay được. Lý do bởi vì câu hỏi này mang chiều kích cá nhân. Nó đi sâu vào nội tâm của một người. Nó đòi hỏi người đó phải chọn cho mình một quan điểm, và hơn thế nữa là phải dấn thân theo quan điểm đó.
Chính vì thế mà khi Đức Giêsu nêu lên câu hỏi về ý kiến của dân chúng thì các môn đệ giành nhau trả lời. Nhưng khi Ngài đặt câu hỏi động đến bản thân các ông, đòi hỏi các ông một lập trường thì các ông lại e dè. Và như bài Tin Mừng thuật lại thì chỉ một mình Phêrô lên tiếng trả lời Đức Giêsu:
- Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.
Đấng Kitô của Thiên Chúa nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và sai đến trần gian để thực hiện chương trình cứu độ.
Câu trả lời của Phêrô vượt xa các câu trả lời của đám đông. Phêrô nhận ra nơi Đức Giêsu điều mà chính Ngài đã loan báo ngay trong diễn từ đầu tiên ở Hội đường Nazareth: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…”
Sự xức dầu của Thần khí, sự xâm nhập của Thần khí trên Đức Giêsu chúng ta không thể thấy được. Vì thế căn tính sâu xa của Ngài không phải là một điều gì có thể dùng lý trí mà suy diễn được. Chúng ta chỉ có thể tiếp nhận dưới thể thức của sự mạc khải. Thực vậy, khi Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho các môn đệ cũng là dịp Chúa Giêsu muốn tỏ cho các ông biết Ngài là ai!
3. Câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ năm xưa vẫn là câu hỏi luôn tồn tại với thời gian. Người Kitô hữu hôm nay cũng được mời gọi để trả lời câu hỏi đó của Chúa Giêsu: “Còn chúng ta, chúng ta nói Đức Kitô là ai?”
Có thể trả lời hai cách.
Hoặc trả như Phêrô: "Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống".
Trả lời như vậy là rất đúng. Nhưng sợ rằng đó là một câu trả lời lý thuyết, hiển nhiên, có sẵn, theo sách vở. Chúng ta học trong sách Thế nào thì thưa lại như vậy, chứ chưa chắc đã là xác tín của bản thân.
Cách thứ hai là trả lời theo kinh nghiệm bản thân. Sau khi suy nghĩ, cân nhắc mình nghĩ Thế nào, cảm nghiệm điều gì thì nói lên trung thực như vậy.
Theo cách này thì trả lời không dễ và mỗi người có câu trả lời riêng của mình.
Chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Riêng tôi, tôi sẽ thành thật thưa cùng Chúa như Thế này: Thầy là người gây rất nhiều phiền toái cho người khác, là một gương mẫu không thể theo nổi nên dễ làm nản lòng... nhưng đồng thời Thầy lại là người mà con cần đến nhất, không thế thiếu trong đời con.
Chúa Giêsu gây rất nhiều phiền toái cho mọi người, nhất là cho những ai muốn theo Ngài. Ngài đòi hỏi quá nhiều. Và những điều Ngài đòi hỏi thường đại ngược lại với bản năng của con người. Ngài mời gọi theo con đường hẹp, và qua cửa hẹp, vác thập giá mỗi ngày. Ngài còn đòi hỏi phải từ bỏ tất cả, kể cả chính bản thân.
Người tín hữu phải theo gương Chúa Giêsu. Nhưng gương tuyệt hảo, cao siêu của Ngài dễ làm người ta choáng váng. Chúa Giêsu không chấp nhận một lối sống tầm thường. Ngài không muốn chúng ta thánh thiện nửa vời. Ngài chỉ cho thấy một lý tưởng cao vút: hãy nên toàn thiện như Chúa Cha trên trời. Ngài vạch ra một con đường khó đi: hãy sống như Ngài, theo gương Ngài.
Nhưng xét cho cùng, Chúa Giêsu vẫn là người mà ta cần đến nhất. Thiếu Ngài là ta sẽ chới với, ngả nghiêng. Cuộc đời sẽ chao đảo, lạc hướng, mất hết ý nghĩa.
Thánh giáo phụ Ignatio bị điệu ra trước mặt quan tòa. Họ yêu cầu ngài chối bỏ đức tin, để được sống, ngài đã mạnh mẽ trả lời cho quan tòa rằng:
- Không, tôi không thể nào chối bỏ Chúa tôi, tôi hết lòng yêu mến Ngài.
Trong khi quan tòa nói những lời hăm dọa thì ngài vẫn bình tĩnh nói những lời cầu nguyện như sau:
- Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa.
Quan tòa không chịu nỗi thái độ thách thức này nên ra lệnh bảo ngài im và hăm dọa:
- Nếu ông không ngừng những lời này thì ta sẽ ra lệnh phân thây ông thành muôn mảnh ngay.
Thánh giáo phụ Ignatio bình tĩnh trả lời:
- Tôi không thể ngưng yêu mến Chúa tôi, nếu ông cắt đầu tôi, miệng tôi không nói được lời này nữa, thì bao lâu tim tôi còn đập, bấy lâu lòng tôi vẫn còn nói lời yêu thương Chúa.
Chúa Giêsu là Chân lý bất biến và tối hậu.
Chính vì Thế mà Ngài là người mà chúng ta cần đến nhất, một người không thế thiếu.. . mặc dầu sự hiện diện của Ngài có gây phiền toái, và sự thánh thiện của Ngài đôi khi có làm cho chúng ta nản lòng.
Cho nên lời tuyên xưng xưa của Phêrô còn phải trở thành kinh nghiệm riêng của mỗi người chúng ta hôm nay: "Lạy thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai Ai."
Vâng! Chúa Giêsu là Chân lý bất biến và tối hậu. Đi theo Ngài chúng ta sẽ không sợ lạc lối. Cùng Ngài tiến bước chúng ta sẽ được dẫn đến sự Thật tròn đầy và sống trong Ngài chúng ta sẽ luôn được no đầy bởi vì Ngài “Là đường, là sự thật và là sự sống.” Amen.
THỨ HAI TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
Mt 7,1-5
"Anh em đừng xét đoán,
để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.”
(Mt 7,1)
1. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy về sự xét đoán:
Thiên Chúa sẽ xét đoán chúng ta tùy theo cách chúng ta xét đoán người khác.
- "Các con đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán". (Mt 7,1)
- "Các con xét đoán thế nào thì cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy". (Mt 7,2)
Tại sao tôi thích xét đoán người khác?
- Lý do "có vẻ chính đáng" là tôi yêu thích sự thiện, do đó khi thấy người khác không thiện thì tôi lên án.
- Nhưng ngoài lý do "có vẻ chính đáng" ấy ra, còn lý do không chính đáng chút nào mà khoa tâm lý có thể vạch trần ra: Đó là cái tính ác nằm sẵn trong người tôi, làm cho tôi thích "hạ" kẻ khác và cảm thấy sung sướng một cách vô ý thức khi người khác bị "hạ";
Một hôm, Satan thích chí vô cùng vì đã phát minh ra được một cái gương cực kỳ kỳ diệu: Bất cứ điều gì trong gương ấy cũng bị đảo lộn. Khuôn mặt kiều diễm nhất nào nhìn vào tấm gương cũng trở thành xấu xí, ghê tợn. Satan nghĩ, có thể đưa tấm gương lên Thiên Đàng để chia rẽ Thiên Chúa và các thiên thần. Satan liền đội tấm gương lên đầu và bay thẳng lên trời. Dọc đường hắn nhìn vào tấm gương và càng thích thú hơn khi thấy gương mặt xấu xí của hắn nay càng xấu xí hơn. Càng bay tới gần Thiên Đàng thì khuôn mặt của hắn càng xấu xa thê thảm. Và cứ như thế, chưa tới cửa Thiên Đàng mà hắn đã không còn chịu được cái vẻ thô bạo xấu xí của hắn. Thế rồi, tay hắn run lên lẩy bẩy và đánh rơi tấm gương xuống trần gian. Tấm gương vỡ ra từng mảnh, nát ra như những hạt cát và tung bay tràn lan trên khắp mặt địa cầu. Từ đó trở đi, hễ hạt cát nhỏ đó bám vào được mắt ai thì cứ nằm lỳ mãi ở đó, khiến người ấy chỉ còn thấy toàn là những cái xấu trên thế gian này mà không thấy được điều gì tốt đẹp khác. Đại họa cho con người khởi đầu từ đó.
Câu chuyện trên muốn nói rằng: nhìn thấy cái xấu nơi người khác không phải là điều tự nhiên của con người. Tổ tiên chúng ta thường nói: "Nhân chi sơ tính bản thiện". Như vậy, mọi cái xấu, cái ác đều là do ma quỷ mà ra. Bởi vậy, chúng ta hãy coi chừng!
Đức Giám Mục Fulton Sheen nói: "Tôi thường xét đoán người khác về khuyết điểm gì, thì đó là dấu chính tôi có khuyết điểm đó."
2. Thay vì xét đoán người khác, mỗi người hãy tự lo xét đoán chính mình: "Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái xà trong mắt ngươi. Hãy lấy cái xà trong mắt ngươi ra trước đã" (Mt 7,3).
Chúa bảo, trước khi xét đoán thì hãy tự xét mình trước đã: Hãy lấy cái xà trong mắt ngươi ra trước đã. Hãy tự phê trước rồi sau đó mới phê sau. Tốt hơn là đừng xét đoán.
Trong kho tàng truyện các thánh tu hành, có câu chuyện rất hay của ẩn sĩ Macariô. Ngài qua đời năm 300 ở Ai Cập.
Macariô sống ẩn dật 30 năm trong phòng mình. Suốt trong thời gian đó, có một vị linh mục vẫn đến cử hành thánh lễ trong phòng của ngài. Để cám dỗ và quấy rầy vị tu hành này, ma quỷ xúi giục một người kia đến gặp vị ẩn sĩ Macariô và nói:
- Vị linh mục đến làm lễ mỗi ngày đó chính là một kẻ tội lỗi vì thế không nên cho ông ấy cử hành thánh lễ nữa.
Ẩn sĩ Macariô đáp lại:
- Hỡi con, Kinh Thánh dạy rằng: "Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán. Nếu linh mục ấy là người tội lỗi, thì Chúa sẽ tha thứ cho cha ấy".
Sau khi nói như vậy, ẩn sĩ Macariô bắt đầu cầu nguyện và đã giải thoát cho người kia khỏi bị quỷ ám.
Khi vị linh mục đến làm lễ, cha ấy vẫn được tiếp đón vui vẻ như thường. Và Thiên Chúa thấy lòng nhân hậu của ẩn sĩ Macariô nên muốn khích lệ ngài bằng một dấu hiệu. Khi vị linh mục tiến lên bàn thờ, thì Macariô thấy một thiên thần từ trời xuống và đặt tay lên đầu vị linh mục và vị này biến thành một cột lửa trước lễ vật thánh.
Trong khi ẩn sĩ Macariô còn ngây ngất trước thị kiến này, thì ngài nghe có tiếng nói:
- Hỡi con người, tại sao ngươi lại ngạc nhiên ngỡ ngàng. Nếu một vua chúa trên trần gian này còn không cho phép thần dân mình xuất hiện trước mặt mình với quần áo nhơ bẩn, thì làm sao quyền năng của Thiên Chúa lại chấp nhận cho người cử hành Mầu Nhiệm Thánh mà ô uế trước vinh quang trời cao. Ngươi đáng được chứng kiến sự kiện này vì ngươi đã không chỉ trích vị linh mục.
Viện phụ Pineng, trong truyện các thánh tu hành, cũng đã trả lời cho một đan sĩ hỏi ngài xem có cần phải che tội cho người anh em mình không? Ngài đáp:
- Chính trong lúc chúng ta che tội cho người anh em chúng ta, thì Chúa cũng che tội cho chúng ta như vậy.
Mẹ Têrêsa bảo: "Đức Giêsu khuyến khích ta đừng xét đoán ai. Cố đừng xét đoán người khác. Nếu bạn xét đoán người khác thì bạn không thể nào yêu họ được."
THỨ BA TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
Mt 7,6.12-14
"Vậy tất cả những gì anh em
muốn người ta làm cho mình,
thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.”
(Mt 7,12)
Đoạn Tin Mừng này gồm 3 giáo huấn:
1. "Đừng lấy của thánh mà vất cho chó.” (Mt 7,6).
Một vị linh mục đang chăm chú đọc sách, trước mặt ngài là một chàng thanh niên tự xưng là vô thần. Anh ta quan sát từng cử chỉ của vị linh mục và mở đầu cuộc tấn công bằng những lời này:
- Tôi không tin bất cứ những gì mà linh mục các ông rao giảng. Các ông có biết là các ông đang bán thuốc phiện ru ngủ quần chúng không?
Bị xúc phạm như thế, nhưng vị linh mục không để lộ bất cứ phản ứng nào. Ngài nhìn người thanh niên với tất cả thông cảm và nói:
- Anh có tin Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật không?
Người thanh niên trả lời như một cái máy:
- Không, thế giới tự nó mà có, vật chất tự biến hóa thành vạn vật.
Vị linh mục mỉm cười hỏi tiếp:
- Anh bạn trẻ, anh là người có học, chắc chắn anh đã có dịp đọc một vài quyển sách đúng đắn về hiện tượng tôn giáo.
Người thanh niên lắc đầu quả quyết:
- Tôi đã và sẽ không bao giờ đọc những thứ sách vô bổ ấy.
Vị linh mục hỏi tiếp:
-Thế anh có đọc Kinh Thánh?
Người thanh niên lại được dịp cho Kinh Thánh chỉ là những chuyện nhảm nhí.
Vị linh mục vẫn tỏ ra thản nhiên trước thái độ gây hấn của người thanh niên. Ngài gợi thêm:
- Chắc anh cũng đồng ý rằng, từ 2.000 năm qua, lịch sử của nhân loại đã chịu ảnh hưởng sâu rộng của một người có tên là Giêsu.
Người thanh niên phản đối.
- Anh có bao giờ suy nghĩ về những vấn đề tôn giáo và luân lý trong cuộc sống không?
Người thanh niên la lớn:
- Mất giờ vô ích.
Với ánh mắt vừa buồn bã vừa trìu mến, vị linh mục nhìn người thanh niên hồi lâu rồi chậm rãi nói:
- Anh bạn trẻ! Anh không có vẻ gì là người vô thần cả, mà chỉ là người sống hời hợt nông cạn và thiếu hiểu biết mà thôi.
Vâng, sống với những con người như thế quả là không đem lại cho đời mình một ích lợi gì. Chúa bảo chúng ta đừng mất giờ đối với những con người như thế.
2. "Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con thì chính các con hãy làm cho người ta như thế.” (Mt 7,12)
Một hôm, một phụ nữ đến thăm nhà một người bạn và tình cờ đọc được một câu rất ngông dán trên tủ lạnh của nhà người ấy: "Hãy thực thi sự tử tế một cách càn dở và những cử chỉ đẹp một cách vô nghĩa". Bà chép câu này đem về dán ở nhà mình và quyết làm theo. Chồng bà, một giáo viên, thấy câu đó cũng thích và đem chép lên bảng trong lớp học. Một học sinh cũng thấy hay nên chép về cho cha mình. Ông này là biên tập viên của một nhật báo địa phương nên ông lại đưa lên báo. Chẳng mấy chốc, câu nói như vết dầu loang đã lan rộng ra nhiều nơi tại Mỹ và đã thúc đẩy được nhiều cử chỉ đẹp rất "vô nghĩa". Thí dụ tại Chicago, một buổi sáng có một thiếu niên tự động đến từng nhà của những người hàng xóm và cào tuyết trước gara đậu xe; tại Saint Louis, một người đàn ông bình thường rất cau có, nhưng một hôm ông ra đường bị một chiếc xe khác quệt trầy xe ông, ông thò đầu ra khỏi xe, mỉm cười nói "Không có gì đâu"; tại San Francisco, một người đàn bà dừng xe để đóng thuế qua cầu San Francisco, chẳng những cho xe mình mà còn cho một dãy xe phía sau nữa. (Chờ đợi Chúa).
Vâng, nếu mỗi người chúng ta biết làm cho nhau những điều mà chúng ta muốn người khác làm cho mình, thì thế giới này sẽ biến thành một Thiên Đàng cho mọi người kể cả chúng ta.
3. "Hãy qua cửa hẹp mà vào. Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy." (Mt 7,13-14)
Chúng ta hãy suy gẫm một vài sự kiện đã xảy ra ngay trong cuộc sống của chúng ta:
Albert Einstein đến năm lên 4 tuổi mới biết nói, và phải đến năm 7 tuổi mới biết đọc. Thầy giáo đã từng nhận xét về ông như sau: "Chậm phát triển, khó gần, luôn có những ước mơ ngớ ngẩn." Ông từng bị đuổi học và bị từ chối nhận vào trường Bách khoa Zurich, vậy mà ông đã trở thành một nhà bác học nổi tiếng nhất thế giới chưa ai sánh kịp ông.
Trước khi phát minh ra bóng đèn tròn, Thomas Edison đã tiến hành hơn 2.000 cuộc thử nghiệm. Một phóng viên trẻ hỏi về cảm giác của ông sau khi thất bại quá nhiều lần như vậy. Ông nói: "Tôi chưa bao giờ thấy mình thất bại, dù chỉ một lần. Tôi phát minh ra bóng đèn tròn. Quá trình phát minh này có đến 2.000 bước!"
- Henry Ford nói: "Thất bại chính là cơ hội để bạn khởi đầu lần nữa một cách hoàn hảo hơn".
Con đường vinh quang trần thế mà đã phải trả giá như vậy. Thử hỏi con đường vinh quang Nước Trời còn phải được trả giá cao hơn như thế nào. Con đường hẹp chính là cái giá để trả cho vinh quang thiên quốc của chúng ta.
THỨ TƯ TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
Mt 7,15-20
"Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt,
cây xấu thì sinh quả xấu.
Cây tốt không thể sinh quả xấu,
cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt.”
(Mt 7,17-18)
1. Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta về cách nhận định khách quan. Trước hết, ta cần lưu ý lời dạy này không mâu thuẫn với lời dạy hôm thứ hai là đừng xét đoán người khác.
Xét đoán là chỉ mới thấy một số hiện tượng đã vội kết luận và lên án. Còn nhận định khách quan là căn cứ vào kết quả để biết nguyên nhân.
Xét đoán thì dễ chủ quan, còn nhận định thì khách quan.
Xét đoán thường dễ đưa chúng ta đến việc lên án người khác, còn nhận định thì giúp chúng ta suy nghĩ và lựa chọn ra những bài học sống cho chính mình. Trong cuộc sống, ta không nên xét đoán nhưng phải khôn ngoan nhận định một cách khách quan.
Nhận định khách quan dựa trên tiêu chuẩn "Xem quả để biết cây".
Cha Ông chúng ta thường nói:
"Mua cá thì phải xem mang,
Mua bầu xem cuống, mới toan khỏi lầm.
Con người muốn biết thâm tâm,
Nhìn vào công việc, chẳng lầm mảy may".
Nước Kinh có người xem tướng giỏi, nói câu nào trúng câu ấy. Trong nước, xa gần ai ai cũng biết tiếng. Vua Trang Vương thấy thế vời lại hỏi:
- Nhà ngươi dùng thuật gì mà xem tướng giỏi như thế?
Người xem tướng thưa rằng:
- Thần không có thuật gì lạ cả. Thần chỉ xem bạn người ta mà biết được người ta hay hoặc dở. Như thần xem cho thường dân, mà thấy họ chơi với những người bạn hiếu, đễ, huấn, cẩn, biết giữ phép nước thì thần đoán người dân ấy là người hay, thân tất một ngày vẻ vang, nhà tất một ngày thịnh vượng.
Như thần xem cho quan lại, mà thấy chơi với những người bạn thành, tín, có phẩm hạnh, thích điều phải thì thần đoán cho ông quan ấy là người tốt, làm quan tất mỗi ngày một cao thăng, giúp vua tất mỗi ngày một lợi ích.
Như thần xem cho vua chúa, mà thấy quan gần thì có lắm người hiền, quan xa có lắm người trung, lúc lỗi có nhiều người can ngăn thì thần đoán là ông vua giỏi, vua tất mỗi ngày một tôn trọng, nước tất mỗi ngày một trị yên, thiên hạ tất mỗi ngày một qui phục. Thần quả không có thuật gì lạ, chỉ xem người mà biết được người hay hoặc dở.
Vua Trang Vương cho nói là phải. Bấy giờ liền kíp thu dùng những người tài giỏi, sau nước Sở thành cường thịnh nhất đời Chiến Quốc.
Chúng ta tự hỏi xem bạn bè chung quanh chúng ta là những người như thế nào? Từ đó mà chúng ta biết mình là ai?
2. Nhà tu đức học nổi tiếng người Ấn Độ là cha Anthony de Mello có kể câu chuyện dụ ngôn: Hai vợ chồng kia lấy nhau đã nhiều năm mà không được một đứa con nào cho vui cửa vui nhà. Năm ấy có một vị tư tế đến thăm, ông này đã được họ giúp đỡ nhiều lần. Sau khi đã cho vị tư tế ăn uống no nê, hai vợ chồng đã xin với ông:
- Khi ngài lên Đền thờ, làm ơn cầu nguyện với thần cho vợ chồng tôi có được đứa con.
Sau đó, vị tư tế lên đền thờ. Ông cầu nguyện cho vị ân nhân như sau:
- Tâu lạy Thần Linh, vợ chồng người đó rất tử tế với con, xin ngài thương xót họ và cho họ có con để cho vui cửa vui nhà.
Vị thần trả lời một cách nghiêm nghị và dứt khoát:
- Theo như số phận đã định, thì gia đình đó không bao giờ có con.
Năm năm sau, vị tư tế đó lại lên đường đi hành hương một lần nữa và cũng dừng lại ở gia đình ấy. Thấy có hai đứa bé đang nô đùa trước cổng nhà, ông hỏi:
- Con ai vậy?
Và người cha đáp:
- Con chúng tôi đấy.
Thấy vị tư tế bỡ ngỡ, người đàn ông nói:
- Năm năm trước, khi ngài từ biệt chúng tôi thì có một vị nổi tiếng thánh thiện đã đến làng này, chúng tôi đón tiếp ông, ông đã chúc lành cho hai vợ chồng chúng tôi và những đứa bé này là kết quả của sự chúc lành đó.
Nghe thế vị tư tế hối hả lên Đền thờ và trách vị thần:
- Tại sao ngài đã bảo tôi là số họ không con, mà bây giờ họ có hai đứa?
Vị thần nghe xong thì cười và nói:
- Có lẽ một thánh nhân nào đã làm như thế, các thánh nhân có thể làm thay đổi số mệnh người đời.
Mẹ Têrêsa nói: "Hãy cố gắng làm sao để cho ân sủng Chúa tác động trong linh hồn chúng ta, bằng cách chấp nhận tất cả những gì Ngài trao ban cho và dâng cho Ngài tất cả những gì Ngài muốn lấy đi. Sự thánh thiện đích thực hệ tại ở chỗ thi hành Thánh Ý của Thiên Chúa với nụ cười trên môi".
Vâng, cuộc sống thánh thiện lúc nào cũng có âm hưởng trên người khác. Một chứng tá đức tin luôn có sức đánh động mọi người. Chúng ta hãy cố gắng sống thánh thiện, tốt lành để đem lại những hoa trái tốt đẹp cho gia đình chúng ta, cho giáo xứ chúng ta. Trái tốt sinh từ cây tốt; cây tốt sinh trái tốt là lẽ đương nhiên.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên những nhân chứng cho tình yêu Chúa. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
Mt 7,21-29
"Không phải bất cứ ai thưa với Thầy:
‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu!
Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy
là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”
(Mt 7,21)
1. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nhắc lại một điều quan trọng: phải đem ra thực hành những điều đã nghe:
"Không phải những người nói "Lạy Chúa, Lạy Chúa" mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ có những ai thực hiện ý Cha Thầy trên Trời thì mới được vào Nước Trời” (Mt 7,21).
Kẻ nghe và thực hành thì giống như người xây nhà trên đá vững chắc, kẻ chỉ nghe mà không thực hành thì giống như người xây nhà trên cát.
Mới đây, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ nói về sức khỏe con người đã đồng ý với nhau rằng, để sống khỏe, sống an vui thì mỗi ngày phải tập thể dục đều đặn, ăn uống cách quân bình, và nhất là thực hành việc tốt cho kẻ khác. Đó là quan điểm căn bản mà hiện nay các bác sĩ Hoa Kỳ thường khuyên các thân chủ đến khám bệnh.
Chính vì thế mà hiện nay, để đề phòng bệnh, các bác sĩ, những nhân viên phụ trách về sức khỏe, đang cố gắng cổ võ một phong trào sống và làm việc tốt, quan tâm đến việc phục vụ tha nhân để phòng bệnh. Các nhà nghiên cứu quan sát thêm, tại sao làm việc tốt cho kẻ khác lại giúp cho chính đương sự sống an vui không bệnh hoạn.
Bác sĩ Highchery vừa qua đời, đã kể lại kết quả công việc nghiên cứu lâu dài của ông về điểm này như sau: khi đương sự làm việc để phục vụ kẻ khác thì nhận lại niềm vui, lòng biết ơn nồng nhiệt của người thụ ân. Cảm nghiệm được niềm vui và lòng biết ơn này, tạo ra nơi cơ thể người thi ân một cảm giác ấm áp. Cảm giác ấm áp này lại kích thích cơ thể bài tiết ra thêm nhiều chất kháng tố, chống lại những xâm nhập của vi trùng bệnh và làm cho đương sự cảm thấy rất thoải mái, quên hết những ưu phiền.
Để thử nghiệm nguyên tắc làm việc tốt để chữa bệnh và phòng bệnh, bác sĩ Horis tại bệnh viện của đại học California ở San Francisco đã khuyến khích các bệnh nhân hãy làm việc tốt giúp đỡ lẫn nhau để mau lành bệnh. Kết quả trông thấy được là những bệnh nhân nào sẵn sàng làm việc tốt cho kẻ khác thì mau lành bệnh hơn là các bệnh nhân ích kỷ, sống khép kín trong những âu lo phiền muộn riêng mình.
2. "Những ai thực hiện ý Cha Thầy trên Trời thì mới được vào Nước Trời” (Mt 7,21).
Năm 1971, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã loan báo việc trao giải thưởng Gioan 23 cho mẹ Têrêsa thành Calcutta với những lời lẽ như sau: "Giải thưởng được trao cho một nữ tu khiêm tốn, âm thầm, nhưng không lọt qua được đôi mắt quan sát của những ai đã chú ý đến công việc phục vụ bác ái cho những người nghèo. Nữ tu có tên là Têrêsa thành Calcutta. Từ 20 năm đã qua, trên khắp các nẻo đường đất nước toàn cầu, nữ tu thực hiện một cách tuyệt diệu sứ mạng tình thương đối với những người cùi, những kẻ già lão bị bỏ rơi và những trẻ em mồ côi".
Đây là bí quyết phục vụ người nghèo của mẹ: "Bí quyết đời sống tôi rất đơn sơ. Đó là cầu nguyện. Trong lời cầu nguyện, tôi được phúc say mê yêu mến Chúa Kitô và tôi hiểu được rằng, cầu nguyện là yêu mến Chúa và thực hành Lời Chúa. Cầu nguyện giúp tôi nhớ lại và sống Lời Chúa phán: "Ta đói, các con cho Ta ăn, Ta đau yếu, bị cầm tù, các con đã đến viếng thăm.” (Mt 25,35).
Có lần mẹ đã phát biểu: tôi muốn các nữ tu của tôi luôn có nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của họ. Tôi đã cho về nhà nhiều thiếu nữ dự tu, vì họ chưa vui vẻ đủ, họ không có khả năng để cười. Khi tôi thấy các nữ tu đi làm việc mà mặt mày ủ rũ, nụ cười chưa tươi nở trên môi, tôi liền nói với họ: "Các chị hãy về nhà ngủ một giấc, rồi sau đó mới đi làm việc, các chị quá mệt mỏi rồi".
Mẹ Têrêsa quả đã sống cho đến cùngnhững đòi hỏi của Tin Mừng. Mẹ đã nhiều lần quả quyết rằng, công việc mẹ và các nữ tu của mẹ đang thực hiện không phải là công tác xã hội mà thiết yếu là hành động bác ái. Hành động bác ái hay sống bác ái là sống rao giảng Tin Mừng, mà nói đến Tin Mừng là nói đến vui tươi, hân hoan.
Vâng! Tin Mừng phải được thể hiện qua cuộc sống, đó là đòi hỏi cơ bản nhất mà Chúa Giêsu không ngừng nhắc nhở cho các môn đệ.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là tấm Bánh Thánh
nuôi dưỡng cho con,
Nhưng con lại có thể
bẻ vụn tấm bánh đời mình cho anh em con.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là Chén Máu Thánh
bổ sức cho con,
Nhưng con lại có thể quảng đại
mời anh em con uống lấy trọn đời con.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới thật sự là đường
Nhưng con lại có thể
chỉ đường cho anh em con bước đi.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là ánh sáng,
Nhưng con lại có thể làm cho
ánh mắt anh em con
thêm sáng ngời long lanh. Amen.
THỨ SÁU TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
Mt 8,1-4
"Người giơ tay đụng vào anh và bảo:
‘Tôi muốn, anh sạch đi.’
Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.”
(Mt 8,3)
1. Hôm nay, Chúa Giêsu làm phép lạ chữa một người mắc bệnh phong cùi.
Trong những chuyến đi diễn thuyết để kêu gọi giúp đỡ những người phong cùi trên khắp thế giới, vị đại ân nhân của họ là Raoul Folereau thường kể câu chuyện như sau: Tại một thị trấn nọ, có một người đàn ông được mọi người yêu mến bỗng ngã bệnh. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ nghi ngờ...vâng chỉ nghi ngờ thôi…nghi ngờ ông mắc bệnh phong cùi. Và kể từ đó người ta không còn thấy ông ra đường nữa. Ngay cả ở trong nhà, ông cũng không còn được tự do đi lại. Gia đình ông đã giam ông trên giường. Khung trời còn lại của ông chính là tấm mùng. Nhưng một ngày nọ, người đàn ông này đã trốn ra khỏi nhà. Không may ông bị bắt lại. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau đó một lần nữa, ông lại trốn và lần này thì ông trốn thoát. Ông trốn không phải để được sống tự do, mà là để tự vẫn. Sau khi ông chết, người ta đưa xác ông đi giảo nghiệm, và kết quả cho thấy ông không hề mắc bệnh phong cùi!
Kể lại câu chuyện trên đây, ông Raoul Folereau muốn nêu bật nỗi khổ tâm của những người mắc bệnh phong cùi. Nỗi đau đớn trong thể xác có lẽ chỉ là một phần nhỏ so với sự ruồng bỏ, mà xã hội ở bất cứ thời đại nào cũng dành cho họ.
2. Vâng, bệnh phong cùi làm cho người mắc bệnh trở thành một người tuy còn sống nhưng kể như đã chết. Không phải ai cũng được khỏi nhờ phép lạ.
Tuy nhiên, cũng có những con người, dầu mắc bệnh này nhưng cũng rất can đảm. Xin lấy một thí dụ:
Chị Véronique, một người Pháp, 55 năm bị mắc bệnh phong Hansen, 20 năm bị mù lòa.
Dưới đây là một trong những lời nguyện của chị được ghi lại theo tạp chí Prier, xuất bản năm 1979.
Lạy Chúa,
Chúa đã đến và đã xin con tất cả, và con, con cũng đã hiến dâng cho Chúa tất cả.
Xưa kia, con ưa thích đọc sách, và Chúa đã muốn mượn đôi mắt của con.
Ngày trước, con thích chạy nhảy trong những khu rừng thưa, và Chúa đã muốn mượn đôi chân của con.
Mỗi độ xuân về, con tung tăng hái lượm những cánh hoa tươi, và Chúa lại xin con đôi tay.
Bởi con là một phụ nữ, con ưa ngắm nhìn suối tóc óng ả của con,
Ưa ngắm nhìn những ngón tay thon nuột xinh xắn của con.
Thế mà giờ đây, đầu con hầu như chẳng còn sợi tóc nào,
Cũng chẳng còn đâu những ngón tay hồng xinh xinh nữa.
Chỉ còn lại một vài que củi khô queo nham nhúa.
Chúa ơi, Chúa hãy nhìn xem:
Cái thân thể diễm kiều của con đã bị hủy hoại đến mức độ nào.
Thế nhưng, con không hề muốn nổi loạn, con lại muốn dâng lên Chúa lời tạ ơn!
Vâng, lạy Chúa! Muôn đời con sẽ xin thưa hai chữ tạ ơn.
Bởi vì, nếu đêm nay, Chúa truyền cho con phải ra đi vĩnh biệt cõi thế, con cũng sẽ chẳng tiếc hận gì.
Đời con đã được quá ư đầy tràn những điều diệu kỳ tột độ:
Đó là con đã được sống đắm mình trong Tình Yêu,
Đã được Chúa lấp đầy chan chứa bằng Tình Yêu
Vượt quá cả những gì con tim con hằng mong ước.
Ôi lạy Chúa là Cha của con, Cha đã đối xử quá tốt với bé gái Véronique của Cha.
Và chiều nay, ôi Tình Yêu của con!
con xin dâng lời nguyện thiết tha, cho tất cả mọi người phong cùi trên mặt đất.
Xin Cha thương một cách đặc biệt, cả đến những người bị bệnh "cùi tâm hồn"
đang đè bẹp hủy hoại,
Con yêu thương đặc biệt những con người bất hạnh ấy.
Và chiều nay trong âm thầm, con xin tận hiến đời con cho họ,
bởi vì họ cũng là những người anh chị em con.
Ôi lạy Cha, Tình Yêu của con, con xin dâng Cha
Căn bệnh phong cùi thân xác của con, để cho những người thân yêu kia đừng bao giờ biết đến nữa,
Cái đắng cay, cái lạnh lẽo kinh hồn của căn bệnh "cùi tâm hồn".
Con là bé gái thân thương của Cha,
Cha ơi, hãy nắm lấy bàn tay đã tàn phế của con để dẫn con đi,
Như người mẹ hiền dắt tay đứa con gái cưng của mình.
Cha hãy ôm con vào lòng, như người cha ấp ủ đứa con cưng
trong vòng tay của mình.
Cha hãy nhận chìm con thật sâu xuống tận đáy trái tim Cha,
Cho con được ở đấy
cùng với mọi người thân yêu của con,
Bây giờ và cho đến mãi muôn đời… Amen. (Véronique)
Vâng! Thật hết sức can đảm. Cuộc sống đã trở thành một chứng nhân cho tình yêu. Khó mà tìm được một con người dám sống như vậy trong xã hội hôm nay. Phải nói rằng việc đón nhận những đau khổ với một nụ cười là một việc hết sức quí hiếm mà chúng ta có thể gặp. Chỉ có những tâm hồn biết hiến dâng trọn vẹn mới có thể sống được như thế. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta được can đảm đón nhận tất cả những gì Chúa gửi đến với con tim tràn đầy yêu mến, để chúng ta hiểu được lời mà thánh tông đồ đã nói: "Tất cả đều là hồng ân". Amen.
SINH NHẬT
THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
Lc 1,57- 80
A. Hôm nay Giáo hội tưởng niệm ngày sinh của một con người mà đã có lần Chúa Giêsu ca ngợi là: “Người cao trọng nhất trong số những người sinh ra bởi người nữ.” (Mt 11,11)
Vâng! Một con người đã được sinh ra trên trần thế.
Vào một buổi trình diễn văn nghệ nọ, trong số đó có những người thợ mỏ, những người đàn ông, đàn bà, con trẻ… đang dự buổi trình diễn, người ta bỗng nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ con. Bỗng từ trong đám người thợ mỏ, người ta thấy một người có thân hình vạm vỡ, đầu tóc rậm rì, ông đứng lên ghế la lớn:
- Yêu cầu ban nhạc tạm ngưng một lúc, để chúng tôi nghe tiếng khóc của đứa bé. Biết bao nhiêu năm rồi tôi chưa được nghe những âm thanh kỳ diệu ấy.
Thế là cả ban nhạc và các ca sĩ đều dừng lại và tiếng đứa bé khóc càng lớn hơn. Người ta thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má của những người xa vợ, xa con, xa chồng…
Đại thi hào Victor Hugo của Pháp đã có lý khi nói: “Không gì buồn thảm cho bằng một ngôi nhà không có tiếng cười, tiếng khóc của những trẻ thơ”. Trẻ thơ là niềm vui, là hy vọng của con người. Người Mỹ thường nói: “Mỗi một trẻ thơ được sinh ra đều có thể làm Tổng Thống tương lai của Hoa kỳ”.
Thật thế, mỗi một đứa trẻ sinh ra đều là niềm vui, niềm hy vọng cho gia đình, cho dân tộc, cho quốc gia.
Quả thật! không kể Mẹ Maria, Thánh Gioan Tẩy giả là vị thánh duy nhất được Giáo hội mừng ngày sinh nhật. Ngày sinh của thánh Gioan sẽ loan báo một kỷ nguyên mới cho nhân loại mà Chúa Giêsu sẽ khai mở. Cha của ngài là một người câm, mẹ ngài là một người đàn bà già nua son sẻ. Trong bối cảnh đó, ngày chào đời của Thánh Gioan Tẩy giả loan báo rằng: thời của Đấng Cứu Thế đã đến, thời của sự câm lặng đã trở thành loan truyền của ơn cứu độ. Thời mà sự son sẻ đã trở thành đông con nhiều cháu. Ngày sinh của Gioan Tẩy giả là thời loan báo về ngày cứu độ. Lời loan báo mà Thánh Gioan đã không ngừng hô lớn trong những ngày sau này, ngài chính là tiên tri của Chúa, ngài chính là đấng tiền hô của Chúa.
B. Mừng ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy giả, Giáo hội cũng muốn nhắc nhở mỗi người Kitô hữu chúng ta về sứ mạng làm tiên tri và sứ giả của mình. Ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy giả mời gọi chúng ta nhớ lại ngày được tái sinh của mỗi người chúng ta.
Nhờ phép rửa, chúng ta đã trở thành ngôn sứ loan báo hồng ân cứu độ của Chúa. Ngọn nến Giáo Hội trao cho chúng ta trong ngày lãnh phép rửa là biểu trưng cho ánh sáng mà chúng ta phải không ngừng chiếu tỏa ra xung quanh. Dù sống trong hoàn cảnh nào, người tín hữu Kitô chúng ta cũng phải có sứ mệnh chiếu toả ánh sáng ấy (Mt 5,16).
Ngạn ngữ có câu: “Nếu bạn không trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra bạn hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà bạn”.
C. Mừng ngày sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta cũng còn phải nhớ lại con đường Ngài đã đi qua, con đường ấy được Ngài tóm gọn trong khẩu hiệu: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại.” (Ga 3,30) .
Chúa Giêsu phải được lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.
Tạp chí “Truyền bá đức tin” có thuật lại câu chuyện một cụ già Ấn Độ như sau. Lúc còn là thanh niên, anh đã say sưa nghiện ngập đủ mọi thứ: cà phê, thuốc lá, rượu mạnh có tiếng. Nhưng rồi một hôm, chàng đọc thấy trên mặt báo lời kêu gọi giúp nuôi chủng sinh ở các giáo phận nghèo. Đọc xong chàng rất đổi phân vân, một đàng chàng muốn mình phải làm một cái gì đó, đàng khác, chàng thấy những thứ đó quá hấp dẫn, chả có vẻ tội lỗi gì cả!
Tuy nhiên, chàng đã quyết định: bỏ tất cả...nhưng dần dần với thời gian. Chàng đóng góp số tiền tiêu sài ấy vào quĩ truyền bá đức tin để giúp nuôi ít chủng sinh nghèo. Cứ thế liên tiếp trong mấy mươi năm, nhiều thế hệ chủng sinh, linh mục đã được chàng giúp đỡ. Họ liên lạc thư tín với chàng mỗi lúc một nhiều...Thời gian trôi qua, đến ngày chàng thanh niên nghiện ngập thành ông cụ già 85 tuổi. Ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 85 của cụ, cụ tuyên bố trước mặt họ hàng: “Với những hy sinh suốt mấy mươi năm qua, tôi đã đài thọ cho việc huấn luyện các chủng sinh, và đến nay, con số các linh mục rải rác khắp nơi được tôi giúp đỡ đã lên đến 30 mươi người. Tôi rất hạnh phúc. Tôi đã đầu tư thành công, và tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư như thế cho đến giờ Chúa gọi”.
Vâng cụ già đã biết làm cho mình nhỏ đi và cho Chúa được lớn lên, lớn lên qua những cánh tay nối dài của Ngài.
Ước gì khẩu hiệu này cũng trở thành lý tưởng và luật sống của mỗi người chúng ta. Sống đối với người tín hữu Kitô chúng ta là sống cho Chúa. Sống đối với người tín hữu Kitô chúng ta là không ngừng khước bỏ và cắt xén đi những gì là thừa thãi trong cuộc sống, để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Sống đối với người tín hữu Kitô chúng ta là suy nghĩ và hành động trong Chúa Kitô, để dung mạo của Ngài được chiếu sáng trong chúng ta, và nhờ ơn cứu độ của Ngài được loan báo cho mọi người.
THỨ BẢY TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
Mt 8,5-17
"Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi,
nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.”
(Mt 8,8)
1. Viên đại đội trưởng này trong bài Tin Mừng hôm nay tuy là người ngoại, nhưng ông đã có một niềm tin mạnh khiến Chúa Giêsu phải ngạc nhiên.
Sách Giáo Lý Công Giáo viết: "Đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, được trao ban cho tất cả những ai cầu xin với lòng khiêm hạ; đó là nhân đức siêu nhiên cần thiết để được cứu độ. Hành vi đức tin là một hành vi nhân linh, nghĩa là một hành động của lý trí con người, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, đức tin còn có đặc tính chắc chắn, vì được đặt nền tảng trên Lời Chúa; đức tin có đặc tính năng động "nhờ Đức ái" (Gl 5,6); đức tin luôn tăng triển, đặc biệt nhờ lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Trong hiện tại, đức tin cho chúng ta nếm trước niềm vui trên trời. (Số 28)
Niềm tin của viên đại đội trưởng là niềm tin mạnh. Vậy thế nào là niềm tin yếu?
Có một người kia đi biển, tình cờ gặp một trận cuồng phong bão táp. Trận cuồng phong bão tố này đã làm ông sợ đến nỗi muốn ngất đi. Giữa lúc đó thì mắt ông lại thấy như Chúa Giêsu đang đi trên mặt biển tiến về phía ông. Nhớ lại câu chuyện trong Tin Mừng thuở xưa, lúc các tông đồ của Chúa cũng gặp hoàn cảnh tương tự như vậy, ông kêu to: "Lạy Chúa, nếu thật là Ngài, xin hãy cho tôi cũng đi trên mặt nước mà đến với Ngài". Đức Giêsu bảo:
- Hãy lại đây.
Nghe thế, ông vội mặc chiếc áo an toàn và mang phao cứu hộ theo, ông nhảy xuống nước tiến về phía Đức Giêsu bất chấp sóng to gió cả.
Đức Giêsu mỉm cười đưa tay đón lấy ông và hỏi:
- Tại sao con nghi ngờ Lời Ta nói, hỡi kẻ kém lòng tin.
Nghĩ mình bị Chúa trách oan, ông vội vã cãi lại.
- Đâu có, con có nghi ngờ Lời Chúa nói bao giờ đâu.
Chúa lắc đầu hỏi:
- Thế tại sao con lại mặc chiếc áo an toàn và mang phao cứu hộ trước khi con tiến về phía Ta?
Nhìn hai vật vô ích trên mình, ông gãi đầu thưa:
- Cái này..., những cái này con mang theo chỉ để phòng hờ!
Xin Chúa ban thêm niềm tin cho chúng ta để chúng ta luôn biết sống theo những Lời Người truyền đạt cho chúng ta hôm nay và mãi mãi.
2. Còn đâu là niềm tin mạnh?
Ông đại đội trưởng hôm nay được Chúa khen là có niềm tin mạnh. Nếu Chúa Giêsu đã khen lòng tin của người đàn bà bị bệnh loạn huyết khi bà nghĩ rằng, chỉ cần đụng vào gấu áo Ngài cũng đủ để được khỏi, thì lòng tin của đại đội trưởng này còn mạnh hơn nhiều: Ông tin rằng, Chúa Giêsu chỉ cần nói một lời, thì đầy tớ của ông, dù có ở xa đến đâu cũng sẽ được lành. Trước lòng tin ấy, Chúa Giêsu đã nói lên: "Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế" (Mt 8,10).
Nữ thủ tướng Margaret Hilda Thatcher sinh ra tại một thị trấn nhỏ của Anh. Từ nhỏ, bố của Margaret đã giáo dục cô bé rất nghiêm khắc. Ông thường xuyên nói với cô những câu như: “Cho dù làm bất cứ việc gì cũng phải tranh làm đầu tiên, tuyệt đối không được đứng sau người khác. Cho dù ngồi xe bus cũng phải ngồi hàng ghế đầu. Hơn nữa, tuyệt đối không được phép nói “khó quá” hay “con không làm được”.
Quả thực đối với cô bé Margaret, yêu cầu như vậy là quá nghiêm khắc. Nhưng có điều, cũng chính vì sự giáo dục nghiêm khắc của bố như vậy nên Margaret đã hình thành thái độ học tập tích cực. Mỗi khi làm chuyện gì, Margaretluôn mang trong mình niềm tin tất thắng, hơn nữa sẽ cố gắng hết sức để thực hiện mục tiêu của mình. Cô đã dùng hành động thực tế để chứng minh mình phải “vĩnh viễn ngồi ở ghế hàng đầu”.
Hồi Margaret học đại học, nhà trưởng đề ra kế hoạch dạy tiếng Latinh trong vòng năm năm. Kết quả chỉ trong một học kỳ, Margaret đã học xong hết, hơn nữa thành tích thi lại rất cao. Cô đã xuất sắc đứng đầu. Margaret không chỉ có thành tích xuất sắc mà còn tích cực tham gia thể thao, ca hát, diễn thuyết và những hoạt động khác của trường. Cô đã trở thành học sinh ưu tú của trường. Giảng viên đại học của Magaret đã từng nói: “Margaret là học sinh xuất sắc nhất của trường chúng tôi từ khi thành lập đến nay. Cô bé lúc nào cũng tự tin, luôn làm tốt mọi chuyện”. Cô đã có một niềm tin mạnh vào cuộc sống và tương lai của mình.
Về sau, Thatcher trở thành một nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Anh, trở thành ngôi sao sáng chói trên vũ đài chính trị Châu Âu.
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, Tử đạo tiên khởi -
Ngày 23/12: Thánh Gioan Kenty, linh mục -
Ngày 21/12: Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/12: Đức Mẹ Guađalupê -
Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231)