Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần V Thường Niên

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần V Thường Niên

THỨ HAI TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 6,53-56

"Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu,
thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó."
(Mc 6,55)

Tin Mừng hôm nay chỉ có bốn câu rất ngắn gọn, vậy mà thánh Marcô đã mô tả cho chúng ta thấy được sức thu hút mãnh liệt của Chúa Giêsu đối với dân chúng:

- Họ rảo qua khắp vùng ấy, và nghe tin Ngài ở đâu thì bắt đầu cáng bệnh nhân tới đó (Mc 6,55).

- Ngài đi tới đâu người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Ngài cho họ ít là được chạm đến tua áo của Ngài. Và bất cứ ai chạm đến là được khỏi (Mc 6,56).

1. Có thể tìm được hai lý do để giải thích sự thu hút này:

* Dân chúng có những nhu cầu và Chúa Giêsu có khả năng đáp ứng lại những nhu cầu đó.

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy có rất nhiều trường hợp như thế:

Viên trưởng Hội đường với đứa con gái sắp chết đang nằm trên giường. Họ cần đến Chúa.

Người đàn bà bị mắc bệnh bại huyết 12 năm, chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản mà vẫn không khỏi.

Viên bách quan đội trưởng với tên đầy tớ bị đau không thể nào chữa khỏi.

Tất cả đều cảm thấy cần đến Chúa cho nên họ đã đích thân đến với Chúa và Chúa đã không phụ lòng mong ước của họ.

Một ngày kia, có một nhà lãnh đạo Trung Hoa theo Kitô-giáo đến thăm Hoa Kỳ. Sau khi nghe ông nói chuyện tại một buổi hội họp, một sinh viên hỏi: "Tại sao nước ông đã có Khổng Tử mà còn muốn có Kitô-giáo nữa? "

Ông đáp: "Có ba lý do: Thứ nhất: Khổng Tử là một vị tôn sư, còn Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế. Chúng tôi cần Đấng Cứu Thế hơn là cần vị tôn sư. Thứ hai: Khổng Tử đã chết, Đức Kitô vẫn đang sống, chúng tôi cần một Đấng Cứu Thế đang sống chứ không cần một người đã chết. Thứ ba: Khổng Tử cũng có ngày chịu phán xét, chúng tôi cần biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế trước khi là vị thẩm phán".

2. "Nghe tin Người ở đâu, họ bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó và bất cứ ai chạm đến Người thì đều được khỏi" (Mc 6,55-56)

Một cảnh tượng tuyệt đẹp và đầy xúc động, đẹp ở sự chủ động của đám đông, xúc động vì lòng tin vững vàng của họ. Họ đã không đòi hỏi gì hơn là được chạm đến tua áo Người, và mong được chữa khỏi.

Nếu đọc kỹ Tin Mừng chúng ta thấy chẳng một người nào tin tưởng tìm đến với Chúa mà lại phải về tay không. Rất nhiều người đã được những ơn ngoài sự mong ước của họ. Xin kể ra một vài thí dụ điển hình.

- Giakêu người thu thuế, một con người chỉ mong được nhìn thấy Chúa thôi, thế mà Chúa đã đích thân đến tận nhà và Chúa bảo: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ."(Lc 19,9). Thật là ngoài sự mong ước và tưởng tượng của ông.

-  Bathôlômêo một người Pharisêu chính hiệu, đã lén lút tìm đến với Chúa ban đêm và chỉ sau một lần gặp gỡ, ông đã thay đổi hẳn. Trong cuộc xử án Chúa, đang lúc mọi người hăng say yêu cầu kết án thì một mình ông đứng ra bênh vực cho Chúa.

- Đẹp nhất là người trộm lành. Chỉ một lời van xin vậy mà anh đã chiếm được cả Nước Thiên Đàng.

Họa sĩ Holman Hunt đã vẽ một bức tranh rất lạ đời. Ông vẽ Chúa Giêsu đang đứng gõ cửa một ngôi nhà. Điểm khác thường ở đây là cánh cửa đó không có tay cầm và cũng không có ổ khóa, và vì thế cánh cửa đó chỉ có thể mở từ bên trong. Ngụ ý ông muốn nói rằng, cho dù người bên ngoài có muốn vào thì cũng chẳng làm sao mà vào được nếu người ở bên trong không mở cửa cho.

Đám đông dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay thì không như thế.  Họ đã mở toang cánh cửa lòng họ cho Đấng chữa lành, và vì thế họ đã được khỏi bệnh.

June là một em bé 5 tuổi xinh đẹp và lanh lợi. Cha của em là một mục sư. Mẹ em mỗi khi đi đâu, thường cho em theo. Ngày nọ, khi hai mẹ con vào bưu điện, một ông lão thấy em liền hỏi:

- Này bé, ai cho bé mái tóc đẹp thế?

- Chúa cho cháu đó!

Nói xong bé nhìn thẳng vào ông hỏi:

- Thế ông có được Chúa cho gì không? Có được Chúa cứu không?

Ông già kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ đó. Ông thẫn thờ đáp:

- Không, bé ạ!

- Thế thì ông phải đến với Chúa ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông thành một người thật đẹp đẽ!

Nói xong, bé vội chạy theo mẹ. Ít tuần sau, người ta thấy ông tìm đến nhà thờ và xin theo đạo. Ông cho biết lời của em bé luôn ám ảnh trong đầu và ông quyết định theo Chúa.

Lạy Chúa,

Xin ở lại với con,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.

 Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

 Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu đang gần đến.

 Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
để được yêu Chúa nhiều hơn. Amen.


THỨ BA TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 7,1-13

"Thế là các ông lấy truyền thống các ông
đã truyền lại cho nhau mà

huỷ bỏ lời Thiên Chúa."
(Mc 7,13)

Có hai điều Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay

1. Về thói giả hình.

Ngày xưa, Chúa đã phê phán: "Dân này kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta" (Mc 7,6).

Chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng thấy, ngày nay người ta sống giả dối với nhau rất nhiều. Cái gì ngày nay người ta cũng có thể làm giả được. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả. Gần đây chúng ta còn được nghe rất nhiều những thứ giả khác: Bằng giả, chứng chỉ giả, tiến sĩ giả... Những thứ ấy còn đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm quả, hoa, nến, nhang, đèn giả. Mức độ "giả" rất tinh vi nên nhiều khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cả những cái thật, khó mà phân biệt được. Ở đây, Chúa Giêsu mới chỉ nói đến "Giả hình". Ngày nay, còn một thứ giả tệ hơn. Đó là "Giả nhân giả nghĩa"."Giả hình" mà còn đáng trách thì "giả nhân giả nghĩa" còn đáng trách hơn chừng nào.

Sách cổ học tinh hoa có chép một câu chuyện xảy ra tại Hàn Châu. Có một người bán trái cây đã tìm ra được một bí quyết giữ cho cam lâu ngày mà vỏ cam vẫn luôn đỏ hồng. Ông bán với giá rất đắt, thế mà thiên hạ vẫn tranh nhau mua. Có người mua được một trái đem về bóc ra mới vỡ lẽ ra bên trong chỉ là một trái cam thối. Người đó bèn đem trả lại cho người bán và mắng nhiếc thậm tệ.

Người bán cam cũng chẳng có vừa. Ông ta cười nói:

- Tôi làm nghề này đã lâu, tôi bán và người ta mua, không ai than phiền, chỉ có ông mới kêu ca. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng riêng gì tôi, ông thật chẳng chịu nghĩ cho đến nơi đến chốn. Này thử xem có người đeo hộ phú, hùng dũng như một quan võ, kỳ thực không biết người đó có giỏi được như Tôn Tần, Ngô Khởi không? Có người đội mũ cao, đóng đai dài, trông giống như một quan văn, nhưng liệu họ có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao không? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không ăn lương mà không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn cao lương mỹ vị, oai vệ hách dịch vô cùng. Đó bề ngoài chẳng như vàng như ngọc, còn bề trong chẳng như hỏng nát là gì? Tại sao ông không chịu đi xét những hạng người ấy, mà lại đi xét quả cam của tôi.

Chúa Giêsu cũng đã nghiêm trách những thành phần lãnh đạo thời đại của Ngài. Ngài so sánh họ với mồ mả tô vôi, bên ngoài thì sơn phết bóng bẩy, nhưng bên trong chỉ là những xác chết hôi thối.

Lạy Chúa, xin giúp con biết thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật (Ga 4,23). (Epphata)

2. Còn về vấn đề truyền thống của tiền nhân thì Chúa muốn ta phải hiểu thế nào?

Xin đan cử một thí dụ:

Một nhà quí phái kia mở một bữa tiệc để thết đãi khách. Trong số những thực khách được mời tham dự bữa tiệc này có một bác nông dân. Sở dĩ bác nông dân này được mời vì bác là người giàu có trong vùng, lại có lòng tốt. Chính bác đã tặng cho nông dân ở trong vùng một số tiền lớn để xây cất một nhà thương.

Hôm ấy, trên bàn ăn người ta dọn ra món đầu tiên là cua nướng. Ngoài dĩa cua nướng dọn cho mỗi người, người ta còn để ở bên cạnh một ly nước nóng và một lát chanh tươi.

Vì là một nông dân, tính tình chất phác, không lễ nghi khách sáo, đàng khác có lẽ bác nông dân kia cũng đã đói, vì thế sau khi khai mạc bữa tiệc, bác đã cắm đầu cắm cổ ăn một hơi hết món cua nướng.

Ăn cua xong, thấy bên cạnh đó có một ly nước nóng và một lát chanh tươi, tưởng là để cho khách uống, nên bác nông dân vắt chanh vào nước rồi uống một hơi hết sức tự nhiên. Thực ra đây là những thứ để rửa tay, sau khi ăn món cua nướng.

Thấy bác nông dân ăn uống như thế, mọi người chung quanh đều trố mắt nhìn nhau rồi tủm tỉm cười với một sự khinh bỉ. Nhưng riêng với ông chủ nhà, khi thấy bác nông dân kia đã uống như thế, thì ông đã xử sự một cách hết sức khôn khéo. Ông cũng vắt chanh vào ly nước của ông và đưa lên uống, để bác nông dân không bị mất mặt trước những thực khách được mời hôm đó.

Thế là mọi người trong bàn tiệc hôm đó, không ai bảo ai, tất cả đều vắt chanh vào ly nước của mình, rồi bưng lên uống.

Một tập tục đã được bỏ qua. Như vậy, tập tục chỉ có giá trị tương đối. Tất cả những nghi thức bên ngoài chỉ có giá trị đích thực khi chúng hướng về Thiên Chúa, thể hiện được xã hội tính và tinh thần tôn trọng con người. Không vì những mục đích đó thì mọi nghi thức, tập tục, cung cách, chỉ là những sinh hoạt giả dối trống rỗng.


THỨ TƯ TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 7,14-23

"Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người
 lại có thể làm cho con người ra ô uế được;
nhưng chính cái từ con người xuất ra,

là cái làm cho con người ra ô uế."
(Mc 7,15
)

Nói đến cái bên ngoài và cái bên trong thì quả thực có rất nhiều vấn đề để nói.

1. Đúng như là Chúa nói: không phải cái từ bên ngoài có thể làm cho người ta ra ô uế, mà chính là những cái phát xuất từ bên trong, từ lòng của con người như tham lam, tà dâm, giết người, trộm cắp, độc ác, xảo trá, ganh tị...Chính những cái đó mới làm cho con người ra xấu xa ô uế.

Người Tây Phương thường nói: "Tư tưởng của bạn thế nào thì hành động của bạn như vậy."

Một buổi chiều kia, sau trận mưa đầu mùa, cảnh vật tươi mát hẳn lên, thiên nhiên càng thêm hữu tình, hai nhà sư Tandan và Êkinô cùng xuống núi, thong dong tản bộ dọc theo con đường dẫn vào một ngôi đền ở làng quê.

Tới một khúc đường quẹo, hai người gặp một cô gái xinh đẹp trong bộ áo Kimônô sặc sỡ và chiếc khăn quàng bằng lụa óng ả. Cô gái đứng bên vệ đường dáng vẻ băn khoăn vì không thể băng qua khúc đường lầy lội với một trang phục như thế. Nhà sư Tandan liền bảo:

- Đi lối này cô bé!

Rồi không để cô gái kịp xoay xở, Tandan nhanh tay bồng cô gái lên, bế cô gái qua vũng lầy và đặt cô xuống phía bên kia. Cô gái cúi đầu tỏ dấu cám ơn, còn nhà sư thì mỉm cười đáp lễ rồi tiếp tục cuộc đi dạo.

Thế nhưng, kể từ lúc ấy thì Êkinô đổi hẳn thái độ. Anh không thèm nói một lời nào với người bạn nữa. Mãi cho đến khi hai người dừng chân trước một ngôi đền, thì lúc ấy Êkinô mới hậm hực nói với Tandan:

- Chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn bà, nhất là phụ nữ trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm! Sao anh lại dám làm như thế?

Tandan mỉm cười và thản nhiên đáp:

- Tôi đã bỏ nàng ở chỗ vũng lội rồi. Còn anh, sao anh vẫn mang nàng tới tận nơi đây?

Đúng là những cái bên ngoài không làm cho người ta ra ô uế, mà chính là cái phát xuất từ bên trong.

Khổng Tử ngày xưa có dạy các đệ tử của mình một câu, một câu rất vắn gọn nhưng rất xúc tích. Câu ấy như thế này: "Tư vô tà". Cổ nhân ngày xưa cũng thường hay nói đến chữ tâm. Nếu con người có được cái tâm trong sáng thì cuộc sống ắt sẽ tốt đẹp. Còn những kẻ tâm tà thì dù cái mã bên ngoài có tốt đẹp đến đâu đi nữa thì sớm muộn gì rồi cũng bị lộ tẩy.

2. Ngược lại, nhiều khi chúng ta thấy những cái bên ngoài xem ra chẳng ra gì nhưng bên trong lại là một kho vàng vô giá.

Trong mẩu chuyện ngắn với tựa đề Đồng vọng ngược chiều được đăng trong tuyển tập bốn mươi chuyện rất ngắn do hội Nhà văn xuất bản, tác giả Lã Thế Khanh đã kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa hai người mù: một bà lão ăn xin và một bé gái cũng ăn xin.

Bên một đống rác lớn, bà lão van vỉ xin khách qua đường giúp đỡ nhưng không có một hồi âm nào ngoài tiếng vo ve của mấy con nhặng xanh đang tranh ăn trên một chiếc lá bánh. Bà lão vẫn tiếp tục van vỉ điệp khúc cũ, nhưng càng về sau càng thống thiết, những câu nói rời rạc như rãi chảy ra từ khuôn miệng dúm dó, xệch xạc của bà.

Trong khi đó, tại một gốc cây sếu già, một bé gái ăn xin mù lòa đang thiu thiu ngủ. Nó gối đầu trên một cái túi khâu bằng nhiều loại vải cũ, một cái bát sắt hoen rỉ thủng đáy nằm lăn lóc bên cạnh. Từ sáng sớm đến giờ chưa có gì trong bụng, nên cô bé đói rũ người. Nó hy vọng giấc ngủ sẽ xua tan cái đói. Nhưng cô bé bỗng giật thót người: có một bàn chân nào đó dẫm lên người nó. Đang lúc đói mệt, cô bé gầm lên:

- Mù à, người ta nằm đó mà dẫm lên?

Bà lão ăn xin lại van vỉ:

- Bà mù, bà mù thật cháu à. Thôi bà đã trót, cho bà xin.

Lặng đi một lát, cô bé đưa hai tay sờ mặt mình, từ hai hốc mắt của nó những giọt nước mắt mặn chát chảy ra, nó ngập ngừng:

- Cháu... Cháu xin lỗi bà, cháu không biết bà như thế.

Bà lão ngúc ngoắc đầu như thể chấp nhận, rồi tiếp tục đi về phía có đông người. Ngẫm nghĩ điều gì đó, cô bé lấy trong túi áo ra tờ giấy bạc hai trăm đồng mất góc, và nói một cách lễ phép:

- Bà ơi! Cháu biếu bà này!

Một làn gió thổi mạnh. Những chiếc lá từ trên cây rụng xuống rơi vào nón, làm bà lão tưởng là cô gái lừa dối mình, còn cô gái thì chờ mãi mà vẫn không thấy bà lão nhận tiền.

Nếu xét về cái vẻ bên ngoài thì hai nhân vật trong câu chuyện này chẳng có gì đáng nói. Hay nếu có phải nói trắng ra thì bên ngoài...rất bẩn, rất dơ. Thế nhưng, bên trong như thế nào thì tôi tưởng mọi người chúng ta đều thấy. Không thấy được bằng con mắt thịt nhưng thấy được bằng cái tâm của con người.


THỨ NĂM TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 7,24-30

 Người nói với bà: "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi,
quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi."
(Mc 7,29)

1. Chúa Giêsu chữa bệnh cho người con gái của một phụ nữ Phenisi:

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa Giêsu là người không thích phô trương, cũng không thích người ta theo Ngài vì những phép lạ. Ngài chỉ muốn âm thầm kín đáo gieo đức tin vào trong lòng người ta, và khi người ta đã tin thì người ta sẽ theo Ngài cách trung thành hơn. "Ngài vào nhà nọ, không muốn cho ai biết" (Mc 7,24).

Chúa sống như vậy. Còn chúng ta thì sao?

Hãy tập cho mình biết sống âm thầm như Chúa.

Newton, một nhà vật lý học và thiên văn học trứ danh, sau những thành công hiển hách của sự tìm tòi, ông đã viết:

- Không biết thế giới nghĩ về công việc của tôi như thế nào, nhưng tôi, trong tất cả các sự tìm tòi của tôi về khoa học, tôi chỉ như một đứa trẻ con chơi ngoài bãi biển. Có lẽ, đôi khi cũng đã tìm được những hạt sỏi tròn hơn, những vỏ hến đẹp hơn những cái bạn tôi tìm, nhưng biển mênh mông của chân lý, dưới con mắt tôi vẫn còn mầu nhiệm quá.

Văn sĩ Walter Scott người Anh đã nói một cách rất nhũn nhặn, sau bao nhiêu năm làm việc chuyên cần:

-Trong đời sống của tôi, cái dốt đã ngăn tôi lại và dày vò tôi. Người ta càng biết nhiều bao nhiêu thì lại càng phải khiêm nhường bấy nhiêu, người ta càng học nhiều thì lại càng tự thấy mình còn dốt.

Socrate đã nói rất có lý:

- Bậc hiểu biết cao nhất của con người là biết được rằng mình chưa biết gì cả.

Và Sénèque cũng đã viết:

- Đừng tưởng mình là khôn ngoan, mới là khôn.

Ở Hungary có câu châm ngôn rất đúng:

- Nếu anh thông minh, anh đừng khoe khoang.

Người ta thường nói: gà cục tác nhiều thì đẻ trứng ít.

Một hôm, Alcibiade khoe với Socrate là thầy dạy mình về những lãnh thổ mênh mông của ông chung quanh vùng Athènes. Socrate liền mở bản đồ ra hỏi:

- Hãy chỉ cho tôi biết Á Đông ở đâu?

Alcibiade chỉ đúng cái lục địa rộng lớn ấy.

- Đúng! bây giờ chỉ cho tôi biết Hy Lạp ở đâu?

Alcibiade vẫn chỉ đúng.

- Đâu là Péloponèse, Socrate vẫn hỏi.

Alcibiade cố gắng mãi mới tìm thấy cái chấm nhỏ trong bản đồ.

-Vịnh Attique ở đâu?

Alcibiade thấy vịnh Attique là một cái chấm nhỏ quá gần như không trông thấy, Socrate kết luận:

- Đó, bây giờ hãy cho tôi biết phần đất rộng lớn của anh chỗ nào!

Alcibiade nhận ra lãnh thổ của mình không đáng một phần nhỏ nào trong bản đồ.

Như vậy, chúng ta thấy cuộc sống của mỗi người đâu có gì đáng tự hào mà phải khoe khoang, phô trương.

2. Người đàn bà trong câu chuyện hôm nay là tấm gương cho chúng ta về vấn đề này. Đối với Chúa quả là bà ta chẳng là gì. Chúng ta hãy xem cách bà đối thoại với Chúa, chúng ta sẽ thấy điều đó:

Trước hết, chúng ta thấy bà là một người rất khiêm tốn: chịu nhận làm "chó con"

Thứ đến, bà có một đức tin kiên trì: dù bị khước từ ngay lúc đầu bằng những lời rất nặng nề nhưng bà vẫn không nản lòng. Lòng tin của bà không hề lay chuyển.

Và cuối cùng, bà có một lòng phó thác mạnh mẽ nơi Chúa: Chúa Giêsu bảo bà "Cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi"(Mc 7,29). Dù chưa thấy hiệu quả trước mắt, nhưng vì tin Lời Chúa nên bà ra về.

Trong cuộc đối thoại thú vị này, người phụ nữ đã dành được phần thắng: con gái của bà đã được khỏi bệnh, và Chúa Giêsu cũng được lợi: vì đã giúp được một người thoát khỏi cảnh khốn cùng.

Đây quả là một cuộc đối thoại thành công mà bí quyết thuộc về cả hai phía: Người đàn bà thì khiêm tốn với ý chí và đức tin mạnh mẽ, không có một chút phô trương tự mãn nào nơi người bà, còn Chúa Giêsu thì hiền hòa, linh hoạt trong cách làm việc. Kết quả quá đẹp. Đẹp cả cho Chúa và đẹp cả cho người đàn bà.

Phần chúng ta không biết cho đến bao giờ chúng ta mới học được sự khiêm nhường của người đàn bà này và không biết đến bao giờ chúng ta mới học được sự hiền hòa như Chúa Giêsu trong câu chuyện chúng ta vừa được nghe.

Thánh nữ Syncletica nói: "Bảo tàng sẽ mất giá trị khi bị phơi bày, nhân đức khi phô trương cũng tan biến như vậy; sáp tan chảy lúc để gần lửa thế nào, thì linh hồn cũng bị hư hoại vì lời ca tụng và mất hết mọi thành quả lao nhọc của mình như vậy".

Xem ra có vẻ rất khó nhưng nếu chúng ta biết cậy dựa vào ơn của Chúa tôi tưởng chúng ta có thể làm được.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của Thập Giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng
chúng con không thể nên hoàn thiện
nếu như không biết từ bỏ chính mình
và những ước muốn ích kỷ.

Xin làm cho chúng con biết trở nên giống Chúa mỗi ngày. Amen.


THỨ SÁU TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 7,31-37

"Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả:
ông làm cho kẻ điếc nghe được,

và kẻ câm nói được."
(Mc 7,37)

Có hai điều đáng cho chúng ta để ý suy nghĩ trong bài Tin Mừng hôm nay.

1. Trước hết là vấn đề biết ngạc nhiên trong cuộc sống

Tin Mừng ghi lại thái độ của dân chúng khi thấy Chúa làm phép lạ cho người câm điếc được khỏi như thế này: "Họ hết sức kinh ngạc" (Mc 7,37).

Vâng! Biết kinh ngạc hay ngạc nhiên trong cuộc sống là dấu chỉ của một con người có đời sống nội tâm tốt. Họ sống với một tâm hồn phong phú.

Trước phép lạ Chúa Giêsu làm, dân chúng hết sức ngạc nhiên còn người Pharisêu và các luật sĩ chẳng những không biết ngạc nhiên, mà lại còn tìm cách chế giễu Chúa. Họ cho là Chúa đã lấy quyền quỷ vương mà trừ quỷ con.

Sự độc ác trong tâm hồn đã đánh mất sự nhạy bén về những gì tốt lành chung quanh họ.

Tâm hồn họ đã bị vẩn đục không còn trong trắng như tâm hồn của một đứa trẻ. Chúng ta thấy một bé có tâm hồn trong trắng là một con người luôn biết ngạc nhiên với những gì xảy ra chung quanh cuộc sống. Bé luôn hỏi mẹ:  Tại sao thế? Tại sao con chó lại sủa? Vì nó giữ nhà. Tại sao con mèo lại kêu meo meo? Vì nó muốn làm cho con chuột sợ. Tại sao con chuột lại sợ con mèo? Và đủ thứ tại sao, nhiều khi làm cho bà mẹ phải lúng túng trước sự ngạc nhiên vì những câu hỏi của bé: hỏi gì mà hỏi lắm thế!

Biết ngạc nhiên là một phẩm chất của tâm hồn đơn sơ và Chúa rất thích những tâm hồn đơn sơ. "Nước Trời chỉ định cho những ai có tâm hồn đơn sơ như trẻ nhỏ"(Lc 18,17).

2. Sau thái độ ngạc nhiên, dân chúng còn đưa ra một nhận xét rất đẹp về cuộc sống của Chúa Giêsu: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả" (Mc 7,37).

"Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả". Một nhận xét tự phát, một nhận xét về cuộc sống của Chúa thật chân thành, không khách sáo. 

Chúa làm việc gì cũng tốt đẹp cả. Lý do vì tất cả những gì Chúa làm, việc nào cũng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người. Ngoại trừ những người chống lại Chúa vì sợ quyền lợi của mình bị thiệt thòi còn tất cả những ai có lòng chân thành tìm đến với Chúa đều cảm thấy Chúa thật tốt lành: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả"(Mc 7,37). 

Phần chúng ta thì sao? Chúng ta có được người ta nhận xét về chúng ta giống như ngày xưa người ta đã nhận xét về Chúa không? Hãy cẩn thận với những gì chúng ta làm cho người khác hôm nay. Đây là những vần thơ tôi đọc được từ Internet:

Nếu bạn gieo thành thật, bạn sẽ gặt lòng tin.

Nếu bạn gieo lòng tốt, bạn sẽ gặt được thân thiện.

Nếu bạn gieo khiêm tốn, bạn sẽ gặt cao thượng.

Nếu bạn gieo kiên nhẫn, bạn sẽ gặt chiến thắng.

Nếu bạn gieo cân nhắc, bạn sẽ gặt hòa thuận.

Nếu bạn gieo chăm chỉ, bạn sẽ gặt thành công.

Nếu bạn gieo tha thứ, bạn sẽ gặt hòa giải.

Nếu bạn gieo cởi mở, bạn sẽ gặt thân mật.

Nếu bạn gieo chịu đựng, bạn sẽ gặt cộng tác.

Nếu bạn gieo niềm tin, bạn sẽ gặt phép mầu.

Nhưng

Nếu bạn gieo dối trá, bạn sẽ gặt ngờ vực.

Nếu bạn gieo ích kỷ, bạn sẽ gặt cô đơn.

Nếu bạn gieo kiêu hãnh, bạn sẽ gặt hủy diệt.

Nếu bạn gieo đố kỵ, bạn sẽ gặt phiền muộn.

Nếu bạn gieo lười biếng, bạn sẽ gặt mụ mẫm.

Nếu bạn gieo cay đắng, bạn sẽ gặt cô lập.

Nếu bạn gieo tham lam, bạn sẽ gặt tổn hại.

Nếu bạn gieo tầm phào, bạn sẽ gặt kẻ thù.

Nếu bạn gieo lo lắng, bạn sẽ gặt âu lo.

Nếu bạn gieo tội lỗi, bạn sẽ gặt tội lỗi.

Vì vậy hãy cẩn thận với những gì bạn gieo hôm nay, nó sẽ quyết định những gì bạn gặt vào ngày mai.

Thánh Pacôme, khi còn ngoại đạo, đã tự hiến mình trong đạo binh của hoàng gia. Một ngày kia, các binh sĩ trong đơn vị của ngài gặp phải hoàn cảnh cực kỳ đói khát sau khi phải đi bộ qua sa mạc dưới cái nắng chết người. Khi ngài và các binh sĩ vào thành Thèbes ở Ai Cập thì có nhiều người chạy lại bên họ, cho họ ăn và uống, cùng chăm sóc họ chu đáo, tận tình. Pacôme rất ngạc nhiên trước những sự chăm sóc bất ngờ và bất thường này. Pacôme cho tra hỏi xem những người tốt lành này là ai?  Thì người ta trả lời Ngài: "Đó là những người Kitô hữu".

Ngài bèn la lên: "Một tôn giáo dạy người ta cứu giúp những kẻ khốn khổ hoàn toàn xa lạ với mình là một tôn giáo chỉ có thể đến được từ vị Chúa chân thật!"

Sau biến cố này, Pacôme đã giã từ binh nghiệp và trở lại đạo Công giáo.  Ngài trở thành một vị sáng lập các đan viện vĩ đại và một vị thánh lừng danh.

Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.

đừng khép lại trên chính mình,
nhưng quảng đại như Chúa.
Xin cho con biết vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
 và mọi trả thù ti tiện.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con. (Rabboni)


THỨ BẢY TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 8,1-10

 "Thầy chạnh lòng thương đám đông,
vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi
mà không có gì ăn!"
(Mc 8,2)

Theo Tin Mừng thánh Marcô và thánh Matthêô, thì có tới hai phép lạ hóa bánh ra nhiều, một xảy ra ở vùng đất Do Thái, một xảy ra ở vùng đất lương dân. Phép lạ "lần thứ hai" này xảy ra ở vùng đất lương dân.

1. Thấy dân chúng đói khát, Chúa Giêsu động lòng thương. Chúa thương dân của Người. Đây là một sự thật hết sức cảm động trong Tin Mừng.

Đã ba ngày họ theo Chúa mà quên cả ăn uống, thật là đáng phục; đáng phục vì họ ham nghe Lời Chúa giảng dạy đến quên cả ăn uống như vậy. Đáng phục hơn vì họ biết coi trọng đời sống tinh thần hơn cả đời sống vật chất. Đáng phục hơn nữa vì họ mê theo Chúa mà quên hết mọi sự.

Ngày nay, có nhiều người ở các nước Phương Tây, mỗi năm họ bỏ ra ít nhất một tuần để đến các tu viện xin tĩnh tâm; trong số đó có cả những người khác đạo và thậm chí còn có cả những người không có đạo nữa. Điều đó chứng tỏ cho chúng ta thấy, con người ngày nay đã bắt đầu cảm thấy đời sống tinh thần có một vị trí rất quan trọng trong cuộc sống của con người.

Ở Việt Nam của chúng ta thì chưa được như vậy. Có nhiều người ngày nay vẫn còn quá coi trọng vật chất mà quên cả Chúa. Thật đáng tiếc hơn là đáng phục. 

2. Chúa Giêsu làm phép bánh xong, Ngài không đích thân phân phát mà trao cho các môn đệ để các ông phân phát. Nghĩa là tuy Chúa có thể ban bánh cho lương dân, nhưng Ngài muốn chúng ta góp phần mình vào đó.

Một người lạ mặt đến gõ cửa nhà một bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng bà góa này cho biết, trong nhà bà không có gì để ăn cả.

Người lạ mặt nói:

- Không sao, tôi có mang theo một hòn đá. Hòn đá này có thể biến nước lã thành một thứ cháo tuyệt vời. Vậy xin bà hãy cho tôi mượn một cái nồi lớn.

Thấy người lạ mặt nói có vẻ thành thật, bà góa kia đi lấy một cái nồi lớn, bắc lên bếp, rồi đổ nước đầy nồi. Nhóm bếp lên để nấu nồi nước xong, bà chạy qua các nhà hàng xóm báo cho họ biết về hòn đá lạ lùng của người lạ mặt đang ở nhà bà. Thế là người này truyền miệng người kia. Một lát sau, người ta kéo đầy đến nhà bà…đông quá đến nỗi không còn chỗ chứa. Trước những đôi mắt mở to vì tò mò, người lạ mặt lấy ra từ trong bị của ông một hòn đá, rồi trịnh trọng bỏ vào nồi nước lúc này đang sôi. Ông ta lấy chiếc đũa giá lớn, quậy nồi nước lên. Một lát sau, ông lấy một muỗm nhỏ, múc nước ở trong nồi, đưa lên miệng thổi cho nguội đi rồi nếm, vừa nếm ông vừa hít hà nói:

- Thật là tuyệt vời. Nhưng nếu giá có thêm một ít khoai bỏ vào nữa, thì còn tuyệt hơn nhiều.

Nghe người lạ mặt nói thế, một người đàn bà có mặt lên tiếng:

- Nhà tôi có khoai.

Nói xong, bà vội chạy về nhà, đem đến một rổ khoai. Người lạ mặt cho những miếng khoai đã được gọt rửa, rồi xắt nhỏ, bỏ vào nồi cháo. Ông ngồi đó để quậy nồi cháo.

Một lát sau, ông lại lấy muỗm múc ra để nếm thử, rồi nói:

- Tuyệt lắm rồi. Nhưng giá có thêm một chút thịt thì ngon hơn nhiều.

Nghe nói thế, một bà có mặt ở đó, nhà làm thịt heo, chạy về nhà lấy ngay mấy miếng xương và mấy miếng thịt heo chưa bán hết đem tới.

Người lạ mặt bỏ những miếng xương và mấy miếng thịt kia vào nồi, rồi lại ngồi đó quậy nồi cháo một hồi lâu.

Trước những con mắt chờ đợi để xem sự lạ, người lạ mặt lại múc cháo nếm thử, rồi nói:

- Bây giờ thì chúng ta có thể thưởng thức nồi cháo này được rồi. Nhưng giá có thêm một ít hành ngò và một chút tiêu nữa thì tuyệt hảo.

Thế rồi người ta cũng đã đem hành, ngò và tiêu đến. Sau khi đã bỏ những thứ này vào nồi cháo, người lạ mặt bảo bà góa chủ nhà:

- Hãy lấy bát múc cho mọi người ăn thử.

Trong khi mọi người đang vui vẻ nếm thử cháo đá, thì người lạ mặt đã lẻn đi mất. Vậy là nhờ mỗi người góp một tí mà hôm đó mọi người đã có một món cháo ngon lạ lùng.

Với quyền phép của Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể từ không làm ra bánh và cá để cho dân chúng ăn. Thế nhưng, Ngài đã không muốn làm như thế, mà Ngài đã dùng mấy chiếc bánh và mấy con cá có sẵn của con người.

Nhiều nhà chú giải còn gọi phép lạ bánh hóa nhiều là phép lạ của tình thương. Vì thế mà phép lạ bánh hóa nhiều được coi như là hình ảnh của Bí tích Thánh Thể là Bí Tích Tình yêu. Vì yêu thương mà Chúa đã lấy thịt máu mình để nuôi con người.

Xin Chúa cho chúng ta biết quảng đại chia sẻ với những anh chị em chúng ta để qua đó chúng ta được xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

Niềm vui biết chia sẻ là niềm vui được nhân gấp đôi và của cải được chia sẻ là của cải còn mãi.

Top