Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần IV Mùa Chay

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần IV Mùa Chay

THỨ HAI TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga 4,43-54

“Đức Giêsu bảo: ‘Ông cứ về đi, con ông sống.’
 Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình,
và ra về."
(Ga 4,50)

1. Theo Thánh Gioan, trong Tin Mừng của Ngài thì tin có hai cấp độ: tin vì thấy và tin vì nghe. Chúa Giêsu muốn người ta tin ở mức độ thứ hai.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, lúc đầu Chúa cũng nói “Nếu các ông không thấy các phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. (Ga 4,48)

Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao mình không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế là ông ta lấy hết sức lực la thật lớn:

- Lạy Chúa.

Tuy nhiên, bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn:

- Lạy Chúa, nếu quả thật có Chúa, xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa nữa.

Sau một hồi lặng thinh, bỗng người vô thần nghe thấy một tiếng vang, vang dậy cả vực thẳm và núi cao:

- Gặp hoạn nạn thì ai mà chẳng cầu xin như thế.

- Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con bắt đầu tin từ khi nghe thấy tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất.

Tiếng ấy trả lời:

- Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra đi.

Người vô thần thất vọng hô lên: “Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao?” (Trích “Món Quà Giáng Sinh”).

2. Một câu thường được lập đi lập lại trong Tin Mừng Gioan, đó là “tin để sống”. Chúa Giêsu thường kêu gọi người ta tin, bởi vì Ngài muốn cho người ta sống. Ngài đến để cho người ta sống và sống dồi dào.

Một vị Linh mục được mời đến bên giường của một cụ già đang hấp hối.

Khi vị linh mục sắp sửa ngồi xuống trên chiếc ghế bành đặt cạnh giường của cụ, thì cụ già ngăn cản lại:

- Xin cha vui lòng đừng ngồi vào đó!

Vị linh mục bèn lấy một cái ghế đẩu, ngồi xuống cho kẻ liệt xưng tội và nhận của ăn đàng.

Sau đó cụ già cố gắng lấy lại một chút hơi hụt sức tàn và nói:

- Hãy để con kể lại lịch sử chiếc ghế bành này cho cha nghe. Cách đây 50 năm, khi con còn là một thanh niên, vị linh mục quản xứ của con có lần hỏi con có thuộc các kinh để cầu nguyện không. Con đáp: “Không, nếu con hét to đến nỗi có thể bể cả buồng phổi thì một kẻ đứng ở tầng lầu 3 cũng không nghe con được, vậy thì làm sao Thiên Chúa có thể nghe con từ Trời được?"

Cha trả lời cách nhẹ nhàng:

- Con đừng thử cố gắng cầu nguyện. Mỗi sáng con hãy ngồi tự nhiên trên một cái ghế bành và hãy tưởng tượng như Đức Giêsu Kitô đang ngồi đối diện với con trên một cái ghế bành khác như Ngài đã từng ngồi trong bao căn nhà ở Palestine… lúc đó con sẽ nói gì với Ngài?

Con trả lời:

- Con sẽ nói thẳng rằng, con không tin Ngài.

- Được, vị linh mục già trả lời, ắt là điều đó đã nói lên một cái gì đang có thật trong trí của con rồi. Con có thể đi xa hơn nữa và thách thức nhiều hơn nữa! Nếu Ngài hiện hữu thì tại sao lại không minh chứng điều đó cho con? Hoặc là nếu con không thích cách Thiên Chúa quản trị thế giới, tại sao con không nói với Ngài điều này? Con không phải là người đầu tiên than trách Ngài đâu. Vua Đavit và ông Gióp đã có lần nói với Chúa là Ngài bất công rồi. Có thể con ao ước cái gì? Con cứ nói lên điều đó. Nếu Ngài ban cho con, con cám ơn Ngài. Tất cả những trao đổi này là đối tượng của lời cầu nguyện. Con đừng đọc thuộc lòng một cách máy móc những câu kinh như nhiều người vẫn làm! Hãy nói những gì thực sự của lòng con.

 Cụ già hấp hối nói tiếp:

- Lúc đó, quả thực con không tin vào Đức Kitô, nhưng con tin vào vị linh mục già kia. Để làm hài lòng ngài, con đã ngồi trên một cái ghế bành này và làm như thấy Đức Kitô đang ngồi đối diện với con. Trong vài ngày đầu, điều đó có vẻ như trò chơi. Nhưng dần dần con cảm thấy Ngài ở đó. Con nói với Ngài về những chuyện hiện thực. Con xin Ngài một lời khuyên và con nhận được. Cầu nguyện đã trở thành đối thoại. 50 năm trôi qua và mỗi ngày con nói chuyện với Đức Kitô ngồi trong chiếc ghế bành này!

 Vị linh mục còn ở đó cho đến khi cụ già này thở hơi cuối cùng, và cử chỉ sau hết của cụ là đưa bàn tay hướng người bạn vô hình đang ngồi trên chiếc ghế bành trước mặt.

Vâng, tin là như thế! Phúc cho những ai không thấy mà tin. Không thấy nhưng vẫn tin. Đó mới là đức tin Chúa mong muốn nơi mỗi người chúng ta.


THỨ BA TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga 5,1-3a.5-16

 "Đức Giêsu bảo:
‘Anh hãy chỗi dậy, vác chõng mà đi’
 Người ấy liền được khỏi bệnh,

vác chõng và đi được.”
(Ga 5,9)

1. Chúa Giêsu thường “la cà” ở những nơi có những người khốn khổ, để chia sẻ, an ủi, giúp đỡ và nếu họ tin thì cứu chữa họ. Bởi vì Ngài chính là sự cứu rỗi.

Người bất toại nằm chờ bên bờ hồ Bethsaiđa đã 38 năm nhưng chẳng tìm được cơ hội nào xuống hồ để được khỏi bệnh. Vậy mà Chúa Giêsu chỉ cần nói một câu “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về” (Ga 5,8). Anh tin Lời Chúa đứng dậy… tức khắc anh khỏi bệnh.

Như vậy, chúng ta thấy, khi con người có niềm tin và có thiện chí thì Chúa sẽ giúp đỡ.

Las Dasir là một thanh niên rất tốt. Thế nhưng, anh thấy mình quá yếu đuối trước những cơn cám dỗ. Mặc dầu đã hết sức cố gắng nhưng anh vẫn sa ngã. Anh đã dốc lòng chừa cũng cả trăm lần rồi thế mà anh vẫn cảm thấy như bất lực. Nhiều lúc anh cảm thấy như hoàn toàn tuyệt vọng. Để chứng tỏ cho mọi người biết anh là một người có thiện chí, anh đã tự quyết định ra hình phạt cho mình: cứ mỗi lần phạm tội, anh sẽ nhổ đi mười sợi tóc trên đầu. Và chừng nào trên đầu không còn tóc nữa, thì hình phạt cuối cùng sẽ là tự kết thúc cuộc đời. Chỉ một tháng sau, đầu của Dasir đã gần như bị trọc, và anh tự hứa với mình sẽ nhất quyết thi hành hình phạt, rồi sau một tháng nữa thì đầu của anh hoàn toàn bị trọc không còn một sợi tóc nào nữa.

Nhìn vào gương, thấy không còn sợi tóc nào trên đầu, Dasir tuyệt vọng nói thầm: “Ngày kết thúc cuộc đời tôi đã đến, tôi không còn cách nào hơn để giữ mình cho khỏi sa ngã phạm tội. Tốt hơn là phải tự kết liễu cuộc đời của tôi”. Nói là làm. Anh đưa tay vào ngăn kéo rút khẩu súng lục đã để sẵn trong đó ra để chuẩn bị kết thúc cuộc đời của mình. Thế nhưng, khi vừa đưa súng lên, kê nòng vào đúng thái dương và định bóp cò thì thình lình anh thấy một thiên thần hiện ra. Sự xuất hiện của thiên thần làm cho anh phải bỏ súng xuống. Thiên thần trao cho anh một gói quà và nói:

- Las Dasir này, đừng kết liễu đời mình như vậy. Thiên Chúa sai tôi đến đem cho anh món quà này. Anh hãy mở ra xem đi.

Anh cầm lấy, mở ra và vô cùng ngạc nhiên khi nhìn vào những gì đặt ở trong chiếc hộp: đó là một bộ tóc giả. Nhìn bộ tóc giả đó anh đã hiểu ngay được ý của Thiên Chúa muốn cho anh phải làm gì.

2. Vâng! Có những lúc con người tưởng chừng như cuộc đời của mình là con đường cụt không tìm được lối ra. Điều quan trọng là con người còn có lòng tin hay không. Nếu còn có đức tin thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Còn không có đức tin thì lúc đó mới đúng là ngõ cụt.

Tạp chí Tiếng Vang Lộ-Đức (Écho de Lourdes) thuật lại một câu chuyện có thật như sau:

Một người vô thần nọ có đứa con gái yêu quý bị bệnh bại liệt mà các bác sĩ đều đã bó tay, không tài nào cứu chữa được nữa. Ông nghe những người quen biết đồn rằng, Đức Mẹ ở Lộ-Đức nước Pháp, có thể chữa lành cho cô bé.

Cuối cùng, thì ông cũng đã chấp nhận đưa con gái đến Lộ-Đức, nhưng không quên tuyên bố với những người bạn cả Công giáo lẫn vô thần rằng: “Nếu tôi thấy con gái tôi được chữa khỏi, nếu tôi thấy tỏ tường nó chỗi dậy và đi lại được, tôi sẽ tin rằng, Thiên Chúa hiện hữu”.

Khi đến Lộ-Đức, ông chen vào giữa đám đông những bệnh nhân đang vây quanh chiếc giếng mà Đức Mẹ thường làm phép lạ và đưa con gái lại gần đó. Khi gặp được cha Bailly, một Linh Mục thường trực phụ trách tại địa điểm hành hương ở đây, ông đã nói với cha về tất cả những nỗi niềm còn bán tín bán nghi của ông và những gì mà người ta đồn đại về phép lạ.

Rồi đúng lúc em bé được đưa xuống chiếc giếng cạn để nhúng ướt toàn thân trong nước, cha Bailly đã lớn tiếng nói với mọi người đang có mặt:

- Có ai trong các vị hiện diện ở đây bằng lòng tận hiến chính mình làm hy tế cho Thiên Chúa nhân lành để cầu nguyện cho một người vô thần không? Có ai không? Chỉ cần một người thôi, bằng lòng cam chịu cơn bệnh nan y cho tới chết để cho cô bé này được lành và để cho người cha vô thần này được trở lại đạo. Có ai không?

Mọi người yên lặng... Mấy phút trôi qua... Chợt có một nữ bệnh nhân trung niên chống nạng hai bên nách, khó nhọc lắm mới bước ra khỏi được đám đông rồi nói nhỏ nhẹ thật khiêm tốn:

- Vâng, có con, con xin tự nguyện!

Ngay lúc ấy, cô bé bệnh tật liền được khỏi và tự mình bước ra khỏi miệng giếng. Người cha vô thần vội quỳ xụp xuống và bằng một giọng thổn thức đầy cảm xúc ông đã thốt lên:

- Lạy Chúa, xin Chúa tha tội cho con, con tin rồi!

Một đức tin nhỏ sẽ đưa linh hồn bạn vào Thiên Đàng, một đức tin lớn sẽ đưa Thiên Đàng vào linh hồn bạn (H.Spurgeon).


THỨ TƯ TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga 5,17-30

“Nhưng Đức Giêsu đáp lại:
Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc,

thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5,17)

Chúng ta vừa nghe những lời rất thẳng thắn, rõ ràng, không úp mở của Chúa Giêsu: “Cho đến nay, cha Tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

1. Vâng! Thiên Chúa luôn làm việc vì yêu thương.

Vâng! Nếu trái tim không bao giờ ngừng đập, thì tình thương cũng không bao giờ nghỉ ngơi. Thiên Chúa luôn làm việc.

Ngoài công việc sáng tạo, Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục làm việc qua sự quan phòng an bài kỳ diệu của Người nơi vạn vật.

Philô nói: “Thiên Chúa chẳng bao giờ ngưng làm việc, vì như đặc tính của lửa là cháy, đặc tính của tuyết là lạnh, thì đặc tính của Thiên Chúa là làm việc”.

Sách Giáo Lý chung nói: "Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, hành động theo một ý chí con người, yêu mến bằng quả tim con người. (GS 22,2).

Sách Gương phúc nói: "Bạn sinh ra để làm việc, sao bạn lại tìm an nghỉ? Người ta hỏi họa sĩ Zeuxis tại sao ông ta vẽ những nét rất tỉ mỉ trên những bức họa của ông, ông trả lời: “Vì tôi làm việc để lại cho trường cửu”. Vậy hỡi bạn, bạn cũng phải làm việc cho trường cửu. Một công việc như thế chẳng lẽ không được trả bằng một giá rất đắt sao?"

2. Thiên Chúa làm việc để sáng tạo và cứu rỗi.

Theo truyện tích về công việc sáng tạo trời đất thì quả thật Thiên Chúa có nghỉ ngày thứ bảy, nhưng nghỉ làm công việc sáng tạo không có nghĩa là nghỉ những công việc khác nhất là những công việc vì yêu thương.

Chúng ta cũng phải làm việc thì mới giống Chúa. Vì làm việc là góp phần vào việc kiện toàn những công việc còn đang dang dở trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Một hoàng đế nọ cỡi ngựa vào rừng săn bắn. Khi đi ngang qua ngọn đồi gần bìa rừng, ông trông thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đang cặm cụi đào lỗ trồng cây, Hoàng đế liền thắng ngựa và lớn tiếng bảo cụ già:

- Chắc hẳn là ngươi không mong đợi được ăn trái của cây ngươi đang trồng hôm nay chứ!

Cụ già thản nhiên đáp:

- Hạ thần không bao giờ thất vọng về điều đó; bao lâu hạ thần còn được Thượng Đế ban cho sinh lực, bấy lâu vẫn tiếp tục hy vọng và chu toàn bổn phận của hạ thần.

Hoàng đế tò mò hỏi thêm:

-Thế ngươi năm nay bao nhiêu tuổi?

Cụ già đáp:

-Tâu Hoàng Thượng, năm nay hạ thần vừa tròn một trăm tuổi, biết đâu Thượng Đế còn cho hạ thần sống thêm một ít năm nữa để hưởng dùng trái cây này. Dù sao, mỗi khi trồng cây, hạ thần không làm gì hơn là tiếp tục công trình sáng tạo của Thượng Đế, Đấng đã truyền cho trái đất trổ sinh hoa trái phong phú.

Thán phục lòng tin của cụ già chất phác đơn thành, hoàng đế nói tiếp:

- Nếu ngươi còn thọ tới ngày cây vả này trổ hoa kết trái, ngươi hãy cho ta biết.

Ít năm sau, quả thực cây vả đã bắt đầu nở hoa, rồi kết trái đầy cành. Đợi tới ngày trái vả chín ngọt, cụ già hái đầy một giỏ, rồi lên đường tới đền vua. Tới cổng, lính canh từ chối không cho cụ già nghèo hèn vào chầu, nhưng cụ già nài nỉ phân trần đầu đuôi câu chuyện, và rồi vì kính nể tuổi già tóc bạc, sau cùng mấy anh lính tháp tùng cụ già vào triều yết vua. Cụ già khiêm tốn cúi mình trước ngai vua và nói:

- Tâu Hoàng Thượng, hạ thần là ông già khom lưng trồng cây bên bìa rừng mà Hoàng Thượng đã gặp mấy năm trước đây. Hôm nay, hạ thần xin kính dâng Hoàng Thượng những trái chín ngọt đầu mùa của cây vả mà hạ thần đã trồng hồi năm ấy.

Nhà vua vui mừng nhận ra cụ già và rất hài lòng với món quà cụ kính dâng, nhất là với lòng trung tín và sự cần cù của cụ. Ngài vui vẻ đổi lại cho cụ già cái giỏ đầy những đồng tiền vàng và nói:

- Hỡi người trung tín và đáng kính phục, hãy trở về nhà bình an và tiếp tục cộng tác với Thượng Đế toàn năng trong cuộc sáng tạo của Người.

Lạy Chúa Giêsu,
con thường thấy mình không có thì giờ,
nhưng đồng thời cũng thấy mình lãng phí bao thời gian quý báu.
Nhiều khi con tự hỏi mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày.

Xin cho con biết quý trọng từng giây phút
đang trôi qua mà con không sao giữ lại được.
Chúa đã trao cho con nén bạc thời gian, để con sinh lợi tối đa theo ý Chúa.
Xin cho con luôn làm việc như Chúa: hăng say, tận tụy và vui tươi,
vâng phục, có phương pháp và đầy sáng tạo.

Vì quá khứ thì đã qua, và tương lai thì chưa đến,
nên xin dạy con biết trân trọng giây phút hiện tại.
Xin cho con thấy Chúa lúc này đang ở đây bên con,
và đang mời gọi con đáp lại tiếng của Ngài
bằng những hành động cụ thể.

Con xin hiến dâng Chúa giây phút này như một hy lễ,
với tất cả những bất ngờ, đớn đau, thách đố.
Ước gì con dám sống hết mình giây phút hiện tại
để hiện tại đưa con vào vĩnh cửu của Chúa. Amen


THỨ NĂM TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga 5,31-47

 “Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết:
lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật."

(Ga 5,32)

1. Bài Tin Mừng vừa nghe cho chúng ta thấy, giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái đang có những hiểu lầm về nhau. Những người Do Thái trước đó đã có thật nhiều cảm tình với Chúa, nhưng bây giờ họ đã bắt đầu lạnh nhạt. Tuy đã đồng tình với Chúa về nhiều vấn đề, nhưng khi Chúa đề cập đến vấn đề nguồn gốc thần linh của Ngài thì lập tức, họ đã phản đối chống lại một cách quyết liệt.

Tại sao lại có thảm kịch này? Thưa, vì người Do Thái chỉ muốn có một Đấng Cứu Thế hợp với sự hiểu biết của họ. Như vậy, vấn đề ở đây là, dù có Kinh Thánh nhưng nếu đọc Kinh Thánh theo ý của ta thì chẳng bao giờ ta có thể thấy và hiểu được Thiên Chúa. Ngược lại, nếu ta đọc Kinh Thánh dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần thì mới có thể được Chúa giúp để nhận ra Người.

Tại một làng thuộc vùng Lorraine, miền Đông Bắc nước Pháp, có một nông dân không có niềm tin, một hôm gặp ông thầy giáo làng đang đi dạo mát, ông ta tiến lại trước mặt ông thầy này và gây sự bằng một giọng đầy khiêu khích:

- Hôm qua, thầy đã dạy cho bọn trẻ trong làng những điều hay quá: "Nếu ai đánh ngươi má bên mặt, thì hãy chìa luôn cả má trái cho nó" (Mt 5,39).

- Lời đó đâu phải là do tôi - Thầy giáo đáp - đó là điều Chúa nói trong Tin Mừng chứ!

Thầy giáo vừa dứt lời thì người nông dân kia bất ngờ tát cho thầy hai cái, vì từ lâu anh đã có nhiều điều tức khí với thầy giáo làng.

Cách đó không xa, ông chủ tịch xã đang đi với nhân viên, nhìn thấy cảnh đó, liền nói với một anh nhân viên:

- Josepth, anh lại đó xem, hai người đang tranh chấp với nhau chuyện gì vậy?

Lúc Josepth vừa đến gần 02 người, thì cũng chính là lúc thầy giáo làng giơ tay giáng trả hai cái tát nẩy lửa vào mặt người nông dân, kèm theo lời trích dẫn của Kinh Thánh:

"Cũng có lời chép: Ngươi lấy đấu nào mà đong cho anh em, thì cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy. Một đấu được lắc, được dằn sẽ đổ xuống trên lưng ngươi." (Lc 6,38).

Josepth vội vàng trở lại báo cho ông chủ tịch:

- Thưa ông, chẳng có chuyện gì đáng kể. Họ đang tranh nhau chú giải Kinh Thánh!

Vâng, nếu chúng ta đọc Kinh Thánh với một tà ý thì Kinh Thánh sẽ chẳng mang lại ích lợi gì cho chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta đọc với một sự thành tâm thì Lời Chúa sẽ trở thành luơng thực, thành ánh sáng cho cuộc đời của ta.

2. Như vậy, muốn đọc Sách Thánh để hiểu được Chúa, ta phải bỏ đi hết mọi thành kiến có sẵn, phải khiêm tốn để cho Lời Chúa tra vấn mình, phải can đảm từ bỏ những gì Chúa đòi hỏi, và phải kiên trì thực hiện những điều Chúa dạy.

Ngày nọ, có một nhóm người nghĩ là "Thiên Chúa" đã chết nên họ muốn cử hành lễ nghi an táng cho Người.

Họ nhờ bác phu già trông coi nghĩa trang đào sẵn cho họ một cái huyệt. Hiện diện trong buổi lễ, ngoài bác phu già, còn tất cả đều là những vị thuộc giai cấp tri thức trong xã hội: triết gia, giáo sư, văn sĩ, kỹ sư .v.v…

Khi người chủ trì cất tiếng khai mạc lễ nghi an táng thì bác phu già kêu lên:

- Không thể được, vì quan tài chưa đến.

- Thiên Chúa vô hình thì cần gì đến quan tài để tẩm liệm.

Một vài người chạy lại kéo ông ra xa, nhưng vừa vùng vẫy ông vừa la lớn:

- Không, Thiên Chúa không chết! Thỉnh thoảng khi không ngủ được tôi vẫn hay ra đây ngồi và nghe tiếng tim Ngài đập. Nếu không tin, tối nay quí vị hãy tụ họp lại đây, quí vị sẽ thấy.

Động tính hiếu kỳ, họ bỏ dở buổi lễ và hẹn nhau ban tối sẽ quay trở lại. Tối hôm ấy, tiếng ồn ào bên ngoài vọng lại khiến cho họ không thể phân biệt đâu là tiếng đập của quả tim Thiên Chúa đâu là tiếng của những thứ khác. Sau đó họ dời điểm tụ họp đến một vùng quê. Thế nhưng, vắng tiếng động của thành phố thì lại có tiếng của côn trùng. Sau cùng, họ quyết định gặp lại nhau một đêm khác trong sa mạc. Giữa bầu khí tĩnh mịch của sa mạc về đêm, mọi người đều cảm thấy mình được cất khỏi những gánh nặng lo toan, cũng không bị chi phối bởi một tiếng động nào.

Trở về với cõi lòng, họ chăm chú lắng nghe. Tâm hồn họ như hòa nhập với không trung bát ngát. Ngồi thinh lặng nhưng họ cảm thấy gần nhau. Bỗng một người la to:

-Tôi đã nghe thấy!

Và, nhiều người khác phụ họa:

- Có, tôi cũng đã nghe.

Một người khác nữa phân tích:

- Âm thanh của nó giống như âm thanh của mỗi lần tôi cố gắng trở nên hoàn thiện.

Họ đã tin lời nói của bác phu già, và nhất là đã tìm lại được niềm tin nơi Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên thật đơn sơ bé nhỏ,
để có thể nghe được tiếng Chúa nói,
và thấy được hiện diện của Chúa trong suốt đời con. Amen.


THỨ SÁU TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga 7,1-2.10.25-30

 "Phần tôi, tôi biết Người,
bởi vì tôi từ nơi Người mà đến,
và chính Người đã sai tôi."

(Ga 7,29)

1. Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu đã kéo dài rất dai dẳng nhưng vẫn chưa có hồi kết thúc và xem chừng sự đối kháng càng ngày càng quyết liệt hơn. Lý do nào đã khiến họ khó tin vào Chúa Giêsu như thế? Thưa, chính là vì họ tưởng họ biết quá rõ về Thiên Chúa và Đấng Messia của Người. Họ tưởng họ biết rành Thánh Kinh, biết luật Môisen là đã biết tất cả. Những gì ở ngoài cái khung hiểu biết đó thì họ đều coi là sai lạc, là từ Satan.

Một lý do khác nữa khiến các Thượng tế, luật sĩ và Pharisêu muốn tìm cách "hạ" Chúa Giêsu là vì Ngài là một cái gai, là chứng nhân cho sự thật làm cho họ khó chịu. Nhiều lần Chúa đã công khai vạch trần những sai trái và những việc làm giả đạo đức của họ trước mặt dân chúng. Vì sợ uy tín của mình vì thế mà bị giảm sút nên họ quyết tâm “thanh toán” Chúa.

2. Những người Do Thái ngày xưa là như vậy. Ngày nay, nhiều người cũng chẳng khác gì. Họ cũng muốn dẹp bỏ những người làm họ khó chịu. Lý do là vì những người này không giống họ, dám nói ra những chỗ yếu kém của họ, có một đời sống tốt hơn họ: Sự hiện diện của những người này làm họ bị lu mờ! Cái thói ghen ghét ở đời thì thời nào cũng có. Và cũng vì thói ích kỷ đó mà cuộc sống của con người trên trái đất này gặp không biết bao nhiêu là khổ đau.

Sáng ngày 19 tháng 3 năm 1994, tại phòng thánh nhà thờ xứ Casandi Pinsepê, gần thành Napoli miền trung nước Italia, cha Giuse Daiana đã bị sát hại bởi hai phát súng do bọn bất lương Camara bắn thẳng vào mặt đang lúc ngài sửa soạn cử hành thánh lễ kính thánh Giuse bổn mạng.

Cha Daiana là một linh mục trẻ mới ba mươi sáu tuổi. Tuy bị các băng đảng bất lương đe dọa, cha vẫn hăng say với sứ mệnh tông đồ của cha. Vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1991, cùng với các cha xứ khác trong vùng Casatano cha đã ký tên gia nhập vào hội quyết tâm chống lại mọi hình thức tội phạm bất lương, nhất là bọn Camara, những kẻ dã man đang gây tang tóc khắp miền đó.

Trước cái chết của cha Daiana, trong bài giảng lễ an táng, Đức Cha Lorenso Chiaradinali - Giám mục giáo phận Avesa đã tóm tắt sứ mệnh tông đồ của Cha như sau: "Đau khổ và tin tưởng. Một cái nhìn xuống đất nơi thân xác đẫm máu của cha an nghỉ và một cái nhìn hướng thẳng lên cao nơi có Đấng đã chết trên Thập Giá, nhưng đã chiến thắng hận thù và sự chết. Môi trường tông đồ của cha đầy khó khăn vì những hình thức vô luân đồi bại, những tổ chức bất lương và những sức mạnh dã man nấp sau bóng tối. Sứ mệnh tông đồ của cha là sứ mệnh bẻ gẫy xiềng xích của tội ác để xây dựng công bằng và tình thương. Hoạt động tông đồ của cha bắt đầu từ công tác giáo dục đức tin, nỗ lực sống chứng tá Kitô, bảo vệ quyền lợi của người tha hương, nâng đỡ tinh thần, an ủi các bệnh nhân, và nhất là huấn luyện tuổi trẻ qua các sinh hoạt hướng đạo”.

Tinh thần hăng say và lòng quả cảm của cha Daiana đã cống hiến cho giới trẻ một lý tưởng cao thượng. Ngài đã biết gieo niềm vui và hy vọng nơi tâm hồn các bệnh nhân, biết chinh phục thiện cảm của giới trẻ bằng nụ cười dễ mến. Ngài cũng có tài hướng dẫn tinh thần, làm thay đổi các tâm hồn tận thâm sâu.

Với cái chết thảm thương của cha Daiana, bạo lực đã chạm tới bàn thánh. Bàn thờ của người tín hữu được dựng lên để tưởng nhớ cái chết của Chúa Kitô, Đấng đã chấp nhận chết vì tình yêu nhân loại. Cái chết của một linh mục cũng tương tự như thế. Đức Thánh Cha Gioan - Phaolô II đã nói về cái chết của cha Daiana như sau: “Như người công chính bị ngã gục, như tiếng kêu hùng hồn của lời tố cáo tội ác đã bị im bặt, như ngọn đèn sáng đã tắt lịm đi”.

Cha Daiana đã chết nhưng cái chết của cha đã không vô ích hay uổng phí. Ngài đã ngã xuống và được chôn vùi trong lòng đất. Thân xác của ngài chẳng khác gì hạt giống được mục nát đi để đem lại một mùa gặt phong phú hơn, mùa gặt của công lý, của an bình và của tình thương. Thật vậy, mấy hôm trước khi bị ám sát, khi trả lời cho một hướng đạo sinh đến để bày tỏ cho ngài biết về nguyện vọng muốn được theo đuổi ơn gọi linh mục, cha Daiana đã nói với anh: “Nếu thực sự con muốn trở thành linh mục, con phải luôn nhớ rằng, con sẽ phải trả giá rất đắt, nếu không thì con nên gột bỏ ước nguyện đó đi”

Và sau đó, khi đứng trước thi hài cha Daiana, cậu hướng đạo sinh ấy đã thành thật nói: "Nếu trước kia tôi còn do dự nghi ngờ thì giờ đây trước sự việc vừa xảy ra hôm nay và trước cái chết của cha Daiana tôi đã có một xác tín mới: Tôi phải trở thành linh mục”.

Lạy Chúa, xin cho con trở nên chứng nhân cho Chúa. Amen.


THỨ BẢY TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga 7,40-53

 "Nào Kinh Thánh đã chẳng nói:
Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavit
và từ Bêlem, làng của vua Đavit sao?"

(Ga 7,42)

1. Càng ngày, Chúa Giêsu càng phải đối đầu với những nguy hiểm xem ra càng lúc càng mạnh hơn. Dân chúng trước đây cách chung ủng hộ Ngài nhưng nay thì hoang mang. Các thượng tế và Pharisêu thì nóng lòng muốn giết Chúa. Nicôđêmô lên tiếng bênh vực Ngài thì bị chụp mũ là đồng bọn Galilê với Chúa.

Chúa Giêsu đã trở nên một dấu hỏi lớn. Mỗi người phải tìm một câu trả lời cho câu hỏi “Giêsu là ai?”.

Có lẽ bằng lời nói, không ai trong chúng ta mà không tuyên xưng và nhận Chúa Giêsu là Chúa của mình, nhưng trong thực tế của cuộc sống thì hình như giữa lời tuyên xưng và cách sống hằng ngày của chúng ta vẫn còn một khoảng cách rất khó lấp đầy.

Blondin là một trong những tên tuổi lừng danh trong ngành xiếc tại Mỹ. Một trong những kỳ công đáng ghi nhớ nhất của anh là đã có lần anh đi trên một sợi dây cáp bắc qua thác Niagara, là thác dài nhất và sâu nhất thế giới. Một lần nọ, khi vừa bước lên dây cáp để chuẩn bị đi qua bờ bên kia, nhìn xuống anh thấy có một cậu bé đứng gần đang há hốc miệng nhìn lên anh, anh nhìn thẳng vào mắt cậu bé và hỏi:

- Em có tin là chú có thể mang một người trên vai chú và đi qua bên kia không?

Giữa tiếng thác đổ ầm ầm, câu bé thét lên:

- Vâng, cháu tin là chú có thể làm được điều đó.

Thế nhưng, khi anh đề nghị mang cậu bé trên vai thì em đã lắc đầu từ chối, vì không đủ tin tưởng vào sự bảo đảm của người biểu diễn.

Cậu bé trên đây có thể là hình ảnh của rất nhiều người trong chúng ta khi phải trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phần các con, các con bảo Ta là ai?”. Cũng như Phêrô khi đại diện cho các tông đồ, chúng ta sẽ trả lời: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nhưng trong thực tế, thái độ của chúng ta có lẽ còn tương phản với lời tuyên xưng ấy. Chúng ta chưa là những Kitô hữu thực sự, nghĩa là chưa dám tin tưởng và sống theo lời mời gọi của Chúa”. (Mỗi ngày một tin vui)

2. Nhân chứng

Trong khi nhiều người chống đối Chúa Giêsu, nhiều người khác hoang mang không xác định rõ lập trường, thì Nicôđêmô đã can đảm lên tiếng bênh vực Ngài. Chung quanh chúng ta ngày nay, cũng có nhiều người chống đối hay chưa hiểu Chúa Giêsu. Tôi có can đảm như Nicôđêmô không? Dám can đảm làm nhân chứng cho Chúa đó là dấu chỉ của một con người có niềm tin và là một người nhận Chúa làm Chúa của cuộc đời mình.

Một hôm, bên Châu Mỹ Latinh, một linh mục cử hành thánh lễ trong vùng “ổ chuột”. Bài giảng hôm ấy được thực hiện dưới dạng đối thoại với anh chị em tín hữu, nhắm tới sự giao hòa. Thế là một cậu bé đã tuyên bố:

- Thưa các nhà thừa sai, chúng con cảm ơn các ngài, vì các ngài đã dạy chúng con yêu thương kẻ thù. Cách đây một tuần, con đã sắm sẵn một con dao để giết một thằng bạn mà con vẫn căm ghét. Nhưng sau khi nghe cha giải thích cho chúng con nghe bài Tin Mừng, con đã đi mua một chiếc bánh kem để tặng cho kẻ thù của con.

Một chủng sinh trẻ người Liban đã bị giết cách đây vài năm, trên con đường đi về nhà để mừng lễ Giáng Sinh. Đó là nạn nhân của cuộc chiến tranh, huynh đệ tương tàn đang xảy ra tại quê hương anh. Người ta đọc được những lời sau đây trong di chúc của anh: “Tôi thấy rồi, mình sẽ bị bắt cóc và sẽ bị giết trên đường để tới làng tôi. Tôi nói với mẹ và các chị em tôi: Xin mẹ và chị em đừng buồn. Chúng ta sẽ gặp lại nhau, chắc chắn mà, trong nơi vĩnh cửu trên trời. Con xin mẹ và các chị em một điều: Xin hãy tha thứ hết lòng cho những kẻ đã giết con. Ước gì máu con được đổ ra để chuộc được tội cho Liban. Ước gì cái chết của con dạy cho con người sống bác ái. Xin hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện và yêu thương các kẻ thù."

Tại vùng Chouf (một miền thuộc xứ Liban, ở miền Nam Beyrouth), vào lúc cuối năm 1983, em Maria Khoury đã bị một kẻ cuồng tín bắt, hắn chĩa súng vào gáy em:

- Hãy chối Giêsu Kitô đi, rồi mày sẽ được sống.

Em trả lời:

- Tôi sẽ không chối Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Tôi muốn trung thành với các lời hứa khi nhận phép rửa tội. Anh cứ việc bắn, nếu anh muốn.

Hắn đã nổ súng. Nghĩ rằng em đã chết, hắn bỏ em nằm đó trên vũng máu. Được cứu, nhưng bị mù và què quặt, em đã nói:

- Em tha thứ cho người bắn em, như em đã tha thứ cho người giết mẹ em và cho người đã giết cha em.

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em. Amen.

Top