Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần III Thường Niên

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần III Thường Niên

THỨ HAI TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Mc 3,22-30

"Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần,
 thì chẳng đời nào được tha,

 mà còn mắc tội muôn đời". (Mc 3,29)

1. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội nào?

Trước hết, theo lời của Thánh Sử Marcô, trong đoạn Tin Mừng được trích đọc trong thánh lễ hôm nay, thì tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội qui về cho ma quỉ những việc của Thiên Chúa, hay nói khác đi là việc dám đồng hoá Chúa, nguồn mạch của mọi sự nhân lành, với Satan, nguồn mạch của mọi sự dữ.

Cũng phải liệt kê vào tội phạm đến Chúa Thánh Thần, việc cho điều thiện là ác và cho ác là thiện. Sở dĩ phải liệt kê như thế, bởi vì những người như thế không thể ăn năn thống hối được, do đó không thể được tha thứ.

Cũng kể vào số những người đã phạm đến Chúa Thánh Thần, là những người mất lòng cậy trông vào Chúa.

Chúa Giêsu tuyên bố, những kẻ phạm đến Chúa Thánh Thần thì không được tha. Bởi vì điều kiện để một tội được tha là người phạm tội phải thực lòng ăn năn thống hối. Người phạm đến Chúa Thánh Thần thì không còn tin tưởng và cậy trông nữa, nên không ăn năn thống hối, vì thế không được tha.

Người ta kể, một hôm có một chàng thanh niên đến gặp Cha Placido Viccardi, dòng Biển Đức, ở Italia, để xin xưng tội. Chàng thanh niên này quì xuống và thưa với Cha Viccardi:

- Thưa Cha, con là kẻ tội lỗi khốn nạn nhất, vì con đã phạm đủ mọi thứ tội.

Cha Viccardi đáp:

- Đúng, con đã phạm đủ mọi thứ tội, nhưng con không phải là kẻ có tội khốn nạn nhất, vì có một tội nặng nhất mà con đã không phạm tội ấy.

Chàng thanh niên ngẩng đầu lên nhìn cha Viccardi ngạc nhiên hỏi:

- Thưa cha, làm sao cha biết? Tội đó là tội nào vậy?

Cha Viccardi trả lời:

- Tội nặng nhất mà con đã không phạm, đó là con đã không nghi ngờ và thất vọng về lòng từ bi của Chúa. Sở dĩ Cha biết như thế, vì nếu không, thì con đã không đến đây để xin lãnh nhận Bí Tích Giải Tội. Vậy, nhân danh Đấng giàu lòng từ bi và yêu thương mà con vẫn hằng tin tưởng cậy trông, cha tha thứ hết mọi tội lỗi cho con. Con hãy về, và cố gắng đền đáp lòng yêu thương tha thứ của Chúa nhá.

Đây Lời Chúa phán: "Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông".(Is 1,18)

2. Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay, còn nhắc ta hai sự thật:

a/ Quả thực có hoạt động của Satan trong thế giới này và trong bản thân mỗi người, sức hoạt động này rất mạnh.

Thánh Hiêrônimô sinh năm 340 tại Stridon miền Dalmatie, nước Nam Tư. Ngài là một đấng thông minh đạo đức, đã được Đức Thánh Cha Damasus (366-380) trao cho sứ mạng dịch toàn bộ Thánh Kinh sang La ngữ. Bản dịch này vẫn còn dùng trong Phụng vụ Giáo Hội: đó là bản dịch phổ thông (Vulgata). Ngài đã sang thánh địa, vào trong hang Bêlem để ẩn thân, cầu nguyện và phiên dịch Kinh Thánh. Thế mà theo lời ngài thuật lại, có những lúc ma quỷ xác thịt cám dỗ ngài hết sức nặng nề! Chúng làm ngài nhớ lại những quang cảnh xa hoa trụy lạc, những bạn bè xấu nết dâm đãng ngày trước ở thủ đô Rôma. Để chống trả với cám dỗ của ma quỉ, ngài đã ăn chay kiêng khem hãm mình và cầm đá đấm vào ngực. Với ơn Chúa và ý chí mình, ngài đã chiến thắng. Đức Boniface VII suy tôn ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh. Ngài mất năm 420.

b/ Và còn một sự thật khác quan trọng hơn: Đó là Chúa Giêsu còn mạnh hơn.

Đây là nội dung cuộc nói chuyện giữa hai em nhỏ:

- Nếu Satan đến cám dỗ, bạn làm sao chống trả?

- Mình biết Satan đến để cám dỗ, nhưng khi nó gõ cửa lòng mình, mình bảo: Có phải Chúa Giêsu gõ cửa đấy không ạ? Khi Satan nghe tên Giêsu là nó biến ngay!

Như vậy, chúng ta thấy một người mạnh nhất cũng không thể một mình chống lại Satan (Góp nhặt).

Muốn chống nổi Satan chúng ta phải cậy dựa vào Chúa.

Một thiếu nữ trắc nết nọ đến cám dỗ một thánh nhân phạm tội với mình. Ngài bảo:

- Được lắm, ta hãy kiếm một nơi nào kín đáo đi.

Cô gái dẫn Ngài vào một căn phòng và đóng cửa lại. Ngài bảo:

- Đây tôi sợ chưa được kín đáo.

Cô lại đưa Ngài đến một căn phòng khác có một lối vô cong queo lại thêm hai lớp cửa thật là vững chắc. Ngài nói:

- Tôi vẫn còn ngại, chỗ vững chắc như chỗ này cũng chưa kín đủ, với lại nhỡ có ai đột nhập thì làm sao thoát thân!

Cô ta lại đưa Ngài lên tầng lầu cao nhất, lại có hệ thống báo động và nhiều lối thông thương, chuồn đi rất dễ. Cô bảo:

- Như thế này thì thật là cẩn mật...Muốn thấy đã là điều không thể, huống nữa lại đi vào.

Lúc ấy thánh nhân mới dốc bầu tâm sự ra:

- Cô ơi, không có chỗ nào kín cả!

Cô gái ngạc nhiên trố mắt nhìn Ngài. Ngài nói tiếp:

- Làm sao ta che mắt Thiên Chúa nổi.

Rồi Ngài khuyên răn, dạy dỗ cô gái, về sau cô trở thành người đạo đức, có lòng sám hối sâu xa...

----------

THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Mc 3,31-35

 "Đây là mẹ Tôi, đây là anh em Tôi.
 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa,

người ấy là anh em chị em Tôi, là mẹ Tôi."
(Mc 3,34-35)

 

1. Các đoạn Tin Mừng từ ngày Thứ Ba đến ngày Thứ Năm tuần này đều nói về việc nghe Lời Chúa. Ý tưởng này mỗi ngày một rõ và mạnh thêm.

Chúng ta tự hỏi: Tại sao Mẹ Chúa Giêsu và anh em Chúa lại muốn gặp Chúa đang lúc Chúa giảng dạy cho dân chúng như vậy?

Theo Marcô thì chúng ta thấy, trước khi có chuyện mẹ và anh em muốn gặp Chúa thì đã có thân nhân của Chúa, nghe tin Chúa say mê giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng đến nỗi không có thời giờ ăn uống, thậm chí họ còn cho rằng, Ngài đã mất trí cho nên họ muốn bắt Ngài về (Mc 3,21). Không hiểu vì lý do gì mà chuyện đó không thành công. Họ không "bắt" (nghĩa là không ngăn cản) được Chúa Giêsu, cho nên hôm nay, họ mời thêm Đức Maria nữa. Chắc hẳn khi Đức Mẹ đến, mẹ chẳng hề có ý cản trở sứ mạng Chúa Giêsu mà chỉ đến để xem sự thể ra sao.

Dù sao, câu chuyện cũng cho thấy, Đức Mẹ chưa hiểu nhiều về sứ mạng của Chúa Giêsu. Đã nhiều lần Mẹ phải ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng về những việc lạ lùng nơi con của mình. Cuối cùng, dưới chân Thập Giá, Mẹ mới hiểu hết và còn kết hợp sự đau khổ của mình với sự đau khổ của Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy học nơi Đức Mẹ thái độ ghi nhớ và suy gẫm trong lòng những điều chưa hiểu.

2. Vâng! Tuân theo thánh ý Thiên Chúa đó là điều đã được Đức Maria thực hiện một cách rõ ràng qua hai tiếng Xin Vâng trong biến cố Truyền Tin và rồi còn được thể hiện trong suốt cuộc đời của Đức Mẹ nữa. Không ai có thể nghi ngờ gì về việc đó.

Ngày nay, không thiếu gì những người cũng đã trở thành những người mẹ, người anh chị em của Chúa, theo ý nghĩa mới.

Câu chuyện dưới đây là một trong muôn vàn trường hợp.

Nàng là một thiếu nữ trẻ đẹp, đã đính hôn với một chàng trai, và đang chờ đợi ngày làm lễ thành hôn. Thế rồi một hôm, bỗng nàng cảm thấy đau ở tay. Nàng đến gặp một Bác sĩ. Sau khi đã khám nghiệm, bác sĩ cho biết, nàng mắc bệnh phong cùi. Thế là tương lai hoàn toàn sụp đổ ngay ở dưới chân. Sao mà số phận của nàng nghiệt ngã đến thế. Rồi cùng với bao nhiêu người cùi khác, nàng phải vào sống trong trại cùi. Những trại này thường được thiết lập ở một nơi xa xôi hẻo lánh, tách biệt khỏi gia đình và xã hội.

Hôm ấy, người ta chở nàng đến trại cùi. Vừa đến nơi, thấy những người đàn bà rách rưới bẩn thỉu, nàng bật khóc và tinh thần xuống tột độ. Sự tuyệt vọng đã hiện rõ trên khuôn mặt xinh xắn của nàng. Những người đưa nàng đến đây đều có cùng một ý nghĩ là, có thể nàng sẽ tự tử.

Nhưng may thay, mấy ngày hôm sau, một vị thừa sai đang phục vụ trong trại cùi đã đến xin nàng giúp ngài săn sóc cho những người cùi khác.

Một tia hy vọng đã lóe lên trong đầu nàng. Từ đó, nàng bắt tay vào việc bằng cách mở lớp dạy chữ cho các em cùi và những người lớn chưa biết chữ. Nàng cũng hướng dẫn những phụ nữ có con cách chăm sóc và nuôi nấng con cho chu đáo.

Nhưng điều nàng làm hay nhất là những buổi sinh hoạt mà nàng đứng ra hướng dẫn, đã thay đổi hẳn bộ mặt của trại cùi một cách rõ nét. Nhờ cây đàn Accordion được các vị thừa sai sắm cho, nàng đã tạo nên được một bầu không khí vui nhộn và ấm cúng cho cả trại cùi.

Ít lâu sau, có người hỏi cảm tưởng của nàng về cuộc sống nàng đang sống thì người thiếu nữ Ấn Độ đó trả lời rằng:

- Khi vừa mới đến đây, tôi bắt đầu hồ nghi Thiên Chúa. Tôi không biết có Thiên Chúa hay không nữa. Vì nếu có Thiên Chúa là tình thương, thì làm sao mà Ngài lại để cho con người khổ sở như thế này. Nhưng bây giờ thì tôi biết đó là ý Chúa. Và rõ ràng đối với tôi là Ngài muốn cho tôi ở đây, để làm vơi đi những nỗi sầu khổ của bao nhiêu người đang sống ở chốn này. Vì thế, tôi không còn buồn nản như lúc mới tới đây nữa, mà tôi hân hoan thực thi ý của Chúa. Bao lâu tôi còn sống tôi sẽ cảm tạ Chúa vì Ngài đã dắt đưa tôi tới đây.

Vâng! Người thiếu nữ trên đây đã trở thành mẹ và anh chị em của Chúa rồi.

Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc, là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con (Rabboni) .

----------

THỨ TƯ TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Mc 4,1-20

 "Còn những người khác nữa
là những người được gieo vào đất tốt:
đó là những người nghe lời và đón nhận,
rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi,

kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm." (Mc 4,20)

 

1. Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu đề cao những người biết lắng nghe Lời Chúa. Trong đoạn hôm nay, Ngài dùng dụ ngôn về người gieo giống để khuyến cáo mọi người: không phải chỉ nghe thôi là đủ, mà còn phải "nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả" nữa (câu 20).

Ngài cũng vạch cho thấy những trở ngại khiến cho việc nghe Lời Chúa không sinh hoa kết quả, đó là:

a/ Bị Satan phá (hạt rơi bên vệ đường) ;

b/ Tính nông nổi nhất thời, không kiên trì thực hiện Lời Chúa trong lúc gian nan hay bị ngược đãi (hạt rơi trên đá sỏi) ;

c/ Những lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác (hạt rơi trong bụi gai).

2. Có lẽ đa số chúng ta thuộc loại đất có gai, Lời Chúa gieo vào bị làm chết ngạt bởi "những lo lắng việc đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác". Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy khi nào ta có được sự "thinh lặng nội tâm" thì Lời Chúa dễ thấm nhập tâm hồn ta hơn. Ngược lại, khi tâm hồn bị giao động bởi những thứ kể trên thì Lời Chúa vừa vào tai bên này đã lọt ra khỏi tai bên kia.

"Những người được gieo vào đất tốt, đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm"(Mc 4,20): "nghe" là một việc tương đối thụ động, là việc của đôi tai; "đón nhận" là việc chủ động, việc của con tim; và "sinh hoa kết quả" càng chủ động hơn nữa, đó là việc của ý chí và của nhiều cố gắng.

Một bác nông phu quê mùa chất phác nọ đã trở lại Kitô giáo. Được Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn, Đức tin cũng như lòng mến Chúa chân thành của bác càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, mạnh đến độ gặp ai, ở chỗ nào bác cũng sốt sắng nói về Chúa cho người ta nghe.

Một hôm, có một người vô thần đến gặp bác, với ý định đặt một số câu hỏi để dằn mặt bác cho bác khỏi đi rao giảng về Đức Kitô.

Người vô thần hỏi:

- Ông có biết Đức Kitô mà ông vẫn hăng say quảng cáo, sinh ra ngày nào không?

Bác nông phu trả lời:

- Ngày 25 tháng 12.

Người vô thần nhún vai, trợn mắt lên, lắc đầu ra chiều khinh bỉ, rồi hỏi tiếp:

- Thế ông có biết Đức Kitô của ông chết năm bao nhiêu tuổi không?

Bị hỏi bất ngờ, bác nông phu còn đang ấp úng để tìm câu trả lời, thì người vô thần kia đã cướp lời:

- Ông thấy không, ông có biết gì về Đức Kitô của ông đâu. Vậy mà cứ đi quảng cáo về ông ta rùm beng.

Sau lời chê bai của người vô thần, bác nông phu bình tĩnh giải thích:

- Tôi không biết nhiều về Đức Kitô. Nhưng có một điều tôi biết chắc là, hai năm trước đây, tôi là một người chè chén say sưa, tôi rất hay nóng giận, đập phá nhà cửa, đánh đập vợ con. Hai năm trước đây, không bao giờ tôi thấy vợ tôi nở một nụ cười, các con tôi thì sợ tôi như cọp. Nhưng sau khi tôi đã tin nhận Chúa, giờ đây vợ tôi đã tươi cười, con cái tôi không còn xa tránh tôi nữa. Bầu khí trong gia đình tôi đã trở nên nhẹ nhõm, vui tươi. Còn riêng tôi, tôi đã bỏ được những tật xấu trước đây. Tất cả những điều ấy, tôi tin là Đức Kitô đã làm cho tôi và gia đình tôi được thay đổi. Tôi nghĩ, tôi biết như thế về Đức Kitô, cũng đã là quá nhiều rồi.

Tâm hồn của người vô thần và của bác nông phu chính là hai thửa đất khác nhau, được Chúa Giêsu nói đến trong dụ ngôn người gieo giống mà chúng ta vừa nghe.

Chính sự kiêu ngạo và tự mãn của người vô thần đã làm cho những kiến thức của ông về Chúa bị bóp nghẹt, và do đó đã không thể sinh hoa trái được.

Còn với bác nông phu kia, tuy kiến thức của bác về Chúa có ít ỏi và yếu kém thật, nhưng bác đã để cho những gì bác lãnh hội được, biến đổi đời sống của bác. Tâm hồn chất phác đơn sơ của bác chính là thửa đất tốt, vì thế mà hạt giống Lời Chúa đã sinh hoa kết trái. Nó đã làm thay đổi không những đời sống của bác nông phu, mà nó còn làm thay đổi cả đời sống của gia đình bác nữa. Thật là tuyệt vời!

Lạy Chúa,
Xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe Lời Chúa, xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét mặt tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại, can đảm và cùng đi với Chúa và với tha nhân trên mọi nẻo đường trần thế. Amen.

----------

THỨ NĂM TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Mc 4,21-25

"Vì ai đã có, thì được cho thêm;
 còn ai không có, thì ngay cái đang có

cũng sẽ bị lấy mất." (Mc 4,25)

 

1. Hai dụ ngôn nhỏ này tiếp liền những đoạn Tin Mừng của mấy ngày hôm nay, triển khai thêm chủ đề về việc nghe Lời Chúa.

* Dụ ngôn chiếc đèn: kẻ nghe Tin Mừng giống như chiếc đèn: Họ phải sống những gì đã nghe, có như thế cuộc sống họ mới chiếu tỏa ánh sáng ra những người chung quanh.

* Dụ ngôn cái đấu: càng biết nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa thì càng được ban thêm ơn; trái lại kẻ chỉ nghe mà không sống thì không được ban thêm ơn gì, mà cả những ơn họ đang có cũng bị lấy đi mất.

Lời Chúa quả có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng, Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn không chịu cháy sáng cho nên cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói: "Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên khắp thế giới có bị đốt hết đi, thì người ta cũng vẫn có thể nhìn vào cuộc sống chúng ta mà chép lại Tin Mừng đúng từng câu, từng chữ".

Chiara rất thích thể thao, nhưng rồi một hôm khi đang chơi tennis, cô thấy đau ở vai. Sau khi chẩn bệnh, bác sĩ cho cô biết cô đã bị ung thư và phải nằm viện. Trong thời gian điều trị, cô đã cố quên cái đau đớn trong thân xác để giúp đỡ mọi người. Khi cô thấy tóc mình rụng quá nhiều vì xạ trị, cô đã nói:

- Con xin dâng tất cả cho Chúa Giêsu.

Trước khi lìa đời, Chiara dặn dò mọi người:

- Xin đừng khóc cho tôi, tôi đang đến với Chúa Giêsu. Trong lễ an táng của tôi, tôi muốn mọi người đều ca hát ngợi khen Chúa.

Đức Cha Jean Koret, vị Giám Mục Tiệp Khắc đã từng phải sống lén lút dưới chế độ Cộng Sản của Tiệp Khắc trước kia, tâm sự rằng: Ngài đã gặp gỡ được nhiều người tốt, lúc Ngài phải đi làm việc như một công nhân, hơn là lúc Ngài ở trong toà Giám Mục.

Tiết lộ trên đây của Đức Cha Jean Koret, đã phản ánh trung thực điều Chúa Giêsu đã phán: "Có ai đốt đèn rồi đem để ở trong thùng hay dưới gầm giường không? Nào chẳng phải là đặt trên giá đèn sao?"(Mc 4,21).

Lý do hiện hữu của cây đèn là để soi sáng. Vậy khi cây đèn không soi sáng cho ai, thì nó không còn phải là cây đèn nữa.

Cũng thế, lý do hiện hữu của người Kitô hữu là phải tỏa sáng niềm tin của mình ra, để cho người khác, nhờ ánh sáng đó mà được dẫn đưa đến chân lý và hy vọng, hay nói một cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, âm thầm hay hiển hiện, việc làm chứng cho Đức tin trong cuộc sống hằng ngày của những người Kitô hữu chúng ta, không phải là một việc làm có tính cách nhiệm ý, nghĩa là muốn làm hay không tùy ý, mà trái lại đó là một đòi hỏi tất yếu, bao trùm tất cả cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.

Như thế, đời sống của những người Kitô hữu phải là những ngọn đèn thắp sáng và được đặt trên giá đèn. Thực vậy, giữa biển khơi đầy những phong ba bão táp của cuộc đời này, con người luôn khát khao được nhìn thấy ánh sáng chỉ đường của những ngọn "Hải Đăng".

Vào một buổi chiều nọ, một người lấy từ trong hộp ra một cây nến nhỏ và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi:

- Chúng ta đi đâu?

- Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tàu bè vào cảng.

- Nhưng tôi nhỏ bé thế này làm sao tàu bè thấy được?

- Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc để ta lo.

Tới đỉnh tháp, người ấy đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, mà ánh sáng lan tỏa ra và mọi tàu bè đều thấy.

Chúng ta cũng là cây nến trong tay Thiên Chúa. Chỉ cần ta cháy sáng, còn kết quả là ở Thiên Chúa (Góp nhặt).

2. "Hãy để ý điều anh em nghe. Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy"(Mc 4,24).

Có một nông dân nghèo Nhật Bản vào Thiên Đàng và điều đầu tiên ông nhìn thấy là một kệ dài với những vật rất kỳ lạ. Ông hỏi:

- Cái gì thế? Có phải để nấu xúp không?

- Không, đó là những cái tai. Chúng là của những người khi sống ở đời nghe được những điều tốt, nhưng họ không làm. Nên khi chết, tai họ vào Thiên Đàng, còn các phần khác của cơ thể thì không.

Một lát sau, ông lại thấy một kệ khác với những vật kỳ quái. Ông hỏi:

- Cái gì thế? Có phải để nấu xúp không?

- Không, đó là những cái lưỡi. Chúng là của những người sống ở đời bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ không làm hoặc không sống điều đó. Nên khi chết, lưỡi họ vào Thiên Đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không (Góp nhặt).

Hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu chúng ta luôn ý thức tầm quan trọng của việc sống niềm tin trong cuộc sống và quyết tâm sống niềm tin ấy, để mỗi người trở thành những ngọn đèn được thắp sáng giữa môi trường chúng ta đang sống. Amen.

----------

THỨ SÁU TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Mc 4,26-34

"Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên
lớn hơn mọi thứ rau cỏ,
cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời

có thể làm tổ dưới bóng." (Mc 4,32)

Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai dụ ngôn nhỏ. Qua hai dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta về sức sống sức lớn lên của Nước Thiên Chúa. Lời của Chúa có một sức mạnh nội tại - không ai, không gì có thể cản trở được sự nảy mầm, bén rễ, lớn lên rồi đơm bông kết trái theo trình tự của thời gian.

1. Trước hết, Chúa Giêsu cho biết Lời của Chúa có sức phát triển ngay từ bên trong, tuy âm thầm nhưng liên lỉ và rất mạnh mẽ.

Một giáo sư thực vật học kia tay cầm một hạt giống nhỏ màu nâu và nói với cả lớp rằng:

- Tôi biết rõ hợp chất của hạt giống này. Nó gồm hydro, carbon và nitro. Tôi biết đúng tỉ lệ và có thể tạo ra một hạt giống khác trông y như hạt giống này.

Một học sinh đứng lên hỏi:

- Thưa thầy, nếu đem hạt giốngthầy chế tạo đó mà gieo xuống đất, nó có thể mọc lên không ạ?

Giáo sư trả lời:

- Với hạt giống của tôi, điều đó không thể được. Nhưng nếu tôi đem hạt giống mà Thiên Chúa đã làm ra, nó sẽ mọc lên thành cây, vì nó chứa đựng nguyên tắc nhiệm mầu mà chúng ta gọi là nguyên tắc sinh tồn.

Hạt giống chứa đựng sự sống. Con người, dù có tài giỏi tới đâu đi nữa, cũng chỉ có thể tạo ra những hạt giống tương tự hoặc tạo ra những người máy robot, nhưng không thể nào tạo ra sự sống được.

2. Thánh Phaolô đã nói rất hay: "Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên". Kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, Thiên Chúa là Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể" (1Cr 3,6-7). Nếu chúng ta biết nghĩ như Phaolô thì chúng ta sẽ không còn ngại ngùng đi gieo hạt giống Lời Chúa và nhất là sẽ không vội ngã lòng khi thấy công gieo vãi của mình chưa sinh kết quả.

Đây là một câu chuyện có thật. Câu chuyện này nói về nguồn gốc của một khu rừng. Câu chuyện như sau: một ông lão người Pháp nọ, sau khi vợ qua đời đã mang đứa con trai duy nhất của ông đến một vùng đất khô cằn nhất củamiền Trung nước Pháp để lập nghiệp. Thật ra, người đàn ông này chỉ muốn quên đi cái quá khứ quá khó khăn vất vả của mình. Miền đất khô cằn nơi ông đặt chân đến còn vỏn vẹn chỉ có 5 ngôi làng nhỏ, dân cư thì thưa thớt. Họ sống trong những căn nhà xiêu vẹo đổ nát. Đa số đã bỏ đi đến những thành phố lớn để tìm công ăn việc làm.

Ông lão trên 60 tuổi đưa mắt nhìn khung cảnh chung quanh và đi đến kết luận như sau:"Nếu không có cây cối thì chỉ trong vòng một thời gian ngắn nữa, cả vùng này sẽ trở thành sa mạc hoang vu". Sau khi đã dọn chỗ cho đàn cừu và một số gia súc khác, ông lão tự đi bộ dọc theo các lối đi và cúi xuống nhặt từng hạt dẻ. Ông lựa những hạt tốt để làm giống. Ông ngâm vào nước. Khi mặt trời vừa lên, ông dùng ruột thanh sắt nhọn moi những lỗ nhỏ và cứ mỗi lỗ ông đặt một hạt dẻ vào đó.

Ngày qua ngày, liên tiếp trong ba năm trời như thế, ông lão đã trồng được tất cả 100.000 cây dẻ con. Ông hy vọng rằng, dù chúng có chết đi thì ít ra cũng phải có 10 ngàn cây còn sống sót. Ông cũng hy vọng rằng, Chúa sẽ cho ông được sống thêm vài năm để làm cho xong công tác trồng cây này. Ông qua đời năm 1947, hưởng thọ 89 tuổi.

Từ những hạt dẻ ông đã cặm cụi moi từng lỗ nhỏ để đặt vào, bây giờ nước Pháp có một trong những khu rừng đẹp nhất thế giới. Trong ba khóm rừng, mỗi khóm dài 1 cây số, rộng 3 cây số, những cây dẻ xinh tươi to lớn đã có mặt để chứa được nước mưa, làm cho cây cối xung quanh được xinh tươi và biến khu đồi khô cằn ngày xưa thành những dòng suối róc rách, chim chóc đã trở lại. Sự sống cũng bắt đầu chớm nở...Dân chúng từ từ trở lại với ngôi làng cũ để xây nhà và làm lại cuộc đời.

Lúc đầu hạt giống Nước Trời quả thật là khiêm tốn, nhỏ bé. Thế nhưng, ngày hôm nay thì nào có ai dám hồ nghi về những khu rừng Giáo Hội đang hiện diện trên hành tinh mà chúng ta gọi là thế giới kỳ diệu này.

Lạy Chúa,
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi ngay trong đêm tối
cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.

Ước gì những cánh tay rã rời
vì thất bại của con tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh
cho một thế giới mới.

Ước gì mồ hôi con pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.
Ước gì máu con hòa lẫn với Máu Chúa
trên Núi Sọ để tưới gội cho mảnh đất
đã bị khô cằn vì bất công và ích kỷ.

Chúc tụng Chúa là Cha
đã dẫn con đi đến cùng,
đến tận Emmau, nơi Chúa hiển dung
và tràn trề bình an và niềm vui của Chúa. Amen.

                                                            (ĐHY Roger Echegaray)

----------

THỨ BẢY TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Mc 4,35-41

Các ông hoảng sợ và nói với nhau:
"Vậy người này là ai, mà cả gió

 và biển cũng tuân lệnh?" (Mc 4,41)

 

Các nhà tu đức thường ví đời sống của Giáo Hội cũng như đời sống của mỗi Kitô hữu chúng ta như một con thuyền ở giữa biển khơi. Mặc dầu ở giữa biển khơi, nhưng con thuyền Giáo Hội cũng như con thuyền của những người tin luôn có Chúa hiện diện.

1. Đối với Giáo Hội chúng ta đã thấy quá rõ. Từ khi được Chúa thành lập đến nay, con thuyền Giáo Hội đã phải trải qua không biết bao nhiêu là những cơn sóng gió, bão táp phũ phàng nhưng Giáo Hội vẫn luôn được Chúa che chở giữ gìn. Xin được trích ra đây một ít sự kiện:

* Saladin là một ông vua Hồi Giáo. Có lần ông vua này đã gởi cho Đức Giáo Hoàng một lá thư trong đó vỏn vẹn có một dòng.

- Ta sẽ lấy Đền thờ Phêrô làm Đền thờ Mohamét!

Và Đức Giáo Hoàng cũng trả lời chỉ vỏn vẹn có một câu: "Thuyền Thánh Phêrô có thể có lúc lắc nhưng nhất định không chìm" (Fluctuat nec mergitur).

Câu nói thời danh này đã đi vào lịch sử.

* Suốt cuộc đời, Luther đã dùng mọi phương thế để lăng nhục và đánh đổ Hội Thánh, nhưng rồi những mong ước của ông ta không thành tựu. Trên giường bệnh, ông còn xin cục phấn và gắng gượng viết lên vách câu này: "Lúc sinh thời, ta là thứ dịch tễ cho mi thì khi chết, ta sẽ chôn vùi mi theo". Thế nhưng, Luther đã chẳng mang theo được gì ngoài sự thất vọng của ông.

* Nối chí Luther có ông Voltaire ở thế kỷ XVIII. Thông minh, nhưng nham hiểm, ông đã viết bao nhiêu sách và đã diễn thuyết bao nhiêu bài để cổ động, hô hào tiêu diệt Hội Thánh Công giáo. Ông công khai tuyên bố rằng, chỉ 20 năm nữa thôi, Hội Thánh Công giáo sẽ đi đời. Thế nhưng, thật là trớ trêu: Đúng 20 năm sau lời tuyên bố đó, thì ông chết, còn Giáo Hội của Chúa vẫn kiên vững!

* Năm 1903, Jaurès (1859-1914), nhà hùng biện người Pháp thấy Hội Thánh phải đương đầu với nhiều khó khăn, cùng lúc có nhiều nước có đạo đã bỏ rơi, ông vui mừng reo lên: "Sóng đưa thuyền Phêrô vào bờ, bây giờ nước rút, thuyền mắc cạn, nằm trơ trên bãi cát". Nhưng sự thực nước rút rồi thì nước lại lên, và thuyền Phêrô lại tiếp tục ra khơi!

* Cũng ở nước Pháp, trước Jaurès, có Napoléon, một nhân vật đã từng làm chấn động trời Âu, đã bắt và đem Đức Giáo Hoàng Piô VII (1742 -1823) về giam giữ tại lâu đài Fontainebleau bên Pháp. Lúc đó, những kẻ nghịch với Giáo Hội đã vui sướng reo lên:

- Đây là Đức Giáo Hoàng cuối cùng.

Nhưng rồi Napoléon thất bại, bị cầm tù tại đảo St. Hèlene, và Đức Giáo Hoàng lại trở về Rôma. Chính Đức Giáo Hoàng Piô VII đã đứng lên và đón rước gia đình tan rã của Napoléon gồm một mẹ già, 04 anh chị em là Lucien, Jérôme, Louis và Pauline, kể cả ông cậu là Hồng y Fesch, sau khi ông bị đi đày.

Tóm lại, trước đây cũng như mãi mãi về sau, dù Giáo Hội có thể bị nhiều thử thách, nhưng Hội Thánh nhất định sẽ mãi mãi tồn tại. Henrich Heine (1797-1856), thi hào người Đức, đã ý thức rất rõ về điều đó cho nên ông viết: "Đã lâu rồi, tôi không còn công kích Hội Thánh Công giáo nữa. Tôi đã đọ sức trí khôn ngoan của loài người và nhận thấy rằng: Các đợt tấn công vào tảng đá khổng lồ và kiên cố đó không thể làm cho tảng đá sứt mẻ hoặc nhúc nhích được".

2. Đó là Giáo Hội còn cuộc đời của chúng ta thì sao? Câu chuyện sau đây sẽ là câu trả lời cho tất cả chúng ta.

Một chiếc thuyền đi trên biển và gặp giông bão. Sóng rất lớn làm con thuyền chao đảo. Mọi người lo lắng chạy tới chạy lui kêu cứu. Một hành khách đi ngang qua phòng, thấy cậu thiếu niên con của viên thuyền trưởng vẫn còn đang say ngủ, không biết gì. Người khách vội lay em dậy và cho biết tàu đang lâm nguy, sắp chìm, em phải lo tìm phao cấp cứu.

Em bé dụi mắt hỏi lại ngay:

- Thế ai đang lái tàu vậy hả bác?

Người hành khách trả lời:

- Cha của cháu.

Nghe thấy thế, em lại tiếp tục nằm xuống, ngủ tiếp một cách bình thản. Người này lấy làm lạ hỏi:

- Tại sao trong khi mọi người đang lo lắng, riêng cháu lại có thể bình an mà ngủ được chứ, cháu không sợ sao?

Em hãnh diện trả lời:

- Hễ cha cháu còn lái tàu, thì chắc chắn con tàu sẽ an toàn, cháu đã trải qua nhiều phen như thế rồi, ba cháu dư sức để lo liệu, bác cứ yên tâm đi.

Vâng! Đời sống của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện, ngay cả khi chúng ta tưởng như Ngài vắng mặt, nhất là trong những lúc gặp những thử thách phong ba. Điều quan trọng trong những lúc như thế là phải tin tưởng nơi Chúa, đồng thời biết chạy đến cầu nguyện với Ngài để Ngài dẹp yên bão tố sóng gió và đưa con thuyền cuộc đời chúng ta hay con thuyền Giáo Hội về tới bến bờ bình an.

Lạy Chúa, xin thêm niềm tin cho chúng con. Amen.

Top