Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần II mùa Phục sinh
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
Ga 20,19-31
A. Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật 2 Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra. Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:
1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.
Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian. Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Ngươì xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người. Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới. Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài. Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syria, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo. Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài. Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài. Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.
Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian. Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya. Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng. Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày. Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt. Không có thời gian nào Người không ở bên ta.
Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định. Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.. Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá. Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi. Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.
2. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dậy niềm bình an, tin tưởng.
Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: "Bình an cho các con". Người còn thổi hơi vào các ông và nói: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".
Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo. Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình. Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước. Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.
Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình. Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần. Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến. Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.
3. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa.
Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ. Các môn đệ tuyệt vọng. Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường. Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy. Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi. Đức Kitô là linh hồn của họ. Linh hồn đã ra đi. Xác sống sao được.
Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.
4. Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh.
Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ. Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bâùt chấp trời đã tối đen. Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh. Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.
Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con".
Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng".
B. Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.
Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.
Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời. Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú me. Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách. Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ. Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường. Người ở bên ngững cuộc đời bế tắc không lối thoát.
Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người. Hãy khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người. Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào. Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.
Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.
Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn. Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.
TRUYỀN TIN 2016
Anh chị em thân mến
Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính một trong những biến cố quan trong nhất trong lịch sử ơn cứu độ. Biến cố sứ thần của Thiên Chúa truyền tin cho Đức Maria Mẹ của chúng ta.
Nói về Đức Mẹ như lời thánh Bernađô thì "chẳng bao giờ cho đủ". Mỗi lần nói về vai trò của Đức Mẹ trong công trình cứu chuộc của Chúa thì chúng ta thường hay nghĩ đến cách thức Chúa thực hiện những việc lạ lùng nới con người của Đức Mẹ hơn là nghĩ đến những yếu tố đặc biệt khiến Đức Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn. Thậm chí chúng ta còn thấy nhiều nhà tu đức còn cho là Thiên Chúa luôn có quyền làm theo ý muốn của mình. Họ cho rằng việc Thiên Chúa chọn một người phụ nữ quê mùa, nghèo khó để làm Mẹ Thiên Chúa là cốt ý để làm bẽ mặt những kẻ quyền thế, giầu có sang trọng ở trong thế gian.
Tôi không phủ nhận ý kiến đó. Thế nhưng đối với tôi nếu chỉ nghĩ về Thiên Chúa như thế thì chưa đủ. Không phải lúc nào Thiên Chúa cũng hành động khác thường. Có những lúc Ngài cũng hành động theo những qui luật bình thường. Nói như thế là tôi muốn nói tới những lý do khiến Chúa đã đặc biệt để ý đến Đức Mẹ và tuyển chọn Ngài vào một công tác rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Người.
Thế thì Đức Mẹ đã có những yếu tố nào để Thiên Chúa làm như thế?. Tôi thấy nơi Đức Mẹ có hai nhân đức rất quan trọng này:
Trước hết đó là lòng kính sợ Thiên Chúa
Thứ đến là sự khiêm nhường.
a - Lòng kính sợ Thiên Chúa.
Sách khôn ngoan nói : “Lòng kính sợ Thiên Chúa là đầu mối của mọi sự khôn ngoan" Lòng kính sợ Thiên Chúa nơi Đức Mẹ được biểu lộ ra trong nhiều trường hợp nhưng đặc biệt được biểu lộ ra một cách rõ rệt trong hai trường hợp này.
+ Trước hết vì lòng kính sợ Thiên Chúa cho nên Đức Mẹ không dám làm những gì mất lòng Người. Thí dụ như trong biến cố truyền tin hôm nay. Đức Mẹ chỉ chấp nhận lời đề nghị của sứ thần Grabriel khi biết chắc việc thụ thai là do quyền lực của Chúa Thánh Thần.
+ Thứ đến là Đức Mẹ luôn sẵn sàng thi hành mọi mệnh lệnh của Thiên Chúa.
Trong việc đưa Hài nhi Giêsu trốn qua Ai cập.
Trong việc đưa Chúa Giêsu trở về.
Nhất là theo Chúa Giêsu lên đến đỉnh đồi Golgôtha.
b - Đức tính đặc biết thứ hai của Đức Mẹ đó là lòng khiêm nhường.
Các nhà tu đức học đều coi "Khiêm nhường là đức nền tảng của mọi nhân đức". Sự khiêm nhường của Đức Mẹ được biểu lộ rất rõ nét qua hai sự việc này:
- Đức Mẹ đã biết nhìn nhận thật rõ về con người của mình. Khác hẳn với Eva thuở xưa trong vườn địa đàng, tuy chỉ là con người mà cứ tưởng mình ngang tầm với Thiên Chúa. Đức Mẹ là Eva mới dù được Thiên Chúa đặc biệt ưu ái tuyển chọn lên bậc "quân vương" làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu thế nhưng Đức Mẹ vẫn chỉ xưng mình là một tôi tớ không hơn không kém……
- Đức Mẹ nhìn nhận tất cả những gì mình có được đều là do Thiên Chúa.
"Người đã đoái thương nhìn tới phận nữ tì hèn mọn"
" Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả"
Vâng tất cả là bởi Thiên Chúa .
"Thiên Chúa đã hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm nhường.
Thiên Chúa đã ban đầy dư cho nhũng kẻ nghèo, còn người giầu có thì Người đuổi về tay không.
Phải có một lòng khiêm nhương thật thẩm sâu thì mới có thể thấy hết được những sự thật đó. Thái độ của Đức Mẹ khác hẳn với thái độ của Eva thuở xưa. Evà thuở xưa có được một chút quyền hành Thiên Chúa ban cho trong công việc canh giữ và làm chủ vườn điạ đàng đã tưởng mình là quan trọng, thậm chí có lúc còn tưởng là Thiên Chúa như muốn ghen tương với mình. Thật là kiêu ngạo.
Trong thi tập: “Người Làm Vườn”, thi hào Tagore của Ấn Độ đã ca ngợi người đàn bà như sau:
Hỡi người đàn bà! Người không chỉ là tuyệt tác của Thượng Đế. Người còn là công trình của con người. Chính con người vẫn mãi mãi tiếp tục tô điểm cho người bằng tâm tình của họ.
Các thi sĩ dệt cho người một mạng lưới của những vần thơ óng ả.
Các hoạ sĩ mặc cho người một chiếc áo choàng bất tử.
Biển khơi dâng hiến cho người ngọc ngà châu báu.
Người thợ mỏ mang vàng đến cho người.
Người làm vườn ôm ấp vỗ về người bằng muôn hoa cỏ đồng nội. Khát vọng của lòng người đã trải dài vinh quang của họ trên tuổi xuân của người. Hỡi người đàn bà! Người một nữa là đàn bà một nữa là mộng mơ.
Anh chị em thân mến.
Những vần thơ trên đây đáng được dành riêng để ca tụng Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Mẹ Maria tuyệt mỹ, bởi vì Mẹ giống Chúa Con. Mẹ giống Chúa Con là bởi vì cả cuộc sống lúc nào Mẹ cũng tuân theo thánh ý Chúa. Trước khi được liên kết với Chúa Giê-su bằng máu mủ ruột thịt, Mẹ đã được liên kết với Ngài bằng hai chữ “xin vâng”.
Lạy Mẹ, chúng con thật hạnh phúc vì được gọi Mẹ bằng chính âm thanh mà chính Chúa Giêsu đã từng gọi trong suốt cuộc đời của Ngài. Mẹ được Chúa Giê-su gọi bằng mẹ không những vì đã sinh ra Chúa mà còn bởi vì Mẹ đã sống vâng phục như Thiên Chúa như chính Con của Mẹ.
Xin mẹ hãy phù giúp chúng con biết nhìn ngắm Mẹ và nhờ đó mỗi ngày một trở nên giống Con Mẹ hơn. Amen.
THỨ HAI TUẦN 2 PHỤC SINH
Ga 3,1-8.
Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật ông:
không ai có thể vào Nước Thiên Chúa,
nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí." (Ga 3,5)
1. Phụng vụ hôm nay dùng cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô để nói về Bí tích Rửa Tội (Trong bài Tin Mừng hôm nay được gọi là Bí tích Tái sinh).
Chúa xác định một cách hết sức rõ rệt: cần thiết phải sinh lại.
“Thật, tôi bảo cho các ông biết: Nếu ai không sinh lại bởi ơn trên thì chẳng thấy được Nước Thiên Chúa" (Ga 3,3). Việc “Sinh lại” ở đây không được hiểu theo nghĩa thể lý: “Một người đã già làm sao có thể sinh lại? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?" (Ga 3,4) mà phải hiểu theo nghĩa thiêng liêng: “sự gì sinh bởi huyết nhục thì là huyết nhục, và sự gì sinh bởi Thần Linh thì là Thần Linh" (Ga 3,6).
Như vậy, người Kitô giáo có hai lần sinh ra. Một sinh ra làm con người và một sinh lại để trở thành con Thiên Chúa.
Để được thành con người chúng ta đã phải cố gắng. Maurice Zundel đã viết: “Chúng ta không sinh ra đã thành con người (…) Con người có bổn phận phải thành người.”
Sách Tin Mừng nói “phải sinh lại”, sinh lần thứ hai để trở thành con Thiên Chúa. Làm người đã là khó; làm con Thiên Chúa chắc là phải khó hơn.
Để trở thành con Thiên Chúa, con người phải được sinh ra bởi nước và Thần Khí.
Đây là một cuộc tạo dựng mới. Với quyền năng của Thiên Chúa, Thần Khí đã tạo dựng nên con người mới: con người trở thành con Thiên Chúa.
2. Bí tích Rửa tội cho tôi sinh lại, để tôi thành con của Chúa. Nhưng “làm con Chúa” chỉ mới như một hạt giống, tôi cần phải vun trồng cho nó phát triển thành cây. Với thời gian, nhiều khi tôi bị người “con của thế gian” chèn ép khiến hình ảnh của Thiên Chúa nơi tôi trở nên èo uột, méo mó. Bởi vậy, tôi cần phải sinh đi sinh lại mãi cho đến khi tôi được trở nên đồng hình dồng dạng với Chúa.
Bên Mỹ có một cuốn phim với tựa đề là: “Người Mưa” được tung ra thị trường phim ảnh Hoa Kỳ mấy năm trước đây. Mục đích của cuốn phim này là muốn người ta thấy con người có thể trở nên tốt như thế nào.
Một gia đình kia có ba người: người cha và hai người con. Hai người con thì một người tên là Charley và còn người kia tên là Raymond. Tuy là hai anh em nhưng họ không biết nhau. Người anh tên là Charley là một thương gia giàu có, còn Raymond, người em thì bị tàn tật từ nhỏ. Charley không hề hay biết mình có người em tên là Raymond và hơn nữa lại là một người tàn tật mãi cho đến ngày cha của hai người qua đời. Cái chết của người cha đã đánh dấu một khúc rẽ mới trong đời sống của hai anh em. Trước khi nhắm mắt lìa đời, trong tờ di chúc, người cha đã ký lại cho Raymond, người con tàn tật một số tiền khổng lồ là 3 triệu mỹ kim, còn Charley thì được thừa kế một ngôi biệt thự rộng lớn. Charley rất ngạc nhiên trước lời trăn trối của người cha, và kể từ ngày đó anh tìm đủ mọi mưu kế, học mọi thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền của em. Anh lý luận: dầu sao đi nữa, em mình là một người tàn phế như thế làm sao có thể tiêu xài hết một số tiền lớn như vậy. Charley nghĩ như thế là để bào chữa cho lòng tham của mình chứ thực sự thì Charley đâu có quan tâm gì đến em mình.
Cuốn phim được tiếp diễn với nhiều thủ đoạn, những mưu mô khôn khéo để chiếm cho bằng được số tiền đó. Nhưng trớ trêu thay, chính những bận tâm ấy đã làm cho Charley luôn nghĩ tới người em hơn là bản thân mình. Anh nhận ra rằng, đây là lần đầu tiên anh biết quan tâm lo lắng cho người khác. Và anh cũng bắt đầu ý thức thêm rằng, anh đang quên mình đi để nghĩ đến người em, anh đang chết dần cho bản thân mình và chỉ nghĩ đến người em đáng thương ấy. Và thật không ngờ khi anh làm như thế thì anh bắt đầu cảm thấy tình yêu của anh đối với người em được thay đổi. Lúc đầu thì toàn là những tính toán ích kỷ nhưng dần dần được thay thế bằng lòng yêu thương thật sự đối với đứa em tàn tật của anh. Bây giờ thì anh không còn nghĩ đến việc chiếm hữu số tiền do người cha di chúc để lại cho em mình nữa, mà anh chỉ nghĩ đến việc lo lắng chăm sóc cho đứa em tật nguyền của mình. Anh đã trở thành một con người mới, một con người trọn vẹn hơn vì anh đã biết sống với người em của anh như là người em thực sự, con cùng một cha chứ không phải là đối thủ để anh trục lợi và khai thác.
Vâng, phép Rửa tội cũng làm một việc tương tự như thế, biến chúng ta sẽ trở thành người con của Thiên Chúa và khi đã được trở thành những người con của Thiên Chúa, chúng ta có bổn phận phải sống với nhau như anh em trong cùng một gia đình của Thiên Chúa Cha trên trời.
Lạy Chúa, xin biến đổi con
Để con trở thành một tạo vật mới theo hình ảnh Chúa. Amen.
THỨ BA TUẦN 2 PHỤC SINH
Ga 3,7b-15
"Như ông Môisen đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời." (Ga 3,14-15)
1. Hôm qua, chúng ta thấy Chúa Giêsu đòi hỏi phải tái sinh. Hôm nay, Chúa giải thích tái sinh hay sinh lại là sinh như thế nào.
Khi Nicôđêmô hỏi: “Việc ấy xảy ra thế nào được?" (Ga 3,9).
Chúa Giêsu trả lời là nhờ tác động của Thánh Linh “Gió muốn thổi đâu thì thổi…mọi kẻ sinh bởi Thánh Linh cũng vậy” và nhờ tin vào Chúa Giêsu “không ai lên trời được ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời" (Ga 3,13).
“Tái sinh là cởi bỏ con người cũ, là trở thành như trẻ thơ, là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, là khước từ ý muốn tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình”. (Mỗi ngày một tin vui)
Tái sinh chẳng khác gì một qui luật đòi buộc con người phải thoát ra khỏi con người cũ của mình. Không chịu thoát ra, nghĩa là không đi vào con đường tự hủy thì không thể có việc tái sinh.
Có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong một mảnh đất màu mỡ.
Hạt giống thứ nhất tâm sự: "Tôi muốn lớn lên. Tôi muốn cho rễ của tôi bén sâu dưới lòng đất và cho mầm sống của tôi vượt qua cái lớp vỏ cứng cỏi của mặt đất...Tôi muốn phô trương những cái nụ của tôi như những biểu hiện báo hiệu một mùa xuân đang tới. Tôi muốn đón nhận sự ấm áp của mặt trời trên tôi và hứng lấy những lời chúc lành của những giọt sương mai trên những cánh hoa của tôi".
Thế là hạt giống đó bắt đầu triển nở.
Hạt giống thứ hai nói: "Tôi rất lo sợ, nếu rễ của tôi đâm sâu, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì dưới lòng đất tối tăm kia. Nếu có gắng trồi lên mặt đất cứng cỏi kia, sợ rằng, mầm non của tôi sẽ bị gẫy dập...nếu nụ của tôi nở, có thể ốc sên sẽ đến ăn, và nếu tôi nở hoa, có thể sẽ bị bàn tay của một em bé tinh nghịch nào đó nhổ lên khỏi mặt đất. Thôi, tốt hơn hết là tôi chờ cho đến khi nào thật an toàn, tôi mới bắt đầu triển nở.
Và hạt giống đó tiếp tục chờ.
Một chú gà mái đang vô tư bới đất tìm mồi, thấy hạt giống gần đấy, liền mổ một cách ngon lành và nuốt ngay vào bụng. Thế là hết đời một hạt giống.
David L. Weatherford đã nói rất hay: "Khi đối mặt với một thử thách nào đó, hãy tìm cách vượt qua nó chứ đừng tìm lối thoát". (Jack Canfield and Mark Victor Hansen, chicken)
2. Phải nói là con đường làm cho mình trở nên một con người mới là một con đường rất khó đi, nhưng chỉ khó với những ai thiếu niềm tin và thiếu ý chí, còn đối với những người có đức tin mạnh và một chí khí can cường, thì nhất định sẽ thành công.
Một hôm bà chị của thánh Thoma Aquinô hỏi một người:
- Phải làm gì để hưởng hạnh phúc đời đời?
Người ấy trả lời:
- Phải muốn được như thế.
Vâng! Đúng như vậy, trước hết là chính mình phải muốn, muốn một cách mạnh mẽ.
Khi thánh Phanxicô đệ Salê nghe tin thánh Phanxicô Xavie được phong thánh. Ngài nói:
- Đó là Phanxicô thứ ba được phong thánh. Tôi sẽ phải là thánh Phanxicô thứ bốn.
Và người đã giữ lời hứa và ngài đã trở thành thánh Phanxicô thứ 4 của Hội Thánh.
Phải muốn và đồng thời cũng phải dám hy sinh. Chính Chúa Giêsu cũng đã cho biết con đường theo Ngài là con đường hẹp!
Ông Francois Piza người hùng đã chiến thắng đất Pérou trong một cuộc thám hiểm. Trong khi đi thám hiểm, có lúc phái đoàn của ông đã bị đặt vào một hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Vì không chịu được những gian nan trước mắt, đám thủy thủ đã nổi dậy đòi ông phải quay trở về, nhưng Piza trả lời:
- Phía bắc con đường chúng ta đang đi là một cuộc sống dễ dàng và không nguy hiểm. Đi theo hướng đó chúng ta sẽ thất bại và khổ sở. Trái lại, nếu hướng về phía nam, chúng ta sẽ phải cắn răng chịu đựng những khó khăn, đương đầu với những thách đố, cam chịu những thiếu thốn, nhưng thành công, hạnh phúc, giàu sang, vinh hiển sẽ tiếp đón chúng ta. Vậy, các anh hãy tự chọn con đường đi.
Gần hết đám thủy thủ đã chọn con đường phía bắc quay trở về. Chỉ có 12 người biết theo con đường Piza đã vạch. Và 13 người can đảm ấy, sau những ngày gian nan khốn khó, cay đắng trăm bề, tất nhiên là phải chịu nhiều thiếu thốn, nhưng họ vẫn không chịu lùi bước trước khó khăn, và cuối cùng họ đã thành công.
Trước khi phát minh ra bóng đèn tròn, Thomas Edison đã phải tiến hành hơn 2.000 cuộc thử nghiệm. Một phóng viên trẻ hỏi về cảm giác của ông sau khi thất bại quá nhiều lần như vậy. Ông nói: "Tôi chưa bao giờ thấy mình thất bại, dù chỉ một lần. Tôi phát minh ra bóng đèn tròn. Quá trình phát minh này có đến 2.000 bước!"
Con đường vinh quang trần thế mà đã phải trả giá như vậy, thử hỏi con đường vinh quang Nước Trời còn phải được trả giá cao hơn như thế nào.
THỨ TƯ TUẦN 2 PHỤC SINH
Ga 3,16-21
"Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án;
nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi,
vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa."
(Ga 3,18)
1. Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về việc tái sinh: hôm nay nói về hậu quả của việc sinh lại.
Chịu sinh lại thì được cứu độ; không chịu sinh lại thì phải hư mất tức là “bị luận phạt”.
Thực ra, khi cho Con mình xuống thế gian, Thiên Chúa không hề muốn “Luận phạt” thế gian “để cho hư mất, mà chỉ muốn cứu thế gian.”
Nhưng thế gian cũng phải góp phần của mình: ai tin vào Chúa Con tức là chịu “sinh lại bởi đức tin” thì được cứu; kẻ không tin tức không chịu sinh lại thì “bị luận phạt” (hư mất).
Dĩ nhiên, được cứu thì tốt hơn là bị hư mất. Sống trong ánh sáng thì hạnh phúc hơn sống trong tăm tối. Thế nhưng, cũng giống như một người đang bị chìm muốn được cứu sống thì tối thiểu phải đưa tay cho người trên bờ kéo mình lên, người muốn sáng thì phải rời bỏ tối tăm để bước tới nguồn sáng.
Tại Florence thuộc nước Italia, có một ngôi đại giáo đường, được kiến trúc rất đặc biệt. Ngôi đại giáo đường này có một vòm cầu lớn. Trên vòm cầu này có một lỗ nhỏ được ghép kính.
Kiến trúc sư vẽ kiểu ngôi đại giáo đường này, đã khéo léo tính toán thế nào, để cứ đến ngày 21 tháng 6 hàng năm, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu vào lỗ nhỏ kia, rồi dọi xuống một miếng bạc, được ghép ở dưới nền giáo đường.
Người ta chỉ cần nhìn vào ánh sáng chiếu xuống từ mặt trời, qua lỗ nhỏ trên vòm cầu kia, rồi dọi xuống nền giáo đường là biết được độ nghiêng của ngôi giáo đường để sửa chữa, vì ngôi đại giáo đường này được xây trên một khu vực mà trước đây là vùng xình lầy.
Trong ngày thứ bảy tuần thánh, Chúa Giêsu được Giáo Hội tuyên xưng là ánh sáng thế gian. Ánh sáng Giêsu đã được Thiên Chúa Cha chiếu vào thế gian để soi đường chỉ lối cho con người.
Thế nhưng, theo như lời của Thánh Gioan, thì thế gian đã không chịu tiếp nhận ánh sáng đó, mà trái lại còn xua đuổi. Lý do nào khiến thế gian ghét ánh sáng thì Thánh Gioan đã cho biết trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Vì họ sợ những việc làm của mình bị khiển trách”. Tại sao lại sợ? Thưa, vì việc làm ấy xấu xa. Giống như ánh sáng mặt trời dọi xuống xuyên qua lỗ hổng, chiếu xuống miếng bạc được bố trí trên nền nhà thờ, làm cho người ta nhận ra được độ nghiêng của ngôi nhà thờ như câu chuyện kể trên, thì ánh sáng Giêsu chiếu dọi vào thế gian cũng làm cho con người thấy được những sai quấy của mình như thế.
Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Nhật Nguyệt tuy minh, nan chiếu phúc bồn chi hạ” (Mặt trời mặt trăng tuy có sáng nhưng khó mà chiếu vào chiếc chậu úp). Ánh sáng của mặt trời cũng như ánh sáng Giêsu, tuy sáng và có đó, nhưng nếu người ta không chịu tiếp nhận thì cũng vô ích, nó cũng giống như ánh sáng chiếu vào một chiếc chậu úp thôi.
2. Điều còn lại ở đây là chúng ta có đủ nhạy cảm để nhận ra ánh sáng đó hay không.
Một nhà thám hiểm Tây Phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã cạn khô. Ông lê từng bước chân mệt mỏi trên cát. Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người Phương Tây, ông tự nghĩ: "Đây chỉ là một ảo ảnh, trong thực tế, giữa chốn sa mạc khô cằn như thế này làm gì có nước và cây cối". Nghĩ như vậy, ông tuyệt vọng lê bước. Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ bắt gặp một xác người. Một người thốt lên:
- Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này?
Nhưng người bạn kia lắc đầu giải thích:
- Ông ta là một người Phương Tây. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng.
Có nhiều người trong chúng ta cũng như vậy.
Hẳn anh chị em còn nhớ câu chuyện người mù ở trong Tin Mừng. Đứng trước một sự thật rõ ràng như ban ngày vậy mà những người Pharisêu vẫn tìm cách bẻ cong sự thật. Chúa Giêsu đã phải rất buồn về thái độ ấy nên Ngài đã nói: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!" (Ga 9,39).
Những người Pharisêu đang ở đó với Đức Giêsu nghe vậy, liền lên tiếng: "Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?" (Ga 9,40) Đức Giêsu bảo họ: "Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn!" (Ga 9,41).
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết yêu sự sáng và hãy cam đảm bước đi trong ánh sáng để cho ánh sáng soi đường cho ta. Đó là một cách để được sinh lại: không còn là con của tối tăm nữa, mà từ nay sẽ là con của ánh sáng.
THỨ NĂM TUẦN 2 PHỤC SINH
Ga 3,31-36
"Ai nhận lời chứng của Người,
thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật."
(Ga 3,33)
1. Đây là phần cuối của bài giáo lý về việc sinh lại: Chúa Giêsu trao trách nhiệm cho chính con người: mỗi người phải suy nghĩ và lựa chọn, rồi lãnh trách nhiệm về sự lựa chọn của mình: “Ai tin vào Người Con thì có sự sống đời đời, còn ai không tin vào Người Con thì không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ đè nặng trên người ấy”. (Ga 3,36)
Như vậy, từ đầu tuần đến hôm nay, Chúa Giêsu đã hết lời giải thích về sự cần thiết phải sinh lại, sinh lại làm sao, ích lợi của việc sinh lại thế nào và tai hại của việc không sinh lại ra sao… Hôm nay, Chúa đòi mỗi người phải quyết định và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình: Chúng ta có sẵn sàng sinh lại thành con người mới hay không?
Một cha xứ kia thấy một người mới tin vào Chúa Kitô nhưng lại mắc cái tật nghiện thuốc lá. Ngài đã khuyên ông ta nên bỏ thuốc vì hút thuốc rất có hại cho sức khoẻ. Thế nhưng, ông ta không chỉ nghe để mà nghe mà hơn nữa có lần ông ta còn cãi lại:
- Kinh Thánh không hề cấm hút thuốc.
Thấy vậy cha xứ chỉ biết cầu xin cho ông mà thôi.
Nhưng thật là lạ. Sau đó vài tháng thì cha thấy ông bỏ hẳn thuốc lá. Tò mò, ngài hỏi tại sao thì ông trả lời.
- Thưa cha có một đêm kia con chiêm bao thấy Chúa Giêsu đến thăm con. Khi Chúa bước vào nhà thì con đang phì phào thuốc lá. Con mời Chúa vô phòng khách. Trên bàn có gói thuốc lá con vừa mới mua.
Chúa Giêsu hỏi con:
+ Con đang làm gì đó?
- Dạ con ngồi nghỉ và hút thuốc cho đỡ buồn.
+ Sao con không mời ta hút thuốc?
Con vội vã trả lời:
- Dạ đâu được! Con hút thì được chứ Chúa hút thì coi sao được!
Chúa ôn tồn bảo con:
- Ta là mẫu người để con noi gương bắt chước. Con là môn đệ Ta thì con phải có tâm tình và hành động giống Ta chứ. Nếu con nghĩ Ta không nên hút thuốc, vậy tại sao con lại hút?
- Thưa Cha, con đã tỉnh dậy ngay và biết rằng, Chúa đã dùng giấc chiêm bao để dạy dỗ con. Bởi đó con đã quyết định bỏ thuốc, không bao giờ con hút thuốc nữa.
Đó là một cuộc tái sinh, sinh lại rất đẹp.
2. Maurice Zundel một nhà tu đức học nổi tiếng có nói: “Chúng ta không sinh ra đã thành người. Con người có bổn phận phải thành người. Sách Tin Mừng nói “phải sinh lại” lần sinh thứ hai để làm con Thiên Chúa: một người con có phẩm cách, có bản lãnh làm người, có mầm mống của sự trường tồn bất tử. Không có lần sinh này chúng ta không thể trở thành một con người trọn vẹn”. (Trích “sự hiện diện khiêm hạ”).
Một bà già 104 tuổi sống trong một căn hộ nhỏ tại Croydon. Khi bà được 100 tuổi, một nhà truyền giáo đến thăm và giải thích cho bà nghe đoạn Tin Mừng Gioan 3,16: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để ai tin người Con đó, thì khỏi phải chết và được sống đời đời”.
Bà đáp:
- Thật là tuyệt vời, Thiên Chúa thật tốt lành khi Ngài tha thứ cho tôi đã bỏ cả trăm năm không học biết Ngài.
Cuộc trở lại của bà được tạp chí London City Mission thuật lại và kết thúc bằng câu: “Sinh 1825. Sinh lại 1925” (Góp nhặt).
3. “Ai tin vào Người Con thì được sống đời đời" (Ga 3,36). Muốn sống đời đời phải biết gìn giữ ơn tái sinh.
Tại những khu rừng ở miền Bắc Âu, có một loài chồn rất đẹp. Vào mùa hạ, lông chồn màu nâu nhạt. Nhưng vào mùa đông, lông chồn bỗng đổi màu và mang sắc trắng như tuyết, trừ có đầu và đuôi chồn vẫn giữ nguyên màu đen. Có lẽ do một bản năng kỳ lạ nào đó, những con chồn này giữ gìn bộ lông đẹp đẽ của mình rất cẩn thận. Chúng không bao giờ để thân thể dính bụi đất dơ bẩn.
Những người thợ săn Âu châu đã biết được đặc tính kỳ lạ này. Do đó, thay vì đặt bẫy để bắt chồn, họ đi tìm những khe đá hoặc gốc cây nơi chồn cư ngụ, rồi bôi nhựa đường lên. Sau đó, họ thả chó ra để bắt đầu cuộc săn đuổi. Những con chồn bị đuổi vội chạy về chỗ ở. Nhưng khi thấy nơi ở của mình bị hoen ố, chúng không chịu vào ẩn núp. Chúng đành chịu đương đầu với nguy hiển và ngay cả sự chết, hơn là để thân thể hóa ra hoen ố…
Đối với giống chồn đẹp đẽ trên đây, sự trong sạch còn quí hơn cả mạng sống: Chúng sẵn sàng chiến đấu và chết hơn là để cho thân thể phải ra hoen ố.
Cuộc sống của người Kitô hữu chúng ta cũng phải như thế. Được tái sinh trong Đức Kitô Phục Sinh, mỗi người Kitô hữu chúng ta đã được khoác lên mình một chiếc áo trắng tinh tuyền. Chiếc áo trắng ấy, như lời khuyên của Giáo Hội trong ngày chúng ta chịu phép rửa, chúng ta phải mang nó tinh tuyền cho đến ngày ra trước mặt Chúa…
Lạy Chúa, Chúa đã thương cho chúng con được trở nên con của Chúa. Xin cám tạ ơn Ngài mãi mãi. Amen.
THỨ SÁU TUẦN 2 PHỤC SINH
Ga 6,1-15
Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói:
"Hẳn ông này là vị ngôn sứ,
Đấng phải đến thế gian!" (Ga 6,14)
1. Vâng! Sau khi Chúa đã giúp chúng ta tìm lại được địa vị làm con Thiên Chúa qua bí tích Rửa tội, bắt đầu từ hôm nay chúng ta được Chúa nói cho chúng ta về luơng thực Ngài ban cho chúng ta. Tôi muốn nói đến Bí tích Thánh Thể. Giáo Hội dựa trên bài tường thuật về phép lạ hóa bánh ra nhiều để nói về vấn đề này.
Phép lạ này được cả 4 quyển Tin Mừng ghi lại. Nhưng bài tường thuật của Gioan có nhiều chi tiết đặc biệt hơn:
Trước hết, Gioan xác định rõ nơi xảy ra phép lạ. Đó là phía Đông hồ Galilê, tức là vùng đất của lương dân. Tại vùng đất này mà “dân chúng theo Người đông lắm”, chứng tỏ lúc này uy tín và ảnh hưởng của Chúa Giêsu đang lên cao.
Gioan đã coi phép lạ này như một dấu chỉ giúp người ta hiểu về màu nhiệm Chúa Giêsu: Ngài chính là Bánh nuôi dưỡng sự sống trường sinh.
2. Dân chúng ngày xưa cũng như ngày nay luôn ở trong tình trạng đói khát: Đói khát lương thực, đói khát áo quần, đói khát thuốc men và sâu xa hơn nữa họ còn đói khát lẽ sống, đói khát chính sự sống thật mà chỉ có Chúa mới ban cho được.
Vâng, chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn được những khát vọng, nhất là những khát vọng sâu xa và thầm kín nhất nơi con người, vì Chúa là chính sự sống mà con người hằng mong đợi.
Tấm lòng của Chúa Giêsu thật lớn lao, thật không có gì sánh kịp. Chúa ban phát và ban phát không có giới hạn. Ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Tất cả được ăn no nê mà vẫn còn dư.
“Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý". (Ga 6,11)
Đọc lịch sử các thánh, tôi thấy thánh Gioan Don Bosco là một vị thánh có lòng sùng kính Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể một cách đặc biệt. Ngài đã rút ra được rất nhiều bài học từ bí tích này. Có lần ngài đã kể câu chuyện này cho các thiếu niên, con cái ngài yêu thương:
Một hôm, Chúa Giêsu gọi Phêrô và Gioan lại bảo hai ông cùng leo núi với Chúa.
Dọc đường, Chúa bảo hai ông mỗi người hãy mang theo cho Chúa một hòn đá. Phêrô suy nghĩ một lúc, rồi lặng lẽ nhặt một viên đá nhỏ bỏ vào túi. Gioan do lòng quảng đại tự nhiên, đã vác cả một tảng đá lớn. Đường dài, vác nặng, Gioan thở hổn hển, còn Phêrô vừa đi vừa huýt sáo thảnh thơi. Ông nói với Gioan:
- Sao anh nhọc công vác một tảng đá lớn như thế?
Chúa Giêsu nghe tất cả nhưng Ngài vẫn giữ thinh lặng. Khi lên đến đỉnh núi, Chúa muốn dạy cho Phêrô một bài học về lòng quảng đại. Ngài bảo hai môn đệ ngồi xuống rồi đọc lời chúc tụng và biến hai viên đá ra thành bánh mì mà ăn.
Phêrô tiu nghỉu vì viên đá của ông chỉ biến thành một mẩu bánh mì nhỏ không đủ xoa dịu cơn đói của ông.
Rồi một lần khác, Chúa Giêsu cũng lại gọi hai môn đệ Phêrô và Gioan leo núi với Ngài. Dọc đường Ngài cũng bảo hai ông mang đá theo. Với kinh nghiệm của lần trước, Phêrô liền đi tìm một tảng đá bự cồ để vác. Cố gắng hết sức Phêrô mới vác được tảng đá lên đến đỉnh núi. Ông chờ đợi Chúa Giêsu sẽ nói như lần trước để thưởng ông. Thế nhưng, lần này Chúa Giêsu chỉ nói với họ:
- Nào chúng ta hãy đặt những viên đá chúng ta vừa mang theo xuống đất, ngồi lên mà nghỉ một chút. Không phải lúc nào ta cũng biến đá thành bánh mì cả đâu!
Phêrô thấy xấu hổ, ông trách Chúa:
- Đúng là Thầy đã chơi khăm con!
Nhưng Chúa Giêsu bảo ông:
- Lòng quảng đại đích thực không có sự tính toán.
Chúa Giêsu đã làm phép lạ từ “5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé dâng cho Ngài”. Phải nói rằng, em bé trong câu chuyện hôm nay là tấm gương cho mọi người về lòng quảng đại. Đúng là em đã không tính toán một chút nào khi em dâng cho Chúa 5 chiếc bánh và 2 con cá. Em đã dâng cho Chúa tất cả, chẳng giữ lại cho mình chút nào. Và Chúa Giêsu làm phép lạ biến bánh và cá ra nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá đó. Sau đó, mọi người đã được ăn no nê và thu lại được cả 12 thúng bánh vụn!
Công việc của Chúa quả là hết sức đặc biệt và ở đây chúng ta phải nhận rằng, việc Chúa làm còn quảng đại hơn nhiều, không phải chỉ với phép lạ hôm nay mà còn trong suốt lịch sử của loài người.
Lòng quảng đại đích thực không có sự tính toán.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nhận được niềm vui của sự trao ban.
Với Chúa, xin cho chúng con biết dâng trọn tấm lòng vâng phục, phó thác tri ân.
Với mọi người, xin cho chúng con luôn biết sống quảng đại, hy sinh, cảm thông, và tha thứ để chúng con hiểu được rằng, biết quảng đại trao ban như Chúa là một niềm hạnh phúc cho chúng con.
THỨ BẢY TUẦN 2 PHỤC SINH
Ga 6,16-21
Nhưng Người bảo các ông:
"Thầy đây mà, đừng sợ!"
(Ga 6,20)
1. Một chuyện nhỏ được xen vào đơn vị hóa bánh ra nhiều: Chúa Giêsu đi trên mặt nước.
Chúa Giêsu để các môn đệ thực hiện một cuộc hành trình trên biển một mình lúc trời tối. Đang lúc họ chơi vơi ở giữa biển thì cuồng phong nổi lên và biển động mạnh. Các môn đệ hoảng sợ. Và chính lúc đó, Ngài đến với họ. Gặp họ, Chúa nói ngay “Chính Thầy đây, đừng sợ" (Ga 6,20). Khi nói thế, Chúa muốn dạy họ một lúc hai điều: con người rất yếu ớt mỏng dòn, con người cần sự che chở của Chúa.
Chúa cho câu chuyện này xảy ra ngay sau phép lạ hóa bánh nhiều nhằm dạy cho các môn đệ biết rằng, Chúa Giêsu chẳng những có thể ban lương thực cho con người, mà còn ban cả sức mạnh tinh thần và sự che chở an toàn cho con người nữa.
2. Trong Thánh Kinh, câu “đừng sợ” được nói 365 lần. Tức là đủ để chúng ta nhắc lại mỗi ngày trong suốt một năm.
Nhà truyền giáo Moody kể: Ở làng tôi, bên New England, có một truyền thuyết nói rằng, hễ ai giật được bao nhiêu tiếng chuông thì sống được bấy nhiêu tuổi. Khi tôi giật được 70 hay 80 tiếng chuông, tôi sung suớng nghĩ rằng, mình sẽ sống đến tuổi đó. Nhưng mấy năm sau tôi vẫn mơ hồ sợ chết. Sự chết và phán xét ám ảnh tôi rất lâu, mãi cho tới khi tôi biết phó thác đời mình trong tay Chúa Giêsu Kitô, như một người con của Chúa. (Góp nhặt).
Khi Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Chính Thầy đây, đừng sợ!" (Ga 6,20). Chúa muốn mọi người hãy biết tin tưởng vào Chúa.
Một ghềnh đá nằm trên một ngọn núi cao được gia đình chim phượng hoàng chọn làm nơi xây tổ đẻ trứng và ấp con. Từ ghềnh đá này người ta có thể nhìn thấy bao quát cảnh vật chung quanh.
Thấm thoát thời gian trôi nhanh, chim phượng hoàng mẹ nhìn con và nói
- Đã đến lúc các con phải tập bay.
- Bay như thế nào? Ba chiếc mỏ non nớt cùng cất tiếng hỏi:
Chim mẹ trả lời:
- Các con phải đi ra mép ghềnh đá rồi buông mình rơi xuống và vỗ cánh để gió nâng các con lên.
Ba chú chim con ngơ ngác nhìn nhau với những ánh mắt đầy lo sợ. Tuy thế chúng cũng vâng lời mẹ đi ra mép ghềnh đá nhìn xuống vực thẳm, nhưng rồi lại vội vàng quay trở về chui vào tổ tìm sự an toàn.
Ngày hôm sau, chim phượng hoàng mẹ cũng lặp lại lời nói hôm qua:
- Đã đến lúc các con phải tập bay.
Một chú chim con sợ hãi nói:
- Vực thẳm sâu quá!
Con khác tiếp lời:
- Chúng con sẽ phải rơi xuống tan xác mất thôi.
Và con thứ ba thú nhận:
- Chúng con sợ quá, mẹ ơi!
Nhưng chim phượng hoàng mẹ nói như ra lệnh:
- Hãy đi ra bờ vực thẳm!
Thấy đàn con không nhúc nhích, phượng hoàng mẹ nói giọng cương quyết hơn:
- Hãy đi ra mép ghềnh đá, đừng sợ!
Theo lệnh mẹ, ba chú chim con chậm rãi bỏ tổ tìm ra mép ghềnh đá. Chim mẹ nhẹ nhàng dùng mỏ đẩy ba con đi nhanh hơn. Đến nơi, một con can đảm nhảy xuống vực thẳm và tung cánh. Được gió nâng đỡ, nó vỗ những nhịp cánh đầu tiên và bay trong bầu trời cao rộng.
* Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ thuở xưa: “Thầy đây đừng sợ”. Hôm nay Chúa cũng muốn nói với chúng ta như thế.
Đây là một cuộc đối thoại được trích trong tác phẩm "Về Miền Đất Hứa" của Léon Uris trang 356-357, xuầt bản tại Sàigòn 1975 kể lại:
Năm 1884, Josi Rabbinsky, 16 tuổi và em là Yakov 14 tuổi, có ý định đi bộ từ Nga về Palestine. Họ trình bày kế hoạch cho vị Rabbin:
- Kế hoạch của chúng con như sau: Chúng con sẽ đi thẳng xuống phía Nam, băng qua xứ Caucase để sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Vị Rabbin giơ hai tay lên trời:
- Điên rồ! Không thể thực hiện được! Các con quả thực nghĩ tới việc đi bộ ba ngàn cây số giữa mùa đông, leo qua những ngọn núi cao năm ngàn thước, không một chút giấy tờ, qua những vùng hoàn toàn chưa bao giờ biết, và với cảnh sát đuổi theo sau lưng sao?
Yakov tiến lên một bước, nhìn vị Rabbin bằng con mắt đầy cuồng nhiệt và cất tiếng đọc:
- Con đừng sợ hãi gì cả vì Ta ở với con. Ta sẽ cho gieo mầm của con về phía Tây, về phía Đông. Ta sẽ truyền cho miền Bắc giải phóng con, truyền cho Miền Nam không được giữ con, để sau cùng Ta đưa các con dân của Ta ở tận các miền xa, ở tận cùng thế giới, trở về”.
Bài giảng đầu tiên khi vừa lên ngôi Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô cũng được mở đầu bằng hai từ “Đừng sợ”.
Vâng, kính thưa anh chị em. Chúa của chúng ta đã chiến thắng tất cả rồi. Không còn một lý do nào để chúng ta phải sợ nữa. Hãy can đảm sống và làm chứng cho Ngài. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo
-
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi