Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 30 Thường Niên B

Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 30 Thường Niên B

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN - B
Lời Chúa: Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52

 

Mục Lục
1.  Đôi mắt
2.  Xin cho con được sáng
3.  Người môn đệ đích thực
4.  Ánh sáng và bóng tối
5.  Nhìn cái tốt

 


1.  Đôi mắt

Phân tích

Liền sau chuyện Giacôbê và Gioan xin địa vị ưu tiên trong “nước” Chúa Giêsu sắp thành lập, Mc viết tiếp chuyện anh Bartimê như để “sửa lưng” các môn đệ. Bartimê là tấm gương cho tất cả những ai muốn “thấy” Chúa Giêsu thực sự là ai và thực lòng muốn “đi theo” Ngài.

   - Mặc dù mù, nhưng anh tha thiết “xin cho tôi được thấy”, và cuối cùng anh đã thấy. Khi thấy rồi, anh còn “đi theo” Chúa Giêsu lên Giêrusalem (ở đó Ngài sẽ chịu nạn chịu chết và sống lại).

   - Trước đó, khi được Chúa Giêsu gọi, anh đã từ bỏ (“liệng áo choàng”), thay đổi nếp sống (từ “ngồi ở vệ đường” đến “đứng dậy”), quy hướng về Chúa Giêsu (“nhảy đến với Chúa Giêsu”).

Suy niệm

1. “Xin cho con được thấy”: Đây cũng là lời cầu xin của các tín hữu trong cộng đoàn của Mác-cô. Họ đang sống trong một thời kỳ bị bách hại, nghị kỵ và khinh miệt. Họ không biết phải sống như thế nào. Họ xin Chúa cho họ thấy con đường mà họ phải sống và đi theo Ngài. Một phần nào đó, tôi cũng không biết phải sống thế nào trong hoàn cảnh hiện tại của tôi. Tôi hãy mượn lời anh Bartimê để cầu xin với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con được thấy”.

2. “Nhiều người mắng anh… Người ta gọi anh mù và bảo ‘Hãy vững tâm đứng dậy. Ngài gọi anh đó”: Tha nhân có khi là cản trở, có khi là trợ lực giúp ta đến với Chúa. Xin Chúa giúp con, khi bị tha nhân cản trở, vẫn cương quyết một lòng hướng về Chúa; và khi được tha nhân trợ lực, con càng tiến đến Chúa cách tích cực hơn.

3. “Mỗi năm một lần vào mùa xuân, những sức mạnh ẩn mình của trái đất bỗng bừng dậy. Hoa nở, lá cây đâm chồi, cỏ mọc, lúa vươn lên… Sức sống mà Thiên Chúa dấu ẩn bấy lâu trong lòng đất bỗng đột ngột vươn dậy. Vài tháng trước đó, nếu không có kinh nghiệm của những mùa xuân đã qua, thì có ai mà ngờ sẽ thấy được cảnh sống lại huy hoàng của thiên nhiên như vậy. Đối với mùa xuân vĩnh cửu cũng thế. Có nhiều điều rất kỳ diệu tự ta không thấy nhưng Chúa có thể cho ta thấy… Lạy Chúa, xin mở mắt con”

4. Lời kể của một bà mẹ:
Tôi có một đứa con mù từ lúc mới sinh. Khi cháu được 20 tháng, lần đầu tiên tôi đưa cháu đến một siêu thị. Cứ vài bước, nó lại dừng lại để lắng nghe những tiếng động chung quanh: tiếng chân của những người đi bộ, tiếng xe chạy, tiếng chim đang hót, tiếng gió mát từ xa thổi đến…

Trên đường về, tôi nhận thấy con tôi vui vẻ rộn rã hơn bao giờ hết. Nụ cười của nó nói với tôi rằng buổi sáng hôm đó là buổi sáng đẹp nhất đối với nó vì nó đã khám phá được những điều mới mẻ kỳ diệu.

Riêng tôi, tôi tự hỏi: con tôi và tôi, ai thực sự là kẻ mù loà?

5. “Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy tới gần Chúa Giêsu. Người hỏi: Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh mù đáp: Thưa thầy, xin cho con nhìn thấy được”. (Mc 10,50-51)

“Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”

Mắt là cảm hứng cho thi sĩ làm thơ, cho nhạc sĩ viết nên cung đàn. Mắt là hồn thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương và nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng đẹp. Trái lại khi nói vế mắt, Phúc Âm lại nói về đôi mắt mù. Mù đôi mắt thân xác đã bất hạnh, còn mù đôi mắt tâm hồn lại là một bất hạnh lớn. Mù đôi mắt tâm hồn là “mù” mà không chấp nhận mình “mù”, vì nghĩ rằng mình vẫn sáng suốt để nhận ra Chúa. Nhưng đâu ngờ, đằng sau đôi mắt ấy, có thể chỉ là một màn đêm lạnh lẽo. Một tâm hồn trống trải, buồn tênh. Chẳng buồn nghe và thực thi lời Chúa nữa.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt tâm hồn con vì con cần được khai mở để nhận ra Chúa và bước theo Ngài là Đường, là sự thật và là sự sống của con .

2.  Xin cho con được sáng

Ông Bob Evans, bị mù từ lúc mới sinh. Năm 50 tuổi ông đi giải phẩu mắt và nhờ kỹ thuật tối tân của y khoa, mắt ông đã được sáng và ông đã nhìn thấy lần đầu tiên trong cuộc đời.

Phản ứng của ông rất khác thường. Cả thế giới của ông thật sự đaơ thay đổi. Trong một cuộc phỏng vấn ông đã chia sẻ sự vui mừng của ông như sau: "Tôi nóng lòng không thể chờ đợi để thức dậy và nhìn những gì tôi có thể nhìn thấy. Đó là một sự lạ lùng nhất trên thế gian. Khi đêm về tôi nhìn lên những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời... Tôi cảm thấy như lúc nào mình cững được bay bổng. Các bạn không thể hiểu được tất cả mọi sự đẹp đẽ lạ lùng như thế nào?"

Có lẽ cảm nghiệm của ông Bob Evans phần nào cũng là cảm nghiệm của anh mù Batimê trong bài Phúc Âm hôm nay.
Vì bị mù nên cuộc sống của anh là cả một chuỗi đêm dài thật đen tối. Anh không thể đi làm kiếm tiền nuôi mình. Anh phải cậy dựa vào lòng tốt và lòng quảng đại của những người qua đường để kiếm ăn. Anh rất là khổ sở. Chúng ta thử tưởng tượng nếu mình bị mù thì sẽ cảm thấy mất mát như thế nào?

Nhận biết sự đau khổ của kẻ mù lòa, khi anh nghe thấy Chúa Giêsu là người có thể cứu giúp mình sắp đi qua, anh đã không màng chi tới sự xua đuổi coi thường của đám đông. Anh la lớn để kéo sự chú ý của Chúa Giêsu. Anh tha thiết kêu nài Chúa và tin tưởng chắc chắn lòng thương xót của Chúa sẽ ban cho anh một ơn anh đã mong muốn từ lâu. Đó là ơn được mở mắt để nhìn thấy ánh sáng. Khi bàn tay chữa lành của Chúa Giêsu động đến anh, mắt của anh đã mở ra và một thế giới mới mở ra trước mặt. Anh rất vui mừng. Anh đã biết ơn Chúa và đi theo Chúa.

Ơn sáng mắt là một ơn rất quí hóa. Đó là một ơn Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không. Nhưng nhiều khi chúng ta lại dễ coi thường, không để ý cám ơn Chúa.

Chúa ban cho chúng ta có đôi mắt để nhìn những sự đẹp đẽ lạ lùng của Thiên Chúa. Tuy nhiên việc chúng ta có mắt không có nghĩa là chúng ta luôn luôn nhìn thấy điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Đôi mắt có ích gì cho chúng ta nếu chúng ta không nhìn ra bàn tay của Chúa, không nhìn ra những việc làm của Thiên Chúa trong cuộc sống.

Những người mù thể lý thì ý thức cách rất rõ ràng về sự khổ tâm và giới hạn của họ, nhưng những người bị mù tinh thần thì lại không. Nhiều người đi qua cuộc đời với đôi mắt mở to nhưng họ không hiểu được ý nghĩa của cuộc đời vì họ bị mù trong tâm hồn.

Có lẽ chúng ta không hoàn toàn mù tối tinh thần, nhưng có những điểm tối phần đông chúng ta không nhìn thấy được. Chẳng hạn những đam mê, tham vọng, hận thù, ghen ghét, kiêu căng có thể làm cho chúng ta mù tối không nhìn thấy sự tốt lành nơi tha nhân, và do đó đối xử thiếu tế nhị đối với bạn bè hay những người thân. Một số người chỉ nhìn thấy những điểm tối về người khác, chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, khuyết điểm mà không nhận ra những gì là can đảm, thánh thiện, xinh đẹp, và cao quí nơi người khác. Một số người mù tối về Giáo Hội thì chỉ nhìn thấy những khuyết điểm, những thiếu xót mà không nhận ra những ưu điểm, như ơn ích của các bí tích hay ích lợi của thánh lễ. Sự gian lận trong công việc làm ăn khiến chúng ta mù tối đối với đức công bình. Không bao giờ thỏa mãn với nhương gì chúng ta có và luôn luôn ham muốn những của cải vật chất là dầu chúng ta bị mù bởi lòng tham.

Nếu tiếp tục tự xét và kiểm điểm, chúng ta sẽ thấy mình có nhiều điểm tối. Sự mù tối tâm hồn hay tinh thần rất nguy hại cho chúng ta. Tất cả chúng ta đều là những nạn nhân của một vài hình thức mù lòa. Tuy nhiên để ý thức được điều đó và để bóc những cái vảy ra khỏi mắt, chúng ta hãy bắt chước gương của Batimê phải cầu nguyện luôn cho được thêm ánh sáng.

Chỉ có sự cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng thế gian, chúng ta mới có thể xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn và đem lại cho chúng ta sự sáng tinh thần thực sự. Chúa Giêsu cho biết Ngài có thể chữa bệnh mù và giải thoát chúng ta khỏi mò mẫm trong bóng đêm. Ước gì lời cầu nguyện của anh Batimê, lạy Chúa xin cho con được thấy là lời cầu nguyện luôn luôn ở trên môi miệng mỗi người chúng ta.

3. Người môn đệ đích thực

Với Chúa Giêsu, điểm cuối của chặng đường không còn bao xa nữa, Giêrikhô chỉ cách Giêrusalem mười lăm dặm, chúng ta phải cố gắng hình dung lại quang cảnh này. Con đường chính chạy qua Giêrikhô, Chúa Giêsu đang trên đường đi dự lễ Vượt Qua. Khi có một Rabi được trọng vọng thực hiện một hành trình như vậy, thường thường vị ấy vừa đi vừa thuyết giảng cho một đám đông người vây quanh, gồm dân chúng, các môn đệ, và những người muốn học hỏi đi theo để nghe. Đây là một trong nhiều cách dạy dỗ thông thường nhất. Theo luật pháp, tất cả những người do thái thuộc phái nam trên mười hai tuổi, ở cách Giêrusalem trong vòng mười lăm dặm, đều phải lên thủ đô để dự Lễ Vượt Qua. Dĩ nhiên điều luật này khó có thể tuân hành trọn vẹn và tất cả mọi người đều đổ về Giêrusalem. Số người không thể đi được thường có thói quen đứng dọc dài theo hai bên đường của các thị trấn hay làng mạc để chúc bình an khách hành hương đi qua đó. Vậy, bấy giờ chắc phải có nhiều người đứng dọc theo các đường phố Giêrikhô, có lẽ đông hơn thường lệ nữa, họ rất nôn nóng, hiếu kỳ, muốn xem mặt chàng thanh niên vùng Galilê đã có can đảm đứng lên chống lại sức mạnh tổng hợp của chính thống giáo. Giêrikhô có một điểm đặc thù. Có trên hai mươi ngàn người tư tế và một con số tương đương người Lêvi trực thuộc Đền Thờ. Họ không thể phục vụ một lúc trong Đền Thờ. Do đó, họ được chia thành hai mươi sáu phiên ban thay nhau phục vụ. Nhiều thầy tư tế và người lêvi trong số này thường trú tại Giêrikhô khi chưa đến phiên thứ phục vụ trong Đền Thờ. Hôm ấy, trong đám đông tại Giêrikhô hẳn cũng có nhiều người trong số họ. Vào dịp lễ Vượt Qua tất cả những người này đều có mặt phục vụ tại Đền Thờ. Đây là một cơ hội hiếm hoi mà mọi người đều có công tác. Nhưng nhiều người vẫn chưa chịu khởi hành. Họ còn nóng lòng gấp đôi dân chúng, mong được tận mắt trông thấy kẻ phản loạn sắp xâm chiếm Giêrusalem. Cho nên hôm ấy, có lẽ trong đám đông có nhiều đôi mắt lãnh đạm, thù địch chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu, vì rõ ràng nếu Chúa đúng, toàn thể việc thờ phượng trong Đền Thờ trở thành lỗi thời.

Ở cửa Bắc thành phố có một người ăn mày mù tên Bactimê. Anh ta nghe nhiều tiếng chân người đi, nên dò hỏi xem có chuyện gì xảy ra, và ai sắp đi ngang qua. Người ta bảo rằng đó là Chúa Giêsu. Lập tức, anh ta đứng dậy kêu to lên để khiến Chúa Giêsu phải để ý đến mình. Với số đông người đang đi theo Chúa Giêsu để đi theo lời giáo huấn của Ngài, thì tiếng hét to đó là một xúc phạm. Họ cố làm cho Bactimê phải im tiếng, nhưng đã không ai lấy được của anh ta cái cơ may duy nhất có thể thoát khỏi thế giới tối tăm, nên anh ta cứ hét thật to đến nỗi đoàn người đông đảo đó phải dừng lại và người ta dẫn anh ta đến với Chúa Giêsu. Đây là câu chuyện có rất nhiều điểm soi sáng, qua đó, chúng ta sẽ thấy được nhiều điều có thể gọi là những điều kiện để một phép lạ có thể xảy ra.

1. Có một sự kiên trì triệt để của Bactimê.

Không có gì ngăn cản được tiếng kêu gào của anh mong được đối diện với Chúa Giêsu. Anh quyết tâm gặp cho bằng được con người mà từ lâu anh trông mong được gặp mặt với tình trạng tật nguyền của mình. Trong trí Bactimê ước muốn nhìn thấy Chúa Giêsu không phải là một sự mơ hồ, lờ mờ hoặc do cảm xúc. Đây là một ước muốn thiết tha, và chính ước vọng tha thiết đó đã khiến cho mọi sự được thành.

2. Anh đã đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu ngay tức khắc, hết sức sốt sắng, sốt sắng đến nỗi anh ta vứt đi chiếc áo ngoài để chạy đến với Chúa Giêsu cho nhanh hơn.

Nhiều người khi nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu đã rhực sự tự nhủ "hãy chờ một chút để tôi làm việc này cho xong đã". Nhưng khi Bactimê nghe tiếng gọi, anh lập tức chạy đến với Chúa ngay. Có nhiều cơ may chỉ xảy đến một lần mà thôi. Do bản năng, Bactimê biết rõ điều đó. Lắm khi chúng ta cũng muốn vứt bỏ một thói quen, muốn thanh tẩy đời sống khỏi một điều sai quấy, muốn hiến thân cho Chúa trọn vẹn hơn, nhưng thường thường chúng ta không chịu hành động ngay, rồi dịp may đó qua đi và chẳng bao giờ còn trở lại.

3. Anh biết đúng nhu cầu của mình đang cần được sáng mắt.

Lắm khi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu chỉ là một sự thu hút mơ hồ. Khi đi bác sĩ, chúng ta muốn bác sĩ giúp điều trị một tình trạng nhất định nào đó. Khi đến nha sĩ, chúng ta muốn ông ta nhổ giúp chiếc răng đang đau chứ không chữa bất kỳ một chiếc răng hư nào khác. Giữa chúng ta với Chúa Giêsu cũng vậy. Điều này liên hệ đến một điều mà ít người muốn đối diện tự xét mình. Khi đến với Chúa Giêsu, nếu chúng ta tha thiết mong ước một điều rõ ràng, dứt khoát như Bactimê, sẽ có chuyện lạ xảy ra.

4. Bactimê có quan niệm hết sức thiếu sót về Chúa Giêsu.

Anh ta cứ nằng nặc gọi Ngài là con vua Đavit. Thật vậy, đó là danh hiệu của Đấng Messia nhưng cả tư tưởng đó nói lên một Đấng Messia chinh phục thế gian, một vua thuộc dòng dõi Đavit sẽ đưa dân Israel đến chỗ vĩ đại của dân tộc. Đó quả là một ý niệm hết sức khiếm khuyết về Chúa Giêsu. Dầu vậy, Bactimê vốn có đức tin và đức tin ấy đã hàn gắn cho khiếm khuyết về thần học của mình. Điều đòi hỏi không phải là chúng ta phải hiểu biết đầy đủ về Chúa Giêsu. Dầu thế nào chúng ta sẽ chẳng hội đủ điều kiện đó. Điều đòi hỏi chúng ta là đức tin. Một tác giả khôn ngoan đã viết: "Chúng ta phải đòi hỏi người ta suy nghĩ, nhưng không nên trông đợi họ trở thành những nhà thần học trước khi trở thành kitô hữu". Kitô giáo bắt đầu qua một phản ứng đối với Chúa Giêsu, phản ứng do tình yêu thương cảm biết đây là người thỏa mãn nhu cầu của mình. Ngay cả khi chúng ta không thể suy nghĩ nổi mọi sự theo thần học thì chính sự đáp ứng từ tấm lòng được xem là đủ.

5. Cuối cùng có một mối quan hệ qúy báu.

Bactimê chỉ là một người ăn mày mù ngồi bên vệ đường, nhưng anh là người biết tri ân. Sau khi được chữa lành, anh ta đã đi theo Chúa Giêsu. Anh không ích kỷ đi theo con đường riêng sau khi nhu cầu của mình được đáp ứng. Anh ta bắt đầu với nhu cầu, tiếp tục bằng lòng biết ơn và kết thúc bằng sự trung thành. Và đây là phần tóm kết rất đầy đủ về các giai đoạn trong việc làm các môn đệ Chúa.

4.  Ánh sáng và bóng tối

Từ tình trạng bất động của người bị loại trừ...

Đức Giêsu đang trên đường đi Giêrusalem, nơi sẽ diến ra cuộc khổ nạn của Người, như Người đã báo trước tới lần thứ ba. Lúc này Người đang đi ngang qua Giêricô. Bất cứ ai đi từ miền bên kia sông Giocđan vào Israel đều phải đi qua thành này. Có các môn đệ và "đám đông dân chúng" đi theo Đức Giêsu. Tinh thần các môn đệ vẫn còn mù tối.

Đúng lúc ra khỏi thành, Người gặp anh mù. A.Paul nhận xét: "Diến tiến của phép lạ chữa lành người mù Giêricô giống với phép lạ chữa lành người mù ở Bétsaiđa (8,22026). Phép lạ ở Bétsaiđa diễn ra liền trước lúc Phêrô tuyên xưng đức tin ở Xêsarê và tiếp liền sau lời tuyên xưng này, là lời loan báo về cuộc khổ nạn (8,27-30). Cũng vậy, tiếp sau phép lạ ở Giêricô là lời ca ngợi Đấng Cứu Thế khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem, và sau đó là tinh thần về cuộc khổ nạn (...)

Trong viễn tưởng thần học này, phép lạ làm cho đôi mắt người mù được mở ra có giá trị như một dấu chỉ ("Assemblée du Seigneur" số 61, trang 45).

Để làm nổi bật ý nghĩa phong phú của phép lạ, thánh sử tường thuật rất rõ sự việc đã xảy ra:

   Ông nêu tên người mù là "Bác-ti-mê", nhưng sợ rằng độc giả nói tiếng Hy Lạp không hiểu tiếng A-ra-mê, nên ông ghi chú thêm "con của Timê".

   Ông diễn tả người này như là một người tàn tật, mà tật khiếm thị đã buộc anh phải ăn xin, và vĩnh viễn không đi lại được, bị liệt vào loại người bị loại trừ. "Anh ngồi ở vệ đường", vệ đường có ý chỉ tình trạng bị loại trừ.

...đến cú đứng phắt dậy khi Đức Giêsu gọi.

Thật ngược đời: Ở giữa đám đông những người sáng mắt rầm rộ đi theo Đức Giêsu, anh mù là người duy nhất tỏ ra nhìn rõ, anh có thể nhận ra Đấng đang đi qua là "Con vua Đavít", Đấng Messia mọi người hằng trông đợi, và anh đã lớn tiếng hô lên.

Người ta nạt nộ bảo anh im đi vì họ nghĩ rằng để cho anh mù quấy rầy Đức Giêsu trên đường là điều không nên nhưng anh càng kêu lớn hơn: "Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi". Cho đến khi Đức Giêsu dừng lại và bảo người ta: "Gọi anh ta lại đây", thì người ta mới để ý tới người tàn tật đang la lối này. Sứ điệp được truyền đi ngay lập tức: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy". Đức Giêsu giúp anh lột bỏ được tình trạng bất động của người chết.

Tiếng gọi của Chúa có kết quả liền: "người mù liền vất bỏ áo choàng lại (áo choàng mà anh dùng để đựng đồ xin được) đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu". J.Hervieux giải thích: "những chi tiết này thật lạ lùng. Mọi sự xảy đến dường như Bác-ti-mê không còn mù nữa. Khi vất bỏ áo choàng, anh cũng vất bỏ luôn tình trạng bị loại trừ (...). Cái áo choàng là vật duy nhất mà người nghèo sở hữu. Vất bỏ nó, Bác-ti-mê đã thực hiện điều mà Đức Giêsu không làm được với chàng giàu có: anh đã bỏ mọi sự mà theo Chúa. Đi theo cách nào? Anh nhảy lên, đứng phắt dậy. Cú nhảy trong đêm tối là cú nhảy đức tin vì mắt anh vẫn còn mù ("L'Evangile de Marc", Centurion, trang 156).

"Rab-bô-ni", thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được! Anh mù đã đáp lại câu hỏi của Chúa , cũng là câu mà Chúa đã hỏi hai người con ông Giêbêđê: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?". Đàng sau khát vọng được nhìn thấy, Đức Giêsu đã nhận ra nơi anh đức tin, khát vọng được biết nhiều hơn về Đấng Messia, được nhìn thấy thực tại tội hậu ẩn sau dáng vẻ bên ngoài. Người ăn xin tàn tật không những được chữa lành, mà còn được "cứu" nhờ đức tin. "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã chữa anh". Từ nay, anh nhìn thấy không chỉ bằng con mắt xác thịt, mà còn bằng ánh mắt đức tin. Đó là tấm gương cho các môn đệ, đó là tấm gương cho những người đã được thanh tẩy, được soi sáng nhờ gặp gỡ Đức Giêsu Kitô. Anh đi theo Người trên con đường Người đi. Con đường lên Giêrusalem, con đường dẫn tới Thập Giá.

J.Hervieux kết luận: "Ở đây, nghệ thuật kể của Thánh Máccô đạt đến đỉnh hoàn thiện. Hai hình ảnh thật trái ngược nhau: Hoàn cảnh bắt đầu của Bác-ti-mê (ngồi ở vệ đường, mù loà, ăn xin) và hoàn cảnh kết thúc (đứng, đi trên đường, nhìn thấy và đem Tin Mừng đi). Không còn nghi ngờ gì, tác giả đặt trình thuật này vào lúc Đức Giêsu đi lên Giêrusalem, dẫn theo bạn bè và đám đông tiến về "ánh sáng" soi rõ hơn thân thế và sứ mạng của Người. Câu chuyện này là một mình họa cho thấy nhờ đâu, người ta mới trở nên "người môn đệ đích thực". Người môn đệ cần phải để Thầy mình dẫn đến sự giác ngộ đức tin. Phép lạ chữa người mù ở Bétsaiđa đã thức đẩy các môn đệ Đức Giêsu khám phá Người là Đấng Messia. Giờ đây, Đức Giêsu lại mời gọi họ những kẻ muốn đi theo Người hãy mở rộng đôi mắt tâm hồn để đón nhận Đấng Messia đau khổ và khải hoàn trong đức tin.

Máccô không thể đặt trình thuật này vào lúc nào tốt hơn là lúc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem: người ta có nhận ra Người vì thân thế của Người, và vì những gì Người đã làm không? Đấng đến cứu loài người theo đuổi hai mục đính: vừa trả lại cho họ quyền lợi trong xã hội họ đang sống, vừa giứp họ hội nhập vào cộng đoàn yêu thương mà Người sáng lập" (Sđd, tr-157).

5.  Nhìn cái tốt

Nàng là một phụ nữ không bao giờ có thể thấy được điều gì tốt đẹp nơi người khác. Bất kể ai làm điều gì tốt, nàng cũng tìm ra một điều sai. Một người nào đó làm một việc tốt, nàng vẫn có thể tìm ra một nguyên do xấu xa. Nàng ưa câu nói: “Nó phải có ẩn ý... Nó rút ra được gì trong đó?”. Nàng bắt lỗi mọi người. Nhiều người chúng ta ít nhiều có tật xấu như nàng. Nàng bất thường, để lấy lại niềm tin, nàng ý thức được cái tật “bới bèo ra bọ” làm nàng sợ hãi. Nàng đến bác sĩ tâm thần, nhưng ông chẳng giúp nàng được bao nhiêu.

Ngày kia, được nghe câu chuyện Chúa Giêsu chữa người mù bẩm sinh. Câu chuyện chúng ta vừa nghe thực sự thức tỉnh nàng: nàng bị mù trước những cái tốt đẹp của người khác. Nàng can đảm nhìn sự thật và thay đổi nhãn quan với người khác.

Chúa Giêsu chữa người đui mù thể xác, để chứng tỏ rằng: Người cũng có thể chữa bệnh đui mù thiêng liêng. Quả thật, bệnh đui mù tinh thần và thiêng liêng còn tai hại hơn đui mù thể xác.
Loại đui mù thiêng liêng này lây nhiễm người trong chúng ta. Mỗi người chúng ta phải tự hỏi: “Tôi có mù trước cái tốt của kẻ khác không?”. Nếu có, chúng ta kêu cầu Chúa Kitô chữa chúng ta như người đui mù trong bài Tin Mừng.

Nơi tốt nhất để bắt đầu sửa chữa là ngay trong gia đình. Vợ bạn quên đính nút áo sơ mi, thay vì nghĩ đến sự thiếu sót này, trước hết bạn hãy nghĩ đến những việc tốt nàng đã làm trong ngày đó cho bạn và cho gia đình: nấu ăn, giặt giũ, lau chùi, săn sóc con cái... Chồng bạn quên đổ thùng rác, không sao đâu, bạn hãy nghĩ ngay đến chàng làm việc cả ngày cho bạn và các con.

Thanh niên nam, nữ bạn cần nghĩ đến những việc tốt cha mẹ đã làm cho bạn, hơn là những lần các Ngài không cho phép bạn hoặc muốn bạn ở nhà.

Tập nghĩ đến cái tốt người khác làm, thay vì nghĩ đến lầm lỗi của họ, như trong trường hợp giữa thầy và trò, như cha sở và giáo dân, như các thành phần của hiệp hội, công nhân trong công đoàn. Ông chủ của bạn không thể hoàn toàn xấu, người công nhân không thể hoàn toàn vô dụng. Mở mắt ra để thấy cái tốt của người khác, nghĩ tới nó và nói về nó.

Nhìn cái tốt nơi người khác là cách để yêu người. Tình yêu không tiêu cực. Tôi không thể yêu một ai bằng cách nói: “Tôi sẽ không bao giờ nghĩ tàn nhẫn về bạn, hoặc nói tàn nhẫn với bạn hay về bạn, hay: “Tôi không bao giờ làm điều gì tàn nhẫn cho bạn”. Đó không phải là tình yêu. Tình yêu phải tích cực: “Tôi sẽ bỏ cách thức của tôi, tôi sẽ cố gắng đặc biệt để nghĩ, nói và hành động tử tế với bạn”. Hoa trái lớn của việc tìm cái hay cái tốt trong người khác là cảm giác hài lòng và hân hoan. Và chúng ta còn giữ được giới răn của Chúa Kitô bảo ta đừng xét đoán.

Để nhìn thấy cái tốt cái hay của người khác, chúng ta cần sức mạnh thiêng liêng, một thứ phép lạ. Chúa Kitô sẽ làm phép lạ cho bạn nếu bạn xin Người.

Xin Chúa chúc lành bạn.

Top