Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 29 Thường Niên B

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN - B
Lời Chúa: Is 53, 10-11; Dt 4, 14-16; Mc 10, 35-45
Mục Lục
1. Cúi xuống để phục vụ
2. Lý tưởng phục vụ
3. "Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ"
4. Đi theo Chúa Giêsu
5. Ra lệnh và truyền lệnh
Phân tích
Chuyện xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu loan báo (đây đã là lần thứ ba) rằng Ngài sắp chịu nạn, chịu chết và sống lại.
- Hai môn đệ Giacôbê và Gioan lại xin hai địa vị ưu tiên trong “nước” mà họ nghĩ Chúa Giêsu sắp thành lập. 10 môn đệ kia bực tức. Không phải vì cho rằng hai môn đệ này sai mà vì nghĩ họ đã muốn “chơi trội” hơn mình trong cuộc chạy đua tranh dành địa vị.
Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu dạy về Nước Thiên Chúa và nước trần gian, về cách cư xử của những người lớn trong hai nước đó:
- Trong nước trần gian, kẻ làm lớn thì lấy quyền mà trị dân, bắt dân phục vụ mình.
- Trong Nước Thiên Chúa, làm lớn là làm đầy tớ, càng làm lớn thì càng phải phục vụ.
Suy niệm
1. “Các con không biết các con xin gì”: Nhiều khi tôi cũng xin Chúa những điều mà tôi không hiểu, những điều hoàn toàn ngược với thánh ý Chúa.
2. “Lãnh tụ các nước thì sai khiến dân chúng như ông chủ Còn các con ai muốn làm lớn thì hãy làm đầy tớ”: Trong cộng đoàn, tôi cũng có một chút "quyền", một chút "địa vị". Tôi đã dùng chúng như thế nào: Như một ông chủ hay như một đầy tớ?
3. “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em." ( Mc 10, 43-44)
Lượm cuốn sách lên cho nội, bé thảo thắc mắc:
- Tại sao bà không cúi xuống được hả bà?
- Chân người già yếu lắm con, vả lại, cúi sống bà thường bị chóng mặt, hoa mắt chỉ chực té thôi!
- Ồ, “cúi xuống.” Mà khó đến vậy sao? Cô bé thốt lên đầy kinh ngạc
Đã từ lâu, người ta thường nhắc tới căn bệnh "sĩ" trong thời sinh viên, những kẻ "coi trời bằng vung". Vì “sĩ” người ta có thể làm tất cả, người ta học giỏi, chấp nhận nghèo khổ; vì “sĩ” người ta ăn chơi, người ta đánh nhau vì một câu nói vô tình v.v… Nhưng mấy ai vì “sĩ” mà “cúi xuống” để phục vụ người?
Lạy Chúa, xin cho đôi chân con thật vững, trái tim con đầy ắp yêu thương, để con biết “cúi xuống”, dẫu có lúc chỉ vì thế mà phải chịu nhiều chuyện rắc rối, bởi xác tín rằng ngày xưa và mãi mãi, Ngài đã vẫn làm như thế.
Đó là câu chuyện vạch rõ cho chúng ta thấy được nhiều điều hay:
1. Nó cho chúng ta biết đôi điều về Maccô, Matthêu cũng kể câu chuyện này (Mt 20, 20-23) nhưng trong lời tường thuật của ông thì trước hết, lời yêu cầu không do Giacôbê và Gioan đích thân nêu ra, nhưng do mẹ của hai ông là bà Salômê. Có lẽ Matthêu cảm thấy rằng một lời yêu cầu như thế là không xứng đáng cho một tông đồ, nên nhằm cứu vãn tiếng tăm cho Giacôbê và Gioan, ông đã gán lời yêu cầu đó cho tham vọng tự nhiên của bà mẹ. Câu chuyện này cho chúng ta thấy sự thành thực của Maccô. Người ta kể rằng có một họa sĩ trong triều đình vẽ chân dung cho Oliver Cromwell đầy mụn cóc. Nghĩ là để làm vui lòng ông, họa sĩ không vẽ những mụn cóc đó trong bức họa. Khi Cromwell thấy như vậy ông nói "dẹp bức chân dung này đi, vẽ cho ta một bức đầy đủ các mụn cóc". Mục đích của Maccô là muốn chúng ta thấy đầy đủ mụn cóc của các tông đồ. Và Maccô đã có lý, vì mười hai tông đồ vốn không phải là tập thể các vị thánh. Họ chỉ là những con người bình thường. Chúa Giêsu đã dùng những con người giống như chúng ta để thay đổi thế giới. Điều này đã thành hiện thực.
2. Nó cho chúng ta biết vài điều về Giacôbê và Gioan
- Hai ông vốn có nhiều tham vọng. Họ nhắm những chức vụ cao nhất trong vương quốc của Chúa Giêsu khi cuộc chiến đã thắng và sự khải hoàn đã trọn vẹn. Có thể tham vọng đó đã manh nha, vì nhiều lần Chúa Giêsu từng biệt riêng họ ra trong số ba người chọn lọc tin cẩn. Có thể họ đã có một chỗ đứng khá hơn những người khác. Thân phụ họ vốn khá giả đủ để thuê người giúp việc nên họ tưởng rằng ưu thế và địa vị xã hội có thể giúp họ chiếm được địa vị hàng đầu. Dầu sao họ cũng để lộ cho thấy họ là những con người từ nơi sâu kín của lòng, có tham vọng chiếm giữ vị trí hàng đầu trong vương quốc trần gian.
- Nó cho chúng ta thấy hai ông hoàn toàn không hiểu Chúa Giêsu. Điều lạ lùng đối với chúng ta không phải là sự kiện ấy đã xảy ra, nhưng là thời gian mà sự việc ấy đã xảy ra. Lời yêu cầu này khiến chúng ta phải bàng hoàng vì nó được đưa ra hầu như trùng hợp với lúc Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát và báo trước chi tiết về cái chết của Ngài. Ngoài chuyện này, không có việc nào khác có thể bày tỏ cho chúng ta thấy họ đã hiểu những gì Chúa Giêsu nói quá ít ỏi. Lời lẽ của Ngài đã không gột rửa được ý niệm về Đấng Messia với quyền thế và vinh hiển thế gian, vốn ăn sâu trong tâm trí hai ông. Chỉ có Thập Giá mới làm nổi việc ấy mà thôi.
- Nhưng sau khi đã nói tất cả những gì có thể nói chống lại Giacôbê và Gioan thì câu chuyện này cho chúng ta thấy một điểm sáng chói về hai ông là dù họ đang bàng hoàng, bối rối, họ vẫn tin vào Chúa Giêsu. Điều đáng ngạc nhiên là họ vẫn còn gắn liền vinh quang với một người thợ mộc dân Galilê, người đã bị các cấp lãnh đạo Chính Thống giáo thù ghét, chống đối kịch liệt và rõ ràng đang tiến đến chỗ nhận lấy thập giá. Đây là một lòng tin cậy tập trung đáng cho chúng ta phải kinh ngạc. Dù Giacôbê và Gioan đã phạm sai lầm, tấm lòng của họ vẫn nằm đúng vị trí đáng phải có. Họ chẳng hề hoài nghi gì về chiến thắng khải hoàn tối hậu của Chúa Giêsu.
3. Nó cho chúng ta biết đôi điều về tiêu chuẩn vĩ đại của Chúa Giêsu
Câu hỏi của Chúa Giêsu "Các ngươi có được uống chén ta uống và chịu phép rửa ta chịu không". Ở đây Ngài đã dùng hai lối nói bóng của người do thái. Theo tập tục, trong các dạ hội hoàng gia khoản đãi, nhà vua sẽ tự tay trao chén cho khách được mời. Do đó, chén chỉ hình bóng về đời sống và kinh nghiệm (phước hạnh) mà Thiên Chúa trao cho loài người. Tác giả Thánh Vịnh cũng nói "chén tôi đầu tràn" khi ông đề cập đến đời sống và kinh nghiệm sống mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Tác giả Thánh Vịnh cũng nói "vì này tay Chúa cầm chén rượu, chén rượu đầy mùi vị đắng cay"(74.9) khi ông nghĩ đến số phận dành cho kẻ ác và không vâng lời.
Khi nghĩ về tai họa giáng xuống trên Israel, Isaia mô tả dường như họ đã uống say "chén thịnh nộ từ tay Giavê" (52,17). Vậy chén ám chỉ về kinh nghiệm mà Thiên Chúa dành cho loài người. Câu thứ hai Chúa Giêsu nói cũng dễ gây hiểu lầm. Ngài muốn đề cập đến phép rửa Ngài chịu. Động từ Hi văn baptizein có nghĩa là nhúng, nó dẫn tới nghĩa bị chìm ngập và thường được dùng để chỉ việc bị chìm ngập trong một kinh nghiệm nào đó. Chẳng hạn như chúng ta nói người hoang phí bị nợ ngập đầu. Người uống rượu được bảo uống như hũ chìm, người gặp đau khổ quá nhiều được gọi là chìm trong đau thương. Từ ngữ này thường được dùng để chỉ một chiếc tàu bị chìm đắm dưới nước. Cách nói bóng ở đây rất giống cách nói bóng mà các tác giả Thánh Vịnh thường dùng: "Lạy Chúa, con chìm sâu trong hiền muộn" (41,7); "hẳn là nước lũ đã cuốn ta đi, dòng thác lũ dâng lên ngập đầu ngập cổ" (123,4).
Điều Ngài muốn nói là "Các ngươi có bằng lòng trải qua phần kinh nghiệm từng trải khủng khiếp mà Ta sắp phải trải qua hay không? Các ngươi có dám đương đầu với sự thù ghét, sự đau khổ và cái chết sắp nhận chìm như Ta sắp phải chịu hay không?". Chúa Giêsu đang muốn dạy hai người môn đệ này rằng nếu không chấp nhận Thập Giá thì sẽ chẳng bao giờ có được mão triều thiên. Tiêu chuẩn về sự cao trọng trong Nước Trời là tiêu chuẩn của Thập Giá. Thật vậy, những tháng ngày sau đó, trải qua kinh nghiệm của Thầy mình, Giacôbê đã bị vua Arippa chém đầu (Cv 22,2), còn Gioan tuy không bị tử đạo nhưng ông đã chịu nhiều khổ nạn vì Chúa Giêsu. Họ đã chấp nhận lời thách thức trên đây của Thầy mình, dầu chưa hề hay biết gì.
4. Chúa Giêsu bảo với họ rằng kết quả tối hậu của mọi việc là thuộc về Thiên Chúa
Số phận tối hậu dành cho một người là do quyền của Thiên Chúa định đoạt. Chúa Giêsu không bao giờ tiếm quyền của Thiên Chúa. Cả đời sống Ngài, chính là một hành động thuận phục ý muốn Thiên Chúa cách trường kỳ, và Ngài biết rằng đến cuối cùng, thì ý muốn của Thiên Chúa là tối cao, tuyệt đối.
Điều không thể tránh được là hành động của Giacôbê và Gioan khiền mười tông đồ kia tức giận. Theo họ, Giacôbê và Gioan cố giành bước trước, đã chơi xấu, muốn chiếm ưu thế đối với họ. Lập tức, vấn đề tranh cãi xem ai là người lớn nhất bắt đầu nổi lên dữ dội hơn bao giờ. Tình hình bỗng trở nên nghiêm trọng, mối hiệp thông giữa các tông đồ bị tan rã nếu Chúa Giêsu không hành động ngay. Ngài vạch rõ các tiêu chuẩn khác nhau về sự cao trọng trong Nước Trời với các nước trên thế gian. Trong các vương quốc trần gian, tiêu chuẩn về cao trọng là quyền thế.
Cách thử nghiệm là: một người cai trị được bao nhiêu người khác? Khi một người truyền lệnh được bao nhiêu kẻ bị buộc phải răm rắp tuân theo? Ông có thể áp đặt ý của mình trên bao nhiêu người? Chẳng bao lâu sau đó, Galba đã tóm tắt quan niệm ngoại đạo về vương quyền và tính cách cao trọng khi ông ta bảo bây giờ ông ta đã là hoàng đế, ông muốn làm gì thì làm. Ông có quyền lực thực hiện bất cứ điều gì cho bất cứ ai. Trong vương quốc của Chúa Giêsu, tiêu chuẩn lại là phục vụ. Sự cao trọng không bao gồm việc bắt người khác phục vụ mình, nhưng là đặt chính mình vào việc phục vụ tha nhân. Cách thử nghiệm không phải là: tôi được thiên hạ tới mức độ nào, nhưng là: tôi có thể phục vụ tới mức độ nào.
Chúng ta có khuynh hướng nghĩ đây là một tình trạng lý tưởng về cách ở đời, thật ra, đây chỉ là một lẽ thường hợp lý, là nguyên tắc đầu tiên của cách sống hằng ngày. Bruce Barton chỉ cho thấy rằng căn bản là một hãng ôtô dựa vào để lưu tâm của khách hàng là họ sẵn sàng chui xuống gầm xe bạn thường hơn, chịu dơ bẩn bất cứ hãng nào. Nói cách khác, họ sẵn sàng phục vụ nhiều hơn. Ông ta cũng chỉ cho thấy rằng trong khi người thư ký bình thường có thể đi về nhà từ 5 giờ 30 chiều, thì ánh đèn trong văn phòng giám đốc điều hành vẫn còn sáng đến tối khuya. Vì sẵn sàng phục vụ thêm giờ mà người ấy đứng đầu xí nghiệp. Chỗ rắc rối trong tâm trạng con người, là ai cũng muốn làm ít nhất, nhưng lại được hưởng nhiều nhất. Chỉ khi nào người ta muốn đầu tư vào cuộc sống nhiều mà chỉ lấy ra ít, thì đời sống mới phong phú và hạnh phúc cho chính họ và cho tha nhân. Thế giới này đang cần những con người có lý tưởng phục vụ, là những con người nhận thức được câu mà Chúa Giêsu phán dạy ở đây.
Nhằm nhấn mạnh cho lời phán của Ngài, Chúa Giêsu đã chỉ vào chính gương của Ngài. Với quyền năng sẵn có, Ngài có thể sắp xếp cuộc sống hoàn toàn phù hợp với chính Ngài, nhưng Ngài đã sử dụng bản thân và tất cả để phục vụ người khác. Ngài phán rằng "Ngài đã đến để phó mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người". Ngài đã dùng chính mạng sống mình để đưa loài người đang chìm đắm trong tội lỗi trở về với tình yêu thương của Thiên Chúa. Cái giá phải trả cho chúng ta được rỗi chính là thập giá.
3. "Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ"
Sau khi loan báo cuộc khổ nạn lần thứ ba...
Trên đường lên Giêrusalem, lúc này đã gần tới nơi, bầu không khí càng lúc càng thêm bi thảm. "Người dẫn đầu các ông", những người đi theo "kinh hoàng" và "sợ hãi", tiến trên đường dẫn đến cái chết.
Đây là lần thứ ba Chúa loan báo cuộc khổ nạn và Phục sinh của Người. Loan báo mà Đức Giêsu gửi tới nhóm Mười Hai, là tế bào đầu tiên và cũng là người phụ trách cộng đoàn các môn đệ của Người. Một lời loan báo rõ rệt hơn hai lần trước (8,31-33 và 9,32-33), vì đã phác họa trước những gì sẽ xảy ra: bị nhà cầm quyền Do Thái kết án (xem 14,64), trao nộp cho quan Philatô, kẻ "ngoại giáo" (xem 15,1), bị phỉ báng và chịu cực hình: "chúng sẽ nhạo báng Người" (xem 15,37) "và ba ngày sau Người sẽ sống lại".
Cũng như các lần loan báo trước, lần loan báo thứ ba này gây ra các phản ứng chứng tỏ các môn đệ không hiểu, nên Đức Giêsu phải giải thích cho họ.
...thái độ không hiểu tái diễn nơi các môn đệ...
Rõ ràng lời xin xỏ của Giacôbê và Gioan chẳng thích đáng chút nào trong bối cảnh đó (Đức Giêsu vừa mới loan báo về cuộc khổ nạn của Người). Hai ông đã từng là những người được gọi ngay từ thời kỳ đầu sứ vụ rao giảng (1, 19-20), lúc Chúa hồi sinh con gái ông Giairô, hai ông đã có thể xác minh quyền năng của Người trên sự chết (5,37); hai ông đã cùng với Phêrô là những người duy nhất được chứng kiến Chúa hiển dung trên núi (9,28); và sau này cùng với Phêrô chứng kiến Chúa hấp hối trong vườn Giêtsêmani (14,33).
Khi Đức Giêsu vừa mới loan báo cuộc khổ nạn lần thứ ba, thì hai ông nóng lòng muốn bảo đảm chiếm cho được chỗ tốt, được một tương lai sáng lạn trong vương quốc. Các ông tiến lại thưa Chúa: "Xin cho hai anh em chúng con được ngồi một người bên hữu một người bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang". Số phận mỉa mai thật! khi sau này Chúa hấp hối trên Thập Giá, hai người được đặt bên tả bên hữu Chúa là hai người trộm cắp (15,37) đang cùng chia sẻ cực hình với Người.
Đức Giêsu cố gắng tỏ cho hai ông biết: đặt ân họ xin là quá lớn và họ thật quá vô tâm, nhưng vô ích. "Các anh không biết các anh xin gì". Rồi dùng hình ảnh mạnh mẽ như "chén phải uống", "phép rửa phải chịu" để đưa các ông đến trước mặt những gì sắp xảy ra: "Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?"
- Trong Cựu ước, "chén" đôi khi người ta nói chén chúc tụng, nhưng thường là nói về chén đắng để diễn tả những đau đớn trước lúc chết. Lúc hấp hối, Đức Giêsu đã xin Đức Chúa Cha cất chén đắng cho Người, nhưng cũng nói tiếp: "Nhưng đừng theo ý Con, chỉ xin theo ý Cha mà thôi" (14,36).
- Trong "Bí tích Rửa Tội" toàn thân được dìm xuống nước, tượng trương cho việc "chìm đắm" trong cái chết trước khi "chỗi dậy" trong đời sống mới. Trong cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã trải qua một phép rửa thật sự, Người sẽ bị dìm xuống làn nước chết, trước khi chỗi dậy vào ngày thứ ba.
Xin được vinh dự bên cạnh Chúa trong Nước Người, tức là dấn thân theo cùng một con đường Người đã đi.
Hai môn đệ có dám theo Chúa tới đó không? "Thưa được" hai ông đáp không hề do dự, không đếm xỉa gì đến những điều Chúa đã cảnh báo:
Mười ông kia đã nghe rõ câu chuyện. Nếu họ "tức tối" thì chắc hẳn không phải vì chê trách mưu đồ của Giacôbê và Gioan, mà vì sợ hai anh em ông này dành được chỗ nhất.
...Giáo huấn mới của Đức Giêsu: sự đảo nghịch của Tin Mừng
Đức Giêsu quy tụ nhóm Mười Hai lại và long trọng giảng cho các tông đồ về sự đảo nghịch của Phúc Âm.
Khi nói với các tông đồ, cũng như với những người chịu trách nhiệm về cộng đoàn Kitô hữu có mặt lúc đó hay trong tương lai, Đức Giêsu nêu lên một luật đối trọng vói các thế mà xã hội dân sự chủ trương về quyền hành: "Những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai trị dân". Điều luật này chống lại lòng ham muốn thống trị và lòng khao khát quyền lực ta mang trong mình, như Giacôbê, Gioan và mười tông đồ còn lại. Điều luật này không chỉ là một điều luật bình thường, mà Đức Giêsu coi nó là Hiến chế cho các cộng đồng môn đệ Người: mỗi người là đầy tớ của mọi người (J,Delorme).
Đây là một đảo lộn tận gốc, một lý thuyết cách mạng bắt đầu cho một mối tương quan mới giữa người với người: "Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ cho anh em" (người phục vụ, tiếng Hy Lạp là diakonos, có nghĩa là thầy phó tế).
Lý do và gương mẫu cho nguyên lý cách mạng này chính là cách đối xử của Đức Giêsu, Người kết luận: "Vì Con người đến không mang gì để phục vụ người ta, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc tội muôn người". Câu này nhắc lại lời ngôn sứ nói về Người Tôi Tớ đau khổ (bài đọc Israel), nhờ lời này soi sáng, Đức Giêsu nhận biết số phận của Đấng Messia Tôi Tớ; Lời đó còn nói lên ý nghĩa sự sống và cái chết của Người và loan báo lời mà Chúa sẽ tuyên bố về "chén" vào thứ năm, trước khi Người bị bắt: "Này là máu Thầy, máu Giao ước sẽ đổ ra cho nhiều người".
Để có thể sống như một Kitô hữu chân chính, cộng đoàn môn đệ hôm qua, hôm nay, cũng như ngày mai, cần phải xét xem lối hoạt động của mình có hợp với ý và gương mẫu của Đấng sáng lập, Đấng đã đưa tinh thần phục vụ đến tột đỉnh không.
Lòng tham bất chính
Câu chuyện bà Giêbêđê, hai con Giacôbê và Gioan giúp chúng ta nhìn rõ vấn đề này.
Bà mẹ và hai con vừa tham lam vừa ngây thơ. Tham lam vì muốn chiếm hai chỗ cao nhất trong Nước Trời. Ngây thơ vì nghĩ rằng trong Nước Trời cũng có những chỗ béo bở, nhiều bổng lộc cần chiếm lấy để hưởng thụ.
Chúa Giêsu đã dội một gáo nước lạnh vào lòng tham nóng bỏng đó. Ngài khước từ dứt khoát điều họ nài xin: “Ngồi bên hữu hay bên tả Ta là thuộc quyền Cha Ta”. Ngược lại Ngài hứa ban cho họ điều mà họ chẳng muốn chút nào: "Chén Ta uống các con cũng sẽ uống. Phép rửa Ta sắp chịu các con cũng sẽ chịu”. Chén đây là cuộc khổ nạn, còn phép rửa đây là sự chết.
Như vậy thì đối với những người muốn đi theo Chúa, vinh quang trần thế thì Ngài khước từ, còn đau khổ và sự chết thì Ngài hứa ban. Quả thật sau này cả hai anh em Giacôbê và Gioan đều uống chén khổ nạn và chịu phép rửa sự chết.
Không tính lỗ lãi
Nếu chỉ được uống chén khổ nạn và chịu phép rửa sự chết thì đi theo Chúa Giêsu để làm gì? Được lợi lộc gì? Chẳng đáng thất vọng lắm sao? Nếu vậy tại sao vẫn có nhiều người hăng hái đi theo Ngài? Họ chờ đợi gì nơi Ngài?
Muốn đi theo Chúa Giêsu trước hết phải gạt bỏ chuyện lỗ lãi những tính toán hơn thiệt như trong kinh doanh. Trong đời sống tôn giáo, tương quan với Thiên Chúa phải được đặt trên một nền tảng khác vô vị lợi. Ngay trong nhiều lãnh vực của đời thường, không phải lúc nào người ta cũng chỉ tìm lợi trong hành động. Có những động lực trong sáng hơn.
Nếu ta hỏi một nghệ sĩ hoặc một nhà khoa học chân chính: Điều gì đã thúc đẩy anh đến với nghệ thuật hoặc đến với khoa học. Có phải vì tiền của? Nghệ thuật hoặc khoa học có giúp cho anh làm giàu không? Làm sao có thể cắt nghĩa được niềm đam mê trong nghệ thuật cũng như trong khoa học?
Chắc người nghệ sĩ chân chính đó sẽ đáp: Nghệ thuật vượt lên trên nhu cầu sinh sống. Đó là một ơn gọi. Phần đông nghệ sĩ ai cũng nghèo cả. Họ nghèo khi còn sống, nhưng các tác phẩm họ để lại có thể làm cho những người sưu tầm trơ nên tỉ phú. Nghệ thuật không làm tôi giàu tiền của, nhưng giàu cảm hứng tâm hồn. Nghệ thuật là một cái nhìn thẩm mỹ về thế giới. Khám phá ra cái đẹp, thưởng thức cái đẹp tiềm ẩn trong vn vật, sáng tạo nên cái đẹp...như vậy đã đủ làm say mê rồi.
Câu trả lời của nhà khoa học chân chính chắc cũng không khác. Khoa học có thể làm giàu cho thế giới, nhưng ít khi làm giàu cho chính nhà khoa học. Làm khoa học vất vả, mệt nhọc và thường hao tốn tiền của. Khoa học đòi hỏi một nếp sống khắt khe và nhiều khi căng thẳng. Tuy nhiên tìm cách tiến sâu vào cõi vô tận của tri thức, đưa ra ánh sáng những bí ẩn của vũ trụ, từng bước tiếp cận chân lý... Như vậy làm sao không say mê, mặc dầu không đem lại lợi lộc vật chất. Khoa học tự bản chất là vô vị lợi.
Hành trình đi Theo Chúa Giêsu cũng có phần nào giống như vậy. Tinh thần vô vị lợi còn phải triệt để hơn nữa. Ta đi theo Chúa không phải để được tiền của, danh vọng, để bớt đau khổ, để Ngài ban tặng một cuộc sống dễ dãi, đủ tiện nghi. Chúa Giêsu chỉ cho ta con đường chân lý, mời ta lên cao, giúp ta vươn tới sự thánh thiện mà Chúa Cha muốn ta đạt tới nhờ đi theo Ngài mà ta thực hiện được ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa. Ngài là Lý tưởng. Lý tưởng đó lôi cuốn ta. Ta đi theo Ngài, không tính chuyện lỗ lãi. Chỉ có thể thôi, ngoài ra không có động cơ nào khác.
Không tìm lời mà vẫn được lời
Quả thật Chúa Giêsu không mang lại cho những ai theo Ngài của cải và sự thịnh vượng trần thế, nhưng Ngài cho chung hưởng sự sống, thông ban tình yêu, ơn cứu độ, phúc trường sinh. Nhờ đó mỗi người thực hiện được vận mệnh vĩnh cửu của mình. Như vậy là quá nhiều rồi, chẳng có mối lợi nào lớn hơn.
Dĩ nhiên đi theo Chúa thì phải trải qua thử thách, đương đầu với không ít khó khăn. Nhưng đau khổ, thử thách chẳng bao giờ vô ích. Chúng tôi luyện ta nên trưởng thành, tẩy rửa ta khỏi tội lỗi, to cho ta điều kiện tiến tới sự toàn thiện mà Thiên Chúa mong muốn.
Như vậy, dầu có chịu thua thiệt, nhưng có thua thiệt gì. Trái lại một cuộc đời như vậy là một cuộc đời thành tựu. Chẳng có thể có môt sự thành tựu nào lớn và quan trọng hơn vì đây là một sự thành tựu vĩnh cửu.
Francis Joseph, hoàng đế nước Áo và vua nước Hunggari từ 1848 đến 1916, một triều đại dài nhất trong lịch sử, cũng là một triều đại tiến bộ nhất. Francis Joseph là người nghiêm khắc, nhưng ông trị vì rất khoan dung. Khởi đầu triều đại ông, bệnh dịch tả lan tràn khắp châu Âu. Người ta xin Francis rời Vienna để lánh nạn sang Salzburg cho tới khi tai họa qua đi.
Hoàng đế hỏi: “Ở Salburg có đủ phòng cho các con ta không?”. Ban cố vấn trả lời: “Chắc chắn, tâu Hoàng Thượng, có nhiều phòng cho tất cả hoàng gia”.
“Có thực sự đủ phòng cho các con ta?” Chỉ qua cửa sổ lâu đài về phía đám đông đứng dưới, Hoàng đế nhắc lại: “Hãy nhìn đám dân này. Chúng là con của ta. Cha của chúng bỏ mặc chúng trong nguy hiểm sao? Không, những người thành Vienna yêu quý luôn chia sẻ vui buồn với ta. Ta sẽ không bỏ họ trong giờ lo âu”.
Chúng ta vừa nghe: Hai môn đệ Đức Kitô: Giacôbê và Gioan muốn được địa vị danh dự và uy quyền trong Nước Chúa. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Những người cai trị thế gian thì sai khiến con dân mình. Nhưng đó không phải là đường lối của Nước Chúa. Trong nước Chúa ai có quyền bính phải là đầy tớ của người dưới quyền mình”. Francis Joseph là tấm gương về điều ấy.
Ngày nay, người ta tranh luận nhiều về quyền bính và tự do. Một chân lý nền tảng cho cuộc tranh luận này là: trong mọi xã hội, loài người đều phải có người nắm quyền bính, Một người có quyền và có bổn phận ra lệnh, một người có quyết định tối hậu. Bạn không thể có một đội banh không huấn luyện viên, một chiếc tàu không có thuyền trưởng, một quân đội không có tướng, một bộ lạc không tù trưởng, một xí nghiệp không giám đốc. Mỗi tập thể loài người đều phải có “Ông bầu” hoặc chỉ định hoặc bầu lên.
Chúa Giêsu biết cần phải có quyền bính. Người chỉ than phiền người lạm quyền, lạm dụng quyền bính. Người ta ích kỷ, bất công, có khi còn tàn bạo nữa. Trong nước Chúa Kitô, người lãnh đạo phải là đầy tớ của mọi người.
Bây giờ chúng ta tìm câu trả lời cho vấn đề quyền bính và tự do . Người chỉ huy phải dự tính và hành động vì lợi ích của tập thể. Cùng lúc người dưới phải được tự do góp ý, có khi còn phải phê bình nữa. Tóm lại, mọi người phải hành động theo quyết định của người có trách nhiệm với đoàn thể, cũng vậy trong một thể chế dân chủ, người lãnh đạo được bầu lên có bổn phận phải quyết định.
Đây cũng là đường lối trong đơn vị xã hội nhỏ bé nhất và quan trọng nhất: gia đình. Nhiều gia đình bàn luận về mọi vấn đề và quyết định như một tập thể. Rất nhiều gia đình không có ai chịu trách nhiệm tối hậu. Đó cũng là tình trạng của nhiều tổ chức như trường học và xứ đạo. Do đó chúng ta thường thấy: đáng lý những người phải vâng lời lại ra lệnh cho người có trách nhiệm.
Việc phượng tự chung của gia đình Chúa là một điển hình tập thể nghĩ tưởng và hành động với nhau, thánh lễ có thể dạy chúng ta ra lệnh thế nào và tuân lệnh làm sao.
Xin Chúa chúc lành bạn.
bài liên quan mới nhất

- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 17 Thường niên năm C
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 16 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 15 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 13 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 7 Phục sinh năm C - Chúa Thăng Thiên -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 6 Phục sinh năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Phục sinh năm C
bài liên quan đọc nhiều

- Bài giảng Chúa nhật ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ
-
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 19 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B