Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 28 Thường Niên B

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN - B
Lời Chúa: Kn 7,1-7; Dt 4,12-13; Mc 10,17-30
Mục Lục
1. Hạnh phúc vĩnh cửu
2. Hy sinh và từ bỏ
3. Nguy hiểm của sự giàu sang
4. Giàu tốt hay xấu
Phân tích
1. Nhân vật của câu chuyện này đã gây ra hai tình cảm của Chúa Giêsu đối với anh, biểu lộ qua hai ánh mắt Ngài nhìn:
- Khi biết anh đã giữ trọn các điều răn, Ngài “Chăm chú nhìn anh và đem lòng thương”. Ngài còn mời gọi anh tiến cao thêm một bước nữa là đem hết tài sản bố thí cho người nghèo rồi đi theo làm môn đệ Ngài.
- Khi anh tiếc của bỏ đi, Ngài cũng tiếc anh, Ngài “nhìn chung quanh” (một cái nhìn tiếc rẻ) và thốt lên một chân lý “Những kẻ cậy dựa vào của cải thật khó vào nước Thiên Chúa biết bao”.
2. Sau đó Chúa Giêsu dạy về sự từ bỏ:
Muốn làm các môn đệ Chúa Giêsu thì phải từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Phần thưởng cho kẻ từ bỏ là:
- Được lại gấp trăm ở đời này
- Cùng với sự bắt bớ: nghĩa là được chia sẻ số phận của Chúa Giêsu.
- Và hạnh phúc vĩnh cửu đời này
Suy niệm
1. “Anh chỉ còn thiếu một điều, là anh hãy bán đi tất cả tài sản, đem bố thí cho người nghèo…”: câu này cũng đúng cho tôi. Hình như cái gì tôi cũng sẵn sàng với Chúa cả, miễn là tôi không phải từ bỏ, nhất là từ bỏ tiền bạc của cải.
2. “Chúa Giêsu chăm chú nhìn anh và đem lòng thương”. Nhưng sau đó anh đã làm cho Ngài thất vọng. Bây giờ Chúa cũng đang chăm chú nhìn tôi bằng cái nhìn đậm đà yêu thương. Nhưng nếu tôi không từ bỏ, không nhất quyết đi theo Ngài thì tôi cũng sẽ làm cho Ngài thất vọng.
3. “Những kẻ cậy dựa vào tình bạc thật khó vào Thiên Chúa biết bao”. Đây không phải là nhận định của ai khác mà là của chính Chúa. Bởi thế, trong Tin Mừng, biết bao lần Chúa kêu gọi các môn đệ mình phải có tinh thần nghèo khó. Không phải Chúa muốn cho môn đệ mình nghèo và khổ, mà vì Ngài một thứ qúy hơn nhiều, là hạnh phúc nước Thiên Chúa.
4.Tại một thành phố nọ, có một người hành khất rất đặc biệt. Ông xin như sau:
- Hãy cho tôi tiền bạc của ông bà, hãy cởi bỏ gánh nặng của tiền bạc để được tự do
Một người khách qua đường thắc mắc, thì anh giải thích:
- Tôi ngửa tay xin vì tôi muốn ích lợi cho người ta, bởi vì tiền bạc đầy túi làm cho người ta bận tâm lo lắng.
Người khách không tin nên rình xem người ăn xin này sử dụng tiền bạc ra sao. Chiều hôm đó ông thấy người hành khất bước đến gần đầu cầu. Đổ hết tiền bố thí vào cái mũ cũ kỹ, chọn lấy vài đồng đủ để mua lương thực cho ngày hôm sau, số còn lại ông đổ hết xuống sông, rồi quay về cái chòi lụp xụp ở ngoại ô thành phố để nghỉ qua đêm. ( Chờ đợi Chúa)
5. “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh: Anh chỉ thiếu có một điều là hãy đi bán những gì anh có cho người nghèo ( Mc 10,21).
Bất kỳ ai xin vào Tu hội Nữ Tử Bác Ái của Mẹ Têrêsa đều nhận được một tờ giấy có ghi câu hỏi này: Tại sao bạn muốn trở nên một Nữ Tử Bác Ái? Các bạn trẻ thường trả lời:
- Con muốn tìm một đời sống cầu nguyện.
- Con muốn sống đời sống khó nghèo.
- Con muốn hiến thân phục vụ người nghèo.
Nhưng một trong các bạn trẻ viết như sau: “Thưa mẹ, đã nhiều lần con như nghe thấy tiếng Chúa Giêsu mời gọi con tận hiến trọn đời sống cho Ngài. Con đã suy nghĩ nhiều, tự hỏi chính mình và các vị linh hướng xem Chúa muốn con vào dòng nào. Cuối cùng con đã quyết định chọn tu hội của Mẹ vì con muốn có cơ hội từ bỏ mọi giàu sang trần thế, để bước vào cuộc sống nghèo khó và hy sinh.
Lạy Chúa, xin cho con có được niềm vui hiến dâng, biết quan tâm phục vụ những người nghèo khổ thiếu thốn.
6. Khoa toán học của Tin Mừng rất lạ thường: “Bỏ thì được, giữ thì mất”. Quả thật, làm môn đệ Chúa chúng ta phải bỏ rất nhiều: Bỏ nhiều khoảng thời giờ xem Video để cầu nguyện buổi tối, bỏ nhiều món tiền rất dễ “ăn” để giữ đức công bình, bỏ thời giờ và công sức để thực thi bác ái, bỏ ý riêng để sống đức vâng lời… Kẻ dâng mình cho Chúa bỏ hạnh phúc lứa đôi…Nhiều khi tôi không bỏ nổi, hoặc vừa bỏ vừa tiếc, là vì tôi vẫn còn tính toán theo khoa toán học thế gian. Tôi có thể nói như Phêrô chưa: “Đây con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?”.
7. Người ta chỉ bỏ cái này để lấy cái kia khi biết cái khi quý hơn cái này. Nếu tôi chỉ bỏ những thứ mà tôi thừa thải, những thứ mà tôi đã chán chê thì cái bỏ đó không có giá trị. Bởi đó Chúa nói rõ “Bỏ…vì Thầy và vì Tin Mừng”. Muốn bỏ cho có giá trị, muốn bỏ mà lòng vẫn vui, tôi phải yêu mến Chúa và Tin Mừng hơn tất cả mọi sự khác.
8. “Cùng với sự bắt bớ”: Chúa Giêsu kể cả sự bắt bớ vào số phận thưởng gấp trăm Ngài ban cho kẻ từ bỏ. Nghĩa là, đối với kẻ thực sự từ bỏ, thì ngay cả khi bị bắt bớ họ vẫn cảm thấy hạnh phúc. Được như vậy quả là một phần thưởng quá lớn.
9. Thầy bảo thật anh em: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng nhà, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời ở đời sau.” ( Mc 10,29-30)
Chuyện kể về một người nữ bệnh nhân đếm từng ngày sống thoi thóp của mình bằng những chiếc lá rụng dần từ một cành cây nhìn thấy qua khung cửa sổ. Đến khi trên cành chỉ còn một chiếc lá duy nhất, cô nói với người thân của mình: “Nếu đêm nay, chiếc lá cuối cùng không còn nữa, em sẽ chết!” Ở phòng trọ bên dưới, có một hoạ sĩ tình cờ nghe được. Nửa đêm, giữa trời tuyết lạnh lẽo, ông bắc thang vẽ một chiếc lá vàng ở bức tường sát cành cây khô. Lúc hoàn tất kiệt tác cũng là lúc người ta thấy ông chết trong băng giá. Nhưng sáng hôm sau, người bệnh thức dậy, nhìn lên cành cây và reo lên: “Em vẫn còn có thể sống một hôm nữa!”.
Không biết cô gái ấy sống bao nhiêu nữa, nhưng điều chắc chắn là người họa sĩ đã nằm xuống trong hạnh phúc tuyệt vời. Ông đã dám sống từ bỏ.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu hết giá trị của sự từ bỏ và dám sống từ bỏ.
Đây là một bức tranh sống động nhất trong các sách Phúc Âm.
Chúng ta cần ghi nhận người ấy đến như thế nào, và Chúa Giêsu tiếp người ấy ra sao. Người ấy đã chạy đến, rồi quỳ dưới chân Chúa Giêsu. Thật đáng ngạc nhiên khi chàng thanh niên giàu có, quí phái này lại quỳ xuống trước mặt nhà tiên tri người Nagiareth không một xu dính túi, sắp bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Anh ta bắt đầu nói "Thưa Thầy nhân lành", Chúa Giêsu trả lời ngày "Thôi, đừng nịnh hót như vậy, đừng gọi ta nhân lành, hãy dành tiếng đó cho Thiên Chúa". Thoạt nhìn, dường như Chúa Giêsu đang cố làm cho người này cụt hứng, và dội một gáo nước lạnh, dập tắt lòng nhiệt thành của anh ta.
Ở đây có một bài học. Rõ ràng chàng thanh niên này đã vội vàng đến với Chúa Giêsu trong lúc bị xúc động mạnh mẽ. Điều hiển nhiên là Chúa Giêsu như có sức thu hút và thôi miên người ấy vậy. Chúa Giêsu đã làm hai việc mà bất kỳ nhà truyền giáo, một giáo sư nào cũng phải nhớ đến bắt chước. Trước hết, Chúa Giêsu muốn nói: "Hãy dừng lại và suy nghĩ đi, vì ngươi đang mất bình tĩnh, xúc động mạnh! Ta không muốn ngươi chạy đến với ta trong lúc đang cảm xúc mạnh như vậy. Bình tĩnh và suy nghĩ xem ngươi đang làm gì đây?". Chúa Giêsu không hề làm người ấy phải cụt hứng. Ngài đang nhắc người ấy phải nghĩ đến cái giá mình phải trả ngay lúc chưa nhập cuộc. Thứ hai là Chúa Giêsu muốn bảo: "Ngươi không thể trở thành Kitô hữu vì xúc động mạnh khi thấy ta. Ngươi phải nhìn vào Thiên Chúa. Giảng dạy bao giờ cũng có nghĩa là truyền đạt chân lý qua trung gian một nhân cách, đây là chỗ có nguy cơ to lớn nhất của các vị giáo sư vĩ đại nhất. Có nguy cơ đó là vì người học trò non trẻ có thể quá chú ý đến ông thầy hoặc nhà truyền giáo mà lầm tưởng mình đang chú ý gắn bó với Thiên Chúa. Vị giáo sư và nhà truyền giáo đừng bao giờ chỉ vào chính mình, mà phải luôn luôn chỉ vào Thiên Chúa. Trong việc dạy dỗ thực sự bao gồm cả việc giấu mình. Thật vậy, chúng ta không thể nào bảo tồn nhân cách đồng thời chứng tỏ sự trung thành cá nhân đầm ấm được, nếu có thể, chúng ta cũng không muốn làm như thế. Nhưng vấn đề vẫn chưa dừng ở đó, nói cho cùng, vị giáo sư và nhà truyền giáo chỉ là những ngón tay chỉ Thiên Chúa cho người ta mà thôi.
Câu chuyện này đã cho ta thấy rõ chân lý thiết yếu của Kitô giáo không phải chỉ kính trọng là đủ. Chúa Giêsu đã nêu ra các điều răn vốn là nền tảng của một đời sống đạo đức, đáng kính trọng. Chàng thanh niên nọ không chút do dự đáp ngay rằng mình đã giữ trọn tất cả. Tuy nhiên, cần ghi điều này, ngoại trừ một điều "hãy thờ kính cha mẹ" còn tất cả các điều kia đều là những mạng lệnh tiêu cực, và điều răn ngoại lệ đó chỉ được thực thi trong phạm vi gia đình. Thật ra chàng thanh niên đã nói: "Cả đời tôi chưa hề làm thiệt hại ai bao giờ". Đúng vậy, nhưng vấn đề thật ra là "ngươi đã làm được việc tốt lành gì cho tha nhân?". Và câu hỏi đặt ra cho chàng thanh niên này còn rõ ràng hơn nữa, "với tài sản, tiền của và tất cả những gì ngươi bỏ ra, thì ngươi đã làm được điều gì tốt lành tích cực cho tha nhân? Ngươi đã bỏ ra những gì để nâng đỡ, ủi an khích lệ kẻ khác như điều ngươi đáng phải làm". Nói chung, coi trọng, tôn kính chỉ là không làm điều này điều nọ. Kitô giáo chứa đựng sự thực hành. Đây chính là chỗ thất bại của chàng thanh niên này cũng như nhiều người trong chúng ta.
Chúa Giêsu đã đón tiếp chàng thanh niên này bằng một sự thách thức, Ngài ngụ ý nói: "Hãy vượt khỏi thái độ tôn kính về mặt luân lý đạo đức ấy đi. Đừng tưởng chỉ cần không làm việc này, việc nọ như thế thì đã là nhân lành, thiện hảo. Hãy đem bản thân, đem tất cả những gì ngươi có, và dùng mọi sự cho người khác. Rồi ngươi sẽ tìm thấy chân hạnh phúc cả ở đời này lẫn trong cõi đời đời". Nhưng chàng thanh niên không làm được điều ấy. Anh có nhiều tài sản lắm, điều mà anh ta không muốn từ bỏ, nếu khi được gợi ý, anh ta đã không làm nổi. Anh không hề trộm cắp hoặc lường gạt ai, nhưng anh chưa bao giờ ép mình trở nên một người nhân từ cách tích cực và hy sinh. Có thể con người khả kính này không bao giờ tham lam của ai, nhưng Kitô hữu phải cho điều mình có.
Thật ra, Chúa Giêsu đã buộc chàng thanh niên phải đối diện với một vấn đề thiết yếu và cơ bản "Ngươi có được bao nhiêu tính chất Kitô giáo đích thực? Ngươi sẵn sàng từ bỏ hết tài sản mình đang có để được nó hay không?". Và chàng thanh niên ấy đã trả lời rằng: "Tôi rất muốn được mang bản chất Kitô, nhưng tôi không muốn được nó nhiều đến mức đó". Trong một tác phẩm, tiểu thuyết gia Stevenson có mô tả một ông chủ phải bỏ ngôi nhà thừa tự của tổ phụ mình để ra đi lần cuối cùng. Ông ta rất buồn và nói với người quản gia trung thành của gia đình mình "Anh Kellar này, bộ anh tưởng tôi không bao giờ hối tiếc sao?" Kellar đáp rằng "Tôi không nghĩ là ông có thể tệ đến mức đó, trừ khi ông có đủ cả mọi sự để trở thành một người tốt". Người chủ nói "Không phải là tất cả đâu, anh lầm rồi đó, đó là căn bệnh không thiết có". Chính căn bệnh mà muốn có là tấm thảm kịch của chàng thanh niên này. Đó cũng là căn bệnh mà phần đông chúng ta đều mắc phải. Mọi người đều muốn sống tốt lành đạo đức nhưng lại có quá ít người tha thiết muốn được nó đến mức chịu trả giá cho nó.
Chúa Giêsu nhìn anh ta trìu mến. Trong cái nhìn của Chúa Giêsu có khá nhiều điều:
- Có tiếng gọi của tình yêu thương. Chúa Giêsu không giận anh ta, nhưng lại yêu mến anh rất nhiều về việc ấy. Đây không phải là một cái nhìn giận dữ, nhưng là tiếng gọi của tình thương.
- Có lời thách thức hãy hy sinh. Đây là cái nhìn để tìm cách kéo anh ra khỏi một đời sống dư giả, ổn định để sống phiêu lưu mạo hiểm của việc làm một Kitô hữu chân chính.
- Đây là cái nhìn buồn rầu. Sự buồn rầu này là nỗi buồn khiến người ta đau lòng hơn khi thấy một người chọn sự thất bại trong khi đáng lý ra người ấy có thể đã và đang trở thành người xứng đáng.
Con người trẻ ấy không chấp nhận lời thách thức của Chúa Giêsu đã buồn bã bỏ đi, cả Chúa lẫn các tông đồ đều nhìn theo anh cho đến khi khuất hẳn. Rồi Chúa quay lại các môn đệ và nói: "Người giáu có khó vào Nước Trời biết bao". Chúng ta ngạc nhiên tại sao câu hỏi ấy lại khiến các tông đồ lấy làm lạ. Sự kinh ngạc của họ được nhấn mạnh hai lần. Họ lấy làm lạ vì Chúa đã hoàn toàn đảo ngược các tiêu chuẩn thông thường của dân Do Thái.
Đạo đức học của người Do Thái rất đơn giản. Họ tin thật giản dị rằng sự hưng thịnh là dấu hiệu chứng tỏ một người tốt. Nếu có ai giàu có, phát tài, thì họ tin người ấy dã được Thiên Chúa tôn trọng và chúc phúc cho. Giàu có là bằng cớ chứng minh người làm chủ nó là người có đức hạnh, được Thiên Chúa ban ơn. Tác giả Thánh Vịnh đã tóm tắt như sau "Từ nhỏ dại tới nay tôi già cả, chưa thấy người công chính bị bỏ rơi, hoặc dòng giống phải ăn mày thiên hạ" (Tv 36,25). Chẳng trách tại sao các môn đệ lại ngạc nhiên. Họ có thể lý luận: một người càng hưng thịnh thì càng chắc chắn vào được Nước Trời. Vì thế Chúa Giêsu đã phải lặp lại câu nói của Ngài bằng cách hơi khác đôi chút để làm sáng tỏ hơn điều Ngài ngụ ý "Kẻ trông cậy, ỷ lại vào sự giàu có của mình, sẽ rất khó vào được Thiên đàng".
Chưa hề có ai thấy nguy cơ của sự thịnh vượng và của tài sản vật chất rõ ràng hơn Chúa Giêsu. Các nguy cơ đó là gì?
1. Của cải vật chất có khuynh hướng gắn chặt tấm lòng người ta vào đời này. Người ấy sẽ bám chặt lấy đời này, quan tâm khá nhiều vào đời này đến nỗi khó nghĩ đến điều gì vượt ra khỏi đó, đặc biệt khó nghĩ tới chuyện có thể rời bỏ. Có lần tiến sĩ Jonhson được đưa đi xem một tòa lâu đài nổi tiếng và khu đất đẹp đẽ. Khi xem xong, ông quay sang các bạn và nói "Đây là những điều làm cho người ta khó mà muốn chết được". Sự nguy hiểm của tài sản, là nó buộc chặt các tư tưởng và sự quan tâm của con người vào thế gian này.
2. Nếu mối bận tâm chính yếu của con người là việc chiếm hữu của cải vật chất thì nó khiến người ta có khuynh hướng nghĩ về mọi sự bằng cách lượng định giá cả. Cách đây ít lâu, vợ một người nuôi cừu trên miền núi có gửi một bức thư hết sức lý thú cho một tờ báo nọ. Con cái họ vốn được sinh trưởng trong cảnh yên tịnh của vùng núi, chúng đều chất phác, ngay thật. Sau đó chồng bà trở thành một người có địa vị trong thành phố, bọn trẻ đã thường sinh sống trên miền núi ấy được đưa vào thành phố. Chúng đổi thay rất nhiều, nhưng lại thay đổi để trở thành tệ hại hơn. Phân loại đoạn chót của bức thư ấy được viết như sau: “... cái gì tốt hơn cho sự nuôi dưỡng một đứa trẻ: một chỗ thiếu xa hoa trần thế nhưng có cách cư xử tốt hơn, với những tư tưởng thật thà giản dị, hay một nơi đô hội với những thói quen đương thời chỉ biết giá của mọi vật mà chẳng biết gì về giá trị đích thực của bất kỳ một vật nào cả”. Nếu mối bận tâm chính của một người là của cải vật chất, thì người ấy chỉ biết có giá cả mà không biết gì đến giá trị. Người ấy chỉ nghĩ đến những gì người ta có thể mua bán bằng tiền bạc, và người ấy sẽ quên đi rằng có những giá trị ở đời mà người ta không thể nào mua bán bằng tiền bạc, có những điều vốn vô giá, quý báu mà tiền bạc không thể mua được. Thật ra tai hại khi một người bắt đầu nghĩ tất cả mọi điều đáng có đều có thể mua bằng tiền bạc.
Chúa Giêsu muốn nói rằng của cải vật chất có hai tác dụng:
- Đó là một trắc nghiệm khó vượt qua cho con người. Trong khi có một trăm người chịu nổi và vượt được nghịch cảnh thì chỉ có một người vượt được sự giàu có. Của cải rất dễ khiến người ta trở nên khoe khoang, kiêu căng, tự mãn, phàm tục. Phải là một vĩ nhân, một người thánh thiện đích thực mới xứng đáng được giàu sang.
- Nó là một trách nhiệm. Con người luôn luôn bị phê phán căn cứ trên hai tiêu chuẩn, người ấy thâu góp tài sản như thế nào và sử dụng của cải ấy ra sao. Càng có nhiều bao nhiêu, người ấy càng có nhiều trách nhiệm bấy nhiêu. Anh ta sẽ sử dụng nó cách ích kỷ hay hào hiệp? Anh ta sẽ sử dụng nó như đó là tài sản thuộc về riêng mình chẳng có ai tranh chấp được hay sẽ dùng nó mà luôn nhớ mình chỉ tạm giữ nó trong tay như người quản lý của Chúa?
Phản ứng của các môn đệ với câu nói của Chúa là nếu đó là sự thực thì hầu như được cứu là chuyện không thể nào có được. Chúa Giêsu đã khẳng định trọn vẹn giáo lý về sự cứu rỗi trong một câu ngắn gọn. Ngài phán: "nếu sự cứu rỗi tùy thuộc các nỗ lực của con người, chẳng hề có ai nhờ cố công ra sức mà được cứu rỗi cả. Nhưng sự cứu rỗi vốn là ân huệ của Thiên Chúa, vì Ngài có thể làm được mọi sự!". Người nào tin cậy vào quyền năng cứu rỗi và tình thương của Chúa, sẽ được cứu rỗi miễn phí. Đó là tư tưởng mà thánh Phaolô viết từ bức thư này tới bức thư khác, và đó cũng còn là tư tưởng dành cho chúng ta làm nền tảng cho niềm tin Kitô giáo.
1. Từ ánh mắt Đức Giêsu nhìn người thanh niên giàu có...
Bối cảnh của đoạn Tin Mừng này cũng giống như Chúa Nhật trước, đó là cuộc hành trình lên Giêrusalem, đây là dịp hai lần, và còn lần thứ ba nữa, Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Người. Khi Đức Giêsu vừa lên đường, có một người chạy đến trước mặt Người. B.Standaert nhận xét: "Cuộc gặp gỡ với người thanh niên giàu có nêu lên một đề tài quan trọng trong giáo huấn đầu tiên của Kitô giáo: vấn đề giàu có”. Thánh sử đạo diễn tấm kịch này hết sức cẩn thận. Từng nấc một, ông đã đưa người ta tiến dần đến điểm giời hạn tột cùng: "Như vậy thì ai có thể được cứu". Có thể nói sự giàu có là một vách đá vững chắc mà mỗi khi vỗ vào, các đợt sóng cố gắng của con người đành phải vỡ vụn, cho đến khi Thiên Chúa can thiệp: "Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được" (10,27) ("L'Evangile selon Marc", Cerf, trang 80).
Từ lúc đầu của cuộc gặp gỡ, mọi sự báo trước một kết thúc may mắn:
+ Dáng vội vã của người thanh niên "chạy đến" và "quỳ xuống" trước mặt Đức Giêsu, một cử chỉ trong nghi thức phục vụ.
+ Thái độ sẵn sàng nội tâm ta có thể cảm nhận được qua câu hỏi anh ta đặt ra: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?". Trong câu trả lời của Đức Giêsu, Người đã tự xóa nhòa trước Thiên Chúa duy nhất, khi nói rằng chỉ mình Thiên Chúa mới "nhân lành", và dành ưu tiên cho mối tương quan với tha nhân, khi Người hướng dẫn người thanh niên về luật lệ Thiên Chúa: "Hẳn anh biết các điều răn: chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thảo kính cha mẹ".
+ Lòng ngay thẳng và trung thực của anh được bộc lộ qua câu anh trả lời Đức Giêsu: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ từ thưở nhỏ". J.Putin nhận xét: "Đức Giêsu biết mình gặp được người Do Thái sống ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa và luộn cố gắng tộn trọng tha nhân trong mọi hoàn cảnh. Hẳn người này thuộc hạng người có phẩm chất tốt hơn những người giáu có khác mà Chúa thường gặp" ("Jésus, l'histoire vraie", Centurion, trang 233).
Bấy giờ Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh (lưu ý là trong vài câu thôi mà Máccô đã nói tới ba lần về điểm này) và Người mời gọi anh. Lời mời gọi này là chóp đỉnh và khúc ngoặt quyết định của cuộc gặp gỡ này.
+ Đức Giêsu "đưa mắt nhìn anh" và "đem lòng yêu mến".
+ Một ánh mắt đầy âu yếm và quý trọng, được diễn tả ngay thành một lời mời gọi tha thiết: "Anh chỉ có thiếu một điều là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi".
Đức Giêsu đề nghị anh đi xa hơn nữa trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa, con đường tuy gồ ghề nhưng chỉ là nối tiếp con đường anh đã đi từ thuở nhỏ để được sự sống đời đời làm gia nghiệp; đó là: từ bỏ của cải để cho người nghèo.
Nhưng điều hoàn toàn mới nằm trong lời mời gọi ở câu kết: "Rồi hãy đến theo tôi". Đức Giêsu mời gọi người Do Thái trung thực này vượt lên khỏi đức tin của cha ông để gắn bó với Người, là trở nên môn đệ của Người. "Nghe lời đó", cuộc gặp gỡ đầu tiên đến đây đã diễn tiến đầy hứa hẹn, bỗng đột ngột chấm dứt: "Người thanh niên sa sầm nét mặt, và buồn rầu bỏ đi". Thánh sử cho ta biết, bởi vì "anh ta có nhiều của cải".
"Trên đường đi theo Đức Giêsu, người thanh niên giàu có này vấp phải một chướng ngại, đó là lòng gắn bó với gia tài sản nghiệp. Của cải như tấm kính mờ đã che lấp ánh sáng, lúc ánh sáng muốn thâm nhập vào lòng anh: "Anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi". Đức Giêsu đã đem lòng yêu mến anh. Nếu niềm hy vọng có một con đường dẫn thẳng tới Thiên Chúa đã khơi dậy niềm vui to lớn thế nào thì giờ đây, thay vào đó, là một nỗi buồn sâu xa không kém" (Sđd, tr-234).
2. ...đến ánh mắt Đức Giêsu nhìn các môn đệ.
Người thanh niên giàu có vừa đi khỏi, Đức Giêsu liền đưa mắt nhìn các môn đệ đang "ở chung quanh Người".
+ Người tuyên bố: "những người giàu có thì khó vào nước Thiên Chúa biết bao". Người còn làm cho các môn đệ sững sờ hơn khi nhấn mạnh theo kiểu Phương Đông: "Con lạc đà chiu qua lỗ kim còn khó hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa".
+ J.Putin giải thích: "Các môn đệ càng thấy sửng sốt hơn nữa vì theo cách giữ đạo thời đó, thì càng giàu càng có nhiều thuận lợi. Có nhiều tiền thì người giàu có thể dâng lễ vật cho Thiên Chúa theo luật buộc để được xá tội, có thể dâng cúng một phần mười tài sản mà các tư tế đòi, hoặc có thể bố thí cho người nghèo... Dường như có một thoả thuận ngầm giữa Thiên Chúa và những người giàu. Như vậy, giàu có của cải không phải là dấu chỉ của người đẹp lòng Thiên Chúa đó sao?" (Sđd, trang 234).
Bởi đó mới có câu hỏi: thế thì ai mới có thể được cứu rỗi? "Nếu người giàu không được cứu rỗi, thì còn ai có thể được?". J.Putin giải thích tiếp: "Nếu họ theo sát lối tư duy của đạo truyền thống, họ là những người không có đủ tiền mua những lễ vật dồi dào, cũng không mua được những bộ chén dĩa cần thiết để giữ luật lệ về sạch sẽ. Còn người giàu, họ có thể mà!" (Sđd, tr-235).
+ Nhìn các môn đệ một lần nữa Đức Giêsu nói thêm: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được". Đây là lời tuyên xưng niềm tin-cậy đã ghi một dấu ấn quan trọng trong lịch sử Kitô giáo ngay từ buổi đầu. Thiên Thần đã chẳng tuyên bố với Apraham về việc Sara sẽ làm mẹ, dù bà hiếm muộn và đã già: "Có phép lạ nào mà Chúa không thực hiện được?". Và Thiên Thần đã chẳng tuyên bố với Đức Maria về việc bà Êlisabét sắp sinh con trong lúc tuổi già: "Bởi vì không có gì mà Thiên Chúa không làm được đấy sao?” Chúng ta không được cứu độ bằng việc thực thi các lề luật, hoặc nhờ những của lễ sang trọng quý giá, hay nhờ việc từ bỏ, hy sinh anh hùng; ơn cứu độ là ân huệ cần phải đón nhận, chính Thiên Chúa đưa ta vào Nước Trời, ân sủng của Người có thể làm nên những việc lạ lùng. Câu nói trên của Đức Giêsu là một lời cổ vũ làm cho cái khó của sứ điệp trước giảm nhẹ đi.
Câu chuyện kết thúc khi Phêrô hỏi: "Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy". Đức Giêsu hé mở cho thấy niềm vui "gấp trăm lần", những gì đã từ bỏ, niềm vui ấy bất cứ ai đã bỏ mọi sự vì Người và vì Tin Mừng sẽ cảm nghiệm được "ở đời này" và "đời sau". Nhưng Người cũng không che dấu những cuộc "bách hại" đang chờ họ. J.Putin kết luận: "Người môn đệ phải tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng với Đức Giêsu... Nhưng cũng như Người, giữa niềm vui về những điều thiện hảo của Nước Chúa, họ phải chuẩn bị để chịu những cuộc bách hại. Ngay từ buổi đầu, Đức Giêsu đã đào tạo họ theo chiều hướng này! Phạm trù để phân xử đều bị đảo lộn. Người giàu mà ta trông thấy đang ở chỗ nhất, nay bị đưa xuống chỗ rốt hết trong Nước Trời. Còn môn đệ và người nghèo được mời lên mời vào chỗ nhất, sau khi đã cùng Thầy mình trải qua thử thách của sự bách hại" (Sđd, tr-235).
Ngày 6 tháng 6 năm 1976. Một người giàu nhất xưa nay đã qua đời, thọ 83 tuổi, ông I. Paul Getty để lại một khoảng từ 2 đến 4 tỷ đôla. Sau năm lần ly dị, mấy năm trước đây ông tuyên bố với một người phỏng vấn: “Tôi mong dùng tất cả gia tài của tôi để xây dựng một hôn nhân hạnh phúc. Tôi sợ thất bại. Tôi sợ không thể tạo được hạnh phúc hôn nhân”. Có lần một phóng viên làm ông phải thú nhận là ông đã không đạt được hạnh phúc gia đình. Suy nghĩ vài giây, ông trả lời: “Vâng, thật đáng buồn”. Một lần khác ông xác nhận: tiền bạc không thể mua hạnh phúc, hơn nữa ông còn tin rằng tiền bạc có bà con với bất hạnh nữa.
Chúng ta nhớ đến nhà tỷ phú này khi đọc câu chuyện người thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng hôm nay. Người thanh niên giàu có này sống đời luân lý tốt đẹp, nhưng anh vẫn cảm thấy thiếu một cái gì. Chúa Giêsu đã nói cho anh điều anh thiếu: “Bạn về và bán những gì bạn có. Giúp người nghèo và bạn sẽ có một kho tàng ở trên trời. Rồi đến theo tôi, chàng thanh niên bỏ đi, vì anh giàu có”.
Điều này áp dụng cho bạn và tôi làm sao? Trước khi trả lời, chúng ta lưu ý hai sự kiện:
- Một là từng người một trong chúng ta, không kể giàu nghèo. Chúng ta phải làm điều Chúa Giêsu đòi hỏi người thanh niên: chúng ta phải bỏ mọi cái chúng ta có.
- Hai là có hàng ngàn người nam, nữ trong suốt dòng lịch sử và trong thời đại chúng ta, tình nguyện bỏ mọi sự để làm linh mục, làm tu sĩ nam nữ. Cả một số giáo dân cũng làm như vậy để phụng sự Chúa tự do hơn.
Chúa Giêsu có truyền tất cả chúng ta phải bỏ mọi sự mình có không? Người có mong tất cả chúng ta là tu sĩ không?
Không, hoàn toàn không. Nhưng người truyền chúng ta biết dùng của cải một cách nào đó để đừng quên Cha trên trời, Đấng ban cho chúng ta những cái đó.
Có phải tiện tặn là sai? Phải chăng góp vốn là sai? Để dành tiền phòng khi già yếu? Hay xây dựng gia đình là sai? Không, hoàn toàn không. Cái sai của sự giàu có là tôn thờ, phục vụ và tin tưởng vào đồng đôla vạn năng thay thế cho Thiên Chúa quyền phép.
Khi các tông đồ hỏi Chúa: “Vậy ai có thể được cứu rỗi?”. Chúa tuyên bố: “Với người ta thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa làm được mọi sự”
Như thế người giàu cũng có thể được cứu rỗi, nhưng phải nhờ ơn Chúa giúp. Tôi đề nghị chúng ta hãy xin Cha trên trời giúp chúng ta sử dụng của cải đúng cách, giúp chúng ta ý thức rằng của cải vật chất cũng là hồng ân và ơn huệ của Chúa. Tôi xin phép giới thiệu một lời kinh.
"Lạy Cha trên trời, con cảm tạ Cha vì gia đình con đầy đủ và quá đầy đủ nữa, xin giúp con biết sử dụng của cải theo ý Chúa. Xin giúp con biết chia sẻ cho những người ít hơn hoặc không có. Xin giúp con tiếp tay trong cộng cuộc của Chúa trên trần gian. Xin giúp con tin tưởng nơi Chúa chứ không phải nơi tiền bạc. Xin giúp con sống rộng rãi với mọi người như Chúa hằng quảng đại với con".
Bạn đọc kinh này khi dâng bánh và rượu trong thánh lễ.
Xin Chúa chúc lành bạn.
bài liên quan mới nhất

- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 17 Thường niên năm C
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 16 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 15 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 13 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 7 Phục sinh năm C - Chúa Thăng Thiên -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 6 Phục sinh năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Phục sinh năm C
bài liên quan đọc nhiều

- Bài giảng Chúa nhật ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ
-
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 19 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B