Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 27 Thường Niên B

Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 27 Thường Niên B

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN - B
Lời Chúa: Is 5, 1-7; Pl 4, 6-9; Mc 10, 2-16

 

Mục Lục
1.  "Hãy để trẻ nhỏ đến với ta"
2.  Lòng cứng cỏi
3.  Họ chỉ là một xương một thịt
4.  Cầu nguyện với nhau

 

1.  "Hãy để trẻ nhỏ đến với ta"

  Phân tích

Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng gồm hai bài học:

a/ Về cuộc sống hôn nhân: những người biệt phái phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề ly dị.

Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập trường ngược nhau về vấn đề này: lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabbi Hillel) cho phép ly dị về những cớ rất bình thường: lập trường khắc khe (đứng đầu là Rabbi Shammai) chỉ cho ly dị trong trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau, nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép ly dị.

Còn lập trường của Chúa Giêsu là tuyệt đối không được ly dị: “Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”.
Nhân dịp này, Chúa Giêsu còn dạy cách sống đời hôn nhân: phải yêu thương nhau (“luyến ái”) và đồng tâm nhất trí (“nên một huyết nhục”) với nhau.

b/ Về thái độ đón tiếp:

   - Người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu. Lý do khiến người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu là để Ngài chúc lành cho chúng (“đặt tay trên chúng”).

   - Lý do khiến các môn đệ khiển trách họ là vì thời đó người Do Thái coi khinh trẻ nhỏ (chúng chưa biết luật). Trẻ nhỏ còn bị coi là ở ngoài hạng xã hội.

   - Phản ứng của Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học mở rộng vòng tay đón tiếp tất cả mọi người, không loại bỏ bất cứ ai.

   - Chúa còn nói người lớn còn có tâm thế của trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Trời.

  Suy niệm

1. Tình trạng ly dị ngày càng gia tăng là biểu hiện của những tật xấu căn bản hơn của người thời nay, đó là không trung thành và hay thay đổi, sống theo sở thích hơn là theo trách nhiệm. Tình trạng ly dị cũng cho ta hiểu rằng sống thủy chung với một tình yêu là điều rất khó.

Lời Chúa, mới ngày nào con còn cảm thấy rất yêu mến Chúa, sao hôm nay lòng con đã bớt nồng nàn, và không biết mai này sẽ thế nào nữa! Phần Chúa thì muôn đời vẫn một mực yêu thương con. Xin gìn giữ con mãi mãi trong tình thương yêu của Chúa.

2. Đời sống độc thân của những người dâng mình cho Chúa là một dấu chỉ, một bằng chứng và một sự khích lệ cho những kẻ sống đời hôn nhân:

   - Dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không vị kỷ

   - Bằng chứng rằng trung thành với tình yêu đã cam kết là một điều có thể

   - Vì là dấu chỉ và bằng chứng nen nó là một sự khích lệ.

Xin cho các Linh mục, Tu sĩ sống đời tận hiến của mình một cách vui vẻ và trung thành.

3. “Thấy vậy Ngài bất bình”: Chúa khó chịu và bất bình khi môn đệ Ngài xua trẻ nhỏ. Ngày nay Chúa cũng tiếp tục khó chịu và bất bình nếu Ngài thấy tôi có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử và không rộng tay đón tiếp mọi người.

4. “Hãy để trẻ nhỏ đến với ta”: Tôi nên hiểu “trẻ nhỏ”, theo nghĩa rộng. Chúa bảo tôi hãy sống làm sao để tất cả mọi người đều có thể gần gũi tôi, hơn nữa đều cảm thấy thoải mái khi ở gần bên tôi. Nhất là những người “nhỏ bé”, tức là kém cỏi, vụng về, chậm trí ...

5. “Nước Thiên Chúa là của những người giống như trẻ nhỏ”. Trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ, trẻ nhỏ biết vâng lời cha mẹ không cần lý luận xem tại sao cha mẹ bảo làm thế, trẻ nhỏ không tính toán lời lỗ thiệt hơn. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ là thần tượng, cha mẹ làm gì cũng đúng, nói gì cũng hay. Tôi đối với Chúa như thế nào? Có giống những nét trên của trẻ nhỏ không?

6. “Những gì tôi cần biết, tôi đều học được lúc tôi còn ở nhà trẻ”, đó là tựa đề quyển sách của mục sư Robert Fangum, một quyển sách bán chạy nhất tại Hoa kỳ trong thời gian gần đây. Tác giả viết “những bài học chúng ta học được ở nhà trẻ đều là những điều chúng ta cần biết để sống hạnh phúc; nếu tất cả chúng ta đều trở lại nhà trẻ thì có lẽ thế giới này không hỗn loạn như hiện nay”. Những điều đó là gì?

   - Hãy chia xẻ mọi sự, hãy chơi đúng luật, đừng làm tổn thương người khác, và nếu có xúc phạm đến ai thì hãy xin lỗi.

   - Lấy đâu thì trả lại đó, dọn dẹp những gì mình bày ra, và nhất là không lấy những gì không thuộc về mình.

   - Ra đường phải chú ý đến xe cộ qua lại, phải nắm tay nhau mà đi.

   - Biết ngạc nhiên trước những mầu nhiệm của cuộc sống. (Chờ đợi Chúa)

2.  Lòng cứng cỏi

Chúa Giêsu tiếp tục đi về phía Nam, Ngài đã ra khỏi xứ Galilê và vào địa phận xứ Giuđê. Ngài chưa đến Giêrusalem nhưng từng bước từng giai đoạn Ngài đang đến gần khung cảnh cuối cùng. Có vài người biệt phái đến chất vấn Ngài về việc ly dị để thử Ngài. Có thể ẩn đằng sau câu hỏi này của người biệt phái còn có nhiều động cơ thúc đẩy khác nữa. Ly dị là một vấn đề nóng bỏng, một đầu đề tranh luận của các Rabi, và có thể họ thật lòng muốn biết ý kiên và sự nhận định của Chúa Giêsu trong vấn đền này. Cũng có thể họ muốn thử Ngài về phương diện giáo lý chính thống. Chúa Giêsu đã đề cập đến hôn nhân và việc tái hôn (Mt 5,31-32), nên số người ấy mong Ngài tự mâu thuẫn với chính mình và sẽ trả lời như thế nào nên tìm cách đẩy Ngài vào chỗ thù địch với Hêrôđê, là người đã ly dị vợ để cưới vợ khác. Cũng có thể họ muốn được nghe Chúa nói trái ngược với luật pháp Môsê đã từng làm, do đó họ sẽ tố cáo Ngài là kẻ tà giáo. Có một điều chắc chắn: vấn đề họ đặt ra không phải là vấn đề thuần lý, chỉ liên quan đến trường phái của các Rabi mà thôi. Đó là một trong những đề tài tranh luận gay gắt nhất trong thời Chúa Giêsu.

Về lý thuyết, không có gì cao hơn lý tưởng về hôn nhân trong Do Thái giáo. Sự trinh khiết vẫn được xem như đức hạnh quan trọng nhất của mọi đức hạnh. "Chúng tôi nhận thấy rằng Thiên Chúa nhịn nhục đối với mọi tội, ngoại trừ tội không gìn giữ trinh khiết". Việc không giữ tiết hạnh khiến vinh quang của Thiên Chúa bỏ đi. "Mọi người do thái thà chết chứ không chịu phạm tội thờ hình tượng, giết người hoặc tà dâm", "khi có ai ly dị vợ tuổi thanh xuân của mình thì cả đến bàn thờ cũng rơi nước mắt". Lý tưởng đã nằm sẵn ở đó nhưng thực tế lại hụt hẫng qúa xa!

Điều cơ bản làm xáo trộn mọi sự ở đây, ấy là theo luật Do Thái, phụ nữ vốn bị xem như một đồ vật. Phụ nữ không có quyền lợi pháp định, hoàn toàn đặt dưới quyền sử dụng của người đàn ông làm chủ trong gia đình. Hậu qủa là người đàn ông có thể ly dị vợ bất cứ vì lý do gì, trong khi hầu như có rất ít lý do để người phụ nữ được phép ly dị. Cùng lắm, người vợ chỉ có thể xin chồng ly dị mình mà thôi. Phụ nữ bị chồng ly dị dầu có thuận ý hay không, nhưng đàn ông thì có thể tự ý ly dị vợ. Chỉ có lý do để một người phụ nữ được quyền xin ly dị chồng là khi người chồng mắc bệnh phong, hoặc khi người ấy xâm phạm đến tiết hạnh một trinh nữ, hoặc khi người chồng cáo gian vợ phạm tội trước khi kết hôn với nhau.

Luật ly dị của người Do Thái vốn bắt nguồn từ Thứ Luật 24,1. Đoạn sách này là nền tảng của toàn thể vấn đề. Câu ấy chép "Khi một người nam cưới vợ, nếu nàng chẳng được ơn trước mặt chàng, bởi chàng thấy nơi nàng một xấu hổ nào, thì chàng được viết một tờ ly dị, trao vào tay nàng và đuổi khỏi nhà mình". Thoạt nhiên tờ ly dị vợ rất đơn giản. Nó được viết như sau: "Đây là tờ giấy tôi viết để ly dị, cho ra khỏi nhà và cho (nàng) được tự do, có thể lấy ai tùy ý". Về sau tờ giấy ly dị được viết lại kỹ lưỡng, trau truốt hơn: "Vào ngày ... tuần... tháng... năm...trên thế gian, theo cách tính toán đang thịnh hành tại thành phố... bên bờ sông..., tôi là X, con trai của Y và bất kỳ tên nào tôi được gọi ở đây, có mặt hôm nay...., nguyên quán tại thành phố... tự ý, không bị ai ép buộc gì, có từ bỏ, cho về và đuổi nàng Z, con gái của V, hoặc bất cứ tên nào được người ta gọi, mà từ trước đến nay vốn là vợ tôi. Hôm nay tôi đuổi nàng Z, con gái của V, để nàng được tự do và có thể lấy ai tùy ý, chẳng ai có quyền ngăn cản. Đây là tờ ly dị, giấy đuổi, chứng chỉ ly hôn, và theo luật của Môsê, của Israel".

Vào thời Tân Ước, chứng từ này còn phải do một Rabi có tài năng thảo ra. Sau đó, nó còn phải được một hội đồng gồm ba Rabi phê chuẩn, rồi được lưu trữ ở Toà Án Tối Cao, nhưng nói chung thì việc ly dị vợ hết sức dễ dàng và hoàn toàn do ý muốn của người đàn ông.

Nhưng vấn đề then chốt thực sự là việc giải thích luật pháp dựa theo chương 24 câu 1 trong sách Thứ Luật. Câu ấy quy định người đàn ông có thể ly dị vợ nếu thấy nơi nàng một sự xấu hổ. Vậy họ phải giải nghiã câu này như thế nào? Trong vấn đề này xuất hiện hai trường phái tư tưởng. Trường phái Shammai, giải thích vấn đề hết sức khe khắt, xấu hổ là ngoại tình và chỉ có ngoại tình (tà dâm) mà thôi. Cho dù người đàn bà có xấu xa gian ác như Giêsaben, nhưng nếu người ấy không ngọai tình, không thể có chuyện ly dị. Thứ hai là trường phái Hillel, họ giải thích câu quan trọng này theo nghĩa rộng rãi nhất có thể có được. Họ bảo nó có nghiã nếu người vợ làm hỏng một đĩa đồ ăn, la cà ngoài phố, trò chuyện với đàn ông lạ, nói hỗn với bà con bạn bè của chồng gần bên chồng, và nếu đó là người hay to tiếng - họ lại định nghiã to tiếng là nói lớn đến nỗi hàng xóm có thể nghe được - là đáng xấu hổ. Rabi Akiaba còn đi rất xa để giải thích câu "nếu nàng chẳng được ơn trước mặt chồng là nếu người đàn ông thấy có người đàn bà nào đẹp hơn vợ mình".

Bản tính con người vốn vậy, hễ có điều gì lỏng lẻo hơn thì luôn luôn thắng thế. Hậu qủa là các lý do nhỏ nhặt hay chẳng có lý do nào cả lại là chuyện phổ biến tai hại. Sự việc vẫn tiếp diễn như thế nên vào thời của Chúa Giêsu, phụ nữ thường ngại không muốn tiến đến hôn nhân vì hôn nhân quá bấp bênh. Khi Chúa Giêsu phán các lời ấy, Ngài đang đề cập đến một vấn đề nóng bỏng, và Ngài đã quan tâm đến phụ nữ mà giáng một đòn sấm sét hầu vãn hồi địa vị thích đáng phải dành cho hôn nhân.

Chúng ta cần ghi nhận một số điểm sau đây, Chúa Giêsu đã trích dẫn một quy tắc của Môsê, và Ngài thêm rằng, sở dĩ Môsê đã quy định như vậy "là vì lòng các ngươi ra cứng cỏi". Câu này có một trong hia nghiã sau đây. Có nghiã là sở dĩ Môsê qui định như thế vì đó là điều tốt đẹp nhất người ta có thể trông mong nơi dân mà ông đã ban bố luật pháp cho. Hoặc nó có nghiã là sở dĩ Môsê quy định như thế vì ông muốn cố gắng kiểm soát một tình hình lúc bấy giờ đã thoái hoá trầm trọng, và điều đó thật ra không hề có chuyện cho phép người đàn ông ly dị vợ, nhưng từ ban đầu, nó chỉ là một nỗ lực nhằm kiểm soát việc ly dị vợ, đưa nó vào trong thứ phạm vi một thứ luật lệ, khiến việc ly dị vợ gặp nhiều khó khăn hơn mà thôi. Dầu sao Chúa Giêsu cũng vạch rõ, Ngài chỉ xem thứ luật 21,1 như một quy định do hoàn cảnh chứ không phải là một sự ràng buộc vĩnh viễn. Những chứng liệu Ngài trích dẫn còn lui về những thời xa xưa hơn. Để thêm uy quyền, Ngài nêu chuyện sáng tạo trời đất như đã ký thuật trong Sách Sáng Thế ký 1, 27; 2,24. Theo quan điểm của Ngài, ngay trong bản chất của các sự việc, là sự kết hợp bền vững giữa hai người bằng một phương cách mà không bao giờ luật lệ, quy điều của con người có thể phá vỡ, cắt đứt được ràng buộc đó. Chúa Giêsu tin quyết, trong cơ cấu vũ trụ, hôn nhân là một sự tuyệt đối vĩnh viễn, bất khả phân ly, chẳng có quy tắc nào của Môsê nhằm vào một hoàn cảnh tạm thời lại có thể thay đổi nó được.

Yếu tính đích thực của đọan Tin Mừng này là Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tình trạng lỏng lẻo của nền đạo đức về hôn nhân và tình dục vào thời của Ngài, cần phải được hàn gắn, sửa đổi. Những kẻ chỉ muốn kết hôn để tìm lạc thú được nhắc nhở rằng hôn nhân cũng là trách nhiệm. Những kẻ xem hôn nhân chỉ như một phương tiện nhằm thoả mãn các đam mê thể xác phải nhớ đó là một sự liên hiệp thuộc linh, Chúa Giêsu đang xây một thành lũy chung quanh gia đình vậy.

Catarina Yaguello là vợ của bá tước Vasa, người Phần Lan.

Vì bị buộc tội phản loạn, vua Phần Lan đã xử Vasa với bản án tử hình.

Khi hay tin này, nữ bá tước Vasa là Catarina Yaguello đã đến xin phép nhà vua cho bà chia sẻ số phận của chồng bà.

Vua Phần Lan lúc đó là Hê-rít đã ngạc nhiên trước lời xin của Catarina. Nhà vua đã dùng mọi lý lẽ để thuyết phục Catarina bỏ ý định điên rồ kia. Nhà vua hỏi bà:
   - Ngươi có biết rằng, chồng ngươi sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sàng mặt trời nữa không?

   - Thưa Hoàng thượng có.

   - Và ngươi có biết rằng nay thì chồng ngươi không còn được đối xử như một bá tước nữa mà bị đối xử như một tên phản loạn không?

   - Thưa Hoàng thượng biết, tuy nhiên cho dù có được tự do hay tù tội, có tội hay vô tội, đức lang quan vẫn là chồng của tiện nữ.

Đức vua ngắt lời bà:

   - Nhưng mà giờ đây còn điều gì ràng buộc ngươi với hắn nữa? Ngươi được tự do mà.

Nữ bá tước Vasa tháo chiếc nhẫn cưới đang đeo ở tay ra đưa cho nhà vua và nói:

- Xin Hoàng thượng đọc cho.

Trên mặt chiếc nhẫn chỉ khắc vỏn vẹn có hai chữ Mors sola. Nghĩa là chỉ có cái chết mà thôi. Giao ước ấy bà đã ký kết với chồng ngày hai người thành hôn.

Thế là Catarina được nhà vua cho phép chia sẻ với số phận tù đày với chồng sống trong ngục tố chịu cảnh khổ đau nhục nhã trong suốt 17 năm trường cho đến khi vua He-rit qua đời. Lúc đó hai vợ chồng bá tước Vasa mới được trả tự do.

3.  Họ chỉ là một xương một thịt

  1. Từ cuộc tranh luận "khi đi đường"...

Đã hai lần (và sẽ có một lần thứ ba nữa) Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Người. Trên đường lên Giêrusalem, nơi Người sẽ chịu nạn và chịu chết, Người tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan.

B.Standaert nhận xét như sau: "Việc Máccô ghép giáo huấn luân lý của ông vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô thật đáng suy nghĩ. Thay vì lên lớp dạy luân lý, hoặc trích dẫn luật lệ trong Kinh Thánh, ông nhìn nhận chỉ có nền tảng duy nhất cho đời sống luân lý Kitô giáo là việc noi gương Đức Kitô. Những trình thuật quan trọng loan báo số phận của Con người thật ra không có gì khích lệ, nhưng chính từ định mệnh Đức Kitô, ta sẽ hiểu được những đòi hỏi thực tế của Kitô giáo. Do đó, ta sẽ không còn ngạc nhiên thấy đời sống đó có những đòi hỏi quyết liệt, không khoan nhượng (...).

Ông nhận xét tiếp: "Theo Máccô trình bày, nói gương Đức Kitô là chìa khóa của tất cả đời sống luân lý. Sự tương cận giữa đời sống Đức Giêsu và đời sống Kitô hữu mà Máccô đề ra vẫn là gương mẫu cho nỗ lực tìm hiểu đời sống Kitô giáo. Máccô mời gọi ta suy nghĩ lại tất cả những thực hành, hoạt động, bi kịnh và ước vọng của ta dưới ánh sáng duy nhất của tấm thảm kịch mà Đức Giêsu đã trải qua: "Bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết Ngài sẽ sống lại" (9,31). ("L'Evangile selon Marc", Cerf, trang 78-79 và 81).
Có lẽ ở Giuđê, nơi dân cư là người Do Thái sống chung quanh thủ đô Giêrusalem, Đức Giêsu chạm trán với nhóm Pharisêu. Nhóm này muốn thử thách Người nên đặt vấn nạn về vấn đề ly hôn: "Chồng có được phép rẫy vợ không?".

Vào thời đó, việc chồng rẫy vợ trên nguyên tắc được mọi người chấp thuận. Sách Đnl 24,1 có viết: "Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có nhiều điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà". Người ta chỉ bất đồng ý kiến về lý do mà người đàn ông viện ra để rẫy bỏ vợ mình.

   + Phái bảo thủ, muốn bênh vực quyền lợi cho người đàn bà trong xã hội do người đàn ông thống trị, (môn phái Shammai) chỉ nhận duy nhất một lý do là hợp pháp: đó là thói lăng loàn bất trị của người vợ, hoặc một hành động khiến có thể nghi ngờ lòng chung thuỷ của nàng.

   + Phái tự do (môn phái Hillel) cho phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào, thí dụ như vô sinh, hiếm muộn, gặp người đàn bà khác mình thích hơn hay chỉ vì nấu ăn dở.

Nhóm Pharisêu tự hỏi xem Đức Giêsu sẽ gia nhập phái nào? Nhưng họ cũng biết quá rõ, cho dầu chọn môn phái nào, Người cũng bị sập bẫy. Vì người ta sẽ chụp mũ Người là "cứng cỏi" hoặc "buông thả" đối với lề luật thánh; và như vậy, không còn ai tin vào giáo huấn của Người.

Nhưng Đức Giêsu không rơi vào cạm bẫy của họ. Người trả lời bằng một câu hỏi: "Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?". Khi dùng từ truyền dạy, Người buộc những người chất vấn phải nhìn nhận công khai, đó không phải là "một lệnh truyền" của Môsê, mà chỉ là một "nhân nhượng" vì lý do nhân đạo. Họ thú nhận: "Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ".

Bấy giờ, Đức Giêsu nại đến một quyền lực cao trọng hơn quyền lực của Môsê trong việc cắt nghĩa Lề luật. Như những lần tranh luận về ngày Sabát; ở đây, Đức Giêsu cũng nại đến ý Thiên Chúa từ thưở ban đầu: "Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt". Việc rẫy vợ, dù rằng có trao tờ ly hôn chỉ là một nhân nhượng, nó không hủy bỏ ý muốn ban đầu của Thiên Chúa và tính cách vĩnh viễn của hôn ước. "Vì thế họ sẽ thành một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phận ly".

J.Hervieux giải thích: "Ra đời trước sách Đnl rất lâu, sách sáng thế mà Chúa trích dẫn đã trình bày sự phối hợp người nam người nữ như một nền tảng vững chắc, trên đó nhân loại được xây dựng, chớ không bị hủy diệt. Con người được taọ nên có nam có nữ, nên cả hai phái tính: đàn ông và phụ nữ đều là "hình ảnh của Thiên Chúa". Sự cao quý của sự kết hợp là ở đó. Đức Giêsu rút ra kết luận mà Đấng Tạo Dựng mong muốn: "Vì lý do đó, cả hai thành một xương một thịt"... Lời lẽ thật hết sức rõ rệt. Đàn ông và phụ nữ được ơn gọi làm nên một tế bào gia đình tự lập. Đôi uyên ương họ tạo lập trở nên một đơn vị nền tảng, phát xuất do mối tương quan tình yêu và giới tính. Cái đơn vị hàng đầu này, được tạo lập do ý định của Thiên Chúa, là một thực thể cần được bảo vệ bằng mọi giá, Đức Giêsu cương quyết nhắn nhủ điều đó: "Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phận ly". ("L'Evangile de Marc", Centurion, trang 141-142).

  2. ...đến cuộc chuyện vãn thân mật "ở nhà"

Thay vì mắc vào âm mưu của luật sỹ, Đức Giêsu cương quyết tái xác định ý nghĩa phối hợp hôn nhân do Thiên Chúa sắp đặt tự nguyên thủy; Người không làm luật, người chỉ đề nghị một thái độ đạo đức cơ bản: đó là đặt mình vào kế hoạch của Đấng Tạo thành. Người mở ra con đường khắt khe hơn quan điểm thường tình của người phàm. Cũng thế, vừa khi trở về nhà (nơi biểu trưng cho những giáo huấn mà Đức Giêsu dạy dỗ riêng cho các môn đệ) các môn đệ thay thế cho nhóm Pharisêu đặt câu hỏi: và Đức Giêsu trả lời: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình, đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác cũng phạm tội ngoại tình".

Ta thấy, khi chuyển Lời Chúa đến địa chỉ mới là những Kitô hữu gốc ngoại giáo, thuộc thế giới Hy Lạp, nơi mà luật pháp cho phép phụ nữ cũng như đàn ông được quyền tự ý ly dị, Máccô cũng để ý tới hoàn cảnh đặt biệt này. Ông lần lượt nêu ra trường hợp người chồng, rồi người vợ, lìa bỏ người bạn đời của mình; dù cho phía nào gây ra cuộc phân ly cũng có "ngoại tình" nếu đi lấy người khác, nghĩa là nếu kéo theo cuộc phối hợp khác.

J. Hervieux nhận xét: "Ý kiến cứng rắn của Đức Giêsu về vấn đề ly dị được áp dụng cho Giáo Hội sơ khai trong bối cảnh mới mẻ. Đem áp dụng cho Giáo Hội hôm nay cũng là điều đáng ngạc nhiên. Giáo Hội luôn phải đối mặt với những trường hợp kết hợp vợ chồng bị đổ vỡ rồi tái tạo. Dù sao đi nữa, ta phải luôn nhớ rằng ý kiến của Đức Giêsu không được dựa trên quan điểm "duy luật" và Người luôn dang rộng tay để đón tiếp những người bị khai trừ và những kẽ tội lỗi" (Sđd, tr-142).

Tiếp ngay sau việc giáo huấn này là việc một số cha mẹ dẫn con họ đến với Đức Giêsu để "Người đặt tay trên chúng" và họ chạm phải phản ứng thô bạo của các môn đệ: các ông thẳng tay xô đuổi chúng.

Ta dễ hiểu phản ứng của các môn đệ, nếu ta nhớ rằng vào thời Đức Giêsu, trẻ nhỏ thường bị người lớn khinh thường(...) Tất cả các chú nhóc chen chúc nhau trong cộng đồng Do Thái đều mù tịt về luật Môsê(...), chúng bị liệt vào hàng "bị khai trừ", như bệnh nhân, phụ nữ, và nô lệ.
Bực tức trước thái độ như thế, Đức Giêsu lợi dụng cơ hội này để dạy về thái độ tinh thần mà người môn đệ Nước Trời phải có: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng". "Nếu Vị Tôn sư nêu trẻ nhỏ ra làm gương mẫu cho người lớn bắt chướng, chính là, theo quan điểm của thời đó, vì chúng nhỏ bé, nghèo khó, bị khai trừ. Như đã nói, vào thời Đức Giêsu, trẻ nhỏ là "người nghèo": nghĩa là một sinh vật hoàn toàn lệ thuộc vào người khác. Nhưng trẻ nhỏ cũng là khả năng sống động cho khả năng biết lắng nghe và biết tin tưởng. Chính khả năng dễ hoà nhập của trẻ nhỏ là một tấm gương cho các tín hữu.

Đức Giêsu long trọng quả quyết điều đó (câu 15). Bởi vậy, ta nhận ra rằng Đức Giêsu luôn lo lắng để uốn nắn cái nhìn của các môn đệ, mà Người đang đào tạo để trở nên những người lãnh trách nhiệm trong Hội thánh. Họ cần phải dẹp bỏ tính tự cao tự đại (9,33-34), phải trở nên nhỏ bé để đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn khiêm nhượng và rộng mở" (Sđd, trang 142).

4.  Cầu nguyện với nhau

  Ở với nhau

Lớp giáo lý người lớn đang học về hôn nhân. Giáo lý viên xin mỗi học viên cho một câu hỏi về hôn nhân: những câu hỏi tiêu biểu cho cuộc hội thảo ba cặp: một cặp công giáo kết hôn được 14 năm, cặp Tin lành Mithodist 22 năm và một cặp Mennonite kết hôn mới hơn hai năm.

Đây là một câu hỏi: “Có bao giờ bạn nghĩ đến việc ly dị? Nếu có, bạn phân giải thế nào?

Người chồng Mennonite trả lời hay nhất: Giennie và tôi cả hai đã cam kết với Đức Kitô , khi chúng tôi còn học trung học, điều đó giúp chúng tôi cam kết với nhau trong hôn phối.

Cam kết là quan hệ thường thấy thời nay, nó có nghĩa là một lời thề, một lời hứa với một người khác. Trong Công giáo, nó có nghĩa là một lời hứa đúng đắn và long trọng và thành thật, hoàn toàn trung thành với nhau.

Điều làm sáng tỏ ý nghĩa của tôi hôm nay là một đôi hôn phối, họ trung thành với Chúa, có nhiều cơ may trung thành với nhau. Kinh nghiệm và điều tra đã làm sáng tỏ điều đó: năm 1975 trong 4 cặp có 1 cặp ly dị. Nhưng trong 57 cặp trong gia đình đi lễ đều đặn chỉ có một cặp ly dị. Điều đáng chú ý là 500 cặp trong gia đình đọc Kinh Thánh đều đặn và cầu nguyện chỉ có một cặp ly dị.

Chúng ta không thắc mắc khi Đức Giêsu kết án ly dị và tái kết hôn.

Chúng ta không thắc mắc khi cặp hôn phối cầu nguyện với nhau, họ thường ở với nhau.

Khi một đôi tân hôn gặp vấn đề. Họ thường thổ lộ với người khác, họ phàn nàn với lối xóm và bạn bè. Họ khóc lóc với mẹ với cha. Họ thở than với người đồng nghiệp, với một người cùng hội cùng thuyền. Họ cũng có thể tin cậy ở một bác sĩ, một linh mục, một tâm lý gia, một luật sư, một cố vấn hôn nhân, một viên chức. Họ nói với bất cứ ai về tình cảnh rắc rối của họ. Nhưng họ không thưa với Chúa về điều đó. Tất cả những người nêu trên có thể cho họ lời hứơng dẫn, lòng cảm thông và sự giúp đỡ nào đó. Nhưng không ai có thể nâng đỡ họ như Chúa. Không ai hiểu hoàn cảnh của họ hơn Chúa, Đấng thông biết mọi sự và yêu thương mọi loài. Hãy đơn sơ và thành thật, bạn thân thưa với Chúa về nỗi khó khăn của bạn, chân thành và khiêm nhượng, bạn xin Chúa giúp.

Nếu thật sự bạn cảm thấy mình tội. Đừng quá dễ tha thứ cho mình. Bạn xin Chúa hoán cải trái tim người có lỗi, một lần nữa bạn hết sức khiêm nhường xin Chúa giúp bạn đổi thay.

Nếu bạn cam kết với Chúa, hai bạn cũng cam kết với nhau. Nếu bạn tập cầu nguyện riêng tư với Chúa. Hai bạn cũng sẽ cầu nguyện với nhau dễ dàng. Kết quả là mọi vấn đề sẽ được giải quyết trước khi chúng trở nên trầm trọng.

Chúa ban luật cấm ly dị. Chúa sẽ giúp bạn giữ luật đó. Hãy xin Chúa giúp bạn trong thánh lễ hôm nay. Khi Chúa ban mình cho chúng ta trọn vẹn, chúng ta sẽ cố gắng dâng trọn vẹn chúng ta cho Chúa.

Xin Chúa chúc lành bạn.

Top