Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 26 Thường Niên B

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN - B
Lời Chúa: Ds 11, 25-29; Gc 5, 1-6; Mc 9, 37-42. 44. 46-47
Mục Lục
1. Đố kỵ và ganh ghét
2. Từ bỏ
3. Lòng khoan dung
4. Hy sinh
5. Chặt tay bạn đi
Phân tích
Trong bài Tin Mừng này Chúa Giêsu dạy hai bài học:
a/ Bài học bao dung và hợp tác: khi thấy một số người không thuộc nhóm 12 mà cũng nhân danh Chúa Giêsu để trừ qủy thì Gioan khó chịu, xin Chúa ngăn cấm. Chúa Giêsu chẳng những không ngăn cấm họ mà còn sửa dạy các môn đệ mình.
- Người đời thường có óc bè phái: ích kỷ bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”
- Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn ai bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ và sẵn sàng hợp tác với những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta”.
b/ Sự tai hại trầm trọng của việc làm gương xấu gây vấp phạm cho họ thì thà buộc cối đá vào cổ nó và xô nó xuống biển còn hơn.
- Ngay cả bản thân mình mà gây cớ vấp phạm cho mình thì mình cũng phải tự khắc khe với để diệt trừ nguy hiểm tận gốc: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt nó đi…’
Suy miệm
1. Kẻ thốt lên những lời sặc mùi đố kỵ này là ai? Cũng là kẻ một lần khác đòi khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi một làng Samari không tiếp đón Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài. Đó chính là Gioan “người môn đệ mà Chúa Giêsu thương yêu”. Con người tự nhiên của Gioan vốn xấu như vậy. Nhưng nhờ tình thương của Chúa Giêsu, sau này Gioan trở nên tốt, có thể nói là tốt hơn các môn đệ khác. Nhìn gương thánh Gioan, tôi không thất vọng về bản chất xấu xa của mình, nhưng tôi càng tin cậy vào tình thương có sức biến đổi tuyệt vời của Chúa.
2. Gioan cũng là một trong ba môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu. Thế mà vẫn nặng đầu óc phe phái, Gioan đố kỵ với cả những người “nhân danh Chúa mà trừ qủy”, tức là những người làm việc tốt.
Thánh Gioan mà còn như thế thì huống chi là tôi. Tôi phải khiêm tốn thừa nhận trước Chúa và trước lương tâm rằng tôi đã nhiều lần đố kỵ ghen ghét các anh chị em tôi, ganh ghét không phải vì họ xấu mà chính vì họ tốt. Và tôi phải hết sức đề phòng không để cho khuynh hướng ghen ghét ấy khuynh đảo tôi nữa.
3. Tôi thường nhìn người khác một cách nghi kỵ và khắc khe: “Họ không ủng hộ tôi tức là họ chống đối tôi”. Do cái nhìn ấy, nếp sống của tôi trở nên bi quan và khép kín. Hôm nay Chúa dạy tôi một cái nhìn rất bao dung và rất lạc quan “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con”. Chắc chắn với cái nhìn này đời tôi sẽ vui tươi hơn và tôi sẽ làm việc thoải mái hơn.
4. Truyện ngụ ngôn Ấn độ có kể như sau: Một hôm thần Krisna muốn thử lòng các vua trên trần thế.
Trước tiên thần cho gọi Duriana, một ông vua nổi tiếng tàn ác, đến: “Ta muốn ngươi đi khắp thế giới tìm cho ta một con người có lòng tốt”. Duriana đi khắp thế giới một thời gian rồi trở về tâu: “Lạy Ngài, con không thể gặp được một người nào như thế cả, vì mọi người đều ích kỷ, đê hèn”.
Thần gọi tiếp một ông vua khác nổi tiếng quảng đại, tên là Damanatra và ra lệnh ngược lại: “Ngươi hãy đi tìm cho ta một người thực sự xấu xa”. Một thời gian sau, Damanatra trở về buồn bã báo cáo: “Lạy Ngài, con xin chịu tội, con đã gặp rất nhiều người hẹp hòi, ích kỷ, gian tham, trộm cắp… nhưng người thực sự xấu xa thì con không gặp. Cho dù có vấp ngã, mọi người đều có lòng tốt”.
5. “Ai cho các con một ly nước lã…”: Tục ngữ VN có câu “nước lã mà quấy lên hồ”, nghĩa là từ không có gì cả mà làm nên chuyện. Vậy cho “một ly nước lã” nghĩa là hầu như chẳng cho gì cả, thế mà Thiên Chúa vẫn kể và vẫn thưởng công. Giá trị của tấm lòng kẻ biết phục vụ là như thế.
6. “Ai làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin vào Thầy, thà buộc thốt cối xay vào cổ nó…”: Cớ vấp phạm là những lời nói và hành động nhiều khi rất vô tình. Ai ngờ hậu qủa chúng gây ra cho người khác và cho chính mình lại to lớn như thế.
Tôi đâu có biết rằng một lời nói của tôi chỉ để chơi thôi nhưng làm cho anh chị em tôi đau lòng đến cả đêm không ngủ. Huống chi một lời nói vì nóng giận mà tôi không kềm chế được…Chúa dạy tôi phải quan tâm đến anh chị em. Trước khi làm gì hay nói gì tôi cũng phải suy nghĩ xem lời nói và niệc làm đó sẽ tác động gì nơi người anh chị em tôi.
7. “Nếu tay con nên dịp tội, hãy chặt đi… Nếu chân con… Nếu mắt con… Thà có một tay… một chân… một mắt mà được vào nước Thiên Chúa”: được vào nước Thiên Chúa là điều qúy giá nhất, so với nó không có hy sinh từ bỏ nào là qúa đáng cả. Hiện giờ tôi cần phải “chặt” cái gì?
8. Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo hoang, bắt gặp một khối lượng nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm giàu. Nhưng tàu bị lạc giữa biển không sao định hướng được, kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoan tàu chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thực thiếu, nhiên liệu cạn dần, người thuyền trưởng phải quyết định vất bỏ khối nam châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu cả con tàu.
Giáo huấn của Đức Giêsu trong Mc 9,38-48 bàn đến nhiều vấn đề có vẻ rất khác biệt. Câu Gioan hỏi và lời Người đáp về kẻ trừ quỷ xa lạ với nhóm Mười Hai làm nên một khối duy nhất (c.38-40). Nhưng với câu nói về ly nước cho môn đồ (c.41), chúng ta thay đổi đề tài cách đột ngột. Và đoạn văn từ câu 42 đến 48 về gương xấu xem ra lại nhảy sang một chuyện khác nữa.
Tuy nhiên, có thể nhìn thấy một sợi chỉ xuyên suốt trang Tin Mừng này. Sợi chỉ đó là "sự từ bỏ" mà Đức Giêsu luôn kêu mời môn đệ thực hiện. Ở đây, Người kêu mời môn đệ trước hết hãy từ bỏ tinh thần bè phái, tiếp đến là từ bỏ những gì có thể làm anh em và chính bản thân mình vấp ngã.
1. Từ bỏ tinh thần bè phái
Đối với Gioan, chỉ nhóm Mười Hai mới có quyền hành động nhân danh Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta". Đức Giêsu lập tức bẻ gẫy tính ích kỷ này bằng cách mở rộng tối đa phạm vi đón tiếp: "Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".
Tuy nhiên, nơi Matthêu, ta đụng phải câu nói: "Ai không đi với tôi là chống lại tôi". Phản ứng khác? Vâng, vì hoàn cảnh khác. Trong Mt 12,30, Đức Giêsu chiến đấu với những kẻ lăng nhục mình. Họ kết án Người thông đồng với quỷ! Người mạnh mẽ phản ứng: “Các ông không muốn đi với tôi”. Thật rõ ràng, họ đã chủ ý thực hiện sự chọn lựa khủng khiếp nhất mà một con người có thể thực hiện: dầu đã thấy Đức Giêsu, đã nghe Đức Giêsu, họ vẫn chống lại Đức Giêsu.
Trong Máccô (và Luca) thì rất khác, đây là chuyện một con người thiện chí: "Vì đã làm nhiều phép lạ nhân danh Thầy, kẻ ấy không thể là một đối thủ. Anh ta chẳng chống lại chúng ta". Vậy anh ta theo chúng ta à? Nói thế xem ra khá lạc quan đấy! Ở đây chúng ta sẽ luôn chia rẽ thành kitô hữu cởi ở và kitô hữu ngờ vực. Gioan đứng về phe đóng kín: "Tay ấy không thuộc nhóm ta". Phải biết nhìn. Tiếp đón cách mù quáng không phân biệt cũng chẳng tốt hơn khép kín trong một nội bộ kiểu bè phái.
Khi nghĩ đến một số kẻ sẽ kêu danh Người: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?", Đức Giêsu đã nói cách nặng nề: "Ngày phán xét, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi" (Mt 7,22-23).
Vì sao? Vì họ từng thực hiện cái tách ra khỏi Đức Giêsu hơn cả: cuộc sống giả hình. Họ đã nói rất hay: "Lạy Chúa, lạy Chúa!" Họ đã lão luyện trong các chuyện thiêng thánh, nhưng họ sống một cuộc đời xấu xa: "Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!" (Mt 7,22-23).
Đó là tiêu chuẩn sẽ giúp chúng ta quyết định ai thuộc nhóm mình: không phải tiếng kêu "Lạy Chúa, lạy Chúa!" nhưng là nỗ lực tránh trở thành xấu xa. Tiêu chuẩn rộng rãi chăng? Chắc chắn rồi. Càng rộng rãi vì phải sử dụng nó một cách năng động: xem lúc này đây, con người đó có nỗ lực nên tốt lành không. Nếu thế thì đương sự theo chúng ta dầu có quá khứ nào chăng nữa. Chớ xua đuổi anh ta vì anh ta hơi ra khỏi các chuẩn mực, không hành đạo bao nhiêu, không chính thống bao nhiêu. Và thậm chí khá xa Đức Kitô, nhưng lại được Người lôi kéo.
Chúng ta có phận sự xem nhóm Kitô hữu của mình phải chăng là một hạt nhân thu hút hay một câu lạc bộ khép chặt. Đức Giêsu đã đến quy tụ mọi người. Nếu đóng kín các cửa để nhóm mình vẫn mãi nghiêm chỉnh, chúng ta sẽ được riêng tư. Nhưng Đức Giêsu có lẽ sẽ chẳng ở đó.
2. Từ bỏ cớ làm sa ngã
Sang phần hai, giọng điệu Đức Giêsu càng trở nên nghiêm trọng, với một chuỗi dài những câu được liên kết bằng từ mấu chốt: "làm cớ sa ngã" (bốn lần)
Trước hết là một lời cảnh cáo nghiêm khắc cho những người dựng lên chướng ngại vật, khiến những "kẻ bé mọn" (tức các tín hữu mà đức tin non yếu) bị vấp ngã. Thánh Phaolô cho ta biết có nhiều loại kitô hữu trong các giáo đoàn và họ ảnh hưởng lên nhau: những người có "hiểu biết" dễ trở thành cơ hội vấp ngã cho những kẻ yếu kém muốn bắt chước họ dù không có hiểu biết như họ (x. 1Cr 8,7-13; 9,22; 10,24-29; Rm 14,1-23). Và thánh Phaolô kết luận: "Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô" (1Cr 8,12). Xác quyết này nhấn mạnh cách khác sự liên đới giữa Đức Giêsu với kẻ nhỏ nhất trong các tín hữu như Mc ghi nhận trong bài Tin Mừng. Thành thử tính cách trầm trọng của gương xấu tố giác ở đây phát xuất từ phẩm giá của người tín hữu lu mờ nhất. Và sự nghiêm khắc của Đức Giêsu đủ nói lên lòng kính trọng và mối ưu tư phải dành cho kẻ ấy. Bất hạnh lớn nhất có thể xảy tới cho một người là lôi kéo phạm tội một trong các kẻ nhỏ này: một bất hạnh lớn hơn việc họ xô xuống lòng đại dương với một cối xay lớn cột vào cổ.
Tiếp đến, sự trầm trọng của gương xấu được xác định theo mối nguy nó gây ra cho mỗi người. Bất cứ ai đều có thể tìm thấy trong bản thân một cơ hội gây gương xấu và như thế liều mình đánh mất sự sống vĩnh cửu. Sự sống này quá quan trọng đến nỗi ta phải chấp nhận hy sinh một phần thân thể nếu cần thiết. Sao chỉ có 3 chi thể (tay, chân, mắt)? Chắc hẳn chúng tiêu biểu cho những loài người thường vi phạm, là trộm cướp, bạo hành, ước muốn xấu xa (x. Mc 7,21-22).
Để hiểu những lời này của Đức Giêsu, phải lưu ý đến lối nói cụ thể và thường nghịch lý trong cuộc đàm thoại của Người. Thật vô ích khi tìm xem những tội nào mà bàn tay, bàn chân hay con mắt có thể là cơ hội. Vả lại việc cắt bỏ chúng chẳng loại trừ được nguy hiểm đâu. Chúng tượng trưng tất cả các ḍịp tội mà một Kitô hữu có thể tìm thấy trong chính bản thân hay trong tương giao với bên ngoài. Và chúng cho thấy sự đòi hỏi thật là ghê gớm. Nói thế, Đức Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của "sự sống", của "Vương quốc Thiên Chúa", tiêu chuẩn dứt khoát cho mọi lựa chọn của con người (x. Mc 8,35-37; 10,23-27; Mt 13,44-45).
- Một lần kia, thánh Phanxicô Assidiô ngã bệnh đau bao tử. Một đồ đệ của ngài là anh Giuniphêrô, lo việc y tá, liền trổ tài: chữa bệnh bằng thịt quay. Giuniphêrô bắt được đâu đó một con sáo, đem làm thịt, ướp dầu ôliu rồi nướng thật ngon lành, dâng lên "cha" bề trên. Phanxicô nuốt xong miếng thịt sáo cuối cùng, bỗng thấy ray rứt khôn tả.
- Khốn nạn thật. Chính ta hằng ngày vẫn ra rả khuyên mọi người sống đời nghèo cực, chính ta đã từng đuổi một anh em ra khỏi dòng vì tội ham ăn ham uống, cũng chính ta đã từng từ chối không chấp nhận vào dòng một người khác vì lỗi coi trọng tư sản hơn số phận kẻ nghèo... Thế mà vừa rồi ta lại lén lút xơi nguyên cả một con sáo! Đồ tham ăn! Đồ dối trá! Thật là một gương xấu tầy trời!
- Phanxicô gọi một đồ đệ khác là anh Giacôbê đến, bảo lấy sợi dây thắt một cái tròng. Giacôbê nhất nhất vâng lời "đấng thánh". Hai người cùng đi đến đầu thành phố Assidiô, thánh Phanxicô đút đầu vào tròng, rồi bảo Giacôbê cứ thế dắt đi. Vừa đi, Giacôbê vừa lớn tiếng hô (như Phanxicô đaơ truyền buộc): "Đây, mời bà con ra mà xem! Đây là người đã yêu cầu bà con nhịn ăn nhịn mặc, sống đơn giản, nghèo cực, nhưng tự mình lại nại cớ đau bao tử để ăn cả một con sáo nướng đây. Mời bà con ra mà xem". Cả một đám trẻ con lũ lượt kéo theo vây xem cảnh người dắt người. (Cây đàn của thánh Phanxicô).
Chúa Giêsu vừa nói cho các môn đệ tính chất quan trọng trong công tác phục vụ, và phần thưởng dành cho những ai hành động, dành cho những ai nhân danh Ngài. Điều đó khiến cho Gioan nhớ lại việc vừa xảy ra, ông liền thưa cùng Chúa về việc ông vừa cấm một người làm việc trừ quỷ, với một lý do họ không ở trong nhóm các ông. Vào thời của Chúa Giêsu, ai nấy đều tin có ma quỷ. Mọi người đều tin rằng các thứ bệnh tật ở thân thể lẫn tâm thần, đều do ma quỷ tà thần ám ảnh. Có một phương pháp hết sức thông thường để trục xuất ma quỷ. Nếu ai biết được tên của vị thần nào mạnh hơn, thì có thể nhân danh thần ấy truyền lệnh cho tà thần đang ám nhập nạn nhân đó phải ra khỏi, và con quỷ đó phải nhượng bộ. Nó không dám chống lại danh của một vị thần linh có thế lực hơn nó. Đó là sự việc đang xảy ra ở đây. Gioan thấy có người nhân danh quyền uy của Chúa Giêsu để đuổi quỷ, ông đã ngăn cấm vì người ấy không phải là một trong số những người thân cận với Chúa Giêsu như các môn đệ. Có điều đáng khâm phục nơi tâm hồn Gioan, ấy là ông cảm thấy lo lắng thật sự về danh nghĩa của Chúa, ông không muốn ai dùng danh nghĩa của Ngài mà lại không theo nhóm của Ngài, nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ của người môn đệ, và tuyên bố rằng chẳng có ai thù địch với Ngài, lại có thể nhân danh Ngài làm một việc quyền năng nào. Đó là lẽ tự nhiên khi chúng ta muốn tất cả những ai mang danh Kitô hữu sẽ gia nhập vào Hội Thánh, vào cộng đoàn chúng ta, nhưng không nên có sự cuồng tín. Ở đây, Chúa Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc tổng quát "Hễ ai không nghịch với ta là thuộc về ta". Đây là một bài học về lòng khoan dung mà mọi người cần học tập.
1. Mỗi người đều có quyền tự do tư tưởng.
Mỗi người đều có quyền suy nghĩ về mọi sự cho đến khi nào tìm ra kết luận cho những điều mình tin. Đây là một nguyên tắc mà chúng ta phải tôn trọng. Chúng ta thường lên án những điều mình không hiểu. Vậy đừng bao giờ vội vàng khinh dể hoặc chống lại những gì bạn không biết. Trong bức thư, thánh Giuđa cảnh cáo: "Số người này đã phát ngôn bừa bãi về mọi điều họ không biết (10)". Chúng ta phải nhớ hai điều:
a. Có nhiều cách thức để người ta đến được với Chúa. "Chúa tự bày tỏ mình theo nhiều cách" (Tenyson). Thiên Chúa có nhiều đường lối để đưa những người thuộc về Ngài vào thiên đàng. Trái đất vốn tròn, hai người bắt đầu đi về hai hướng ngược nhau, cuối cùng vẫn gặp nhau tại một điểm.
Chính Đức Kitô cứu rỗi, chứ không phải tổ chức Giáo Hội. Thật là điều đáng sợ nếu có ai thuộc bất cứ giáo phái nào nghĩ chỉ có giáo phái của họ hoặc chính họ độc quyền về sự cứu rỗi.
b. Điều cần phải nhớ là chân lý luôn luôn lớn hơn điều mà bất cứ người nào có thể lãnh hội được. Chẳng hề có ai thâu tóm được toàn thể chân lý. Nền tảng của tính khoan dung không phải là thái độ lười biếng chấp nhận bất cứ điều gì. Đó không phải là cảm nghĩ cho rằng không thể có được sự bảo đảm ở bất cứ nơi nào. Nền tảng của thái độ khoan dung chỉ đơn giản là nhận thức được tính cách bao la của quỹ đạo chân lý. "Khoan dung là tôn trọng mọi khả năng của chân lý, nghĩa là thừa nhận chân lý có thể cư trú trong mọi nhà mặc lấy đủ màu sắc, và nói bằng đủ các thứ tiếng lạ. Nó có nghĩa là phải thật lòng tôn trọng quyển tự do của lương tâm ngự trị bên trong, chống lại mọi hình thức máy móc, mọi quy ước chính thức lực lượng xã hội. Nó có nghĩa là tình yêu thương lớn hơn cả đức tin lẫn hy vọng" (John Merlay). Sự không khoan dung là dấu hiệu của cả sự kiêu ngạo lẫn dốt nát, nó là dấu hiệu của kẻ tin là không hề có chân lý nào khác ngoài chân lý mà mình thấy.
2. Chẳng những phải nhường lại cho mọi người quyền làm theo những gì họ nghĩ, mà chúng ta còn phải nhường quyền để họ tự phát biểu những điều riêng của họ.
Trong tất cả các quyền tự do dân chủ, quyền quan trọng nhất là quyền tự do phát biểu ý kiến. Dĩ nhiên là phải có giới hạn. Nếu có ai đưa ra giáo lý được tính toán trước nhằm phá hoại luân lý, lật đổ mọi nền tảng xã hội văn minh và Kitô giáo thì kẻ ấy bị chống lại. Nhưng phương pháp để chống lại chắc chắn không phải là loại trừ người ấy bằng vũ lực, nhưng bằng cách chứng minh cho họ thấy mình đã sai lầm. Voltaire từng quan niệm về quy định tự do ngôn ngữ bằng một câu sống động: "Tôi ghét điều anh nói, nhưng tôi sẵn sàng chịu chết để anh có quyền được nói ra nó".
3. Cuối cùng, chúng ta phải nhớ là, mọi giáo lý và mọi quan niệm đức tin đều phải được phán xét căn cứ vào các hạng người mà nó đã sản sinh ra.
Tiến sĩ Chalmers có lần đã tóm tắt vấn đề trong một câu ngắn gọn, ông nói: "Ai là người quan tâm đến bất cứ Giáo Hội nào, nếu không phải là người quan tâm đến nó như một công cụ các việc lành Kitô?" Câu hỏi tối hậu phải luôn được nêu lên, không phải là "Giáo hội được điều hành như thế nào?" Ngụ ngôn Đông Phương có câu chuyện như sau: Người kia có một chiếc nhẫn bích ngọc rất lạ. Hễ ai đeo nhẫn vào thì tính tình trở nên rất hiền dịu, chân thực khiến mọi người đều yếu mến. Chiếc nhẫn là một thứ phép màu. Nó được truyền từ đời cha sang đời con và luôn luôn linh nghiệm. Thời gian trôi qua, chiếc nhẫn được truyền đến một người cha có ba người con trai, mà đứa nào ông cũng yêu quý cả. Khi biết mình sắp chết, ông ta băn khoăn không biết sẽ để chiếc nhẫn lại cho đứa con nào đây? Ông liền thuê thợ kim hoàn làm thêm hai chiếc nhẫn khác, y hệt như chiếc nhẫn thật đến nỗi chẳng ai phân biệt được chiếc nào thật, chiếc nào giả. Lúc hấp hối, ông gọi riêng từng đứa con, trăn trối riêng với từng người, sau đó ông cho mỗi người một chiếc nhẫn mà người kia không biết. Nhưng về sau, cả ba người con đều khám phá ra rằng mỗi người đều được nhẫn, thế là một cuộc tranh cãi dữ dội đã bùng nổ xem ai được chiếc nhẫn có thể đem lại điều có lợi cho chủ nó. Nội vụ được đem đến cho một quan tòa khôn ngoan xét xử. Quan tòa xem xét từng chiếc nhẫn rồi nói: "Ta không biết chiếc nào là chiếc nhẫn thật, nhưng chính các ngươi có thể chứng nghiệm điều đó". Ba người con ngạc nhiên hỏi: "Chúng tôi à?". Quan tòa bảo: "Phải, và nếu chiếc nhẫn tạo cho người đeo nó một bản chất dịu hiền thì ta và những người trong thành phố này sẽ biết ai được chiếc nhẫn thật bởi đời sống thiện hảo của người ấy. Cho nên các anh hãy về đi, sống cho tử tế, trung thực, dũng cảm ngay thẳng trong mối liên hệ với mọi người, và ai làm như thế chính là người được chiếc nhẫn thật". Vấn đề phải được chứng nghiệm như thế bằng đời sống. Không ai lên án được một giáo lý đã khiến một người xấu trở nên tốt. Nếu chúng ta nhớ được điều ấy, sự thiếu khoan dung có thể giảm bớt.
Chúng ta có thể ghét niềm tin của một người nhưng đừng bao giờ ghét người ấy. Chúng ta có thể muốn loại bỏ những gì người ấy giảng dạy, nhưng đừng bao giờ có ước muốn loại trừ chính người ấy.
1. Đi theo Con Người
Chúng ta vẫn "ở nhà" tức là ở Caphácnaum, nơi đây mang một ý nghĩ tượng trưng, nghĩa là nơi Đức Giêsu dạy dỗ riêng cho các môn đệ. Đức Giêsu dừng chân ở đây trên đường lên Giêrusalem. Người sẽ chịu cuộc tử nạn mà trước đây Người loan báo lần thứ hai tại thành này.
Trong bối cảnh trên đường lên Giêrusalem, chúng ta sẽ rất dễ hiểu những lời Đức Giêsu. Trong "Tin Mừng theo thánh Máccô", B.Standaert nhận xét như sau: "Việc Máccô ghép giáo huấn luân lý của ông vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô thật đáng suy nghĩ. Thay vì lên lớp dạy luân lý, hoặc trích dẫn luật lệ trong Kinh Thánh này nọ, ông không nhìn nhận nền tảng đời sống luân lý Kitô giáo nào khác ngoài việc noi gương bắt chước Đức Kitô. Những trình thuật lớn lao báo số phận của Con người thật ra không phải là những lời khuyến khích, nhưng khởi đi từ thân phận Đức Kitô, ta có thể hiểu ra những việc làm cần thiết mà người Kitô hữu phải tuân giữ. Ta sẽ không còn ngạc nhiên thấy đời sống thực hành này là quyết liệt, không khoan nhượng... Thập Giá hiện diện không những trong việc đảo lộn thân phận, làm cho người lớn nhất trở nên kẻ phục vụ mọi người, mà còn trong khả năng dám chặt tay, chặt chân, móc mắt đi, nếu những chi thể này làm cớ sa ngã". (Cerf, tr.78-79).
Nhưng Lời Chúa nói, được Maccô thuật lại còn vượt xa ngoài phạm vi các môn đệ, để nhắm đến các cộng đoàn Kitô hữu . Điều này có thể làm cho óc suy luận kiểu phương tây của ta kinh ngạc và lạc hướng. Điều quan trọng trong những lời của Đức Giêsu nói, không phải là những đề tài, mà là những từ được đặt trong ngoặc kép, như: "nhân danh" Đức Giêsu, trong phần đoạn Tin Mừng này, "kẻ bé mọn" và "làm cớ sa ngã" trong phần cuối.
2. Dẹp bỏ tinh thần bè phái
Giáo huấn đầu tiên của Đức Giêsu xuất phát từ phản ứng bè phái của Gioan, con ông Giêbêđê, có biệt danh là "con của sấm sét" (3,17). "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con cố gắng ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta". Đức Giêsu không đồng ý, Người cảnh các các môn đệ về nguy cơ muốn chiếm độc quyền về đức tin là Thánh linh. J.Hervieux cắt nghĩa: "Đức Giêsu không chấp nhận cho Hội thánh của người có "tinh thần kín cổng cao tường" "tinh thần pháo đài". Lệnh của Chúa là phải mở rộng vòng tay đón tiếp hết thảy những ai không tỏ ra thù nghịch với mình. "Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta". Chắc hẳn những lời này rất quan trọng đối với một Hội Thánh như cộng đoàn của thánh Máccô, vì lúc đó cuộc bách hại thúc đẩy họ co cụm lại, sống kín cổng cao tường" ("l'Evangile de Marc" Centurion, trang 137-138).
Chúa còn đẩy ý tưởng đó đi xa hơn, nên nêu thí dụ "Ly nước lã". Một cử chỉ nhỏ bé nhất được thi hành giúp các môn đệ Người "vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô" có giá trị trước mặt Thiên Chúa: "Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu".
3. Dám liều chọn lựa hy sinh
Giọng điệu còn trở nên nghiêm trọng hơn với một chuỗi dài những câu được liên kết bằng "từ mấu chốt": "Làm cớ sa ngã".
Trước hết, một lời cảnh cáo nghiêm khắc cho những người dựng nên chướng ngại vật, làm cho những "kẻ bé mọn" (tức là những tín hữu mà đức tin còn yếu) bị vấp ngã.
Ta còn nhờ Thánh Phalô đã cống hiến phần lớn thư của Người bàn về nguy cơ làm cớ sa ngã. Khi giải thích cho những Kitô hữu đang hoang mang ở Côrintô rằng họ đã được giải phóng khỏi những luật lệ Do Thái giáo, thánh tông đồ liền dặn thêm: "Nhưng hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho những người yếu đuối sa ngã... Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc" (1 Cor 8,9-12).
Hôm nay từ miệng Đức Giêsu, chúng ta cũng đón nhận giáo huấn đó. Vào lúc, Đấng Messia-Tôi Tớ, đi lên Giêrusalem để trao nộp mạng sống vì yêu thương, Người long trọng tuyên bố: trong cộng đoàn môn đệ, phải hết sức tôn trọng người nhỏ bé nhất trong số các anh em của Người.
Kế đó là ba lời cảnh giác đối với ba chi thể của ta, vì chúng ta có thể lôi kéo người môn đệ sa ngã: "Nếu tay anh... nếu chân anh... nếu mắt anh..."
M.Quesnel tự hỏi: "Sao chỉ có ba chi thể đó, chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người thường vi phạm, đó là: trộm cướp, bạo lực, ước muốn xấu..." (Mc 7,21-22).
Ngoài ra, tay mắt và chân là thứ mà ta có từng đôi, mà nếu mất đi một thì cũng không đến nỗi tàn phế. Việc hài tên chúng lần lượt từng cái một là một kiểu nói hùng biện có tác dụng mạnh đến người nghe.
Thật ra cách nói khoa trương cũng không phải là không có trong những câu có hình thức mâu thuẫn này. Hội Thánh không bao giờ giải thích theo nghĩa đen, ngôn ngữ thì đầy hình ảnh và có tác dụng là nhờ những câu đối lập nhau. Géhenne là thung lũng sâu khó xuống được, nằm ở phía dưới thánh Giêrusalem, là nơi người ta đổ những rác rưởi, đồ phế thải, nên ở đó luôn xông lên những mùi nồng nặc kinh khủng, như vậy Gehenne đối lập với sự sống hay nước Thiên Chúa. Mọi người cần trách xa nó, vì đó là nơi tiêu huỷ tận diệt... Trái lại, sự sống và nước Thiên Chúa là một thách thức đáng cho ta tận dụng mọi nỗ lực để đạt tới. Tất cả những gì ta làm tách xa sự sống và nước Thiên Chúa đều xấu xa. Sự sống và Nước Thiên Chúa ấy đáng cho ta quyết tâm lựa chọn, dù có phải thiệt mất một phần thân thể". ("Comment lire un évangile? Marc",Seuil, tr-170).
Ngày xửa, ngày xưa, một đoàn thám hiểm từ lục địa Châu Âu đi tìm đất mới. Bạn biết gì về hòn đảo Ireland ngày nay, Nhà lãnh đạo của họ là một người phiêu lưu với số mệnh. Ông tuyên bố: Ai dựng đất đầu tiên, sẽ là chủ toàn thể lãnh thổ. Một người trong nhóm tên là O‘Reil quyết tâm dành được đất mới. Ông ráng sức chèo, nhưng một chiếc thuyền đối thủ rượt theo ông, bắt kịp ông rồi qua mặt ông. Ông có thể làm gì? Người đàn ông tinh thần mạnh mẽ, ý chí sắt đá nay buông mái chèo cầm lấy búa và chặt bàn tay trái liệng trên bờ. Như thế ông là người đầu tiên đụng vào đất mới, và nó là của ông.
Tôi kể câu chuyện đẫm máu và rùng rợn này để giúp chúng ta hiểu được những lời đẫm máu và rùng rợn của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Nếu tay bạn làm cớ cho bạn phạm tội, hãy chặt nó đi. Thà bạn tàn tật mà được vào cõi hằng sống hơn là có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục. Chúa Giêsu muốn nói điều chi? Người nói rằng những ai theo Người phải sẵn sàng hy sinh những cái gần gũi nhất, thân yêu nhất hơn là bất tuân luật Chúa bởi phạm tội. Cắt tay, chặt chân, hay móc mắt không hiểu theo nghĩa đen. Chúa Giêsu không nói rằng chúng ta phải thật sự chặt tay, chặt chân. Đó chỉ là cách nhấn mạnh của Người và gây ấn tượng mạnh mẽ trên chúng ta, để chúng ta hiểu rằng: nước Thiên Chúa, đất vĩnh cửu của chúng ta muốn đạt được, xứng đáng mọi hy sinh.
Để chiếm được Nước Trời, chúng ta phải sẵn sàng làm một vài việc quyết liệt và đau đớn như chặt chân, cắt tay. Với một số người, xa lìa một vài món đồ vật chất cũng có thể đau đớn như cắt một bàn tay. Tuy nhiên Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: nếu chúng ta cho người đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người không nhà trọ; chúng ta sẽ chiếm được nước Trờì. Chúng ta phải làm một vài hy sinh để nâng đỡ Giáo Hội Chúa, công cuộc của Chúa là truyền bá đức tin. Cái đó thường cũng đau đớn.
Hy sinh để đẹp lòng Chúa và chiến đoạt nước trời có thể cũng đau đớn như cắt một bàn tay. Với một người nghiện rượu, bỏ một ly rượu hay chỉ một ly thôi cũng có thể gây khổ sở cho anh. Nhưng để làm đẹp lòng Chúa, anh phải bỏ.
Chúng ta thích ngủ nướng trên giường vào sáng Chúa nhật hơn là đi lễ. Cố gắng, chiến đấu để vượt thắng tính lười biếng có thể gây phiền phức, khó chịu ở một mức độ nào đó. Nhưng đó là phương cách để chúng ta chiếm đoạt Nước Thiên Chúa.
Thường dễ ngồi, chăm chú nhìn màn ảnh truyền hình đến phút chót, hơn là dành chút thời gian cầu nguyện hay đọc vài dòng Kinh Thánh, hoặc đọc báo chí Công giáo, và ngay cả nói chuyện với người thường.
Hầu chuyện với Chúa là một đặc ân lớn lao, một niềm vui tuyệt diệu, nhưng nó đòi hỏi một cố gắng cắt bớt một vài việc không quan trọng và gặp gỡ Chúa. Chúa Giêsu đã cố gắng, Chúa Giêsu đã hy sinh. Người không chỉ cắt tay, Người hiến cả thân mình, chúng ta tưởng niệm sự dâng hiến đó nơi đây trên bàn thờ này. Hãy xin Chúa Giêsu sức mạnh để từ bỏ chính mình.
Xin Chúa chúc lành bạn.
bài liên quan mới nhất

- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 17 Thường niên năm C
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 16 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 15 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 13 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 7 Phục sinh năm C - Chúa Thăng Thiên -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 6 Phục sinh năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Phục sinh năm C
bài liên quan đọc nhiều

- Bài giảng Chúa nhật ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ
-
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 19 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B