Suy nghiệm cùng “Thiên Chúa là sự sống”

Suy nghiệm cùng “Thiên Chúa là sự sống”

Suy nghiệm cùng “Thiên Chúa là sự sống”

BBT: “Nghệ thuật thánh”, trong góc nhìn khách quan hóa, là một con đường khác, để con người đến với Thiên Chúa - thông qua cái đẹp, cái cao cả … - và trong góc nhìn chủ quan, là một cách thức khác của sự tỏ lộ đức tin, nuôi dưỡng và chia sẻ đức tin…

Tiếp cận tác phẩm “Nghệ thuật thánh”, tiếp xúc với các nghệ sĩ dấn thân trong “Nghệ thuật thánh”, bởi vậy, bao giờ cũng mang ý nghĩa của một sự hiệp thông trong tình yêu Thiên Chúa.*

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu tác phẩm “Thiên Chúa là sự sống” của họa sĩ Nguyễn Trí Đức (*): - tác phẩm đã thu hút được sự chú ý của nhiều người trong triển lãm tranh, ảnh, tượng chào mừng “Đại hội Dân Chúa” với chủ đề “Giáo hội: Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ” tổ chức tại Nhà Truyền thống Tổng Giáo phận TP. HCM trong tháng 11-2010, - và tâm sự của anh về tác phẩm này. 


Về tác phẩm “ Thiên Chúa là sự sống”

Sáng tác, với tôi, là một hành trình phiêu lưu. Có khi bắt đầu từ vô thức và do vô thức dẫn dắt. Nhiều tác phẩm, sau khi vẽ xong một thời gian, nhìn lại, tôi mới cảm nhận được hết về nó. Nhưng cũng có khi bắt đầu từ một ý đồ chủ định với một suy tưởng, một cảm nghĩ. Tôi đưa vào mặt tranh những hình ảnh, những biểu tượng, và cấu trúc chúng trong những tương quan “tạo nghĩa”. Tuy vậy, cũng chẳng bao giờ được dẫn dắt thuần tuý bởi ý thức. Mỗi chi tiết được đưa vào mặt tranh, hình như có sức sống riêng, và chúng mời gọi, lôi kéo nhau… Và tôi phải nương theo chúng. Sự sáng tạo ở đây trở thành một quá trình đuổi bắt và khám phá. Để rồi, kết quả sau cùng, khi tác phẩm đã hoàn thành, nó trở thành cái gì khác hẳn với ý đồ ban đầu của tôi…

Tôi đã sáng tác “Thiên chúa là sự sống” trong ý đồ ban đầu là thể hiện cảm nhận của mình về “Bữa tiệc ly”.

Không gian của tranh là đêm tối, ở đó, lấp lánh những khoảng sáng tượng hình những con số, những ký tự mơ hồ. Với tôi, đó là thực tại. Một thực tại mù mờ trong tư duy, chỉ có thể nhận biết được ít nhiều qua ngôn ngữ, qua những biểu tượng, những ký hiệu. Nó còn biểu hiện cho một tâm thức hoang mang, loáng thoáng những ám ảnh… Trên không gian đó, ở vị trí trung tâm, tôi đặt hình ảnh biểu trưng cho “bữa tiệc ly”, và chung quanh, tôi viết tên Chúa Giêsu và tên 12 vị thánh tông đồ theo kiểu chữ như trong Kinh Thánh xưa. Đó là những biểu tượng, những ký hiệu nổi rõ nhất trên mặt tranh, nổi rõ nhất trong cái không gian tăm tối mà tôi gọi là “thực tại mù mờ”, là “tâm thức hoang mang”. Trong sự nổi rõ này, chúng là đối tượng của sự chiêm nghiệm, suy ngẫm. Tôi muốn mọi người chiêm nghiệm lại, suy ngẫm lại, về ý nghĩa của “Buổi tiệc ly”, về sự đau xót và thương xót của Thiên Chúa đối với sự ngu dại của chúng ta trước giờ người chịu khổ nạn... Mảng màu đỏ loang chảy ở trên là “máu”. Có thể là máu của Thiên chúa đã đổ ra để cứu chuộc chúng ta, và, cũng có thể là máu của chúng ta đang tiếp tục đổ vì sự ngu dại kéo dài của mình, vì sự tăm tối tự tạo và tiếp tục hoang mang mù mờ…

Xem như đã vẽ xong. Tôi ký tên lên mặt tranh, và chờ khô.

Nhưng, vẫn có gì đó, cứ ray rứt. Tôi xem đi xem lại nhiều lần. Hình như vẫn còn thiếu một cái gì đó! Hình như, tôi đang suy nghĩ quá nặng nề, quá tiêu cực. Và, hình như, đang hụt hẩng niềm tin…

Bức tranh ám ảnh tôi…

Một tia sáng đã loé lên bất chợt. Tự nhiên, tôi muốn vẽ thêm hình ảnh một con cá lên tranh. Và tôi đã vẽ. Một con cá “tả thực”. Nhiều người bạn, xem tranh, cho rằng, sự có mặt của con cá “tả thực” này hơi trớ trêu. Nó phá vỡ sự thống nhất trong cấu trúc ngôn ngữ tranh. Riêng tôi, sau khi vẽ con cá “tả thực” này, tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Nó đã xoa dịu tâm hồn tôi. Trong không gian của thực tại được tạo thành bởi những biểu tượng và ký hiệu mù mờ đó, nó như hiện thân của sự sống thật. Nó đã mang lại cho bức tranh một sự sống. Và mang lại trong tôi một niềm tin…

Từ “Bữa tiệc ly” ban đầu, bức tranh trở thành “Thiên Chúa là sự sống” là như thế.

Trí Đức
Sài Gòn 09/03/2011

 (*) Về họa sĩ Nguyễn Trí Đức:

 “Trí Đức sinh năm 1962. Hiện sinh sống tại TP HCM. Bước vào hội họa bằng con đường tự học, nhưng anh không dừng lại ở một bến bờ nghệ thuật nào. Anh luôn xoay trở từ quan điểm đến cách nhìn nghệ thuật. Anh đã tự định nghĩa được mình ở tư cách nghệ sĩ với các cảm xúc trữ tình siêu hình sâu lắng và với một lối tư duy hình tượng mang tính tượng trưng có gốc rễ trong đời sống hiện thực, và như được khai quật từ trong vô thức. Hội họa của anh là một lọai hiện thực - tâm tưởng, mà mỗi bức tranh là một sự khám phá hay chứng nghiệm. Nó đánh động tâm thức người xem. Buộc người xem phải suy tưởng…” (Nguyên Hưng-phê bình mỹ thuật)

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top