Sức mạnh của sự từ chối

Sức mạnh của sự từ chối

Không dễ từ chối khi có thể chấp nhận. Những cha mẹ nuông chiều con cái có thể khiến chúng dễ lo âu và trầm cảm trong tương lai. Nguy hiểm của sự nuông chiều là làm cho chúng tự quan trọng hóa và trở nên ích kỷ.

Tiết kiệm và tự khước từ có giá trị quan yếu. Nhưng nhiều thiếu niên đã thiếu (hoặc mất) các “đức tính” đó. Chưa thể trách chúng vì chính cha mẹ nuông chiều mà chúng trở nên như vậy. Còn là học sinh mà xài điện thoại di động để làm gì? Chúng đã làm gì để có tiền trả cước phí? Tất nhiên cha mẹ lại phải thanh toán. Được voi thì đòi tiên. So với 10 hoặc 15 năm trước, trẻ em ngày nay lười làm việc nhà hơn. Nghiên cứu ở Úc cho thấy 53% trẻ con muốn mua đồ xài riêng để cảm thấy hãnh diện và 73% các cha mẹ nói rằng con cái họ “tập trung" vào mua sắm và hoang phí. Cha mẹ càng phải làm việc nhiều hơn để con cái "không thua kém bạn bè".

Nhu cầu của trẻ tăng cao cũng do làn sóng tiếp thị nhắm vào chúng. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ ước tính mỗi năm trung bình một đứa trẻ Mỹ xem 40.000 chương trình quảng cáo. Đó là áp lực vô thức lên cả cha mẹ và con cái, khó tránh khỏi. Cha mẹ cần biết cân bằng giữa các thuận lợi của xã hội và các giá trị nhân bản của cuộc sống: Muốn đạt được mục đích thì phải biết chờ đợi, tiết kiệm và làm việc chăm chỉ. Trẻ em có thể học tự kiềm chế bằng cách quan sát cách xử sự của người khác, đặc biệt là cách xử sự của cha mẹ.

Muốn vậy, cha mẹ phải mất nhiều thời gian để quan tâm tới con cái. Cha mẹ chú trọng các giá trị cao thì mới đủ uy tín để dạy chúng các tiêu chuẩn sống. Hạn chế yêu sách của chúng không phải là “cấm" chúng mà phải giải thích cho chúng hiểu những gì thực sự cần thiết hoặc chưa cần thiết, đồng thời cũng cần lắng nghe chúng trình bày, tuyệt đối đừng áp chế chúng. Có thể khó nhận biết thế nào là “đủ" nhưng vẫn khả dĩ nhận ra sự “quá đáng" để dừng lại.

Phụ huynh cần luyện tập kỹ năng làm cha mẹ để giáo dục luân lý và đạo đức cho con cái, đồng thời cần hiểu rõ tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của các loại hình thông tin đại chúng (báo chí, phim ảnh...) tác động vào chúng hằng ngày. Hãy lưu ý chúng, nói chuyện với chúng và lắng nghe chúng. Nhờ vậy mà có thể ngăn ngừa và động viên chúng hướng thiện.

Được động viên thì trẻ thêm lòng tin, được chia sẻ thì trẻ biết rộng lượng, được tha thứ thì trẻ biết khoan dung và nhẫn nại. Ngược lại, trẻ sẽ lên án khi sống với những người hay chỉ trích, trẻ sẽ nhút nhát sợ sệt khi sống giữa cảnh hãi hùng, trẻ sẽ tham lam khi sống trong không khí đố kỵ. Rau nào, sâu nấy. Cha mẹ trung thực thì con cái công bằng, cha mẹ hạnh phúc thì con cái nhân ái, cha mẹ hiền hậu thì con cái đức độ. Những cảnh thương tâm có thể dạy cho trẻ biết đồng cảm.

Có con thì dễ, làm cha mẹ thì rất khó. Chúng ta không chỉ dạy con bằng những điều bảo ban mà còn bằng cách sống của chính mình. Sử Viễn nói: “Vui nhất không gì bằng đọc sách, cần nhất không gì bằng dạy con”.

Đời sống đạo cũng luôn phải biết từ chối nhiều thứ, vì Đức Kitô đã xác quyết: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16:24; x. Mt 10:38 và Lc 14:26-27). Muốn đủ sức từ chối điều gì đó thì phải có sức mạnh tinh thần. Thật không dễ, vì con người luôn bị giằng co, như Thánh Phaolô đã kinh nghiệm: “Điều tôi muốn thì tôi không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top