Sự thân tình là chìa khoá giáo dục của Don Bosco
TGPSG - Nhiều bậc phụ huynh đã cảm thấy khó khăn trước vấn đề giáo dục con cái, đặc biệt là đối với những đứa con trong độ tuổi mới lớn. Có người cũng đã dùng chữ “mặc kệ” và mong chờ giai đoạn của lứa tuổi “nổi loạn” này có thể trôi qua thật nhanh. Cũng có người lại chọn phương pháp kiểm soát, áp đặt từng li từng tí để con cái không rơi vào vòng vây nguy hiểm. Còn đối với Don Bosco thì khác, một nhà giáo dục thiên tài lại chọn một phong cách tuy không cao siêu gì nhưng lại là một đòi hỏi quyết liệt nơi người giáo dục, đó chính là sự thân tình.
Don Bosco đã nói với những nhà giáo dục: “Không có thân tình thì không có tín nhiệm, mà không có tín nhiệm thì cũng không có giáo dục”. Chìa khoá của Don Bosco là tạo nên một tương quan thân tình, tạo nên một tình gia đình, niềm vui gặp gỡ giữa người giáo dục và người được giáo dục. Don Bosco đã yêu mến các bạn trẻ đến nỗi từng em đã phải tranh giành nhau là Don Bosco yêu mình nhất. Đó là con đường giáo dục bằng con tim mà Don Bosco đã dấn bước để chiến thắng được đứa trẻ nổi loạn, lạnh lùng, ngỗ nghịch.
Thế nhưng, nhiều người cũng sẽ nói làm thế nào để có thể thân tình được trong hoàn cảnh xã hội ngày nay. Nhiều câu hỏi được đặt ra đã thách thức đời sống gia đình và việc giáo dục con cái. Có những bậc phụ huynh sẽ không còn thời gian để ăn với con, chơi với con và ở với con nữa. Có người thì cũng chẳng muốn để dành giờ cho con cái, bởi vì biết bao nhiêu công việc riêng tư phải lo phải làm. Có người cũng chẳng vui thích gì vì mỗi lần bên cạnh con là một sự phiền toái… Có vẻ hơi tiêu cực nhưng sự thật xã hội ngày nay là như thế. Tình trạng ly dị, hôn nhân đổ vỡ ngày một tăng lên khi vợ chồng, cha mẹ, con cái không còn tìm thấy được niềm vui bên nhau nữa.
Nhiều người cũng biết và thậm chí còn biết quá rõ về điều này. Thế nhưng những người cha người mẹ, những người giáo dục có câu trả lời nào hay không, hay cũng là “mặc kệ” cho thời gian trôi qua để rồi nhìn thấy con cái mình lại cứ đâm đầu vào những tệ nạn, thói xấu mà không có một phương án nào khắc phục.
Nếu phân tích về tình trạng xã hội ngày nay thì mọi người cũng dễ thấy được nhiều con người đã bị ảnh hưởng vì xã hội rất nhiều, đặc biệt là những ảnh hưởng rất xấu đến con người; nào là chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa tự do cá nhân, chủ nghĩa vô thần… Có người chọn tiền bạc là tất cả, có người chọn lối sống cho bản thân mình được tự do không lệ thuộc vào một ai cả. Và cũng có người chọn không có nguồn cội nào, chẳng có Thiên Chúa nào cả mà chỉ có “tôi” là tồn tại mà thôi… Nhưng chúng ta phải tỉnh táo để dám chất vấn với xu hướng thời đại này. Đó là: “Chẳng lẽ tiền là cùng đích của con người tôi?”; “Chẳng lẽ tôi sống mà không bao giờ dính dáng hay chịu ơn của một ai khác cả?”; “Tôi có thể tự mình để sinh ra tôi và giải thoát tôi khỏi những khổ đau?”...
Chúng ta thấy được rằng, cuộc sống con người đang bị mất dần tương quan. Đời sống con người nếu không là một tương quan thì liệu sẽ ra sao! Một cá thể lẻ loi, cô độc, tự nuôi sống mình, tự làm cho mình hạnh phúc mà không cần bất kỳ một ai khác thì quả là một điều viển vông mà không thể nào tin được. Con người phải có tương quan, sự tương quan thân tình mới là thứ quý giá đáng phải trân trọng, giữ gìn và làm tăng triển nơi con người chúng ta. Tiếc là xu hướng xã hội ngày nay đã làm tha hoá những điều đẹp đẽ nơi bản chất của một con người cần phải có!
Quay trở lại với điều mà Don Bosco đã làm, đã giáo dục các thanh thiếu niên của ngài. Chính ngài đã phải lo toan nhiều việc, nhiều bổn phận từ trong ra ngoài, từ vất chất cho đến tinh thần, từ những công việc tay chân cho đến việc linh hồn… nhưng ngài vẫn là người giáo dục, là người thân tình với các thanh thiếu niên. Có lẽ những người giáo dục phải tự hỏi chính bản thân mình là trái tim của mình đã hướng về điều gì chứ không phải là đổ lỗi cho hoàn cảnh; dù hoàn cảnh vẫn có ảnh hưởng ít nhiều đến con người. Ai cũng phải có những thứ để lo, để nghĩ nhưng có lẽ nhiều người đã đánh mất đi một thứ quan trọng nhất đó chính là gia đình, là vợ chồng, là con cái…
Chẳng thể nào có sự thân tình nếu không dành con tim hướng về nhau. Sẽ không có sự thân tình khi chẳng dành thời gian cho nhau. Sẽ chẳng có thân tình khi chỉ biết sống cho cá nhân “tôi” mà thôi. Mọi người cũng sẽ phải thừa nhận rằng, sẽ không bao giờ có một tình yêu thật sự, sự thân tình thắm thiết nếu không giữ gìn, vun đắp, xây dựng từng ngày.
Chắc chắn, xã hội đã và đang thay đổi, nhưng có những điều quý giá, tốt đẹp sẽ không được phép thay đổi. Don Bosco đã phải đối diện với những thay đổi trong xã hội thời của ngài nhưng lập trường của ngài rất chắc chắn và quyết liệt. Nhờ như vậy, nên ngài đã biến các trẻ hư hỏng thành những vị thánh. Ước gì trong ngày lễ mừng kính Don Bosco, thay vì những lời khen ngợi các nhân đức nơi ngài; thì những người giáo dục, những bậc làm cha làm mẹ hãy học lấy tinh thần người cha, người thầy nơi vị thánh nhân này để trước hết chúng ta tìm được hạnh phúc trong đời sống gia đình, lối đường giáo dục con cái để từ đó chúng ta sẽ xây dựng hạnh phúc, bình an cho thế giới này.
Đaminh Trường Sơn, SDB (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Mở to đôi mắt để yêu thương
-
Cách nhận biết sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần -
Hãy luôn ngợi khen Chúa để ngày nào cũng đẹp! -
Tình yêu khiêm tốn và mạnh mẽ -
Làm việc với tình yêu -
Tình yêu khiêm tốn -
Mẹ Têrêsa: Cầu nguyện là bí quyết -
Thành công và thất bại -
Mẹ Têrêsa: Thinh lặng và Cầu nguyện -
Tình yêu và niềm vui