Sứ mạng Truyền giáo tại Châu Á, một cuộc hội nhập Văn hóa theo bước chân của các chứng nhân vĩ đại của Đức tin
Triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô được đánh dấu bằng niềm say mê loan báo Tin Mừng và mong muốn cải cách Giáo hội theo hướng truyền giáo. Và hành trình Châu Á và Châu Đại Dương do Đức Thánh Cha thực hiện hoàn toàn nhất quán nằm trong chiều hướng truyền giáo này.
Triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô được đánh dấu bằng niềm say mê loan báo Tin Mừng và mong muốn cải cách Giáo hội theo hướng truyền giáo. Và hành trình Châu Á và Châu Đại Dương do Đức Thánh Cha thực hiện hoàn toàn nhất quán nằm trong chiều hướng truyền giáo này. Ngày nay, tự quản và hưng thịnh, các Giáo hội trẻ của bốn quốc gia được viếng thăm đã làm phong phú cho Giáo hội hoàn vũ bằng chứng tá của mình. Cha Gilles Berceville, Giám đốc Viện Lịch sử Truyền giáo của Học viện Công giáo Paris, đề cập đến những biến đổi của sứ mạng truyền giáo tại Châu Á.
Với 11 quốc gia ở Đông, Nam và Trung Á, được viếng thăm trong 11 năm triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô, Dòng Tên, 87 tuổi, sẽ thực hiện chuyến hành trình dài đến Indonesia và các Giáo hội trẻ Timorese, Papuan và Singapore trong tháng Chín. “Một hành động khiêm tốn và vâng phục sứ mạng”, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, quyền Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, cho biết như thế trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Ba vừa qua bởi Fides, cơ quan thông tin của Bộ do Đức Thánh Cha trực tiếp chủ trì. Đức Hồng y người Philippines đương nhiên sẽ là thành viên của phái đoàn Đức Thánh Cha trong chuyến tông du lần thứ 45 tới Đông Nam Á và Châu Đại Dương.
Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy niềm say mê thực sự của Đức Phanxicô đối với sứ mạng truyền giáo, từ ước mơ sang Nhật Bản trong một cuộc sống khác ở Argentina cho đến huấn quyền của ngài với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô từ năm 2013. Một chủ đề mục vụ cơ bản đối với Giám mục Rôma, niềm say mê truyền giáo và lòng nhiệt thành tông đồ của các tín hữu cũng là chủ đề của các bài giáo lý trong các buổi tiếp kiến chung vào các ngày Thứ Tư trong suốt năm 2023. Ba trong số đó được dành riêng cho các nhân vật tâm linh lớn đối với Châu Á, nơi Đức Phanxicô đang chuẩn bị lên đường với tư cách là một nhà hành hương truyền giáo theo bước chân các chứng nhân vĩ đại của đức tin.
Cha Gilles Berceville, giám đốc Viện Lịch sử Truyền giáo tại Học viện Công giáo Paris, nhà thần học dòng Đa Minh và chuyên gia về linh đạo truyền giáo, nhìn lại những đặc điểm và lịch sử truyền giáo tại lục địa đông dân nhất thế giới, tập trung vào những thách thức của thời hiện đại.
Delphine Allaire: Đâu là những hoàn cảnh đầu tiên của Kitô giáo ở châu Á ?
Cha Gilles Berceville: Từ khởi đầu Kitô giáo, Truyền thống cho rằng thánh Tôma Tông đồ đã đến Ấn Độ. Trên thực tế, có thể các cộng đồng Kitô hữu đã có mặt từ rất sớm ở Ấn Độ. Lịch sử xác lập sự truyền bá của Kitô giáo thông qua Giáo hội Nestoriô đến Trung Quốc từ thế kỷ thứ VI và thứ VII. Sau khi Đế quốc Mông Cổ chuyển sang đạo Hồi vào thế kỷ XIV, sự hiện diện của Kitô giáo ở châu Á đã giảm đi. Vào thời điểm có những khám phá vĩ đại vào thế kỷ XV, một trong những ước mơ của người Kitô hữu là vượt qua trở ngại của người Hồi giáo và kết nối các cộng đồng Kitô giáo cổ xưa mà có lẽ người ta đã không gặp thấy ở Châu Á. Đây là nguồn gốc của việc Christopher Columbus phát hiện ra châu Mỹ Latinh vào cuối thế kỷ XV. Một khi người ta đi vòng quanh mũi Magellan, người ta thấy mình ở Châu Á và ở đó, người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đầu tư lãnh thổ, đồng thời có trách nhiệm được Đức Giáo hoàng giao phó để truyền bá đức tin Kitô giáo. Do đó, Kitô giáo hiện diện ở châu Á một cách thiểu số kể từ thế kỷ XVI.
Delphine Allaire: Sử thi truyền giáo của thế kỷ XV và XVI có mối liên hệ như thế nào với các quyền lực chính trị?
Cha Gilles Berceville: Trong những giai đoạn cuối của thời Trung cổ, tôn giáo và thế tục vẫn không thể tách rời. Do đó, các sứ mạng truyền giáo đầu tiên, do các vị vua của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đảm nhận, được suy nghĩ từ cuộc tái chinh phục trong bối cảnh xung đột với Hồi giáo và sự ly giáo ở châu Âu cùng với sự lan rộng của đạo Tin Lành. Thương mại, chinh phục và truyền bá đức tin Kitô giáo dường như không thể tách rời trong các hoạt động truyền giáo này.
Delphine Allaire: Ở Châu Á, hoạt động thăm dò, nghiên cứu và khám phá mang tính khoa học được triển khai cụ thể như thế nào giữa các nhà truyền giáo?
Cha Gilles Berceville: Từ thế kỷ XVI, với nhân vật vĩ đại là Thánh Phanxicô Xaviê, các tu sĩ Dòng Tên, ở Ấn Độ và đặc biệt là ở Trung Quốc với Matteo Ricci, sẽ cố gắng làm cho Kitô giáo được biết đến qua sách vở và cải đạo giới thượng lưu bằng cách thể hiện mình, không phải với tư cách là những tu sĩ khổ hạnh, mà là những học giả Nho giáo. Như vậy, trên thực tế, các tu sĩ Dòng Tên đã được các hoàng đế Trung Quốc chấp nhận, trong khi Kitô giáo bị cấm ở đó kể từ khi Giáo hoàng cấm việc thờ cúng tổ tiên.
Delphine Allaire: Thánh Phanxicô Xavier, được coi là nhà truyền giáo vĩ đại nhất của thời hiện đại, đã đi khắp châu Á, từ Indonesia đến Nhật Bản. Giá trị chứng từ của ngài đối với sứ mạng truyền giáo ở Viễn Đông là gì?
Cha Gilles Berceville: Ngài đã đánh dấu lịch sử truyền giáo bằng những lá thư của mình, bằng những lời kêu gọi tham gia cùng ngài trong sứ mạng và các thế hệ tu sĩ Dòng Tên đã mơ ước về truyền giáo nhờ ngài. Thánh Phanxicô Xaviê là đặc sứ của Đức Giáo hoàng theo yêu cầu của Vua Bồ Đào Nha, ở tất cả các vùng đất mà ngài đã khám phá, từ đảo Moluccas đến Nhật Bản. Qua đời trước khi có thể vào Trung Quốc, hoạt động truyền giáo của ngài bao phủ một vùng lãnh thổ đáng kể. Hoạt động này không có tác dụng lớn về mặt hoán cải dân chúng; chỉ sau ngài, đặc biệt là ở Nhật Bản, mà các cộng đồng mới phát triển trước khi bị các thế lực tại chỗ đàn áp và tiêu diệt. Thánh Phanxicô Xaviê là mẫu mực truyền giáo vĩ đại, ngài đã truyền cảm hứng cho các thế hệ tu sĩ Dòng Tên, những thế hệ đã cống hiến hết mình cho sứ mạng truyền giáo sau ngài và đã phát triển các hoạt động truyền giáo ở Viễn Đông.
Delphine Allaire: Người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã được kế thừa bởi người Pháp và người Anh. Động lực nào đánh dấu cuộc canh tân truyền giáo ở Châu Á vào thế kỷ XIX?
Cha Gilles Berceville: Giữa các sứ mạng truyền giáo của Dòng Tên được phát triển từ thế kỷ XVI và thế kỷ XIX, Tòa Thánh đã giành lại quyền kiểm soát các hoạt động truyền giáo với việc thành lập Bộ Truyền bá Đức tin vào năm 1622. Mong muốn là như sau: chấm dứt hệ thống bảo trợ và tách hoạt động chinh phục với hoạt động loan báo Tin Mừng. Đối với thế kỷ XIX và các nhà truyền giáo Công giáo Pháp, chúng ta phải nhắc đến Hội Thừa sai Hải ngoại Paris được thành lập vào thế kỷ XVII để thực hiện chương trình này của Bộ Truyền bá Đức tin của Tòa Thánh, nhằm tách biệt rõ ràng hoạt động chính trị với việc loan báo Tin Mừng.
Các nhà truyền giáo Tin lành người Anh đã phát triển hoạt động của mình đặc biệt từ thế kỷ XIX. Họ sẽ nhấn mạnh đến việc phân phối Thánh Kinh với nhiều hoạt động in ấn và dịch Thánh Kinh. Họ sẽ liên kết hoạt động loan báo Tin Mừng với hoạt động văn minh hóa, bằng cách mang lại sự thịnh vượng, bằng cách cố gắng mang lại sự phát triển kinh tế, văn hóa cho các nước nơi họ thành lập, và cũng bằng cách mong muốn rất nhanh, nhanh hơn người Công giáo, đảm bảo quyền tự quản của các Giáo hội thuộc các cộng đồng Kitô giáo mà họ đã thành lập. Về phía Công giáo, có sự nhấn mạnh nhiều hơn đến các bí tích và phụng vụ, một quan niệm về Giáo hội phổ quát tập trung vào Rôma và trên thực tế, đảm bảo một sự độc lập nào đó khỏi quyền lực chính trị. Đó cũng là thế kỷ của các hoạt động bác ái lớn được thực hiện đặc biệt bởi các dòng tu nữ. Giáo hội Công giáo sau này sẽ nhấn mạnh, vào đầu thế kỷ XX, theo giáo huấn của các Đức Giáo hoàng, đến quyền tự quản của các Giáo hội địa phương và của hàng giáo sĩ địa phương.
Từ quan điểm này, có một sự thụt lùi, bởi vì vào thế kỷ XVII, người ta đã rất xác tín, sau sự hầu như biến mất của Kitô giáo ở Nhật Bản, rằng cần phải hình thành và phát triển một hàng giáo sĩ bản địa, trong khi vào thế kỷ XIX, các nhà truyền giáo đến từ Châu Âu và trên thực tế một sự bất bình đẳng nào đó được hình thánh giữa hàng giáo sĩ truyền giáo châu Âu và hàng giáo sĩ bản địa.
Delphine Allaire: Làm thế nào đạo Công giáo dần dần được hòa nhập văn hóa ở châu Á, ngày càng ít xuất hiện như một tôn giáo của châu Âu?
Cha Gilles Berceville: Chúng ta không còn ở vào hoàn cảnh của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, của chủ nghĩa thực dân châu Âu và các Giáo hội Công giáo địa phương ngày nay có quyền tự quản rất lớn. Họ không còn phụ thuộc vào các nước đã gửi các nhà truyền giáo, bắt đầu từ Pháp, ngay cả khi có những mối quan hệ bằng hữu vẫn tiếp tục tồn tại giữa các Giáo hội, với sự bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với những người đã gửi các nhà truyền giáo và những người đã thành lập Giáo hội tại các xứ truyền giáo.
Chẳng hạn, trong số các nước được Đức Thánh Cha viếng thăm, các Giáo hội ở Timor và Papua New Guinea rất hòa nhập văn hóa. Họ cũng đã phát triển gần đây và được lãnh đạo bởi các giám mục trong nước và hàng giáo sĩ trong nước. Hiện nay chính các Giáo hội Châu Á cũng gửi các nhà truyền giáo của mình đến Châu Âu, như Giáo hội tại Việt Nam cũng làm vậy.
Delphine Allaire: Sự hội nhập văn hóa giống điều gì trong các nghi lễ địa phương?
Cha Gilles Berceville: Khi bước vào các nhà thờ Công giáo, ở Singapore, ở Việt Nam, ở Timor, chúng ta thấy các nhà thờ, từ quan điểm kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc, hội họa, chịu ảnh hưởng rất nhiều của nghệ thuật phương Tây. Chỉ liên quan đến khía cạnh bên ngoài và kiến trúc này thôi, đó là dấu hiệu của một đức tin vẫn còn phải thực hiện một công cuộc hội nhập văn hóa lớn lao. Không phải vì các Giáo hội có sự độc lập về mặt pháp lý và hàng giáo sĩ của mình, mà họ đã mang đến cho Giáo hội hoàn vũ những nguồn tài nguyên văn hóa của chính họ trong lĩnh vực hiểu biết đức tin, những cách thể hiện đức tin, đặc biệt là những cách thể hiện kiến trúc tôn giáo hoặc nghệ thuật tôn giáo. Chính người dân địa phương và các Giáo hội địa phương hội nhập đức tin của họ và hiện diện với xã hội của họ một cách thực sự theo Tin Mừng, với những thách thức về tình trạng nghèo đói to lớn vốn là những thách thức, đặc biệt đối với các nước mà Đức Thánh Cha sẽ sớm đến thăm, của Đông Timor hoặc Papua New Guinea; các nước trong đó Giáo hội làm chứng cho sự hiện diện rất quảng đại giữa những người nghèo. Điều này có tính quyết định trong việc người dân địa phương ở các nước như Timor hay Papua New Guinea chấp nhận theo Kitô giáo.
Delphine Allaire: Đâu là những thách thức và khó khăn trong công cuộc truyền giáo ở một số Giáo hội địa phương?
Cha Gilles Berceville: Cần phải thực sự coi là lỗi thời cái ý tưởng về các vùng lãnh thổ nơi các nhà thừa sai từ nơi khác đến, cho dù luôn có các nhà thừa sai như thế, đặc biệt là Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, và họ tiếp cận các miền xa xôi nơi Kitô giáo không hiện diện. Bây giờ chúng ta có các cộng đoàn địa phương được thiết lập trong xã hội, nền văn hóa là của họ và trước hết phải sống Tin Mừng trong chứng tá được thể hiện, trong niềm hy vọng dành cho những người nghèo nhất. Và từ đó xuất hiện đức tin được sống, được phát triển và tìm ra những cách diễn đạt riêng để làm phong phú toàn thể Giáo hội.
Có những thách thức khác nhau của sứ mạng truyền giáo. Chẳng hạn, ở Indonesia, Đức Thánh Cha sẽ nêu bật vấn đề đối thoại liên tôn, đặc biệt giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo; cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo được nhìn nhận dưới phương thức quý trọng lẫn nhau và đối thoại.
Tiếp đến, sứ mạng, đó là sự hiện diện giữa những người nghèo nhất và chúng ta có những lãnh thổ, những cộng đồng dân cư bị đánh dấu bởi những khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, bởi tất cả những thảm họa do suy thoái khí hậu gây ra. Đông Nam Á đã mất 15% diện tích rừng tự nhiên kể từ năm 2000, do áp dụng độc canh trong khi người dân địa phương sống nhiều hơn bằng nông nghiệp lương thực, v.v. Sự hiện diện với người nghèo, sau cuộc đối thoại liên tôn, là hình thức hiện diện thứ hai theo Tin Mừng do các Giáo hội địa phương đảm nhận.
Delphine Allaire: Khi bắt đầu chuyến tông du Châu Á – Châu Đại Dương, theo Cha, đâu là quan niệm về sứ mạng truyền giáo theo Đức Thánh Cha Phanxicô?
Cha Gilles Berceville: Khi viếng thăm những vùng lãnh thổ này, Đức Giáo hoàng vinh danh các vùng ngoại vi của các cường quốc. Ngài cũng nâng các Giám mục của bốn thủ đô lên hàng Hồng y. Như thế, ngài làm cho những lãnh thổ này trở nên hiện diện trước sự chú ý của chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu, trước tình huynh đệ và lời cầu nguyện của chúng ta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng toàn bộ đời sống Kitô hữu đều là truyền giáo, mọi Kitô hữu đều là nhà truyền giáo và mọi đời sống Kitô hữu đều là sứ mạng. Do đó, chúng ta có thể tự nhủ rằng sứ mạng ngày nay hệ tại việc ở lại nơi nhà mình và làm chứng cho Chúa Kitô xung quanh mình, đó là điều Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói.
Nhưng điều này không được làm cho chúng ta quên đi sứ mạng phổ quát của Giáo hội: nét đặc thù của ơn gọi truyền giáo này là hệ tại đi xa để phục vụ đức tin, phục vụ Chúa Kitô. Đối với mỗi người chúng ta, cho dù chúng ta không đi xa với tư cách là những nhà truyền giáo, nhưng điều này có nghĩa là giữ trái tim chúng ta rộng mở với những nước cách xa nhau về mặt địa lý, nhưng trong một thế giới toàn cầu hóa, đang kêu gọi sự chú ý và tình liên đới của chúng ta. Một số nước trong số các nước này rất nghèo khổ, nhưng có những nguồn lực tinh thần và mục vụ to lớn để mang lại cho chúng ta vì sức sống nơi đức tin Kitô giáo của họ.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net
bài liên quan mới nhất
- Hy vọng trong thời đại kỹ thuật số: Những đề xuất mục vụ cho giới trẻ
-
Tông thư Miranda Prorsus - Điều kỳ diệu được mặc khải của Đức Thánh Cha Piô XII -
Vatican ra mắt bảng giới thiệu trực tuyến về Hồng y đoàn -
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ -
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo