Sự liên kết giữa các thế hệ: Tiêu chí luân lý căn bản

Sự liên kết giữa các thế hệ: Tiêu chí luân lý căn bản

Hệ thống kinh tế không có những quy luật luân lý tất phải thất bại.

Posted on 01/05/2010 by Xuân Bích Việt Nam

XBVN – Một hệ thống kinh tế không có những quy luật luân lý nhằm thăng tiến sự phát triển toàn diện của con người, chứ không chỉ lợi nhuận, tất phải thất bại. Đó là tuyên bố của Đức Bênêđictô XVI trong dịp tiếp kiến 50 thành viên của cuộc Hội nghị lần thứ 16 của Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các Khoa học xã hội, diễn ra từ ngày 30/04 đến 04/05/2010.

Nhiều nhân vật quan trọng của giới kinh tế và tài chính sẽ tham luận về chủ đề: “Cuộc khủng hoảng trong một thế giới toàn cầu. Tái dự định con đường”.

Trong buổi gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến trách nhiệm chung đối với “các thế hệ mới”. Quả thế, đối với Đức Thánh Cha, “sự liên đới giữa các thế hệ từ nay phải được nhìn nhận như là một tiêu chí luân lý nền tảng để phán đoán mọi hệ thống xã hội”. Ngài nhắc nhớ rằng “sự sụp đổ của nền tài chính thế giới đã chứng minh sự mỏng giòn của hệ thống kinh tế hiện hành và những thể chế gắn liền với nó. Vả lại, nó đã chứng minh sự sai lầm của sự giả định trước theo đó thị trường có thể tự điều chỉnh một mình, bên kia sự can thiệp công quyền và của sự đóng góp của các chuẩn mực luân lý nội tại”. Đối với Đức Thánh Cha, một quan niệm như thế sẽ khuyến khích một cái nhìn “nghèo nàn” về đời sống kinh tế mà chỉ còn là “một thứ bộ máy tự định cỡ được hướng dẫn bởi các lợi ích cá nhân và bởi lợi nhuận”.

Trái lại, Đức Thánh Cha đề nghị những tiêu chí của Học thuyết xã hội của Giáo Hội như được trình bày trong thông điệp “Đức Ái trong Chân lý” của ngài: “Thay vì một đường xoắn ốc sản xuất và tiêu thụ, nhắm những nhu cầu có hạn của con người, đời sống kinh tế phải được xem cách đúng đắn như là một thực thi trách nhiệm của con người, được định hướng cách nội tại đến việc thăng tiến phẩm giá nhân vị, theo đuổi công ích và sự phát triển toàn diện – chính trị, văn hóa và tâm linh – của các cá nhân, các gia đình và các xã hội”.

Theo Đức Thánh Cha, “Tái dự định con đường” có nghĩa là suy nghĩ lại “những khuôn mẫu toàn cầu” và những mục tiêu “hướng dẫn và định hướng đời sống kinh tế.”

“Những thực tại này chỉ ra tính cấp bách của việc củng cố các thủ tục điều hành nền kinh tế toàn cầu, ngay cả trong việc tôn trọng nguyên tắc phụ đới. Nhưng cuối cùng, tất cả những quyết định kinh tế phải được hướng đến “đức ái trong chân lý”, xét như là nó bảo toàn chân lý và thông dồn nó vào trong sức mạnh giải thoát của đức ái giữa những biến cố bất tất của con người và các cơ cấu”.

Trong số “các nguyên tắc cần thiết cho việc khuôn nắn một tiếp cận toàn diện luân lý như thế đối với đời sống kinh tế”, Đức Thánh Cha đã chỉ ra “sự thăng tiến công ích được bén rễ sâu trong việc tôn trọng phẩm giá của nhân vị”. Nguyên tắc này phải thấm nhập trong mọi “lãnh vực sản xuất và thương mại”, và trong “các thể chế chính trị và xã hội”.

Đức Thánh Cha nói rõ rằng Giáo Hội “khẳng định sự tồn tại của một luận bản nhiên phổ quát” mà các nguyên tắc đã được Thiên Chúa ghi khắc trong việc tạo dựng. Những nguyên tắc này “có thể hiểu được bởi lý trí con người, và do đó, chúng phải được chấp nhận như là nền tảng của những chọn lựa thực tiễn”.

Đức Thánh Cha nhìn thấy nơi luật luân lý bản nhiên “một phần của đại gia sản của sự khôn ngoan nhân loại mà Giáo Hội đã thủ đắc cho mình, bằng cách thanh tẩy nó và phát triển nó dưới ánh sáng của Mạc khải kitô giáo”.

“Nó dùng làm đèn pha để hướng dẫn những nỗ lực của các cá nhân và các cộng đoàn để theo đuổi sự thiện và tránh điều dữ, hoàn toàn định hướng sự dấn thân của họ đến xây dựng một xã hội công bằng và nhân bản đích thực”.
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top