Sứ điệp của Đức giáo hoàng Phanxicô gửi người Hồi giáo nhân dịp kết thúc tháng Ramadan (lễ Eid al-Fitr)
WHĐ (03.08.2013) – Nhân dịp lễ Eid al-Fitr, ngày lễ đánh dấu kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo - ngày 8 hay 9 tháng Tám, tùy theo vùng địa lý -, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tự tay ký và gửi sứ điệp chúc mừng đến người Hồi giáo trên khắp thế giới. Theo truyền thống, sứ điệp này vẫn do Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi đi hằng năm. Lần sau cùng một giáo hoàng đã tự tay ký sứ điệp này là Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, vào năm 1991.
Sau đây là toàn văn sứ điệp của Đức giáo hoàng Phanxicô:
*
Kính gửi các bạn Hồi giáo trên khắp thế giới,
Tôi rất vui mừng gửi lời chào đến các bạn nhân dịp các bạn mừng lễ ‘Eid al-Fitr’, kết thúc tháng Ramadan là tháng dành riêng để ăn chay, cầu nguyện và bố thí.
Cho đến nay, theo truyền thống, nhân dịp này Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn vẫn gửi đến các bạn một sứ điệp chúc mừng, cùng với một chủ đề để cùng nhau suy tư. Năm nay, năm đầu tiên trong triều giáo hoàng của tôi, tôi quyết định đích thân ký sứ điệp truyền thống này và gửi đến các bạn, như một biểu hiện của lòng kính trọng và tình bằng hữu đối với mọi người Hồi giáo, đặc biệt là các nhà lãnh đạo.
Như các bạn đã biết, khi các Hồng y bầu tôi làm Giám mục Roma và làm Mục tử toàn cầu của Giáo hội Công giáo, tôi đã chọn tên “Phanxicô”, một vị thánh rất nổi tiếng, hết lòng yêu mến Thiên Chúa và từng con người, đến mức được gọi là “người anh em hoàn vũ”. Ngài yêu thương, giúp đỡ và phục vụ những người túng thiếu, người bệnh tật và nghèo đói, ngài cũng rất quan tâm chăm sóc các thụ tạo.
Tôi biết rằng trong giai đoạn này người Hồi giáo rất chú trọng đến gia đình và xã hội, và đáng chú ý là có một số điểm tương đồng với đức tin và thực hành Kitô giáo trong hai lĩnh vực này.
Năm nay, chủ đề mà tôi muốn cùng suy tư với các bạn và với tất cả những ai sẽ đọc sứ điệp này là chủ đề liên quan đến cả người Hồi giáo và Kitô hữu: Thúc đẩy lòng tôn trọng lẫn nhau qua giáo dục.Chủ đề năm nay nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong cách chúng ta hiểu biết lẫn nhau, dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. “Tôn trọng” có nghĩa là cư xử tốt với những người mà chúng ta quan tâm và quý mến. “Lẫn nhau” nghĩa là không phải một chiều, nhưng là cả hai bên cùng chia sẻ điều gì đó.
Điều mà chúng ta được mời gọi tôn trọng nơi mỗi người trước hết là cuộc sống của người ấy, cả thân thể của họ, phẩm giá và các quyền phát sinh từ đó, thanh danh và tài sản của họ, bản sắc dân tộc và văn hóa của họ, tư tưởng và lựa chọn chính trị của họ. Do đó chúng ta được mời gọi suy nghĩ, phát biểu và viết một cách trân trọng về người khác, không chỉ khi có mặt họ, mà trong mọi lúc và ở khắp mọi nơi, tránh chỉ trích hoặc phỉ báng bất công. Gia đình, trường học, giáo huấn tôn giáo và tất cả các hình thức truyền thông có một vai trò nhất định nhằm đạt được mục tiêu này.
Chuyển sang vấn đề tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ liên tôn, đặc biệt là giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo: chúng ta được mời gọi tôn trọng tôn giáo của người khác, với giáo lý, biểu tượng, giá trị của tôn giáo ấy. Đặc biệt, phải tôn trọng các nhà lãnh đạo tôn giáo và những nơi thờ tự. Thật đau lòng khi xảy ra những cuộc tấn công vào các nhà lãnh đạo tôn giáo hoặc nơi thờ tự!
Rõ ràng là khi chúng ta tôn trọng tôn giáo của người khác hoặc khi chúng ta chúc mừng họ nhân dịp mừng một ngày lễ, chúng ta chỉ đơn giản tìm cách chia sẻ niềm vui với họ, mà không đề cập đến nội dung niềm tin tôn giáo của họ.
Liên quan đến việc giáo dục ngưởi trẻ Hồi giáo và Kitô giáo, chúng ta phải giáo dục họ biết suy nghĩ và phát biểu một cách tôn trọng về các tôn giáo khác và các tín đồ của tôn giáo ấy, tránh chế nhạo hay phỉ báng niềm tin và thực hành của họ.
Tất cả chúng ta đều biết: tôn trọng lẫn nhau là điều cơ bản trong bất kỳ mối quan hệ nào của con người, đặc biệt là những ai có niềm tin tôn giáo. Chỉ có như thế, tình bằng hữu chân thành và lâu dài mới có thể phát triển.
Khi tiếp đoàn ngoại giao cạnh Tòa thánh vào ngày 22 tháng Ba 2013, tôi đã nói: “Không thể thiết lập mối liên kết thật sự với Thiên Chúa mà không biết đến những người khác. Do đó điều quan trọng là tăng cường đối thoại giữa các tôn giáo, và tôi đang suy nghĩ đặc biệt đến việc đối thoại với Hồi giáo. Trong Thánh lễ khởi đầu thừa tác vụ của tôi, tôi đánh giá cao sự hiện diện của rất nhiều nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo trong thế giới Hồi giáo”. Với những lời này, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác giữa các tín hữu, đặc biệt các Kitô hữu và người Hồi giáo, và cần cải thiện sự hợp tác này.
Với những tâm tình này, tôi nhắc lại niềm hy vọng rằng mọi Kitô hữu và người Hồi giáo sẽ trở nên những người cổ võ thực sự cho lòng tôn trọng lẫn nhau và tình bạn, đặc biệt là qua giáo dục.
Cuối cùng, tôi gửi đến các bạn lời nguyện chúc tốt đẹp, mong sao cuộc sống của các bạn làm vinh danh Đấng Toàn Năng và đem lại niềm vui cho những người chung quanh.
Chúc các bạn ngày lễ hạnh phúc!
Vatican, ngày 10 tháng 7 năm 2013
Phanxicô
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô