Phụng vụ Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Môi Côi
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN C
LỄ ĐỨC MẸ MÔI CÔI
Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38
Chủ đề: ĐỨC MẸ MARIA –
MẪU GƯƠNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa,
xin Người thực hiện cho tôi
như lời sứ thần nói”
(Lc 1,38)
I. CÁC BÀI ĐỌC:
Các bài đọc hôm này đề cao vai trò của Đức Mẹ Maria trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa và là mẫu gương của đời sống đức tin cho Kitô hữu. Khi suy niệm kinh Môi Côi qua bốn mầu nhiệm Vui-Thương-Mừng-Sáng, Kitô hữu đang cùng với Đức Mẹ Maria tham dự vào cuộc đời của Chúa Giêsu-Con Mẹ; đồng thời cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa Cha.
1. BÀI ĐỌC I (Cv 1,12-14)
Bài đọc I thuật lại cuộc sống của những người môn đệ sau biến cố Chúa Giêsu lên Trời. Trong số đó có các tông đồ, có một số phụ nữ thường theo Chúa Giêsu trên hành trình loan báo Nước Trời của Người, có các anh em bà con của Chúa Giêsu và không thể thiếu sự hiện diện của Đức Mẹ Maria, thân mẫu Người.
Sau khi trở về nơi trú ngụ ở Giêrusalem từ núi Ôliu, nơi Chúa Giêsu được rước lên Trời, dựa theo truyền thống Luca, các Tông đồ đã làm hai việc đáng lưu ý nói lên nền tảng căn bản và trở thành mẫu mực cho đời sống cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, đó là:
- đồng tâm nhất trí với nhau;
- chuyên cần cầu nguyện.
Điều đáng lưu ý là trước đây các Tông Đồ ít thực hiện hai việc đó, nhưng vào lúc khởi đầu đời sống của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, các ông lại thực hiện khi cùng quy tụ quanh Đức Mẹ Maria, mẫu mực và là thầy dạy của đời sống đức tin và việc cầu nguyện. Quả thật Đức Mẹ Maria luôn cầu nguyện để tìm kiếm Thánh ý Thiên Chúa và suy niệm trong lòng: từ biến cố truyền tin, khi dâng Hài Nhi trong Đền Thờ, suốt hành trình theo Chúa Giêsu đến tận đỉnh núi Canvê. Do đó, có thể nói, các tông đồ và những người tin theo Chúa Giêsu lúc này “đồng tâm nhất trí với nhau” và “chuyên tâm cầu nguyện” theo mẫu mực của Đức Mẹ Maria. Như thế, Đức Mẹ Maria có vai trò quan trọng trong việc đào tạo đức tin và củng cố đời sống các tín hữu.
2. BÀI ĐỌC II (Gl 4,4-7)
Bài đọc II ngầm so sánh hai người “đàn bà” nổi tiếng trong Kinh Thánh nhưng lại thuộc hai thái cực khác nhau: một người thuộc thời Cựu Ước là căn nguyên của sự chết; một người thuộc thời Tân Ước là đấng sinh ra Chúa Giêsu-Nguồn sự sống.
Thật vậy, nếu Eva là người đàn bà đã đem tội lỗi vào thế gian, thì Đức Mẹ Maria-Eva mới, đã đem Chúa Giêsu, Đấng là nguồn ân sủng, đến trong thế gian. Nếu Eva làm cho nhân loại phải nô lệ tội lỗi và vì có tội nên có Lề Luật, do đó cũng làm cho nhân loại bị giam hãm trong Lề Luật (x. Gl 4,23), thì Đức Mẹ Maria sinh ra Đấng làm cho nhân loại được tự do khỏi nô lệ của tội lỗi và khỏi sự giam hãm của Lề Luật. Nếu Eva làm cho nhân loại mất quyền làm con cái Thiên Chúa, thì Đức Mẹ Maria sinh ra Đấng đem lại cho nhân loại phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa.
Quả thật, khi đến thời viên mãn, qua Đức Mẹ Maria, Thiên Chúa đã sai Con Mình tới để giải thoát con người khỏi mọi ánh nô lệ của Lề Luật và tội lỗi, đồng thời cho con người nhận lại ơn làm nghĩa tử, làm người thừa kế gia nghiệp Nước Trời. Như thế, Đức Mẹ Maria cộng tác cách đắc lực vào chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.
3. BÀI PHÚC ÂM (Lc 1,26-38)
Bài Phúc Âm thuật lại biến cố truyền tin cho Đức Mẹ Maria. Sứ thần Gábrien, có nghĩa là sức mạnh của Thiên Chúa, đã đến loan tin vui cho Đức Mẹ Maria với lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng”. “Mừng vui lên” vì được Thiên Chúa viếng thăm. “Đấng đầy ân sủng” vì có Thiên Chúa ở cùng qua việc được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa. Đây cũng là ân sủng cao quý nhất và là nguồn gốc của mọi ân sủng khác mà Đức Mẹ Maria nhận được. Thật vậy, vì được phúc làm Mẹ Thiên Chúa nên Đức Mẹ Maria được tiên liệu cho hưởng đặc ân vô nhiễm nguyên tội; vì được phúc làm Mẹ Thiên Chúa nên ngài được ơn trọn đời đồng trinh; và vì được phúc làm Mẹ Thiên Chúa nên ngài được hưởng trước hoa trái ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu, Con lòng Mẹ, mang lại, đó là được hồn xác lên Trời.
Trước ân sủng lớn lao của Thiên Chúa dành cho mình qua lời truyền tin của sứ thần, Đức Mẹ Maria đã phản ứng rất tự nhiên: bày tỏ sự lo sợ qua tâm trạng “rất bối rối” và diễn tả việc suy nghĩ cân nhắc qua hành vi “tự hỏi” về sứ điệp mà sứ thần vừa loan báo cho mình. Tuy nhiên, đó không phải là sự hoài nghi như trong trường hợp của ông Dacaria khi nghe sứ thần truyền tin (Lc 1,12.18) mà là biểu hiện của một đức tin trưởng thành trước sứ mạng Thiên Chúa trao cho mình. Vì vậy, khi đã nhận biết Thánh ý của Thiên Chúa trên cuộc đời và ơn gọi của ngài, Đức Mẹ Maria đã hoàn toàn tuân theo: “Vâng- Fiat, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Như thế, Đức Mẹ Maria là thầy dạy chúng ta về đời sống Kitô hữu qua ba thái độ cụ thể: tin tưởng vào Thiên Chúa, phó thác cho Thiên Chúa, và vâng theo kế hoạch của Người.
Biến cố truyền tin cho Đức Mẹ Maria trong bài Phúc Âm hôm nay là mầu nhiệm thứ nhất trong năm sự vui của chuỗi Môi Côi. Đồng thời, lời chào của Sứ thần Gábrien trong biến cố này làm nên nội dung phần đầu của Lời Kinh Môi Côi “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà…” Do đó, Kinh Môi Côi diễn tả cách tuyệt vời mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể và vai trò cộng tác của Đức Mẹ Maria trong mầu nhiệm cứu rỗi của Thiên Chúa.
Đối với Kitô hữu, khi suy gẫm Kinh Môi Côi với bốn mầu nhiệm Vui-Thương-Mừng-Sáng, chúng ta đang cùng với Đức Mẹ Maria tham dự vào cuộc đời của Chúa Giêsu và cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa Cha. Đồng thời, Kinh Môi Côi giúp chúng ta kết nối với Đức Mẹ Maria và qua Đức Mẹ Maria, kết nối với Chúa Giêsu và mọi Kitô hữu khác để làm nên một gia đình duy nhất: gia đình con cái Thiên Chúa.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện… với Mẹ Maria. Đó là hai đặc tính căn bản của đời sống cộng đoàn Kitô hữu. Chỉ khi thực hiện như thế, các môn đệ mới có thể liên kết với nhau như các chi thể trong một thân thể huyền nhiệm là Chúa Giêsu Kitô Phục sinh và có thể lãnh nhận Chúa Thánh Thần để dám ra đi loan báo Phúc Âm. Nhóm, cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn tu trì của chúng ta có thực sự là môi trường để sống hiệp nhất và là trường dạy cầu nguyện hay không? Chúng ta có biết quy tụ bên Đức Mẹ Maria và lấy ngài làm gương mẫu cho việc đào tạo đức tin và củng cố đời sống đạo hay chưa?
2. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con của một người đàn bà, để cứu rỗi và làm cho mọi người trở thành con Thiên Chúa. Chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa diễn tiến trong lịch sử và từng bước đúng thời đúng buổi của nó. Tuy nhiên, chương trình ấy có được thực hiện đúng thời đúng buổi hay không cũng cần sự cộng tác của con người. Nếu Eva cũ đã khước từ ân sủng của Thiên Chúa qua việc bất tuân lệnh truyền của Người, làm cho con người mất phúc làm con cái Thiên Chúa và phải chết, thì Đức Mẹ Maria, Eva mới, nhờ thái độ vâng phục, đã sinh hạ Đấng Cứu thế đem lại cho con người quyền làm nghĩa tử và được sống muôn đời. Trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, chúng ta là ai: đang là “Eva cũ” cản trở chương trình của Thiên Chúa hay là “Eva mới” cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa?
3. Vâng, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói. Đức Mẹ Maria là thầy dạy chúng ta về đời sống Kitô hữu qua ba thái độ cụ thể: tin tưởng vào, phó thác cho, và vâng theo kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thật, thái độ của Đức Mẹ Maria cho thấy đời sống Kitô hữu được xây dựng trên nền tảng đức tin. Tin dẫn đến việc phó thác đời mình vào tay Thiên Chúa. Tin thúc đẩy tìm kiếm và vâng theo Thánh ý Thiên Chúa. Dầu vậy, đức tin của Đức Mẹ Maria là một đức tin trưởng thành, có cân nhắc qua nhưng lý lẽ của lý trí và cảm xúc của con tim, nhưng không thể là một thái độ nửa vời mà cần có một chọn lựa dứt khoát qua tiếng “xin vâng” để đưa tới một dấn thân trọn vẹn cho Thánh ý Thiên Chúa. Khi soi vào tấm gương Đức Mẹ Maria, chúng ta thấy mình đã thể hiện đời sống đạo như thế nào: có hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, phó thác cho Thiên Chúa, tìm kiếm và vâng theo kế hoạch của Người trên cuộc đời mình hay không?
4. Kinh Môi Côi đóng vai trò quan trọng nơi đời sống của Kitô hữu. Trong lịch sử Giáo Hội, lúc đầu chính Thánh Đa Minh đã phổ biến Kinh Môi Côi vào thế kỷ XIII để chống lại bè rối Albigeois ở miền Nam nước Pháp. Kế đến, sau khi chiến thắng Hồi giáo nhờ sức mạnh của Kinh Môi Côi, ĐGH Piô V đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ Môi Côi vào năm 1573, vì thấy Kinh Môi Côi có vai trò quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Điều đó vẫn còn thiết thực đối với đời sống Kitô hữu hiện nay, như Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Tông Thư Kinh Môi Côi:“Khi suy ngẫm về Kinh Môi Côi, chúng ta bước vào trường học của Đức Mẹ Maria để Mẹ dạy chúng ta về Chúa Giêsu”. Ðức Bênêđíctô XVI, trong bài giảng tại buổi yết kiến chung thứ Tư ngày 03/02/2010, cũng khẳng định: “Kinh Môi Côi là một trường học thật sự của đức tin và lòng đạo đức”; và trong một lần khác, ngài đã nói: “Kinh Môi Côi cần thiết hơn bao giờ hết, vì không những dâng lên Mẹ để nhờ Mẹ làm đẹp lòng Thiên Chúa ban mọi ơn cho chúng ta, mà Kinh Môi Côi còn mang một dấu hiệu lời kinh chung gia đình”. Còn Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng Lễ Đức Mẹ Lên Trời năm nay ở Castelgandolfo đã nói: “Cầu nguyện với Mẹ Maria, đặc biệt, lần chuỗi Môi Côi, cũng có một ý nghĩa ‘đấu tranh’, nghĩa là cầu nguyện ủng hộ trận chiến chống ác thần và chống những kẻ đồng lõa với nó”. Kinh Môi Côi quan trọng là vậy, nhưng chúng ta có siêng năng lần Chuỗi Môi Côi, qua đó suy gẫm về các mầu nhiệm trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, nhất là mầu nhiệm Nhập Thể hay không? Con người thời đại chúng ta đang có khuynh hướng chia rẽ và cảm thấy cô đơn. Chúng ta có ý thức rằng Chuỗi Môi Côi là lời kinh mang tính kết nối: qua Mẹ đến với Chúa liên đới mọi người với nhau, khi đọc Kinh Môi Côi chung trong gia đình, thôn xóm, trong cộng đoàn giáo xứ hoặc dòng tu hay không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã tuyển chọn Ðức Maria với vai trò đặc biệt trong chương trình cứu chuộc loài người. Trong ngày mừng lễ Đức Mẹ Môi Côi hôm nay, chúng ta cùng chung lời ngợi khen Thiên Chúa và hiệp với Mẹ tha thiết khẩn cầu:
1. “Các Tông đồ luôn đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện cùng với Đức Mẹ Maria.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn liên kết với nhau trong một Giáo hội duy nhất, biết lấy Đức Mẹ Maria làm gương mẫu cho việc đào tạo đức tin và củng cố đời sống đạo.
2. “Anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi dân tộc trên thế giới biết tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu rỗi trần gian, để trong Người tất cả được giải thoát khỏi tội lỗi, nhận lại ơn làm nghĩa tử, và là người thừa kế gia nghiệp Nước Trời.
3. “Kinh Môi Côi là một trường học thật sự của đức tin và lòng đạo đức.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn ý thức giá trị của kinh Môi Côi, và siêng năng lần chuỗi như một phương thế để tái khám phá đức tin và đào sâu các mầu nhiệm cuộc đời của Đấng cứu rỗi trần gian.
4. Đức Mẹ Maria thưa: “Vâng, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết noi gương Đức Mẹ Maria, luôn vững lòng tin cậy nơi quyền năng của Thiên Chúa, biết sống tín thác và trở nên khí cụ cho dự án yêu thương của Người.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã muốn Con Một Chúa mặc lấy xác phàm trong cung lòng Trinh Nữ Maria. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết noi gương Mẹ, luôn trung thành gắn bó với Đức Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Bình An khai giảng khóa huấn luyện huynh trưởng cấp 1- 2025
-
Giáo hạt Gia Định hành hương Năm Thánh -
Thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2025 -
Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Lễ Đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn 24-12-2024 -
Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm -
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023