Phụ nữ và thẩm quyền trong Giáo hội như được mô tả trên quan tài bằng đá của Kitô hữu thế kỷ IV
Quan tài bằng đá đầu thế kỷ thứ 4 có chân dung của những phụ nữ đã qua đời với bản Kinh Thánh và cử chỉ diễn giải với các cảnh trong Kinh Thánh.
VATICAN NEWS – Đời sống tu trì, cả chiêm niệm lẫn hoạt động tông đồ, như chúng ta biết ngày nay, đã phát triển qua hai thiên niên kỷ. Trong bài tiểu luận thứ hai trong số bốn bài tiểu luận này, Sơ Christine Schenk mô tả nghiên cứu ban đầu về bằng chứng khảo cổ học về những nữ Kitô hữu đầu tiên được tìm thấy trên các quan tài đá từ cuối thế kỷ thứ 3 đến đầu thế kỷ thứ 5.
Bởi vì phần lớn lịch sử dựa vào các ghi chép văn học do nam giới viết nên việc khám phá dữ liệu lịch sử đáng tin cậy về các nữ Kitô hữu thời kỳ đầu có thể là một thách thức. Kitô giáo chủ yếu dựa vào chữ viết như một phương tiện chính để hiểu lịch sử của mình.
Như Tiến sĩ Janet Tulloch chứng thực trong một bài báo xuất bản năm 2004, thông tin thu thập được từ các hiện vật trực quan như bích họa, tranh vẽ và các quan tài đá, cho đến gần đây, hầu như chỉ dành cho các nhà sử học nghệ thuật và khảo cổ học.
Mặc dù nhiều phụ nữ đã trợ cấp tài chính cho nam giới trong Giáo hội sơ khai (như Maria Magdala, Phoebe, Lydia, Paula, Olympias), sự hiện diện của họ hầu như không được ghi nhận trong các nguồn văn học. Từ lâu, các học giả đã hiểu rằng khảo cổ học là nguồn thông tin quan trọng về các nữ Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai.
Các ghi chép trong văn bản và khảo cổ học
Trong bốn thế kỷ đầu tiên của lịch sử Kitô giáo (và thậm chí cả ngày nay), các giáo sĩ biện minh cho việc cắt giảm quyền lực của phụ nữ bằng cách lặp lại lời khuyến cáo trong thư thứ nhất gửi Timôthê rằng phụ nữ không được lên tiếng trong cộng đoàn và không được giảng dạy hay có thẩm quyền đối với nam giới (2,12).
Tuy nhiên, nghệ thuật tang lễ của Kitô giáo từ cuối thế kỷ thứ ba đến đầu thế kỷ thứ năm lại mô tả phụ nữ vừa giảng dạy vừa thuyết giảng. Ở đây chúng ta chỉ có thể thảo luận ngắn gọn về chủ đề hấp dẫn này.
Đối với cả người Roma cổ, Kitô hữu cũng như ngoại giáo, quan tài không chỉ là nơi chứa xác chết mà còn là một tượng đài chứa đầy ý nghĩa. Nghệ thuật tang lễ La Mã nhằm mục đích xây dựng danh tính của người đã khuất và tưởng nhớ những giá trị cũng như đức tính của họ.
Chỉ những người giàu có mới có thể mua được một ngôi mộ đắt tiền như vậy và việc lên kế hoạch về cách họ mong muốn được tưởng nhớ là một quá trình quan trọng. Được khắc họa với một cuộn sách bằng da (các bản văn Kinh Thánh ngày xưa được viết trên các cuộn da), giỏ đựng cuộn giấy da hoặc các bản Kinh Thánh cổ, là một dấu hiệu về trình độ học vấn, địa vị và sự giàu có của người đã khuất.
Người phụ nữ đã qua đời cầm một cuộn giấy và được các “tông đồ” vây quanh, những người luôn tôn trọng bà. 350 CN. Ảnh © Bảo tàng Vatican: Bảo tàng Pio Cristiano, inv. 31512.
Cả các Kitô hữu nam và nữ đều được tưởng nhớ và lý tưởng hóa như những người có địa vị, quyền lực, học thức và lòng sùng đạo. Khi chân dung tang lễ của người quá cố được khắc họa với một cuộn da gần với các cảnh trong Kinh Thánh, điều đó cũng cho thấy sự hiểu biết về Kinh Thánh Do Thái và Kitô giáo. (Hình 1)
Trong khoảng thời gian ba năm, tôi đã phân tích 2.119 hình ảnh và mô tả về các quan tài đá và mảnh vỡ từ thế kỷ thứ 3 đến đầu thế kỷ thứ 5, bao gồm tất cả các hình ảnh được công bố rộng rãi về các quan tài đá của Kitô giáo. Một phân tích chuyên sâu về các họa tiết biểu tượng được chọn lọc cho thấy nhiều phụ nữ Kitô giáo thời kỳ đầu được tôn vinh là những người có địa vị, ảnh hưởng và quyền lực trong cộng đồng của họ.
Một phát hiện rất có ý nghĩa là số lượng hình ảnh tang lễ của nữ Kitô hữu chỉ có một mình nhiều gấp ba lần so với Kitô hữu nam giới.
Chi tiết về Marcia Romania Celsa từ Arles, Pháp. Người đã chết đang trong tư thế cầu nguyện orans với một cuộn giấy dưới chân và các hình tượng "tông đồ" quay mặt vào. (Muse de l'Arles Antique Sarcophage de Marcia Romania Celsa, © R. Bénali, L. Roux.)
Nhiều bức phù điêu về quan tài miêu tả những người phụ nữ đã qua đời được bao quanh bởi những cảnh trong Kinh Thánh, với bàn tay của họ trong tư thế nói và cầm cuộn sách bằng da hoặc các bản Kinh Thánh cổ. Những điều này đưa ra bằng chứng mạnh mẽ rằng phụ nữ ở thế kỷ thứ 4 đã không chú ý đến lời khuyên không lên tiếng trong cộng đồng.
Sự nổi bật của họ cho thấy sự xuất hiện của một đặc tính mới của phụ nữ về khả năng giảng dạy và học thức trong Kinh Thánh. Một phát hiện quan trọng khác là về mặt thống kê, rất nhiều các chân dung của phụ nữ được đặt cạnh các “tông đồ” (thường là Thánh Phêrô và Phaolô) để xác nhận thẩm quyền tôn giáo của họ (Hình 2, 3, 4).
Những điều khảo cổ học cho chúng ta biết
Các hình ảnh trên các quan tài đá của Kitô hữu thời kỳ đầu cho thấy rằng các nữ Kitô hữu là những người có học thức, ngoan đạo và giàu có. Đánh giá từ số lượng của những quan tài chỉ có riêng một nữ tín hữu nào đó cho thấy họ cũng là những phụ nữ độc thân hoặc góa phụ. Điều này gợi nhớ cộng đồng góa phụ và trinh nữ thời đầu Giáo hội đã được thảo luận trong bài viết đầu tiên của loạt bài này.
Vì nhiều người được miêu tả với những cuộn giấy da và cử chỉ lời nói giữa các cảnh trong Kinh Thánh, chúng ta có thể khẳng định rằng họ rất thông thạo Kinh Thánh và mong muốn được thể hiện như những người phụ nữ có niềm tin vào quyền năng cứu độ của Chúa và là những người dạy về cuộc đời và phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu. Cộng đồng của họ đã lý tưởng hóa họ như những nhân vật uyên bác có thẩm quyền, ít nhất là công bố và giảng dạy Kinh Thánh.
Chi tiết được cho la à quan tài của Stilicho: Chúa Kitô trong hình tượng có thẩm quyền, ngồi như một quan tòa với Kinh Thánh và cử chỉ lời nói và đối mặt với Phêrô và Phaolô. Khoảng 380–400 CN. (Ảnh do Basilica di S. Ambrogio di Milano cung cấp.)
Điều hợp lý là các “giáo mẫu” Roma sau này, ví dụ như Marcella, Paula, Melania Cả và Proba, ngưỡng mộ những hình mẫu phụ nữ thời kỳ đầu này, những người đã truyền cảm hứng cho họ yêu thích và tìm hiểu về Kinh Thánh.
Các nguồn văn học về “giáo mẫu” phù hợp với những phát hiện khảo cổ học, xác nhận những gì các học giả đương thời – bao gồm cả Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI – đã đưa ra giả thuyết trước đây: phụ nữ có ảnh hưởng đáng kể hơn trong Kitô giáo thời kỳ đầu so với những gì người ta thường công nhận.
Trong khi nam giới chiếm ưu thế trong ghi nhận văn học, những chân dung trong tang lễ tìm thấy trong khảo cổ học chỉ ra ưu thế của phụ nữ Kitô giáo được nhớ đến là người thực thi quyền bính trong giáo hội trong cộng đồng của họ. Như chúng ta sẽ thấy, những người phụ nữ tụ tập quanh “các giáo mẫu” của chúng ta đã phát triển thành một số cộng đồng nữ tu sớm nhất của chúng ta.
Bạn có thể tìm thấy tài liệu trình bày chi tiết hơn về nghiên cứu kéo dài 3 năm do Sơ Christine Schenk thực hiện về quan tài và các mảnh vỡ từ thế kỷ thứ 3 đến đầu thế kỷ thứ 5 trong cuốn sách của tác giả có tựa đề Crispina and Her Sisters: Women and Authority in Early Christian (Fortress Press, 2017). Hãy tìm bài viết thứ ba trong loạt bài miêu tả những nữ Kitô hữu nổi bật ở thế kỷ thứ 4, những người đã thành lập các đan viện, đặt nền móng cho đời sống hiện nay của các nữ tu.
• Bài 1: Thẩm quyền truyền giáo và vai trò lãnh đạo mang tính ngôn sứ của phụ nữ trong Giáo hội sơ khai
• Bài 2: Phụ nữ và thẩm quyền trong Giáo hội như được mô tả trên quan tài bằng đá của Kitô hữu thế kỷ IV
• Bài 3: Những “Giáo Mẫu” của thế kỷ thứ IV
bài liên quan mới nhất
- Con đường hiệp hành – một trong những ưu tiên của các nữ tu Salêdiêng
-
Hướng đến việc khám phá một lối đường hiệu quả khi đào tạo người tu sĩ-linh mục -
Lá thư gửi người khao khát trở thành linh mục -
Tam đạo mục huấn trình -
Linh mục - Gương mẫu về đời sống hiệp nhất trong cộng đoàn Giáo hội -
Sáu nguyên tắc căn bản cho đời sống tu sĩ Đa Minh -
Làm thế nào đánh thức ơn gọi tu trì trong các gia đình? -
Hội nghị các đại chủng viện tại Việt Nam năm 2024 - Đồng tính dưới góc nhìn khoa học và đức tin -
Mọi tín hữu tham gia vào sứ vụ đào tạo linh mục -
Tu sĩ sống hiệp thông - Những chia sẻ thực hành
bài liên quan đọc nhiều
- Chia sẻ với em, người muốn đi tu làm linh mục
-
Phó Tế - Người Phục Vụ -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61 năm 2024 -
Linh mục triều và dòng có gì khác? -
Những thắc mắc phổ biến về ơn gọi tu trì trong Giáo hội -
Bước theo Chúa Giêsu nghèo khó: Tính cách tiên tri của người tu sĩ trong thế giới -
Nữ đan viện Biển Đức -
Ban Mục vụ Ơn Gọi: Thông báo Tuyển Sinh -
Đời tu là hạnh phúc -
Cái động và cái tĩnh của người tu