Phỏng vấn ông Dominique Bourg về vấn đề môi sinh và cuộc khủng hoảng của các nền dân chủ Tây Âu

Phỏng vấn ông Dominique Bourg về vấn đề môi sinh và cuộc khủng hoảng của các nền dân chủ Tây Âu

Trong các ngày 7-18 tháng 12 năm 2009 hội nghị thượng đỉnh lần thứ XV về khí hậu đã diễn ra tại Copenhagen thủ đô Đan Mạch, với sự tham dự của phái đoàn 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có 120 quốc trưởng và thủ tướng hướng dẫn phái đoàn. Đây đã là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất chưa từng thấy trong lịch sử.

Mục đích của hội nghị là phải đạt tới thỏa hiệp giảm số lượng thán khí thải vào không trung tạo ra hiện tượng hâm nóng trái đất làm sao để độ nóng không gia tăng qúa 2 độ C. Nếu không, theo nghiên cứu của các chuyên viên khí hậu, rất nhiều quốc gia trên thế giới sẽ phải đương đầu với các tai ương thiên nhiên như lũ lụt và nạn sa mạc lan tràn, và sẽ có hàng chục triệu người trở thành người tị nạn môi sinh.

Trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc mọi người đã hy vọng rằng mỗi nước sẽ đồng ý giảm số lượng thán khí thải vào trong khí quyển một cách rộng rãi. Liên Hiệp Âu châu đã quyết định giảm 20% từ nay cho tới năm 2020, so với năm 1990, nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai nước thải nhiều thán khí vào khí quyển nhất thế giới cũng có các quyết định tương tự. Các quốc gia đang trên đường phát triển thì yêu cầu các nước kỹ nghệ giầu phải dấn thân trợ giúp kinh tế và kỹ thuật để giúp họ đương đầu với các tai ương thiên nhiên do hiện tượng ô nhiễm môi sinh và thay đổi khí hậu gây ra. Đây là một kiểu đòi ”tiền bồi thường”, xét vì các quốc gia nghèo gây ra rất ít ảnh hưởng trên việc thải thán khí vào trong không trung. Phái đoàn các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh cũng hy vọng sẽ đạt được một thỏa hiệp có hiệu lực pháp lý và chính trị có tính cách bắt buộc liên quan tới hai mục tiêu nói trên, để thay thế cho thỏa hiệp Kyoto sẽ hết hiệu lực vào tháng 12 năm 2012.

Tuy nhiên bầu khí lạc quan của mấy ngày đầu hội nghị đã dần dần tan biến. Sau hai năm chuẩn bị và 12 ngày nhóm họp, thương lượng, thảo luận và mặc cả với nhau, đặc biệt giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil và Nam Phi, hội nghị thượng đỉnh Copenhagen về khí hậu đã không đạt được một thỏa hiệp pháp lý và chính trị nào có tính cách bắt buộc. Cũng không có các dấn thân giảm số lượng thán khí thải vào khí quyển. Không có việc đồng ý triển hạn thỏa hiệp Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012 tới đây, cũng không có việc xác định số tiền mà mỗi quốc gia phải đóng cho ngân quỹ chống thay đổi khí hậu.

Thỏa thuận duy nhất đạt được là dời các dấn thân vào các tháng tới. Phái đoàn các nước sẽ tái nhóm tại Bonn vào tháng 6 và tại thành phố Mehicô vào tháng 12 năm nay 2010. Trong khi chờ đợi thì cho tới cuối tháng giêng này mỗi nước phải đưa ra chương trình giảm lượng thán khí cho chính mình. Và hội nghị thượng đỉnh Copenhagen đã kết thúc với việc các phái đoàn tham dự ”ghi nhận” vài điểm mơ hồ, trong đó có sự kiện các nước nghèo thực hiện các chương trình bảo vệ môi sinh theo sắc thái riêng và cứ hai năm phải tường trình kết qủa các tiến triển một lần.

Lý do vì ngân khoản 21 tỷ mỹ kim do các nước giầu đóng góp, trong đó có 7,2 tỷ của Liên Hiệp Âu châu, là để các nước nghèo trang bị các kỹ thuật giúp giảm hậu qủa hâm nóng trái đất. Các nước ít gây ô nhiễm nhất lại phải tường trình cho các quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất kết qủa chống ô nhiễm môi sinh!

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Dominique Bourg, giáo sư tại đại học Lausanne bên Thụy Sĩ về tương quan giữa vấn đề môi sinh và cuộc khủng hoảng của các nền dân chủ Tây âu. Giáo sư Bourg là một trong những chuyên viên nổi tiếng Âu châu về vấn đề phát triển có thể chịu đựng nổi.

Hỏi: Thưa giáo sư, cuộc khủng hoảng môi sinh thử thách các hệ thống dân chủ của Âu châu như thế nào?

Đáp: Theo tôi, cuộc khủng hoảng môi sinh sẽ thử thách các hệ thống dân chủ của Âu châu một cách thẳng mặt, bởi vì các nền dân chủ của chúng ta vẫn còn gắn chặt vào ý tưởng cho rằng các tài nguyên vô tận, không bao giờ cạn. Các xã hội của chúng ta được tổ chức theo viễn tượng cho phép mỗi người đạt tối đa các lợi lộc của mình, hay cho phép sản xuất và tiêu thụ nhiều chừng nào có thể.

Kỹ thuật và thị trường cũng được tổ chức để thỏa mãn các nhu cầu có khuynh hướng không thể dập tắt được. Chỉ ngày nay chúng ta mới bắt đầu hiểu một cách tràn đầy rằng một quan niệm như thế đụng độ với chính các hạn hẹp của môi sinh, trong đó chúng ta đang sống.

Hỏi: Theo các triết gia như Michel Serres, dấu vết môi sinh định nghĩa chính căn tính của nền văn minh kỹ nghệ. Có thể sửa chữa căn tính này cho tới múc độ nào thưa giáo sư?

Đáp: Thật ra đây là nút thắt nền tảng, lý do vì không thể dùng đũa thần mà thay đổi căn tính được. Vì thế có thể tưởng tượng ra các hành động định hướng của các cơ cấu có sẵn. Nhưng các khó khăn cụ thể của nền dân chủ của chúng ta trong việc đối phó với các thách đố về lâu về dài thì vẫn còn đó.

Hỏi: Các khó khăn nào thưa giáo sư?

Đáp: Có ít nhất ba hạn chế. Hạn chế thứ nhất là lãnh thổ, lý do vì các giới hữu trách chính trị được bầu lên trước hết là để bảo vệ các lợi lộc của một vùng đất chuyên biệt và xác định, của một quốc gia. Nhưng các vấn đề môi sinh lớn là các vấn đề vượt ra ngoài các lãnh thổ. Thí dụ chúng ta hãy nghĩ tới những gì đang xảy ra bên Hoa Kỳ, trong đó vài thượng nghị sĩ dân chủ nhất quyết bênh vực các lợi lộc trong tiểu bang của họ với các chương trình kinh tế gây ra độ ô nhiễm cao, khiến cho đường lối chính trị môi sinh của tổng thống Barak Obama gặp khó khăn. Hạn chế thứ hai là thời gian, vì các chính quyền được bầu lên cho một nhiệm kỳ có hạn định, do đó họ bị bó buộc phải lý luận và đề ra các chương trình cho một giai đoạn ngắn. Hạn chế thứ ba liên quan tới sự kiện các nền dân chủ đã được quan niệm để bảo vệ chúng ta chống lại sự độc tài và việc tùy tiện sử dụng quyền bính, chứ không để bảo vệ chúng ta chống lại các nguy hiểm gắn liền với kỹ thuật khoa học ngày càng mạnh hơn, và gắn liền với khả năng thay đổi môi sinh của con người.

Hỏi: Trong khung cảnh như thế thì con đường của chủ nghĩa thực tiễn bắt đầu từ đâu thưa giáo sư?

Đáp: Nhiều tổ chức phi chính quyền đang thôi chơi lá bài đơn sơ của tính cách đại diện bên cạnh các quyền bính công cộng, và đưa ra các đề nghị cụ thể. Thái độ đưa ra các đề nghị này với các giới chức chính quyền, kể cả các quyền bính cao hơn như tổ chức Liên Hiệp Quốc, là bước đầu tiên nới rộng các nền tảng dân chủ liên quan tới các vấn đề môi sinh. Các đề tài và tư tưởng do đó được lưu hành một cách dễ dàng hơn. Đây là lần đầu tiên nỗ lực tranh đấu đi theo cái luận lý có tầm mức rộng lớn hơn tầm mức của các lợi lộc truyền thống lãnh thổ. Đồng thời cũng có thể tưởng tượng ra các cơ cấu mới có khả năng đương đầu với các thách đố môi sinh.

Hỏi: Thưa giáo sư, đó là cơ cấu nào vậy?

Đáp: Chẳng hạn có thể nghĩ tới một quốc hội đặc biệt lo cho các vấn đề môi sinh đài hạn, và các dân biểu có bổn phận đưa ra các chương trình liên quan tới các thách đố liên lụy tới các thế hệ tương lai. Nhưng cũng có thể đưa ra điều khoản hiến pháp bắt buộc các ứng cử viên vào hàng ngũ lãnh đạo chính quyền đưa ra các chương trình thuộc các loại vấn đề này, trong đó không chỉ có các vấn đề môi sinh mà thôi.

Hỏi: Việc chống lại sự thay đổi khí hậu xem ra ít thuyết phục hơn là chống lại lỗ hổng ozon. Lỗi tại đâu? Nó đã bị trình bầy không đúng đắn hay có lý do nào khác nữa, thưa giáo sư?

Đáp: Khó khăn chính đối với vấn đề khí hậu thay đổi đó là lần này nó liên quan tới kiểu sống trong các xã hội của chúng ta. Theo một chuyên viên kinh tế Nhật để có thể giảm số lượng thán khí thải vào trong khí quyển từ nay cho tới năm 2050, thì phải chia sức mạnh của năng lượng cho 8. Nhưng trong 50 năm qua chúng ta mới chỉ giảm đươc gần phân nửa. Điều này cho thấy không có kỹ thuật mới nào có thể thay thế sự cần thiết phải có lối sống đơn sơ thanh đạm hơn.

Hỏi: Lần đầu tiên cộng đồng quốc tế đã chấp nhận rằng có lẽ ngày nay khoa học có khả năng thay đổi khí hậu và hành tinh hơn là hiểu biết chúng. Làm thế nào để cho dư luận công cộng hiểu được điều này, thưa giáo sư?

Đáp: Đúng vậy, nhưng sự lạc hướng cũng do quan niệm cổ điển vẫn còn phổ biến gây ra, vì nó cho rằng khoa học sản xuất ra sự thật. Thật ra giờ đây chúng ta biết rõ là khoa học cũng đồng thời sản xuất ra sự hiểu biết và sự không chắc chắn nữa. Khi sản xuất ra nhiều sự hiểu biết hơn, chúng ta cũng gia tăng nguồn gốc của sự không chắc chắn. Đây là một cơ cấu mà chúng ta không thể nào thoát ra khỏi được. Nguyên lý đề phòng đã được nghĩ ra chính là để đối phó với tình trạng mới này. Nếu chúng ta gặp các khó khăn lớn, thì cũng bởi vì điều đó có thể bị coi như là trái nghịch với cái luận lý truyền thống của các quyết định chính trị.

Hỏi: Nền dân chủ có bị đe dọa bởi các thách đố như thế hay không thưa giáo sư?

Đáp: Về lâu về dài tôi sợ là có. Chúng ta hãy cứ nghĩ tới các căng thẳng có thể xảy ra liên quan tới sự kiện cạn các nhiên liệu trên thế giới. Các quốc gia còn bám chặt vào các kỹ thuật cũ phải dùng các nhiên liệu loại quặng mở như than đá và dầu hỏa sẽ có nguy cơ gặp phải các biến động bên trong rất là trầm trọng. Nhưng đồng thời cũng phải lo sợ trước sự nổi dậy của các chủ nghĩa phát xít xanh.

(Avvenire 11.12.18.20.31-12-2009)

Linh Tiến Khải

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top