Phỏng vấn Đức Tổng giám mục Hon Tai-Fai của nhật báo Công giáo Ý ‘Avvenire’

Phỏng vấn Đức Tổng giám mục Hon Tai-Fai của nhật báo Công giáo Ý ‘Avvenire’

Đức Tổng Giám mục Hon Tai-Fai dòng Salesian là người Trung Quốc đầu tiên giữ vai trò lãnh đạo trong Giáo triều Rôma. Tháng 12 năm ngoái, Đức Thánh cha Bênêđictô XVI triệu ngài từ Hồng Kông sang đảm nhận chức thư ký Thánh bộ truyền Giáo.

Dưới đây là bài phỏng vấn ngài do Gianni Cardinale thực hiện.

Kính thưa Đức cha, ngày cầu nguyện vào ngày lễ kính Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu được cử hành như thế nào ở Trung Quốc?

Năm nay vào ngày lễ Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu, như trong những năm sau khi có Tông thư của Đức Thánh cha gửi năm 2007, không khí ở Thánh đường Sheshan rất căng thẳng do có mặt của công an, các trạm kiểm soát, camera giám sát, máy dò kim loại…

Trước đây không giống như thế. Tôi còn nhớ vào những năm 1990 hàng ngàn người hành hương đến đó vào tháng 5, tháng kính Đức Mẹ. Nhưng sau năm 2007, ngày lễ hầu như trở thành thời gian hết sức căng thẳng do các lệnh cấm đi hành hương tập thể (người Trung Quốc lẫn người nước ngoài), quản thúc tại gia, giám sát.

Đặc biệt hơn hết là sự kiểm soát chặt chẽ của công an, không còn thấy quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản đâu cả. Và đáng tiếc điều này hủy hoại hình ảnh đẹp đẽ mà người Trung Quốc có được thông qua nỗ lực và tiến bộ trong 30 năm qua.

Tuy nhiên, cho dù vậy sức mạnh của lời cầu nguyện không bị giảm sút. Nhờ ơn Chúa, các tín hữu có những cách khác để cầu nguyện cho lợi ích của Trung Quốc và hiệp nhất Giáo hội.

Trung Quốc là một nước lớn, nhưng “sự vĩ đại của nó thực sự nằm ở lòng khoan dung”, theo tục ngữ của Trung Quốc. Con tim của người tín hữu đích thực không cho phép tự phân chia cho tình yêu quê hương và lòng trung thành với Giáo hội.

Sau vụ phong chức giám mục bất hợp thức tại Thành Đức, có hai việc phong chức hợp thức trong những ngày gần đây tại Quý Dương và Duyện Châu. Đây có phải là một diễn biến tích cực không?

Có thể nói là vậy. Tôi hy vọng là thế!

Đức cha đánh giá như thế nào về lễ phong chức ở Duyện Châu do đức giám mục của Linyi chủ tế trong khi ngài là giám mục hợp thức nhưng hiện đang đứng đầu Hội Yêu nước không được Tòa Thánh công nhận?

Lễ phong chức như thế thông thường được cho là hợp thức và có hiệu lực. Tuy nhiên, việc giám mục chủ phong là người đứng đầu Hội Yêu nước, theo quy chế của hội, có mục đích muốn thành lập một Giáo hội quốc gia độc lập làm lu mờ quyền thánh thiêng vốn cần rõ ràng và không bị ràng buộc bởi bất kỳ tổ chức chính trị nào. Cũng cần phải xem xét giám mục chủ phong là người đứng đầu Hội Yêu nước trên danh nghĩa hay đích thực (vì vai trò của chủ tịch danh dự Anthony Liu Bainian vẫn còn có ảnh hưởng). Nếu thực sự là chủ tịch hội, thì ngài có trách nhiệm lớn và phải có lòng can đảm để thay đổi quy chế của Hội Yêu nước và làm cho nó phù hợp với đức tin Công giáo.

Có đúng là các giám mục được bầu chọn trong một số giáo phận, ở Sán Đầu chẳng hạn, không có sự chấp thuận của Rôma?

Dường như là thế.

Tấn phong giám mục bất hợp thức có nghĩa là gì?

Trước khi lễ phong chức bất hợp thức diễn ra, luôn có chỗ để suy nghĩ lại. Người dân thích giám mục được Đức Thánh cha công nhận để Giáo hội tại Trung Quốc luôn là một và hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và luôn hiệp thông với đấng kế vị Thánh Phêrô.

Trong lần phỏng vấn với tờ báo này trước đây, Đức cha có nói về nguy cơ các linh mục và giám mục Trung Quốc sa vào sự cám dỗ của chủ nghĩa cơ hội. Đức Thánh cha nhấn mạnh đến nguy cơ này vào thứ tư tuần trước. Đâu là biện pháp khả thi cho vấn đề này?

Về lâu dài, quan trọng là cần đảm bảo đào tạo vững chắc cho các giáo sĩ. Chủ nghĩa cơ hội quyến rũ những người thiển cận. Cuối cùng không có chính phủ nào thích kẻ cơ hội. Giống như sản phẩm đã được mua, kẻ cơ hội có thể bị ném đi khi không còn hữu dụng nữa. Thay vì thế, vững tin hay trung thành mới là giá trị. Trong thâm tâm chúng ta, đặc biệt là đối với các giám mục và linh mục, luôn có lời kêu gọi của Thiên Chúa là Chủ lịch sử nói chuyện với chúng ta và cho biết phải đi đâu. Ở đây có một chiều kích ơn huệ mầu nhiệm. Vì lý do này, toàn thể Giáo hội sốt sắng cầu nguyện cho các mục tử của chúng ta ở Trung Quốc. Một mục tử trung tín biết cách yêu tổ quốc mình hơn kẻ cơ hội nhiều. Lịch sử cho chúng ta bài học về điều này và chính phủ Trung Quốc biết rất rõ điều đó.

Cuối tuần vừa rồi Đức cha tham dự cuộc họp những người chịu trách nhiệm coi sóc mục vụ cho các cộng đồng người Trung Quốc ở Ý tại Rimini. Các cộng đồng này có nhiều người Công giáo không? Có nhiều người trở lại đạo không?

Ở Ý có chín cộng đồng do các linh mục người Trung Quốc trông coi trong các giáo phận khác nhau như Naples, Rôma, Prato, Florence, Bologna, Rimini, Treviso, Milan. Có 3.000 người Công giáo liên lạc với các cộng đồng này. Mỗi năm có từ 50-60 người trở lại đạo. Các giáo phận rất hoan nghênh và rất biết ơn về điều này. Hoan nghênh, coi sóc mục vụ và truyền giáo là những ưu tiên dành cho các cộng đồng này.

Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến đến Rôma tham dự lễ kỷ niệm 150 năm thống nhất nước Ý vào ngày 2-6. Nếu có cơ hội gặp ông ta, Đức cha sẽ nói gì với ông ta?

Tôi sẽ nói thế này: Tôi là người Trung Quốc và cho dù ở bất kỳ nơi nào, tôi cũng yêu tổ quốc. Tôi tự hào về thành tựu to lớn mà Trung Quốc đã đạt được. Tôi còn là người Công giáo nên tôi học được cách yêu thương từ Đức Kitô. Trung Quốc là một nước lớn và do đó cũng nên có chỗ cho Giáo hội Công giáo. Hiệp thông với Đức Thánh cha là đặc điểm cần thiết của Giáo hội. Quyền bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc của Đức Thánh cha cần phải được tôn trọng. Đức Bênêđictô XVI yêu thương, quý trọng và cầu nguyện nhiều cho Trung Quốc.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top