“Noli me tangere”: Câu này có ý nghĩa gì?
“NOLI ME TANGERE”: CÂU NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ?
WGPQN (09.04.2024) – Ai đã nói: “Noli me tangere” trong Tin Mừng? Tại sao Đức Giêsu nói với Maria Mađalêna rằng “Đừng chạm vào Thầy”? Sự từ chối này có ý nghĩa gì? Ta giải thích như thế nào? Tại sao Đức Giêsu nói “Đừng chạm vào thầy” trong khi né tránh Maria Mađalêna vào buổi sáng Phục Sinh?
Đừng bỏ qua những câu cuối trong đoạn Kinh Thánh này. Đây là sự thông sáng cuối cùng của đoạn Tin Mừng Ga 20, 1-18 với câu chuyện về Maria Mađalêna tại ngôi mộ vào buổi sáng Phục Sinh. Bây giờ, ta đi vào một câu khó dịch mà Đức Giêsu đã nói khi né tránh bàn tay Maria Mađalêna.
“Noli me tangere”: Câu dịch tiếng Latin cổ
Đơn giản, sự sáng tỏ tập trung vào chỉ một câu ngắn: Ga 20, 17. Đây là những gì chúng ta đang nói đến:
Đức Giêsu nói với [Maria Mađalêna]: Hãy thôi chạm vào thầy (cesse de me toucher)[1] vì thầy chưa lên cùng Cha thầy. Nhưng hãy đi đến với các anh em thầy và nói với họ: “Thầy lên cùng Cha thầy và là Cha của anh em, Thiên Chúa của thầy và là Chúa của anh em” (Ga 20, 17).
Từ môi miệng Đức Giêsu Phục Sinh, cụm từ ở đây được dịch là “Hãy thôi chạm vào thầy” (cesse de me toucher), thực sự khá phức tạp khi dịch. Tuy nhiên, nếu cách diễn đạt đã khó dịch thì nó lại càng khó chú giải hơn nữa. Tóm lại, có điều gì đó cần phải đào sâu thêm nữa!
Bản dịch tiếng Latinh, thậm chí có trước cả bản Phổ Thông (Vulgate) nổi tiếng của Thánh Giêrônimô được thực hiện vào cuối thế kỷ thứ IV, đã dịch từ nguyên bản tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh theo nghĩa đen và tạo ra thành ngữ: “Noli me tangere”, đơn giản có nghĩa là: “Đừng chạm vào thầy” (Ne me touche pas).
Được phổ biến rộng rãi giữa thời Trung cổ và Phục hưng (vì tiếng Latinh đã trở thành ngôn ngữ chính thức của Giáo hội và phiên bản tiếng Latinh của Kinh thánh trở thành tài liệu tham khảo), do đó câu dịch "Noli me tangere" này đã đặt tên cho rất nhiều bức tranh minh họa lúc Đức Giêsu xuất hiện dưới dáng vẻ một người làm vườn, đã né tránh và từ chối bàn tay của Maria Mađalêna, người đang cố chạm vào Ngài.
Dịch câu này như thế nào? Nó có nghĩa gì?
Bản dịch mà chúng tôi đang đề xuất, là kết quả của chương trình nghiên cứu Kinh thánh và các Truyền thống của Trường Kinh thánh và Khảo cổ học Pháp ở Giêrusalem (l’École Biblique et Archéologique française de Jérusalem, gọi tắt là EBAF), dựa trên văn bản tiếng Hy Lạp (chứ không phải trên bản Vulgate của thánh Giêrônimô). Câu này dịch là: “Hãy thôi chạm vào thầy" (Cesse de me toucher).
Tại sao dịch câu nói nổi tiếng này như thế? Và thậm chí còn điều cơ bản hơn (vì bản dịch bao hàm một cách giải thích nào đó): Cách diễn đạt này từ môi miệng Đức Kitô có nghĩa là gì?
Trước hết, chúng ta hãy bước sang một bên. Sự đa dạng của các bản dịch cho chúng ta biết rằng có điều gì đó thật quan trọng cần phải đặt câu hỏi. Đây là điểm xuất phát của chúng ta. Nhiều cách giải thích đã được đưa ra. Chúng ta hãy bắt đầu ngay bằng cách nhớ rằng không có bản dịch nào lấn át những bản dịch khác đến mức coi như “điều bí ẩn đã được giải quyết”. Trên thực tế, độ khó khăn vẫn còn y nguyên.
Một gợi ý dịch khác: “Đừng chạm vào thầy nữa” (Ne me touche plus)
Bây giờ chúng ta hãy đi sâu vào bản văn tiếng Hy Lạp: Μή μου ἅπτου (mè mou haptou). Trên thực tế, động từ tiếng Hy Lạp haptesthai (chạm, toucher) không thể đồng nghĩa với kratein (giữ lại, retenir). Do đó, chúng ta phải giữ nguyên ý nghĩa của từ “chạm” (toucher) như phần lớn bản dịch Kinh thánh.
Trong một bài chú giải xuất sắc về câu này, học giả và dịch giả Kinh thánh dòng Đa Minh Pierre Benoit (1906-1987), đồng thời cũng là cha Giám đốc EBAF từ năm 1964 đến năm 1972, đã dịch “Đừng chạm vào thầy nữa” (ne me touche plus) thay cho câu truyền thống “Đừng chạm vào thầy” (Ne me touche pas).
Tại sao có sự thay đổi này? Cha đã giải thích với một chi tiết ngữ pháp:[2]
1) Trong tiếng Hy Lạp, câu mệnh lệnh hiện tại của động từ thường biểu thị một hành động đã bắt đầu.
2) Do đó, sự phủ định này thể hiện rằng hành động của Maria Mađalêna không được tiếp tục nữa, đó là điều mà cụm từ "ne / plus" trong tiếng Pháp muốn nói, chẳng giống như "ne / pas" không bao hàm mối liên hệ với thời gian.
Cuối cùng, khó khăn của bản dịch trên hết phải được thừa nhận chứ không thể lẩn tránh. Để loại bỏ những từ ngữ nghịch lý và bí ẩn này, như Pierre Benoît đã nói: “Người ta đã tưởng tượng ra đủ loại thủ thuật để loại bỏ sự khó khăn. Bản dịch “Đừng giữ thầy lại như thế” (ne me retiens pas ainsi) của cuốn Kinh thánh Giêrusalem cũ (Bible de Jérusalem), là một trong những thủ thuật này. Nghịch lý mà chúng ta muốn xóa đi theo cách này cũng tương ứng với một bí ẩn sâu xa”.
Đức Giêsu cho thấy Ngài không thuộc về Maria Mađalêna
Từ Maria Mađalêna đến Tôma: Cùng một vấn đề về đức tin
Câu “noli me tangere” nên được so sánh với một đoạn khác – chứ không phải bất kỳ đoạn nào, vì đây chính xác là phần tiếp theo của cùng chương 20 này trong Tin Mừng Thánh Gioan – đoạn được gọi là “sự cứng lòng của Thánh Tôma”.
Trong cả hai trường hợp, cảnh tượng diễn ra ngay sau sự Phục Sinh, khi Đức Giêsu tìm cách cho những người quen biết “nhận ra mình”. Trong cả hai trường hợp, vấn đề là chạm vào thân xác của Đức Giêsu phục sinh - như thể để tin chắc về “tính vật chất” của Đức Giêsu phục sinh, về “tính vật chất” của thân xác mà vài ngày trước đó đã nằm trên thập giá cách thành phố cổ Giêrusalem vài trăm mét, “tính vật chất” của cơ thể này đã trở thành xác chết, đã kinh nghiệm cái chết. Vì vậy, câu chuyện về Maria Mađalêna đã khai mạc và mở ra vấn đề về cảnh tiếp theo liên quan trực tiếp với Thánh Tôma, người vắng mặt trong lần hiện ra đầu tiên của Đức Giêsu phục sinh với các Tông đồ.
Chi tiết đặt Maria Mađalêna song song với Thánh Tôma
Maria Mađalêna quay sang Đức Giêsu và gọi Ngài là “Rabbouni” (Ga 20, 16). Đây là một tên gọi trang trọng hơn là “Rabbi”; và tên này thường được sử dụng khi thưa gởi với Thiên Chúa. Thánh Tôma thưa với Đức Giêsu phục sinh rằng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28). Cuối cùng, với Maria Mađalêna cũng như với Thánh Tôma, cảnh nhận ra Đức Giêsu được kết thúc bằng một hành vi đức tin thực sự. Và đây chắc chắn là điểm mấu chốt của bản văn, gợi ý rằng cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu phục sinh đòi hỏi chính xác… một sự gắn bó, một sự nhìn nhận, một hành vi đức tin.
Ta chỉ có thể thật sự chạm đến Đức Kitô phục sinh bởi đức tin. Hơn nữa, nó thay đổi mọi mối quan hệ cá nhân của chúng ta, như Thánh Phaolô nói trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô: “Cho nên từ nay chúng tôi không còn biết ai theo xác thịt nữa, và cho dẫu theo xác thịt, chúng tôi đã được biết Ðức Kitô, thì trái lại nay chúng tôi không còn biết (như thế) nữa” (2 Cr 5, 16).[3]
Lời cuối
Để kết luận về câu nói khó dịch này, học giả Kinh thánh Pierre Benoît đã tìm ra một vài chú giải về tình tiết đáng kinh ngạc này.
“Nếu Đức Giêsu nói với Maria Mađalêna: Đừng chạm vào Thầy nữa, đó không phải chỉ vì bà không nên giữ Ngài, mà là để Ngài lên cùng Chúa Cha. Đây đúng hơn là trạng thái mới mà Ngài bước vào qua sự Phục sinh không còn cho phép những mối quan hệ quen thuộc như trước khi Ngài chết.
Những người phụ nữ khác (hoặc theo một số người thì cũng chính người phụ nữ này) trước đây đã có thể chạm vào Ngài: Chẳng hạn như người phụ nữ tội lỗi trong Lc 7, 37-39 (hãy chú ý từ haptetai, trong Lc 7, 39[4]), bà Maria thành Bêtania mà đặc điểm của bà trong cộng đoàn là xức dầu chân Chúa (Ga 11,2.12,3). Từ nay trở đi, không còn vấn đề phải phục vụ Ngài một cách ân cần nữa, bởi vì thân xác của Ngài đang ở trong một trạng thái mới và chưa nhận được sự thánh hiến dứt khoát qua việc gặp gỡ với Chúa Cha. […] Trước khi được tôn vinh, Đức Giêsu không thể ban Thánh Thần (Ga 7, 39[5]). Điều này có nghĩa là sau khi được tôn vinh qua sự Phục Sinh và Trở về với Chúa Cha, Ngài sẽ sở hữu trong chính thân xác mình sự sung mãn của Thánh Thần, mà Ngài sẽ có thể ban phát qua các bí tích. […] Chắc chắn, chính những sự tiếp xúc thiêng liêng này của việc phân phát bí tích mà Gioan đang nghĩ đến khi chép rằng Đức Giêsu nói với Mađalêna rằng cô không được chạm vào ngài nữa cho đến khi ngài lên cùng Chúa Cha; chỉ sau đó bà mới có thể làm như vậy một lần nữa, khi ngài trở lại với bà, cũng như với tất cả các tín hữu, dưới hình thức thân xác đã thiêng liêng hóa để ban sự sống”.
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguyển ngữ từ: https://www.prixm.org
Nguồn: gpquinhon.org
[1] Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là: "Ðừng cầm Ta lại!”. Cha An Sơn Vị dịch là: “Đừng níu Thầy lại đây như thế”. Nhóm CGKPV dịch là: “Đừng giữ Thầy lại!”
[2] Pierre Benoit, “L’Ascension”, Revue Biblique, n°56, 1949, tr. 183-184.
[3] Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn. Bản dịch của nhóm CGKPV: “Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa”
[4] “Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng (haptetai) vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!”
[5] “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh”.
bài liên quan mới nhất
- Tại sao Thánh Mátthêu dùng thuật ngữ “Nước Thiên Chúa”?
-
Gặp gỡ Thường niên Ủy ban Kinh Thánh - Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Bảy sự kiện Kinh Thánh tiên báo về Thánh Thể -
Kinh Thánh thiếu nhi đã có trong 194 ngôn ngữ -
Cuộc họp thường niên Ủy Ban Kinh Thánh - Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 20/04/2024 -
Câu khởi đầu và kết thúc Thánh Kinh -
Kinh thánh trọn bộ được dịch ra 743 ngôn ngữ -
Ánh sáng cho dân lần bước trong tăm tối -
Kinh Thánh và sự dấn thân xã hội của Giáo hội -
Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho tham dự viên Đại hội và Hội nghị của Hiệp hội Phụ huynh Châu Âu
bài liên quan đọc nhiều
- Suy niệm Chúa nhật Truyền giáo
-
Giao ước mới trong máu Đức Giêsu Kitô -
Đọc Lời Chúa cá nhân -
Kinh Thánh: Tìm Hiểu Thánh Vịnh 51 (50) -
Làm thế nào để đọc Thánh Kinh? -
Tiếng Cười Trong Kinh Thánh -
Ủy ban Kinh Thánh: Cuộc họp Ủy Ban Kinh Thánh mở rộng ngày 17-10-2020 -
Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 733 ngôn ngữ -
Hòa Bình theo Kinh Thánh -
10 suy niệm Kinh thánh để xưng tội tốt hơn