Kinh Thánh: Tìm Hiểu Thánh Vịnh 51 (50)

Kinh Thánh: Tìm Hiểu Thánh Vịnh 51 (50)

Kinh Thánh: Tìm Hiểu Thánh Vịnh 51 (50)

Hội Thánh khai mạc Mùa Chay thánh với lời kinh thống thiết, Miserere mei, Deus: secundum magnam misericordiam tuam.: Lạy Thiên Chúa xin lấy lòng nhân hậu xót thương con. Giai điệu sám hối này là lời mở đầu Thánh vịnh 51, còn nhiều lần được cất lên trong suốt thời gian Mùa Chay cũng như nhiều dịp khác. Để sống tâm tình sám hối của Mùa Chay bằng Lời Chúa chúng ta cùng nhau tìm hiểu Thánh vịnh này.

***

Một trong những lời cầu xin thảm thiết nhất trong tập Thánh vịnh đó là Thánh vịnh 51. Đây là một trong những Thánh vịnh được yêu quý nhất, và là một trong bảy Thánh vịnh sám hối theo truyền thống của Hội Thánh (6, 32, 38, 51, 102, 130, 143). Nội dung chính trong Thánh vịnh này là một lời cầu xin để được thoát khỏi những đau khổ dằn vặt đè nặng tâm tư của một tội nhân, khi ông nhận ra những hậu quả nặng nề mà tội đã gây ra cho bản thân và cho xã hội. Bài thơ được chia thành hai phần có độ dài bằng nhau: các câu 3-10 và 11-19, với một đoạn kết trong các câu 20-21. Hai phần được lồng vào nhau một cách cẩn thận bằng cách lặp lại những từ ngữ mang những ý nghĩa chủ yếu: “Xóa bỏ” trong câu đầu tiên của mỗi phần (câu 3 và 11); từ “Rửa sạch” trong câu ngay sau câu đầu tiên của phần đầu (câu 4) và ngay trước câu cuối (câu 9); sự lặp lại những từ “Trái tim”, “Chúa Trời” và “Tinh thần” trong câu 12 và 19.

Trong phần đầu tác giả thánh vịnh đã hoàn toàn tín thác vào lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa để cầu nguyện cho mình được giải thoát khỏi tội lỗi. Câu 10 gợi ý cho thấy tác giả thánh vịnh có thể bị một bệnh nào đó về xương khớp và ông gán cho bệnh ấy là tội lỗi. Tội được miêu tả với một hiện thực mãnh liệt, nó không chỉ là một hành động chống lại Thiên Chúa đã qua đi trong quá khứ, mà còn luôn luôn tạo hậu quả nặng nề trên cảm xúc, thể chất và cả xã hội. Tác giả Thánh vịnh trải nghiệm hậu quả hủy diệt của tội (câu 5) và nhận thức rằng đau khổ này là do tự ông gây ra và xứng đáng phải chịu như vậy. Trước Thiên Chúa là Đấng toàn thánh, một con người yếu hèn, “đã mang tội khi mới hoài thai” thì ông không thể tự mình trở nên công chính (câu 7) mà chỉ có thể cần nhờ được Chúa thương thanh tẩy (câu 8-10).

Câu 11 bắt đầu phần thứ hai bằng cách lặp lại lời cầu nguyện xin ơn tha thứ. Một điều gì đó sâu sắc hơn, tích cực hơn việc xóa sạch tội lỗi, là chủ đề của các câu 12-19, đó là được gần gũi với Nhan Thánh, được đổi mới tinh thần, và được sống trong thần khí thánh của Thiên Chúa (cc. 12-13). Sự gần gũi như vậy mang lại niềm vui (câu 14) và cho phép tội nhân đã được ơn tha thứ giãi bày từ chính kinh nghiệm cá nhân của mình cho tất cả những người đã lạc bước, cũng được ơn trở về với Chúa (cc. 15-16). Lời tuyên bố đó chính là sự đáp trả mà Chúa mong muốn, thậm chí còn hơn cả lễ hy sinh trong đền thờ (cc. 17-19). Hai câu cuối cùng nói đến thực trạng nội tâm của tội nhân: kinh nghiệm về tội cũng là một trải nghiệm phải xa cách Thiên Chúa, và những cuộc tế lễ trong đền thờ.

***

GHI CHÚ

C.1 Tại sao Đavít không phải chết vì tội đã phạm ? (51: 1)

Đavít phạm tội giết người và ngoại tình, cả hai đều bị trừng phạt bằng cái chết theo lề luật (Xh 21, 23-25; Lv 20:10). Nhưng lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa đã thay cho sự xét xử, mà ngay cả trong Cựu Ước Thiên Chúa vẫn luôn tỏ ra là Đấng công thẳng và nghiêm minh. Những người thực tâm thống hối tội lỗi và sẵn sàng đổi mới tâm hồn vẫn tìm được nơi Thiên Chúa ơn tha thứ và bình an, mà không phải sợ lề luật. Xem thêm Xh 32,11-14; 2 Sbn 33,10-13; Gr 18,7-8.

C.1 Thiên Chúa xóa tội đã phạm như thế nào ?

Bằng cách xóa sạch các vết nhơ của tội như thể xóa chữ viết khỏi một cuốn sách (x. Xh 32, 32; Ds 5,23). Mực dùng để viết trong thời cổ đại thường là hỗn hợp bồ hóng hoặc than bột pha với nước. Mặc dù chữ viết có màu đen, nhưng nó có thể dễ dàng bị xóa sạch với một cái giẻ ướt.

C.6 Tại sao Đavít nói chỉ phạm tội “với một mình Chúa” ?

Đavít không thể phủ nhận rằng mình đã phạm tội làm hại Urigia và xâm phạm đến Bátseva (x. 2 Sm 11). Nhưng theo nghĩa chung, xúc phạm người khác cũng chính là xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài. Đây có lẽ là sự khẳng quyết mạnh mẽ, một cách Đavít dùng để bày tỏ nỗi buồn mãnh liệt vì đã vi phạm lề luật Chúa. Điều này cũng có ý nhắc nhở rằng tội lỗi, và bất kỳ tội nào thực sự tác động: đó là một hành vi, trước hết và trên hết, chống lại Thiên Chúa.

C.7 Mới hoài thai đã vướng mắc tội có được biện minh để sau này phạm tội không ?

Chắc chắn là không. Đavít không thể dựa vào tình trạng tội lỗi bẩm sinh của mình như một cái cớ cho việc ngoại tình với Bátseva và giết chồng của nàng. Tuy nhiên tình trạng đã bị nhiễm tội nơi một người cũng như ngoài xã hội có thể giải thích tại sao ông đã chủ định tái phạm, và còn có thể phạm thêm. Bản chất của tội là khó uốn nắn, khó điều chỉnh nên chúng ta đừng bao giờ tự mãn, tự tin về khả năng chống trả của mình.

C.9 Cành hương thảo được dùng để thanh tẩy thế nào ?

Một nhánh cây hương thảo được nhúng trong máu hiến tế rồi vảy hoặc rắc lên vật hoặc người cần được thanh tẩy (x. Xh 12, 22; Lv 14, 6-7). Ở đây nó diễn tả một hành động biểu tượng: rửa sạch tâm hồn khỏi vết nhơ tội lỗi.

C.16 Tại sao Đavít xin tha chết cho ông ?

Đavít ý thức rõ hành vi giết người của ông (2 Sm 11), và án tử hình đáng lẽ phải được áp đặt cho tội ông đã phạm. Đây là một ám ảnh tội lỗi và có thể là lời cầu xin của Đavít, để nhờ lòng Chúa thương xót ông được thoát khỏi sự báo thù và cái chết.

C.18 Tại sao lễ toàn thiêu không làm Chúa vui lòng như nó từng được Chúa đón nhận ?

Không phải Chúa không ưa thích lễ toàn thiêu Đavít dâng tiến, Ngài muốn đón nhận lòng chân thành thống hối và sự tuân phục (x. Tv 40,7). Chỉ cử hành những nghi thức vô hồn bên ngoài thì không thể làm đẹp lòng Chúa.

C.20 Tại sao xưng thú tội lại cầu nguyện cho Giêrusalem được dồi dào hồng phúc ?

Đavít ý thức rằng tội nơi con người ông khiến hình ảnh một con người đã bị hoen ố, và trách nhiệm của một người chồng và một người cha cũng bị ảnh hưởng. Và chắc chắn ông đã làm đổ vỡ hình ảnh của một vị vua cai quản dân Chúa. Ông khiêm tốn xin Chúa khôi phục ơn lành xuống cho vương quốc mến yêu.

C.21 Tại sao lại hứa dâng của lễ khi Chúa không đoái hoài ?

Mặc dù Đavít tuyên bố Chúa không vui thích đón nhận lễ vật hiến tế (c. 16), nhưng đúng ra Chúa chỉ chối bỏ những nghi thức trống rỗng và tâm hồn không ngay chính. Những người dâng hiến lễ toàn thiêu với lòng thống hối thực sự vẫn sẽ được Chúa đón nhận. Bây giờ, chính lễ vật hy sinh của Chúa Kitô đã thiết lập mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, khi chúng ta đến với Ngài bằng một tâm hồn chân thành và với lòng thống hối thật sự (Hr 10,19-22).

***

THỰC HÀNH KITÔ GIÁO

Các Kitô hữu sử dụng Tv 51 trong nhiều khung cảnh phụng vụ khác nhau. Ngoài vị trí là một trong bảy Thánh vịnh sám hối, Thánh vịnh này còn tạo dựng một bầu khí thiêng liêng cho Thứ Tư Lễ Tro và Mùa Chay. Thánh vịnh được sử dụng gần như mỗi tuần trong các Giờ Kinh Phụng vụ, và nổi bật trong Nghi Thức An Táng (x. sách NTAT, trang 32).

Chủ đề về sự sám hối chân thành và thực tâm quay trở về với Thiên Chúa là phổ biến trong lịch sử các văn sĩ Kitô giáo, bắt đầu từ câu chuyện ngụ ngôn về người cha nhân hậu trong Tin mừng Luca (Lk 15, 11-32). Thánh Phaolô cũng viết rất nhiều về chủ đề này. Trong như Êphêsô ngài mời gọi những người trở lại với Kitô giáo: “Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4, 22-24). Khi mời gọi tín hữu Côrintô trở thành một tạo vật mới trong Chúa Kitô, Phaolô đã mạnh mẽ viết rằng: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21).

Về chủ đề thống hối thánh Giêrônimô viết:

- “Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa của bạn, người mà bạn đã xa lạc vì tội lỗi của mình. Đừng tuyệt vọng về lòng thương xót của Ngài! Cho dù tội lỗi của bạn có nặng nề đến đâu, thì lòng thương xót bao dung của Chúa cũng sẽ xóa hết những tội lỗi ấy”.

- Chúa là Đấng nhân từ và khoan hậu, Ngài muốn các tội nhân thống hối hơn là phải chết vì tội lỗi của mình. Sự kiên nhẫn và khoan dung chính là tên gọi của lòng thương xót Chúa. Ngài không thua kém sự bất nhẫn của con người, Ngài sẵn sàng dành thời gian chờ đợi để chúng ta ăn năn sám hối …

- Tuy nhiên, đừng ỷ lại vào sự khoan dung của Chúa mà lơ là chểnh mảng về việc thống hối tội lỗi mình (Luận về ngôn sứ Giôen).

Cha Dom Columbia Marmion, dòng Bênêđictine viết cuốn sách “Christ the Life of the Soul” là sách giáo khoa về thần học tu đức cho một số tu viện tại Mỹ. Gần hai phần ba tập sách được dành cho nền tảng của đời sống Kitô hữu: (A) Chết đi cho tội lỗi, và (B) Sống cho Thiên Chúa. Nỗ lực sống trong sạch tâm hồn khỏi bóng đen tội lỗi thì không đủ, nó sẽ để lại một khoảng trống. Bước tiếp theo và quan trọng hơn là liên tục đổi mới tâm hồn và xây dựng một lâu đài nhân đức Kitô giáo đích thực.

Hai câu cuối của Thánh vịnh quy chiếu về lễ toàn thiêu, lễ hiến tế nhắc nhở chúng ta về Hiến Lễ Thập Giá của Chúa Kitô, được tái hiện trong Thánh lễ, Bí tích của Bàn thờ.

Thánh Alphonsô Liguori viết:

“Chúa Kitô đã đền trả cho chúng ta giá của ơn cứu chuộc qua hiến tế Thập giá. Nhưng Người muốn hoa trái của ơn đó phải được áp dụng cho chúng ta trong Hiến lễ Bàn Thờ. Chính Người vừa là người dâng hiến vừa là của lễ là chính thịt và máu Người. Chỉ khác một điều là hiến lễ Thập giá thì có máu Người đổ ra; còn hiến lễ bàn thờ thì không đổ máu” (x. A. Ligouri, Hi Lễ của Chúa Giêsu Kitô).

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung
Nguồn: giaophanlongxuyen.org

Top