Ủy ban Loan báo Tin mừng gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 02/2025 - Đức Giêsu, Đấng trực tiếp thi hành sứ vụ
WHĐ (17/01/2025) - Nhằm khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn tín hữu, Ủy ban Loan báo Tin mừng trong “Kế hoạch thực hiện sống Năm thánh 2025 - Cùng nhau Loan báo Tin mừng” đề nghị mỗi giáo phận chọn một ngày theo chu kỳ tuần/tháng/năm để chầu Thánh Thể cầu nguyện cho việc truyền giáo. Ủy ban Loan báo Tin mừng sẽ có bài gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể mỗi tháng. Sau đây là bài gợi ý suy niệm tháng 02/2025.
ỦY BAN LOAN BÁO TIN MỪNG – HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
72/12 Trần Quốc Toản - Võ Thị Sáu - Quận 3 - Tp.HCM - Việt Nam
Email: evangelization@cbc-vietnam.org; Đt: 0905.505.022
GỢI Ý SUY NIỆM CHẦU THÁNH THỂ - NĂM 2025
Cùng nhau loan báo Tin Mừng
ĐỀ TÀI 3 – ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG TRỰC TIẾP THI HÀNH SỨ VỤ
Tháng 02/2025
A. Lời Chúa
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3, 17-18).
B. Ơn xin trong giờ chầu
Xin cho con tin tưởng trọn vẹn vào Đức Giêsu – Đấng Cứu Độ duy nhất của đời con.
C. Gợi ý suy niệm
1. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…
- Tình yêu của con người đối với nhau thường được đo lường bằng những món quà có giá trị vật chất. Khi đang yêu, người ta thường tặng quà cho nhau: có người dẫn nhau đi ăn uống; có người thì tặng quần áo hoặc đồ dùng cho nhau; có người thì tặng nhau những món quà lưu niệm quý giá… Nói tóm lại có rất nhiều cách thức tặng quà cho nhau trong lúc yêu và hầu hết các món quà đó đều là vật chất (hiện vật hoặc hiện kim) mang ý nghĩa tượng cho tình yêu của họ. Khi hết yêu, chẳng những quà không được tặng mà đôi khi còn bị đòi lại… Đó là cách thức diễn tả tình yêu của con người.
- Tình yêu của Thiên Chúa thì vượt xa hơn tình yêu con người. Thật vậy, Thiên Chúa không những trao tặng những “món quà” biểu hiện của tình yêu mà còn trao ban chính Tình Yêu của Ngài cho nhân loại. Tình yêu đó được thể hiện cụ thể và trực tiếp nơi con người Đức Giêsu Kitô. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Trong sắc lệnh Truyền giáo Ad Gentes, Công Đồng Vatican II nói rằng: để đem lại sự bình an và hiệp thông với Thiên Chúa, đồng thời để xây dựng một xã hội huynh đệ, Thiên Chúa đã quyết định đi vào lịch sử loài người theo một cách thức mới mẻ và dứt khoát bằng cách sai Con của Ngài mặc lấy xác phàm chúng ta, để nhờ Chúa Con, Ngài giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và Satan. Thật vậy, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ nhờ Chúa Con, Ngài cũng đặt Chúa Con thừa hưởng vũ trụ để trong Chúa Con mọi sự được tái lập (x. AG 3).
Câu hỏi gợi ý suy tư: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Thiên Chúa yêu tôi đến nỗi ban Con Một của Ngài là Đức Giêsu cho tôi. Còn tôi đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa đến nỗi là ai trong tương quan với Ngài và làm gì cho Ngài? Tôi yêu vợ/chồng tôi; tôi yêu con cháu tôi; tôi yêu bố mẹ/ông bà tôi đến nỗi tôi là ai trong tương quan với họ và làm gì cho họ? Tôi yêu Giáo hội/giáo phận của tôi; tôi yêu giáo xứ/hội đoàn của tôi; tôi yêu các linh mục và những người tông đồ đến nỗi tôi là ai trong tương quan với họ và làm gì cho họ? Tôi yêu sứ vụ truyền giáo đến nỗi tôi xả thân cho sứ vụ này thế nào?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
2. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án…”
- Đức Giêsu chính là trung gian duy nhất và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và con người. “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là Đức Ki-tô Giêsu” (1Tm 2, 5). “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13, 8). Ngoài Đức Giêsu ra, “không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12).
- Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa và cũng là con người đích thực, đã đến trần gian để làm cho loài người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa và được cứu độ. Đức Giêsu không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nghĩa tất cả mọi người (x. Mc 10, 45). Sắc lệnh Truyền giáo Ad Gentes nói rằng: Chúa Kitô, Đấng được Chúa Cha thánh hóa và sai xuống trần gian” (x. Ga 19, 36) đã nói về chính mình rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó, chữa lành những tâm hồn đau khổ, loan báo sự giải thoát cho những người bị giam cầm và làm cho những kẻ đui mù được nhìn thấy” (Lc 4, 18), và Người còn nói: “Con Người đến tìm kiếm và cứu vớt điều gì đã hư mất” (Lc 19, 10). Những gì Chúa đã một lần rao giảng hay đã thực hiện để cứu rỗi nhân loại, phải được công bố và loan truyền, bắt đầu từ Giêrusalem (Lc 24, 47) cho đến tận cùng trái đất (Cv 1, 8), như thế những gì đã được thực hiện chỉ một lần để cứu rỗi mọi người, sẽ có hiệu lực cho toàn thể nhân loại qua mọi thời đại.
Câu hỏi gợi ý suy tư: Tôi có tin vào Lời Chúa nói: “chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là Đức Ki-tô Giêsu” không? Tôi có tin rằng: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” không? Mỗi lần đối diện với nỗi khó khăn hay đau khổ trong cuộc đời, tôi thường chạy đến nơi nào và tâm sự với ai?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
3. Kẻ không tin thì bị lên án rồi…
- “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3, 17-18).
- Trong truyền thống Kinh Thánh, “Tên” của Thiên Chúa chính là Thiên Chúa. Danh xưng Giêsu không phải chỉ là “tên” của một người nhưng chính là Con Người Giêsu, Đấng Cứu Độ trần gian. Danh xưng Giêsu là duy nhất đem lại ơn cứu độ cho nhân loại: “Không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12). Danh xưng Giêsu khiến mọi thụ tạo và ngay cả ma quỷ, kẻ cầm đầu sự dữ, cũng phải bái lạy: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2, 10). Nhờ danh Đức Giêsu mà lời cầu nguyện của chúng ta được đón nhận: “Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó” (Ga 14, 13-14). Như vậy, không tin vào Đức Giêsu nghĩa là không tin vào Thiên Chúa và tự mình từ chối ơn cứu độ nơi Ngài. Đó là bất hạnh!
Câu hỏi gợi ý suy tư: Tôi đang làm việc hay nghề nghiệp gì? Những công việc và nghề nghiệp của tôi có làm chứng rằng tôi đang TIN vào Đức Giêsu không? Có nhiều ngành nghề dễ kiếm ra tiền nhưng không làm chứng về Đức Giêsu: buôn lậu, tham nhũng, cho vay nặng lãi, bài bạc, kinh doanh gian dối và những việc khác tương tự… Ngành nghề và việc tôi đang làm có liên hệ đến tình trạng này không?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
Lưu ý:
1. Những gợi ý cầu nguyện này có thể được suy niệm trong một giờ chầu hoặc mỗi giờ suy niệm một gợi ý. Điều quan trọng không phải là “suy niệm hết ý” nhưng là suy niệm sâu và cầu nguyện sốt sắng.
2. Tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, sau mỗi ý suy niệm, người hướng dẫn có thể mời gọi cộng đoàn dâng lời nguyện tự phát hoặc những hình thức khác thích hợp.
3. Các đề tài suy niệm trong năm 2025 có liên hệ mật thiết với nhau để làm nên một tiến trình “cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Vì thế, người hướng dẫn (nếu chọn loạt bài gợi ý này) nên theo đến cùng thì sẽ hữu ích hơn.
bài liên quan mới nhất
- Thiên Chúa tạo dựng người nữ theo trình thuật Sáng thế
-
Nước đóng vị trí, vai trò gì trong Kinh Thánh? -
Tạp chí mới “Quảng trường Thánh Phêrô”. Mỗi tháng một câu trả lời của Đức Thánh Cha cho tín hữu -
Tại sao Thánh Mátthêu dùng thuật ngữ “Nước Thiên Chúa”? -
Gặp gỡ Thường niên Ủy ban Kinh Thánh - Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Bảy sự kiện Kinh Thánh tiên báo về Thánh Thể -
Kinh Thánh thiếu nhi đã có trong 194 ngôn ngữ -
Cuộc họp thường niên Ủy Ban Kinh Thánh - Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 20/04/2024 -
Câu khởi đầu và kết thúc Thánh Kinh -
“Noli me tangere”: Câu này có ý nghĩa gì?
bài liên quan đọc nhiều
- Suy niệm Chúa nhật Truyền giáo
-
Giao ước mới trong máu Đức Giêsu Kitô -
Đọc Lời Chúa cá nhân -
Kinh Thánh: Tìm Hiểu Thánh Vịnh 51 (50) -
Làm thế nào để đọc Thánh Kinh? -
Tiếng Cười Trong Kinh Thánh -
Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 733 ngôn ngữ -
Ủy ban Kinh Thánh: Cuộc họp Ủy Ban Kinh Thánh mở rộng ngày 17-10-2020 -
Hòa Bình theo Kinh Thánh -
Nhận biết ánh nhìn của Chúa Giêsu qua Kinh thánh