Tại sao Thánh Mátthêu dùng thuật ngữ “Nước Thiên Chúa”?

Tại sao Thánh Mátthêu dùng thuật ngữ “Nước Thiên Chúa”?

Tại sao Thánh Mátthêu dùng thuật ngữ “Nước Thiên Chúa”?

Mỗi thánh sử miêu tả Đức Giêsu cách khác nhau: Máccô nhìn Đức Giêsu là một Con Người (Son of Man); Mátthêu: Vua người Do Thái (King of Jews); Luca: Đấng Cứu Độ trần gian (Saviour of World); Gioan: Con Thiên Chúa (Son of God). Tin mừng Mátthêu được biên soạn chủ yếu cho các Kitô hữu gốc Do Thái nhằm chứng minh rằng Đức Giêsu chính là Đức Vua dân Do hái: Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? (x. Mt 2,2). Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!” (x. Mt 27,29).

Vua thì phải có: nước, thần dân, và luật pháp. Mở đầu Cựu Ước là năm cuốn sách Luật, gọi là Ngũ Kinh. Mở đầu Tân Ước là Tin Mừng Mátthêu với Năm Bài Giảng của Đức Giêsu. Điều này cho thấy thánh Mátthêu đã cố tình đưa độc giả của mình đến một nhận định so sánh đối chiếu giữa: Luật cũ và Luật mới, Luật của Môsê và Luật của Đức Giêsu. Thánh Mátthêu nhấn mạnh: Đức Giêsu đến để kiện toàn, chứ không hủy bỏ Lề Luật.

Tin Mừng Mátthêu được viết cho người Do Thái với những kiêng kỵ về phạm húy, nên thánh nhân đã sử dụng từ “Nước Trời” (βασιλεία τῶν οὐρανῶν), thay vì, “Nước Thiên Chúa” (βασιλεία τοῦ θεοῦ). Cụm từ “Nước Thiên Chúa” chỉ được thánh Mátthêu sử dụng 4 lần trong suốt Tin Mừng của ngài, và thánh Gioan cũng chỉ sử dụng 2 lần duy nhất (x. Ga 3,3.5). Tại sao thánh Mátthêu lại cố tình dùng thuật ngữ “Nước Thiên Chúa” trong 4 lần hiếm hoi này: (1) Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông (Mt 12,28). (2) Tôi nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa (Mt 19,24). (3) Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông (Mt 21,31). (4) Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi (Mt 21,43).

Những lần thánh Mátthêu dùng thuật ngữ “Nước Thiên Chúa” đều liên quan đến những cuộc tranh cãi giữa Đức Giêsu với các Kinh Sư và những người Pharisêu: (1) Họ cứng lòng, không chịu tin Người là Đấng phải đến thế gian, họ gán ghép Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ, và Người cũng cảnh báo về số phận đời đời của họ, nếu họ cứ nhất quyết chống lại Thánh Thần; (2) Họ ỷ vào những việc tốt mà họ đã làm, mà lại bỏ quên chính Đấng Tốt Lành, là Đấng sẽ đón nhận họ vào Nước Thiên Chúa; (3) Họ tự cho mình là công chính, và khinh thường người khác, mà không biết rằng: chẳng có ai là công chính trước mặt Thiên Chúa, họ không nhận mình là bệnh nhân, nên không cần đến Đấng Chữa Lành; họ không nhận mình là tội nhân, nên không cần đến Đấng Cứu Độ; (4) Họ muốn độc chiếm Nước Trời, tự cho mình là chủ với những thứ luật lệ, và truyền thống của họ, mà quên mất rằng: họ chỉ là đất sét trong tay người thợ gốm, chỉ là tá điền làm công cho ông chủ.

Nước Thiên Chúa chỉ dành cho những ai có tâm hồn nghèo khó, bần cùng, không còn biết cậy trông ai, ngoài một mình Chúa. Nước Thiên Chúa là một lời mời gọi, cần một lời đáp lại: (1) Nước Thiên Chúa sẽ ở giữa chúng ta, nếu chúng ta tin nhận Đức Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến. (2) Nước Thiên Chúa sẽ là gia nghiệp đời đời của chúng ta, nếu chúng ta trở nên nghèo khó, đem bán hết những gì mình có, kể cả những nhân đức, những việc tốt, để chỉ còn lại một mình Đấng Tốt Lành là Chúa, là Vua cai trị lòng trí chúng ta mà thôi. (3) Nước Thiên Chúa sẽ là bến bờ hạnh phúc của chúng ta, nếu chúng ta tự nhận biết rằng: mình không thể cứu được chính mình, và chỉ có Chúa mới cứu được chúng ta mà thôi. (4) Nước Thiên Chúa sẽ thuộc về chúng ta, nếu chúng ta biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi: mọi người sẽ nhận biết Thiên Chúa là Cha, và tất cả đều là anh chị em con cùng một Cha, là một đoàn chiên duy nhất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.

Bài: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB (TGPSG)

Top