Giao ước mới trong máu Đức Giêsu Kitô
“Đương lúc họ ăn,
thì Đức Giêsu cầm lấy bánh và chúc tụng
rồi bẻ ra và ban cho họ. Ngài nói:
“Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta”.
Đoạn cầm lấy chén và tạ ơn,
Ngài ban cho họ mà rằng:
“Hãy uống chén này hết thảy;
vì này là Máu Ta, Máu Giao Ước
đổ ra vì nhiều người để nên ơn tha tội” (Mt 26,26-29)
“Và đương lúc họ ăn,
Ngài cầm lấy bánh, chúc tụng,
rồi Ngài bẻ ra và ban cho họ và nói:
“Hãy cầm lấy! Này là Mình Ta!”.
Đoạn cầm lấy chén, tạ ơn,
Ngài ban cho họ và họ uống chén này hết thảy.
Và Ngài nói với họ:
“Này là Máu Ta, Máu Giao Ước đổ ra vì nhiều người” (Mc 14,22-24)
“Đoạn cầm lấy bánh và tạ ơn,
Ngài bẻ ra và ban cho họ mà rằng:
“Này là Mình Ta phải thí ban vì các ngươi;
hãy làm sự này mà nhớ đến Ta”.
Và chén sau bữa ăn, cũng như vậy, mà rằng:
“Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta,
phải đổ ra vì các ngươi” (Lc 22,19-20)
“Vì chưng chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa
điều tôi truyền lại cho anh em. Là:
Chúa Giêsu trong đêm Ngài bị nộp,
Ngài đã cầm lấy bánh và tạ ơn xong,
Ngài đã bẻ ra và nói:
“Này là Mình Ta vì các ngươi,
hãy làm sự này mà nhớ đến Ta”.
Cũng vậy về chén,
sau khi dùng bữa tối xong, Ngài nói:
“Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta,
các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống, mà nhớ đến Ta”.
Vì mỗi lần anh em ăn bánh ấy và uống chén ấy,
anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến” (1 Cr 11,23-26).
A. Dưới ánh sáng các lời sấm ngôn Cựu Ước
Gr 31,31-34; 32,40
Ed 36,24-27; 37,25-28
Is 42,6; 49,8; 52,13 - 53,12
Một số bản văn trên của Cựu Ước làm nổi bật tính chất “Mới” của Giao Ước:
– tha thứ mọi tội lỗi
– biết Thiên Chúa một cách trọn hảo
– tuân giữ thánh chỉ, giới luật của Người
– chiều kích nội tâm (tâm hồn mới, Thần Khí Thiên Chúa)
– sự hiện diện của Thiên Chúa
– sự quy tụ dân Chúa đang tản mác về lại một mối
– tính phổ cập của ơn cứu độ nhờ của lễ đền tội và xá tội mà “Người Tôi Tớ đau khổ của Đức Chúa” thực hiện.
B. Thử tìm bản văn cựu trào
Hiện chúng ta có bốn bản văn Tân Ước đề cập đến câu chuyện Chúa Giêsu lập Giao Ước Mới trong khung cảnh Bữa Tiệc Ly.
Thử phân tích một số chi tiết để cố tìm lại bản văn diễn tả chính lời của Chúa Giêsu trong Biến Cố Lịch Sử đó.
Ta đối diện với hai truyền thống:
Mc / Mt truyền thống Palestina
Lc / Phaolô truyền thống Antiôkia
Từ ngữ “Giao Ước” đều gặp thấy ở trong bốn bản văn của hai nguồn truyền thống đó:
Mc / Mt “Này là Máu Ta, Máu Giao Ước”
Truyền thống này như gợi lại một cách có chủ ý “Giao Ước Sinai”
Xh 24,8 Môsê lấy huyết mà rảy trên dân. Ông nói: “Này là máu Giao Ước đã kết với các ngươi”
Lc / Phaolô “Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta”.
Truyền thống này gợi lại lời công bố Giao Ước Mới mà Giêrêmia đã công bố (Gr 31,31-34).
Hai truyền thống này như thế có tính cách độc lập với nhau; vì vậy đâu là truyền thống và bản văn diễn tả gần nhất Lời tuyên bố của chính Đức Giêsu trong Bữa Tiệc Ly?
Ta thử tìm!
Khởi điểm là bản văn của thánh Phaolô: 1 Cr 11,23-25 là bản văn thành hình sớm nhất. Nhưng bản văn này mang tính chất phụng vụ, có khuynh hướng giải thích Lời Đức Giêsu cho rõ hơn, có suy tư thần học “Mới - kainê” và có khuynh hướng biện giáo “uống Chén Máu”.
Qua phân tích bản văn, ta thấy:
1) từ ngữ sử dụng không phải của Phaolô vì ngài chỉ truyền lại điều ngài đã lãnh nhận;
2) việc bản văn Phaolô hoàn toàn tương tự bản văn của Luca khiến chúng ta nhận định là bản văn này, bản văn của Luca chính là công thức tế tự của Hội Thánh đương thời.
Từ đó, ta lần lên nguồn của nó:
1) niên kỷ bức thư (1 Côrintô): khoảng 54
2) bản văn Phaolô “truyền lại” cho người Côrintô: khoảng năm 49
3) Phaolô đã “chịu lấy” từ Chúa: khoảng năm 45
4) Như vậy, bản văn của Luca phải có trước bản văn của Phaolô, vì Phaolô nhận được từ truyền thống mà truyền lại
5) Vậy, xét về đặc tính sê-mít, thì bản văn Luca là kỳ cựu nhất.
Bằng cách đó, chúng ta có bản văn thuộc thập kỷ đầu tiên sau Bữa Tiệc Ly. Qua phân tích và tìm hiểu, ta nhận thấy:
1. Cả bốn bản văn đều đồng nhất với nhau khi ghi lại Lời Đức Giêsu tuyên bố trên Bánh;
2. Lời tuyên bố trên Chén rượu tuy có sự khác nhau, nhưng chỉ là những khác biệt thứ yếu, bên ngoài:
Lc / Phaolô “Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta”
Mc / Mt “Chén này là Máu Ta, Máu Giáo Ước”
Cả hai truyền thống đều nói về Chén Máu đổ ra để thiết lập Giao Ước.
Từ đó, ta ghi lại những điểm chính yếu của nguồn các truyền thống:
“Này là Mình Ta” (= Thịt Ta)
“Này là Máu Giao Ước của Ta (= Giao Ước trong Máu Ta) đổ ra vì nhiều người”.
Điều này được chứng minh nhờ chính lời của Phaolô:
1. “chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại cho anh em”.
Cả hai kiểu nói này đều liên hệ đến Truyền Thống;
2. “Tôi đã chịu lấy” nơi Chúa (paralambanein)
– para: chịu lấy nhờ được loan báo, được truyền tụng;
– apo (nơi): chỉ gốc, nguồn của Truyền Thống
Tôi đã chịu lấy điều phát xuất từ Chúa (đây là truyền thống bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu).
C. Mạch văn lời tuyên bố của Chúa Giêsu
Lời tuyên bố của Chúa Giêsu xảy ra trong Bữa Ăn Vượt Qua.
Để thấy được nét phong phú của Bữa Ăn, ta có những yếu tố sau đây:
Mỗi bữa ăn trong não trạng, phong tục của Đông Phương là cơ hội diễn tả sự hòa bình, bình an, tin tưởng, huynh đệ;
Bữa Ăn của Chúa Giêsu, đặc biệt với những người tội lỗi, thường bao hàm sự tha thứ. Từ đó khiến cho người biệt phái không thể chấp nhận được, vì Ngài đặt đồng bàn người tội lỗi lẫn lộn với người công chính;
Sau biến cố ở Kaisaria của Philíp, mỗi bữa ăn với Chúa Giêsu đều là bữa ăn báo trước bữa Tiệc thời Thiên Sai;
Hằng năm, Bữa Tiệc Vượt Qua đối với Dân là bữa tiệc của ngày lễ kỷ niệm biến cố Dân được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đồng thời hướng lòng Dân về viễn tượng ơn cứu độ trong ngày Đấng Mêsia xuất hiện;
Bữa Tiệc Vượt Qua này mang trọn vẹn niềm hy vọng vượt qua => Bữa Tiệc Vượt Qua của Đức Giêsu trước khi Ngài chịu chết;
Bữa Tiệc Tạ Ơn, Bữa Tiệc Thánh Thể: ta nên biết bữa tiệc vượt qua bình thường không phải là bữa tiệc giao ước; nhưng Bữa Tiệc Vượt Qua này, nhờ các lời tuyên bố và hành động của Đức Giêsu, thật sự trở nên Bữa Tiệc Giao Ước.
Tìm hiểu nội dung bữa tiệc vượt qua:
1. phần chuẩn bị;
2. phụng vụ trong bữa tiệc đang có chiên vượt qua để trên bàn và câu chuyện của người trưởng tộc khi nhắc lại cho mọi người trong gia đình biến cố và ý nghĩa Lễ Vượt Qua;
3. bữa ăn chính: ăn chiên vượt qua với rau diếp đắng và bánh không men. Lời chúc tụng đọc trên bánh đã được bẻ ra ngay từ đầu; lời tạ ơn cuối bữa ăn được đọc sau chén rượu thứ ba;
4. kết lễ: hát thánh vịnh Hallel Vượt Qua:
Tv 113 - 118: Tiểu tụng Hallel;
Tv 136 Đại tụng Hallel.
Đặt các lời tuyên bố của Đức Giêsu trong bữa tiệc Vượt Qua:
Mc / Mt Ngài chúc tụng (Bánh); Ngài tạ ơn (Chén)
Lc/ Phaolô sau bữa ăn mới có lời tuyên bố trên Chén rượu.
Những sự kiện trên mang ý nghĩa gì?
– Chúa Giêsu, bánh cầm trong tay và đang có chiên tế lễ vượt qua trước mặt Ngài. Ngài nói: “Này là Mình Ta”.
– Sau bữa ăn, tức đã ăn chiên tế lễ vượt qua - bữa ăn tạ ơn vì máu chiên đã đổ ra nhắc lại máu giải thoát năm xưa -, Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu trong tay. Ngài nói: “Này là Máu Ta”.
Ý nghĩa việc đó là: chính Ta (Mình và Máu) là Chiên Vượt Qua thật, chiên đã được tế hiến (= đổ máu ra).
Điều đem lại ý nghĩa cho các môn đệ và đánh động họ không phải là việc Đức Giêsu bẻ bánh hoặc rót rượu vào chén, vì cả hai việc này đều thuộc nghi lễ bình thường của bữa ăn vượt qua, nhưng là việc ngoại lệ khi Đức Giêsu thêm vào mỗi lời chúc tụng tạ ơn của nghi lễ vượt qua Lời tuyên bố giải thích của chính Ngài.
Chính Đức Giêsu trong dịp lễ đã giải thích nghĩa Chiên Hy Tế. Ngài đồng hóa Ngài với Con Chiên Hy Tế Vượt Qua. Và như vậy, Đức Giêsu minh nhiên tỏ cho các môn đệ biết trước:
Cái chết sắp tới của Ngài (= Máu Ngài đổ ra) cũng phải được hiểu là cái chết có sức mạnh đem lại ơn tha tội như cái chết của Người Tôi Tớ của Đức Chúa mà tiên tri Isaia đã loan báo (Is 52,13 - 53,12). [Giờ Đức Giêsu chết trên thập giá trùng vào giờ người ta giết chiên vượt qua để mừng lễ].
D. Việc ban giao ước mới trong máu Đức Giêsu Kitô
Tại sao Đức Giêsu đã kết hợp hai việc:
– những lời Ngài giải thích về Bánh và Chén rượu;
– việc Ngài chia Bánh và Chén rượu cho các môn đệ?
Như đã biết, Bữa Ăn có những yếu tố: ăn lương thực, diễn tả sự bình an, tin tưởng, huynh đệ, tha thứ. Vì thế, những người ăn Bánh và uống Chén rượu của Đức Giêsu Kitô thì được tham gia vào lời chúc lành của Ngài.
Bánh (= Mình Đức Giêsu) - Rượu (= Máu Đức Giêsu) - cái chết của Ngài đem lại ơn tha tội. Ăn bánh và uống rượu: tham gia vào cái chết của Ngài, tức là tham dự vào kết quả mà cái chết ban ơn cứu độ đem lại.
Koinonia = Máu - Thịt Đức Kitô (1 Cr 10,16)
Vì cùng chia phần một Bánh, nên chúng ta là một thân thể (1 Cr 10,17) = Dân Mới của Thiên Chúa, các Tông Đồ tham dự Bữa Tiệc Ly là tiêu biểu.
Koinonia:
* tham dự vào cái chết tha tội của Đức Giêsu;
** tham dự vào sự hiệp thông của những người được tha tội.
Mỗi lần ăn Bánh, uống Rượu tức là ăn Mình, uống Máu Đức Giêsu Kitô, được tham dự vào cái chết của Ngài; koinonia với Đức Giêsu mà cái chết của Đức Giêsu đem lại ơn tha tội, nên những ai tham dự vào Tiệc Giao Ước cũng được hồng ân đó.
Vì cùng chia phần một Bánh, nên tất cả đều là Một Thân Thể trong Đức Kitô.
Từ đó, Bữa Tiệc Giao Ước Mới đem lại hai hiệu quả:
1) tham dự vào cái chết của Đức Giêsu mà hiệu quả là ơn tha tội;
2) tham dự vào sự hiệp thông của những người được tha tội.
Đấy là hồng ân mà Bữa Tiệc Thánh Thể đem lại
“nhiều người” (x. Is 53,12): anh em, dân Israel, muôn dân.
E. “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta!”
Sau Lời chúc lành trên Bánh là lệnh truyền lặp lại nghi thức đó.
“Fractio panis”: Nghi thức bẻ Bánh trong Giáo Hội sơ khai.
“Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”, tức là nhớ đến Đức Giêsu.
Đây là điểm độc đáo của Giao Ước Mới trong Máu Đức Giêsu.
“Mà nhớ đến Ta”: không những nhớ đến Đức Giêsu, nhưng còn hướng về thời Thiên Sai, hướng về Ngày Đức Giêsu trở lại.
Thánh Phaolô viết: “loan báo cái chết của Đức Giêsu” gắn liền với việc “nhớ Đức Giêsu”, “cho tới khi Người lại đến”.
Mỗi khi công bố cái chết của Đức Giêsu trong Bữa Tiệc Giao Ước, đó chính là công bố, xác nhận (tin) rằng cái chết của Ngài thực hiện lời sấm ngôn Cựu Ước, và khai mở thời cứu độ của Giao Ước Mới, đồng thời khẩn xin Thiên Chúa ban Đấng Mêsia trở lại trong vinh quang.
Mysterium fidei: “Đây là mầu nhiệm đức tin!
Mortem tuam annuntiámus, Domine,
et tuam resurrectiónem confitémur,
donec vénias.
Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết
và tuyên xưng Chúa sống lại
cho tới khi Chúa đến.
Mỗi lần Hội Thánh cử hành Tiệc Giao Ước Mới là Đức Giêsu ban chính Mình Ngài cho các môn đệ cho đến khi Ngài trở lại. Tiệc Thánh Thể là nguồn mạch sự kiên vững của Hội Thánh cho đến Ngày Ngài đến (x. 1 Cr 11,26).
Nhờ Tiệc Giao Ước Mới này, Hội Thánh trở nên phong phú nhờ sự hiện diện vĩnh viễn của Đức Giêsu (= Nước Trời) và nhờ được nối kết với cuộc Khổ Nạn hồng phúc của Ngài.
Khi cử hành Thánh Thể, Hội Thánh là hiện thân Nước Thiên Chúa ở trần gian này cho đến khi Nước Thiên Chúa được tỏ hiện.
Tóm lại, Giao Ước Mới trong Máu Đức Giêsu làm cho tất cả đều quy tụ trong Ngài.
Ai ký Giao Ước?
– Thiên Chúa (đại diện là Con Chiên), Đức Giêsu Kitô;
– cộng đoàn tín hữu (unus in Christo), Đức Giêsu Kitô.
Bữa Tiệc - chính Đức Giêsu Kitô (thức ăn thức uống)
Giới luật - Đức Giêsu Kitô trong anh em.
Tuân giữ và vâng phục? - chính Đức Giêsu Kitô, để trở nên của chúng ta vì ta phải “mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27).
bài liên quan mới nhất
- Tạp chí mới “Quảng trường Thánh Phêrô”. Mỗi tháng một câu trả lời của Đức Thánh Cha cho tín hữu
-
Tại sao Thánh Mátthêu dùng thuật ngữ “Nước Thiên Chúa”? -
Gặp gỡ Thường niên Ủy ban Kinh Thánh - Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Bảy sự kiện Kinh Thánh tiên báo về Thánh Thể -
Kinh Thánh thiếu nhi đã có trong 194 ngôn ngữ -
Cuộc họp thường niên Ủy Ban Kinh Thánh - Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 20/04/2024 -
Câu khởi đầu và kết thúc Thánh Kinh -
“Noli me tangere”: Câu này có ý nghĩa gì? -
Kinh thánh trọn bộ được dịch ra 743 ngôn ngữ -
Ánh sáng cho dân lần bước trong tăm tối
bài liên quan đọc nhiều
- Suy niệm Chúa nhật Truyền giáo
-
Đọc Lời Chúa cá nhân -
Kinh Thánh: Tìm Hiểu Thánh Vịnh 51 (50) -
Làm thế nào để đọc Thánh Kinh? -
Tiếng Cười Trong Kinh Thánh -
Ủy ban Kinh Thánh: Cuộc họp Ủy Ban Kinh Thánh mở rộng ngày 17-10-2020 -
Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 733 ngôn ngữ -
Hòa Bình theo Kinh Thánh -
10 suy niệm Kinh thánh để xưng tội tốt hơn -
Nhận biết ánh nhìn của Chúa Giêsu qua Kinh thánh