Nơi Mẹ Maria, Thiên Chúa và Con người hiện diện thoải mái bên nhau

Nơi Mẹ Maria, Thiên Chúa và Con người hiện diện thoải mái bên nhau

Suy niệm Thánh Kinh về Ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (Lễ Mông Triệu)

WGPSG/ZENIT -- Toronto, ngày 30-7-2010. - Thông thường thì lễ trọng Đức Mẹ Hồn xác Lên trời ít rơi vào ngày Chúa nhật. Tôi muốn đưa ra một vài chia sẻ về ý nghĩa lịch sử và mục vụ của lễ quan trọng này, liên hệ đến cuộc sống của chúng ta. Lễ Mông Triệu của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, hồn xác về trời, là một dấu chỉ đầy an ủi cho niềm hy vọng của chúng ta. Khi nhìn ngắm Mẹ được cất nhắc lên giữa niềm vui của các thiên thần, đời sống của con người cũng được mở rộng ra cho viễn cảnh của hạnh phúc đời đời. Cái chết của chúng ta không phải là kết thúc nhưng đúng hơn là đi vào một cuộc sống bất diệt.

Vô Nhiễm Nguyên Tội

Đối với các Ki tô hữu Công giáo, niềm tin vào Đức Mẹ hồn xác lên trời xuất phát từ niềm tin và hiểu biết về Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chúng ta tin rằng nếu Mẹ được giữ gìn khỏi tội lỗi nhờ món quà cho không của Thiên Chúa, thì Mẹ không phải chịu những hậu quả của tội lỗi và cái chết như chúng ta. Chúng ta tin tưởng rằng chính bởi sự vâng lời và lòng trung thành của Đức Nữ Đồng Trinh Maria, mà vào cuối cuộc đời dương thế, cả hồn và xác của Mẹ đều được vào vinh quang Nước Trời.

Nguồn gốc

Trong vài thế kỷ thời Giáo Hội sơ khai, các giáo phụ không hề đề cập đến việc thân xác của Đức Mẹ được về trời. Thánh Irênê, thánh Giêrôm, thánh Augustinô, thánh Ambrôsiô và các Giáo phụ khác không nói gì về vấn đề này. Vào năm 377 sau Công nguyên, thánh giáo phụ Epiphanô nói rằng, không ai biết về cuối đời của Mẹ Maria cả.

Ngay từ thế kỷ thứ 5, Lễ Đức Mẹ Hồn xác Lên trời đã được tổ chức tại Syria. Trong những thế kỷ thứ 5 và 6, các Sách Khải Huyền là bằng chứng cho thấy GH thời ấy không chấp nhận việc thân xác của Đức Mẹ nằm trong mộ. Vào thế kỷ thứ 6, Lễ Mông Triệu được tổ chức tại Giêrusalem và có lẽ ở cả Alexandria.

Các văn bản “nguyên thủy” nói đến lễ Mông Triệu xuất phát từ những tác giả sống từ thế kỷ thứ 6 đến thứ 8. Nó được đề cập trong các bài giảng của thánh An-rê vùng Crete, thánh John Damascene, thánh Modestus thành Giêrusalem và các vị khác. Ở các nước phương Tây, thánh Grêgôriô thành Tours nói về vấn đề này đầu tiên. Thánh Grêgôriô sống ở thế kỷ thứ 6, trong khi thánh Gioan thành Đa-mát sống ở thế kỷ thứ 8.

Vào thế kỷ thứ 9, Lễ Mông Triệu được tổ chức tại Tây Ban Nha. Từ thế kỷ thứ 10 đến 12, không hề có sự bất đồng ý kiến về việc cử hành thánh lễ này ở Giáo hội phương Tây. Vào thế kỷ thứ 12, lễ này được tổ chức ở thành phố của Rôma và tại Pháp.

Từ thế kỷ thứ 13 cho đến nay, có một niềm tin vững chắc và không tranh cãi về ngày Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời trong Giáo hội toàn cầu. Vào năm 1950, ĐGH Piô 12 đã dạy tín điều điều bất khả ngộ: “Mẹ Maria, sau khi hoàn tất cuộc sống dương thế của mình, đã được vinh quang Nước Trời cả hồn và xác”.

Về Trời hay Giấc ngủ?

Lễ Mông Triệu của Công giáo được cử hành vào ngày 15-8, còn GH Chính Thống Đông phương và Công giáo Đông phương mừng “Lễ Đức Mẹ Ngủ” vào đúng ngày này, hoặc ngày hôm trước hay hôm sau ngày này. Chính Thống Đông phương tin rằng Mẹ Maria chết một cái chết tự nhiên; rằng linh hồn của Mẹ được Đức Kitô đón nhận vào giờ chết; rằng thể xác của Mẹ được phục sinh vào ngày thứ ba sau khi chết và rằng thân xác Mẹ được về trời để tham dự trước thời hạn vào sự phục sinh chung. Ngôi mộ của Mẹ được phát hiện trống rỗng vào ngày thứ ba. (Người ta có thể viếng thăm mộ của Đức Trinh nữ Maria của Chính Thống giáo tại Giêrusalem. Ngôi mộ này ở gần “Ngôi Nhà Thờ của Muôn Dân” và Vườn Giết-si-ma-ni)

Dấu chỉ của Nước Trời

Trong khi trình bày “điềm lạ vĩ đại” về một “phụ nữ mình khoác mặt trời”, bài đọc thứ nhất trích Sách Khải Huyền (11:19a; 12:1-6a, 10) nói rằng “Bà có thai và… kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con” (12:2). Cũng như Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã lên trời vĩnh viễn, mang đầy thương tích của cái chết cứu độ trong thân xác vinh quang của Ngài, thì Mẹ Ngài cũng mang về chốn đời đời “nỗi đau” và “nỗi thống khổ trong việc sinh nở” (12:2). Chúng ta có thể nói rằng Mẹ Maria, là một Eva mới, vẫn tiếp tục, từ thế hệ này sang thế hệ khác, sinh cho đời con người mới, “được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống trong công chính và thánh thiện” (Êphêsô 4:24). Đây chính là hình ảnh mang tính cánh chung của GH, được hiện tại hóa cách sống động nơi Đức Trinh nữ Maria.

Nếu Đức Kitô không sống lại

Trong bài đọc thứ hai của ngày lễ ngày hôm nay (1 Cr. 15:20-27), Thánh Phao-lô đã nêu lên một vấn đề trong Thư gửi tín hữu Cô-rin-tô: sự phủ nhận của họ đối với người đã chết sẽ phục sinh (12) rõ ràng là vì họ không thể tưởng tượng được thân xác vẫn còn có thể tồn tại sau khi đã chết (35). Thánh Phaolô đã khẳng định cả sự sống lại thiết yếu của thân xác và hướng tương lai của thân xác phục sinh. Câu giải đáp của Ngài có ba phần: nhắc nhớ lại “lời loan báo” nền tảng về sự phục sinh của Chúa Giêsu (15:1-11), khẳng định rằng chối bỏ việc phục sinh là thiếu nhất quán trong lý luận (12-34), và nỗ lực nhận thức theo thần học về các đặc tính của thân xác phục sinh (35-58).

Phủ nhận sự phục sinh là thiếu nhất quán trong lý luận. Điều nền tảng này, đã được nhắc đến hai lần (câu 13 và 16 đọan 15), đó là, nếu không có chuyện kẻ chết sống lại (về mặt thể xác), thì Đức Ki tô cũng đã không sống lại. Và nếu vậy thì hậu quả thật nghiêm trọng đối với giáo dân Cô-rin-tô: cả sự tha tội và cứu rỗi đều chỉ là ảo tưởng, cho dù họ có xác tín mạnh mẽ đến đâu đi nữa về cả hai điều trên. Nếu Đức Kitô không sống lại, thì đức tin chẳng có ích lợi gì.

Chiến thắng dứt khoát của Đức Kitô trên sự chết đã chiếu rọi trên Mẹ Maria, đưa Mẹ về Thiên quốc vào cuối đời sống dương thế của Mẹ. Chính Đức Kitô, một Adam “mới”, Đấng đã chiến thắng tử thần, dâng mình làm của lễ hy sinh trên đồi Can-vê trong sự tuân phục đầy yêu thương với Thiên Chúa Cha. Bằng cách ấy, Người đã cứu chuộc chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự dữ. Trong khúc khải hoàn của Mẹ, GH đã chiêm ngắm Mẹ, Đấng mà Chúa Cha đã chọn làm Người Mẹ đích thực cho Con Một Ngài, liên kết Mẹ cách chặt chẽ vào trong chương trình Cứu chuộc của Người.

Sự sống nơi những phụ nữ hiếm muộn và những ngôi mộ trống

Tin Mừng trong ngày lễ hôm nay (Lc 1:39-56) mời gọi chúng ta đến với câu chuyện ngoại thường của hai người phụ nữ đã chia sẻ niềm tin, hy vọng và hạnh phúc khi họ chuẩn bị làm mẹ. Đây là một cơ hội ăn mừng giữa bà Elizabeth- một người phụ nữ già và hiếm muộn, và Maria- một thiếu nữ đồng trinh đã đính hôn – một câu chuyện về quyền năng Thiên Chúa trong việc tạo tác và bảo tồn sự sống. Thiên Chúa chúng ta đã làm cho sự sống trỗi dậy từ những cung lòng hiếm muộn và những ngôi mộ trống. Hành trình của Mẹ Maria đến vùng quê đồi núi xứ Giu-đa cũng là một tỏ hiện của Nước Trời đang đến.

Mẹ Maria là gương mẫu cho mỗi chúng ta, và việc Mẹ hồn xác lên trời nhắc nhớ chúng ta về niềm cậy trông. Những gì xảy đến với Đức Trinh nữ - người Na-da-rét vào cuối cuộc hành trình nơi trần thế của Mẹ cũng sẽ xảy đến với mỗi người, nếu chúng ta sống trung thành và vâng lời như Mẹ đã sống.

Được về Trời, Mẹ Maria chỉ vẽ cho chúng ta con đường đến với Thiên Chúa, đường lên thiên đàng, và cách sống. Mẹ đã chỉ lối cho con cái mình đã chịu phép Thanh tẩy trong Đức Kitô và cho hết những người thiện tâm. Mẹ dẫn mở con đường này, đặc biệt cho những kẻ bé mọn và nghèo khó, là những người được rộng mở đến với lòng xót thương của Thiên Chúa. Vị Nữ hoàng của nhân loại này bày tỏ cho mỗi cá nhân và các quốc gia, quyền năng tình yêu Thiên Chúa, mà kế họach của Người sẽ đánh đổ kẻ kiêu căng tự đắc, hạ bệ những ai quyền thế khỏi ngai vàng và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, ban của đầy dư cho những kẻ đói khát và khiến những kẻ giàu có trở về tay không (Lc 1:91-53).

Bộ ba ảnh về Đức Mẹ

Chúng ta long trọng mừng ba thời khắc vĩ đại trong cuộc đời Mẹ Maria, tiêu biểu cho toàn bộ cuộc sống chúng ta.

Khi ĐGH Piô IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào năm 1854 với Sắc chỉ “Khôn Tả”, ngài nói cách rõ ràng đến câu chuyện trong Kinh Thánh về việc Truyền Tin theo Phúc Âm Thánh Luca. Lời chào của thiên thần Gabriel: “Kính chào Mẹ đầy ơn phúc”, được hiểu như việc công nhận Mẹ Maria luôn sạch tội. Thiên Chúa đã hiện diện và hoạt động trong cuộc đời Mẹ Maria từ những thời khắc đầu tiên. Ân sủng Chúa vĩ đại hơn tội lỗi; mạnh mẽ hơn tội lỗi và cái chết. Qua Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria được kêu gọi thực thi một sứ mạng đặc biệt.

Thời điểm quan trọng thứ hai trong cuộc đời của Mẹ là mầu nhiệm Nhập Thể. Qua việc Mẹ đồng trinh hạ sinh Chúa Giêsu, chúng ta được nhắc nhở rằng Thiên Chúa cũng hoạt động trong đời sống của chúng ta cách quyền năng như thế. Sự đáp lại của chúng ta đối với hoạt động của Ngài là nhận biết, tạ ơn, khiêm nhường, cởi mở và chào đón. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ được trao ban Ngôi Lời đã hóa thành Nhục-Thể.

Giáo Hội mừng hành trình cuối cùng của Mẹ Maria đi vào sự sung mãn của Nước Trời với tín điều Mẹ Hồn xác lên trời được ĐGH Piô XII công bố năm 1950. Từ lúc bắt đầu cũng như đến lúc kết thúc cuộc đời của Mẹ, Thiên Chúa thực hiện nơi Mẹ tất cả những lời Ngài đã hứa với chúng ta. Chúng ta cũng sẽ được về trời như Mẹ. Nơi Mẹ Maria, chúng ta thấy được hình ảnh về một Thiên Chúa và Con người đang hiện diện thoải mái bên nhau.

Thiên Chúa thấy thật thoải mái vì có sự hiện diện của chúng ta và chúng ta cũng thấy thoải mái trong sự hiện diện của Chúa. (Như vậy), qua biến cố Mông Triệu, Mẹ đã được chọn để có một vị trí danh dự trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Mẹ dõi bước ta đi

Tôi xin kết luận những suy gẫm về việc Mẹ Lên Trời này với lời nói cảm động của ĐGH Bênêđíctô XVI khi ngài phát biểu tại cuộc diện kiến chung hàng tuần tại Castel Gandolfo vào ngày 16-8-2006.

Ngài nói: “Bằng việc chiêm ngưỡng Mẹ trong vinh quang Nước Trời, chúng ta hiểu rằng trái đất không phải là quê hương sau cùng dành cho chúng ta, và rằng nếu chúng ta sống với cái nhìn gắn chặt vào những điều tốt lành vĩnh cửu, một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ cùng chung hưởng vinh quang như Mẹ, và trái đất sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Do đó, chúng ta hẳn sẽ không đánh mất sự thanh thản và bình an dù giữa muôn ngàn khó khăn hằng ngày. Dấu chỉ rực rỡ của Đức Mẹ lên trời sẽ còn chiếu tỏa chói lọi hơn ngay cả khi bóng đen u buồn của đau khổ và bạo lực dường như đang xuất hiện ở chân trời.

“Chúng ta có thể chắc rằng: từ trên cao, Mẹ Maria luôn quan tâm dịu dàng dõi theo bước ta đi, xua tan nỗi u ám trong những giây phút tăm tối thống khổ, ủi an vỗ về ta với bàn tay mẫu tử của Mẹ. Được khích lệ khi nhận thức về điều này, chúng ta hãy tiếp tục tin tưởng bước đi trên con đường dấn thân của Kitô hữu ở bất cứ nơi đâu mà Chúa Quan Phòng dẫn ta tới. Chúng ta hãy tiến bước trong cuộc sống dưới sự dẫn dắt của Mẹ Maria.”

Top