Những ngày trước chuyến viếng thăm Anh quốc của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

Tính chất của cuộc viếng thăm
Đây là chuyến viếng thăm thứ 17 của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI ngoài Italia. Đây cũng là lần thứ hai, một Giám mục Roma đặt chân lên Anh quốc kể từ khi Anh giáo tách khỏi Roma. Vị thứ nhất là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tới Anh quốc cách đây gần 30 năm, vào năm 1982, trong một chuyến viếng thăm chủ yếu có tính cách mục vụ. Theo linh mục Federico Lombardi, trưởng phòng Báo chí Tòa Thánh, trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm 19-08-2010 cho biết, thì Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đến Anh quốc lần này với lời mời của Nữ hoàng và của chính phủ Anh. Cuộc viếng thăm lần này của Đức Giáo Hoàng mang tính cách quốc gia.
Cha Lombardi cho biết tiếp: “Điều chúng ta có thể thực sự hy vọng và trông chờ là chuyến viếng thăm này sẽ giới thiệu và giúp mọi người hiểu những gì lòng tin Kitô giáo và sự phục vụ của Giáo hội Công giáo có thể đem lại cho một xã hội vừa rất phát triển vừa rất thế tục hóa như Anh quốc”, đó là giá trị của chứng từ Kitô giáo và chứng từ Công giáo trong xã hội, một kho tàng được dâng tặng với nguồn cảm hứng tinh thần và đòi hỏi những nỗ lực trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bác ái…
Một phát triển mới trong sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu
Đức Tổng Giám mục Koch, chủ tịch Hội đồng tòa thánh cổ vũ sự hiệp nhất các Kitô hữu, tuyên bố trong cuộc gặp gỡ với báo chí hôm 10-09-2010: Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ củng cố các mối quan hệ với tín đồ Anh giáo. Cuộc viếng thăm sẽ cho thấy “mối quan hệ chặt chẽ giữa các cộng đoàn Công giáo và Anh giáo, bằng cách nhấn mạnh đến niềm tin và sứ vụ chung của chúng ta”. Chuyến viếng thăm này cũng đồng thời củng cố các kết quả của các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa Công giáo và các Kitô hữu khác trong các năm qua và sẽ giúp cho thấy các bước phát triển cũng như khó khăn trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất”.
Theo Đức TGM Koch, có một sự tiến triển lớn trong quan hệ giữa hai cộng đồng Anh giáo và Công giáo kể từ chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1982, người đã khai mạc giai đoạn hai của cuộc đối thoại chính thức giữa hai Giáo hội Anh giáo và Công giáo. Ngày nay, Đức Tổng Giám mục Koch nói, “có nhiều cộng đoàn địa phương cầu nguyện chung và chia sẻ với nhau các sáng kiến mục vụ và bác ái cụ thể”. Ngoài ra, ngài nói tiếp, “các cuộc gặp gỡ đều đặn giữa các giám mục cũng diễn ra với nhiều thành quả”.
Theo chương trình dự kiến, sẽ có một cuộc cử hành đại kết tại tu viện Westminster vào chiều ngày 17-09, với sự có mặt của đại diện nhiều cộng đoàn thuộc các truyền thống Kitô hữu khác nhau của Anh quốc, Scotland và xứ Wales. Theo Đức Tổng Giám mục, “các cộng đoàn Kitô hữu tại các xứ này sẽ được mời gọi làm việc và cầu nguyện chung với nhau để bảo đảm thông điệp Kitô giáo được công bố với xác tín, để niềm tin có một vai trò sáng tạo trong xã hội Anh”.
Sau đó Đức Tổng Giám mục Koch nhấn mạnh đến chiều kích đại kết của việc phong chân phước cho Đức Hồng y John Henry Newman, sẽ diễn ra vào Chúa nhật 19-09 tại Birmingham: “Thông điệp đại kết của Đức Hồng y Newman “ngày nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị khi các tín đồ Anh giáo và Công giáo cùng nhận ra sự cần thiết phải hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác với nhau trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho một xã hội hiện đại phức hợp như hiện nay”.
Ngài nói tiếp: Gương của Đức Hồng y Newman, “khuyến khích các Kitô hữu thuộc mọi giáo hội dấn thân một cách trung thực và trong sự trung tín với Tin Mừng, nhằm xây dựng một xã hội biết đón nhận, nâng đỡ và thăng tiến tất cả các thành viên của mình”.
Trong một bài báo đăng trong Osservatore Romano, Đức Hồng y Cormac Murphy-O’Connor, Tổng Giám mục ưu tú của Westminster, nhấn mạnh rằng “cuộc đời của Đức Hồng y John Henry Newman quả là một cuộc đời của hành hương và đức tin. Ngày nay, chúng ta vẫn còn hát bài ca vịnh nổi tiếng của ngài Lead kindly light amidst the encircling gloom, [Ánh sáng dịu hiền dẫn tôi qua những tăm tối bao quanh]”.
Về một số vụ lộn xộn
Trước dư luận báo chí về các vụ biểu tình chống đối cuộc viếng thăm Anh quốc của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trong cuộc họp báo hôm thứ sáu 10-09-2010 vừa qua, linh mục Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, tuyến bố: các cuộc biểu tình trên là một nét “của bầu khí bình thường trong một xã hội đa nguyên trong đó có sự tự do bày tỏ ý kiến, như xã hội Anh quốc”. Trong xã hội này, “người Công giáo là một thiểu số”: trong số 59 triệu dân Anh, 5 triệu là người Công giáo. Trong số 5 triệu này, người ta ước tính khoảng một triệu người dự lễ ngày Chúa nhật. Mặt khác, trích dẫn báo chí Anh quốc, linh mục Lombardi cho biết các vụ phản đối này chỉ là thiểu số.
Giuse Nguyễn (tổng hợp)
bài liên quan mới nhất

- "Tại sao là họ mà không phải là tôi?" - ĐGH hỏi, sau chuyến thăm nhà tù vào Thứ Năm Tuần Thánh 2025
-
Hơn 17.000 người ở Pháp xin rửa tội, cao nhất trong 20 năm qua -
1.700 năm sau Nicea, hy vọng cử hành lễ Phục sinh chung -
Công bố phúc trình của Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính Vatican năm 2024 -
Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Đức Thánh Cha và nữ tu 94 tuổi -
"Hạt giống hòa bình và hy vọng", chủ đề cho Mùa Thụ Tạo năm 2025 -
Thánh lễ Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và giới y tế -
Công bố văn kiện “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, Kỷ niệm 1700 năm Công đồng Đại kết Nicea -
Đức Hồng y Parolin: Đức Thánh Cha chưa bao giờ ngừng cai quản Giáo hội -
TGM Fisichella: Cha giải tội chào đón người đến xưng tội, tìm kiếm người còn xa cách Giáo hội
bài liên quan đọc nhiều

- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2023