Những kỷ niệm trên đường truyền giáo - Kỷ niệm bảy: Đám cưới Cà Mau
WGPSG -- Kỷ niệm bảy
Một chàng thanh niên Công Giáo từ tỉnh Bình Phước xuống Bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, để thăm nuôi thân nhân. Một cô gái từ bờ biển cực Tây - Nam của tỉnh Cà Mau cũng lên Bệnh viện Chợ Rẫy để thăm nuôi thân nhân. Hai người làm quen với nhau. Từ quen đến thân. Từ thân đến yêu. Rồi cô gái Cà Mau bằng lòng theo đạo Công Giáo của chàng thanh niên Bình Phước để tiến tới hôn nhân.
Đại diện nhà trai từ Bình Phước xuống Cà Mau gặp mình, ân cần dặn dò:
- Xin cha vui lòng dạy Giáo lý cho cô dâu. Khi nào xong, xin cha cho chúng con hay, chúng con sẽ tiến hành thủ tục cưới xin.
- Cô dâu ở xa tít tận cuối huyện Trần Văn Thời thì học Giáo lý bằng cách nào?
- Cô dâu là cô giáo không thể bỏ dạy học được. Cứ chiều Thứ Bảy thì cô đi tàu đò ra Cà Mau. Xin cha dạy chiều Thứ Bảy và sáng Chúa Nhật. Trưa Chúa Nhật cô lại đáp tàu về nhà.
- Cô giáo phải đều dặn ra Cà Mau 8 lần. Mỗi lần ra học 5 tiết. Hết 8 lần ra là xong. Sau đó các ông tuến hành cưới xin như thế nào?
- Xin cha rửa tội cho cô dâu tại Cà Mau. Sau đó chúng con tổ chức đám cưới phần đời tại nhà gái. Xong đám cưới phần đời ở nhà gái, chúng con rước cô dâu về Bình Phước và xin cha xứ chúng con làm lễ hôn phối ở trên ấy.
- Tại sao không làm lễ hôn phối tại nhà gái cho bà con bên lương được thấy lễ hôn phối Công Giáo một lần.
- Không được đâu cha ạ. Chúng con sợ chánh quyền xã không cho đâu.
- Cứ thử làm đơn xin đi. Nhưng trong đơn đừng dùng từ “Thánh lễ hôn phối”, mà dùng từ “chứng hôn”. Ví dụ “xin cho linh mục ngoài Cà Mau vào chứng hôn cho hai cháu…”
Mà đúng là như thế, có sai đâu: trong bí tích Hôn phối, linh mục chỉ là người chứng hôn. Cô dâu và chú rể mới là các nhân vật chính.
****
Hai tháng đằng đẵng trôi qua. Nhà trai thì hồi hộp chờ đợi. Nhà gái thì cứ tỉnh bơ như không có vấn đề. Cô giáo thì đều đặn ra Cà Mau học hết 40 bài Giáo lý. Chánh quyền xã chấp thuận đơn xin cho linhmục Cà Mau vào chứng hôn. Bên nhà gái thở bình thường. Bên nhà trai thở phào nhẹ nhõm…
Đúng ngày hẹn, mình cùng với ca đoàn Cà Mau bao tàu đò đi vào nhà đám. Sau hơn hai tiếng đồng hồ luồn lách từ kinh này đến rạch kia, tàu đò ghé bến.
Cô dâu chú rể, bà con hai họ, là con xóm làng ra đón khách một cách tưng bừng. Mừng quá, vì đón khách quý Cà Mau. Mừng quá vì sắp được chứng kiến lễ hôn phối ngàn năm một thuở.
Hằng trăm khách đang ngồi chờ thì người quản tiệc cầm micro tuyên bố:
- Bây giờ bên nhà thờ làm lễ. Xin bà con cứ ngồi ăn bánh và uống nước trà. Lễ xong sẽ bắt đầu ăn tiệc.
Ca đoàn cứ cất tiếng hát bài ca nhập lễ thì bà con thôi ồn ào, thôi ăn bánh và thôi uống nước trà. Tất cả mọi người đều hướng về bàn thờ, chu chu chắm chắm nghe và nhìn. Nhìn chủ tế. Nhìn cô dâu chú rể. Nghe ca đoàn hát và nghe mình giảng.
Mình đề cao hai đặc tính của hôn nhân Kitô giáo. Đó là đơn nhất tính và vĩnh cửu tính. Bà con vểnh tai để nghe. Nghe rồi thì tủm tỉm cười và trầm tư gật gật cái đầu.
Thánh lễ vừa kết thúc thì quản tiệc cầm micro hớn hở tuyên bố:
- Lễ bên nhà thờ đã kết thúc, yêu cầu hậu cần bưng lẩu lên.
Có một bà phụ nữ to con từ dưới bếp chạy lên, ghé tai ông quản tiệc, vừa cười, vừa thông tin bí mật. Ông quản tiệc lại cầm micro, vỗ “cọc cọc” rồi tuyên bố:
- Xin lỗi bà con cô bác, ban hậu cần ham đi xem lễ, nên bây giờ mới bắt đầu nấu lẩu. Xin chờ ba mươi phút.
Không ai buồn giận, cùng cười hì một cái. Cười hì để tha thứ. Cười hì để tỏ vẻ đồng phạm.
Đang ăn tiệc thì bà trưởng hậu cần lại đến ghé tai mình, vừa cười, vừa vui vẻ, vừa dí dỏm bật mí:
- Ông cha ơi, chúng nó đi coi ông cha làm lễ hết trơn hết trọi. Xém nữa thì chó ăn hết…
Khách dự tiệc đua nhau bình luận về lễ hôn phối hy hữu này:
- Lễ cưới bên đạo đàng hoàng hết biết.
- Một vợ một chồng là đúng nhứt.
- Đạo Công Giáo cấm ly dị là phải. Ly dị lộn xộn lắm.
- Con Xuyến sướng nhất xã, được ông cha từ Cà Mau vô chứng hôn; đàn hát hay hết biết luôn.
Sau bữa tiệc vui và sướng, đoàn Cà Mau xuống tàu đò trở về. Bà con chào giã từ với lòng cảm mến sâu sắc. Trên đường về các ca viên nói chuyện tíu tít. Sung sướng vô cùng! Còn mình thì sung sướng vô cùng vô tận. Hạt giống được gieo xuống tràn ngập cánh đồng. Chim chuột có ăn cũng chẳng hết…
bài liên quan mới nhất
- Thư của Đức Thánh cha Phanxicô nhân kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud về hoạt động truyền giáo trên thế giới
-
Lời giới thiệu sách: Ý nghĩa và lịch sử của hành hương -
Thư gửi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024 -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 11/2024: Giáo hội trong thế giới hiện đại -
Một Hội thánh cùng đi với Chúa loan báo Tin Mừng -
Từ Sấm truyền đến Thánh kinh – Ngót 400 năm Tin mừng được loan báo trên đất Việt -
Ad Extra, làm thế nào biết tin tức và suy tư về sứ mạng ở Châu Á một cách sâu xa hơn -
Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo -
Để đức tin thấm vào văn hóa -
Ủy ban Giáo dân - Biên bản chương trình thường huấn “Các đoàn thể tông đồ trong Giáo hội hiệp hành”
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Thánh Cha nhắc lại lời mời cầu nguyện cho Thượng Hội đồng
-
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng -
Suy tư về Ngày Thế giới Người nghèo năm 2023 -
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 -
Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và bóng tối -
Giáo dân truyền giáo -
Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay -
Lời Chúa sống động nơi một cuộc đời cụ thể -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 -
Cha Alexandre de Rhodes: Một gương mặt truyền giáo