Nhân phẩm con người và sự bùng nổ kỹ thuật số
WHĐ (20/5/2025) – Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về tốc độ phát triển của công nghệ kỹ thuật số trong 20 năm qua. Nói rằng nó phát triển “nhanh” có lẽ vẫn chưa lột tả hết. Phần lớn thời gian, sự mở rộng và những đổi mới của văn hóa kỹ thuật số khiến chúng ta cảm thấy choáng ngợp. Giờ đây, với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo tạo sinh – hay AI – chúng ta đang nắm trong tay một sức mạnh kỹ thuật số chưa từng có.
Vậy người có đức tin nên làm gì trước sự bao la của AI và biết bao công nghệ kỹ thuật số khác mà chúng ta đang nắm giữ? Hãy tin tưởng nơi Thiên Chúa và bảo đảm rằng con người luôn ở vị trí trung tâm trong mọi tương tác kỹ thuật số.
Dưới đây là 5 điều cần ghi nhớ khi chúng ta điều hướng đại dương kỹ thuật số mà ai ai cũng đang bơi trong đó, cố gắng trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa.
Đừng sợ những công nghệ mới
Tài liệu chính thức cuối cùng của Thánh Gioan Phaolô II, “Sự phát triển nhanh chóng”, tập trung hoàn toàn vào truyền thông và quyền lực ngày càng lớn của nó trong thế giới chúng ta. Ngài đã nói thế này: “Đừng sợ những công nghệ mới! Chúng là một phần trong những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã đặt vào tay chúng ta để khám phá, sử dụng và làm cho chân lý được biết đến – cả chân lý về phẩm giá của chúng ta và về định mệnh của chúng ta như là con cái Thiên Chúa, những người thừa kế Vương Quốc vĩnh cửu của Ngài”.
Công nghệ đã tiến rất xa kể từ khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết những lời này, nhưng ý nghĩa của chúng vẫn còn nguyên giá trị. Đừng sợ AI, mạng xã hội, hay bất cứ điều gì thế giới kỹ thuật số mang đến. Thiên Chúa đã trao chúng cho chúng ta để sử dụng trong việc loan báo Vương Quốc của Ngài.
Phẩm giá con người phải luôn ở vị trí trung tâm
Giáo hội đã trao cho chúng ta một định hướng để đảm bảo rằng con người vẫn là chủ nhân của công nghệ, chứ không bị công nghệ làm chủ: đó là Học thuyết xã hội Công giáo. Nếu chúng ta cố gắng sống theo bảy nguyên tắc nền tảng của học thuyết này khi tương tác với người khác qua các phương tiện kỹ thuật số, thì việc tôn trọng phẩm giá con người sẽ là hệ quả tất yếu.
Học thuyết xã hội Công giáo mời gọi chúng ta ghi nhớ: 1. Quyền lợi và trách nhiệm của mọi người; 2. Phẩm giá của con người; 3. Quan tâm đến người nghèo; 4. Gia đình và cộng đồng; 5. Phẩm giá và quyền lợi của người lao động; 6. Tình liên đới; 7. Bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Trong Sứ điệp ngày Hòa bình Thế giới năm 2024, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Thái độ tôn trọng cơ bản đối với phẩm giá con người đòi chúng ta phải từ chối việc dùng một bộ dữ liệu để xác định tính duy nhất của con người. Không được dùng thuật toán để xác định cách chúng ta hiểu về nhân quyền, để gạt bỏ các giá trị cốt lõi của con người như lòng trắc ẩn, lòng thương xót và sự tha thứ hoặc để loại trừ khả năng thay đổi và giã từ quá khứ của một cá nhân”.
Vào tháng 02/2020, “Lời kêu gọi Roma về đạo đức AI” – một tài liệu được ký bởi IBM, Microsoft, chính phủ Ý và nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo – đã giới thiệu thuật ngữ “đạo đức thuật toán” (algorethics), và đưa ra những nguyên tắc nhằm đảm bảo rằng các hệ thống AI luôn hướng đến lợi ích chung của toàn thể nhân loại.
Thực hành tính chân thực trong thế giới kỹ thuật số
Dù chúng ta có thể nghĩ rằng chỉ có thanh thiếu niên mới cần hạn chế việc sử dụng thiết bị điện tử, nhưng thực ra, người lớn cũng luôn cần được nhắc nhở về điều này. Việc làm gương trong hành vi kỹ thuật số là điều rất quan trọng, nhất là đối với các bậc cha mẹ. Sống chân thực trong thế giới kỹ thuật số có nghĩa là trung thành với các giá trị của mình với tư cách là người môn đệ của Chúa Giêsu, ngay cả trong cách lựa chọn và sử dụng công nghệ dưới mọi hình thức.
Việc sống chân thực và chính trực trong thế giới kỹ thuật số đòi hỏi nỗ lực. Chúng ta cần có kỷ luật và sự cân bằng trong đời sống số. Nếu đời sống số của chúng ta mất cân bằng, các mối tương quan khác cũng sẽ bị ảnh hưởng – kể cả mối tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta cần có trách nhiệm trong cách mình sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Mời gọi Chúa Thánh Thần vào những quyết định của chúng ta thông qua sự phân định cầu nguyện sẽ giúp chúng ta có lợi thế trong việc này. Và đừng quên sự thinh lặng – trạng thái tưởng chừng khó nắm bắt ấy lại rất cần thiết để chúng ta có không gian trong tâm trí và con tim mà lắng nghe những lời mời gọi của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Không sao khi bạn không hoàn hảo
Dù chúng ta thường nói câu “không ai hoàn hảo cả”, nhưng thực tế là xã hội ngày nay lại không dễ dàng chấp nhận sự không hoàn hảo. Trong môi trường làm việc, nếu bạn không làm tốt công việc một cách hoàn hảo, bạn có thể bị sa thải. Sự phát triển của AI khiến cho công việc được thực hiện nhanh hơn và chính xác hơn con người. Vậy làm sao chúng ta có thể góp phần thay đổi thái độ của xã hội đối với sự không hoàn hảo? Bằng cách chấp nhận những khiếm khuyết của chính mình và kiên nhẫn với những khiếm khuyết của người khác. Bởi lẽ, nếu chúng ta hoàn hảo, thì đâu còn cần đến Chúa Giêsu để cứu độ chúng ta.
Trong cùng Sứ điệp ngày Hòa bình Thế giới được trích dẫn trên đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói rằng: "Con người được xác định là có sinh có tử, mà lại nghĩ đến việc vượt qua mọi giới hạn nhờ công nghệ, thế nên trong nỗi ám ảnh muốn kiểm soát mọi thứ, chúng ta có nguy cơ mất kiểm soát chính mình; … Nhận biết và chấp nhận những giới hạn của mình với tư cách là thụ tạo là điều kiện cần thiết để đạt tới, hay đúng hơn, để đón nhận sự viên mãn như một món quà".
Kêu cầu sự khôn ngoan của Thiên Chúa
Khi chúng ta phải đối diện hàng ngày với sự bùng nổ kỹ thuật số và những hệ quả của việc chìm đắm trong văn hóa kỹ thuật số, chúng ta cần nhìn nhận rằng mình không có tất cả câu trả lời, dù có thể ta muốn nghĩ là có. Chúng ta cần sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ân ban khôn ngoan của Ngài, để đảm bảo rằng con người vẫn luôn là trung tâm trong mọi tương tác kỹ thuật số và công nghệ.
Trong Sứ điệp ngày Truyền thông Thế giới năm 2024, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh rằng con người cần kêu cầu sự khôn ngoan của Thiên Chúa khi thiết kế hoặc làm việc với AI và công nghệ kỹ thuật số. Ngài chia sẻ: “Sự khôn ngoan, là một ân ban của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta nhìn mọi sự bằng đôi mắt của Thiên Chúa, để thấy các kết nối, tình huống, sự kiện và khám phá ý nghĩa thực sự của chúng… Sự khôn ngoan ấy không thể tìm thấy nơi máy móc… Máy móc chắc chắn sở hữu khả năng lưu trữ và liên kết dữ liệu lớn hơn rất nhiều so với con người, nhưng chỉ con người mới có khả năng làm cho những dữ liệu ấy trở nên có ý nghĩa”.
Vì thế, lần tới khi bạn cảm thấy muốn ném thiết bị kỹ thuật số của mình (hoặc của con bạn tuổi thiếu niên) xuống cầu cho trôi theo dòng nước xiết bên dưới, hãy dừng lại và cam kết đặt con người ở trung tâm của mọi tương tác kỹ thuật số, chấp nhận sự bất toàn của bản thân, và để Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc bạn rằng: Đừng sợ!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: oursundayvisitor.com (19/5/2025)
bài liên quan mới nhất

- Người trẻ trong thời đại trí tuệ nhân tạo
-
Tổng quan về tài liệu “Antiqua et nova”: Trí thông minh nhân tạo AI – Cơ hội và thách thức -
Vài nguyên tắc cơ bản trong truyền thông Công giáo -
Đức Hồng y Arizmendi: hãy cẩn trọng với trí tuệ nhân tạo! -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 59 -
Lời nói phản ánh trạng thái tâm hồn -
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 59 năm 2025 -
Khiêm nhường khi trực tuyến cùng với Mẹ Têrêsa -
Tác động của con người lên con người trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo -
Những bài học từ bản hướng dẫn của Vatican về trí tuệ nhân tạo
bài liên quan đọc nhiều

- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19