Người đầu tiên khai phá tranh Mỹ thuật Sơn mài Việt Nam
WGPSG -- Vẽ tranh là phương tiện để tu tập, hội họa rất gần với tôn giáo vì nó xuất phát từ tâm con người. Bởi lẽ nghệ thuật vốn dĩ là vô cầu, vì vô cầu nên nó hướng đến một cái gì đó rất cao. Đó là châm ngôn của họa sĩ bậc thầy Nguyễn Gia Trí.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh ngày 6 tháng 10 năm 1912, tại làng Thịnh Hào, Ngã tư Sở, Hà Nội, học sinh trường Bưởi rồi vào học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ngành hội họa năm từ 1931-1938. Thầy của ông là họa sĩ người Pháp, Inguimberty. Trong thời gian này ông đã khai phá con đường đưa sơn ta của mỹ nghệ truyền thống, sơn son thiếp vàng trở thành tranh mỹ thuật sơn mài là chất liệu hội họa bản sắc của Việt Nam. Ông qua đời ngày 26 tháng 6 năm 1993.
Một ký giả người Pháp viết về mỹ thuật Việt Nam đương thời đã nhận xét: ”Nguyễn Gia Trí có một giai đoạn ngắn dường như cố gắng làm cho sắc độ của con người, cây cối, thú vật, quần áo, phong cảnh, trong tranh ông đạt được sự chân thực hoàn hảo. Nhưng ông đã nhanh chóng từ bỏ nỗ lực ấy để chỉ chú tâm vào các phương tiện của sơn mài, nhằm nâng sơn mài lên trình độ của sơn dầu.”
Sơn mài khác hẳn sơn dầu ở chỗ mặt tranh bóng, phẳng gần như tuyệt đối. Không gian của nó lặn vào bên trong rất sâu, đó là tính âm của nó cùng với các màu cơ bản (vàng, đỏ son, đen) là các màu ngả về âm, màu của không gian cung đình chùa chiền ngày xưa. Và nhịp của nó là nhịp chậm, từng bước từng bước thầm hình thành từ từ qua từng công đoạn. Công đoạn làm vóc: bó vải, hom, mài xả, lót... cho tới phẳng. Công đoạn vẽ: vẽ, ủ, mài xả, phủ, mài bóng, đánh bóng... cho đến hoàn thành. Chính những đặc điểm ấy đã tạo ra những thách đố đối với những tác giả vẽ tranh sơn mài. Ngược hẳn với sơn dầu thuộc về tính dương đòi hỏi sự truyền cảm trực tiếp, bộc phát vào những nét, mảng, gồ ghề, tạo matiere, hay đường tút của bay, cọ...
Vào năm 1940, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được đánh giá ông là người thành công nhất VN. Tác phẩm của ông được tính giá tấc vuông (1dm2) 1 tấc vuông giá bằng 1 lượng vàng và hầu như chỉ có dân Tây thượng lưu mới có khả năng mua tranh của ông. Họ đặt tranh ngay từ khi mới trông thấy phác thảo, hai vợ chồng công sứ Cresson xắn quần, nhấc váy lội nước vào làng Thịnh Hào để mua tranh ông. Họ gọi ông là Génie Asiatique (thiên tài Châu Á). Những tác phẩm tiêu biểu của ông như: Chợ Bờ, Bên Hồ Gươm, Chùa Thầy, Đèn Trung thu, Đêm Bồ tùng linh, Khỏa thân, Cảnh thiên thai (đây là bức tranh khỗ lớn được toàn quyền Đông Dương Decoux đặt làm năm 1943), tác phẩm: Thiếu nữ trong vườn (là tác phẩm lớn nhất, gồm 6 tấm ghép lại 12 mét vuông bán cho ông bà Drouin Giám đốc Sở Điện nước Miền Bắc Đông Dương).
Và một tác phẩm độc đáo của ông có đề tài Kitô Giáo là bức Giáng Sinh thực hiện năm 1941 do một phụ nữ quý phái người Pháp đặt tặng cho Dòng Đa Minh, bức tranh gồm 3 tấm ghép lại (có kích thước tổng cộng là 1,3m X 2,37m) điểm độc đáo của tác phẩm này là ông đã Việt hóa hoàn toàn quang cảnh và các nhân vật trong Kinh Thánh, ba vị Thiên Thần đứng trên mây là ba cô gái tân thời duyên dáng trong tà áo dài màu lam, lục và trắng, một trong ba cô gảy đàn tì bà. Thánh Giuse và Mẹ Maria là hai nguời nhà quê áo sồi, quần gụ. Ba người trong bóng tối góc bên phải đầy tính biểu hiện, ba trạng thái tinh thần của chúng sinh: Người thành kính hướng về Chúa Hài Đồng là kẻ có niềm tin; người thản nhiên nhìn ra ngoài là kẻ bàng quan; người nằm nghiêng gối đầu trên cánh tay say ngủ là kẻ còn chìm đắm trong u mê. Và thay cho máng cỏ, chuồng lừa, hang đá, ở đây là cái chuồng trâu với một con trâu trắng. Tác phẩm này đã bị lưu lạc cùng thời cuộc. Năm 1954, trước khi Hà Nội về tay chính phủ kháng chiến, tu viện Têrêsa đã đưa nó sang Dòng chính ở Lyon. Các vị tu sĩ ở tu viện Corbusier chắc là không hiểu giá trị của tấm tranh, nên để ở dưới sàn nhà nguyện, quay mặt ra sau làm bảng viết. Năm 1955 linh mục Pineau của Dòng Đa Minh được cử sang Sài Gòn, biết việc ấy đã xin đưa bức tranh trở lại VN. Đến cuối năm 1959 đầu 1960 mới được đưa về Sài Gòn, và từ đó nó nằm ở nhà nguyện Dòng Đaminh Mai Khôi đường Tú Xương, Q.3 cho đến nay. Linh mục Thiện Cẩm, Bề trên Dòng Đaminh cho biết, trước đây có một vị Khâm sứ Tòa Thánh Vatican ngỏ ý muốn mua tác phẩm độc đáo này, với giá của một căn biệt thự nhưng Nhà Dòng không bán.
Giai đoạn thứ hai của sự nghiệp họa sĩ Nguyễn Gia Trí gắn bó với Sài Gòn-TPHCM từ năm 1954-1993, song chủ yếu là 20 năm từ 1954-1975 là thời kỳ ông có nhiều điều kiện thuận lợi nhất để sáng tác và hoàn thiện nghệ thuật sơn mài ở đỉnh cao. Những tác phẩm quan trọng nhất của ông sau năm 1954 là bộ lịch sử Việt Nam gồm các bức “Địa linh hoán tượng, Hai bà Trưng, Trận Bạch Đằng, Ba Vua (1960) và bộ tranh cho thư viện Quốc Gia gồm ba bức Hoài niệm xứ Bắc,Trừu Tượng, Múa dưới Trăng (1968-1969) Vườn Xuân (1970) và tác phẩm cuối cùng Vườn Xuân Trung Nam Bắc, thực hiện kéo dài trong nhiều năm. Tác phẩm này do bác sĩ Tín đặt hàng (người sản xuất dầu gió khuynh diệp nổi tiếng ở miền Nam) bức tranh 9 tấm, kích thước 2m X 5,4m nói lên tâm tư nguyện vọng của ông vào lúc cuối đời. Sau năm 1975 người đặt tranh đi định cư ở nước ngoài, trong điều kiện khó khăn về kinh tế ông vẫn quyết tâm hoàn thành tác phẩm. Đến năm 1990 thì Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp quyết định mua tác phẩm này với giá 600 triệu đồng VN tương đương 100.000 Đôla, là một kỷ lục về giá tranh ở Việt Nam.
Họa sĩ cùng thời với ông là Tô Ngọc Vân nhận xét: “Sức truyền cảm ma quái của sơn ta, dưới bàn tay phù thủy Nguyễn Gia Trí thì những màu hồng nhạt biến hóa thành nhửng sắc nâu ngon thiệt là ngon, những vỏ trứng như đổi cả thể chất thành vật quí, vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, rung lên, rít lên, như tiếng kêu sung sướng của xác thịt khi vào cực lạc. Chàng nghệ sĩ ấy yêu tấm sơn mài như yêu một người đàn bà. Lúc âu yếm bằng những nét vuốt mềm mại, lúc dữ dội bằng năm bảy nét quệt mạnh, đập tung, cào cấu. Trong những sắc màu ấy như ẩn như hiện một chút gì huyền ảo, đắm say nồng nàn, còn run rẩy trong bóng tối hòa với một sức sống còn bế tắc, một linh hồn kiên quyết, đam mê đang quằn quại vì muốn thoát nhanh ra ngoài ánh sáng.”
Thật vậy, dưới bàn tay phù thủy Nguyễn Gia Trí, vỏ trứng từ một vật cứng cũng trở thành mềm mại, vì tạo ra đủ sắc độ của màu xám, vàng, nâu, trắng. Lúc thì như thứ bình men rạng cổ kính, lúc toát lên trên nền đen như được soi rọi bằng những ánh đuốc đêm hoa đăng, lúc đông đặc như cẩm thạch, lúc kết tinh như kim cương, lúc mỏng mờ như cơn mưa phùn, lúc rờn rợn bóng tối mờ ảo trên tường rêu của Liêu trai chí dị.
Tác phẩm sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí quả thật có nguồn gốc sâu xa ở quan niệm tâm linh, vì đối với ông sáng tạo nghệ thuật chỉ là phương tiện để tu tập, ông thường nói: “Tôi tìm tòi và sáng tạo với tất cả linh tính, không phải sáng tạo bằng mắt, bằng tay, mà gần như người mù sờ soạng, mò mẫm trong đêm tối để tìm cái đẹp. Như người mẹ mang thai, không thể bắt con mình là trai hay gái, đẹp hay xấu, mà cầu mong ở chính con người mình, ở chính phúc đức, và chính thể chất của mình sẽ sinh ra đứa con lành lặn, đẹp đẽ."
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí, một đời tìm tòi sáng tạo đã đưa mỹ thuật sơn mài lên ngang hàng với hội họa hiện đại. Được minh chứng bằng những kiệt tác đi vào lòng người, và bất tử với thời gian, qua phong cách hòa quyện bản sắc dân tộc dân gian với trường phái sơn dầu hiện đại, bằng cái tâm vô cầu và bản chất dấn thân, phó thác cho nghệ thuật đến tận cùng, ông xứng đáng là một “Minh Sư” có công dẫn dắt chúng ta đến đại dương mênh mông của cái Đẹp.
bài liên quan mới nhất
- Chúa hiển dung dưới mắt của danh họa Raphael
-
Bức tranh "Cuộc dạo chơi của Chúa Hài đồng Giêsu" của Zurbaran -
Bức tranh ‘Dưới chân Chúa’ của họa sĩ Tôn Thất Văn -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng -
Triển lãm Mỹ Thuật “Máng Cỏ Nhân Sinh” 2014 -
Cảm mến tình yêu nghệ thuật “Về Nguồn” -
Triển lãm Tranh Lê Hiếu & Giới thiệu Thơ Lãng Đãng -
Triển lãm Tranh, Tượng mỹ thuật với chủ đề: Lời ngỏ tình yêu
bài liên quan đọc nhiều
- Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng
-
Lịch sử hội hoạ Hiện Đại và Hậu Hiện Đại tại Việt Nam -
Chuyện lạ từ Bích họa Bữa Tiệc Ly và Danh họa Leonardo Da Vinci -
Nhà điêu khắc, kiến trúc sư, hoạ sĩ Michelangelo (1475-1564) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Năm Dần nói chuyện cọp trong nghệ thuật -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa -
17 thế kỷ hội hoạ kitô giáo -
Họa sĩ Lê Văn Đệ: người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống Việt Nam