Người cha hiền đáng kính

Người cha hiền đáng kính

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giáo phận Sài Gòn tổ chức nhiều hoạt động. Trước và sau ngày 01/09, người ta viết và nói rất nhiều về Cố Đức Tổng, khen chê lẫn lộn. Tôi cũng đã có một bài viết về ngài, nay viết thêm, xin nhìn từ những việc nhỏ mà ít người để ý, mong quý vị thấy thêm những chi tiết tế nhị khéo léo trong cuộc sống của ngài mà cảm nhận được con người đích thật của một người cha chung.
 
 1. Ngài là người rất thương những người giúp việc
 
Ngay khi nhận chức Giám mục Hiệu Tòa Agnusiensi, Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Cần Thơ [1], ngài đã tỏ ra rất bình dị, không muốn tài xế mở cửa xe giúp. Một hôm, Thủ Hiến Henri Hoppenot [2] đến thăm, Thủ Hiến tự mở cửa xuống xe. Sau khi Thủ Hiến đi rồi, ngài nói với anh tài xế: “Anh thấy không? Người ta làm lớn như vậy mà tự mở cửa xe, sau này anh không cần mở cửa giúp tôi đâu.”
 
Sau khi nhận Tổng Giáo Phận Sài Gòn, ngài làm lễ Thêm Sức tại một xứ hẻo lánh. Sau lễ có tiệc mừng, nhưng cha sở quên mời tài xế. Lúc lên xe ra về, ngài hỏi tài xế ăn cơm chưa, tài xế thưa là chưa. Ngài bèn bảo tài xế đậu xe ở vệ đường rồi đi ăn gì cho đỡ đói, ngài sẽ ngồi trên xe lần chuỗi, tài xế không dám. Do đó, ngài dặn tài xế, về sau, nếu có đi đâu, trong lúc ngài làm lễ, tài xế lo đi ăn trước đi.
 
Mùa hè tại Toà Tổng Giám Mục thường rất nóng. Sau này phòng giám mục mới có máy điều hoà không khí. Nhưng ngài vẫn lo cho nhân viên trong Toà Giám Mục vì chưa thể gắn máy điều hòa cho các phòng được.
 
2. Ngài là người rất quý trọng các cha
 
Tĩnh tâm linh mục hằng năm, ngài luôn có giờ huấn đức cho các cha, bài huấn đức chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Có lần khuyên những linh mục làm không tốt, ngài nói nhẹ nhàng: “Xin các cha thương tôi một chút!
 
Các cha có việc muốn gặp ngài thì không cần hẹn trước, cứ đến Toà Tổng Giám Mục, gõ cửa phòng ngài, còn dễ hơn giáo dân xin gặp cha sở trong nhiều xứ đạo hiện nay.
 
Một lần, trong bữa ăn, một linh mục hỏi ngài: Đức Tổng làm giám mục bấy lâu nay có treo chén linh mục nào chưa. Ngài trả lời một cách khôi hài: “Các cha treo chén tôi thì có, tôi chưa treo chén cha nào cả.” Quả thật, ngài nhận chức Tổng Giám Mục Sài Gòn vào ngày 02/04/1961. Cuối năm 1962, làm Tổng Giám Mục chưa đầy hai năm, ngài có dịp đi Rôma, Tổng Thư Ký Bộ Truyền Giáo đã gọi ngài đến văn phòng Bộ, đưa cho ngài xem một tấm hình và hỏi: “Đức Cha có biết tấm hình này không?” Ngài trả lời: “Thưa biết, đó là khách sạn Caravelle.”[3] Tổng Thư Ký cho ngài biết đã có một số linh mục và giáo dân tố cáo ngài mua phần lớn cổ phần của khách sạn Caravelle. Tức là vào thời điểm đó đã có linh mục muốn treo chén ngài. Tôi có cảm tưởng rằng đến tận ngày nay vẫn có người muốn “treo chén” ngài! Nhưng ngài vẫn nhất mực thương các cha. Ngài có một nguyên tắc rất rõ ràng, nếu có thư nặc danh tố cáo các cha, ngài không xem. Nếu có người đứng tên tố cáo các cha, thì ngài bênh vực các cha trước, rồi tìm cách khuyên bảo và giải quyết.
 
Sau ngày giải phóng, Đức Phó Tổng Phanxicô và nhiều cha bị tù. Ngài rất buồn, nhưng không buồn ra mặt, đúng như Đức Cha Giacôbê đã nói trong thánh lễ an táng Đức Cố Tổng Phaolô: “Trong những hoàn cảnh dầu xao động đến đâu đi nữa giữa chính quyền, giữa giáo quyền, thì ngài vẫn như một dòng nước sâu thẳm, dù trên mặt có dao động thế nào, vẫn giữ được sự bình an.” Ngài tìm cách đến thăm các cha bị tù, nhưng chính quyền chỉ cho phép từng trường hợp. Ngài cũng tìm cách xin cho các cha được tha, như trường hợp của tôi [4], hay như trường hợp của Cha Phanxicô Tấn, nguyên là tuyên uý quân đội, nhưng giải ngũ đã lâu, nên ngài xin cho Cha Phanxicô phải được tha. Những việc này ngài làm trong âm thầm, ít người biết. Ngài còn có nhiều “cao chiêu” nữa mà chỉ làm cách âm thầm để giúp Hội Thánh [5], dù bị Toà Thánh và mọi người hiểu lầm.
 
Trong một dịp gặp gỡ các linh mục tại Đại Chủng Viện, lúc đó sức khỏe của Đức Tổng đã rất yếu. Mọi người chia sẻ với nhau ước nguyện về một vị giám mục sắp tới. Một linh mục cao niên phát biểu: “Chúng con mong vị giám mục sau này của chúng con cũng là một người cha nhân từ với chúng con như Đức Tổng đây. Vì anh em linh mục chúng con đã bỏ mọi sự để phục vụ Giáo Phận, phục vụ Hội Thánh. Khi chúng con yếu đuối hay già cả thì biết cậy vào ai, nếu không phải là giám mục của mình?
 
3. Ngài là người thương các dòng nhất.
 
Nhiều người hay lặp lại câu nói của Cố Đức Tổng một cách trêu ghẹo: “Tôi thương dòng này nhất, hay dòng kia nhất”. Trong ngày hội ngộ linh mục tại Trung Tâm Mục Vụ và Đại Chủng Viện Thánh Giuse cuối tháng 5/2010 vừa rồi, trước mặt trên 650 linh mục thuộc 5 giáo phận: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và Long Xuyên mà vẫn còn người lập lại câu nói vui đó. Có những sự thật mà các dòng vẫn khắc ghi và thường kể cho đàn em mình: Sau năm 1975, các dòng đều hoang mang. Ngài rất quan tâm và động viên các nữ tu, thường thăm viếng các Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Chợ Quán, Phát Diệm… Mến Thánh Giá Thủ Thiêm xa trung tâm thành phố và cũng rất nghèo, cho nên ngài chở máy Vidéo và Tivi đến Thủ Thiêm cho các chị em xem phim. Mến Thánh Giá Chợ Quán có thói quen cho chị em về quê ăn Tết, nhưng có một số phải ở lại trông coi nhà cửa. Ngài sợ chị em buồn và nản, nên ngài đến chơi lôtô với họ, ngài không quên cả việc đổi tiền nhỏ cho họ nữa. Ngài ở lại đó từ 7 giờ đến 9 giờ tối.
 
4. Ngài là người vì yêu thương mà chịu khó.
 
Ngài rất thương những người nghèo và bệnh. Lúc ấy ngoài hành lang phòng của Đức Tổng chưa có cửa, những người ăn xin tha hồ mà vào. Xứ tôi có một giáo dân là con của một bác sĩ y khoa, anh ta rất giỏi tiếng Pháp và tiếng Anh, nhưng nghiện ma tuý. Hằng tuần, anh cứ lên xin tiền Cố Đức Tổng, và nói tiếng Pháp với Đức Tổng thao thao bất tuyệt. Tôi phải cấm anh ta quấy rầy ngài.
 
Năm nọ, vào đêm Vọng Giáng Sinh, ngài đi dâng lễ tại trại cùi Thủ Thiêm. Lễ xong, công an xã mời ngài ra làm việc và giữ lại rất lâu, khiến mọi người lo lắng, vì ngài phải về dâng lễ tại nhà thờ Chánh Toà lúc 20 giờ.
 
Khi Cha Phanxicô Tấn được đề cử làm giám mục Đà Lạt, ngài cùng với Cha Tấn đi thăm Đức Cha Hoà Hiền. Trên đường về, ngài ghé thăm Giáo Xứ Cầu Đất [6], bổn đạo rất vui mừng và kéo chuông kêu gọi mọi người đến gặp ngài. Thế nhưng, công an xã cũng đến để mời Cố Đức Tổng, Cha Tấn và tài xế về xã làm việc. Người ta tách riêng ba người ra để thẩm vấn. Sau khi biết ngài là Tổng Giám Mục Sài Gòn, người ta vẫn lập biên bản. Tuy ngài thường gặp khó khăn nơi chính quyền địa phương, nhưng vẫn kiên trì dâng lễ nơi các xứ nhỏ, như Cây Dương, Xuân Hiệp, Thánh Giuse Thợ (Quận 9) v.v.
 
5. Ngài là người luôn nghĩ đến Giáo Hội.
 
Cố Đức Tổng luôn lợi dụng những dịp lễ lớn của ngài để xây dựng cơ sở cho Giáo Phận. Sau khi nhận chức Tổng Giám Mục Sài Gòn, ngài lập tức xây dựng cơ sở cho Đại Chủng Viện [7]. Nhân dịp mừng lễ Ngân khánh, ngài ra tiền giúp xây Nhà Thờ Phaolô [8] (Quận Bình Tân). Khi mừng lễ Kim khánh [9], ngài xây Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Chí Hoà. Đến khi mừng thượng thọ 80 tuổi [10], ngài cho xây Văn Phòng Mục Vụ và Nhà Khách Toà Tổng Giám Mục.
 
6. Kết luận.
 
Chỉ qua những việc nhỏ này thôi, chúng ta có thể thấy được con người thật của ngài. Khi chúng ta đánh giá một người nào đó, tôi nghĩ không nên chỉ dựa theo cảm nghĩ và suy đoán của mình, nhưng cần phải khách quan nhìn qua những sự việc cụ thể.
 
Ai trong chúng ta cũng quý chuộng công lý và sự thật. Nhưng trước mặt Chúa, chắc ai cũng cần đến lòng nhân từ thương xót hơn cả. Phải chăng chính Đức Tổng Phaolô đã thể hiện lòng nhân từ thương xót đó cho tất cả chúng ta - hết thảy mọi người mà ngài gặp gỡ - trước hết?
 
Nếu có ai hỏi tôi: “Là linh mục, cha cần điều gì trước hết nơi vị giám mục của cha?” Tôi sẽ không ngần ngại trả lời: “Đó là lòng thương xót”. Như chính Đức Tổng cũng từng nói: “Xin các cha thương tôi một chút!”. “Estote misericordes, sicut et Pater vester misericors est” [11]...
_____________________________________________________
 
Ghi chú:
 
[1] Ngày 20/9/1955.
[2] Ông Henri Hoppenot làm Thủ hiến (Commissaire général) từ ngày 02/06/1955 đến 21/07/1956 và cũng là vị thủ hiến cuối cùng ở Việt Nam.
[3] Tại số 19, Quảng trường Lam Sơn, Q. 1, Tp. Hồ Chí Minh hiện nay.
[4] x. “Bài Giảng Chúa Nhật” số 8/2010.
[5] Những việc đó liên quan đến chính trị và những người còn sống, chưa tiện nói ra tại đây.
[6] Cổ Đức Tổng từng làm Cha Sở Họ Cầu Đất (Đà Lạt) năm 1948-1955.
[7] Năm 1961.
[8] Năm 1962.
[9] Năm 1987.
[10] Năm 1990.
[11] Lc 6, 36.

Top