Ngày 17/03: Thánh Patriciô, Giám mục (385 - 461)

Ngày 17/03: Thánh Patriciô, Giám mục (385 - 461)

Ngày 17/03: Thánh Patriciô, Giám mục (385 - 461)

Ngày 17 tháng 3
THÁNH PATRICIÔ, Giám mục

(385 - 461)

I. ĐÔI HÀNG TIỂU SỨ.

Patriciô, chào đời vào năm 385, tại Bretagne trong trang trại của cha Ngài là phó tế Calpurnia, ở gần biển. Patriciô được 16 tuổi thì bị rơi tay bọn hải khấu Ireland đến cướp phá bắt người. Patriciô bị bán sang Ireland. Ngài phải chăn súc vật trên núi và đã trải qua cuộc sống tủi nhục của một con người làm tôi mọi. Ngài đau khổ nhiều. Nhưng thời kỳ gian lao phải làm nô lệ này lại là thời kỳ phong phú nhất đối với đời Ngài. Suốt những tháng ngày dài đơn độc, Ngài nghĩ tới Thiên Chúa. Những lời dạy dỗ của cha mẹ mà trước kia Ngài chẳng chú ý gì tới, bây giờ lại trở thành động lực sống. Như thế Patriciô tự thánh hóa, hiến mình cho ơn thánh Chúa, quen thuộc với địa sở, với thổ dân và ngôn ngữ của họ, chuẩn bị cho sứ mệnh lớn lao của Ngài sau này.

Sau một thời gian Ngài đã tìm cách trốn thoát. Rất may ngài được một con thuyền đưa ngài xứ Gaule. Nơi đây ngài xin làm môn đệ cho hai vị thánh Amateur và Germain ở Auxerre.

Sau khi được đào tạo kỹ lưỡng, đặc biệt về mặt Thánh Kinh, Patriciô được thụ phong giám mục do thánh Germain, và năm 432, ngài trở lại Ireland để truyền giáo. Giáo lý của ngài dựa trên Thánh Kinh, trở thành điểm đặc biệt cho Giáo Hội Ireland . Ngài đã dùng mọi cách cố gắng để rao giảng và tổ chức Hội thánh. Ngài biết hoà hợp Kitô giáo với điều kiện xã hội và chính trị cũng như với những truyền thống khác nhau của các dân Celtes. Nhờ ngài, mà Giáo Hội Ireland có được một cơ cấu vững chắc và cắm rễ sâu trong đất nước này. Ngai tòa Giám Mục của ngài được đặt Armagh (khoảng năm 444).

Cuối đời, thánh giám mục rút vào yên tĩnh để chuẩn bị chết. Ngài qua đời vào ngày 17.03.461 và người ta đã chôn ngài trong một thành phố, lúc bấy giờ, được gọi là Downpatrick (miền bắc Ireland). Ngài được cả Ireland tôn kính vào thế kỷ thứ VIII và cả nước Anh vào thế kỷ thứ X, nhưng chỉ được ghi vào lịch Rôma vào năm 1362.

Việc tôn kính thánh Patriciô được phổ biến trong toàn thế giới là nhờ vào các nhà truyền giáo Ireland, luôn hiện diện trong nhiều nước truyền giáo. Trong xứ Ireland , lễ thánh Patriciô là lễ quốc gia. Mỹ thuật trình bày thánh nhân như một vị giám mục đang xua đuổi hay chà đạp dưới chân các con rắn.

II. BÀI HỌC

Nhìn lại cuộc đời của Patriciô, người ta thấy có rất nhiều điều nổi bật ít ai sánh kịp:

* Trước hết là lòng khao khát rao giảng Tin Mừng. “Khao khát của tôi là: dù không có khả năng chu toàn một công trình tốt đẹp và xứng đáng, tôi ước ao giống như những người được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng làm chứng cho Người trên khắp thế giới”. “Do đâu mà tôi được ơn to lớn dường này là được biết Chúa và yêu mến Người, dù phải mất cả quê hương, gia đình và đến với dân Ireland để rao giảng Tin Mừng... Nếu thực sự con xứng đáng, con đây xin dâng hiến cho đến cuối đời, không do dự, để làm sáng danh Chúa”.

* Tiếp đến là đời sống khổ hạnh và cầu nguyện không ngừng.

Ngài sống cuộc đời khổ hạnh, tự kiềm chế như một nhà khổ tu không màng tới những sự sang trọng giàu của trần thế mà nhiều người ưa chuộng.

Lịch sử ghi lại: “Mỗi ngày, ngài hát tất cả Thánh Vịnh, thánh thi, Khải Huyền và tất cả bài ca trong Thánh Kinh, dù ngài có đi du hành hay không”. Đây là lời cầu nguyện thường xuyên của ngài.: “Lạy Chúa Kitô xin ở với con! Lạy Chúa Kitô xin ở trước con! Lạy Chúa Kitô xin ở sau con! Chúa Kitô luôn thấy con; Chúa Kitô luôn nghe con. Trong Đức Kitô là ơn cứu độ. Ước gì ơn cứu độ của Người luôn ở với chúng ta”.

*Và điều cuối cùng là thánh Patriciô xây dựng rất nhiều Đan viện và “những trường học Đan viện”, được lan rộng rất nhanh trong nhiều thế kỷ, đã lôi kéo được nhiều sinh viên ngoại quốc (trong số đó có: Alcuin, Dagobert). Nhờ đó, Ireland được gọi là “Đảo của các nhà trí thức” (Duns Scot), “Đảo của các vị thánh” (Fursa, Fiacre, Kilian, Colomban...) và người Ireland là “dân tộc truyền giáo tuyệt hảo”.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có được lòng yêu mến Chúa như thánh Patriciô và lòng nhiệt thành truyền giáo như ngài. Ước gì qua lối sống tốt lành của chúng ta mà nhiều người chưa biết Chúa nhìn vào nhận ra Chúa và tìm về với Người.

Gandhi là một nhà cách mạng lớn của Ấn Độ với chủ trương bạo động bất hợp tác.

Chính nhờ đường lối đấu tranh này, mà chính quyền Anh phải nhượng bộ và trao trả quyền độc lập cho Ấn độ.

Thực ra, thì chính Gandhi đã học được đường lối kia ở nơi Chúa Giêsu khi ông đọc Thánh Kinh, nhất là khi ông đọc phần bài giảng trên núi của Chúa Giêsu.

Mặc dù chịu ảnh hưởng rất nhiều của đạo Chúa, nhưng ông Gandhi đã không trở thành tín đồ của Chúa chỉ vì thái độ của những người đã tin Chúa.

Trong suốt tập hồi ký, ông Gandhi đã ghi lại rằng khi ông còn học tại Anh quốc, ông rất thích tìm hiểu Thánh-Kinh và cảm xúc rất sâu xa những điều mà ông đọc trong Thánh Kinh.

Một ngày kia, ngày ông quyết định trở thành một tín đồ của Chúa Giêsu, ông đến một nhà thờ để xin được hướng dẫn trong đường cứu rỗi.

Nhưng khi ông vừa vào nhà thờ thì một viên chức trong nhà thờ thấy lối phục sức của một người Ấn Độ nên đã chặn lại không cho ông vào và bảo ông hãy tìm đến một đền của Ấn Độ giáo mà xin thọ giáo. Khi xử sự với ông Gandhi như vậy, có lẽ viên chức ở nhà thờ kia nghĩ rằng người Ấn Độ này vào nhà thờ với một ý đồ nào đó.

Bị đối xử như thế, ông Gandhi bỏ nhà thờ đó ra về, ông nói nếu đạo của Chúa Giêsu cũng phân biệt như vậy thì chẳng thà tôi là một người tín đồ Ấn độ giáo thì hơn.

Nhiều người ngày nay chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của đạo Chúa và muốn tin Chúa. Nhưng lắm khi chỉ vì thái độ hay hành động của những người đã tin Chúa thiếu tế nhị, thiếu khôn ngoan, mà họ đã khước từ Chúa. Bởi vậy cần phải truyền giáo bằng chính đời sống.

Top