Ngày 11/06: Thánh Barnaba, tông đồ

Ngày 11/06: Thánh Barnaba, tông đồ

Ngày 11/06: Thánh Barnaba, tông đồ

Ngày 11 tháng 6
THÁNH BARNABA TÔNG ĐỒ

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

1. Đôi hàng tiểu sử.

Banaba “là một người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin’’ (Cv11,23). Ngài được sách công vụ nhận là Tông Đồ (Cv 14,4) cho dù ngài không thuộc nhóm Mười Hai

Ngài là một người Do Thái thuộc giáo tỉnh Cypern, gốc Lêvi và tên gọi là Giuse. Chúng ta không biết ngài đã gia nhập Kitô giáo lúc nào. Như Sách Tông Đồ Công Vụ ghi, ngài có lòng đại độ: “Giuse, người đã được các Tông Đồ đặt tên là Barnaba nghĩa là con của sự an ủi  một người Lêvi, người gốc Kyprô, có một thửa ruộng, ông đã bán đi và đem bạc đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4,36-37)

Ngài là người hướng dẫn Saolô sau khi Saulô trở lại đến gặp các vị Tông Đồ ở Giêrusalem (Cv 9,26-27). Sau này vào khoảng năm 42, Barnaba đã tìm đến với Saolô ở Tarsô rồi cùng với Phaolô sang truyền giáo tại Antiôkia. Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất này, cả hai đi Kyprô và mạn nam Tiểu Á. Chính các ngài đã đi Giêrusalem dự Công Nghị Tông Đồ để đấu tranh cho việc những người dân ngoại, khi gia nhập Kitô giáo, không phải lệ thuộc Lề Luật cũ. Sau đó xảy ra một cuộc tranh cãi giữa hai người. Lý do là vì Phaolô không muốn đem theo Máccô, bà con của Barnaba đi theo mình trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai cho nên Barnaba đã đem Máccô đi với mình đến Kyprô (Cv 15,39)

Theo truyền thuyết, sau này Barnaba bị ném đá chết tại Salamít (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

II. CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Phaolô và Barnaba đều là những tông đồ nhưng cá tính và cách đối xử khác hẳn nhau. Phaolô thì nguyên tắc và cứng rắn, còn Barnaba thì tình cảm và mềm dẻo. Bởi thế đôi khi hai ông đụng độ nhau:

Lần thứ nhất là về vấn đề ăn chung (Ga 2,13). Số là Giáo Hội đã có quyết định rằng lương dân tòng giáo không bị buộc giữ tục lệ Do thái giáo, trong đó có tục lệ phân biệt những món ăn nào sạch những món ăn nào dơ. Bởi đó các tông đồ đều hòa đồng với lương dân, ăn chung bàn với họ. Nhưng một lần kia vì sự có mặt của những người Do thái nên vì muốn tránh không muốn gây khó chịu cho họ, nên thánh Barnaba và cả thánh Phêrô đã tránh ngồi chung bàn ăn với những người lương dân mới tòng giáo. Lần đó Phaolô đã nổi giận đứng lên công khai trách hai người nặng lời. Sách Thánh không viết gì về phản ứng ngược lại của hai vị, tức là hai vị đã nhịn. Chúng ta nên để ý: Lúc đó Phêrô vị lãnh đạo Giáo Hội, và Barnaba người đỡ đầu cho Phaolô. Phaolô chỉ là một người đến sau, một người cấp dưới. Là một người đến sau và là người cấp dưới như vậy mà hôm nay Phaolô dám công khai chỉ trích hai bậc trưởng thượng của mình trước mặt cả người Do thái lẫn người lương mới tòng giáo như vậy mà Phêrô và Barnaba vẫn nhịn. Đây phải nói là một tấm gương hết sức sống động về lòng khiêm tốn và coi trọng hòa khí.

Lần đụng độ thứ hai là về việc có liên quan đến Marcô (Cv 15,39) : Trong chuyến truyền giáo thứ nhất, Barnaba đã cho Marcô nhập đoàn. Nhưng sau một số gian khổ, Marcô đã bỏ cuộc về nhà với mẹ. Phaolô rất giận. Đến khi chuẩn bị chuyến truyền giáo thứ hai, Barnaba lại rủ Marcô đi theo, có ý là để cho Marcô đoái công chuộc tội. Nhưng Phaolô cương quyết không nhận. Phần vì Barnaba thiết tha muốn cứu vớt Marcô nên nhất định giữ anh này lại. Kết quả là Barnaba và Phaolô đành phải chia tay nhau, mỗi người dẫn một đoàn truyền giáo riêng đi giảng mỗi người một hướng. Thật không dè rằng chuyện bất đồng này lại đưa đến kết quả tốt. Đó là việc truyền giáo càng ngày càng được đẩy mạnh hơn. Và thêm một kết quả nữa cũng hết sức tốt đẹp. Nó đã chứng minh cho quan điểm của Barnaba là hợp lý. Đó là Barnaba đã thực sự cứu chữa được Marcô, không những đã giúp Marcô trở thành một tông đồ nhiệt thành mà sau này còn là tác giả quyển Tin Mừng thứ hai.

Tóm lại chúng ta thấy mỗi người chúng ta khi sinh ra đã mang sẵn một loại tính tình. Hãy sống Tin Mừng và loan Tin Mừng theo cá tính riêng của mình.

Đoạn Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ trước khi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Trong đó lời dặn đầu tiên là “Anh em hãy chữa lành” và lời dặn cuối cùng là “Đến đâu anh em hãy mang bình an tới đó”. Với cá tính tự nhiên thích hợp với hai điều này, Thánh Barnaba đã thực hiện rõ nhất hai lời căn dặn này của Chúa :

Ngài đã cứu giúp Phaolô khi đứng ra bảo lãnh cho Phaolô trước mặt các tông đồ ; rồi giúp cho hai bên hoà thuận với nhau, cộng tác với nhau một cách vui vẻ.

Ngài đã cứu giúp giáo đoàn Antiôkia, chẳng những đã hóa giải được mối e ngại của Giêrusalem đối với những hoạt động truyền giáo của giáo đoàn non trẻ này, mà còn khuyến khích họ, bồi dưỡng giáo lý cho họ và nâng uy tín của họ lên đối với giáo đoàn mẹ Giêrusalem. Rồi lại làm cho hai giáo đoàn mẹ con hòa thuận hợp tác với nhau.

Ngài cũng đã hỗ trợ chính giáo đoàn mẹ Giêrusalem, đem đồ cứu trợ của Antiôkia về cho Giêrusalem.

Cùng với Phaolô, Ngài bênh vực cho các tín hữu gốc lương dân trong hội nghị Giêrusalem. Góp phần làm cho kitô hữu gốc Do thái và kitô hữu gốc lương dân sống hòa thuận với nhau trong cùng một niềm tin.

Ngay cả khi có những đụng chạm với Phaolô, Thánh Barnaba cũng luôn giữ được bầu khi huynh đệ vì việc làm của ngài phát xuất bởi tấm lòng thích cứu chữa và hòa giải : Thí dụ như trong vụ ăn uống là vì Ngài không muốn gây cớ vấp phạm cho các tín hữu gốc Do thái ; trong vụ Marcô là vì Ngài muốn cứu vớt một kẻ đã lỡ một lần lỗi phạm.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có được tâm hồn giống như tâm hồn của thánh Barnaba: Luôn biết đấu tranh cho lẽ phải nhưng với một tấm lòng bao dung và nhất là chỉ vì yêu mến Chúa.

 

Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

Thánh Banaba, tông đồ: Chúa huấn dụ các Tông đồ (Mt 10, 6-13)

  1. Sau khi gọi 12 Tông đồ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền, Chúa Giêsu huấn dụ các Tông đồ nhiều điều khi sai các ông đi thực tập truyền giáo.

Trong huấn dụ truyền giáo, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ khi đi truyền giáo thì “đừng mang gì cả”. Người tông đồ của Chúa không được lệ thuộc vào vật chất, nhưng cần nhẹ nhàng thanh thoát như một người lữ hành. Hơn nữa, một người loan báo Tin mừng phải hoàn toàn tin tưởng, phó thác nơi Chúa quan phòng.

  1. Bài Tin mừng hôm nay đặc biệt hoạ lên chân dung của một vị Tông đồ của Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin mừng: mang sứ điệp Nước trời, chữa lành người đau yếu, sống khó nghèo và đem bình an đến cho mọi người. Vậy Chúa Giêsu sai mười hai Tông đồ đi thực tập truyền giáo tới nơi nào? Dặn dò các ông mang những gì? Truyền cho các ông phải nói gì? Phải có thái độ nào khi người ta tiếp đón hay không tiếp đón, thậm chí còn bị người ta xua đuổi... Đó là những điều chúng ta cần tìm hiểu trong bài này.
  2. Trước hết, Chúa bảo các ông phải rao giảng Nước trời. Đó là nội dung sứ điệp các ông phải giảng dạy. Nước trời đã được Ngài loan báo và thiết lập, nghĩa là với sự xuất hiện của Ngài, Nước trời không còn xa xôi, cũng không còn là lời hứa, nhưng đã hình thành trong thời gian qua sự hiện diện của Ngài, đã đến cùng với Ngài, chính Ngài thiết lập Nước trời ở trần gian.

Tiếp đến là khi đi truyền giáo, Chúa bảo các ông phải hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa, nghĩa là người môn đệ ra đi truyền giáo phải có tấm lòng từ bỏ tất cả, của cải vật chất, phải thoát ly ra ngoài vòng kiềm tỏa của tiền bạc...

Sau cùng, Chúa cho các ông biết: công việc rao giảng của các ông không dễ dàng, có người chấp nhận, có người không. Vậy các ông phải có thái độ thế nào? Gặp được nhà nào tốt lành chính đáng, niềm nở đón tiếp, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Làm như vậy là tỏ lòng kính trọng, trung thành và biết ơn lòng hiếu khách...

  1. Tin mừng hôm nay cũng cho thấy một điểm khó hiểu đến phi lý, đó là Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi vào một nơi vô định với hai bàn tay trắng, ngay cả một chút tiền túi cũng không, tất cả đều nằm trong chờ đợi. Thật là nghịch lý và khó hiểu, nhưng đó lại là điều Chúa muốn nơi các môn đệ: Ngài muốn cho họ sống nghèo khó để rồi khám phá ra đâu là sự giàu có đích thực. Người môn đệ nghèo, không phải vì họ không có khả năng làm giàu hoặc không được phép hưởng dùng của cải. Nhưng trong sự nghèo khó, họ sẽ khám phá ra ý nghĩa đích thực của giàu có và cảm nghiệm được tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Và cũng nhờ đó họ sẽ an tâm dồn nỗ lực cho việc rao giảng Tin mừng cứu rỗi (Mỗi ngày một tin vui).
  2. Hôm ấy là lễ thánh Têrêsa Avila, dòng kín Carmêlô tại Lisieux mở cửa cho giáo dân và du khách viếng thăm. Có một người du khách không hiểu lý do đời sống khắc khổ của các nữ tu đã thầm nghĩ: chỉ có những người không đủ ăn đủ mặc mới dấn thân vào đây. Gặp một nữ tu tại hành lang, ông nói: “Này chị, giả như chị có toà nhà sang trọng như toà nhà ở ngoài cổng đối diện với nhà Dòng, chị có thể hy sinh chôn mình trong bốn bức tường Dòng Kín này không?” Chị nữ tu mỉm cười trả lời: “Thưa ông, nhà ấy chính là nhà của tôi”. Quả thật, đó là nhà của chị thánh Têrêsa Hài Đồng mà người du khách hiếu kỳ vừa chất vấn.
  3. Đối với chúng ta ngày nay, mỗi người chúng ta khi nhận phép Rửa tội và phép Thêm sức, chúng ta đều được Chúa mời gọi và sai đi rao giảng Nước trời, tức là rao giảng về Chúa Giêsu, về tình thương của Ngài và những hồng ân của Thiên Chúa, có người bằng việc làm, có người bằng lời nói, nhưng tất cả đều rao giảng bằng chính đời sống của mình.
  4. Truyện: Nhạc sĩ Phó tế Vũ Thành An

Mới đây, với chủ đề nhạc thính phòng, trung tâm ca nhạc Thuý Nga có trụ sở tại Paris đã giới thiệu một số nhạc sĩ quen thuộc, trong đó nhạc sĩ Vũ Thành An được chú ý tới một cách đặc biệt. Người ta chú ý đến người nhạc sĩ này không phải vì những “Bài ca không tên” bất hủ của ông hồi trước năm 1975, mà vì cuộc hành trình đức tin mà ông đã chia sẻ trong cuốn băng.

Như một linh mục đứng trên bục giảng trong nhà thờ, nhạc sĩ Vũ Thánh An cho biết ông đã gặp gỡ Chúa Kitô. Với tất cả niềm vui và xác tín của mình, ông đã kể lại cho mọi người nghe tại sao ông đã trở lại với đức tin Công giáo? Tại sao ông đã chuyển hướng để chỉ sáng tác thánh ca và hiện đang phục vụ Giáo hội trong chức Phó tế vĩnh viễn.

Với những khán thính giả ngoài Kitô giáo, những điều chia sẻ của nhạc sĩ Vũ Thành An hẳn là một trong những bài giảng hay nhất và có sức thuyết phục nhất. Dù có dửng dưng và lạnh lùng đến đâu, có lẽ không ai mà không bị đánh động bởi cung cách tuyên xưng và rao giảng Tin mừng một cách vô cùng đơn sơ và cũng vô cùng can đảm của người nhạc sĩ này.

Truyền giáo là chia sẻ niềm tin mà mình đã và đang sống một cách xác tín và triệt để. Có lẽ nhạc sĩ Vũ Thành An đã thực thi đúng mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông đồ trong bài Tin mừng hôm nay: “Các con đã nhận lãnh nhưng không, các con cũng hãy cho nhưng không”.

 

Top