Năm Đức tin của Đức Thánh Cha Phaolô VI
Trong tự sắc Porta Fidei (số 4) công bố Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc lại rằng trước đây Năm Đức Tin cũng đã được cử hành dưới thời Đức Thánh Cha Phaolô VI. Trong bài này, chúng tôi muốn nhắc lại vắn tắt biến cố ấy và đặc biệt giới thiệu bản tuyên xưng “Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa” được đọc vào ngày bế mạc.
I. Ý nghĩa của Năm Đức Tin
Do Tông Huấn Petrum et Paulum Apostolos (ngày 22/2/1967), Đức Thánh Cha Phaolô VI tuyên bố một Năm Đức Tin, từ ngày 29/6/1967 đến ngày 29/6/1968, để kỷ niệm 1900 năm cuộc tuẫn đạo của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Trong văn kiện vừa kể, Đức Thánh Cha nêu lý do của biến cố này. Ngoài việc tưởng nhớ hai thánh tông đồ, cũng giống như Đức Thánh Cha Piô IX đã làm một thế kỷ trước đó, Hội thánh thời nay cần tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu đứng trước những nguy hiểm của thời đại: bên ngoài là não trạng vô thần của xã hội, quá tự tin vào khoa học và lãng quên Thiên Chúa; nhưng nhất là ngay trong lòng Hội thánh cũng có những tư tưởng đòi xét lại niềm tin cổ truyền. Đối với đức Phaolô VI, những kẻ “nội thù” còn nguy hại hơn là những kẻ thù bên ngoài.
Để hiểu vấn đề, cần đi ngược lại dòng thời gian. Công đồng Vaticanô II bế mạc ngày 8/12/1965, mang lại nhiều “vui mừng và hy vọng” nơi nhiều người. Nhưng sau một thời gian ngắn, một bầu khí căng thẳng đè nặng lên Giáo hội. Phái “cấp tiến” muốn thừa thắng xông lên, đẩy mạnh công cuộc canh tân của công đồng trong mọi lãnh vực: đức tin, phụng vụ, kỷ luật. Phái “bảo thủ” đâm ra lo lắng cho những đề nghị quá đà ấy, và lo sợ cho sự tồn tại của Hội thánh, không hiểu còn duy trì sự liên tục với truyền thống các thánh tông đồ hay không, và quay ra bài xích công đồng.
Trong Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha đã dành nhiều bài huấn dụ để giải thích ý nghĩa của đức tin trong nhiều bài huấn dụ nhân ngày tiếp kiến chung ngày thứ tư hằng tuần:
Năm Đức Tin cần phải được năng động với nhiều công phúc (1/3/1967). Mỗi trang của công đồng nếu nói đến đức tin (8/3/1967). Đức tin là ngọn đèn trên cuộc lữ hành dương gian (15/3/1967). Những cuộc gặp gỡ của Chúa Phục sinh với các thánh tông đồ (29/3/1967). Đức tin là điều làm chúng ta chiến thắng thế gian (5/4/1967). Vượt lên những sự yếu đuối của thời đại chúng ta (12/4/1967). Thực tại rực rỡ của Kinh Tin Kính (19/4/1967). Cả đức trinh nữ Maria cũng tiến bước trên cuộc lữ hành đức tin (10/5/1967). Giảng dạy tốt và ngoan ngoãn lắng nghe Tin mừng (31/5/1967). Luôn luôn tỉnh thức để duy trì đạo lý được nguyên tuyền (14/6/1967). Tìm kiếm chân lý và kiên trì trong việc cầu nguyện (21/6/1967). Cử hành long trọng cuộc tuẫn đạo của hai thánh Phêrô và Phaolô (29/6/1967: Thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin). Gia sản tuyệt vời của các thánh tông đồ (5/7/1967). Với đức tin, cuộc đời không đen tối (27/9/1967). Mầu nhiệm Hội thánh, phẩm giá và sứ mạng của người Kitô hữu (10/1/1968). Lắng nghe và đi theo Chúa Kitô giữa những tình huống ngang trái của thế giới (31/1/1968). Ý nghĩa và giá trị của việc thuộc về Hội thánh (13/3/1968). Chứng tá của thánh Phêrô trải qua các thế kỷ (3/4/1968). Vui mừng và hy vọng vì sự thức tỉnh lương tâm Kitô giáo (25/4/1968). Hoạt động tông đồ của các tín hữu(15/5/1968). Sự dấn thân của mỗi người tín hữu (22/5/1968). Những nhân đức gương mẫu và sự bầu cử của Mẹ Maria (29/5/1968). Đức tin mang lại ánh sáng và nâng đỡ (5/6/1968). Nhìn nhận và chúc tụng Thiên Chúa cao cả và khoan nhân (12/6/1968). Một đức tin sống động (19/6/1968).Thánh Phêrô và thánh Phaolô, nền tảng của Giáo hội Rôma (26/6/1968). Tuyên xưng đức tin(Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin: 30/6/1968). Chú giải Kinh Tin Kính (3/7/1968). Tuyên xưng và hành động (10/7/1968). Đức tin và đời sống luân lý (17/7/1968). Ý nghĩa Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa (30/10/1968).
Đức Thánh Cha đã dành không ít bài để diễn giảng Kinh Tin Kính, đặc biệt là Kinh Tin Kính mà ngài đã soạn.
II. Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa
Một đặc trưng của Năm Đức Tin là vào ngày bế mạc Năm Đức Tin (30/6/1968)[1], Đức Thánh Cha Phaolô VI đã đọc một bản tuyên xưng đức tin, được đặt tên là “Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa”. Sau khi nhắc qua nguồn gốc lịch sử của bản kinh này, chúng ta sẽ tìm hiểu nội dung của nó.
A. Lịch sử
Vào giai đoạn cuối của công đồng Vaticanô II, cha Yves Congar đã đề nghị một bản tuyên xưng đức tin, giống như các công đồng trước đây, nhưng thay vì những lời kết án các lạc thuyết, cha đề nghị một công thức dựa trên tư tưởng của Kinh thánh hơn. Xem ra đề nghị ấy không được quan tâm cho lắm.
Sau khi Năm Đức Tin đã bắt đầu, Thượng Hội Đồng Giám mục được triệu tập tại Rôma từ ngày 29/9 đến 29/10, để bàn về việc duy trì và củng cố đức tin công giáo. Các nghị phụ đã nghiên cứu sự bành trướng của chủ nghĩa vô thần, cuộc khủng hoảng đức tin, những tư tưởng thần học lệch lạc. Thượng Hội Đồng đã đề nghị đức Phaolô VI một bản tuyên ngôn đức tin, để soi sáng cho các tín hữu biết những gì thuộc về đức tin công giáo, và những gì chỉ là ý kiến của các nhà thần học. Mặt khác, từ tháng 10 năm 1966, dư luận rất xôn xao sau khi cuốn sách Giáo lý Hà Lan được xuất bản, trong đó đặt lại nhiều vấn đề thuộc đức tin, chẳng hạn như về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể, sự trinh khiết của Đức Maria, tội nguyên tổ. Tòa thánh đã thiết lập một Ủy ban Hồng y để duyệt lại cuốn sách này.
Ngày 14/12, hồng y Charles Journet, một thành viên của Ủy ban, được Đức Thánh Cha tiếp kiến, và ngài đã gợi ý soạn một Kinh Tin Kính. Đức Thánh Cha đồng ý và nhờ chính hồng y soạn thảo bản văn. Thực ra ý tưởng này do ông Jacques Maritain đã gợi lên cho đức hồng y, và sau khi được sự ủy thác của đức Phaolô VI, ngài lại nhờ ông viết bản văn. Bản thảo đã hoàn tất vào tháng giêng năm 1968 và được chuyển sang Rôma. Sau nhiều cuộc trao đổi giữa ông Maritain và hồng y Journet với bộ Giáo lý Đức tin, bản văn cuối cùng đã hoàn tất vào tháng 4[2].
Về giá trị đạo lý của bản tuyên xưng này, chính Đức Thánh Cha đã xác nhận rằng đây không phải là một việc công bố tín điều theo nghĩa chặt; tuy vậy nó mang ý nghĩa đặc biệt bởi vì là lời tuyên xưng long trọng các chân lý cổ kính từ công đồng Nixea và thêm vào những giải thích do điều kiện thời nay đòi hỏi[3].
B. Cấu trúc
Các tín biểu cổ điển được chia thành ba phần, tương ứng với công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Công đồng Trentô lấy lại tín biểu của công đồng Constantinopolis, và thêm những đạo lý mới vào phần cuối. Kinh Tin Kính Dân Chúa tuy lấy những tư tưởng chính của tín biểu Constantinopolis nhưng xếp đặt theo một cấu trúc khác, và thậm chí xen thêm những lời giải thích vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Đức Kitô. Bản Tuyên xưng đức tin gồm 30 số, gồm 7 số dẫn nhập giải thích lý do của việc tuyên xưng[4] và 23 số còn lại là bản kinh. Thiết tưởng có ít là hai cách thức để phân chia nội dung: 1/ dựa theo những lời mở đầu “chúng tôi tin”; 2/ dựa theo những chủ đề chính.
(1) Dựa theo những lời mở đầu, chúng ta có thể kể ra ít là hai mươi câu khẳng định (tín điều).
Công thức “Chúng tôi tin” không chỉ mang tính cách trang trọng, nhưng còn phản ánh lối văn của các bản tuyên xưng đức tin cổ truyền của các công đồng (kể cả bản kinh của công đồng Constantinopolis): các giám mục tuyên xưng đức tin nhân danh toàn thể Hội thánh.
1. Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.
2. Chúng tôi tin Thiên Chúa duy nhất ... là Đấng Hiện Hữu và Tình yêu.
3. Chúng tôi tin Đức Chúa Cha đã sinh Đức Chúa Con từ trước vô cùng.
4. Chúng tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa.
5. Chúng tôi tin Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống.
6. Chúng tôi tin Đức Maria là Mẹ, trọn đời đồng trinh, của Ngôi Lời Nhập thể.
7. Chúng tôi tin mọi người đã phạm tội nơi ông Ađam.
8. Chúng tôi tin Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi, đã chuộc chúng tôi khỏi tội tổ tông và khỏi mọi tội riêng mình phạm.
9. Chúng tôi tin Chúa Giêsu Kitô đã lập phép rửa để tha tội.
10. Chúng tôi tin Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, được Chúa Kitô đã xây trên tảng đá Phêrô.
11. Chúng tôi tin tất cả những gì chứa đựng trong Lời Chúa đã được ghi chép và truyền lại.
12. Chúng tôi tin Đấng kế vị thánh Phêrô được ơn bất khả ngộ.
13. Chúng tôi tin Hội thánh duy nhất trong đức tin và phụng tự và trong sự hiệp thông phẩm trật.
14. Chúng tôi tin rằng Hội thánh là cần thiết cho phần rỗi.
15. Chúng tôi tin Thánh lễ là lễ hy sinh núi Sọ hiện diện cách bí tích trên bàn thờ.
16. Chúng tôi tin bánh và rượu do tư tế thánh hiến trở nên Mình và Máu Thánh của Chúa Kitô hiển vinh.
17. Chúng tôi tuyên xưng rằng Nước Thiên Chúa được khơi mào ở thế gian này trong Hội thánh Chúa Kitô, nhưng không thuộc về thế gian.
18. Chúng tôi tin cuộc sống muôn đời.
19. Chúng tôi tin rằng toàn thể những linh hồn được tụ họp chung quanh Chúa Giêsu và Đức Maria trên thiên đàng họp thành Hội thánh trên trời.
20. Chúng tôi tin rằng mọi tín hữu hiệp thông trong Chúa Kitô.
(2) Dựa theo những chủ đề tài chính, ta có thể chia thành 8 mục, sau phần nhập đề: Mầu nhiệm Thiên Chúa nhất thể tam vị, Mầu nhiệm đức Kitô, Thánh Linh, Thánh mẫu, Tội nguyên tổ, Hội thánh, Thánh Thể, Cánh chung. Chúng ta hãy nhìn qua nội dung của mỗi mục
Nhập đề (số 1-7)
Lý do của việc tuyên xưng. Giá trị đạo lý của bản tuyên xưng.
1/ Thiên Chúa Nhất vị Tam thể (số 8-10)
* số 8: Tuyên xưng một Thiên Chúa trong ba ngôi. (Tín biểu Constantinopolis: Thiên Chúa là Cha, Đức Kitô là Chủ tể, đồng bản thể với Cha). Đấng Tạo dựng (vì là một hoạt động bên ngoài cho nên được quy cho cả ba ngôi) muôn vật: hữu hình và vô hình (kể cả các thiên sứ: công đồng Lateranô IV) và mỗi linh hồn con người, thiêng liêng và bất tử (công đồng Laterano V).
* số 9: Thiên Chúa duy nhất theo bản tính nhưng bao gồm tất cả mọi thiện hảo: Ngài là Hiện hữu, Tình yêu, khôn tả và khôn thấu.
* số 10: Sự nhiệm xuất: Con được sinh ra; Thánh Linh phát xuất từ Cha và Con.
2/ Đức Kitô (số 11-12)
* số 11: Sự Nhập thể
- Thiên tính của đức Kitô: Chủ tể, Con Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa, cùng một bản thể với Cha.
- Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành (công đồng Nixêa)
- Ngôi Lời đã làm người (công đồng Nixêa) nghĩa là với một linh hồn và thân xác con người.
- do quyền năng của Thánh Linh ...: Đức Maria là trinh nữ và là mẹ (chống lại thuyết ảo thân, ngộ giáo).
- Đức Kitô có hai bản tính (công đồng Ephesô, Calxêđonia, tín biểu Athanasiô).
* số 12: Mầu nhiệm Cứu chuộc
- Đức Kitô cư ngụ giữa chúng ta, mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta, loan báo và thiết lập Nước Thiên Chúa. Người mạc khải Thiên Chúa là Cha, mạc khải điều răn mới của các chân phúc.
- Mầu nhiệm Vượt qua: Tử nạn (chịu chết trên thập giá, cứu cuộc trong máu của Người). Phục sinh; Lên trời.
- Quang lâm và Chung thẩm.
3/ Thánh Linh (số 13)
* Tín biểu Constantinopolis: Thánh Linh là Chúa, Đấng ban sự sống, được phụng thờ và tôn vinh với Cha và Con, Người đã phán dạy qua các ngôn sứ.
* Tác động của Thánh Linh trong Hội thánh: Người được phái đến Hội thánh để soi sáng, thánh hóa, bảo vệ Hội thánh (Hội thánh bất khả hủy).
4/ Thánh mẫu (số 14-15)
* số 14: Đức Maria là Thiên mẫu (Công đồng Ephesô); trọn đời trinh khiết; vô nhiễm nguyên tội.
* số 15: Đức Maria hồn xác lên trời. Vai trò chuyển cầu. Mẹ của Hội thánh (Lumen gentium).
5/ Tội nguyên tổ (số 16-18)
* số 16: Khẳng định tội nguyên tổ. (Tình trạng thánh thiện và công chính vào buổi đầu; tội của ông Ađam và được truyền lại, chứ không phải do bắt chước: Công đồng Trentô).
* số 17: Công trình cứu chuộc của đức Kitô.
* số 18: Sự cần thiết của bí tích rửa tội, kể cả cho các nhi đồng (Công đồng Trentô).
6/ Hội thánh (số 19-23)
* số 19: Những yếu tố cấu thành Hội thánh: một (duy nhất, hợp nhất), thánh thiện, công giáo, tông truyền, hữu hình và vô hình (Lumen gentium).
* số 20: Đặc ân bất khả ngộ khi truyền thông gia sản đức tin (Lumen gentium, 25).
* số 21: Duy nhất và đa dạng trong Hội thánh: duy nhất trong đức tin, phụng tự, dây hiệp thông; đa dạng trong nghi điển phụng vụ; khác biệt trong gia sản thần học và tâm linh (Lumen gentium).
* số 22: Niềm tin và hy vọng vào sự hợp nhất Hội thánh.
* số 23: Hội thánh cần thiết cho sự cứu độ.
7/ Thánh Thể (số 24-26)
* số 24: Thánh lễ thực sự là hy lễ (Công đồng Trentô).
* số 25: Chúa Kitô thực sự hiện diện trong bí tích, nhờ sự biến đổi gọi là “transsubstantiatio”.
* số 26: Chúa Kitô hiện diện thường xuyên trong bí tích. Việc tôn thờ Thánh Thể.
8/ Cánh chung (số 27-30)
* số 27: Hội thánh trong thế giới: Nước Thiên Chúa và các giá trị trần thế
* số 28: Đời sống vĩnh hằng. Luyện tội. Cánh chung trung thời. Sự phục sinh.
* số 29: Thiên đàng. Hội thánh thiên quốc.
* số 30: Sự hiệp thông các thánh.
Nguyên bản tiếng Latinh được đăng trong AAS 60 (1968) 434-445. Bản dịch Việt ngữ được đăng trên Linh mục nguyệt san Sacerdos số 81, tháng 8 năm 1968, trang 498-507, với vài sửa đổi (cách riêng phân đoạn, đặt tựa đề).
Kinh Tin Kính của Dân Chúa
Anh em đáng kính và các con yêu dấu,
1. Với lễ nghi trang trọng này chúng tôi bế mạc năm kỷ niệm 19 thế kỷ cái chết anh hùng của hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, và như thế chúng tôi cũng muốn bế mạc, “Năm Đức Tin” để kính nhớ liệt vị Tông đồ, để chứng tỏ ý chí trung thành không thể nao núng vào kho tàng đức tin (x. 1Tm 6,20) mà các ngài truyền lại cho chúng ta, đồng thời để củng cố ý muốn sống đức tin đó trong giai đoạn lịch sử Giáo Hội đang trải qua đường lữ thứ trần gian.
Những lời cám ơn
2. Chúng tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải cám ơn cách công khai tất cả những người đã hưởng ứng lời kêu gọi của chúng tôi, đã đem lại cho “Năm Đức Tin” sự sung mãn lạ lùng của nó bằng cách đào sâu niềm tin tưởng của chính bản thân vào Lời Thiên Chúa, bằng cách tổ chức những cuộc đoàn thể tuyên xưng đức tin và thực hiện nhân chứng về đời sống Kitô hữu. Với anh em trong hàng Giám mục, và với đoàn thể tín hữu trong Hội thánh Công Giáo, chúng tôi muốn ngỏ lời cám ơn cách riêng và ban phép lành Toà Thánh đặc biệt.
Nhiệm vụ củng cố đức tin cho anh em
3. Đồng thời, chúng tôi nhận thấy nhiệm vụ phải thi hành sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao phó cho thánh Phê-rô mà chúng tôi là người kế nghiệp - người rốt nhất xét về công trạng - đó là sứ mệnh củng cố đức tin nơi các anh em (x. Lc 22,32). Dĩ nhiên chúng tôi ý thực sự yếu hèn của chúng tôi, nhưng với tất cả sức mạnh do một sứ mệnh thông đạt cho chúng tôi, giờ đây chúng tôi, xin tuyên xưng đức tin của chúng tôi, chúng tôi tuyên đọc một kinh Tin Kính, tuy không là tuyên bố một tín điều, nhưng là lặp lại và quảng diễn Kinh Tin Kính của Công đồng Ni-xê của Thánh truyền bất tử trong Hội Thánh Thiên Chúa, phù hợp với hoàn cảnh ngày nay.
Người thời đại trước vấn đề đức tin
4. Làm như thế là vì chúng tôi nhận thấy nỗi niềm ưu tư hiện đang dằn vặt tâm can con người thời đại trước vấn đề đức tin. Họ không thể thoát ly ảnh hưởng của một thế giới đang bị lung lay tân gốc, trong đó có nhiều xác tín cũng bị đem ra mổ xẻ và tranh luận. Chúng tôi thấy cả những người Công giáo cũng đang say mê mới lạ và đổi thay. Đã hẳn Giáo Hội luôn luôn có bổn phận cố gắng nghiên cứu và trình bày, một cách thích hợp với tâm trạng người thời nay, những mầu nhiệm khôn lường của Thiên Chúa, mang nặng những hiệu quả cứu độ cho mọi người. Tuy nhiên, phải hết sức thận trọng, trong khi nghiên cứu tìm hiểu, không được vi phạm đến giáo lý tinh truyền của đạo, vì như thế, chỉ sinh hỗn độn và gây hoang mang cho bao người tín hữu, như kinh nghiệm đã cho biết.
Trách vụ người chú giải
5. Muốn thế, cần phải nhớ rằng bên kia cái có thể quan sát và kiểm chứng một cách khoa học được, trí khôn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta có thể hiểu cái thực hữu, chứ không chỉ là sự bộc lộ chủ quan của những cơ cấu và của sự tiến hoá lương tâm; mặt khác trách vụ của người Chú giải là vừa tôn trọng vừa tìm hiểu và làm sáng tỏ ý nghĩa thật của nguyên văn, chứ không võ đoán đưa ra một nghĩa giả định.
Niềm tin tưởng sắt đá
6. Nhưng, trước hết và trên hết, chúng tôi đặt niềm tin tưởng sắt đá của chúng tôi nơi Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, và nơi chính Đức Tin là nền tảng của đời sống của Nhiệm thể (Chúa Kitô). Chúng tôi biết các tâm hồn đang mong chờ vị đại diện của Chúa Kitô lên tiếng, và trong nhiều dịp chúng tôi đã đáp ứng lòng mong đợi đó. Thế nhưng hôm nay là cơ hội đặc biệt để nói lên một lời trang trọng hơn.
Nhân danh toàn thể Dân Chúa
7. Trong ngày được chọn để bế mạc Năm Đức Tin, ngày lễ hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, chúng tôi muốn dâng lên Thiên Chúa hằng sống lễ vật tuyên xưng đức tin của chúng tôi. Và cũng như xưa, tại Cêsarê Philipphê, Tông đồ Phêrô đại diện cho mười hai Tông đồ đã vượt trên dư luận người đời, tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống, thì nay, người kế vị hèn mọn của Người, chủ chiên của Hội thánh hoàn vũ, xin được phép lên tiếng nhân danh toàn thể Dân Chúa, để làm chứng về chân lý thiên linh đã được uỷ thác cho Hội thánh để truyền bá cho mọi dân tộc.
Chúng tôi muốn cho việc tuyên xưng đức tin của chúng tôi được khá đầy đủ và rõ ràng, để đáp ứng đặc biệt với nhu cầu của bao tâm hồn tín hữu cũng như của bao người đang sống trong trên mặt đất, thuộc bất cứ Cộng đồng tôn giáo nào, đang đi tìm ánh sáng Sự Thật.
Để làm vinh danh Thiên Chúa cực thánh và Đức Kitô Chúa chúng ta, cậy trông vào sự phù giúp của Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, để mưu ích cho Giáo Hội, nhân danh toàn thể các chủ chăn và tín hữu, giờ đây chúng tôi đọc lời tuyên xưng Đức tin, trong niềm hiệp thông tinh thần với tất cả các anh em và con cái yêu dấu.
Tuyên xưng Đức tin
I. Thiên Chúa nhất thể tam vị
8. Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất, là Cha, Con và Thánh Thần, Đấng tạo thành muôn vật, hữu hình như thế giới này, nơi đây chúng ta đang sống đời tạm bợ, và vô hình như các thuần thần cũng gọi là thiên thần (x. Dz.-Sch. 3002) và là Đấng tạo thành linh hồn thiêng liêng và bất tử ở nơi mỗi người.
9. Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa duy nhất là một trong bản thể vô cùng thánh thiện, gồm hết mọi thiện hảo, toàn năng, hiểu biết vô tận, quan phòng, có ý muốn và tình thương. Thiên Chúa là Đấng hiện hữu, như Ngài đã mặc khải với Mai-sen (x. Xh 3,14); và Thiên Chúa là Tình Yêu, như thánh tông đồ Gioan dạy (x. 1 Ga 4,8): Hiện Hữu và Tình Yêu hai danh hiệu để chỉ một bản tính khôn tả của Thiên Chúa, Đấng đã khấng tỏ mình ra cho chúng ta, Đấng “ngự trên ánh sáng siêu phàm” (x. 1 Tm 6,16), Đấng ở trên mọi danh hiệu, ở trên vạn vật và trên mọi lý trí thụ tạo. Duy chỉ Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta biết đúng và biết đầy đủ về đời sống Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần, cuộc sống mà chúng ta được mời gọi đến chia sẻ, ngay từ đời này trong bóng tối đức tin và đời sau trong ánh sáng vĩnh cửu.
Những dây liên lạc hỗ tương đã cấu tạo nên Ba Ngôi tự nguyên thuỷ, cũng làm cho Ba ngôi chung một bản tính Thiên Chúa, nói lên đời sống hạnh phúc thân mật của Thiên Chá chí thánh, vượt trên mọi hiểu biết và suy lường của trí khôn loài người (x. Dz-Sch 804). Vì thế chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa nhân lành, bởi vì có nhiều tín đồ trên thế giới cùng làm chứng cho Thiên Chúa duy nhất trước mặt loài người mặc dù họ không biết đến mầu nhiệm Tam vị chí thánh.
10. Còn chúng tôi, chúng tôi tin kính Đức Chúa Cha, Đấng đã sinh ra Đức Chúa Con từ trước muôn đời; chúng tôi tin kính Đức Chúa Con là Ngôi Lời Thiên Chúa tự đời đời đã được sinh ra; chúng tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là ngôi vị không được tạo thành, xuất phát bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Như vậy, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng vĩnh cửu, đồng bình đẳng (xc. Dz SCh 75), chan hoà một cách viên mãn đời sống vinh quang và hạnh phúc bất diệt của Thiên Chúa, vì thế luôn luôn “phải được tôn kính là một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, và Thiên Chúa Ba Ngôi trong một bản thể duy nhất” (Dz-Sch. 75).
II. Đức Kitô
11. Chúng tôi tin kính Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng tôi. là Con Thiên Chúa. Người là Ngôi Lời, được sinh ra bởi Đức Chúa Cha tự trước muôn đời, đồng bản tính với Đức Chúa Cha (Dz-Sch. 150), nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria do quyền năng Đức Chúa Thánh Thần, và đã làm người: Người bằng Đức Chúa Cha về bản tính Thiên Chúa, Người ở dưới Đức Chúa Cha về bản tính loài người, (x. Dz.-Sch. 76): hai bản tính không trà trộn (một điều không thể nào có được) nhưng hợp trong một ngôi vị duy nhất.
12. Người “đến cư ngụ giữa chúng ta ..., tràn đầy ơn thánh và chân lý” (Ga 1,14). Người đã loan báo và thiết lập Nước Thiên Chúa, Người mạc khải Chúa Cha cho chúng ta nơi chính bản thân mình. Người đã truyền cho chúng ta một điều răn mới là yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15,12). Người dạy chúng ta con đường đi đến Phúc thật của Tin Mừng đó là: tinh thần khó nghèo, hiền từ, kiên nhẫn trong đau khổ, khao khát công lý, hay thương xót, tâm hồn trong sạch, ý muốn hoà bình, cam chịu bách hại vì công lý (x. Mt 5,1-10).
Người đã thụ hình dưới thời quan Phongxiô Philatô, như Chiên Thiên Chúa gánh các tội lỗi trần gian (x. Ga 1,29): Người đã chết trên thập giá vì chúng ta, đã mang lại cho chúng ta ơn cứu độ bằng máu chuộc tội (x. Dt 9,23). Người chịu mai táng trong mồ, đã chỗi dậy ngày thứ ba bởi quyền năng của mình, do sự phục sinh Người nâng cao chúng ta lên để thông dự vào đời sống thần linh, tức là ơn thánh. Người lên trời, từ đó Người sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, mỗi người tùy theo công trạng của mình: những ai sống cho tình yêu và thảo hiếu với Thiên Chúa sẽ được hưởng phúc đời đời, những ai khước từ Thiên Chúa sẽ bị luận phạt muôn kiếp. Và Nước Người không bao giờ cùng.
III. Đức Chúa Thánh Thần
13. Chúng tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người cùng được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy, Người được cử đến với chúng ta do Chúa Kitô sống lại và lên trời: Người soi sáng, linh hoạt, che chở và điều khiển Hội thánh, Người thánh hoá các linh hồn miễn là họ không từ chối ơn của Người. Người hành động trong thâm sâu của linh hồn, khiến cho họ có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu “chúng con hãy nên trọn lành như Cha chúng con ở trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48).
IV. Thánh Mẫu Maria
14. Chúng tôi tin Đức Maria là Mẹ trọn đời đồng trinh của Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa và là Đấng cứu chuộc chúng tôi, Chúa Giêsu Kitô (x. Dz.-Sch. 251-252). Do một đặc ân, Đức Maria đã được cứu chuộc một cách khác thường (x. Lumen gentium, 53), vì nhìn thấy công nghiệp của Con mình mà Mẹ được giữ khỏi mọi vấn vương tội truyền (x. Dz.-Sch. 2803), và nhờ ân sủng đặc biệt Mẹ đã vượt lên trên tất cả mọi loài thụ tạo (x. Lumen gentium, 53).
15. Liên kết chặt chẽ bằng sợi dây chặt chẽ và bất khả ly với mầu nhiệm nhập thể và cứu thế (x. Lumen gentium, 53, 58, 61), đức thánh Trinh Nữ Maria vô nhiễm nguyên tội, sau cuộc đời dương thế đã được đem cả linh hồn và cả xác lên hưởng vinh quang trên trời (x. Dz.-Sch. 3903), và, giống như Con chí thánh của mình đã sống lại từ cõi chết và đạt tới trước số phận dành cho tất cả những người công chính. Chúng tôi tin đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Eva mới, Mẹ Giáo Hội (x. Lumen gentium, 53, 56, 61, 63; x. AAS LVI,1964, 1016), ở trên trời vẫn tiếp tục làm Mẹ các chi thể của Chúa Kitô, cộng tác với việc sinh dưỡng và phát triển đời sống Thiên Chúa trong hết những người đã được cứu chuộc (x. Lumen gentium 62).
V. Tội nguyên tổ
16. Chúng tôi tin mọi người đã phạm tội nơi ông Ađam, nghĩa là tội do Adong phạm nhưng truyền hậu quả lại cho mọi người, vì mọi người có cùng bản tính như ông. Tình trạng này không còn như trước khi bản tính con người đã sa đoạ, được dựng nên trong sự thánh thiện và công chính, và con người được thoát khỏi tội và cái chết. Vì thế bản tính sa đọa đã được truyền lại cho tất cả mọi người, thiếu mất ơn thánh mà trước đây nó đã được trang điểm, năng lực tự nhiên bị thương tổn, và bị cái chết thống trị. Đó là ý nghĩa câu nói: mọi người đều sinh ra trong tội. Với Công đồng Triđentinô, chúng tôi xác nhận rằng tội nguyên tổ đã truyền lại cùng với bản tính loài người, “không vì bắt chước mà vì truyền sinh” và chính vì thế nó gắn với mỗi người” (Dz-Sch. 1513).
17. Chúng tôi tin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, bằng hy sinh thập giá đã cứu chuộc chúng ta khỏi tội tổ tông và khỏi mọi tội riêng mình phạm, đến nỗi theo lời thánh Phao-lô, “ở đâu tội chất đống lên, ở đấy có ơn thánh tràn ngập” (Rm 5,20).
18. Chúng tôi tuyên xưng lòng tin vào một phép rửa duy nhất, do Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta, đã thiết lập để tha tội. Vậy, phải rửa tội cho cả trẻ em mới sinh, chưa thể phạm tội cá nhân, ngõ hầu khi sinh ra đã thiếu ân sủng siêu nhiên, các em được sinh lại “bởi nước và bởi Chúa Thánh Thần”, nghĩa là sinh vào đời sống thần linh trong Chúa Giêsu Kitô (x. Dz-Sch. 1514).
VI. Hội thánh
19. Chúng tôi tin kính Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, do Chúa Kitô đã xây dựng trên tảng đá Phêrô. Hội thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô, vừa là xã hội hữu hình với các cơ quan phẩm trật, vừa là một cộng đoàn thiêng liêng; đó là Hội thánh dưới trần gian, Dân Chúa trên đường lữ hành, mang theo các ân trạch trên trời và Hội thánh được đầy tràn ân phúc trên trời. Hội thánh là hạt giống và hoa trái đầu mùa của Nước Trời, nhờ Hội thánh mà sự nghiệp và cuộc thụ nạn của Đấng cứu chuộc sẽ được tiếp tục trải qua các thế hệ, và sẽ chỉ hoàn tất cách hoàn hảo trong vinh quang thiên đàng (x. Lumen gentium, 8, 5).
Các bí tích
Theo dòng thời gian, Chúa Giêsu thành lập Hội thánh của Người nhờ các bí tích trào ra từ sự viên mãn của mình (x. Lumen gentium, 7, 11). Thật vậy, nhờ các bí tích, Hội thánh làm cho mọi người được tham dự vào mầu nhiệm cái chết và sống lại của Chúa Kitô, được lãnh ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống và sức hoạt động (Lumen gentium, 7, 12, 50). Hội thánh quả là thánh thiện, mặc dầu bao gồm trong lòng mình nhiều người tội lỗi, bởi vì Hội thánh không có sự sống nào khác là sự sống ơn thánh; nếu các phần tử nuôi dưỡng nhờ ơn thánh thì chắc chắn là họ được nên thánh; nếu họ tách ra khỏi sự sống đó thì sẽ mắc tội và những vết nhơ trong linh hồn, làm cho sự thánh thiện của Hội thánh không được phát triển. Bởi vậy Hội thánh buồn sầu và đền tội vì các lầm lỗi đó, tuy nhiên Giáo Hội có thẩm quyền giải thoát con cái mình khỏi các lầm lỗi nhờ Máu Chúa Kitô và ân ban Chúa Thánh Linh.
Nhiệm vụ truyền bá chân lý
20. Thừa hưởng các lời Thiên Chúa hứa, là con của Abraham theo Thánh Thần, là Israel mới, đầy lòng cung kính các vị tổ phụ và tiên tri, được thiết lập trên nền tảng Tông đồ (x. Ep 2,20) để truyền bá lời hằng sống từ đời nọ sang đời kia, được uỷ thác quyền chăn chiên nơi vị kế nghiệp Thánh Phêrô và nơi các giám mục thông hảo cùng Toà Thánh, được Chúa Thánh Thần luôn luôn trợ lực, Hội thánh có nhiệm vụ trông coi, giảng dạy, cắt nghĩa và truyền bá Chân Lý mà Thiên Chúa mạc khải xưa kia cách ẩn hiện nơi các tiên tri và một cách sung mãn nơi Chúa Kitô. Vì thế chúng tôi tin “tất cả Lời Chúa đã được ghi chép và truyền lại, mà Giáo Hội dạy phải tin như điều mạc khải, hoặc công bố trong thể như một tín điều hoặc qua huấn quyền thông thường phổ quát” (x. Dz-Sch. 3011). Chúng tôi tin rằng đấng kế vị thánh Phêrô được ơn bất khả ngộ khi ngài tuyên bố ex cathedra với tư cách là chủ chiên và thầy dạy của toàn thể các tín hữu (x.Dz.-Sch. 3074); (chúng tôi tin rằng) cả giám mục đoàn cũng hưởng ơn đó, khi đồng thi hành quyền giáo huấn tối thượng với Đức Gíao Hoàng (x. Lumen gentium, 25).
Hội thánh duy nhất trong khác biệt
21. Chúng tôi tin rằng Hội thánh do Chúa Kitô sáng lập và được Chúa Kitô cầu nguyện cho, là duy nhất trong mối dây đức tin, phụng tự và hiệp thông phẩm trật. Giữa lòng Hội thánh, có sự đa dạng phong phú về nghi điển phụng vụ, sự khác biệt hợp pháp về gia sản thần học và tâm linh cũng như các kỷ luật địa phương; sự đa dạng không những không làm thiệt hại mà còn biểu lộ sự hợp nhẩt (x. Lumen gentium, 23).
22. Công nhận rằng, ở bên ngoài cơ cấu Hội thánh Chúa Kitô “còn có nhiều yếu tố của sự thánh thiện và chân lý: những yếu tố này là của riêng Hội thánh Chúa Kitô cho nên thúc đẩy tiến tới sự hiệp nhất Công Giáo” (x. Lumen gentium, 8), tin tưởng nơi Chúa Thánh Thần đang thúc đẩy mọi người môn đệ Chúa Kitô lòng khao khát hiệp nhất (x. Lumen gentium, 15), chúng tôi hy vọng các Kitô hữu chưa hiệp nhất với Giáo Hội duy nhất có ngày sẽ gặp nhau trong một đoàn chiên với một Chúa chiên.
23. Chúng tôi tin rằng Hội thánh là cần thiết cho phần rỗi, bởi vì Chúa Kitô là trung gian duy nhất và là con đường cứu độ duy nhất, đang hiện diện trong Giáo Hội là nhiệm thể Người (x. Lumen gentium, 14). Nhưng ý định cứu độ của Thiên Chúa bao trùm hết mọi người: do đó những người thành tâm thiện chí trên thế giới, tuy không được biết Phúc Âm Chúa Kitô và Hội thánh của Người, nhưng vẫn đang thành tâm đi kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn thánh, cố gắng tuân hành ý Chúa được biết qua lương tâm chỉ dẫn, thì họ vẫn có thể đạt được ơn cứu độ, mà chỉ Thiên Chúa con số những người đó là bao nhiêu (x. Lumen gentium, 16).
VII. Bí tích Thánh Thể
Chúa Kitô hiện diện trong hình bánh và rượu
24. Chúng tôi tin Thánh Lễ do linh mục cử hành thay mặt Chúa Kitô, nhờ phép Truyền Chức, và được dâng nhân danh Chúa Kitô và Nhiệm Thể của Người, là lễ hy sinh núi sọ hiện diện một cách bí tích trên bàn thờ. Chúng tôi tin rằng cũng như xưa kia bánh và rượu được thánh hiến do Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã trở nên Thân Thể và Máu của Người sắp dâng làm của lễ trên thập giá vì chúng ta, thì ngày nay bánh và rượu được thánh hiến do các linh mục cũng trở nên Mình và Máu Thánh của Chúa Kitô đang ngự trị hiển vinh trên trời. Chúng tôi tin rằng Chúa Giêsu hiện diện cách huyền nhiệm nhưng đích thực, thực sự và bản thể, dưới những hình thể của bánh và rượu mà giác quan chúng ta nhìn thấy (x. Dz.-Sch. 1651).
Bánh và rượu được biến thể
25. Vì vậy trong bí tích này Chúa Kitô chỉ có thể hiện diện bằng cách biến đổi tất cả bản thể bánh thành Thân Thể của Người và tất cả bản thể rượu thành Máu của Người, mặc dù giác quan chúng ta vẫn thấy giữ nguyên các đặc tính của bánh và rượu. Sự biến đổi huyền diệu ấy được Giáo Hội diễn tả đúng và thích hợp bằng thuật từ trans-substantiatio (biến đổi bản thể). Khi tìm cách hiểu rõ mầu nhiệm này, các nhà thần học muốn giải thích thế nào đi nữa thì cũng cần phải khẳng định rằng bản thể khách quan của bánh và rượu sau khi đã được thánh hiến thì không còn tồn tại nữa, mà chỉ có là Thân Thể và Máu đáng kính của Chúa Giêsu ngự thật dưới những hình thể của bánh và rượu (x. Dz.-Sch. 1642, 1651-1654; thông điệp Mysterium Fidei ); Chúa Giêsu đã muốn như thế để ban mình làm của nuôi chúng ta và liên kết chúng ta trong Nhiệm Thể của Người .
Chúa Kitô hiện diện trên các bàn thờ
26. Sự hiện hữu của Chúa Kitô vinh hiển trên trời là duy nhất, không thể phân chia và không thể nhân cấp, nhưng hiện diện cách bí tích trên các bàn thờ ở nhiều nơi trên thế giới khi cử hành Thánh lễ. Sau Thánh lễ, Người còn hiện diện trong bí tích cực thánh, nơi nhà tạm như là trung tâm sống động của mỗi nhà thờ. Đối với chúng ta, thật là một bổn phận rất dịu dàng được đến tôn kính, thờ lạy, trong Bánh Thánh mà mắt ta xem thấy, Ngôi Lời nhập thể mà mắt ta lại không thấy, tuy Ngài không bỏ trời mà vẫn hiện diện trước mặt chúng ta.
VIII. Cánh chung
Nước Thiên Chúa trên trần gian
27. Chúng tôi cũng tuyên xưng rằng Nước Thiên Chúa khơi mào ở thế gian trong Hội thánh Chúa Kitô, nhưng không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36), mà hình bóng sẽ qua đi (x. 1Cr 7,13); sự phát triển của Hội thánh không thể so sánh với sự tiến bộ của văn minh, khoa học và kỹ thuật trần thế, nhưng hệ tại ở việc tìm hiểu thấu đáo hơn “những sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô” (Ep 3,8), hy vọng mạnh mẽ hơn vào những của cải trên trời, và đáp trả hăng say hơn tình yêu của Thiên Chúa, và ban phát rộng rãi hơn ân sủng và sự thánh thiện cho loài người. Tuy nhiên, do cũng tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy, Giáo Hội luôn lo lắng mưu cầu điều tốt thế tạm đích thực của nhân loại. Tuy Hội thánh không ngừng nhắc nhở con cái mình rằng họ không có quê hương ở dưới thế này (x. Dt 13,14), nhưng cũng luôn giục giã mọi người, tuỳ theo ơn gọi và phương tiện của mình, hãy góp phần vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, dựa trên công lý, hoà bình, và hiểu biết huynh đệ giữa mọi người, quảng đại giúp đỡ các anh em xấu số, cách riêng những nghèo nàn túng quẫn. Vì thế mối quan tâm của Hội thánh, Hiền thê Chúa Kitô, đối với những nhu cầu, những niềm vui và hy vọng, những nỗ lực và băn khoăn của con người, không nhằm gì khác hơn là làm sao ở gần mọi người để toả chiếu ánh sáng Chúa Kitô cho họ và để tập hợp tất cả trong Người là Đấng Cứu Tinh duy nhất của họ. Mối quan tâm ấy không hề có nghĩa là Hội thánh hòa đồng vào hoạt động trần thế, hoặc giảm bớt khát vọng mong đợi Chúa của mình và Vương quốc vĩnh cửu.
Giáo Hội bên kia thời gian
28. Chúng tôi tin vào cuộc sống muôn đời. Chúng tôi tin rằng các linh hồn tất cả những người an nghỉ trong ơn thánh Chúa, hoặc còn phải thanh lọc trong lửa luyện tội, hoặc khi lìa xác được Chúa đem lên đưa về thiên đàng như người trộm lành xưa, tất cả đều họp Dân Chúa đã vượt ranh giới sự chết; sự chết sẽ bị tiêu diệt vĩnh viễn vào ngày Phục sinh khi các linh hồn ấy sẽ được kết hợp với thân xác.
Giáo Hội trên hạnh phúc thiên đàng
29. Chúng tôi tin rằng đoàn ngũ đông đảo các linh hồn tụ họp chung quanh Chúa Giêsu và Mẹ Maria trên thiên đàng, họp thành Hội thánh khải hoàn trên Trời, nơi đây trong hạnh phúc vĩnh cửu các vị được hưởng tôn nhan Thiên Chúa tỏ tường (x. 1Ga 3,2; Dz.-Sch. 1000), và tuy với cấp bậc và cách thế khác biệt, các vị được cùng các thiên thần tham dự vào việc cai quản thần linh với Chúa Kitô trong vinh quang, và các vị không quên cầu bầu cho chúng ta và nâng đỡ sự yếu hèn chúng ta trong tình tương trợ huynh đệ (x. Lumen gentium, 49).
Đời sống vĩnh cửu
30. Chúng tôi tin vào sự hiệp thông của tất cả mọi tín hữu trong Chúa Kitô, những người còn sống đời lữ thứ trần gian, những người đã qua đời và còn ở đang được thanh luyện, các vị thánh trên trời, tất cả họp thành một Hội Thánh; chúng tôi tin rằng trong mối hiệp thông hiệp này, tình yêu lân tuất của Thiên Chúa và của các Thánh luôn luôn sẵn sàng nghe lời chúng ta cầu xin, như Chúa Giêsu đã phán: “Hãy xin thì sẽ được” (x. Lc 10,9-10; Ga 16,24). Vì thế vững vàng trong niềm tin cậy chúng tôi trông đợi ngày kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.
Chúc tụng Thiên Chúa ba lần thánh. Amen.
Kết luận
Sau khi đã long trọng đọc bản Kinh Tin Kính vào ngày 30/6 trước tiền đường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã có dịp giải thích ý nghĩa của Kinh Tin Kính trong các buổi tiếp kiến chung vào các ngày 3/7; 10/7 và 30/10 cùng năm. Dưới một góc độ nào đó, ta có thể nói được rằng bản kinh này đã phác họa một sơ đồ cho Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (phần thứ nhất), nhằm trình bày đạo lý cổ truyền với những ngôn ngữ thần học thời nay. Nên biết là Sách Giáo lý đã trích dẫn Kinh Tin Kính Dân Chúa 14 lần[5].
Để kết luận, chúng tôi xin dịch lời cầu nguyện xin ơn đức tin mà đức Phaolô VI đã đọc ở buổi tiếp kiến chung ngày 30/10/1968, sau khi đã giải thích ý nghĩa của việc tuyên xưng đức tin:
Lạy Chúa, con tin: con muốn tin vào Chúa
Lạy Chúa, xin cho đức tin của con được trọn vẹn, không dè giữ; xin cho đức tin thấm nhập vào tư tưởng của con, nhận định của con về những công việc của Chúa và của loài người.
Lạy Chúa, xin cho đức tin của con được tự do: nghĩa là với sự tham gia gắn bó, chấp nhận những sự khước từ và những nghĩa vụ mà đức tin đòi hỏi, và biểu lộ quyết định cao vời nhất của bản thân qua câu nói: “Lạy Chúa, con tin vào Chúa”.
Lạy Chúa, xin cho đức tin của con được chắc chắn; chắc chắn nhờ những bằng chứng thích hợp và nhờ chứng tá nội tâm của Thánh Linh, chắc chắn nhờ ánh sáng trấn an của nó, nhờ kết luận an hòa của nó, nhờ sự hấp thụ yên hàn của nó.
Lạy Chúa, xin cho đức tin của con được vững mạnh; không sợ hãi những vấn đề trái nghịch, và đem thêm kinh nghiệm cho cuộc sống khao khát ánh sáng; không sợ hãi những chống đối của kẻ tranh biện, chống đối, khước từ, phủ nhận nó; nhưng được kiên cường trong bằng chứng của chân lý của Chúa, đương đầu với sự chỉ trích, được củng cố trong sự khẳng định liên tục vượt lên những khó khăn của sự biện bác nằm trong cuộc sống trên đời này.
Lạy Chúa, xin cho đức tin của con được vui tươi và mang lại an bình và hoan hỉ cho tinh thần, khiến nó có khả năng cầu nguyện với Thiên Chúa và giao tiếp với loài người, ngõ hầu chiếu tỏa hạnh phúc nội tâm nơi cuộc đàm đạo thiên linh hay trần tục.
Lạy Chúa, xin cho đức tin của con được năng động, và mang lại cho đức ái những lý do chiếu tỏa đạo đức, nhờ thế nó trở thành tình bạn chân thật với Chúa, và trở nên chứng tá liên tục cho Chúa trong các việc làm, trong những đau khổ, và nuôi dưỡng hy vọng đang khi chờ đợi sự mạc khải cuối cùng.
Lạy Chúa, xin cho đức tin của con được khiêm tốn, không tự hào vì được lập trên kinh nghiệm của tư tưởng hay cảm tình của con, nhưng biết nương tựa vào chứng tá của Thánh Linh, và không có bảo đảm nào tốt hơn là ngoan ngoãn với Truyền thống và với uy tín của huấn quyền Hội thánh Amen.
[1] Hồi đó, ngày 30 tháng 6 kính nhớ thánh Phaolô sau lễ thánh Phêrô. Với cuộc cải tổ lịch phụng vụ (14/2/1969), hai thánh tông đồ được mừng chung một ngày 29/6 như hiện nay.
[2]Những chi tiết này do hồng y Georges Cottier O.P., người lo việc xuất bản các tác phẩm của hồng y Charles Journet (1891-1975), cung cấp cho ký giả Gianni Valente, trong cuộc phỏng vấn đăng trên nguyệt san Trentagiorni, tháng 4 năm 2008. Jacques Maritain (1882-1973) là một triết gia công giáo nổi tiếng, được đức Phaolô VI trao sứ điệp gửi giới trí thức vào lúc bế mạc công đồng Vaticanô II.
[3]N.3: “quamvis definitio dogmatica vere proprieque non sit nominanda, tamen formulam Nicaenam, quoad rerum summam, repetit, nonnullis explicationibus, quas spirituales nostrae huius aetatis conditiones postulant: formulam dicimus immortalis traditionis Ecclesiae sanctae Dei”.
[4]Ngoài sự cần thiết của việc tuyên xưng đức tin để được cứu rỗi, ngày nay việc tuyên xưng đức tin gặp vài khó khăn đặc biệt vì : 1/ tư tưởng duy lý chỉ chấp nhận những gì hợp với lý trí; 2/ thuyết hoài nghi không chấp nhận chân lý tuyệt đối; 3/ những học thuyết chú giải muốn thích nghi mạc khải cho hợp với tâm thức thời đại
[5]Nên biết là đức Gioan Phaolô II đã giải thích Kinh Tin Kính trong loạt bài huấn giáo kéo dài từ năm 1985 đến năm 2000. Loạt bài này được mở đầu với những huấn giáo về đức tin (từ 13/3 đến 19/6/1985).
bài liên quan mới nhất
- Ngày 20/09: Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasang và các bạn tử vì đạo
-
Ngày 19/09: Thánh Januariô, Giám mục, tử đạo -
Ngày 17/09: Thánh Rôbertô Bellarminô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 16/09: Thánh Corneliô, Giáo hoàng & Thánh Cyprianô, Giám mục tử đạo -
Ngày 15/09: Đức Mẹ Sầu Bi -
Ngày 14/09: Suy tôn Thánh giá -
Ngày 13/09: Thánh Gioan Kim Khẩu -
Ngày 12/09: Danh Thánh Đức Maria -
Ngày 09/09: Thánh Phêrô Claver, linh mục -
Ngày 08/09: Sinh Nhật Đức Trinh nữ Maria
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Giữ chay và ăn chay -
Ngày 26/07: Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica