Mừng lễ Phục sinh theo lịch Giulianô
WHĐ (08.05.2013) – Sáng thứ Ba 7 tháng Năm 2013, các Giáo hội Kitô giáo tại Thánh Địa đã gặp nhau để trao đổi lời chúc mừng Phục sinh theo truyền thống. Theo lịch Giulianô, lễ Phục Sinh năm nay được cử hành vào ngày Chúa nhật 5 tháng Năm. Cần nhắc lại rằng: ngày 15-10-2012, Hội đồng các Vị Bản quyền Công giáo tại Thánh địa (AOCTS) đã ra thông cáo hướng dẫn việc cử hành lễ Phục sinh theo lịch Giulianô tại các giáo phận thuộc Giáo hội Công giáo nghi lễ La tinh và các nghi lễ Đông phương, theo đó lễ Phục sinh năm 2013 được mừng chung vào ngày 5 tháng Năm – ngoại trừ hai khu vực Giêrusalem và Bêlem.
Đức Thượng phụ Giêrusalem, Tổng giám mục Fouad Twal, cùng với phái đoàn Tòa Thượng phụ đã đến Tòa Thượng phụ Chính thống giáo để chúc mừng Phục sinh Đức Thượng Phụ Theophilus III. Hiện diện trong cuộc gặp gỡ còn có các đại diện của các Giáo hội Kitô khác tại Thánh Địa (Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo). Sau đó tất cả đã đến thăm các vị lãnh đạo Giáo hội Chính thống nghi lễ Copt, Giáo hội Chính thống Syria và Chính thống Ethiopia. Sáng 08-05, phái đoàn đến thăm Tòa Thượng phụ Armenia. Đức giám mục Shomali cho biết “Bầu khí đại kết của cuộc gặp gỡ hết sức thân ái”. Tại Tòa Thượng phụ Chính thống, Đức Thượng phụ Latinh đã phát biểu chúc mừng: “Ánh sáng phát xuất từ ngôi mộ đối nghịch với đêm đen trên Núi Cây Dầu, với bóng tối của những giờ cuối cùng của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, và với đêm đen của ngôi mộ. Sau khi Chúa Giêsu sống lại, cuộc sống mạnh hơn sự chết. Điều thiện mạnh hơn sự ác. Tình yêu mạnh hơn hận thù. Chân lý mạnh hơn dối trá.”
Đức Thượng phụ Twal nói thêm: “Mặc dù Chúa Giêsu đã phục sinh và đem lại ánh sáng cho chúng ta, nhiều người vẫn chuộng bóng tối hơn ánh sáng”.
Ngài có ý nhắc đến hai sự kiện đau lòng. Trước hết là sự kiện hai giám mục Chính thống giáo bị bắt cóc ở Syria (Đức Tổng giám mục Yohanna Ibrahim, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Syria và Đức Tổng giám mục Boulos Yazigi, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Hy Lạp). Bày tỏ tình đoàn kết với các Giáo hội Chính thống và hai con tin, Đức Thượng phụ Twal kêu gọi cộng đồng quốc tế mạnh mẽ can thiệp để hai giám mục được trả tự do và tìm một giải pháp cho thảm kịch Syria: “Từ Jerusalem, nơi ánh sáng chiến thắng bóng tối, chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị của cộng đồng quốc tế hãy hợp tác để giải thoát cho hai giám mục và chấm dứt thảm kịch của người dân Syria. Hãy chấm dứt bạo lực và đổ máu!”
Thứ hai, Đức Thượng phụ lưu ý các biện pháp an ninh cứng rắn của cảnh sát Israel trong những ngày lễ Phục Sinh. Ngài đòi hỏi phải tôn trọng hơn nữa đối với các Kitô hữu hành hương, nhưng vẫn thừa nhận cần phải duy trì trật tự chung: “Nhiều người hành hương đã không đến được thành phố cổ, và nếu đến được thì không thể vào viếng Mộ Chúa. Chúng ta phải tìm cách làm cho thành phố cổ là nơi dễ đến và cởi mở hơn”.
Ngoài ra, trong những ngày vừa qua, các Giáo hội Kitô tại Thánh Địa cũng đưa ra một thông cáo lên án việc sử dụng bạo lực của một số nhân viên an ninh. Thực thế, vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh, một linh mục Chính thống thuộc nghi lễ Copt đã bị đánh đập và một linh mục Chính thống Syria đã bị đối xử thô bạo ngay tại nơi thánh.
Còn tại Matxcơva, Liên bang Nga, vào đêm 04 tháng Năm, hơn 4 triệu tín hữu Chính thống giáo đã tham dự phụng vụ Canh thức Phục Sinh được tổ chức tại hơn 10 ngàn nhà thờ và tu viện nằm rải rác trên toàn thủ đô. Bộ Nội vụ Nga cho biết hơn 70.000 nhân viên cảnh sát và binh lính đã được triển khai tại thủ đô để bảo đảm an ninh trật tự,.
Sứ điệp Phục sinh gửi đi từ điện Kremlin viết: “Phục Sinh mang lại cho hàng triệu người niềm vui và hy vọng, thúc đẩy những hành động tốt và thiện ý. Phục sinh hướng con người đến các giá trị tinh thần lâu dài vốn đóng một vai trò đặc biệt trong lịch sử nước Nga và nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng với Thủ tướng Dmitri Medvedev và thị trưởng thành phố Matxcơva Sergei Sobyanin đã tham dự Đêm Canh thức Phục Sinh tại nhà thờ Chúa Kitô Cứu Thế, do Đức Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga cử hành. Tổng thống Putin đã ngỏ lời với Đức Thượng phụ: “Tôi muốn cảm ơn Đức Thượng phụ về công việc và những đóng góp to lớn của cá nhân ngài để duy trì hòa bình trong xã hội và sự hài hòa giữa các dân tộc và tôn giáo”.
Trước lễ Phục Sinh, sứ điệp của Đức Thượng phụ Kirill đã được gửi đến tất cả các giáo phận qua đài truyền hình. Ngài mời gọi các tín hữu “hân hoan mừng lễ này, là lễ của chiến thắng và tự do. Cuộc đời không có Chúa Kitô là một cuộc đời nô lệ. Chính Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi bóng tối”.
Trong phụng vụ Đêm thứ Bảy, Đức Thượng phụ Kirill cũng cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa và kêu gọi mọi người gia tăng cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông.
(Theo lpj.org và AsiaNews)
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Cuộc Gặp mặt Giới trẻ Châu Âu lần thứ 47 tại Tallinn
-
Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ Taizé nhân dịp Cuộc Gặp mặt Châu Âu lần thứ 47 -
Chúa nhật, thứ Bảy và lễ Vọng: Sự khác biệt giữa thánh lễ chiều hôm trước và lễ Vọng -
12 sự kiện đánh dấu năm 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Huấn dụ Lễ Thánh Stêphanô tử đạo (26/12/2024) - Tử đạo và tha thứ -
Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha -
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô