Mùa Vọng: Mùa của lòng xót thương
Mùa Vọng là mùa chờ đợi. Nhưng chúng ta chờ đợi cái gì ?
Mùa Vọng năm nay dường như đến hơi sớm. Cơn gió lạnh se sắt kéo về thành phố mấy ngày nay chưa phải là báo hiệu của “trời lập đông chưa em..” hay chuẩn bị cho “Một Mùa Sao Sáng, đêm Noel Chúa sinh ra đời…” Đó là tín hiệu không vui cuối năm. Miền Trung đang chìm trong biển nước. Nhà cửa ruộng vườn tài sản chắt chiu cả đời người trong chốc lát bị lũ cuốn trôi sạch. Hàng trăm ngàn con người đang sống trong cảnh “màn trời chiếu nước”. Họ đang mòn mỏi ngóng chờ những bàn tay đưa ra cứu vớt phận đời “bèo dạt mây trôi” của họ.
Có phải đợi đến mùa vọng, người ta mới mong chờ không? Có phải đến mùa vọng, ta mới cứu giúp không? Thật ra, cả đời người phải là một mùa vọng, vì lúc nào ta cũng khao khát Lòng Thương Xót của Chúa và chờ mong lòng xót thương của con người, nhất là khi gặp thiên tai, hoạn nạn...
Ngay khi nhận được thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi dân Chúa quan tâm và san sẻ với những anh chị em đang phải chịu ảnh lũ lụt ở miền Trung, cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót xứ Chí Hòa đã “thực hành Lòng Thương Xót” qua ba chuyến cộng tác bác ái, đến tận nơi vùng rốn lũ ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình trao 200 tấn gạo, mì, lương thực cho những nạn nhân đang mòn mỏi đợi chờ… Có đến tận nơi, thấy tận mắt mới thấu hiểu tình cảnh khốn khó, niềm hy vọng, khát khao đợi chờ của những nạn nhân như thế nào. Những bàn tay gầy guộc đưa ra từ mái nhà nhận những gói mì, chai nước. Những thân hình tiều tụy còn da bọc xương trốn lên cao nằm chờ được chén cơm nóng. Những em học sinh phơi sách vở cho khô chờ ngày đến trường…
Mùa vọng năm nay đến sớm là vậy! Ngay khi nghe được lời kêu cứu, nhiều người đã sống tâm tình “Mùa Vọng – Mùa Của Lòng Xót Thương” bằng việc đáp trả từ tận đáy lòng :
- “Năm nay con 70 tuổi, cảm tạ Chúa và Mẹ vẫn ban cho con có sức khoẻ để hàng ngày đi bán rau ngoài chợ. Con chỉ có chút tiền bán rau, xin gởi cha để cha đem đến cho những anh chị em bị bão lụt. Mong cha nhận…”
- “Con là Têrêsa Sâm, 84 tuổi. Con xin nhường phần tiền thuốc bé nhỏ của con để cha đi làm bác ái ở Miền Trung. Cảm ơn cha.”
- “Con là một thành viên của cộng đoàn Lòng Thương Xót, xin gởi cha số tiền dành dụm nhờ bán rau càng cua trong suốt mùa mưa. Con dành tiền này để đi hành hương La Vang dự Bế Mạc Năm Thánh. Nhưng con thấy anh chị em vùng lũ lụt cơm không có để ăn, cháo không có để húp, vậy con gởi cha toàn bộ số tiền này để chung tay với mọi người chia sẻ cho các anh chị em vùng bão lũ…”
- “Con là Nguyễn Đức Tiến, học lớp 2. Con có con heo đất, xin dâng lòng thương xót Chúa, nhờ cha trao lại cho các bạn lũ lụt ngoai Miền Trung để chia sẻ những mất mát thiếu thốn với các bạn đó…”
Đó là những tâm tình chờ đợi và đáp lòng mong đợi. Có khi tha thiết. Có khi nôn nóng...
Mùa Vọng Năm Thánh 2010 rồi cũng qua đi. Tôi có được tâm tình chờ đợi ấy không ? Mắt tôi có mỏi mòn, lòng tôi có rộn lên niềm khát vọng như những nạn nhân lũ lụt mong cứu trợ, khi tôi hát lại lời ngôn sứ Isaia :
“Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tôi” (Is 45,8)
Nếu mắt tôi vẫn thờ ơ trước những cảnh thương tâm. Nếu lòng tôi vẫn lạnh lùng trước những đau khổ của tha nhân. Nếu tôi không biet xót thương những người đang cần được thương xót. Nếu tôi chỉ chờ một người mà tôi không biết như bài hát “Không cần biết em là ai. Không cần biết em từ đâu…” Nếu tôi chỉ đợi một người tôi không thương, không nhớ. Nếu vậy thì thật là vô vị và nhạt nhẽo cho tâm hồn tôi. Lúc đó tôi vẫn phải mượn những bản thánh ca giáng sinh, những hoạt cảnh, những đèn sao, hang đá, máng cỏ để tìm thấy ở đó một hương vị Noel như những năm nào. Để rồi mùa vọng qua đi, lòng vẫn lạnh lùng vô cảm, rồi chìm hẳn vào những lo âu mới, những rộn ràng mới của ba ngày Tết Nguyên Đán sắp tới đây.
Mùa Vọng là mùa Hội Thánh muốn chuẩn bị tâm hồn con cái mình chờ đợi để đón nhận một con người, chứ không phải đón nhận quà cáp tiệc tùng của cải danh vọng chức tước địa vị. Con người ấy thực sự đã đến rồi, đã có mặt trong lịch sử loài người, đã “cắm lều ở giữa loài người” (Ga 1,14). Nhưng Đấng ấy có khi vẫn còn phải đứng chờ ở ngoài cửa nhà tôi, chưa được tôi mời vào nhà, đón vào lòng tôi. Đấng ấy là : Đức Giêsu, Đấng Giầu Lòng Thương Xót.
Có người sẽ nghĩ : Ồ tưởng ai, con người Giêsu ấy thì tôi đã nghe quá quen rồi. Tôi quen quá đến độ không có nhiều cảm hứng khi nhắc đến tên Ngài bằng khi nghe nhắc đến tên một chiếc xe hơi đời mới, một cái điện thoại di động 4G, hay một giấy phép xuất cảnh, giấy báo lãnh tiền, giấy phép làm nhà thờ và cho chịu chức linh mục... Đó là một sự chua chát, mà sự chua chát có thật. Sang thiên niên kỷ mới này, người ta nói chung, không còn tha thiết với con người Giêsu nữa sao ? Thế mà văn hào Đôxtôepxki, tác giả “Anh em nhà Karamazôp” bị trù dập vì niềm tin đã khẳng khái nói “Tôi không thể không nói về Giêsu Kitô, vì tất cả các vĩ nhân trong lịch sử rồi cũng qua đi, nhưng Giêsu Kitô thì còn mãi mãi…”
Dù gì đi nữa, Hội Thánh cũng vẫn cứ mời gọi chúng ta khát vọng con người ấy, chờ đợi con người ấy. Vì nếu con người Giêsu thực sự chưa đến tận trong lòng dạ chúng ta, tận trong tim óc chúng ta thì hàng năm Giêsu vẫn còn nằm bất động trong hang đá máng cỏ huy hoàng ánh điện. Lúc đó tiền của, chức tước, địa vị vẫn còn là những khát vọng vô cùng lớn lao chất chứa trĩu nặng trong lòng con người, kéo chúng ta xuống, xuống nữa, cho đến lúc nhận chìm cả hồn xác chúng ta trong cái tối tăm đời đời của nó.
Vì thế trong mùa vọng, Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia lại được đọc lên như tiếng kêu mời tha thiết của Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót :
“Mọi xác phàm sẽ được Thiên Chúa đến cứu thoát. Tiếng của người hô trong sa mạc. Hãy dọn đường cho Chúa. Hãy bạt lối Người đi. Mọi thác gềnh sẽ được lấp đầy. Mọi núi đồi sẽ hạ thấp. Nơi cong queo nên thẳng tắp. Chỗ gồ ghề thành đường đi phẳng lì…”(Is 40,3)
Đây là niềm vui cho toàn nhân loại. Chúa chúng ta đang đến, và bàn tay Người sẽ làm những điều lạ lùng.Nhưng thường thì những lời vui mừng này lại được hiểu một cách hết sức chủ quan. Hôm nay gần lễ Giáng Sinh rồi, tôi phải dọn mình tôi cho sạch để mừng một ngày lễ lớn. Những gì ngăn cách giữa tôi và anh em như lũng sâu, như vực thẳm, tôi phải lấp đầy bằng bác ái, bằng tình thương. Những kiêu ngạo, ý riêng mình, tự ái ngất cao như núi, tôi phải hạ xuống, khiêm cung, vâng phục. Những gì lươn lẹo như đường cong queo, tôi phải chỉnh đốn lại cho ngay thẳng…
Khách quan mà nói, làm được như vậy là việc tốt. Tốt cho tôi và đỡ khổ cho cộng đoàn.
Nhưng nếu chỉ có thế thì có lẽ tôi chẳng cần Đức Giêsu đến làm gì. Các sách học làm người, các tôn giáo khác cũng dạy tôi ăn ngay ở lành, làm việc lành phúc đức...
Hơn như thế, phải xác tín rằng : Hôm nay, nếu tôi có làm nên việc đạo đức tốt lành nào chính là nhờ Đức Giêsu Kitô, Ngài đã đến rồi, đã chết và đã Phục Sinh. Và hôm nay, Thần Khí Đức Kitô đang tràn ngập trên tôi, và trên thế gian tội lỗi, nhờ đó mà tôi có được sức hồi sinh.
Những ngày của ngôn sứ Isaia cũng như ngày của Gioan con Zacharia, khi hai vị tiên tri ấy nói lớn lên lời vui mừng này, thì tất cả nhân loại còn ngồi trong tối tăm của bóng chết (Lc 1,79) quyền lực của tội lỗi còn ngự trị trên mọi con người. Không ai có khả năng ngóc đầu lên được, mà vinh quang Thiên Chúa thì lại không thể chung đụng được với hàng phàm nhân tội lỗi. Tội trước mặt Thiên Chúa là phải loại trừ, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa lại không thể tiêu diệt những kẻ tội lỗi, nên Ngài bắt Con của Ngài phải thành tội nhân, phải gánh hết mọi tội lỗi của nhân loại. Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi Ngài bắt Con Ngài phải chết treo thập giá thay thế cho chúng ta tất cả.
Sigrid Undset, một nữ văn sĩ Na Uy đã viết trong cuốn “Bụi Cây Cháy Rực” những dòng tuyệt diệu như sau :
“Thiên Chúa có thể bắt con người đi theo con đường Ngài đã vạch ra, vâng phục Ngài như những vì sao. Nhưng Thiên Chúa đã làm người, và để quyền năng vô biên tuyệt đối của Người ngoài ngưỡng cửa của thế giới nhân loại. Quyền năng vô biên tuyệt đối vẫn hằng điều khiển vũ trụ này đi ra, và Ngài đi vào giữa đám đông các tâm hồn nhân loại, để ăn xin : xin người ta cho phép Người cho, cho phép Người chia sẻ nguồn phong phú huyền diệu trong chính hữu thể Người. Trong đêm nay Thiên Chúa đã bỏ Thiên Chúa, nhưng Người đã không bỏ loài người”
Các lý do chờ đợi của Mùa Vọng là thế. Chúng ta chờ, chúng ta vọng, một con người đang đến để chết thay cho chúng ta. Nên lời loan báo của Gioan phải là một tin vui cho tất cả nhân loại hôm nay : Đức Giêsu đến dọn mọi nẻo đường để Thiên Chúa đến gặp được nhân loại tội lỗi bằng chính mạng sống của Ngài.
Đức Giêsu, con người Thiên Chúa đã lấp bằng hố sâu ngăn cách giữa nhân loại và Thiên Chúa. Ngài kéo tôi từ lũng sâu tối tăm tội lỗi lên bằng với Ngài, đồng hình đồng dạng với Ngài. Và nơi lòng dạ cong queo tà vạy của tôi, nơi chứa đầy những tham sân si... con đường gồ ghề lởm chởm ấy chỉ có Đức Giêsu mới uốn nắn sửa chữa cho ngay thẳng được bằng máu của Ngài.
Tôi muốn mình trở nên thánh thiện, thì tôi phải chờ, phải đợi, phải mong, và đón nhận con người Giêsu vào lòng tôi, vào đời tôi. Lúc ấy chính Đức Giêsu Phục Sinh và Thần Khí của Ngài sẽ canh tân đổi mới con người cũ kỹ của tôi, làm cho tôi có lòng xót thương anh em như Ngài đã xót thương tôi.
Tiên tri Baruk đã kêu mời chúng ta chờ đợi Đức Giêsu thế này :
“Giêrusalem hỡi, hãy cởi bỏ chiếc áo choàng tang tóc và khốn cùng của ngươi. Hãy mặc lấy sự huy hoàng của vinh quang Thiên Chúa mãi mãi. Bởi vì Thiên Chúa đã quyết định phải hạ xuống mọi núi cao, và mọi đồi non cổ xưa, và lấp đầy các thung lũng để làm bằng mặt đất, ngõ hầu Israel bước đi vững chắc trong vinh quang Thiên Chúa” (Bar 5,1-3).
Hôm nay những ai đã được diễm phúc làm con cái ơn cứu độ, và vẫn còn giữ lòng trung tín với Đức Giêsu Kitô, thì những người ấy vì theo Đức Kitô sẽ luôn luôn gặp những ngày tận thế, ngày cánh chung trong đời mình, và trong tâm hồn mình : đó là những ưu phiền đến cay đắng, những cô đơn đến kinh hoàng trước thế gian và tội lỗi. Có lúc tưởng chừng như Thiên Chúa bỏ rơi mình để mặc cho cả thế gian đè sập trên đời mình. Chính lúc tối tăm ấy, Đức Giêsu sẽ hiện đến trong đời họ, trong lòng họ, để an ủi, nâng đỡ, bổ sức, quàng họ trên vai và đồng hành với họ từng ngày cho đến cuối đời. Và ngày quang lâm, các tầng trời rung chuyển, Đức Kitô lại đến, để Ngài thế nào thì thân xác kẻ gắn bó với Ngài trong đau khổ cũng sẽ thấy như vậy.
Những ai không gặp được Đức Kitô trong những đau khổ đời mình hôm nay, mà chỉ đặt khó khăn cơ cực đời mình vào tiền của, và quyền lực thế gian, vào đam mê xác thịt thì ngày Đức Kitô đến trong quyền nang và vinh quang, làm sao họ có thể rướn mình, ngẩng đầu lên mừng rỡ đón Ngài, Đấng vô cùng yêu thương họ ? Vì từ lâu họ đã không còn là con cái của ơn cứu độ, vì họ đã chọn sự an nghỉ trong tối tăm của thế gian và của Satan rồi.
“Lạy Chúa Giêsu, Đấng giầu lòng xót thương, xin hãy đến!
Xin Ngài hãy đến trong thung lũng tối tăm của tâm hồn con để con cảm nghiệm được Mùa Vọng là Mùa của Lòng Xót Thương. Amen”
Trong cơn lũ lụt 2010
bài liên quan mới nhất
- Ngày 21/12: Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/12: Đức Mẹ Guađalupê -
Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục -
Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính)
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231)