Một nền tảng đạo đức "tùy tiện"
Blog WGPSG (12-1-2012) -- Đầu năm không nói chuyện tết mà lại ngẫm suy về đạo đức, chẳng biết có lạc điệu với bầu khí rộn ràng của người người nhà nhà háo hức đón Xuân Con Rồng?
“Xã hội vô cảm, dửng dưng trước cái ác” là đề tài nóng trong suốt năm 2011. Phóng viên báo Tuổi Trẻ đã trao đổi với giáo sư Cao Huy Thuần (Đại học Picardie - Pháp) về quan niệm Thiện-Ác trong bài “Gửi một đồng xu” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số mới nhất, ra ngày 8-1-2012).
Vị giáo sư này đã không thể nêu ra định nghĩa nào cho cái gọi là Thiện là Ác. Ông đố người ta có thể nêu ra định nghĩa về Thiện-Ác, mà được mọi người đồng tình.
Không thể “gọi tên” Thiện-Ác, nên vị giáo sư này cho rằng việc làm đạo đức là cách thế thể hiện sự Thiện, ông gọi là “những hành động thiện”.
Ông đưa ra quan niệm về đạo đức: “…nền tảng của đạo đức nằm ngay trong chính con người chứ không phải ở đâu bên ngoài, trên cao.” Ông nêu ví dụ minh họa: “Tôi trân trọng lời hứa không phải vì một nguyên tắc nào buộc tôi phải thế, mà vì tự tôi thấy như vậy là có ích, có lợi cho tôi và cho người khác, cho xã hội.”
Như thế, ông khẳng định đạo đức tùy thuộc vào cái nhìn chủ quan của từng người: tự mỗi người có khả năng nhìn nhận cái gì là đạo đức cái gì không. Ông đã phủ nhận một nền tảng chung, một tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi người nơi mà mọi người có thể quy chiếu và phải nhìn nhận một việc nào đó là Thiện, là đúng, là chân lý.
Dường như ông chỉ nhìn nhận chân lý chủ quan của từng người (hoặc của một tập thể, xã hội) khi từng người (hoặc từng tập thể) tự phân định cái gọi là đạo đức thông qua giá trị lợi ích mà nó đem lại cho bản thân cũng như cho tập thể (xã hội).
Thoạt nghe ví dụ minh họa của ông, chúng ta cũng dễ dàng chấp nhận lập luận của ông: chẳng cần một Đấng nào bên ngoài, hay trên cao đưa ra tiêu chuẩn, hoặc “áp đặt” các điều răn để giúp con người phân định Thiện – Ác.
Thế nhưng, dừng lại một chút thôi, chúng ta sẽ thấy còn có điều gì đó bất ổn trong lập luận này.
Phải chăng, người người luôn luôn có chung một cái nhìn, một quan điểm đối với một vấn đề? Chẳng hạn, việc hai vợ chồng, hai người yêu nhau trao những nụ hôn giữa thanh thiên bạch nhật, ngay chốn đông người, văn hóa phương Tây cho rằng là nét đẹp của mối dây liên hệ mật thiết giữa hai người, ngược lại người Á Đông lại cho là thiếu tế nhị, không đứng đắn.
Không phải mọi người đều có chung một trình độ nhận thức. Do hoàn cảnh sinh sống, môi trường giáo dục khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau, mà người ta sẽ có những nhận định, quyết định rất khác biệt nhau về cùng một vấn đề.
Phải chăng vị giáo sư này quên mất câu “chín người mười ý”?
Hơn nữa, không phải bao giờ cái có ích cho cá nhân thì cũng có ích cho tập thể, cho xã hội. Rất thường khi, lợi ích cá nhân gặp đối kháng với lợi ích của xã hội. Hoặc đôi khi vì lợi ích của xã hội mà có những điều được tập thể quyết định và áp đặt đi ngược với lợi ích của cá nhân.
Chẳng hạn, ở trời Âu, đã từng có một điều luật buộc các bác sĩ phải thực hiện việc phá thai một khi người bệnh yêu cầu. Điều luật này đã bất chấp việc sống theo lương tâm của cá nhân các bác sĩ: họ không muốn giết người mà vẫn buộc phải làm vì đó là lợi ích của một nhóm người muốn tự do sinh sát mầm sống trong chính cơ thể mình!
Từ ngàn xưa, tổ chức của một gia đình luôn là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, ngay cả trong thế giới thực vật, động vật muốn sinh sản và duy trì nòi giống thì cũng phải có sự kết hợp giữa yếu tố đực và yếu tố cái (chỉ trừ một số ít ỏi có thể tự “nhân bản vô tính”). Vậy mà, gần đây không ít quốc gia chuẩn nhận một kết cấu gia đình lạ thường: gia đình đồng tính (hai nam hoặc hai nữ kết hôn với nhau). Rõ ràng sự kết hợp này đi ngược tự nhiên, một sự kết hợp dẫn tới bế tắc vì không đáp ứng được mục đích căn bản của việc kết hôn: sinh sản và giáo dục con cái!
Lạ thường như thế mà vẫn được công nhận và bảo vệ trước những “sự kỳ thị” của những người bình thường!
Vị giáo sự họ Cao cũng đồng tình với quan niệm: pháp luật là thước đo của Thiện-Ác. Ông nói: “Từ đầu tôi đã nói rất khó định nghĩa thế nào là thiện, thế nào là ác. Thông thường, hai nguồn gốc để từ đó rút ra tiêu chuẩn định nghĩa là phong hóa - tập tục và tôn giáo. Nhưng phong hóa cũng thay đổi với thời đại và tôn giáo thì chỉ liên quan đến tín đồ của mình thôi. Có một nguồn gốc thứ ba, ràng buộc mọi người: ấy là luật pháp.
Cứ hỏi một thanh niên ngày nay: làm thế nào phân biệt thiện và ác? Nếu cậu trả lời thế này thì xã hội còn may phước lắm: “thiện là điều gì được phép làm, ác là điều gì cấm làm”. “Được phép” và “cấm” là khái niệm về luật. Từ đó suy ra trong đầu cậu thanh niên “chính luật pháp quy định cái gì là thiện, cái gì là ác, và luật pháp là do xã hội đặt ra”.
Căn cứ vào tiêu chuẩn “được và cấm” do pháp luật đặt ra để phân định Thiện-Ác thì cái được phân định đó thật sự là mong manh. Bởi không phải luật lúc nào cũng đúng cho mọi người. Khi cần cho lợi ích một nhóm người nào đó, thì luật cũng bị bẻ cong như hai minh họa: buộc bác sĩ thực hiện việc phá thai, và cho phép kết hôn đồng tính!
Chúng ta hẳn không quên câu chuyện Adam và Eva ăn trái cấm, họ muốn tự mình định đoạt việc nào là Thiện điều gì là Ác mà không cần đến sự hướng dẫn thông minh thượng trí của Thiên Chúa. Kết quả, họ vỡ mộng khi nhận ra phận người mỏng manh, bất toàn và từ đó bất hòa xảy ra trong các mối tương quan: họ đổ lỗi cho nhau cũng chỉ vì bất đồng quan điểm, cũng như vì lợi ích của bản thân mà trút gánh nặng trách nhiệm cho người khác!
Để tránh thái độ chủ quan hoặc rơi vào chủ nghĩa duy cá nhân, thiết nghĩ con người rất cần một hệ quy chiếu khách quan, một quy chuẩn đến từ Đấng ở trên cao, giúp họ biết phân biệt Thiện-Ác và biết chọn điều Thiện!
Như thế, nhân loại rất cần có một mẫu số chung khi phân định Thiện-Ác, để rồi không còn cái gọi là “nền tảng đạo đức tùy tiện”!
bài liên quan mới nhất
- Đối thoại cứu độ - Cái khung của nền luân lý tình huynh đệ
-
Đào tạo lương tâm và sự phân định trong Amoris Laetitia: Hướng tới một chuyển đổi hệ hình trong chăm sóc mục vụ gia đình -
Cha Alain Thomasset: “Phẩm giá không gắn liền với vẻ bề ngoài nhưng được ban tặng cùng với sự sống” -
Kénose là gì? -
Căn cước đàn ông, căn cước đàn bà -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần bốn - Đời sống độc thân trinh khiết Kitô giáo -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần ba - Xác thể phục sinh -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần một - Con tim được cứu rỗi (Giáo lí về Bài Giảng Trên Núi) -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác – Phần Giới thiệu -
Người Công Giáo có buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không?
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Có phải tiền là tất cả ? -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Ảnh hưởng của vật chất đối với Thanh thiếu niên thời nay -
Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ? -
Bác thằng bần -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo