Matteo Ricci, người đặt nền tảng cho việc phát triển sự hiểu biết lẫn nhau và cho cuộc đối thoại giữa Đông và Tây

Matteo Ricci, người đặt nền tảng cho việc phát triển sự hiểu biết lẫn nhau và cho cuộc đối thoại giữa Đông và Tây

WHĐ (3.03.2010) / ZENIT – Nhân kỷ niệm bốn trăm năm ngày mất của cha Matteo Ricci, một cuộc hội thảo đã được tổ chức tại UNESCO (Paris) ngày 16-02 vừa qua. Tham dự hội thảo, Đức Hồng y Stanilas Rylko, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh phụ trách Giáo dân, đã có bài phát biểu với chủ đề: “Cha Matteo Ricci và cuộc đối thoại giữa lòng tin và văn hóa.”

ĐHY Rylko khẳng định cha Matteo Ricci là “một trong những khuôn mặt tiêu biểu nhất của lịch sử nhân loại”, một nhà thông thái và một thừa sai “đã đặt nền tảng cho việc phát triển sự hiểu biết lẫn nhau và cho cuộc đối thoại giữa Đông và Tây.”
Ngài cũng nhấn mạnh về tính cách thời sự của cha Ricci: “Gương mẫu của cha Ricci cho thấy rõ ràng con đường phải theo để thắng sự nghi kỵ và chuẩn bị môi trường cho một sự hợp tác hữu hiệu và lâu dài.”
Hiểu biết lẫn nhau và đối thoại
Đức Hồng y Rylko phác họa chân dung của nhà thừa sai Dòng Tên như sau: “Là con người của khoa học và là nhà thừa sai, vào một thời đại lớn của mầm mống văn hóa và kinh tế nối hai thế kỷ XVI và XVII, cha Matteo Ricci đã xây dựng nên những nền móng cho việc phát triển sự hiều biết lẫn nhau và đối thoại giữa Đông và Tây; giữa Roma, trái tim của thế giới Kitô giáo, và Bắc Kinh, nơi ngự trị từ hơn hai thế kỷ trước của triều đại nhà Minh vĩ đại.”
Đức Hồng y nhấn mạnh cha Matteo Ricci vẫn luôn luôn có tính cách thời sự bởi vì cha đã “biết phát triển một cuộc đối thoại đặt nền tảng trên tình bằng hữu, trên sự tôn trọng các phong tục tập quán, trên sự hiểu biết tinh thần và lịch sử của Trung Hoa.”
Ngài ghi nhận: “Chính thái độ không chút định kiến và không có óc chinh phục này đã giúp vị linh mục dòng Tên người châu Âu thiết lập được một mối quan hệ tin tưởng và đầy lòng quý mến đối với dân tộc Trung Hoa. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Trung Hoa của linh mục lại dành cho chủ đề bằng hữu. Thực vậy, tác phẩm thu thập 100 câu ngạn ngữ về tình bằng hữu, từ các tác phẩm cổ điển Hy Lạp và Latinh, khiến người Trung Hoa đã phải kinh ngạc tán dương sự khôn ngoan và tinh thần phong phú của con người đến từ miền cực Tây này”.
Dung mạo của Nho gia
Cha Matteo Ricci bắt đầu như thế nào? “Cha đã dấn thân trọn vẹn vào việc học tiếng và đào sâu các tác phẩm cổ điển của Khổng giáo đến độ cha đã được xem như một nhà lão luyện ngang hàng, nếu không phải là cao hơn, với các Nho gia người Trung Hoa kéo tới để làm quen và trò truyện với cha. Tóm lại, cha là người Trung Hoa giữa người Trung Hoa, bằng cách thích nghi với các phong tục tập quán của người Trung Hoa và bằng cách tiếp nhận –sau mười năm nghiên cứu kỹ lưỡng và tìm hiểu thực tại của họ– lối sống của Nho gia, nghĩa là của lớp người có trách nhiệm định hướng cho xã hội Trung Hoa tiếp tục đi theo con đường triết học và truyền thống Nho giáo.”
Nhưng cha cũng tạo thuận lợi cho một “cuộc trao đổi văn hóa đích thực và lành mạnh (…) trên mọi mặt của sự hiểu biết của con người”: “từ ngành vẽ bản đồ tới thiên văn học, từ triết học đến tôn giáo, từ toán pháp đến các kỹ thuật… với đồng hồ cơ khí, hội họa và âm nhạc: không có lĩnh vực hiểu biết nào của con người mà lại không phải là một địa bàn phong phú cho sự tiếp xúc và làm giàu lẫn nhau giữa người Trung Hoa và con người mà Đấng Quan phòng, theo cách nói của chính các nhà Nho Trung Hoa bạn của cha, đã gửi đến để làm thanh danh của triều đại nhà Minh thêm lừng lẫy và để làm người Trung Hoa tham gia vào các tiến bộ mà khoa học và kỹ thuật đã thực hiện được trong thời Phục Hưng tại châu Âu.”
Tuy nhiên, Đức Hồng y Rylko nói tiếp, điều làm “tính thời sự của Matteo Ricci trở nên trường tồn đó là ước muốn đem lại cho dân Trung Hoa vĩ đại việc loan báo Tin Mừng như sự hoàn thành của tiến trình văn hóa và xã hội phong phú này.”
Và ngài giải thích: “Như vậy, cha Matteo đã triển khai “một chiến lược mới mà người ta có thể tóm tắt trong từ ‘hội nhập văn hóa’: một chọn lựa trong đó nền văn hóa của Trung Hoa không còn là một cản trở phải vượt qua, mà là một kho tàng đối với Tin Mừng.”
Đại sứ của tình bằng hữu và sự thật
Đức Hồng y lưu ý là “tính cách độc đáo của phương pháp” cha Matteo Ricci đề ra, “xuất phát từ một quan niệm về lòng tin không đối nghịch với khoa học, lý trí, văn hóa, nhưng đi vào trong sự hài hòa sâu sắc và có chất lượng với các lĩnh vực này”. Đức Hồng y đã trích dẫn “Thông điệp của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI gửi Giám mục Macerata, Claudio Giuliodori, ngày 6-05-2009, nhân dịp kỷ niệm lần thứ bốn trăm này.”
Trích dẫn văn kiện “Ecclesia in Asia” của Đức cố giáo hoàng Gioan-Phaolô II (số 20), Đức Hồng y Rylko giải thích: “Nỗ lực trí thức và tinh thần của cha Matteo nhằm mục đích tối hậu là gieo vào trong lương tâm và trong văn hóa Trung Hoa những mầm mống của cái mới mẻ và viên mãn của mạc khải Kitô giáo. Cha biết rằng món quà lớn lao nhất người Kitô hữu có thể tặng các dân tộc châu Á, chính là việc loan báo Đức Giêsu Kitô. Việc loan báo này sẽ đáp lại việc họ đào sâu tìm kiếm Đấng Tuyệt Đối và mở ra các chân lý và giá trị bảo đảm một sự phát triển toàn diện”,
Cuối cùng, Đức Hồng y Rylko kết luận: “Là đại sứ của tình bằng hữu và chân lý, cha Matteo Ricci, bốn trăm năm sau khi qua đời, vẫn còn xuất hiện như một gương mẫu sáng ngời của sự cởi mở đại đồng và khả năng dựng nên những chiếc cầu nối giữa các nền văn minh và văn hóa, bằng cách biến mình –với tư cách người rao giảng Tin Mừng– thành người xây dựng sự thiện đích thực và sự phát triển chân thật của các dân tộc.”


 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top