München: Hội nghị quốc tế vì Hòa bình
WHĐ (10.09.2011) – Mười năm sau các cuộc tấn công khủng bố vào tòa Tháp đôi (Trung tâm thương mại thế giới) ở New York ngày 11 tháng Chín, các nhà lãnh đạo của tất cả các tôn giáo lớn của thế giới sẽ gặp nhau ở München vào lúc 14g46 tại Marstallplatz. Đó là thời điểm xảy ra cuộc tấn công vào New York (8g46 giờ New York). Sẽ có cầu truyền hình nối với Ground Zero*.
Đây là sự kiện mở đầu của Hội nghị Thế giới “Liên kết để cùng tồn tại - Tôn giáo và văn hóa trong đối thoại” theo sáng kiến của Cộng đoàn Thánh Egidio** và Tổng giáo phận München và Freising, diễn ra tại München từ 11 đến 13 tháng Chín. Tổng thống Cộng hoà Liên bang Đức Christian Wulff cũng sẽ tham dự.
Đối với các nhà tổ chức, München –nơi diễn ra Hội nghị– là “một nơi tượng trưng cho giao lộ của lịch sử châu Âu”.
Hội nghị này cũng nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tại Assisi vào tháng Mười sắp tới, nơi Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ gặp các nhà lãnh đạo của các tôn giáo lớn trên thế giới.
25 năm trước, vào năm 1986 tại Assisi đã diễn ra buổi cầu nguyện cho hòa bình lần đầu tiên theo sáng kiến của chân phước Gioan Phaolô II. Đó là một lời nhắc nhở về ý nghĩa của việc mọi người thuộc mọi tôn giáo cùng chung sống hoà bình.
“Tinh thần Assisi đến với München” Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng giám mục München đã tuyên bố như trên với các đại diện của Cộng đoàn Thánh Egidio trong một cuộc họp báo tại München ngày 7 tháng Bảy.
Trong 25 năm qua kể từ Ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi năm 1986, hằng năm Cộng đoàn Thánh Egidio đều tổ chức Hội nghị nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các vị lãnh đạo các giáo phái Kitô giáo với các tôn giáo lớn trên thế giới và để gìn giữ di sản của sự kiện lịch sử này.
Tại Hội nghị tháng Chín sắp tới sẽ có các đại diện chính trị và tôn giáo của gần 60 quốc gia tham dự.
Chính quyền bang Bavaria và Chính phủ Liên bang Đức rất sẵn sàng tham gia Hội nghị này. Tổng thống Liên bang Christian Wulff sẽ khai mạc Hội nghị vào ngày 11 tháng Chín, đúng mười năm sau thảm kịch ở New York và Washington. Thủ tướng Angela Merkel sẽ có bài diễn văn tại phiên họp toàn thể vào ngày 12 tháng Chín. Cũng có rất đông các bộ trưởng tham gia Hội nghị này.
Một số lớn các nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ có mặt tại Hội nghị.
Về phía Công giáo, trong số nhiều vị hồng y và giám mục tham dự Hội nghị, có: Đức Tổng giám mục Robert Zollitsch Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức; Đức Hồng y Kurt Koch và Đức Hồng y Roger Etchegaray (Tòa Thánh); Đức Hồng y Crescenzio Sepe (Napoli), Đức Hồng y Philippe Barbarin (Lyon) Đức Hồng y Péter Erdö (Budapest) và Đức Hồng y Martinez Lluis Sistach (Barcelona).
Về phía Giáo Hội Tin Lành, có đại diện cấp cao của Giáo Hội Tin Lành và cải cách trên thế giới và tại nước Đức: Chủ tịch Hội đồng EKD Präses Nikolaus Schneider, Giám mục Johannes Friedrich.
Phía Chính thống giáo và các Giáo Hội Đông phương có nhiều đại diện ở cấp cao nhất: Đức Thượng phụ Daniel, thuộc Giáo Hội Chính Thống Romania, Đức Tổng giám mục Chrysostomos II, Trưởng Giáo Hội Cyprus, Đức Thượng phụ Paulos, Giáo Hội Chính Thống Ethiopia, và Đức Thượng Phụ Aram I của Armenia Cilicia.
Đại diện cho Giáo Hội Chính Thống Nga là một phái đoàn đông đảo do Thượng phụ giáo chủ Filaret dẫn đầu.
Các đoàn đại biểu đông đảo và cao cấp của Do Thái giáo và đạo Islam là dấu hiệu của việc tham gia tích cực vào lĩnh vực đối thoại. Trong số những đại diện quan trọng nhất có Rabbi trưởng của Israel, Yona Metzger; Rabbi trưởng của Roma, Riccardo di Segni; Rabbi của Köln, Jaron Engel Meyer; Rabbi trưởng của Nga, Berl Lazar và Rabbi trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, Isak Haleve.
Về phía đạo Islam có Mohammed Rifaah al-Tahtawi, Thành viên Hội đồng Ngoại vụ Ai Cập; Chủ tịch Trung tâm Hồi giáo New Delhi, Wahiduddin Khan; chủ tịch của Nahdlatul Ulama - tổ chức Hồi giáo lớn nhất ở Indonesia và thế giới, Said Aqil Siroj. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của Mustafa Ceric, Mufti *** của Sarajevo, và Mustafa Cagrici, Mufti của Istanbul.
Cuối cùng, còn có đại diện của Phật giáo Nhật Bản, Sri Lanka và Campuchia, đại diện các tôn giáo Ấn Độ cổ đại, các tôn giáo truyền thống Giaina (Jainismus ) và Bái hỏa giáo (Parzismus) cũng như Thần đạo.
(Theo Zenit, 02-09-2011)
––––––––––––––––––––
* Ground Zero (Khu vực số không) là tên được đặt cho hiện trường xảy ra vụ tấn công khủng bố, nơi trước kia tọa lạc tòa Tháp đôi. Nơi đây hiện đang xây cất Tháp Tự do cao 541 m, dự định hoàn thành trong năm 2012.
** Cộng đoàn Thánh Egidio là một Cộng đoàn Kitô hữu, thành lập năm 1968 tại Roma và được Giáo Hội Công giáo chính thức thừa nhận là một “Hiệp hội giáo dân”. Cộng đoàn này có 50.000 thành viên và có mặt tại hơn 70 quốc gia.
*** Mufti là người có thẩm quyền tôn giáo cao cấp của Islam, thuộc phái sunni, có khả năng giải thích luật.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô