Lòng tin trở thành văn hóa để ngăn cản văn hóa bóp nghẹt lòng tin

Lòng tin trở thành văn hóa để ngăn cản văn hóa bóp nghẹt lòng tin

“Lòng tin trở thành văn hóa để ngăn cản văn hóa bóp nghẹt lòng tin”
Trao đổi với Đức ông Barthélémy Adoukonou, thư ký của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa

“Kẻ không có sự giản dị để nhận thì cũng chẳng có quyền cho”, Joseph Ratzinger đã có lần nói như vậy.

Và đó cũng là bài học một linh mục trẻ của xứ Bénin tiếp thu được, khi thụ giáo vị giáo sư người Bavière này, vào những năm 70 tại Ratisbon. Hiện nay, vị giáo sư này đã là Giáo hoàng Bênêđictô XVI và linh mục người châu Phi đã là thư ký mới của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa.

Linh mục này có tên là Barthélémy Adoukonou, xuất thân từ một gia đình vương giả ở Abomey, và là một người đại diện trổi trang của nền thần học châu Phi. Chúng tôi đã gặp ngài khi ngài tới Roma, nơi ngài được thụ phong linh mục vào năm 1966. Vị giáo sĩ 68 tuổi này cũng đã làm việc tại Ủy ban thần học quốc tế với người sau này sẽ làm giáo hoàng. Thấu hiểu nền văn hóa Tây Phi châu, ngài đã dạy học tại các chủng viện và đại học trong nhiều thập niên. Ngày 3-12, ngài được chỉ định vào một nhiệm sở mới tại cơ quan do Tổng giám mục Gianfranco Ravasi điều hành.

– Mùa hè này, Đức Hồng y Bertone đã thông báo là châu Phi có thêm đại diện tại Roma. Các quyết định mới đây của ĐGH Bênêđictô XVI xem ra đã xác nhận khuynh hướng này.

– Tôi đặt việc đề cử tôi, và tất cả các đề cử người châu Phi, trong quỹ đạo của lịch sử gặp gỡ giữa châu Phi và phương Tây: sự gặp gỡ được thể hiện không chỉ trong hành động quân sự và thương mại, mà cả truyền giáo nữa. Tôi thuộc nhóm những người vẫn luôn tin rằng thừa sai là dung mạo của người Samari nhân hậu bên giường bệnh của một châu Phi bị rơi vào tay kẻ cướp, có thể là binh lính mà cũng có thể là thương nhân. Trong tấn bi kịch của nhân tính bị phủ nhận này, vị thừa sai là người Thiên Chúa muốn dùng để thể hiện một câu truyện khác về người da đen trong đó người này được đưa về lại vị trí đáng được tôn trọng như mọi con người khác. Vị thừa sai này có thể chưa xác tín là có một nền văn hóa châu Phi. Nhưng các nhà truyền giáo nhiệt tình đã xuất hiện, các ngài đã quan tâm tới những mầm mống Lời Chúa rải rác trong chính nền văn hóa của chúng tôi, và đã cố gắng tập hợp lại làm một với Lời hằng sống. Và khi, vào năm 1956, các linh mục người da đen đã bắt đầu đặt câu hỏi về chính mình, người ta đã có thể nhận ra có một sự tiếp nhận nội sinh đầu tiên, mặc dù có tính phê phán, nỗ lực đối thoại giữa lòng tin và văn hóa mà các linh mục thừa sai của chúng tôi, những người anh em đến từ châu Âu, cố gắng thực hiện nhân danh châu Phi. Các linh mục người da đen đã làm điều này trong chiều hướng của phong trào thuộc chủ nghĩa châu Phi để bảo vệ các giá trị văn hóa của người da đen: tính đặc trưng của các dân tộc da đen”.

– Nhưng cũng phải mất nhiều năm để có được những câu trả lời đầu tiên?

– Vào thời Công đồng chung Vatican II, nhà đại trí thức công giáo người Sénégal, Alioune Diop, với tất cả các nhà văn hóa đã sống tại lục địa hay tại Caribê, đã bày tỏ niềm hy vọng sẽ có một công đồng châu Phi. Và khi, ba mươi năm sau, vào năm 1994, Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II triệu tập công đồng này dưới hình thức một Hội nghị đặc biệt của Thượng hội đồng Giám mục, các vị chủ chăn và các nhà thần học người da đen đã đảm nhận chiều sâu nhân văn của nền văn hóa châu Phi để khẳng định quyết tâm của các ngài trong việc xây dựng Giáo hội thành “Gia đình Thiên Chúa” và “Huynh đoàn Đức Kitô”. Đây là một hành động lớn trong quá trình hội nhập văn hóa mà chúng tôi chưa lường hết tính hữu hiệu của nó trong lịch sử.

– Ngài hiểu thế nào về lời kêu gọi của Đức giáo hoàng?

– Tôi nghĩ rằng đây là một giai đoạn quyết định trong việc nhìn nhận rằng bản tính con người tại châu Phi cũng có chính cái tính năng động trong diễn tả được Công đồng Vatican II định nghĩa là văn hóa trong văn kiện Gaudium et Spes [Vui mừng và Hy vọng]. Người da đen, như tất cả các người khác, cũng có khả năng Tin Mừng bởi vì người da đen cũng có nơi mình yếu tố được Công đồng gọi là văn hóa theo nghĩa sâu sắc nhất. Với việc tôi được chỉ định vào công việc này, có thể nói một bước tiến mới đã được thực hiện trong quá trình nhìn nhận nền thần học châu Phi như là cách diễn tả của lòng tin biến thành văn hóa. Lòng tin trở thành văn hóa để ngăn cản văn hóa bóp nghẹt lòng tin, nghĩa là bóp nghẹt con người. Chính con người có lòng tin là kẻ thực hiện sự hội nhập văn hóa.

– Vào năm 2009, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI lần đầu tiên đến lục địa và mấy tháng sau đó, đã dành cho châu Phi một Thượng Hội đồng đặc biệt thứ hai. Ngài có nghĩ là Giáo hội đã đủ quan tâm tới lục địa này?

– Là thừa sai từ thâm tâm của mình, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI có lòng yêu quý châu Phi. Ngài như có sự “đồng lõa” thân tình với châu Phi trên bình diện thần học.

Luận án tiến sĩ của ngài bàn về Giáo hội học, Giáo hội là “Dân và là nhà của Chúa”. Và bản văn, có từ những năm đầu sau Công đồng, về Giáo hội như huynh đoàn, cùng với luận án này, làm thành một tác phẩm gồm hai phần, vốn cũng hợp với chọn lựa của châu Phi tại Thượng hội đồng thứ nhất, là xây dựng Giáo hội của Chúa như “nhà và gia đình của Chúa”, “Huynh đoàn của Đức Kitô”. Giáo hội tại châu Phi, khi đi vào con đường hội nhập văn hóa, đã đi bằng con đường chính theo giáo hội học: giáo hội có cơ hội thuận lợi, hay được ơn thực hiện sự hội nhập này, khi một vị giáo hoàng của giáo hội học, đầy “tâm hồn giáo hội học” tiếp nối một vị giáo hoàng cũng đầy lòng yêu quý đối với châu Phi, Đức Gioan-Phaolô II. Thật may mắn làm sao, chúng ta có thể nói được như vậy. Tôi muốn nói: ân sủng lớn lao làm sao.

Mặt khác, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, khi mở một Thượng hội đồng thứ hai về lục địa với chủ đề về những câu trả lời có tính cách mục vụ cần phải có cho các vấn đề xã hội, đã diễn tả cái cốt lõi của điều Giáo hội muốn thực hiện để chu toàn vai trò người Samari nhân hậu trước số phận của châu Phi đã bị coi như chết rồi. Đức giáo hoàng đã triệu tập Thượng hội đồng ngay sau khi công bố thông điệp Caritas in Veritate [Bác ái trong Chân lý], như để ban cho châu Phi thứ bánh bởi trời của học thuyết xã hội cần thiết để dấn thân vào con đường hòa giải, công lý và hòa bình. Nhãn giới nhân vị-cộng đồng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, sinh thái và xã hội nói chung, hoàn toàn đi đôi với giáo hội học của ngài, vốn cũng là của châu Phi.

– Ngài tham dự các cuộc họp mặt của các học trò cũ của Ratzinger. Ngài thấy vị giáo sư trẻ tuổi ở Ratisbon thế nào?

– Ngài và Rahner đã gây ấn tượng nơi tôi vào các năm diễn ra công đồng Vatican II. Sau đó, tới Ratisbon, tôi khám phá ra ngài là một nhà thần học sắc sảo, vốn không ngồi ở bàn để đọc bài đã soạn sẵn, mà xem ra như đọc từ trời. Ngài có một cái nhìn toàn cảnh về lịch sử và tổng hợp một cách sâu sắc như thường thấy nơi một người Đức và cũng rõ ràng mạch lạc như thường thấy nơi một người Latinh. Chiều hướng lấy Đức Kitô làm trung tâm trong tư tưởng của ngài làm tôi say mê: chúng ta bắt gặp lại chiều hướng này trong tất cả các chủ để được triển khai với khả năng kết nối hiếm có. Ngài triển khai tư tưởng của ngài về sự hiệp thông, một cách dễ hiểu, và tóm lược vô số các yếu tố mà nhiều giáo sư, trong số đó có thể có cả tôi, không phải lúc nào cũng có thể thống nhất được khiến các sinh viên đâm mệt mỏi.

– Đó phải chăng là những năm tháng sôi động?

– Tôi chuẩn bị luận án tiến sĩ vào lúc phương pháp phê phán lịch sử tung hoành một cách thái quá trong ngành chú giải. Mọi thứ đều bị cắt xẻ và chẳng ai có thể biết phải làm thế nào để có được một tổng hợp sống động và cốt tử để Lời Chúa có thể trở thành của ăn nuôi dưỡng con người. Tôi cảm tạ Chúa vì đã gặp được một người thày có tài phân biệt hiếm hoi và sắc bén. Giáo sư Ratzinger là một nhà phân tích tinh tế và một nhà thần học tài ba. Tôi đã biết ngài như vậy, và ngài vẫn tiếp tục là như vậy cho tới bây giờ.

– Những kỷ niệm đặc biệt?

– Khởi đầu, tôi bị tác động bởi trào lưu đại-châu Phi hiện nay, đối với khẳng định về con người da đen và quyền tự chủ của người da đen: một quan điểm đặt nền tảng trên sự nghi ngờ tất cả những gì là Tây phương. Tôi đặt lại vấn đề về tất cả những gì được đem từ ngoài vào, xem đó như một thứ âm mưu của chủ nghĩa đế quốc văn hóa… Câu trả lời đến với tôi, một ngày nọ, khi tôi dùng bữa với giáo sư của tôi tại Pentling. Giáo sư nói với tôi: “Anh biết đó, Barthélémy, người Đức chúng tôi cũng thế, sau chiến tranh, chúng tôi không mấy dễ dàng tìm được lương thực và phải nhờ đến người Mỹ giúp qua chương trình Marshall. Kẻ không có sự giản dị để nhận thì cũng chẳng có quyền cho”. Khi ấy, tôi đã hiểu rằng sự sống là “cho” và “nhận”, một sự chia sẻ. Ý tưởng hiệp thông được diễn tả từ đó, với tính cách thần học, không thể là chủ nghĩa đế quốc.

– Thế còn linh mục Ratzinger thì sao?

– Một con người của lòng tin và một nhà nhân văn, rất ân cần, quan tâm đến việc xây dựng các mối quan hệ với người khác trong sự thật và tôi chẳng ngạc nhiên chút nào khi ngài chọn làm châm ngôn giám mục “Cooperatores Veritatis” [Những kẻ hợp tác với Chân lý], và ngay trước cuộc họp hồng y đoàn bầu ngài làm Giáo hoàng, ngài đã chẩn đoán một cách hết sức sâu sắc về tình hình tinh thần của thời đại chúng ta khi ngài nói đến mối hiểm họa chung là “sự chuyên chính của chủ nghĩa tương đối”. Lục địa đen, bị xem như có nguy cơ tiêm nhiễm nhất, được diễm phúc chào đón một lần nữa nơi ngài người mục tử có thể bảo vệ điều gì là thiết yếu đối với con người: mối quan hệ cốt tử của con người với chân lý.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top