Lời tựa Thơ Trăng Thập Tự
Từ Manila, qua lá thư đề ngày 25.01.2005, Trăng Thập Tự đã viết cho tôi, trong đó có một đoạn: “Những năm ở Tiểu chủng viện, con đã say mê thơ của cha, và cũng nhờ nhìn lên gương cha mà con đã theo đuổi tâm nguyện làm thơ cho Chúa. Do đó với lòng biết ơn con ước mong xin cha đề tựa cho tập thơ của con. Con hy vọng lời giới thiệu của cha sẽ cho thấy sự liên tục giữa các thế hệ văn học Công giáo Việt Nam, và cũng sẽ gợi hứng cho các anh chị em trẻ cầm bút ca ngợi Chúa”.
Lời thư của Trăng Thập Tự có quá cường điệu chăng? Nếu không, tôi chân thành cám ơn Trăng Thập Tự và xin cùng nhau cúi đầu tạ ơn Chúa. Riêng ý thứ hai của lá thư, tôi không biết mình có làm được gì – qua bài tựa – để gợi hứng cho anh chị em trẻ cầm bút ca ngợi Chúa. Dù sao đó cũng là một ý tưởng có tầm nhìn xa và rất xây dựng.
Trước khi đi vào thơ Trăng Thập Tự, xin góp một ít lời về thơ. Ngoài định nghĩa thông thường của khoa cử, còn có nhiều kiểu nói về thơ. Thơ là tiếng nói xé lòng của những tâm hồn đau khổ. Thơ là sự trào tràn chữ nghĩa trong những giờ phút điên loạn của trái tim và trí tuệ. Thơ là tiếng thì thầm trong tĩnh lặng của những giây phút xuất thần đối với các tâm hồn chiêm niệm. Thơ là tiếng hát giữa rừng khuya của một con họa mi cô đơn. Thơ là chắt lọc của tinh hoa, là ma lực của ngôn từ và hình ảnh, cực tả bản chất, chiều sâu, tức là cái linh hồn của vạn vật trong vũ trụ thiên nhiên. Nhưng thực ra, cái gì không phải thơ thì dễ nói, còn chính thơ là gì thì không dễ nói ra.
Xưa nay thơ có nhiều trường phái – hay nói đúng hơn, thơ có nhiều khuynh hướng – đại loại có thơ cổ phong, cổ điển, thơ cũ, thơ mới, thơ hiện thực, thơ siêu thực, thơ trừu tượng, anh hùng ca, thơ trữ tình lãng mạn… Vậy thế nào là tiếng thơ Trăng Thập Tự?
Trong bài dẫn nhập tuyển tập Có Ai Về Cát Minh, Trăng Thập Tự đã bộc bạch ý nghĩa bút danh của mình: “Trăng tượng trưng cho nghệ thuật, thập tự tượng trưng cho đời tu. Một bên tròn một bên vuông, tưởng chừng không sao hòa hợp được, thế nhưng khi Đức Giêsu gục đầu trên cây giá gỗ ấy thì quanh đầu Ngài tỏa ra một vòng hào quang...” Đặt Đức Kitô và cây thập giá của Ngài vào thơ, Trăng Thập Tự minh thị đã lấy Thánh Kinh làm nền tảng cho sáng tác của mình.
Về mặt văn chương, Thánh Kinh là một vườn thơ lấp lánh muôn vạn hào quang của những bài trần thuật, kí sự đầy ấn tượng và kịch tính, những trang sử huy hoàng, những bản anh hùng ca tráng lệ, những tứ thơ rất lạ lùng và những giai điệu trữ tình rất diễm tuyệt. Xưa nay trong những nền văn học chịu ảnh hưởng Kitô giáo, rất nhiều tác giả đã lấy Thánh Kinh làm đề tài sáng tác cho mọi bộ môn nghệ thuật, nhất là trong địa hạt văn chương.
Với thơ Trăng Thập Tự, Thượng Đế của Thánh Kinh đã biến thành bài ca, điệu nhạc, thành một bức họa toàn bích để phong phú hóa và thánh hóa cõi nhân sinh vốn đã đóng băng, cằn cỗi tẻ nhạt, trống vắng vì đôi mắt không biết trông lên.
“Tôi sẽ đọc Thượng Đế thành bài thơ cho em nghe
Phổ thành bài ca cho em hát
Viết thành điệu nhạc để em ngâm
Họa thành bức tranh cho em ngắm
Vì em là người
Đôi mắt trông lên.”
(Cho em Thượng đế)
Khao khát vô biên, thèm mong tuyệt đối, ước mơ một hạnh phúc vĩnh cửu, đó là khuynh hướng bẩm sinh và siêu thoát của mọi người, nhất là đối với văn nghệ sĩ, vốn có một trái tim bén nhạy hơn người. Thế giới khả giác không lấp nổi khát vọng vô biên của con người. Nếu con người chỉ biết hưởng thụ vật chất, đắm chìm trong bến mê, con người càng thấy mình cô đơn buồn chán và trống rỗng. Nỗi khát khao, mong nhớ thiết tha vô cùng ấy đối với một Quê Hương vĩnh hằng lại càng day dứt dày vò như tâm sự của vị thánh nhà thơ Tây Ban Nha thế kỷ XVI:
Người ẩn nơi nao, hỡi Người Yêu Dấu,
Mà bỏ em rên rỉ?
Như một con nai, Người trốn biệt,
Sau khi đã làm cho em bị thương,
Em chạy ra, gọi với theo Người, thì Người đã đi.
(Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca)
Tuyển tập Có ai về Cát Minh, lấy ra từ mười một tập mỏng, nói chung được xếp theo thứ tự thời gian, làm thành một tuyển tập đa dạng có dáng dấp thần bí, mang sắc thái nhiều hoàn cảnh tâm tư và tâm trạng khác nhau, dọc theo hành trình của ơn gọi tu hành và biến chuyển của lịch sử Giáo Hội và dân tộc.
Tập mỏng đầu tiên, Hoa học trò, giữ lại những bài thơ đầu đời. Đất nước trải qua 20 năm bị chiến tranh tàn phá, chứng kiến hằng ngày cảnh bom đạn gây ra chết chóc đổ vỡ, tâm hồn con người đã biến thành nước mắt, đọng lại như một bản kinh sầu, kinh cầu cho quê hương. Lúc bấy giờ tác giả đã khẩn khoản cầu xin Đức Mẹ:
“Hỡi Nữ Vương của bình an chân thật,
Hỡi Nữ Vương nước Việt ngự trên trời!
Xin hãy ban hòa bình cho hiện tại,
Để khởi hành vào hạnh phúc tương lai.”
(Chào Nữ Vương)
“Chúng con trốn vào đâu cho khỏi thấy
Chuyện đau lòng trên lãnh thổ quê hương
Dù có đến miền then cài cửa đóng
Vẫn còn nghe bom đạn giết yêu thương.”
(Con đến đây)
Ghê tởm chiến tranh và khát mong hòa bình là hai cực của tâm tư nhân loại. Xa rồi gần, tán rồi tụ, đó là lối mòn của lịch sử.
Mười tập mỏng còn lại được viết khi cánh chim hòa bình về bay lượn trên bầu trời quê hương thống nhất:
Ta dung dăng dung dẻ
Đưa nhau về Thăng Long.
Chị thật là nhỏ bé,
Em vẫn còn lông bông.
(Dung dăng dung dẻ)
Người chị ấy là thánh Têrêxa, người nữ tu Cát Minh thế kỷ XIX bên trời Âu đã ôm ấp Hà Nội trong lòng.
Nhiều nhân vật Thánh Kinh đã được minh họa trong tác phẩm. Từ nguyên tổ Ađam, Evà, tổ phụ Abraham, các ngôn sứ, Đức Mẹ Maria…, tất cả đều quy hướng về Đức Giêsu Kitô là chóp đỉnh, là tâm điểm và trọng điểm của toàn bộ Thánh Kinh Cựu và Tân ước.
Là linh mục làm thơ, Trăng Thập Tự đã đưa Lời Chúa vào tác phẩm của mình, tình Chúa và tình người đan quyện vào nhau, hòa nhập vào nhau như tiếng đàn và dây đàn, cùng hát lên một bài hợp xướng. Hình ảnh Đức Kitô đậm đặc cũng như bàng bạc ở hơn một nửa số các bài thơ. Từ mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh, Nadarét, cho đến cảnh rao giảng, hóa bánh ra nhiều, bước đi trên mặt nước, biến hình trên núi Tabor, rồi dùng bữa tại gia đình Bêtania:
Xin đến ngàn năm còn bỡ ngỡ,
Ngàn năm ai hiểu được người ơi,
Thiên Chúa cao xanh tình nặng nợ
Yêu thương nhân loại tới muôn đời!
(Thượng đế 33 tuổi)
Những câu lục bát không sáo ngữ, rất nhẹ nhàng, dễ thương, rồi những bài thơ ngũ ngôn, thất ngôn, kể cả Đường luật, phá thể, rất chững chạc, trong đó tác giả đã ký thác đời mình cho Chúa Giêsu Kitô:
Lạc nhau giữa phố Sài Gòn,
Tìm Ngài con đạp đến mòn bánh xe.
Thương nhau thì dắt nhau về,
Chúa ơi nắng thế, lá me đâu rồi?
(Diễm Ca)
Và Đức Kitô ấy như thế nào? Trăng Thập Tự không trình bày những sự kiện về Đức Giêsu Kitô như được mô tả trong Thánh Kinh, nhưng tác giả thường nhập vai, sống một mình với Chúa để cảm nghiệm rồi sau đó ghi lại một vài nét rất riêng tư độc sáng và cũng rất độc đáo. Tỉ như trong 10 bài cùng đề tựa Ghetsêmani, Đức Kitô hấp hối 10 cách nhau :
Ôi Thiên Chúa, đêm nay Ngài khóc,
Đêm nay Ngài trằn trọc trong tôi.
…
Mình trăng tư lự đêm dài,
Mực sương giấy lá chép bài kinh khuya.
(Ghetsêmani 7)
Đời lãng quên con hết,
Chỉ còn riêng Cha thôi.
Con sức cùng, lực kiệt,
Cha ơi, Cha đâu rồi!
(Ghetsêmani 10)
Và cả những bài về mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh cũng thế:
Khi con gọi Êli
Ta cũng quay đi
Con biết không con?
Cha đã trút linh hồn!
(Con biết không con)
Con trăng chết rũ bêu cành,
Sáng nay nó dậy hóa thành Vầng Dương.
…
Con trăng bùn lấp hôm qua,
Sáng nay em rước lên tòa lòng em.
(Người Bị Đóng Đinh)
Ngang qua những nét riêng tư ấy, tác giả giới thiệu Đức Kitô, Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa là Ngôi Lời Hằng Hữu:
Ta là không, ta là chưa,
Ngài vừa là có, lại vừa là xong.
(Vọng 2000)
***
Con người bị hạn chế trong không gian tưởng như vô cùng và trong thời gian miên viễn. Văn chương nghệ thuật và sản phẩm của tâm não con người, hình thành bởi hơi thở thần linh, là vóc dáng thu gọn của thiên nhiên vũ trụ.
Tiếng nói của thi ca dù to lớn đến đâu cũng chỉ là một tích tắc phù du, một chấm phẩy li ti trước bao la trời đất. Điều đáng nói là con người không bao giờ nên liều lĩnh phủ nhận thân phận nhỏ bé của mình trước Đấng là nghệ sĩ tuyệt tài, Đấng Vĩnh Hằng là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, Đấng sáng tạo toàn năng nắm trong tay vũ trụ, lịch sử và con người.
Làm sao nói hết và nói đúng về một tác phẩm tương đối nặng về lượng và không nhẹ về phẩm. Những nét chính yếu trên đây mới chỉ là một cái nhìn khái quát về vườn thơ Trăng Thập Tự.
Tiêu biểu cho một số khá nhiều những cây bút trẻ và tương đối trẻ, có khuynh hướng tôn giáo trong thi ca, Trăng Thập Tự đã cho hồn mình đi vào Thánh Kinh, thấm đậm linh đạo Cát Minh, cầu nguyện với lời Chúa, diễn tả sự vật và biểu hiện tâm tình qua lăng kính của Đức Tin. Với văn phong của một cây bút còn sung sức, tác giả Có ai về Cát Minh sẽ không thất vọng khi đưa Đức Tin vào văn hóa dân tộc.
Thanh Xuân mùa mưa 2005
Nguồn:
dunglac.org
bài liên quan mới nhất
- Trường ca Tự Tình Khúc
-
Thao Thức -
Thơ: Máu chiều tình sử -
ĐTC ca ngợi Dante Aleghieri là ngôn sứ của niềm hy vọng và đại thi hào lòng thương xót -
Thơ: Một cõi đi về -
Kính nhớ nữ tu Mai Thành Bùi Thị Như Kha (1928-2019) -
Hội ngộ liên tôn 2018: Cảm tác của thi hữu Đồng Xanh Thơ Sài Gòn -
Chuỗi Kinh Kính Lòng Thương Xót -
Vườn nho Hội Thánh -
Hồng ân nhắc bảo